Với sự vào cuộc tích cực của tỉnh và sở, ngành, địa phương, khu vực công nghiệp - xây dựng của tỉnh 6 tháng đầu năm 2022 tiếp tục phát triển mạnh mẽ, trở thành "bệ đỡ" cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh trong bối cảnh ngành dịch vụ, du lịch mới đang trên đà phục hồi. Tốc độ tăng trưởng ước tăng 12,04%, cao hơn 2,91 điểm % so với cùng kỳ (CK tăng 9,13%), cao hơn 1,92 điểm % so với kịch bản 6 tháng đầu năm (KB tăng 10,12%), chiếm tỷ trọng 55,7% trong GRDP, đóng góp 6,48 điểm % tăng trưởng GRDP...

Bài 1:

Khẳng định bản lĩnh ngành công nghiệp chế biến, chế tạo

Hơn 2 năm qua, trong khi khu vực dịch vụ của tỉnh hoạt động cầm chừng, thậm chí có giai đoạn “đóng băng” ở ngành du lịch; hay khu vực nông nghiệp có tăng trưởng nhưng không cao thì công nghiệp lại có tăng trưởng nhảy vọt. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến chế tạo tiếp tục ghi nhiều dấu ấn. Điều này đã giúp cho bức tranh kinh tế của Quảng Ninh, dù trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, vẫn có những gam màu sáng. Đây cũng là động lực quan trọng để Quảng Ninh đặt niềm tin cho tăng trưởng kinh tế năm 2022 ở mốc 2 con số - là một trong những địa phương đặt mục tiêu tăng trưởng GRDP cao nhất cả nước.

Tiếp tục tăng trưởng khá

Với cách làm bài bản, bước đi mạnh mẽ trong cơ cấu lại khu vực công nghiệp, kinh nghiệm phát triển phù hợp, hạ tầng được đầu tư tối ưu, năm 2022 Quảng Ninh tiếp tục được coi là mảnh đất màu mỡ của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. 6 tháng đầu năm, ngành này tiếp tục duy trì mức tăng trưởng khá, ước tăng 15,93%, chiếm tỷ trọng 12% trong GRDP và đóng góp 1,57 điểm % trong tăng trưởng GRDP của tỉnh. Trong đó có một số sản phẩm tăng ấn tượng như: Bột mì đạt 238 nghìn tấn, tăng 14,4%; màn hình Tivi đạt 586 nghìn cái, tăng 10,6%; vải dệt từ sợi tổng hợp đạt 1 triệu m2, tăng 24,4%; Thân mũ đạt 20,1 triệu cái, tăng 11%; Linh kiện điện tử của công ty TNHH Công nghiệp chính xác Eson Việt Nam (sản phẩm mới) đạt 1,4 triệu cái, tăng 42,3%,...

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng lễ khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam.

Các đồng chí lãnh đạo tỉnh tặng hoa chúc mừng lễ khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam.

Đặc biệt, tín hiệu vui ngay từ những ngày đầu năm là tại KCN Sông Khoai (TX Quảng Yên), Công ty TNHH Công nghiệp Jinko Solar Việt Nam đã khởi động sản xuất và ra mắt sản phẩm đầu tiên của dự án công nghệ tấm silic Jinko Solar Việt Nam sau gần 4 tháng triển khai đầu tư kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký (tháng 9/2021). Tại KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), Công ty TNHH Điện tử TONLY tiếp tục mở rộng đầu tư bằng việc triển khai dự án sản xuất loa, tai nghe và thiết bị điện tử với tổng vốn đầu tư gần 600 tỷ đồng. Tại KCN Bắc Tiền Phong (TX Quảng Yên), Công ty BW ký thỏa thuận đầu tư khu nhà xưởng xây sẵn với tổng diện tích 7,4ha để cho thuê lại. Trong đó, hạ tầng nhà xưởng sẽ hướng tới phát triển sản phẩm dành cho công nghiệp nhẹ và nhà kho hiện đại. Ngay sau khi các thủ tục pháp lý hoàn thành, BW sẽ chính thức đề nghị tỉnh Quảng Ninh chấp thuận, cấp Giấy chứng nhận đầu tư và chủ động tìm kiếm đối tác cho thuê và là nhà đầu tư thứ cấp nước ngoài đầu tiên vào KCN Bắc Tiền Phong.

