
Bài 1: Nghị lực và khát vọng vươn lên

Với nguồn động lực đến từ những chủ trương, chính sách an sinh xã hội kịp thời và tình cảm sẻ chia của cộng đồng nhiều hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn nêu cao tinh thần nỗ lực để thoát nghèo, vươn lên thoát nghèo, xây dựng đời sống mới.

Câu chuyện về nghị lực vượt khó của ông Chu Đức Chí ở khu Hồng Phong (phường Ninh Dương, TP Móng Cái) khiến nhiều người cảm phục. Hơn chục năm về trước, gia đình ông Chí thuộc diện khó khăn nhất phường, trong nhà hầu như không có tài sản gì đáng giá. Cuộc sống vất vả, quanh năm “chân lấm, tay bùn” mà chẳng cho chút nào dư dả, tưởng chừng mãi bế tắc. May sao, năm 2009, ông Chí được Hội Nông dân phường bình xét, tạo điều kiện hỗ trợ làm hồ sơ thủ tục để vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội theo hình thức tín chấp, lãi suất thấp. Khoản tiền 30 triệu trong thời hạn 24 tháng lúc đó chính là phao cứu sinh rất kịp thời, giúp ông Chí đầu tư vào chăn nuôi gia súc, gia cầm. Rất ấn tượng là ngay trong năm đầu tiên vay vốn, ông Chí đã tiết kiệm được 20 triệu đồng, khi đủ 24 tháng thì thù hồi toàn bộ vốn, hoàn trả cho ngân hàng đúng thời hạn quy định.

Gia đình ông Chu Đức Chí (phường Ninh Dương, TP Móng Cái) đã vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách, hình thành đàn bò hơn 40 con.
Gia đình ông Chu Đức Chí (phường Ninh Dương, TP Móng Cái) đã vươn lên thoát nghèo nhờ vay vốn chính sách, hình thành đàn bò hơn 40 con.
Nắm chắc cơ hội trong tay, ông hăng hái vừa lao động, vừa tìm tòi học hỏi, mạnh dạn đăng ký tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật do phường, thành phố tổ chức. Cứ thế, vừa làm, vừa tích góp trả lãi ngân hàng, vợ chồng ông Chí từng bước mở rộng quy mô chăn nuôi. Đến nay, cuộc sống đã sang một trang mới đẩy tươi sáng. Hoàn cảnh đói nghèo đã lùi xa, gia đình ông còn mua sắm được một số tiện nghi sinh hoạt và nuôi các con học hành thành tài... Gia đình ông hiện đã có đàn bò sinh sản của riêng mình với quy mô 40 con – một điều mà trước đây tưởng chừng chỉ là một giấc mơ xa vời. Nhiều hộ trong vùng còn đến gặp ông để học tập kinh nghiệm, tìm kiếm nguồn bò giống chất lượng tốt đề đưa về chăn nuôi.
Tại hội nghị tổng kết 20 năm thực hiện Nghị định 78/2002/NĐ-CP ngày 04/10/2002 của Chính phủ (giai đoạn 2002-2022) về tín dụng đối với người nghèo được TP Móng Cái tổ chức cuối tháng 7/2022, ông Chí là 1 trong những cá nhân tiêu biểu được nhận Giấy khen của Tổng Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Việt Nam. Hàng năm, ông Chí vẫn luôn được biểu dương, khen thưởng là một trong những hội viên nông dân lao động sản xuất giỏi, tích cực tham gia các phong trào vì cộng đồng.

Nhiều nông dân TP Đông Triều vươn lên khá giả nhờ mô hình trồng na.
Nhiều nông dân TP Đông Triều vươn lên khá giả nhờ mô hình trồng na.
Rời địa đầu Móng Cái, chúng tôi đến thăm gia đình anh Nguyễn Văn Lợi thôn Đìa Sen (xã An Sinh, TX Đông Triều), cũng là một trong những tấm gương sáng thoát nghèo bằng ý chí, nghị lực vươn lên. Hoàn cảnh khó khăn trước đây của gia đình anh Lợi thì trong thôn ai cũng biết. Hai vợ chồng chỉ làm nghề nông nhưng loay hoay sản xuất kém hiệu quả, nên để có thêm thu nhập nuôi 2 con ăn học và trang trải sinh hoạt gia đình, anh Lợi thường xuyên xa nhà đi làm thợ xây theo mùa vụ. Vợ anh Lợi – chị Nguyễn Thị Lẫy lại là bệnh nhân suy thận nặng, không có sức lao động phụ giúp chồng, chi phí chạy thận nhân tạo tốn kém... càng khiến kinh tế gia đình thêm lao đao, nhiều lúc tưởng chừng kiệt quệ.

Mô hình bưởi Diễn cũng đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, làm giàu.
Mô hình bưởi Diễn cũng đã giúp nhiều hộ nông dân thoát nghèo, làm giàu.
Bước ngoặt đến với vợ chồng anh Lợi khi năm 2015, anh hạ quyết tâm vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội 50 triệu đồng để đầu tư chuyển đổi vườn cây kém hiệu quả sang trồng na tiêu chuẩn VietGAP. Người nông dân này còn khiến bà con lối xóm bất ngờ bởi nghị lực thoát nghèo đáng nể phục. Những ngày vợ chạy thận, anh chịu thương chịu khó chăm vợ từ việc đi lại cho đến từng bữa ăn. Việc học hành của các con cũng chưa từng bị thiếu sót. Thời gian còn lại, anh không quản mưa nắng, vất vả sớm hôm, thậm chí làm ngày, làm đêm để tự mình cải tạo vườn cây, chăm bón cho từng gốc na trong vườn với hy vọng đây sẽ là cơ hội để cải thiện cuộc sống gia đình.

