Nối tiếp những kết quả đạt được từ năm 2023, Quảng Ninh là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới với tổng vốn đạt trên 2,8 tỷ USD, nằm trong nhóm các địa phương dẫn đầu cả nước. Tỉnh luôn kiên định với mục tiêu tạo dựng chuỗi sản xuất, cung ứng kết nối với mạng lưới toàn cầu; ưu tiên những dự án thế hệ mới, ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường nhằm bắt kịp xu thế sản xuất thông minh trên thế giới để tạo động lực quan trọng cho hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế.

Là địa bàn đầu tư hấp dẫn hàng đầu cả nước với nền hành chính hiện đại, hạ tầng đầu tư đồng bộ, năng lực cạnh tranh vượt trội… ngay từ những ngày đầu, tháng đầu của năm 2024, Quảng Ninh đã không ngừng đổi mới công tác thu hút đầu tư. Theo đó, xây dựng chương trình xúc tiến đầu tư cụ thể theo hướng đa dạng hóa các nội dung hoạt động xúc tiến đầu tư, tập trung thu hút đầu tư nước ngoài có trọng tâm, trọng điểm; lựa chọn khu vực, thị trường, đối tác để thúc đẩy hợp tác phát triển phù hợp với bối cảnh thế giới và khu vực; tập trung xúc tiến đầu tư vào các tập đoàn kinh tế lớn trên thế giới (các nhà đầu tư động lực) có khả năng kéo theo nhiều doanh nghiệp sản xuất vệ tinh, tạo thành chuỗi giá trị toàn cầu. Các hoạt động xúc tiến gắn với quá trình xây dựng và trở thành công cụ hiệu quả thực hiện các chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội với kỳ vọng tạo dựng kỷ lục mới trong thu hút FDI ở năm bản lề hoàn thành các chương trình, mục tiêu Nghị quyết cả nhiệm kỳ 2020-2025.

Tuy nhiên, nhìn lại chặng đường năm 2024, đây là năm khó khăn nhất đối với Quảng Ninh từ đầu nhiệm kỳ đến nay. Đó là năm nền kinh tế thế giới tiếp tục lâm vào khủng hoảng do tác động rộng, sâu, nhiều chiều, cạnh tranh chiến lược, xung đột chính trị phức tạp… khiến nhu cầu mở rộng đầu tư quốc tế giảm. Trong nước, một số bộ luật, nhất là Luật Đất đai điều chỉnh, đã ảnh hưởng đến công tác chuẩn bị mặt bằng sạch, GPMB thu hút các nhà đầu tư. Và đặc biệt hơn, tháng 9/2024, Quảng Ninh hứng chịu cơn bão Yagi với sức tàn phá khủng khiếp, đã ảnh hưởng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế. Trong đó, có cả tâm lý e ngại đến từ các nhà đầu tư quốc tế về tác động của thời tiết đối với khu vực đang nghiên cứu chuẩn bị đầu tư.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án với tổng vốn đầu tư 121 triệu USD gồm: Dự án Sản xuất găng tay bảo hộ lao động đa chức năng Hằng Huy tại KCN Texhong Hải Hà của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hằng Huy; Dự án Nhà máy Solex High-Tech Industries (Việt Nam) tại KCN Bắc Tiền Phong của Công ty Xiamen Solex High-Tech Industries Co.,LTD.

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu kinh tế Quảng Ninh trao giấy chứng nhận đầu tư cho 2 dự án với tổng vốn đầu tư 121 triệu USD gồm: Dự án Sản xuất găng tay bảo hộ lao động đa chức năng Hằng Huy tại KCN Texhong Hải Hà của Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển Hằng Huy; Dự án Nhà máy Solex High-Tech Industries (Việt Nam) tại KCN Bắc Tiền Phong của Công ty Xiamen Solex High-Tech Industries Co.,LTD.

Tại nhiều buổi tiếp xúc, thu hút đầu tư vào tỉnh, đã có không ít nhà đầu tư thẳng thắn chia sẻ, bày tỏ rõ quan điểm còn phân vân sau những gì cơn bão Yagi để lại. Quảng Ninh vốn là vùng đất yên bình, ít gió bão, thì nay nếu đầu tư vào tỉnh cần tính toán lại quy mô đầu tư, tiêu chuẩn hạ tầng sản xuất theo hướng nâng cao để sẵn sàng chống chịu, ứng phó với diễn biến của thời tiết cực đoan. Điều này rất có thể làm gia tăng chi phí đầu tư, ảnh hưởng đến nguồn lực, gây tâm lý e ngại và cũng đã kéo theo nhịp độ thu hút đầu tư giai đoạn này của tỉnh chững lại, tác động trực tiếp đến mục tiêu, tiến độ thu hút FDI của tỉnh.

Có thể thấy rõ qua số liệu tổng hợp thu hút FDI của tỉnh trong các quý. Nếu đến hết tháng 6/2024, tổng vốn thu hút FDI trên địa bàn tỉnh đạt 1.543 triệu USD, bằng 141% kế hoạch 6 tháng đầu năm, bằng 51,6% kế hoạch năm 2024, chiếm gần 9% tổng vốn đầu tư cả nước. Quảng Ninh đứng thứ 3 cả nước về vốn đầu tư nước ngoài đăng ký vào tỉnh, sau Bắc Ninh và Bà Rịa - Vũng Tàu... thì trong quý III/2024, toàn tỉnh chỉ thu hút được hơn 200 triệu USD, thực hiện cấp mới đối với 4 dự án FDI. Như vậy, tổng số vốn FDI thu hút được trong 9 tháng đạt gần 1,8 tỷ USD. Quảng Ninh đã có khoảng 150 dự án FDI của 20 quốc gia với tổng vốn đăng ký đạt hơn 14 tỷ USD.

KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên được đầu tư hạ tầng đồng bộ, là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.

KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên được đầu tư hạ tầng đồng bộ, là điểm đến tin cậy cho các nhà đầu tư quốc tế.

Trong quý cuối cùng của năm, Quảng Ninh đã có sự điều chỉnh các giải pháp phát triển kinh tế - xã hội phù hợp sau hàng loạt những khó khăn vừa trải qua. Đặc biệt, tỉnh đã khẳng định bằng sự tự lực, kiên cường phục hồi sau bão, đảm bảo tốt nhất các điều kiện để các nhà đầu tư FDI phục hồi sản xuất sớm, đem lại niềm tin đối với các nhà đầu tư khi đồng hành cùng tỉnh trong các chiến lược phát triển.

Lũy kế từ đầu năm 2024 đến ngày 26/12/2024 trên địa bàn toàn tỉnh đã thu hút đầu tư FDI đạt 2,9 tỷ USD. Tính riêng trên địa bàn các KCN, KKT đã thu hút thêm 2,64 tỷ USD vốn FDI (chiếm 92% toàn tỉnh) và 2,94 nghìn tỷ đồng vốn DDI. Cụ thể, đã cấp mới 42 dự án đầu tư (gồm 35 dự án FDI và 07 dự án DDI); điều chỉnh 77 lượt dự án (gồm 63 dự án FDI, 14 dự án DDI), trong đó có 33 dự án điều chỉnh tăng vốn đầu tư (gồm 29 dự án FDI và 04 dự án DDI).

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án sản xuất, kinh doanh các linh kiện đúc nhựa, lắp ráp và khuôn đúc do Công ty TNHH Tenma Việt Nam làm chủ đầu tư (Nhật Bản).

Lãnh đạo Ban Quản lý Khu Kinh tế tỉnh đã trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án sản xuất, kinh doanh các linh kiện đúc nhựa, lắp ráp và khuôn đúc do Công ty TNHH Tenma Việt Nam làm chủ đầu tư (Nhật Bản).

Ông Phạm Xuân Đài, Trưởng Ban Quản lý KKT tỉnh, cho biết: Để có được kết quả thu hút FDI thành công như năm 2024, ngay sau bão, bằng ý chí tự lực, tự cường, trách nhiệm với quê hương, với doanh nghiệp, Quảng Ninh đã bắt tay ngay vào công tác phục hồi. Mục tiêu đó là ưu tiên tối đa nguồn lực để cấp điện, cùng các điều kiện thiết yếu cho các KCN, các nhà máy sản xuất, nhất là các doanh nghiệp FDI. Song song với đó, tiếp tục thể hiện rõ quan điểm, cách làm trong nâng cao hiệu quả mô hình xúc tiến đầu tư theo “chu trình khép kín” từ việc hỗ trợ triển khai thủ tục đầu tư đến hỗ trợ sau đầu tư. Phối hợp với chủ đầu tư hạ tầng các KCN và các địa phương thực hiện rà soát quỹ đất, đẩy nhanh tiến độ GPMB, chuẩn bị thị trường lao động và nhiều biện pháp cụ thể để khẳng định niềm tin Quảng Ninh vẫn là địa bàn hấp dẫn đối với doanh nghiệp nước ngoài.

Tổ hợp Công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng được xây dựng trên quy mô tổng diện tích 340ha, thuộc KCN Việt Hưng (TP Hạ Long), nơi có vị trí chiến lược, nằm ngay bên bờ vịnh Cửa Lục, thuận tiện cho cả giao thương nội địa và quốc tế, do Tập đoàn Thành Công làm chủ đầu tư. Trong đó, Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng xây dựng trên diện tích 36,5ha, được thiết kế là nơi sản xuất, lắp ráp ô tô thương hiệu Skoda theo chương trình hợp tác đầu tư của hãng ô tô hàng đầu Cộng hòa Séc với Tập đoàn Thành Công. Đây cũng là dự án nhà máy ô tô đầu tiên tại Quảng Ninh, kỳ vọng sẽ bổ sung năng lực mới cho ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh. Sau hơn 2 năm thi công, ngày 2/4/2024, nhà máy đã tiếp nhận lô linh kiện đầu tiên. Lô hàng gồm các linh kiện thép vỏ xe ô tô, phục vụ cho quá trình chạy thử dây chuyền xưởng hàn tại nhà máy.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác khắc phục, phục hồi sản xuất sau bão tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.

Lãnh đạo UBND tỉnh kiểm tra công tác khắc phục, phục hồi sản xuất sau bão tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.

Quá trình chạy thử được tiến hành bởi các kỹ sư của Chropynska - nhà thầu chính, phối hợp cùng các kỹ sư và công nhân của Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng. Giai đoạn chạy thử nhằm đánh giá độ chính xác của hệ thống đồ gá, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc tạo ra thân xe đạt chất lượng theo tiêu chuẩn toàn cầu của Skoda Auto.

Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng có dây chuyền thiết bị hiện đại, mức độ tự động hóa cao, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng có dây chuyền thiết bị hiện đại, mức độ tự động hóa cao, phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế.

Đến hết năm 2024, nhà máy đã cơ bản hoàn thành các hạng mục xây lắp chính, bao gồm: hệ thống xưởng hàn, sơn, lắp ráp, đường thử, trạm khí nén, trạm cấp khí hóa lỏng (LPG) và các công trình phụ trợ. Các chuyên gia cũng đã tinh chỉnh thiết bị, kiểm tra hệ thống khung gầm và các dây chuyền tự động hóa để đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế.

Dự kiến Nhà máy ô tô Thành Công Việt Hưng khánh thành và chính thức đi vào hoạt động thương mại vào quý II năm 2025. Sản phẩm đầu tiên là các mẫu xe SUV và Sedan hạng B mang thương hiệu Skoda sẽ được đưa ra thị trường. Giai đoạn 2, Tập đoàn Thành Công sẽ xây dựng thêm nhà máy dập, hàn tổ hợp và các nhà máy phụ trợ, nâng cao năng lực sản xuất.

KCN Nam Tiền Phong đang được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, sẵng sàng đón các nhà đầu tư chiến lược đến với tỉnh.

KCN Nam Tiền Phong đang được đầu tư hoàn chỉnh hạ tầng, sẵng sàng đón các nhà đầu tư chiến lược đến với tỉnh.

Cùng với Tổ hợp Công nghiệp ô tô và phụ trợ Thành Công Việt Hưng, năm 2024, Quảng Ninh đã tạo các điều kiện thuận lợi nhất, đôn đốc các dự án có khả năng hoàn thành, đi vào hoạt động sản xuất trong năm 2024. Đặc biệt là Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã chủ động, quyết liệt khắc phục những khó khăn về GPMB, cấp điện, cấp nước, đảm bảo nguồn nhân lực... đáp ứng nhu cầu cho nhà đầu tư thực hiện dự án. Bên cạnh đó, Ban cũng chỉ đạo đơn vị sự nghiệp tăng cường hoạt động tư vấn, hỗ trợ các nhà đầu tư, có nhiều trường hợp miễn phí dịch vụ tư vấn... để quyết tâm thu hút bằng được các dự án đầu tư vào các KCN. Trong năm, Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh đã tiếp nhận và giải quyết 6 hồ sơ miễn tiền thuê đất của 3 dự án trong khu kinh tế với tổng số tiền thuê đất được miễn là 221,51 tỷ đồng. Tiếp nhận và giải quyết 171 hồ sơ giảm 30% tiền thuê đất năm 2023 của các đơn vị thuê đất trả tiền hàng năm trong các khu kinh tế, tổng số tiền được giảm là 14,07 tỷ đồng. Đồng thời, rà soát, ban hành thông báo nộp tiền thuê đất năm 2024 đối với 276 đơn vị thuê đất trả tiền hàng năm tại các khu kinh tế với tổng số tiền là 51,13 tỷ đồng.

Theo Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh, hầu hết các dự án thu hút đầu tư, dự án đi vào hoạt động trong năm 2024 đều thuộc lĩnh vực công nghiệp chế biến chế tạo, có suất đầu tư lớn, chứa hàm lượng công nghệ cao. Trong đó đã có những dự án triển khai thực hiện đầu tư trong thời gian ngắn và đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh ngay trong năm 2024, tạo sản phẩm mới đóng góp cho sự tăng trường kinh tế của tỉnh. Cụ thể, trong 19 dự án công nghiệp chế biến chế tạo dự kiến đi vào hoạt động trong năm 2024 thì đã có 7 dự án chính thức đi vào hoạt động, 12 dự án đã hoàn thành đầu tư và đang hoàn thiện các thủ tục để đi vào hoạt động chính thức. Ngoài 19 dự án thuộc danh mục nêu trên, Dự án Baike Vehicle Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư trong năm 2024 cũng đã đi vào hoạt động và có sản phẩm từ tháng 10/2024.

Đặc biệt, trong năm 2024, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo mà trọng tâm là trong KCN, KKT của tỉnh vẫn tiếp tục đóng vai trò là động lực tăng trưởng chính cho kinh tế xã hội của tỉnh Quảng Ninh. Đến nay tỷ trọng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo chiếm khoảng 12,5% trong GRDP của tỉnh; dự kiến hết năm 2025 là khoảng 15%. Riêng trong năm 2024 ngành công nghiệp chế biến, chế tạo của tỉnh tăng trưởng khoảng 28%.

Sản xuất tấm silic tại Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên).

Sản xuất tấm silic tại Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam (KCN Sông Khoai, TX Quảng Yên).

Tính đến nay, các KCN, KKT trên địa tỉnh có tổng số 350 dự án đầu tư ngoài ngân sách nhà nước còn hiệu lực, gồm 146 dự án FDI với tổng vốn đầu tư đạt 10,05 tỷ USD và 204 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư đạt 130,37 nghìn tỷ đồng. Kết quả hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp: Doanh thu: doanh nghiệp FDI đạt 3.400 triệu USD, doanh nghiệp DDI đạt 3.000 tỷ đồng; Nhập khẩu đạt 3.200 triệu USD; Xuất khẩu đạt 3.000 triệu USD. Các doanh nghiệp trong KCN, KKT nộp ngân sách nhà nước ước đạt 1.200 tỷ đồng. Đến thời điểm hiện tại, tổng số lao động trong các doanh nghiệp KCN là 40.500 người (lao động người nước ngoài khoảng 1.800 người); tăng 2.600 lao động so với cuối năm 2023.

Tỉnh cũng thực hiện GPMB tại các KCN đạt 2.546,44 ha và tổng diện tích đất đã được UBND tỉnh giao, cho thuê đối với các KCN trên địa bàn tỉnh đạt 1.914,23 ha, trong đó: Diện tích đất công nghiệp là 1.483,3ha; diện tích các nhà đầu tư hạ tầng đã hoàn thành đầu tư hạ tầng là 1.284 ha, đã cho nhà đầu tư thứ cấp thuê lại 971,05 ha. Diện tích đất đã đầu tư hạ tầng hiện có để thu hút đầu tư là 187ha (không bao gồm 122,39 ha của KCN Việt Hưng để phục vụ các dự án của Tập đoàn Thành Công tự đầu tư và 3,04 ha KCN Đông Mai đã thỏa thuận cho Tập đoàn TCL thuê). Tỷ lệ lấp đầy các KCN trung bình theo quy hoạch đạt 49,66%.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Nhà máy Foxconn, KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.

Sản xuất thiết bị điện tử tại Nhà máy Foxconn, KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.

Để đón đầu cho kế hoạch thu hút đầu tư FDI và thúc đẩy sản xuất trong các KCN, trong năm 2025 và những năm tiếp theo, tỉnh đang tiếp tục ưu tiên nguồn lực đẩy nhanh tiến độ xây dựng đồng bộ các công trình hạ tầng xã hội (nhà ở, thiết chế, công trình tiện ích công cộng cho người lao động), hạ tầng kỹ thuật (cấp điện, cấp nước, viễn thông, xử lý nước thải, rác thải…), hạ tầng giao thông kết nối trong, ngoài các KCN, để đảm bảo đáp ứng nhu cầu của các nhà đầu tư thứ cấp. Đồng thời, nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù để tạo lợi thế cạnh tranh trong thu hút đầu tư cho các KCN, KKT của tỉnh thông qua các Đề án xây dựng cơ chế, chính sách thí điểm phát triển KKT Vân Đồn; Đề án xây dựng, phát triển nhanh, bền vững các khu kinh tế, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030; Nghiên cứu, đề xuất các cơ chế, chính sách ưu đãi đặc thù cho một số KCN chuyên ngành và dự án động lực, trọng điểm của tỉnh…

Vượt qua những khó khăn ở năm 2024, Quảng Ninh sẽ tiếp tục nỗ lực để trở thành điểm đến hấp dẫn cho các nhà đầu tư lớn. Tỉnh vẫn sẽ kiên định với mục tiêu tạo dựng chuỗi sản xuất, cung ứng kết nối với mạng lưới toàn cầu; ưu tiên những dự án thế hệ mới, ở lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, sử dụng công nghệ sạch, hiện đại, thân thiện với môi trường nhằm bắt kịp xu thế sản xuất thông minh trên thế giới để tạo động lực quan trọng cho hiện đại hóa và tăng trưởng kinh tế.

Thực hiện: Đỗ Phương – Hà Chi
Trình bày: Vũ Đức