Dù mới phát triển, nhưng công nghiệp chế biến, chế tạo ở Quảng Ninh đã thực sự đột phá trong thời gian ngắn, dù dịch Covid-19 gây ra nhiều khó khăn, nhất là trong cung ứng nguyên liệu, vật liệu sản xuất, vận chuyển hàng hóa thành phẩm, tìm kiếm đối tác, bạn hàng... Các nhà máy, phân xưởng trong các KKT, KCN của tỉnh đang hoạt động hết sức sôi động, thậm chí hết công suất, từ đó tăng thêm giá trị, trở thành ngành đóng góp lớn cho tăng trưởng của khu vực công nghiệp - xây dựng, bù đắp lớn cho một số ngành, lĩnh vực kinh tế có chỉ số tăng trưởng âm.

Dây chuyền sản xuất ti vi thuộc dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.

Dây chuyền sản xuất ti vi thuộc dự án S-Việt Nam của Tập đoàn Foxconn tại KCN Đông Mai, TX Quảng Yên.

Theo các chuyên gia kinh tế, Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển mạnh mẽ, vượt trội lĩnh vực này khi có hệ thống cảng biển, dịch vụ logistics, các KCN, đường cao tốc, nhất là hệ thống các cặp cửa khẩu song phương với Trung Quốc, tạo thành chuỗi dây chuyền, liên kết khép kín. Đây cũng là lý do chỉ trong thời gian ngắn, Quảng Ninh đã ghi nhận được sự có mặt của nhiều thương hiệu hàng đầu thế giới trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo như Foxconn, Hyundai, Amata… với số vốn đầu tư lên đến hàng tỷ USD. Các thương hiệu lớn xuất hiện, không chỉ mở rộng sản xuất, kinh doanh, mà đang tiếp tục lôi kéo thêm nhiều nhà đầu tư phụ trợ để hình thành chuỗi cung ứng khép kín trong mỗi lĩnh vực.

Tháo gỡ khó khăn, phát triển bền vững

Theo đánh giá chung, ngành công nghiệp chế biến chế tạo 6 tháng đầu năm vẫn duy trì mức tăng trưởng khá (12,63%) tuy nhiên vẫn thấp hơn 27,14 điểm % so với cùng kỳ (cùng kỳ tăng 39,77%), thấp hơn 2,1% so với kịch bản tăng trưởng (kịch bản tăng 14,73%), trong đó có 5/15 sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo chủ yếu không đạt so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022 đề ra, gồm: Sợi bông cotton ước đạt 143 nghìn tấn, đạt 98,6%; Dầu thực vật ước đạt 105 nghìn tấn, đạt 81,4%; Quần áo đạt 6 triệu cái, đạt 75%  mặc dù Dự án nhà máy may mặc của Công ty TNHH may mặc Hoa Lợi Đạt tại Cẩm Phả khánh thành vào 19/02/2022, tuy nhiên, đến nay, công ty vẫn chưa chính thức tạo ra sản phẩm mới để đóng góp vào tăng trưởng kinh tế của tỉnh

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Nhà máy may mặc Hoa Lợi Đạt (Quảng Ninh) Việt Nam tại phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả.

Các đại biểu cắt băng khánh thành công trình Nhà máy may mặc Hoa Lợi Đạt (Quảng Ninh) Việt Nam tại phường Cẩm Phú, TP Cẩm Phả.