Anh Hoàng Quang Chung (ngoài, bên phải) thôn Bản Ngày 2 (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) thoát nghèo nhờ trồng cây dong riềng.
Anh Hoàng Quang Chung (ngoài, bên phải) thôn Bản Ngày 2 (xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu) thoát nghèo nhờ trồng cây dong riềng.
Mồ hôi, công sức, tâm huyết của anh Lợi đã mang lại thành quả ngọt ngào. Sau 5 năm trồng na, anh đã phát triển được trên 1.000 gốc na trên diện tích gần 2ha. Đến nay, vườn na giúp anh Lợi mỗi năm thu về được khoảng 250 triệu đồng, nếu trừ hết chi phí có lãi 170 triệu đồng/năm. Gia đình thoát khỏi diện nghèo, điều kiện kinh tế vững vàng hơn trước, anh Lợi cũng đã cất được tổ ấm mới khang trang rộng hơn 100m2 thay cho ngôi nhà sập sệ trước đây. Trong câu chuyện kể với chúng tôi, anh luôn nhắc đến những chương trình hỗ trợ của cấp ủy, chính quyền, các đoàn thể địa phương, tình cảm đùm bọc “tối lửa tắt đèn có nhau” của bà con lối xóm, thực sự đã mở ra cho gia đình anh một cánh cửa đầy hy vọng để vượt lên hoàn cảnh, không cam chịu đói nghèo.




So với Đông Triều hay Móng Cái, câu chuyện giảm nghèo ở huyện vùng cao, biên giới nhưng Bình Liêu còn nan giải hơn. Bởi đặc thù địa phương này có tới trên 96% dân số là người dân tộc thiểu số, đời sống vật chất, tinh thần của người dân đều còn rất nhiều khó khăn, thiếu thốn đặc thù... Thế những bằng những cách làm phù hợp, những năm qua, công tác giảm nghèo ở Bình Liêu đã đạt được những kết quả đáng khích lệ. Nhiều hộ dân đã thành công ra khỏi diện nghèo, cận nghèo nhờ được tiếp cận đầy đủ, kịp thời các chính sách ưu đãi, hỗ trợ của Nhà nước, từng bước hình hành ý chí, khát vọng thoát nghèo bằng chính sức lao động, sáng tạo của chính mình, làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Nông dân huyện Bình Liêu làm miến dong thủ công.
Nông dân huyện Bình Liêu làm miến dong thủ công.
Anh Hoàng Quang Chung ở thôn Bản Ngày 2, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu, là một trong những điển hình như vậy. Do thiếu sức lao động, thiếu vốn và phương pháp tổ chức sản xuất, nên dù có ruộng đất nhưng gia đình anh trước đây thuộc diện hộ cận nghèo của địa phương. Gần 2 năm nay, làm theo lời khuyên của các cán bộ xã và thôn về chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng thâm canh cây dong riềng trên diện tích lớn gia đình anh đã dần nâng cao thu nhập. Vụ thu hoạch dong riềng đầu tháng 11/2022 vừa qua, diện tích ruộng của anh Chung cho thu về gần 8 tấn củ, có thương lái mua tận nơi với giá 3.000 đồng/kg. Vậy là gia đình anh Chung thu về gần 20 triệu đồng. So với trồng lúa, ngô thì trồng dong riềng cho thu nhập cao và ổn định hơn nhiều lần, niềm mong mỏi ra khỏi diện cận nghèo của anh Chung đã thành hiện thực.
Trong tâm trạng phấn khởi được mùa dong riềng, anh Chung kể với chúng tôi: Để cây dong riềng sinh trưởng và phát triển tốt, gia đình anh đã được cán bộ xã hỗ trợ giống, phân bón, tập huấn, chuyển giao khoa học kỹ thuật phòng chống sâu bệnh. Ngay tại địa bàn xã Vô Ngại, có những gia đình trồng nhiều, mỗi vụ thu về cả trăm triệu, nhờ vậy mà xây được nhà cửa khang trang, mua sắm ô tô tiện nghi. Đầu ra cho củ dong cũng không cần lo, vì ngay tại xã và các xã lân cận đều có các hợp tác xã bao tiêu hết, thu mua về để làm miến dong – sản phẩm OCOP nổi tiếng của huyện Bình Liêu, được nhiều người ưa chuộng.

Ngân hàng CSXH huyện Bình Liêu hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.
Ngân hàng CSXH huyện Bình Liêu hướng dẫn người dân làm thủ tục vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất.
Câu chuyện về anh Chung và cả ông Chí, anh Lợi chỉ là những lát cắt nhỏ để minh chứng cho công tác giảm nghèo bền vững trong toàn tỉnh đã và đang đạt nhiều kết quả tích cực. Ở đó, luôn có vai trò của những cơ chế, chính sách, nguồn lực của Nhà nước, của cộng đồng đã giúp khơi dậy được khát vọng và tạo ra động lực thoát nghèo mạnh mẽ. Nghĩa là người nghèo phải thực sự vào cuộc, chủ động, hăng hái vươn lên để thay đổi cuộc sống chính mình, chứ không phải là đối tượng thụ động ỷ lại vào việc hưởng các chính sách trợ cấp, trông chờ sự quan tâm của cộng đồng, nhà hảo tâm... Đồng thời, trách nhiệm của cán bộ địa phương cũng đóng vai trò quan trọng trong phân bổ nguồn lực, không chồng chéo; triển khai thực hiện chính sách kịp thời, đúng đối tượng, không chậm trễ, không bỏ sót. Cụ thể như: Hỗ trợ giới thiệu học nghề, đào tạo việc làm tại chỗ để phát triển sản xuất, kinh doanh sau học nghề; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để chăn nuôi hay đầu tư buôn bán; thiếu tư liệu sản xuất thì được hỗ trợ cây trồng, con giống, đất đai, tư vấn mô hình sinh kế phù hợp; khó khăn về nhà ở thì được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà Mái ấm tình thương... để yên tâm “An cư lạc nghiệp”.
Trong giai đoạn mới, yêu cầu công tác giảm nghèo bền vững càng phải đi vào thực chất, sử dụng hiệu quả nguồn lực ngân sách có hạn. Do đó, cách thức hỗ trợ cần phải tiếp tục đổi mới theo hướng các nguồn lực của nhà nước, của cộng đồng chỉ đóng vai trò hỗ trợ thêm. Quan trọng là chính người dân cũng phải xác định được chính mình phải là chủ thể thoát nghèo, không trồng chờ, so bì chính sách, tranh thủ nắm bắt mọi cơ hội, bỏ công sức để nỗ lực vươn lên.


Bài 2: Giảm nghèo bằng chiến lược đúng đắn, nhân văn

Cùng với tăng trưởng kinh tế, tỉnh Quảng Ninh luôn xác định công tác an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững là nhiệm vụ chính trị quan trọng, ưu tiên hàng đầu, góp phần vào hành trình phát triển nhanh, hài hòa, bền vững của tỉnh.

Giai đoạn 2016-2020, tỉnh Quảng Ninh đã bám sát chỉ đạo của Trung ương, chủ động vận dụng cách làm đổi mới, sáng tạo để nâng cao đời sống của đồng bào sinh sống tại địa bàn vùng sâu, vùng khó thông qua Chương trình 135. Cụ thể, ngày 7/12/2016, tại Kỳ họp thứ 4, HĐND tỉnh khóa XIII đã quyết định thông qua Nghị quyết số 50/2016/NQ-HĐND về phân bổ nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020. Ngay sau đó, tháng 1/2017, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 196/QĐ-UBND phê duyệt Đề án nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành Chương trình 135 giai đoạn 2017-2020 (gọi tắt là Đề án 196). Nội dung trọng tâm được xác định xuyên suốt cho nhiệm vụ này, đó là cả hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở đều có trách nhiệm vào cuộc; lồng ghép trong các kế hoạch triển khai thực hiện nhiệm vụ hàng năm của các sở, ban, ngành, chương trình hành động của cấp ủy, chính quyền các địa phương. Và đặc biệt là khơi dậy vai trò chủ thể của người dân vùng khó.

Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh, hộ chị Lý Thị Lan (thôn Hợp Thành, xã Phong Dục, huyện Tiên Yên) đã mở rộng chăn nuôi hơn 3.000 con gà Tiên Yên.
Nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của tỉnh, hộ chị Lý Thị Lan (thôn Hợp Thành, xã Phong Dục, huyện Tiên Yên) đã mở rộng chăn nuôi hơn 3.000 con gà Tiên Yên.
Bằng nhiều cách làm khác nhau, rất nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương trong tỉnh đã chung tay vào cuộc, huy động các nguồn lực xã hội nhằm sẻ chia, giúp đỡ các xã khó khăn. Trong đó, bên cạnh nguồn ngân sách tỉnh, khi triển khai Đề án, Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh đã có thư kêu gọi tham gia ủng hộ các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh. Ban Cán sự Đảng UBND tỉnh đã giao UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp, trực tiếp liên hệ, vận động doanh nghiệp, doanh nhân và một số tập đoàn, tổng công ty, tổ chức kinh tế đang đầu tư, hoạt động trên địa bàn tỉnh có hình thức đăng ký, tham gia ủng hộ cụ thể đối với từng xã, thôn. Tổng nguồn lực huy động thực hiện chương trình 135, Đề án 196 giai đoạn 2016-2020 tại Quảng Ninh là trên 1.770 tỷ đồng, giúp cho hệ thống hạ tầng điện – đường – trường – trạm, kênh mương thủy lợi, hệ thống nước sinh hoạt, hỗ trợ phát triển sản xuất... khu vực ĐBKK được đầu tư hoàn thiện, phục vụ tốt cho đời sống nhân dân.
Hình thức hỗ trợ cho các hộ khó khăn cũng không còn tình trạng “cho không” mà được tiến hành trên cơ sở khảo sát chặt chẽ nhu cầu, nguyện vọng, điều kiện thực tế của từng trường hợp. Để từ đó, phong trào “vượt khó, thoát nghèo” ngày càng được nhân lên, tạo nên khí thế mới cho những thôn, bản ĐBKK. Có thể kể đến các chương trình hỗ trợ giới thiệu học nghề, hoặc đào tạo việc làm tại chỗ để phát triển sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ vốn vay ưu đãi để phát triển chăn nuôi, trồng trọt hay đầu tư buôn bán. Người thiếu tư liệu sản xuất, có nhu cầu thì được hỗ trợ cây trồng, con giống, đất đai, tư vấn mô hình sinh kế phù hợp. Người khó khăn về nhà ở thì được hỗ trợ xây dựng nhà Đại đoàn kết, nhà Mái ấm tình thương... để yên tâm an cư lạc nghiệp.

Mô hình chăn nuôi gà của nông dân xã Quảng Chính, huyện Hải Hà.
Mô hình chăn nuôi gà của nông dân xã Quảng Chính, huyện Hải Hà.
Qua 5 năm thực hiện Chương trình 135, Đề án 196 và các chính sách giảm nghèo, số hộ nghèo tại các xã ĐBKK giảm từ 61,99% cuối năm 2015 đến hết 12/2019 tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo là 13,38%. Điển hình là đã có 475 hộ nghèo tại các xã, thôn ĐBKK tự nguyện viết đơn xin ra khỏi danh sách hộ nghèo; thu nhập bình quân đầu người tăng từ 12,75 triệu đồng/người cuối năm 2015; năm 2019 là 32,62 triệu đồng/người (tăng 2,56 lần).
Đặc biệt, để tiếp tục phát huy thành quả giảm nghèo ở vùng khó khăn, ngày 17/5/2021 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XV đã ban hành Nghị quyết 06-NQ/TU về phát triển bền vững KT-XH gắn với đảm bảo vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Từ đó tạo cơ sở để Quảng Ninh tiếp tục cụ thể hoá các chủ trương của Trung ương, thu hẹp khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền trong tỉnh. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2030, mức thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tối thiểu bằng 1/2 thu nhập bình quân chung của tỉnh; duy trì giảm tỷ lệ hộ nghèo trung bình 1,5%/năm. Đặc biệt là phấn đấu các xã, thôn, bản đều sẽ có hệ thống kết cấu hạ tầng KT-XH đồng bộ, hiện đại, kết nối thuận lợi với các vùng phát triển của tỉnh. Các giải pháp trọng tâm để thực hiện Nghị quyết cũng đã được chỉ ra rõ ràng, trong đó tập trung phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại; thực hiện tốt chính sách an sinh, nâng cao phúc lợi xã hội ở vùng đồng bào dân tộc, miền núi, biên giới, hải đảo...

Cán bộ Ngân hàng CSXH phổ biến một số chương trình tín dụng cho người dân xã Đồng Sơn, TP Hạ Long.
Cán bộ Ngân hàng CSXH phổ biến một số chương trình tín dụng cho người dân xã Đồng Sơn, TP Hạ Long.
Ông Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh, cho biết: Nghị quyết 06-NQ/TU đang đi vào cuộc sống trong sự kỳ vọng lớn của người dân, mở ra cơ hội phát triển nhanh, toàn diện, bền vững cho vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo trên địa bàn tỉnh. Trong đó, các tiêu chí, mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra góp phần quan trọng vào sự phấn đấu, nỗ lực của tỉnh trong xây dựng NTM và NTM nâng cao.

Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin trao tặng 100 tấn xi măng cho huyện Bình Liêu, tháng 3/2022.
Công ty CP Than Mông Dương - Vinacomin trao tặng 100 tấn xi măng cho huyện Bình Liêu, tháng 3/2022.

Tỉnh lộ 330 - tuyến giao thông huyết mạch của huyện Ba Chẽ đã được sửa chữa nâng cấp. Ảnh: Lê Nam
Tỉnh lộ 330 - tuyến giao thông huyết mạch của huyện Ba Chẽ đã được sửa chữa nâng cấp. Ảnh: Lê Nam

Tỉnh lộ 330 - tuyến giao thông huyết mạch của huyện Ba Chẽ đã được sửa chữa nâng cấp. Ảnh: Lê Nam
Tỉnh lộ 330 - tuyến giao thông huyết mạch của huyện Ba Chẽ đã được sửa chữa nâng cấp. Ảnh: Lê Nam

Tuyến đường NTM kiểu mẫu tại thôn Khe Lánh 2, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu.
Tuyến đường NTM kiểu mẫu tại thôn Khe Lánh 2, xã Vô Ngại, huyện Bình Liêu.

Để thực hiện giảm nghèo bền vững trên địa bàn, Quảng Ninh đã nâng cao nhận thức, vai trò, trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền các cấp và người dân về ý nghĩa, tầm quan trọng Chương trình giảm nghèo thông qua việc ban hành Nghị quyết của cấp ủy về giảm nghèo. Trong đó, gắn trách nhiệm người đứng đầu các cấp ủy, chính quyền trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện Chương trình giảm nghèo trên địa bàn. Đặc biệt, tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, phân công, phân cấp; xác định rõ trách nhiệm của các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân, nhất là người đứng đầu trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai các chủ trương, chính sách, phát triển bền vững KT-XH gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững. Đồng thời, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về công tác giảm nghèo, về thực hiện các chính sách giảm nghèo.

Huyện Ba Chẽ tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Huyện Ba Chẽ tổ chức tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho người dân.
Các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ và các tố chức chính trị - xà hội tập trung lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chỉ tiêu về giảm nghèo tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh lần thứ XV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 và Chương trình hành động số 01-CTr/TU, ngày 09/10/2020 của Tỉnh ủy thực hiện Nghị quyết. Phối hợp lồng ghép việc thực hiện Chương trình giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025 với Nghị quyết số 06-NQ/TU, ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh về "Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030"... Từ đó, đã tạo ra động lực mới, thúc đẩy công tác giảm nghèo nhanh và bền vững, nhất là đối với địa bàn còn khó khăn của tỉnh.

Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết về phát triển KT-XH gắn với đảm bảo QP-AN các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo tỉnh Quảng Ninh.
Tại kỳ họp thứ 2, HĐND tỉnh khóa XIV, các đại biểu HĐND tỉnh đã thống nhất thông qua Nghị quyết về phát triển KT-XH gắn với đảm bảo QP-AN các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo tỉnh Quảng Ninh.
Song song với đó, tỉnh tiếp tục thực hiện các chính sách hỗ trợ có điều kiện đối với các hộ nghèo, cận nghèo thông qua các dự án hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng, hỗ trợ phát triển sản xuất, yêu cầu phải có đối ứng với tỷ lệ phù hợp của người dân; tăng cường chính sách hỗ trợ tín dụng ưu đãi, gắn với nhu cầu, trách nhiệm của người nghèo. Tỉnh cũng khuyến khích các ngành, địa phương chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính sách đặc thù trong giảm nghèo bền vững, tạo điều kiện cho người nghèo phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo.
Chỉ tính riêng trong năm 2021, Quảng Ninh đã phân bổ 200 tỷ đồng dự nguồn kinh phí thực hiện Chương trình tổng thể DTTS năm 2021 (Nghị quyết số 45/NQ-HĐND ngày 30/9/2021) đến 6 công trình hạ tầng thiết yếu đủ điều kiện thực hiện và giải ngân ngay trong năm 2021 và ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh (40 tỷ đồng) để cho vay tạo việc làm tại các xã, thôn mới ra khỏi diện ĐBKK trên địa bàn tỉnh. Năm 2022, tỉnh phân bổ 1.215,0 tỷ đồng vốn ngân sách tỉnh cho Chương trình xây dựng nông thôn mới và Chương trình tổng thể DTTS. Trong đó: Chương trình xây dựng NTM là 500 tỷ đồng, hỗ trợ đầu tư xây dựng 82 dự án hạ tầng thiết yếu; chương trình tổng thể DTTS là 715 tỷ đồng; trong đó hỗ trợ đầu tư hạ tầng thiết yếu đối với 6 dự án chuyển tiếp từ năm 2021 và khởi công mới 14 dự án, với tổng vốn là 565tỷ đồng; ủy thác qua Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội tỉnh 150 tỷ đồng để cho vay vốn tạo việc làm.

Người dân thôn Tán Trúc Tùng (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) sử dụng mạng xã hội để nắm bắt các thông báo tình hình ANTT trên địa bàn.
Người dân thôn Tán Trúc Tùng (xã Quảng An, huyện Đầm Hà) sử dụng mạng xã hội để nắm bắt các thông báo tình hình ANTT trên địa bàn.
Các nguồn lực thực hiện chương trình giảm nghèo được sử dụng theo hướng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải; hỗ trợ theo nguyên nhân nghèo, chú trọng các hoạt động đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập. Đặc biệt là đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu lao động từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực phi nông nghiệp, thông qua việc giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương hằng năm. Tỉnh cũng khuyến khích cán bộ, công chức, viên chức, LLVT, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp, các tầng lớp nhân dân trong và ngoài tỉnh phát huy truyền thống đoàn kết, tinh thần "Tương thân, tương ái" thông qua đóng góp vào Ọuỹ "Vì người nghèo”. Cả nguồn quỹ này và kinh phí ngân sách đều được thường xuyên kiểm tra, đảm bảo việc quản lý và sử dụng có hiệu quả, đúng mục đích, đúng đối tượng.
Trong năm 2022, Ủy ban MTTQ tỉnh đã phân bổ nguồn Quỹ Vì người nghèo và huy động các nguồn xã hội hóa triển khai hỗ trợ, giúp đỡ xây mới và sửa chữa 318 nhà ở trị giá trên 15,9 tỷ đồng cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn tại địa phương và hỗ trợ các địa phương khác trong chương trình xây dựng NTM. Cụ thể, MTTQ tỉnh tiếp nhận số tiền 6,282 tỷ đồng hỗ trợ xây mới 119 nhà (99 nhà mức 50 triệu đồng/nhà; 20 nhà mức 60 triệu đồng/nhà); trích Quỹ Vì người nghèo tỉnh để hỗ trợ xây mới 2 nhà với tiền 100 triệu đồng (mức 50 triệu đồng/nhà).

Học sinh trường Tiểu học - THCS Bằng Cả, xã Bằng Cả, TP Hạ Long được học tập trong phòng học khang trang.
Học sinh trường Tiểu học - THCS Bằng Cả, xã Bằng Cả, TP Hạ Long được học tập trong phòng học khang trang.
Các địa phương trong tỉnh cũng triển khai giúp đỡ xây mới và sửa chữa 199 nhà trị giá 9,437 triệu đồng. Trong đó, Ủy ban MTTQ TP Hạ Long huy động xã hội hóa ủng hộ giúp đỡ huyện Bình Liêu xây dựng 86 ngôi nhà Đại đoàn kết với tổng số tiền và hiện vật trị giá 4,698 tỷ đồng (mức 60 triệu đồng/nhà); chủ trì triển khai hỗ trợ xây mới và sửa chữa 12 nhà với tổng số tiền 812 triệu đồng. Ủy ban MTTQ TX Quảng Yên đảm nhận hỗ trợ xây mới 15 nhà, sửa chữa 2 nhà trị giá 800 triệu. Ủy ban MTTQ huyện Hải Hà chủ trì triển khai xây mới, sửa chữa 18 nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo với tổng số tiền 1,020 tỷ đồng. MTTQ TP Móng Cái huy động hỗ trợ sửa chữa và xây mới 16 nhà với tổng số tiền hỗ trợ 882 triệu đồng; MTTQ huyện Tiên Yên hỗ trợ cho 12 hộ gia đình xây dựng Nhà ở Đại đoàn kết trị giá 600 triệu đồng; hỗ trợ 8 nhà tiêu hợp vệ sinh, mức 4 triệu đồng/hộ; MTTQ TP. Uông Bí trích Quỹ “vì người nghèo” hỗ trợ xây mới và sửa chữa 12 nhà ở với số tiền 220 triệu đồng. MTTQ thành phố Cẩm Phả chủ trì rà soát, hiệp thương với các tổ chức, đơn vị, nhà hảo tâm triển khai hỗ trợ xây mới và sửa chữa 10 nhà. MTTQ huyện Vân Đồn chủ trì hỗ trợ xây mới và sửa chữa 6 nhà với tổng số tiền 325 triệu đồng (xây mới 5 nhà mức 60 triệu đồng/nhà; sửa 1 nhà mức 25 triệu đồng). MTTQ Ba Chẽ vận động, trích quỹ hỗ trợ 80 triệu đồng xây 4 nhà (50 triệu đồng/1 nhà; hỗ trợ bổ sung 10 triệu đồng/1 nhà cho 3 hộ gia đình).



