GIỮ NHỊP SỐNG HẠNH PHÚC CHO NHÂN DÂN

Bài 2: Thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền

Quảng Ninh có 67/177 xã, phường, thị trấn thuộc khu vực miền núi, biên giới, hải đảo với số lượng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) chiếm 12,31% dân số toàn tỉnh, cư trú tại vị trí trọng yếu về quốc phòng, an ninh, trật tự. Do đó, Quảng Ninh luôn chú trọng, quan tâm đến việc nâng cao đời sống đồng bào DTTS, phát triển toàn diện các khu vực miền núi, biên giới, hải đảo, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng miền, hướng tới sự phát triển bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau.

HẠ TẦNG LÀ KHÂU THEN CHỐT

Giảm khoảng cách chênh lệch vùng miền bằng việc đầu tư cơ sở hạ tầng đồng bộ, hoàn thiện, hiện đại cho vùng khó là mục tiêu chiến lược của Quảng Ninh, qua đó, đáp ứng nhu cầu của người dân, nâng cao chất lượng cuộc sống, thay đổi diện mạo vùng nông thôn. Trong đó, hạ tầng giao thông nhằm đáp ứng nhu cầu đi lại của người dân, tăng cường sự liên kết giữa các khu vực, phục vụ cho việc phát triển KT – XH được tỉnh ưu tiên hàng đầu.

Tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã vùng cao Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên) đang được gấp rút hoàn thành.

Tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã vùng cao Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên) đang được gấp rút hoàn thành.

Tuyến đường giao thông nối từ trung tâm xã vùng cao Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ (huyện Tiên Yên) đang được gấp rút hoàn thành là niềm mong ước của người dân bấy lâu nay. Bởi sau khi sáp nhập xã Đại Thành vào xã Đại Dực (huyện Tiên Yên), người dân 2 địa bàn vẫn phải đi chung con đường xuống cấp, nhiều cua, dốc cao. Nhằm tạo thuận lợi về giao thông cho người dân, tỉnh và huyện Tiên Yên đã quyết định đầu tư tuyến đường nối từ trung tâm xã Đại Dực sang trung tâm xã Đại Thành cũ với tổng mức đầu tư trên 150 tỷ đồng.

Chị Hoàng Thị Chắn, Trạm trưởng Trạm y tế xã Đại Dực, huyện Tiên Yên, cho biết: Trạm y tế xã chỉ còn 5 người song phải thực hiện công tác chăm sóc sức khỏe của người dân địa bàn xã Đại Dực và Đại Thành cũ. Do diện tích 2 xã rộng, nhiều đồi núi, đường nhỏ hẹp, nên việc đi lại của nhân viên y tế rất khó khăn. Thậm chí, nhân viên của trạm nhiều lần bị ngã xước người trong khi đi thăm khám sức khỏe cho bà con. Khi tuyến đường nối trung tâm hai xã được đầu tư, chúng tôi vui lắm bởi không chỉ khang trang, sạch đẹp, đi lại dễ dàng, mà còn rút ngắn khoảng cách đi lại giữa xã Đại Thành cũ và Đại Dực từ 20km xuống còn 10km.

Nhà văn hóa xã Đồng Sơn, TP Hạ Long xây dựng khang trang.

Nhà văn hóa xã Đồng Sơn, TP Hạ Long xây dựng khang trang.

Từ nhu cầu thực tiễn, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT-XH, đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo gắn với xây dựng NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025. Trên cơ sở đó, tỉnh đã triển khai nhiều công trình động lực như: Đường nối từ trung tâm huyện đi xã Quảng An (huyện Đầm Hà); đường nối từ QL18 đến khu trung tâm xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); đường nối QL18 đến trung tâm thị trấn Ba Chẽ (huyện Ba Chẽ); nâng cấp đường từ thôn Khe Lặc, xã Đại Dực (huyện Tiên Yên) đi xã Húc Động (huyện Bình Liêu); đường từ trung tâm huyện đi xã Quảng An và đường nối QL18 đi qua xã Quảng Lâm vào bản Sán Cáy Coọc, xã Quảng Sơn (huyện Hải Hà); trường THCS&THPT Đường Hoa Cương (huyện Hải Hà); nhà văn hóa xã Đại Dực gắn với Trung tâm Văn hóa dân tộc Sán Chỉ (huyện Tiên Yên)…  

Ngày 31/5/2022, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết 96/NQ-HĐND sửa đổi, bổ sung một số nội dung Nghị quyết 50/NQ-HĐND ngày 13/11/2021 của HĐND tỉnh. Theo đó, năm 2022, tỉnh sẽ bố trí vốn ngân sách đầu tư 3 trường gồm THPT Bình Liêu, THCS&THPT Hoành Mô, THPT Ba Chẽ…  Hiện, tỉnh cũng đang hoàn thiện Đề án “Tổng thể phát triển hoàn thiện hạ tầng giao thông, khai thác, phát huy tiềm năng, lợi thế du lịch, gắn với chuyển đổi cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, góp phần giảm nghèo bền vững, nâng cao đời sống nhân dân tại các địa phương Bình Liêu, Tiên Yên, Ba Chẽ” với tổng kinh phí 3.100 tỷ đồng.  Các dự án sau khi hoàn thành sẽ góp phần hoàn thành quan trọng hoàn thiện kết cấu hạ tầng khu vực vùng sâu, miền núi, biên giới, nâng cao đời sống cho người dân, thúc đẩy KT – XH địa phương.

Tuyến đường khu sản xuất tập trung tại xã Sơn Dương, TP Hạ Long được bê tông hóa.

Tuyến đường khu sản xuất tập trung tại xã Sơn Dương, TP Hạ Long được bê tông hóa.

Cùng với tỉnh, kinh nghiệm của các địa phương trong việc  dành nguồn lực đầu tư hạ tầng nông thôn cũng rất phong phú, đa dạng, hiệu quả. Như tại huyện Bình Liêu, trên cơ sở nguồn vốn được giao hàng năm, địa phương này đã thực hiện rà soát, cân đối, bố trí nguồn vốn đầu tư tập trung, có trọng điểm, không dàn trải, trong đó, ưu tiên cho những dự án động lực, có hiệu quả đầu tư cao, tạo ra dư địa phát triển KT-XH. Tại Kỳ họp HĐND huyện ngày 12/11/2021, HĐND huyện Bình Liêu đã ban hành Nghị quyết số 266/NQ-HĐND về điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 để đảm bảo đủ nguồn lực đầu tư đồng bộ hạ tầng kỹ thuật. Theo đó, sẽ có trên 800 tỷ đồng ngân sách huyện được bố trí triển khai các dự án, công trình trong giai đoạn 2021-2025. Riêng trong năm 2022, huyện đã bố trí trên 182 tỷ đồng vốn đầu tư công thực hiện phân bổ cho trên 40 dự án.

Còn tại TP Hạ Long, từ đầu năm đến nay, địa phương này đã dồn mọi nguồn lực cho các xã vùng cao, vùng khó, miền núi. Ông Nguyễn Tuấn Minh, Phó Chủ tịch UBND TP Hạ Long, cho biết: Năm nay, thành phố đã bố trí 723 tỷ đồng để đầu tư cho các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi gắn với chương trình xây dựng NTM. Trong đó, thành phố đã bố trí 691 tỷ đồng đầu tư cho 19 dự án chuyển tiếp năm 2021 và 13 dự án khởi công mới để đầu tư công trình hạ tầng thiết yếu tại các xã vùng đồng bào DTTS, miền núi; 32 tỷ đồng cấp bổ sung có mục tiêu hỗ trợ 11 xã đầu tư xây dựng 62 công trình hạ tầng thực hiện mục tiêu xây dựng NTM. Có thể kể đến một số công trình như: Đường đấu nối QL279 đến tỉnh lộ 342; nâng cấp đập Gốc Mương, thôn 1, xã Dân Chủ; nâng cấp tuyến đường Đồng Cao - Đò Bàng, xã Thống Nhất; xây dựng bổ sung phòng học và phòng chức năng Trường PTDT bán trú TH&THCS Đồng Lâm 1; xây mới Trường TH&THCS Hòa Bình; xây mới Trường Mầm non xã Đồng Lâm… Các công trình này không chỉ giúp Hạ Long sẽ hoàn thành xây dựng NTM trong năm nay, mà còn đạt được mục tiêu cao hơn là nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân, đưa thu nhập bình quân đầu người ở khu vực nông thôn đạt trên 62 triệu đồng/người/năm, thu hẹp khoảng cách giữa các xã ngay trong thành phố.

Tuyến đường kéo dài từ Đồng Thắng qua Sông Móoc A đến Sông Móoc B trên địa bàn xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Tuyến đường kéo dài từ Đồng Thắng qua Sông Móoc A đến Sông Móoc B trên địa bàn xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

CHĂM LO TOÀN DIỆN CHO NGƯỜI DÂN

Nhằm hỗ trợ vùng đồng bào DTTS, ngày 17/5/2021, BCH Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU “Về phát triển bền vững KT – XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030”. Nghị quyết đặt ra mục tiêu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt.

Người dân xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ vay vốn tín dụng chính sách đầu tư trồng quế.

Người dân xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ vay vốn tín dụng chính sách đầu tư trồng quế.

Để thực hiện mục tiêu này, nguồn vốn phục vụ sản xuất đóng vai trò vô cùng quan trọng. Tuy nhiên, thay vì “cho không” bằng các mô hình, dự án, hỗ trợ như trước đây, tỉnh tập trung thực hiện phương thức “cho vay” ưu đãi. Theo đó, tỉnh sẽ bố trí vốn ngân sách tỉnh ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH) chi nhánh Quảng Ninh để triển khai các chương trình tín dụng chính sách. Với lãi suất thấp, thời gian trả nợ dài, địa phương giám sát chặt chẽ, nguồn vốn cho vay này đã thực sự là đòn bẩy cho người dân. Thông qua nguồn vốn cho vay khuyến khích người dân phát triển sản xuất, loại bỏ tư tưởng ỷ lại, có ý thức tích lũy để trả nợ.

Cán bộ Ngân hàng CSXH phổ biến một số chương trình tín dụng cho người dân xã Đồng Sơn, TP Hạ Long.

Cán bộ Ngân hàng CSXH phổ biến một số chương trình tín dụng cho người dân xã Đồng Sơn, TP Hạ Long.

Riêng năm 2022, tỉnh đã bố trí vốn từ ngân sách ủy thác cho Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh 80 tỷ đồng (gồm 50 tỷ đồng theo Nghị quyết 50 của HĐND tỉnh và 30 tỷ đồng từ chương trình cho vay giải quyết việc làm) để cho vay. Từ đó, toàn tỉnh đã có 1.225 hộ được vay vốn. Nguồn vốn đã hỗ trợ kịp thời cho người dân tiếp tục phát triển sản xuất, nhân rộng các mô hình, tạo việc làm cho người lao động địa phương.

Chị Lỷ Thị Lan, bản Mảy Nháu, xã Quảng Sơn, huyện Hải Hà, cho biết: Vài năm trước, gia đình tôi đã vay vốn chương trình cho vay vùng khó của Ngân hàng CSXH huyện Hải Hà để đầu tư trồng rừng. Nguồn vốn tín dụng chính sách thực sự cần thiết đối với các hộ dân để phát triển sản xuất. Tuy nhiên, sau khi hoàn thành chương trình 135, xã Quảng Sơn không còn thuộc diện vùng khó. Do đó, toàn bộ vốn vay đến kỳ phải hoàn trả. Khi đang loay hoay vì thiếu vốn sản xuất, gia đình tôi lại được xã và ngân hàng tạo điều kiện cho vay 100 triệu đồng nguồn vốn tín dụng ưu đãi theo Nghị quyết 06. Với số tiền vay được, gia đình đã trồng thêm 4ha quế vào diện tích keo đã cho thu hoạch. Nhờ đó, không chỉ chúng tôi có thu nhập ổn định, đời sống nâng lên, cuộc sống đủ đầy, mà những cánh rừng quế này sẽ còn là của để dành cho con cháu.

Bằng nhiều nguồn vốn, Ngân hàng CSXH chi nhánh Quảng Ninh đã tập trung thực hiện cho vay tại 67 xã vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo theo Nghị quyết số 06-NQ/TU có tổng dư nợ đạt 1.439,8 tỷ đồng, với 35.915 khách hàng vay còn dư nợ, bình quân dư nợ 22,1 tỷ đồng/xã, cao hơn bình quân chung của tỉnh là 2,1 tỷ đồng/xã. Nguồn vốn vay được người dân sử dụng hiệu quả, đúng mục đích, phù hợp với điều kiện thực tế.