Phân tích từ các ngành chức năng cho thấy tốc độ tăng ngành công nghiệp chế biến, chế tạo không đạt kịch bản nguyên nhân chính là do: Đứt gãy chuỗi cung ứng, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và xuất khẩu hàng hóa qua cửa khẩu Móng Cái bị ảnh hưởng do chính sách biên mậu, chủ trương phòng dịch của Trung Quốc thắt chặt với quan điểm “Zero Covid-19’’; số lượng đơn hàng được ký kết mới chưa nhiều, cùng với sự thiếu hụt lao động trong các tháng đầu năm do số công nhân mắc Covid-19 tăng cao... đã ảnh hưởng tác động trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Ngoài ra, số lượng dự án chế biến chế tạo dự kiến bổ sung tăng thêm năng lực trong 6 tháng đầu năm 2022 chưa đi vào sản xuất, trong đó có dự kiến các sản phẩm của nhà máy nam châm của Công ty TNHH ZKM Industry và sản phẩm vải dệt kim của Công ty TNHH Texhong Dệt kim Việt Nam. 

Để tiếp tục khẳng định vai trò của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo, động lực tăng trưởng ổn định, bền vững trong năm 2022, Quảng Ninh đang bám sát tình hình dịch bệnh, chủ động phòng, chống, để từ đó tạo tâm lý yên tâm cho các nhà đầu tư trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó, tập trung hoàn thiện Quy hoạch tỉnh, định hướng phát triển các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có tiềm năng và có tính đột phá; khẩn trương đẩy nhanh tiến độ xây dựng các nhà máy mới và đưa vào sản xuất dự án công nghiệp chế biến, chế tạo tại các KKT, KCN, nâng cao năng lực sản xuất, tiêu thụ trong nước và xuất khẩu, nhất là sản phẩm công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn. Đồng thời, tổ chức các hội nghị gặp mặt định kỳ để tháo gỡ khó khăn cho các doanh nghiệp, kịp thời nắm bắt thông tin và phối hợp để có các giải pháp tháo gỡ.

Thực hiện tương tác trao đổi trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu IPA Quảng Ninh với đầu cầu của một số chủ đầu tư hạ tầng KCN trong tỉnh.

Thực hiện tương tác trao đổi trực tiếp kết hợp trực tuyến tại đầu cầu IPA Quảng Ninh với đầu cầu của một số chủ đầu tư hạ tầng KCN trong tỉnh.

Theo lãnh đạo Ban Quản lý khu kinh tế tỉnh: Thời gian tới, để hỗ trợ các doanh nghiệp trong KCN hoạt động hiệu quả, Ban sẽ thường xuyên bám sát địa bàn, nắm tình hình, lắng nghe ý kiến phản ánh của doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, Ban cũng có các phương án hỗ trợ cần thiết như: Đưa chuyên gia nước ngoài quay trở lại địa bàn, tìm kiếm lao động sau thời gian bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, hoàn thiện thủ tục khởi công xây dựng khu nhà ở cho công nhân và chuyên gia tại KCN Đông Mai... Đồng thời, phối hợp với các sở, ngành liên quan thúc đẩy hoạt động thông quan hàng hóa giúp các doanh nghiệp dễ dàng xuất, nhập khẩu hàng hóa, nguyên liệu, thiết bị phục vụ sản xuất. Ngoài ra, Ban cũng thường xuyên trao đổi, làm việc, tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài để trao đổi những vấn đề liên quan đến ngành, lĩnh vực thu hút đầu tư, chính sách đầu tư, thủ tục đầu tư vào KCN, KKT trên địa bàn tỉnh.

Về lâu dài, tỉnh sẽ tập trung phát triển theo chiều sâu các khu kinh tế, khu công nghiệp có năng lực cạnh tranh quốc gia và quốc tế. Đồng thời, hoàn thiện kết cấu hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội đồng bộ, hiện đại, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả sử dụng đất tiết kiệm; trở thành động lực tăng trưởng, đổi mới sáng tạo, thu hút nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng quy mô và chất lượng dân số. Cùng với đó là chú trọng phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu, giảm bớt khu công nghiệp tổng hợp; tăng tính liên kết giữa các khu công nghiệp, khu kinh tế của Quảng Ninh - Hải Phòng, hình thành các cụm sản xuất có quy mô lớn, tập hợp các ngành liên kết, tương hỗ, phụ thuộc nhau để tạo nên những sàn phẩm công nghiệp hoàn chỉnh. Rà soát, bổ sung quy hoạch một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp mới, có lợi thế cạnh tranh, phát huy hiệu quả hạ tầng giao thông chiến lược của hai tuyến phía Đông và phía Tây.

Hệ thống cao tốc xuyên suốt kết nối các khu vực là lợi thế thu hút nhà đầu tư tại Quảng Ninh.

Hệ thống cao tốc xuyên suốt kết nối các khu vực là lợi thế thu hút nhà đầu tư tại Quảng Ninh.

Thực tiễn hơn 2 năm thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch bệnh, vừa phát triển kinh tế đã chứng minh cho vai trò quan trọng của hoạt động sản xuất và của ngành chế biến chế tạo trong việc đảm bảo sự phát triển ổn định và bền vững nền kinh tế. Việc chuyển hướng phòng, chống dịch sang “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19” theo Nghị quyết số 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ đã tác động tích cực tới hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo. Với sự đổi mới tư duy, Quảng Ninh đã đi trước, đón đầu, tiếp tục đưa ngành chế biến chế tạo phát triển, tạo động lực dẫn dắt tăng trưởng của nền kinh tế.

Bài 2:

Ngành than, điện vượt khó, tăng trưởng ấn tượng

Ngành Than và ngành Điện là hai ngành kinh tế quan trọng đóng vai trò trụ cột trong sự phát triển của nền kinh tế toàn tỉnh, tạo động lực tăng trưởng cho các ngành kinh tế khác. Năm 2022, Quảng Ninh đặt mục tiêu tăng trưởng trên 10%; trong đó, riêng khu vực công nghiệp tăng 9,89% và hai ngành Than và Điện được kỳ vọng tiếp tục là động lực đóng góp cho tăng trưởng GRDP của tỉnh.  

Tuy nhiên, khi bước vào thực hiện nhiệm vụ năm 2022, hai ngành trụ cột này phải đối mặt với vô vàn khó khăn, thách thức.  Trên thế giới, vấn đề cạnh tranh thương mại, xung đột vũ trang xảy ra một số nơi đã làm đứt gãy nguồn cung về năng lượng, gây khó khăn cho hoạt động thương mại, giao thương, thanh toán của nhóm nguyên nhiên liệu chiến lược bao gồm xăng dầu, khí đốt và than và dẫn đến giá một số nguyên vật liệu tăng... Trong nước, dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, nhất là dịp đầu năm dịch bùng phát mạnh, gây thiếu hụt lao động nghiêm trọng. Chỉ trong quý I/2022, TKV ghi nhận hơn 32.000 F0 là công nhân các đơn vị trực thuộc. Số lao động khối sản xuất than phải nghỉ việc do dịch bệnh nhiều, nhất là giai đoạn cuối tháng 2 và đầu tháng 3, có thời điểm nhiều đơn vị chỉ còn khoảng 50-60% lao động đi làm. Một số đơn vị khai thác than hầm lò chỉ bố trí sản xuất được 2 ca/ngày. Bên cạnh đó, nhu cầu than tiêu thụ tăng cao, nhất là than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện trong khi điều kiện sản xuất của nhiều đơn vị bị thiếu hụt lao động, giá nguyên liệu tăng. Theo số liệu thống kê, nhu cầu than cấp cho 7 nhà máy nhiệt điện than trên địa bàn tỉnh là 18,66 triệu tấn (trong đó TKV cung ứng 16,26 triệu tấn, Tổng Công ty Đông Bắc 1,7 triệu tấn và than mua ngoài là 0,7 triệu tấn).

Xác định sứ mệnh trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, đóng góp phát triển KT-XH cả nước nói chung và tỉnh Quảng Ninh nói riêng, Tập đoàn TKV và Tập đoàn EVN đã chỉ đạo các đơn vị thành viên tận dụng mọi cơ hội, nguồn lực mới; nâng cao tính chủ động, linh hoạt xây dựng phương án, kịch bản sản xuất, kinh doanh phù hợp tình hình thực tế, bảo đảm an toàn và hiệu quả.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc TKV, cho biết: Để vượt qua khó khăn Tập đoàn đã chỉ đạo, điều hành thực hiện thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát dịch bệnh hiệu quả. Các đơn vị tiết giảm chi phí 2% trên tổng chi phí biến đổi bằng các giải pháp kỹ thuật công nghệ, giải pháp quản lý, bù đắp các chi phí tăng thêm hằng năm như xuống sâu và đi xa hơn, chi phí an toàn, thông gió thoát nước, chi phí phòng chống dịch Covid-19... Cùng với đó, tăng cường áp dụng tin học hóa, hiện đại hóa, cơ giới hóa khai thác đào lò để giảm chi phí sản xuất trong điều kiện giá cả đầu vào cho sản xuất tăng cao.

Biến những thách thức thành thời cơ, ngành Than đã nhanh chóng nắm bắt tình hình giá cả thị trường, nhất là trong bối cảnh giá than thế giới tăng cao để tập trung sản xuất các loại than cục, than cám chất lượng cao phục vụ cho xuất khẩu; đồng thời huy động than nhập khẩu để tăng sản lượng than pha trộn giữa than nhập khẩu và than trong nước để cung cấp cho khách hàng.

Để đảm bảo cung ứng than cho sản xuất điện phục vụ mục tiêu phát triển KT-XH, các đơn vị sản xuất than cũng đã có nhiều giải pháp thu hút nguồn nhân lực, phát động phong trào thi đua đẩy mạnh sản xuất, tăng sản lượng khai thác than để đáp ứng đủ nhu cầu của thị trường, đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân.

Đồng hành cùng với ngành Than và Điện, các cấp, các ngành chức năng của tỉnh đã thực hiện nhiều giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn liên quan đến phòng, chống dịch để ngành Than phát triển ổn định và tăng số lượng tối đa đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế. Để không thiếu than cho sản xuất điện và thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống nhân dân, tỉnh Quảng Ninh và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) đã ký biên bản phối hợp về việc triển khai các nhiệm vụ, giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho các ngành điện, than; đảm bảo đủ điện phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2022 - 2025; báo cáo Thủ tướng Chính phủ kiến nghị, đề xuất giải quyết khó khăn, vướng mắc cho ngành than, điện trên địa bàn tỉnh...

Với những giải pháp chủ động, linh hoạt phù hợp với tình hình thực tiễn, tận dụng những cơ hội mới, nguồn lực mới, ngành Than và Điện tiếp tục khẳng định bản lĩnh, sự vững vàng vượt khó, ghi dấu ấn tăng trưởng ấn tượng. 6 tháng đầu năm, ngành công nghiệp khai khoáng có mức tăng trưởng cao, ước tăng 15,16%, cao hơn 18,19% so với cùng kỳ 2021, cao hơn 10,36 điểm % so với kịch bản tăng trưởng 6 tháng; chiếm tỷ trọng 19,4% trong GRDP của tỉnh. Đây là cũng ngành đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng GRDP chung của toàn tỉnh trong 6 tháng đầu năm 2022. Sản lượng than ước đạt 24,86 triệu tấn, tăng 5,2% cùng kỳ, tăng 3% kịch bản tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2022.

Đối với ngành Điện, với 7 nhà máy điện than đang vận hành với tổng công suất 5.640MW, 6 tháng đầu năm, các nhà máy này đã phát lên hệ thống lưới điện quốc gia ước đạt 19,3 tỷ kWh, tăng 2,1% cùng kỳ, đóng góp lớn cho NSNN, cung cấp đủ sản lượng điện ổn định, tin cậy và an toàn cho phát triển kinh tế - xã hội, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt của nhân dân trên địa bàn tỉnh.

Đặc biệt là 2 ngành này đã đảm bảo việc làm, thu nhập cho hàng vạn công nhân, đóng góp không nhỏ vào thu ngân sách của tỉnh.

Với những con số biết nói, ngành Than và ngành Điện đã làm tròn trọng trách là đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia, tiếp tục giữ vai trò 2 ngành kinh tế trụ cột trong phát triển của nền kinh tế toàn tỉnh và tạo động lực tăng trưởng cho các ngành kinh tế khác.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà cho công nhân, cán bộ Công ty CP Than Vàng Danh vào tháng 4/2022.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm, tặng quà cho công nhân, cán bộ Công ty CP Than Vàng Danh vào tháng 4/2022.

Ngành than nỗ lực vượt khó trong tình hình dịch bệnh Covid-19

Ngành than nỗ lực vượt khó trong tình hình dịch bệnh Covid-19

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký kết cung ứng than, điện năm 2022.

Đại diện Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) ký kết cung ứng than, điện năm 2022.

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II là nhà máy nhiệt điện BOT đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam sử dụng công nghệ lò hơi đốt than phun.

Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương II là nhà máy nhiệt điện BOT đầu tiên và lớn nhất tại Việt Nam sử dụng công nghệ lò hơi đốt than phun.

Bài 3:

Động lực mới từ ngành công nghiệp – xây dựng

Trong cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2022, đồng chí Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh phát biểu: Qua 2 năm (2020 và 2021) bị tác động ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 cho thấy việc Quảng Ninh ưu tiên tập trung cho các ngành, lĩnh vực trong khu vực công nghiệp - xây dựng là hướng đi đúng đắn khi liên tiếp gặt hái những trái ngọt. Khu vực công nghiệp – xây dựng không chỉ góp phần bù đắp lại sự sụt giảm của khu vực dịch vụ, mà còn tạo ra sự phát triển bền vững, ổn định của tỉnh với mức tăng trưởng trên 2 con số trong bối cảnh khó khăn thách thức bởi dịch bệnh. Trước dự báo thách thức, khó khăn trong năm 2022 còn nhiều hơn, lớn hơn với những biến động không ngừng của tình hình thế giới, sự xuất hiện của nhiều yếu tố an ninh phi truyền thống bất ngờ, các ngành, lĩnh vực: Công nghiệp (than, công nghiệp chế biến, chế tạo, FDI thế hệ mới); xây dựng tiếp tục được xác định là những trụ cột tăng trưởng trên cơ sở tận dụng những nguồn lực mới, yếu tố mới.

Các đơn vị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Đài Xuyên trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Các đơn vị nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công cầu Đài Xuyên trên tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

6 tháng đầu năm 2022, với khả năng chống chịu tốt hơn trước tác động cùng những giải pháp căn cơ, bài bản, tận dụng dư địa để phát triển, lợi thế từ thị trường mang lại để có thể thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, ngành công nghiệp – xây dựng Quảng Ninh đã có sự vươn lên bứt phá. Nhiều chỉ số sản xuất công nghiệp, xây dựng tăng trưởng cao hơn so với cùng kỳ năm 2021.

Theo báo cáo của Cục Thống kê, tốc độ tăng trưởng khu vực công nghiệp - xây dựng ước đạt 12,04%, cao hơn 2,91 điểm % so với cùng kỳ 2021, cao hơn 1,92 điểm % so với kịch bản 6 tháng đầu năm, chiếm tỷ trọng 55,7% trong GRDP và đóng góp 6,48 điểm % vào mức tăng trưởng chung của cả tỉnh. Trong đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tăng 9,49% so với cùng kỳ năm trước. Một số ngành đã ghi nhận tăng trưởng vượt bậc, trong đó có thể kể đến sự vươn lên bứt phá của ngành công nghiệp khai khoáng, trở thành ngành đóng góp lớn nhất vào mức tăng trưởng GRDP chung của toàn tỉnh với mức tăng 15,16%, cao hơn 18,19% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 19,4% trong GRDP.

Cầu Cửa Lục 3 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.

Cầu Cửa Lục 3 sẽ hoàn thành vào cuối năm 2022.

Chỉ số sản xuất ngành công nghiệp chế biến chế tạo đạt mức tăng trưởng khá, ước tăng 12,63%, chiếm tỷ trọng 12% trong GRDP. Đây là 1 trong những ngành “then chốt” tạo sự bứt phá ngoạn mục của ngành công nghiệp của tỉnh trong 6 tháng đầu năm dù gặp nhiều khó khăn do đứt gãy chuỗi cung ứng, việc nhập khẩu nguyên liệu đầu vào và xuất khẩu hàng hóa bị ảnh hưởng do chính sách biên mậu cùng với sự thiếu hụt lao động trong các tháng đầu năm do số công nhân mắc Covid-19 tăng cao...

Ngành sản xuất và phân phối điện, khí đốt, nước nóng, hơi nước ước tăng 5,97%, cao hơn 3,13% so với cùng kỳ 2021, chiếm tỷ trọng 18,2% trong GRDP.

Đối với ngành xây dựng, với việc tập trung triển khai quyết liệt các dự án đầu tư công, các dự án có nguồn vốn ngoài ngân sách như đường cao tốc Vân Đồn - Tiên Yên, Tiên Yên - Móng Cái, Cầu Cửa Lục 3; Dự án Hạ Long Xanh; khởi công một số sự án công trình mới, trong đó có 4 dự án tại Khu kinh tế Vân Đồn, các dự án nhà ở xã hội... đã góp phần tăng khối lượng, tăng giá trị tăng thêm của ngành xây dựng ước đạt 17,31%, vượt kịch bản tăng trưởng, đóng góp 1,06 điểm % trong tăng trưởng GRDP.

Theo phân tích các chuyên gia kinh tế, tốc độ tăng của ngành công nghiệp-xây dựng 6 tháng đầu năm vượt kịch bản tăng trưởng là do trong các đơn vị sản xuất than đã tranh thủ tận dụng cơ hội mới từ thị trường mang lại để tăng năng lực khai thác, sản xuất than để đáp ứng đủ nhu cầu, đảm bảo ổn định cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và nhu cầu sinh hoạt của nhân dân. Trong lĩnh vực xây dựng, các chủ đầu tư, doanh nghiệp xây dựng đã tập trung tối đa nguồn lực để triển khai thi công các công trình, dự án trọng điểm; khởi công một số dự án công trình mới.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các Bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghi thức khởi công Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.

Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cùng lãnh đạo các Bộ, ngành và tỉnh Quảng Ninh thực hiện nghi thức khởi công Dự án Nhà máy điện khí LNG Quảng Ninh.

Các cấp, các ngành chức năng của tỉnh cũng đã thực hiện nhiều các giải pháp để hỗ trợ, tháo gỡ kịp thời những vướng mắc, khó khăn cho các doanh nghiệp; tạo điều kiện tối đa để các ngành xi măng, ngành điện tử, dệt may, dầu ăn, bột mỳ... đẩy mạnh sản xuất, gia tăng số lượng sản phẩm, kết nối phát triển thị trường tiêu thụ, xuất khẩu hàng hóa. Chỉ đạo khai thác tối đa dư địa tăng trưởng từ lĩnh vực xây dựng; thúc đẩy tiến độ triển khai các dự án đầu tư và khu vực dân doanh gắn với khuyến khích sử dụng nguyên vật liệu xây dựng được cung cấp trên địa bàn tỉnh. Các địa phương cũng tạo điều kiện giải quyết nhanh chóng thủ tục hành chính về đất đai, cấp phép nhanh nhất cho các hộ dân xây dựng nhà ở riêng lẻ trên địa bàn...

Chính sự tăng trưởng của các ngành trong khu vực công nghiệp - xây dựng đã trở thành "bệ đỡ" cho nền kinh tế của tỉnh, tạo ra sự phát triển bền vững, ổn định của tỉnh trong bối cảnh ngành dịch vụ, du lịch mới đang trên đà phục hồi hậu Covid-19. 6 tháng đầu năm tốc độ tăng trưởng kinh tế của tỉnh ước đạt 10,66%, cao hơn 2,64 điểm % so với tốc độ tăng cùng kỳ, cao hơn 0,41 điểm % so với kịch bản - là mức cao so với bình quân chung cả nước. Thu ngân sách ước đạt 28.671 tỷ đồng, bằng 55% dự toán, tăng 24% cùng kỳ; giải quyết việc làm cho người lao động...

Quảng Ninh đã đạt được tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2022

Quảng Ninh đã đạt được tăng trưởng ấn tượng trong 6 tháng đầu năm 2022

Để đạt được mục tiêu tốc độ tăng trưởng GRDP cả năm 2022 đạt trên 11%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn không thấp hơn 52.600 tỷ đồng, song song với tích cực lấy lại đà tăng trưởng của các ngành, lĩnh vực bị ảnh hưởng sâu với dịch bệnh, tỉnh Quảng Ninh xác định khu vực công nghiệp - xây dựng tiếp tục là trụ cột tăng trưởng quan trọng, trong đó ngành than, ngành điện và công nghiệp chế biến, chế tạo cùng các dự án giao thông trọng điểm đưa vào khai thác trong năm nay, được kỳ vọng tạo ra những đột phá phát triển mới.

Hiện, Quảng Ninh đang có nhiều giải pháp để tạo điều kiện tốt nhất cho ngành Than, ngành Điện tận dụng các cơ hội thị trường tăng tối đa sản lượng nhằm bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia và đóng góp hiệu quả vào tăng trưởng và tăng thu ngân sách. Dự kiến, từ nay đến cuối năm, sản lượng than đạt 22,83 triệu tấn, cả năm đạt 48,06 triệu tấn; sản lượng điện đạt 17,24 tỷ Kwh, cả năm đạt 36,63 tỷ Kwh. Ngành Than đảm bảo cung ứng đủ than cho sản xuất điện, không để thiếu than cho sản xuất điện và ngành Điện cam kết không để thiếu điện phục vụ sản xuất kinh doanh và đời sống Nhân dân.

Sản xuất tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (KCN Cảng biển Hải Hà).

Sản xuất tại Công ty TNHH May mặc Hoa Lợi Đạt (KCN Cảng biển Hải Hà).

Đối với công nghiệp chế biến, chế tạo, tỉnh chủ động rà soát, tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ giải phóng mặt bằng, giải quyết thủ tục pháp lý, nhất là các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền của tỉnh, tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho Dự án Nhà máy của các Công ty May mặc Hoa Lợi Đạt Cẩm Phả, Công ty TNHH ZKM Industry, Công ty TNHH Texhong Dệt kim Việt Nam đi vào hoạt động sớm nhất. Đồng thời, bổ sung năng lực tăng thêm, tăng năng suất, sản lượng các sản phẩm trong lĩnh vực chế biến chế tạo; đẩy mạnh thu hút đầu tư các dự án chế biến, chế tạo công nghệ cao, công nghiệp sạch, công nghiệp thông minh vào các khu công nghiệp, trọng tâm là KCN Đông Mai, Thành Công, Texhong, Amata, Bắc Tiền Phong, Nam Tiền Phong.

Trong lĩnh vực xây dựng, những vướng mắc về mặt bằng thi công, mỏ đất san lấp, đường công vụ, bãi tập kết phục vụ thi công các dự án trọng điểm... sẽ được ưu tiên thực hiện. Song song với đó là tăng cường kiểm tra, giám sát thường xuyên, chặt chẽ tiến độ thực hiện các dự án theo đúng cam kết.

Thực hiện: Hoài Anh - Thu Chung

Trình bày: Đỗ Quang