Bài 3: Để không ai bị bỏ lại phía sau

Không bằng lòng với những kết quả giảm nghèo, Quảng Ninh tiếp tục dành sự quan tâm đặc biệt cho công tác này với nhiều giải pháp quan trọng. Trong đó, thực hiện nâng mức chuẩn nghèo về thu nhập cao hơn mức chuẩn của Trung ương là giải pháp hữu hiệu nhằm bảo đảm an sinh xã hội, giúp hộ có hoàn cảnh khó khăn được thụ hưởng chính sách giảm nghèo, đồng thời giúp người nghèo "không bị bỏ lại phía sau".

Trong thời gian qua, Quảng Ninh đã cụ thể hóa các mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ giảm nghèo bền vững trong Nghị quyết của cấp ủy, Chương trình hành động của chính quyền từng giai đoạn 5 năm, hằng năm. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động thực hiện công tác giảm nghèo bền vững. Công tác quản lý nhà nước về giảm nghèo được tăng cường; hoàn thiện tổ chức bộ máy và cơ chế điều hành; chỉ đạo thực hiện tốt công tác điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo, thôn nghèo, xã nghèo qua các giai đoạn. Các địa phương, các ngành cũng tổ chức triển khai thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả các chương trình, dự án, chính sách giảm nghèo; xây dựng, nhân rộng các mô hình giảm nghèo hiệu quả, kết hợp giải quyết tốt các chính sách giảm nghèo và an sinh xã hội; huy động tối đa nguồn lực thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.

Cán bộ xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) hỗ trợ con giống và tư vấn sản xuất cho hộ hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Cán bộ xã Cộng Hòa (TP Cẩm Phả) hỗ trợ con giống và tư vấn sản xuất cho hộ hoàn cảnh khó khăn tại địa phương.
Các cấp uỷ Đảng, chính quyền của tỉnh luôn nỗ lực quan tâm, đầu tư nguồn lực và ban hành cơ chế, chính sách để đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đặc biệt là hộ nghèo, cận nghèo. Để thực hiện mục tiêu giảm nghèo giai đoạn 2016 - 2020, tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 47/2016/NQ-HĐND ngày 07/12/2016 mở rộng đối tượng được hưởng trợ cấp xã hội ngoài quy định tại Nghị định số 136/2013/NĐ-CP ngày 21/10/2013 của Chính phủ; Nghị quyết số 202/2019/NQ-HĐND ngày 30/8/2019 của Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Ninh về việc nâng mức tiêu chí về thu nhập đối với chuẩn hộ nghèo, cận nghèo, hộ có mức sống trung bình trên địa bàn thành phố Hạ Long, Cẩm Phả, Uông Bí; Quyết định số 236/2017/QĐ- UBND ngày 19/01/2017 quy định mức trợ giúp đối tượng bảo trợ xã hội, mức chi thù lao cho người trực tiếp chi trả chế độ và mức chi cho công tác quản lý thực hiện chính sách bảo trợ xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Nâng mức chuẩn tại cộng đồng là 350.000 đồng/tháng (Trung ương quy định 270.000 đồng/tháng), mức chuẩn tại các cơ sở bảo trợ xã hội là 500.000 đồng/tháng (Trung ương quy định 270.000 đồng/tháng).

TP Hạ Long và các doanh nghiệp hỗ trợ gà giống cho các hộ nghèo tại xã Lê Lợi để phát triển kinh tế gia đình.
TP Hạ Long và các doanh nghiệp hỗ trợ gà giống cho các hộ nghèo tại xã Lê Lợi để phát triển kinh tế gia đình.
Giai đoạn 2016-2020, tỷ lệ hộ nghèo đầu giai đoạn (năm 2016) là 4,56% tương đương 15.340 hộ nghèo giảm xuống cuối giai đoạn còn 0,23% tương đương 847 hộ nghèo (năm 2020). Toàn tỉnh đã giảm 14.493 hộ nghèo; tỷ lệ giảm nghèo bình quân hàng năm là 0,87%/ năm (tương đương với giảm 2.805 hộ/năm), vượt chỉ tiêu kế hoạch là 0,17%/năm (chỉ tiêu kế hoạch là 0,7%/năm).
Riêng năm 2021, theo quy định tại Nghị định số 07/2021/NĐ-CP ngày 27/01/2021, các địa phương tiếp tục thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2016-2020, kết quả còn 380 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,1%), 2.504 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 0,67%); theo chuẩn nghèo giai đoạn 2021-2025, toàn tỉnh có 1.526 hộ nghèo (chiếm tỷ lệ 0,41% tổng số hộ dân); 5.553 hộ cận nghèo (chiếm tỷ lệ 1,48% tổng số hộ dân); hộ làm nông - lâm - ngư nghiệp có mức sống trung bình là 39.981 hộ.
Đến năm 2022 toàn tỉnh: còn 258 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ 0,067 % tổng số hộ dân toàn tỉnh; có 2.454 hộ cận nghèo, chiếm tỷ lệ 0,635 % tổng số hộ dân toàn tỉnh. So với cuối năm 2021, toàn tỉnh giảm 1.268 hộ nghèo, tương đương giảm 0,343%; giảm 3.099 hộ cận nghèo, tương đương giảm 0,845%. Hiện nay, số hộ nghèo ở thành thị là 39 hộ nghèo, chiếm 0,015% tổng số hộ dân vùng thành thị; số hộ nghèo ở nông thôn là 219 hộ nghèo, chiếm 0,183% tổng số hộ dân vùng nông thôn. Trên địa bàn tỉnh có 4/13 địa phương (thành phố Hạ Long, thị xã Quảng Yên, huyện Vân Đồn, huyện Cô Tô) không còn hộ nghèo; 9/13 địa phương tỷ lệ hộ nghèo dưới 1% (huyện có tỷ lệ nghèo cao nhất trong toàn tỉnh: huyện Ba Chẽ là 0,623%, huyện Hải Hà là 0,562%, huyện Bình Liêu là 0,368%).

TX Quảng Yên và các nhà hảo tâm trao hỗ trợ xây nhà và đồ dùng cho hộ nghèo trên địa bàn.
TX Quảng Yên và các nhà hảo tâm trao hỗ trợ xây nhà và đồ dùng cho hộ nghèo trên địa bàn.
Tuy nhiên, hiện nay Quảng Ninh vẫn còn số hộ cận nghèo ở thành thị là 898 hộ, chiếm 0,336% tổng số hộ dân khu vực thành thị; số hộ cận nghèo ở nông thôn là 1.556 hộ, chiếm 1,303 % tổng số hộ dân vùng nông thôn. Hiện mới chỉ có TP Hạ Long không còn hộ cận nghèo. Còn lại 8/13 địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo dưới 1% (các thành phố: Móng Cái, Cẩm Phả, Uông Bí; thị xã Đông Triều; các huyện: Tiên Yên, Ba Chẽ, Vân Đồn, Cô Tô); 4/13 địa phương có tỷ lệ hộ cận nghèo trên 1% (thị xã Quảng Yên; các huyện: Hải Hà, Bình Liêu, Đầm Hà).

Hội LHPN TP Cẩm Phả trao hỗ trợ mua đò máy cho hội viên phụ nữ nghèo làm nghề đánh bắt thủy sản ven bờ.
Hội LHPN TP Cẩm Phả trao hỗ trợ mua đò máy cho hội viên phụ nữ nghèo làm nghề đánh bắt thủy sản ven bờ.

Người dân xã Quảng Đức (Hải Hà) trồng rừng, phát triển kinh tế.
Người dân xã Quảng Đức (Hải Hà) trồng rừng, phát triển kinh tế.

Mô hình nuôi gà thả vườn đồi của nông dân xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ.
Mô hình nuôi gà thả vườn đồi của nông dân xã Thanh Sơn, huyện Ba Chẽ.

Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh hỗ trợ kinh phí xây nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo tại phường Việt Hưng, TP Hạ Long. Ảnh: Thu Nguyệt
Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo tỉnh hỗ trợ kinh phí xây nhà "Đại đoàn kết" cho hộ nghèo tại phường Việt Hưng, TP Hạ Long. Ảnh: Thu Nguyệt

Mặc dù đã đạt được những thành tựu quan trọng trong công tác giảm nghèo nhưng trong quá trình phát triển, Quảng Ninh luôn xác định phải đảm bảo hài hòa giữa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng gắn với an sinh xã hội. Hệ thống chính trị các cấp trên địa bàn tỉnh luôn xác định công tác giảm nghèo là một trong những nhiệm vụ quan trọng và được đặt trong Chương trình tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung và ở mỗi địa phương, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tỉnh nói riêng.

Người uy tín xã Quảng An (huyện Đầm Hà) tuyên truyền chính sách giảm nghèo tới nhân dân.
Người uy tín xã Quảng An (huyện Đầm Hà) tuyên truyền chính sách giảm nghèo tới nhân dân.
Tại Nghị quyết số 12-NQ/TU về phương hướng nhiệm vụ năm 2023, Quảng Ninh đã đề ra 15 chỉ tiêu chủ yếu về xây dựng Đảng, kinh tế, xã hội, môi trường năm 2023. Trong đó, phấn đấu tốc độ tăng trưởng (GRDP) đạt trên 10%. Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn đạt trên 54.000 tỷ đồng, trong đó thu xuất, nhập khẩu đạt trên 12.000 tỷ đồng và thu nội địa phấn đấu đạt số thu cao nhất. Tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng trên 10%, trọng điểm là thu hút vốn FDI ít nhất 1 tỷ USD vào các khu công nghiệp, khu kinh tế; phát triển mới ít nhất 2.000 doanh nghiệp. Giữ vững vị trí nhóm đứng đầu cả nước về Chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI. Hoàn thành Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, không để tái nghèo, phát sinh hộ nghèo; xây dựng và triển khai chuẩn nghèo mới của tỉnh. Tỷ lệ người dân đô thị được cung cấp nước sạch qua hệ thống cấp nước tập trung đạt 98%; tỷ lệ người dân nông thôn sử dụng nguồn nước ăn uống hợp vệ sinh đạt trên 99,9%...
Trong đó, tỉnh đã xác định nâng chuẩn nghèo, cận nghèo tiếp cận đa chiều của tỉnh Quảng Ninh để xác định được hộ nghèo, hộ cận nghèo, làm cơ sở thực hiện các chính sách giảm nghèo, an sinh xã hội. Cụ thể hóa chủ trương chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh Quảng Ninh về trợ giúp xã hội, nhằm bảo đảm quyền an sinh cho đối tượng thụ hưởng, từng bước nâng cao chất lượng chính sách, bảo đảm sự tương đồng với các chính sách xã hội khác; gắn liền với quá trình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và tỉnh Quảng Ninh.
Theo báo cáo của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, từ kết quả điều tra, rà soát thực tế cho thấy số hộ nghèo đầu giai đoạn 2021-2025 (áp dụng theo chuẩn nghèo của Chính phủ) của tỉnh thấp hơn 6.257 hộ so với số hộ nghèo tại thời điểm cùng kỳ giai đoạn 2016 - 2020. Tuy nhiên, qua thực tiễn tại các huyện, thị xã, thành phố cho thấy vẫn còn nhiều hộ dân có hoàn cảnh thật sự khó khăn, thu nhập gần sát với chuẩn nghèo của Trung ương, nhưng kết quả chấm điểm tiêu chí theo các biểu mẫu quy định chưa đủ điều kiện để đưa vào diện hộ nghèo, hộ cận nghèo. Vì vậy, việc xây dựng chuẩn nghèo riêng của tỉnh giai đoạn 2023-2025 theo hướng cao hơn chuẩn nghèo của Trung ương, phù hợp điều kiện sống của người dân, tình hình kinh tế - xã hội của tỉnh là cần thiết, nhằm tiếp tục kế thừa, phát triển chủ trương, chính sách giảm nghèo nhất quán của tỉnh trong suốt thời gian qua. Nếu mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh được ban hành sẽ giúp mở rộng diện bao phủ đối với những người khó khăn, yếu thế.

Người dân tham gia trò chơi dân gian tại chợ phiên văn hóa xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên), tháng 12/2022.
Người dân tham gia trò chơi dân gian tại chợ phiên văn hóa xã Hà Lâu (huyện Tiên Yên), tháng 12/2022.
Theo đề xuất của các ngành liên quan, việc nâng mức chuẩn nghèo về thu nhập cao gấp 1,2 - 1,3 lần so với chuẩn nghèo của Trung ương.
Thông qua việc nâng chuẩn nghèo, cận nghèo tiếp cận đa chiều sẽ tạo điều kiện cho một bộ phận hộ cận nghèo theo chuẩn Trung ương, một bộ phận hộ hiện nay có mức sống trung bình (trong đó có một bộ phận hộ mới thoát chuẩn hộ nghèo, chuẩn hộ cận nghèo theo quy định của Trung ương) được vào hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn mới. Từ đó, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chính sách, dự án giảm nghèo theo hướng tiếp cận đa chiều, tăng cường khả năng tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản của đối tượng thụ hưởng và sự tham gia của người nghèo.

Nhân dân huyện Ba Chẽ tham gia Lễ hội Bàn Vương lần thứ II năm 2022.
Nhân dân huyện Ba Chẽ tham gia Lễ hội Bàn Vương lần thứ II năm 2022.
Anh Lỷ A Sắt, thôn Tân Lập, xã Hà Lâu, huyện Tiên Yên, cho biết: “Năm nay gia đình tôi vừa thoát nghèo, cũng được MTTQ hỗ trợ xây nhà mới. Nhưng tôi chỉ làm nghề nông và bóc vỏ keo thuê nên công việc cũng không ổn định. Nếu tỉnh mà nâng chuẩn nghèo thì khả năng gia đình tôi sẽ tiếp tục được hưởng các chính sách hỗ trợ, có điều kiện để giảm nghèo bền vững hơn.
Việc nâng mức chuẩn nghèo riêng của tỉnh cao hơn mức chuẩn chung của Trung ương thể hiện quan điểm nhất quán của Quảng Ninh trong công tác giảm nghèo. Đồng thời, đảm bảo khả năng cân đối ngân sách, dành nguồn lực tương xứng trong quá trình tăng trưởng, phát triển cho công tác giảm nghèo, thực hiện tốt chính sách an sinh xã hội, tiếp tục tạo tiền đề cho sự ổn định kinh tế - chính trị, xã hội, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của người dân, góp phần củng cố những thành quả, tiếp thêm niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp đổi mới, tạo sự cân đối giữa tăng trưởng kinh tế và thực hiện công bằng xã hội. Từ đó, góp phần vào việc xây dựng, tổ chức thực hiện các chính sách an sinh xã hội của tỉnh, đảm bảo ổn định chính trị - xã hội, hướng tới mục tiêu phát triển bền vững đảm bảo mục tiêu của Nghị quyết Đại hội XV của tỉnh đã đưa ra.
Chuẩn về thu nhập theo tiêu chí đo lường nghèo đa chiều giai đoạn 2022-2025 của Chính phủ quy định:
- Khu vực nông thôn 1,5 triệu đồng/người/tháng
- Khu vực thành thị 2 triệu đồng/người/tháng.
Mức chuẩn nghèo về thu nhập đã tăng gần gấp đôi chuẩn nghèo cũ quy định. Theo đó:
- Khu vực nông thôn là 700.000 đồng/người/tháng;
- Khu vực thành thị 900.000 đồng/người/tháng.
Tiêu chí mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản gồm các dịch vụ xã hội cơ bản (gồm 6 dịch vụ: việc làm; y tế; giáo dục; nhà ở; nước sinh hoạt và vệ sinh; thông tin) và các chỉ số đo lường mức độ thiếu hụt dịch vụ xã hội cơ bản.



Ngày xuất bản: 23/12/2022
Nội dung: BẢO BÌNH - HOÀNG GIANG
Trình bày: VŨ ĐỨC