GIỮ NHỊP SỐNG HẠNH PHÚC CHO NHÂN DÂN

Bài 1: Đổi mới giáo dục, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực

6 tháng đầu năm 2022, cùng với các cấp, các ngành, hoạt động giáo dục đào tạo cũng như công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao tại Quảng Ninh phải đối mặt với rất nhiều thách thức do đại dịch Covid-19 bùng phát và lây lan diện rộng. Tuy nhiên, với sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh, công tác phát triển nhân lực chất lượng cao vẫn thu về những tín hiệu tích cực. Đặc biệt, sự nỗ lực, chủ động chuyển đổi và thích ứng của toàn ngành giáo dục đã tạo nên những đột phá, chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng dạy học trên địa bàn tỉnh trong điều kiện khó khăn.

Ngành Giáo dục ghi dấu ấn trên đấu trường khu vực quốc tế

Vũ Huy Hoàng – một trong những niềm tự hào của giáo dục Quảng Ninh nửa đầu năm 2022. Em đã xuất sắc vượt qua hằng trăm thí sinh đến từ nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ để đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương. Đây là lần đầu tiên Quảng Ninh có học sinh đoạt giải môn Tin học khu vực quốc tế và cũng là lần đầu tiên đổi được màu huy chương từ Đồng sang Bạc trong kỳ thi cấp khu vực quốc tế.

Vũ Huy Hoàng vui mừng chia sẻ: So với Kỳ thi chọn học sinh môn Tin học cấp quốc gia, Kỳ thi Olympic Tin học châu Á - Thái Bình Dương khó hơn rất nhiều. Kỳ thi này có rất nhiều thí sinh giỏi đến từ nhiều quốc gia trên thế giới nên tính cạnh tranh vô cùng cao. Tuy nhiên, trước khi dự thi, em được thầy cô ở trường và đội tuyển tạo điều kiện tốt nhất để ôn tập. Ngoài học trên lớp, em tự học là chính.

Vũ Huy Hoàng (bên trái) đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương.

Vũ Huy Hoàng (bên trái) đoạt Huy chương Bạc Olympic Tin học châu Á – Thái Bình Dương.

Chia sẻ về Kỳ thi lần này, Vũ Huy Hoàng cho biết, bài thi môn Tin học gồm 3 phần, chủ yếu tập trung vào việc viết code (chuỗi ngôn ngữ lập trình cơ bản để đưa vào máy tính). Phần khó nhất khi làm bài thi là tư duy. Khi làm bài, Hoàng cảm thấy giống giải toán, phải suy nghĩ cách giải để trình bày hợp lý.

Phạm Hoàng Nam, lớp 12 Tin, Trường THPT Chuyên Hạ Long, người bạn thân thiết với Hoàng từ năm lớp 10, cho hay: Trong quá trình học tập, em được Hoàng giúp đỡ rất nhiều, nhất là với các môn tự nhiên. Nhờ có sự hỗ trợ của Hoàng, em chịu khó học bài hơn, thành tích học cũng chuyển biến tốt hơn.

Nhắc về cậu học trò của mình, thầy giáo Vũ Trường Xuân, giáo viên chủ nhiệm của Hoàng, Trường THPT Chuyên Hạ Long, phấn khởi nói: Tôi rất tự hào vì có học trò xuất sắc như Vũ Huy Hoàng. Từ lớp 10, tôi đã nhận ra được em thích lập trình, có thể phát triển hơn, theo đuổi con đường lâu dài với môn Tin học. Trên lớp, khi bài học nào khó hiểu, Hoàng luôn chủ động tìm tòi, hỏi tôi để giải đáp cho ra vấn đề.

Trước thành tích của Vũ Huy Hoàng, học sinh Lê Thùy Mai Anh của Quảng Ninh cũng đã được xướng tên tại Kỳ thi Olympic Vật lý châu Âu 2022, với chiếc Huy chương Đồng – 1 trong hai kỳ thi cấp cao nhất về Vật lý.

Đáng nói, Lê Thùy Mai Anh mới hoàn thành chương trình lớp 11. Em còn cơ hội tỏa sáng tại Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia năm học tới, phấn đấu có mặt trong đội tuyển Việt Nam dự thi Olympic Vật lý khu vực châu Á - Thái Bình Dương và Olympic Vật lý Quốc tế năm 2023.

Không chỉ ghi dấu ở khu vực quốc tế, 6 tháng đầu năm 2022, giáo dục Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vị thế trong nước, với 48 học sinh đạt giải trong Kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, tăng 7 giải so với năm 2021, cùng nhiều học sinh đạt giải cao trong các kỳ thi khoa học quốc gia, quốc tế.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 tại tỉnh diễn ra an toàn, nghiêm túc. Ảnh chụp tại HĐCT Trường THPT Vũ Văn Hiếu, TP Hạ Long.

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 năm học 2022-2023 tại tỉnh diễn ra an toàn, nghiêm túc. Ảnh chụp tại HĐCT Trường THPT Vũ Văn Hiếu, TP Hạ Long.

Đặc biệt, ngành Giáo dục còn thực hiện tốt công tác phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là phòng chống dịch Covid-19. 100% các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh đã chủ động, linh hoạt tổ chức các hoạt động dạy học thích ứng an toàn với các cấp độ dịch tại địa phương để duy trì dạy học trực tiếp, trực tuyến, đảm bảo kết thúc năm học trước ngày 31/5/2022 theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Sở cũng tổ chức thành công Kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 THPT năm học 2022-2023, với 15.771 thí sinh đăng ký tuyển sinh vào 36 trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh. Hiện nay, công tác chuẩn bị các điều kiện tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2022 đang được khẩn trương thực hiện, đảm bảo nghiêm túc, an toàn, đúng quy định. Toàn tỉnh đã có 15.102/15.190 (đạt 99,42%) học sinh lớp 12 đăng ký dự thi tốt nghiệp THPT thành công trên Cổng dịch vụ công quốc gia.

Những thành tích đáng tự hào kể trên là kết quả của nhiều yếu tố. Trên hết, đó là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của tỉnh để toàn ngành giáo dục chuyển trạng thái, thích ứng và giảm thiểu các tác động tiêu cực, trên cơ sở không thay đổi mục tiêu đảm bảo chất lượng. Việc xây dựng cơ sở vật chất trường, lớp và nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục các cấp luôn luôn được quan tâm chú trọng, đáp ứng yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đào tạo.

Giáo dục ở mọi miền trong tỉnh vẫn luôn được quan tâm, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh chụp tại Điểm trường Bản Ngày, Trường Tiểu học Vô Ngại (huyện Bình Liêu).

Giáo dục ở mọi miền trong tỉnh vẫn luôn được quan tâm, dù ảnh hưởng của dịch Covid-19. Ảnh chụp tại Điểm trường Bản Ngày, Trường Tiểu học Vô Ngại (huyện Bình Liêu).

Đặc biệt, giáo dục luôn được ưu tiên trong các chương trình phát triển KT-XH của tỉnh, một trong số đó là Nghị quyết Ban hành quy định chế độ thưởng, hỗ trợ trong công tác bồi dưỡng học sinh giỏi của tỉnh Quảng Ninh và một số chính sách ưu đãi đối với Trường THPT Chuyên Hạ Long từ năm học 2021-2022 đến năm học 2025 – 2026 tạo đà bứt phá vươn lên mạnh mẽ.  

Bà Nguyễn Thị Thúy, Giám đốc Sở GD&ĐT cho biết: Năm học 2021-2022 đã khép lại, ngành GD-ĐT đang tập trung cho công tác chuẩn bị năm học 2022-2023, nhất là các điều kiện để triển khai hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với các khối lớp 1,2,3,6,7 và 10. Cùng với đó là công tác chuẩn bị cho Kỳ thi tốt nghiệp THPT 2022 diễn ra trong 2 ngày 7 và 8-7. Bám sát chỉ đạo của tỉnh, giáo dục Quảng Ninh quyết tâm “Dù khó khăn đến đâu cũng phải thi đua dạy tốt và học tốt”. Phấn đấu hiện thực hóa mục tiêu hướng đến một nền giáo dục toàn dân, mọi học sinh đều bình đẳng trong cơ hội tiếp cận với giáo dục một cách tốt nhất, đưa chất lượng giáo dục của tỉnh không ngừng được nâng lên.

Sở LĐ-TB&XH và Sun Group vùng Đông Bắc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2022-2025 (tháng 2/2022). Ảnh: Hoài Anh

Sở LĐ-TB&XH và Sun Group vùng Đông Bắc ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển nguồn nhân lực giai đoạn 2022-2025 (tháng 2/2022). Ảnh: Hoài Anh

Một tiết học tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: Trúc Linh

Một tiết học tại Trường Đào tạo cán bộ Nguyễn Văn Cừ. Ảnh: Trúc Linh

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trưởng Bộ môn Tiếng Anh, hướng dẫn sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tìm hiểu Văn hóa phương Tây.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trưởng khoa Ngoại ngữ, Trưởng Bộ môn Tiếng Anh, hướng dẫn sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh tìm hiểu Văn hóa phương Tây.

Dành sự ưu tiên cho phát triển nhân lực

Sự quan tâm, tạo điều kiện để phát triển giáo dục, đào tạo là một trong những điều kiện cốt lõi để tỉnh thực hiện phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, qua đó, đẩy mạnh gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí của "hạnh phúc".

Theo đó, từ đầu năm đến nay, tỉnh tiếp tục chỉ đạo xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng về làm việc, sinh sống tại tỉnh Quảng Ninh. Trong đó, tập trung nghiên cứu, nhân rộng mô hình dự án khu nhà ở công nhân và chuyên gia tại Khu công nghiệp Đông Mai. Đi cùng với đó, tỉnh cũng chỉ đạo tích cực việc xây dựng, hoàn thiện Đề án phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, tập trung nghiên cứu tập trung nguồn lực để đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất các trường học trên địa bàn tỉnh, theo hướng đến năm 2025, mỗi huyện có một trường học công lập theo tiêu chí chất lượng cao ở mỗi cấp học giáo dục phổ thông và mỗi thành phố, thị xã có một trường THPT công lập theo tiêu chí chất lượng cao. Cùng với đó, tỉnh cũng xây dựng Kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức năm 2022 với 94 lớp cho hơn 6.614 học viên, khai toán kinh phí tổ chức các lớp là 20,4 tỷ đồng. Đến nay, toàn tỉnh đã và đang mở được 30 lớp.

6 tháng đầu năm nay, tỉnh cũng tiếp tục chỉ đạo rà soát, sắp xếp tổ chức bộ máy, biên chế đảm bảo tinh gọn, hiệu quả. Cụ thể, tỉnh đã phê duyệt Đề án tinh giản biên chế giai đoạn 2022-2025 theo Nghị quyết số 108/2014/NQ-HĐND của 14 cơ quan. Gồm 6 Sở: Y tế, Ngoại vụ, Văn hóa - thể thao, GD&ĐT, Lao động-TB&XH, Ngoại vụ; UBND 8 địa phương: Vân Đồn, Tiên Yên, Quảng Yên, Bình Liêu, Cẩm Phả, Cô Tô, Đầm Hà, Ba Chẽ. Đi cùng với đó, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của chính quyền các cấp tiếp tục được củng cố. Tỉnh tăng cường chỉ đạo siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính; đề cao trách nhiệm người đứng đầu chính quyền và các cơ quan quản lý các cấp; nâng cao năng lực quản trị xã hội, quản lý nhà nước và xử lý tình huống của các ngành, các cấp, nhất là cấp cơ sở.

Thực tế, không phải đến bây giờ, công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao mới được tỉnh chú trọng. Cùng với hoàn thiện thể chế và cải cách hành chính, việc xây dựng kết cấu hạ tầng, phát triển nguồn nhân lực là một trong 3 đột phá chiến lược mà tỉnh đang thực hiện có hiệu quả trong nhiều năm qua. Tỉnh luôn xác định phát triển nguồn nhân lực phải đảm bảo 2 yếu tố là số lượng và chất lượng, hạt nhân là nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ công chức, viên chức; thu hút, trọng dụng nhân tài vào khu vực công; kết hợp hài hòa giữa đào tạo và đào tạo lại với thu hút nhân lực chất lượng cao đáp ứng nhu cầu phát triển của tỉnh và của doanh nghiệp.

Dành sự ưu tiên cho Trường Đại học Hạ Long, những năm qua, tỉnh đã ban hành rất nhiều cơ chế, chính sách riêng có để phát triển quy mô, nhân lực cho nhà trường. Nổi bật là: Chính sách thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao về làm việc tại trường giai đoạn 2015-2017 và kéo dài đến 2020; chế độ chi cho giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ thỉnh giảng tại trường Đại học Hạ Long, giai đoạn 2016-2020 (Nghị quyết 20/2016/NQ-HĐND ngày 27/7/2016)... Nhờ những chính sách ấy, đến nay, Trường đã tiếp nhận, tuyển dụng 22 người (14 tiến sĩ, 8 thạc sĩ); mời 145 lượt giảng viên là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ tham gia giảng dạy cho sinh viên trong trường. Tiến sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trưởng Khoa Ngoại ngữ, Trưởng Bộ môn tiếng Anh, Trường Đại học Hạ Long cho biết: Tôi về công tác tại Trường từ năm 2017. Tôi thấy môi trường làm việc tại đây rất tốt. Tôi rất muốn gắn bó thật lâu hơn nữa, để cống hiến cho sự phát triển của nhà trường và với tỉnh Quảng Ninh.

Để nguồn nhân lực tiếp tục có sự cất cánh trong thời gian tới, đặc biệt là nửa cuối năm 2022, tỉnh đặt mục tiêu sẽ tiếp tục hoàn thiện Đề án phát triển nhà ở công nhân, lao động ngành than, khu công nghiệp, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ thuật về làm việc, sinh sống tại Quảng Ninh; hỗ trợ doanh nghiệp đẩy nhanh hoạt động phục hồi du lịch, nhất là nguồn nhân lực du lịch. Đồng thời, thực hiện có hiệu quả đột phá chiến lược về phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số, từng bước xây dựng, phát triển Trường Đại học Hạ Long theo mô hình đô thị đại học. Mặt khác, mở rộng các cơ sở đào tạo, dạy nghề chất lượng cao, ưu tiên các lĩnh vực ngành nghề tỉnh cần; triển khai thực hiện chính sách thu hút, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao tại Trường Đại học Hạ Long, Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh và Trường Cao đẳng Y tế Quảng Ninh theo Nghị quyết số 35/2021/NQ-HĐND ngày 27/8/2021 của HĐND tỉnh. Đi cùng với đó, toàn tỉnh sẽ tập trung nâng cao chất lượng nguồn nhân lực gắn với chuyển dịch cơ cấu lao động, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập ổn định cho lao động ở các xã nông thôn, miền núi, nhất là lao động trẻ, dân tộc thiểu số.

Có thể thấy, giáo dục luôn được tỉnh chú trọng, đặt xứng tầm với vị thế là gốc, là nền tảng của sự phát triển, nhất là công tác phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao. Tin tưởng, những định hướng, chiến lược lâu dài, thiết thực mà tỉnh đã đề ra đối với hoạt động giáo dục, nguồn nhân lực chắc chắn sẽ đáp ứng yêu cầu đổi mới, trong thời kỳ 4.0 hiện nay.

Lan Anh
Trình bày: Tất Đạt