Người dân xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu đến Phòng khám Đa khoa Khu vực Hoành Mô khám bệnh theo diện BHYT.

Người dân xã Hoành Mô, huyện Bình Liêu đến Phòng khám Đa khoa Khu vực Hoành Mô khám bệnh theo diện BHYT.

Sau khi hoàn thành Đề án 196, Quảng Ninh đã không còn xã, thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn. Đây là nỗ lực rất lớn của tỉnh trong quá trình phấn đấu nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân vùng miền núi, biên giới, hải đảo, thu hẹp khoảng cách giữa các khu vực miền núi và miền xuôi. Tuy nhiên, khi thoát khỏi diện đặc biệt khó khăn, một số chế độ an sinh xã hội, nhất là BHYT vốn được hỗ trợ từ nguồn ngân sách đối với các điạ bàn trên sẽ không được áp dụng. Nhằm ổn định đời sống người dân, HĐND tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 16/NQ-HĐND ngày 16/7/2021 phê duyệt Chương trình tổng thể phát triển bền vững KT – XH gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh  giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Nghị quyết sẽ tiếp tục hỗ trợ đóng BHYT cho một số đối tượng đồng bào DTTS đang sinh sống tại vùng có điều kiện KT – XH khó khăn đến hết năm 2025 từ nguồn ngân sách tỉnh. Theo đó, hiện toàn tỉnh có khoảng 65.000 người dân được hỗ trợ 100% kinh phí để mua BHYT (mỗi thẻ BHYT trị giá 804.600 đồng/năm). Điều này người dân được điều kiện chăm sóc sức khỏe, chăm lo toàn diện, ổn định cuộc sống.

Huyện Đầm Hà chú trọng phát triển mô hình liên kết nhằm tạo việc làm cho người dân (Trong ảnh: Công nhân chăm sóc dưa lưới được trồng theo quy trình công nghệ cao của Công ty CP Thương mại và Xây dựng Đầm Hà.)


Bám sát mục tiêu của tỉnh đề ra, huyện miền núi Đầm Hà đã triển khai những giải pháp cụ thể hỗ trợ sinh kế cho người dân gắn với công tác giảm nghèo, nâng cao chất lượng cuộc sống. Ông Trần Việt Dũng, Chủ tịch UBND huyện Đầm Hà, cho biết: Nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất người dân các xã vùng cao, huyện đã tiếp tục hỗ trợ Công ty Quế Hồi Quảng Ninh xây dựng mô hình liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ; vận động nhân dân chuyển đổi khu vực đồi thấp, diện tích vườn tạp sang trồng cây ăn quả, mở rộng diện tích trồng cây ăn quả lên khoảng 500 ha; trồng các loài cây lim, giổi, lát. Đồng thời, quy hoạch một số cụm công nghiệp để phát triển công nghiệp chế biến; triển khai khu du lịch sinh thái thác Bạch Vân, xã Quảng An kết hợp với những danh lam thắng cảnh có tiềm năng để phát triển du lịch cộng đồng; thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề cho lao động nông thôn… Đặc biệt, huyện đã hỗ trợ đất ở cho 148 hộ đồng bào DTTS với diện tích 23.240m2, hỗ trợ chuyển đổi nghề cho 41 hộ, đề xuất tỉnh xây dựng 5 công trình nước sạch tại bản Siềng Lống (xã Quảng Lâm),  bản Lý Khoái (xã Quảng Lâm), thôn Tầm Làng (xã Quảng An)…

Tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh giảm 0,05% (tương đương 205 hộ), từ 0,41% cuối năm 2021 xuống hiện còn 0,36%. Với sự quan tâm sâu sát, chăm lo toàn diện cùng những giải pháp hiệu quả, diện mạo các xã miền núi, biên giới, hải đảo của Quảng Ninh đã có nhiều đổi mới, đời sống của người dân được nâng cao, nếp sống văn hóa mới được duy trì, phong tục tốt đẹp được giữ vững, niềm tin của người dân với Đảng và chính quyền được củng cố. Những kết quả đạt được là động lực để Quảng Ninh tiếp tục hoàn thành toàn diện những mục tiêu như đã định, xóa dần khoảng cách chênh lệch giàu nghèo giữa các vùng miền, đảm bảo mọi người dân đều được hưởng thành quả phát triển của tỉnh. 

Lan Anh
Trình bày: Tất Đạt