4
18
/
905241
"Gieo chữ" ở Trường Sa
longform
"Gieo chữ" ở Trường Sa

 

“Mình còn trẻ, phải biết trải nghiệm và dùng nhiệt huyết của mình để dạy học, kể cả đó là vùng miền núi hiểm trở hay ngoài hải đảo xa xôi” -  Đó là  tâm sự của thầy giáo trẻ Nguyễn Bá Ngọc (SN 1993) hiện đang dạy tại Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, huyện Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Song Tử Tây là đảo cuối cùng chúng tôi tới trong chuyến hành trình đi thăm, chúc tết cán bộ, nhân dân dịp Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019. Mất khoảng 15 phút di chuyển bằng xuồng từ vị trí tàu thả neo, tôi cùng đoàn công tác mới lên được đảo. Đón chúng tôi là Trung tá Đậu Đình Dân, Chỉ huy trưởng, Chủ tịch UBND xã Song Tử Tây. Theo giới thiệu của Trung tá Dân: “Đây là đảo nổi, diện tích rộng, nằm trong hệ thống 21 đảo và 33 điểm đảo thuộc quần đảo Trường Sa”.

Trong tiếng sóng biển rì rào hòa cùng những cơn gió nhẹ nơi đảo xa, giọng đọc líu lo của những em nhỏ vang lên thu hút cả đoàn công tác với bài thơ “Quê em nơi đảo xa”. Trước mặt tôi là một ngôi trường chỉ có 2 phòng học và mỗi lớp học vỏn vẹn có 5 học sinh đang ngồi chăm chú học bài. Do điều kiện sóng gió lại cách xa đất liền nên những lớp học ở đây thường là học ghép các độ tuổi từ lớp 1 đến lớp 5 và lớp mẫu giáo.

Chia sẻ với tôi, thầy Nguyễn Hữu Phú, Trường Tiểu học xã Song Tử Tây, cho biết: “Trên đảo chỉ có 8 em nhỏ chia thành các độ tuổi khác nhau nên việc truyền đạt kiến thức cho các em phải có sự chuẩn bị chu đáo. Mặc dù ngồi chung một lớp nhưng các em vẫn được học chương trình theo đúng độ tuổi của mình. Lúc mới ra đây công tác, tôi cũng mất rất nhiều thời gian để soạn giáo án nhưng giờ thì cũng quen và cảm thấy yêu nghề hơn khi gắn bó với những em nhỏ ngoài đảo”.

Dù thời tiết ở đảo khắc nghiệt, điều kiện giảng dạy thiếu thốn nhiều so với đất liền nhưng những thầy giáo trẻ vẫn luôn nỗ lực để được tới Trường Sa đứng lớp “gieo chữ” cho những em nhỏ nơi đây. Xa gia đình, xa đất liền, mỗi năm, giáo viên ở đảo chỉ được nghỉ phép một tháng luân phiên nhau vào lúc học sinh nghỉ hè hoặc dịp tết để về thăm gia đình. Khó khăn là vậy, nhưng vì tình yêu trẻ, các thầy giáo trẻ đã vượt qua trở ngại để gắn bó ngày càng khăng khít với mảnh đất, con người vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Thầy Nguyễn Bá Ngọc, một thầy giáo trẻ viết đơn tình nguyện ra đảo dạy học, chia sẻ: “Tôi đã dạy học được 4 năm trong đất liền, đã nghe, đã đọc rất nhiều về Trường Sa và luôn mong ước được một lần đến trải nghiệm nơi “bốn bề là biển”. Sau đó, 2 năm liền tôi đã viết đơn tình nguyện xin ra đảo công tác và lần thứ 2 tôi đã được chọn. Ngay khi nhận được tin báo sẽ được ra đảo công tác, tôi cảm thấy tự hào vô cùng bởi mình sẽ được dạy học cho các em nhỏ nơi đảo xa, nơi chỉ có sóng và gió”.

Khác với những lớp học bình thường khác, lớp học cho các em nhỏ ở Trường Sa các thầy giáo phải dạy luôn tất cả các môn học... Ở nơi “bốn bề là biển” này giáo viên vừa được coi là người thầy đáng kính, vừa được ví với người mẹ hiền để chăm sóc, giáo dục các em. Chị Liên Thị Cẩm Hằng, người dân xã Song Tử Tây, chia sẻ: “Do điều kiện địa lý cách trở nên việc dạy học ở ngoài đảo còn gặp phải những khó khăn nhất định. Vì vậy, những thầy giáo ra đây công tác đều rất tốt và nhiệt tình. Nhiều khi, gia đình bận đi biển để đánh bắt hải sản đều mang con lên gửi thầy chăm sóc và dạy học. Thầy giáo ở đây giỏi mà cũng “đảm đang” và yêu trẻ lắm”.

Số lượng các em nhỏ ở trên đảo là rất ít, lại ở các độ tuổi khác nhau nên các thầy phải vừa dạy chữ, vừa  tổ chức trò chơi cũng như các kỹ năng sống. Để làm được điều đó, giáo viên phải tự tìm tòi, tư duy nghĩ ra những hoạt động, cách dạy để truyền thụ cho các em nhỏ.

Tâm sự với tôi, thầy giáo Nguyễn Hữu Phú cho biết thêm: “Ở đây khác với trong đất liền có đầy đủ điều kiện, trang thiết bị dạy học. Dạy cho các em nhỏ ở đây phải thực sự cụ thể để các em tiếp thu được, yêu thích môn học. Khác trong đất liền dùng que tính để dạy học, ở đây chúng tôi dùng những vỏ ốc nhỏ để dạy cho các em học đếm trong môn toán, dùng lá bàng vuông để học mỹ thuật, dùng vỏ ốc chơi trò chơi... Nhiều khi thiếu thốn dụng cụ học tập, chúng tôi nghĩ ra những trò chơi hay giáo cụ trực quan từ “mỏ” tài nguyên vỏ ốc sẵn có”.

Rời Trường Tiểu học Song Tử Tây nhưng trong tâm trí tôi vẫn luôn vang lên giọng đọc thơ ngây của các em nhỏ nơi đây:

Bài, ảnh: Minh Đức

Trình bày: Hải Anh

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu