4
18
/
1100476
Giọt hồng sẻ chia trong mùa dịch Covid-19
longform
Giọt hồng sẻ chia trong mùa dịch Covid-19

Khi đại dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng, mọi hoạt động của xã hội bị đình trệ, nhiều ngân hàng máu gần như cạn kiệt nguồn để điều trị cho người bệnh. Không ngại ngần dịch bệnh, nhiều tình nguyện viên vẫn hết lòng hiến máu cứu người, lan tỏa tình yêu thương, nghĩa đồng bào cao đẹp; giúp nhiều người bệnh nguy kịch tìm lại được sự sống.

Khan hiếm nguồn máu dự trữ để điều trị cho người bệnh là tình trạng chung của rất nhiều cơ sở y tế trong hơn 2 năm đại dịch Covid-19 diễn ra căng thẳng. Vì vậy, có được máu hiến tặng từ các tình nguyện viên là rất quý giá, đặc biệt hiến tiểu cầu thì lại càng hiếm hoi. Bởi khác với hiến máu toàn phần, hiến tiểu cầu đòi hỏi tiêu chuẩn cao hơn về cân nặng, số lượng tiểu cầu và thời gian hiến cũng lâu hơn, từ 60-100 phút so với hiến máu toàn phần chỉ mất 5 phút.

Bác sĩ Trần Thị Hoa Hiên, Trưởng khoa Huyết học - Hóa sinh (Bệnh viện Bãi Cháy) cho biết: Người hiến tiểu cầu phải đảm bảo được các yếu tố về sức khỏe, không có bệnh tật, trọng lượng trên 50kg, ven lớn, lượng tiểu cầu tối thiểu trên 200.000G/l. Dịch bệnh bùng phát, có những thời điểm Bệnh viện Bãi Cháy thiếu máu cục bộ, nhiều bệnh nhân nguy kịch cần truyền tiểu cầu, rất may mắn là có những tình nguyện viên đủ điều kiện đã rất nhiệt tình hiến tiểu cầu, kịp thời cứu sống người bệnh.

Tình nguyện viên Phạm Tiến Anh hiến tiểu cầu cho bệnh nhân cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh ngày 9/4/2022.

Qua sự giới thiệu của CLB Ngân hàng máu sống Quảng Ninh, chúng tôi tìm gặp Phạm Tiến Anh, một tình nguyện viên đã hiến máu 20 lần, trong đó có tới 14 lần hiến tiểu cầu trong hơn 2 năm đại dịch vừa qua. Hẹn gặp vào cuối tuần do công việc của Tiến Anh khá bận rộn, nhưng trước giờ hẹn chỉ vài phút, chúng tôi nhận được điện thoại: “Chị ơi, có ca cấp cứu đang cần tiểu cầu gấp, em phải lên bệnh viện luôn đây ạ!”. Một phần vì tò mò muốn tận mắt nhìn thấy quy trình hiến tiểu cầu, phần nữa muốn cảm nhận rõ hơn về người cho, cũng như người được nhận máu trong lúc nguy nan, chúng tôi đến thẳng Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bệnh nhân được Tiến Anh hiến tiểu cầu là một cụ ông đã ngoài 80 tuổi, mới phát hiện ung thư máu giai đoạn 3. Chỉ số tiểu cầu rất thấp, bác sĩ chỉ định phải truyền tiểu cầu gấp. Khi thấy Tiến Anh vào Khoa Huyết học truyền máu, làm một số thủ tục xét nghiệm, người nhà bệnh nhân như vỡ òa trong niềm hy vọng. Chúng tôi cảm nhận, có thể chặng đường chữa bệnh cho ông cụ còn rất dài, nhưng giữa lằn ranh mong manh của sự sống và cái chết, tìm được người hiến tiểu cầu, cùng nhóm máu, thì quả thật là một phép màu.

Tham gia hiến máu tình nguyện là việc làm rất có ý nghĩa, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát.

Phép màu ấy đã tiếp thêm tinh thần giúp bệnh nhân chống chọi với bệnh tật, thắp lên hy vọng cho người thân của họ. Chị Ngô Bảo Ngọc (trú tại phường Hà Khẩu, TP Hạ Long) - cháu nội bệnh nhân, nghẹn ngào chia sẻ: Cả nhà em mừng quá chị ạ. Khi em đăng thông tin lên fanpage CLB Ngân hàng máu sống Quảng Ninh, cũng không biết sẽ có ai hiến tiểu cầu cho ông em trong lúc cấp cứu này không, nhưng thật nhanh chóng, các anh chị trong nhóm đã liên lạc thông tin và ông em đã được truyền tiểu cầu kịp thời để qua cơn nguy kịch.

Sau 1 tiếng hiến tiểu cầu, chúng tôi đã gặp được Tiến Anh. Khi biết chúng tôi muốn viết về câu chuyện hiến máu của mình, Tiến Anh hơi e dè, có phần không muốn ai biết về việc mình đang làm, chỉ bởi một suy nghĩ: “Em thấy việc mình làm cũng bình thường thôi, có thể hiến được máu cho ai cần là em giúp”.

Phạm Tiến Anh (ngoài cùng bên phải) nhận giấy khen của UBND TP Hạ Long trong công tác vận động và hiến máu tình nguyện.

Trong suốt hơn 4 năm hiến máu tình nguyện, xuyên qua mùa dịch Covid-19 hoành hành với biết bao nhiêu khó khăn, Tiến Anh đã có những kỷ niệm mà khi chúng tôi nghe lại cũng không khỏi xúc động. “Năm trước, có một ca cấp cứu ở Cẩm Phả cần truyền máu gấp. Lúc đó em đang ở Hà Nội, không thể về kịp. Em đã vận động mọi người đang ở gần khu vực đó, nhưng chỉ sau 30 phút, người nhà nhắn lại là bệnh nhân đã không qua khỏi. Em thấy thật sự tiếc, giá như mình ở gần họ, biết đâu sự sống được hồi sinh... Có lần gần 24 giờ, trời mùa đông lạnh và mưa, nhận được thông tin là em vội lên thẳng bệnh viện, rất may lần đó vẫn có thể hiến tiểu cầu cho ca cấp cứu thành công”.

"Với em, tham gia hiến máu tình nguyện là việc làm rất có ý nghĩa, đặc biệt trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát, vì biết rằng giọt máu của mình có thể giúp đỡ, góp phần cứu chữa cho những người bệnh. Mọi người đừng băn khoăn, chỉ cần nghĩ nếu mình có thể cho người khác, thì người khác sẽ có lương tâm cho người khác nữa, để từ đó nhân rộng việc làm ý nghĩa này. Bản thân em chỉ mong mình luôn đủ sức khỏe để có thể hiến tiểu cầu nhiều hơn” - Tiến Anh chia sẻ.

Trong những ngày dịch bệnh nguy nan, ngay cả khi phải thực hiện giãn cách xã hội, hành trình hiến máu cứu người cũng chưa bao giờ bị gián đoạn. Nhất là khi mạng xã hội đã phổ biến như hiện nay, thông tin về người cần được hiến máu lan tỏa rất nhanh và nhận được sự hỗ trợ rất kịp thời.

Mắc bệnh thiếu máu nên chị Thu Uyên (TP Hạ Long) thường xuyên phải nhập viện để truyền máu. Nhưng vào đúng đợt dịch bùng phát mạnh sau Tết Nguyên đán vừa qua, Bệnh viện Bãi Cháy không đủ số đơn vị máu nhóm B để truyền cho bệnh nhân. May mắn, khi đăng thông tin xin giúp đỡ trên mạng xã hội, chỉ sau vài giờ đồng hồ, chị Uyên đã nhận được gần 100 tin nhắn hồi đáp, sẵn sàng hiến máu từ cộng đồng mạng.

Xúc động trước tấm lòng nhân ái của mọi người, chị Uyên chia sẻ: Thật lòng tôi không biết nói gì ngoài sự cảm ơn sâu sắc đến những người đã hiến máu cho mình. Mạng xã hội ngỡ là ảo, nhưng tình người thật sự đã lan tỏa. Mong sẽ có thêm nhiều người nhận được sự giúp đỡ như tôi.

Thông tin kêu gọi hiến máu khẩn cấp được lan tỏa nhanh chóng thông qua mạng xã hội, giúp nhiều người bệnh được hiến máu kịp thời.

Còn chị Nguyễn Thị Dinh (tỉnh Thái Bình) xúc động bộc bạch, bố chồng chị bị xuất huyết dạ dày nặng, có polip dạ dày và khối u nghi ngờ ung thư đang điều trị tại Bệnh viện Bãi Cháy. Cuối tháng 3 vừa qua, bố chồng chị cần truyền 4 đơn vị máu nhóm O để chuẩn bị cho ca phẫu thuật bóc tách khối u, trong khi Bệnh viện Bãi Cháy đang cạn nhóm máu này. Chị Dinh đã đăng thông tin lên mạng xã hội để nhờ giúp đỡ. Rất nhanh chóng, các tình nguyện viên của CLB Ngân hàng máu sống Quảng Ninh đã đến bệnh viện hiến máu, giúp bố chồng chị sớm được phẫu thuật.

Sau khi bố chồng được truyền đủ số đơn vị máu cần thiết, chị Dinh vẫn tiếp tục nhận được tin nhắn sẵn sàng hiến máu của nhiều người, thậm chí có cả những bạn vừa khỏi Covid-19, hay vừa sinh con được vài tháng. “Sự giúp đỡ quá lớn lao của mọi người dành cho bố tôi khiến tôi vô cùng cảm kích, dù chỉ là những người xa lạ, nhưng mọi người lại chẳng nề hà dịch bệnh, đường sá xa xôi để đến hiến máu, tôi thực sự rất biết ơn” - Chị Dinh nghẹn ngào nói.

Chương trình hiến máu tình nguyện ngày càng thu hút được nhiều tầng lớp nhân dân tham gia.

Đó là 2 trong rất nhiều trường hợp đã nhận được sự giúp đỡ hiến máu kịp thời khi dịch bệnh diễn biến phức tạp, các bệnh viện khan hiếm nguồn máu. Thông tin kêu gọi hiến máu khẩn cấp được đăng tải trên các trang zalo, facebook đã tạo sức lan tỏa nhanh chóng, mạnh mẽ. Chính vì vậy, trong giai đoạn dịch bệnh căng thẳng, mạng xã hội đã trở thành một kênh truyền thông hiệu quả được các cơ sở y tế, CLB hiến máu tình nguyện sử dụng để kêu gọi các tình nguyện viên, nhà hảo tâm tham gia hiến máu, nhất là trong những trường hợp cấp cứu, hiến tiểu cầu…

Anh Lê Thế Duyệt, Chủ nhiệm CLB Ngân hàng máu sống Quảng Ninh, cho hay: Nhờ sự lan tỏa thông tin kịp thời của mạng xã hội, hoạt động của CLB Ngân hàng máu sống Quảng Ninh cũng ngày càng hiệu quả, số lượng tình nguyện viên biết đến CLB ngày càng nhiều, từ đó thêm nhiều người bệnh được giúp đỡ qua cơn hiểm nghèo.

Chị Phạm Thị Diệu (SN 1980, ở TP Hạ Long) biết đến CLB Ngân hàng máu sống Quảng Ninh qua mạng xã hội năm 2015 và đến nay đã tham gia hiến máu 16 lần. Dù công việc bận rộn, nhưng khi có ca bệnh cần, chị sẵn sàng hiến máu, không quản đường xa hay khó khăn, dịch bệnh. Chị Diệu chia sẻ: Kỷ niệm đặc biệt nhất là tôi được gọi đi hiến máu gấp để giúp cháu bé bị bệnh máu huyết tán. Cháu bé người dân tộc thiểu số ở phường Hoành Bồ, da lúc nào cũng xanh ngắt, điều trị tại Bệnh viện Sản Nhi. Bản năng của người làm mẹ khiến tôi rất hạnh phúc khi giọt máu của mình đã cứu sống cháu bé.

Hiến máu tình nguyện là hành trình của lòng nhân ái, yêu thương, được tiếp nối bởi những con người nhiệt huyết, hết mình vì cộng đồng. Chính vì thế, hành trình ấy sẽ không bao giờ dừng lại, càng trong dịch bệnh, càng khó khăn, hoạn nạn lại càng được lan tỏa mạnh mẽ.

Ông Vũ Hồng Hải, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ tỉnh Quảng Ninh, cho biết: Thời gian qua, ý thức của cộng đồng, xã hội về hiến máu nhân đạo đã được nâng cao rất nhiều. Đồng thời, chúng tôi cũng đã có những giải pháp để thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, quy trình tổ chức hiến máu cũng phải khác trước, tổ chức thành nhiều đợt, tập trung ở những vùng xanh an toàn làm trước, vùng dịch căng thẳng làm sau, đặc biệt quan tâm đến các biện pháp phòng, chống dịch để đảm bảo an toàn cho các tình nguyện viên và nhà hảo tâm tham gia hiến máu. Chính vì vậy, tất cả các cuộc hiến máu được tổ chức trong hơn 2 năm đại dịch đều đảm bảo tuyệt đối an toàn, không có tình trạng lây lan dịch bệnh trong quá trình hiến máu. Lượng máu tiếp nhận được qua các đợt hiến máu không những không giảm, mà còn tăng so với những năm trước khi xảy ra dịch bệnh. Năm 2021, tổng lượng máu tiếp nhận qua các đợt hiến máu trên toàn tỉnh là hơn 15.000 đơn vị máu.

Được biết, tháng 6 tới đây, chương trình Hành trình đỏ: Giọt hồng Đất mỏ - Kết nối dòng máu Việt sẽ được tổ chức tại TP Cẩm Phả, với sự tham dự của gần 1.000 người. Hành trình đỏ sẽ tiếp tục nhân lên những nghĩa cử cao đẹp, giáo dục thế hệ trẻ về truyền thống tương thân, tương ái của dân tộc, về tình yêu thương cộng đồng, biết sống vì mọi người, ra sức cống hiến sức trẻ của mình cho xã hội.

Trong dòng chảy của hành trình nhân ái ấy, từng ngày trôi qua vẫn có nhiều người như Tiến Anh, Phạm Thị Diệu và những tình nguyện viên khác đang miệt mài sẻ chia những giọt máu hồng để thêm nhiều sự sống được hồi sinh...



Thực hiện: Thu Hoài - Ngọc Ánh

Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang