
Từ ngày 1/11/2024, Nghị quyết số 1199/NQ-UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội chính thức có hiệu lực. Theo đó, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh sáp nhập 12 đơn vị hành chính cấp xã thành 6 đơn vị. Điều này khiến cho một số người dân đắn đo. Tuy nhiên thời gian qua đã chứng minh, các đơn vị hành chính cấp huyện, xã sau sáp nhập giai đoạn trước đã phát huy sức mạnh toàn diện trên các lĩnh vực, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Thực tiễn từ việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long từ năm 2020 là một điển hình rõ nhất.

Ấn tượng trong tôi lần đầu tiên đến Kỳ Thượng vào năm 2000 theo đoàn thanh niên tình nguyện chính là cảm giác “nơi thâm sơn, cùng cốc” giống như nhiều người. Kỳ Thượng lúc bấy giờ là xã vùng cao, vùng sâu xa nhất của huyện Hoành Bồ. Đường đến trung tâm xã toàn đất đá gồ ghề, còn vào các thôn chỉ đường mòn lối mở; đời sống nhân dân khó khăn. Theo thời gian, Kỳ Thượng ngày càng khởi sắc. Đặc biệt từ năm 2020, Hoành Bồ sáp nhập vào Hạ Long, Kỳ Thượng đã được đầu tư mạnh mẽ về kết cấu hạ tầng, an sinh xã hội… chất lượng đời sống của bà con dân tộc thiểu số nơi đây ngày càng được nâng cao.
Cũng giống như các xã, thị trấn ở Hoành Bồ, trước năm 2020, khi biết chuẩn bị sáp nhập Hoành Bồ vào TP Hạ Long, bên cạnh niềm vui, một số người dân ở xã Kỳ Thượng cũng khá băn khoăn vì sợ đi lại trung tâm thành phố làm các thủ tục sẽ xa xôi hơn, việc đầu tư kết cấu hạ tầng cũng vì thế hạn chế hơn… Nhưng thực tế cho thấy, Kỳ Thượng hôm nay sau gần 5 năm đã “thay da đổi thịt”, trở thành mảnh đất xinh đẹp, thuận tiện với kinh tế - xã hội phát triển, bà con càng thêm gắn bó.
Khu du lịch nghỉ dưỡng Am Váp Farm tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Đỗ Giang
Khu du lịch nghỉ dưỡng Am Váp Farm tại thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng là điểm đến hấp dẫn du khách. Ảnh: Đỗ Giang
Anh Lý Tài Ngân, dân tộc Dao ở thôn Khe Phương - người làm du lịch đầu tiên ở mảnh đất vùng cao này tâm sự: Trước đây đường sá từ thị trấn Trới lên Kỳ Thượng mặc dù cũng được đầu tư nhưng chưa toàn diện, đi lại vẫn hết sức khó khăn. Bà con chúng tôi cũng không nghĩ làm giàu, phát triển kinh tế gia đình. Nhưng giờ, Kỳ Thượng được đầu tư hạ tầng đồng bộ từ điện, đường, trường, trạm, đường bê tông, nhựa hóa đến tận cụm dân cư, thậm chí đến từng hộ dân. Sau sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long, việc tuyên truyền của thành phố, của xã đến bà con về phát huy tiềm lực địa phương để phát triển kinh tế, xã hội cũng mạnh mẽ hơn nên dần làm thay đổi nhận thức của người dân. Bản thân gia đình tôi cũng đã đầu tư xây dựng khu du lịch nghỉ dưỡng Am Váp Farm để khai thác vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ của quê hương và nét đặc trưng văn hóa của dân tộc mình đến với du khách.
Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Dao xã Kỳ Thượng. Ảnh: Nguyễn Dung
Nghề thêu thổ cẩm truyền thống của người Dao xã Kỳ Thượng. Ảnh: Nguyễn Dung
Được biết, khu du lịch nghỉ dưỡng Am Váp Farm được anh Lý Tài Ngân liên kết cùng một số hộ dân xây dựng từ năm 2020, đến năm 2022 đi vào khai thác. Khu nghỉ dưỡng có đầy đủ các dịch vụ ăn uống, chèo thuyền, tắm suối, ngâm lá thuốc của người Dao, thăm nhà dân bản địa… Theo đó, anh kết nối với các hộ dân trong thôn để cung cấp các đặc sản của địa phương như: Lợn, gà, rau, cá khe, ốc, lá thuốc và nhiều loại khác phục vụ khi du khách đến nơi đây. Dịp hè 2024 vừa qua, khu nghỉ dưỡng của anh đón hơn 1.000 khách đến nghỉ dưỡng, trải nghiệm.
Người dân thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng trồng nam sâm phát triển kinh tế gia đình.
Người dân thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng trồng nam sâm phát triển kinh tế gia đình.
Không chỉ anh Ngân mà nhiều người dân trong xã Kỳ Thượng đều cảm nhận và vui mừng trước sự đổi thay rõ nét của địa phương. Chị Bàn Thị Hai, thôn Khe Phương, cho biết: Sau sáp nhập vào TP Hạ Long, tỉnh, thành phố rất quan tâm đến đời sống của bà con trong xã. Nhờ đường đi lại được đầu tư mạnh, điện, nước ổn định nên bà con mua bán, trao đổi hàng hóa dễ dàng hơn. Thương lái từ các nơi khác về thu mua nông sản của bà con sản xuất cũng thuận lợi. Điều này tạo động lực mạnh cho bà con trong đầu tư phát triển kinh tế gia đình.
Du khách tìm hiểu nghệ thuật thêu của phụ nữ Dao tại xã Kỳ Thượng. Ảnh: Đào Linh
Du khách tìm hiểu nghệ thuật thêu của phụ nữ Dao tại xã Kỳ Thượng. Ảnh: Đào Linh
Cùng chung niềm vui với sự đổi thay ở xã, học sinh Bàn Thị Hương Lan, lớp 7A, Trường TH-THCS xã Kỳ Thượng chia sẻ: Nhà cháu có 3 chị em. Hiện cháu với em trai đang học bán trú tại trường, thứ sáu về, thứ hai lên. Trường học của chúng cháu được đầu tư khang trang nên các bạn rất thích. Bây giờ đường đi lại cũng dễ dàng nên mùa quế, mùa keo chúng cháu còn tranh thủ đi đi, về về giúp gia đình việc nhà.

Kỳ Thượng có tổng diện tích đất tự nhiên là 9.846ha, trong đó có 9.200ha đất rừng. Xã có hơn 200 hộ dân với 863 nhân khẩu, chủ yếu là dân tộc Dao Thanh Phán.
Đến Kỳ Thượng hôm nay, chúng tôi không khỏi ngỡ ngàng trước những đổi thay kỳ diệu của một xã vốn trước đây còn nhiều khó khăn. Sau sáp nhập Hoành Bồ vào Hạ Long, thành phố đã đầu tư đường 10 làn đấu nối Quốc lộ 279 và tỉnh lộ 342. Dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thuộc thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm cũng được đầu tư đưa vào sử dụng. Dự kiến thời gian tới tiếp tục mở rộng đường lên xã Kỳ Thượng và đấu nối sang tỉnh Lạng Sơn. Đường vào tận các khe, cụm dân cư ở Kỳ Thượng đã được bê tông hóa. Điều này giúp cho người dân đi lại, giao lưu, trao đổi hàng hóa, tiêu thụ nông sản của địa phương sản xuất được dễ dàng.
Tỉnh lộ 342 chạy qua trung tâm xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long).
Tỉnh lộ 342 chạy qua trung tâm xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long
Bà con cũng dần thay đổi nếp nghĩ trong phát triển kinh tế. Tư tưởng trông chờ, ỷ lại của người dân nơi đây đã được xóa bỏ. Các gia đình phát huy nội lực để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương mình.
Không chỉ tập trung trồng rừng với những cánh rừng quế, rừng keo, bà con nơi đây còn phát triển dịch vụ, du lịch, trồng các loại cây đặc sản… 9 tháng năm 2024, tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ kinh doanh và vận tải, các cửa hàng tạp hóa cung cấp hàng hóa phục vụ nhân dân trên địa bàn xã... đạt 1,96 tỷ đồng. Toàn xã trồng được 95,64ha rừng; 23,3ha lim, giổi, lát; khai thác gỗ rừng trồng được 8.950m3, đạt 8,685 tỷ đồng; lâm sản phụ (măng rừng trúc, nấm chẹo, mật ong, ba kích và các loại dược liệu khác...) đạt 590 triệu đồng. Hiện bà con trong xã còn tập trung phát triển các mô hình sản xuất, mô hình trồng sâm nam; mô hình chăn nuôi, liên kết trong sản xuất giữa các hộ dân trên địa bàn…
Dẫn chúng tôi đến các thôn của xã, Chủ tịch UBND xã Kỳ Thượng Linh Hồng Nguyên tự hào khoe những ngôi nhà khang trang, vững chắc xuất hiện ngày càng nhiều trên địa bàn xã; phương tiện đi lại như: Xe mô tô, xe ô tô cũng được người dân mua sắm nhiều hơn tạo nên một bộ mặt mới cho xã vùng cao này. Trường TH-THCS xã Kỳ Thượng được xây mới khang trang giúp con em đồng bào càng gắn bó với trường, với lớp; 100% hộ dân có điện, nước sinh hoạt. Hiện trên địa bàn xã không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo. Sắp tới, xã còn được đầu tư xây mới trụ sở làm việc, xây mới trạm y tế, đầu tư công trình nước sạch…
Cán bộ xã Kỳ Thượng vận động người dân thôn Khe Phương giữ gìn ngôi nhà bản địa phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. Ảnh: Đỗ Giang
Cán bộ xã Kỳ Thượng vận động người dân thôn Khe Phương giữ gìn ngôi nhà bản địa phục vụ phát triển du lịch cộng đồng ở địa phương. Ảnh: Đỗ Giang
Kỳ Thượng được thiên nhiên ưu đãi Khu bảo tồn thiên nhiên Đồng Sơn - Kỳ Thượng giúp khung cảnh tự nhiên nơi đây đẹp như tranh vẽ. Đó là những dãy núi trùng điệp, những con đường quanh co nằm nép mình giữa những cánh rừng, những đám mây thả trôi trên bầu trời rộng lớn... Cũng theo Chủ tịch UBND xã Linh Hồng Nguyên, xã sẽ tiếp tục phát huy thế mạnh của địa phương để phát triển du lịch; trong đó toàn bộ thôn Khe Phương quy hoạch du lịch cộng đồng.
Những đổi thay của Kỳ Thượng hôm nay càng giúp bà con dân tộc thiểu số nơi đây tin tưởng hơn vào những chủ trương của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, HĐND các cấp. Khi đoạn đường từ Đồng Lâm đến Kỳ Thượng được mở rộng và nối liền với tỉnh Lạng Sơn, Kỳ Thượng tiếp tục trở thành một điểm đến hấp dẫn, trở thành nơi có nhiều thế mạnh để bà con phát triển kinh tế, nâng cao hơn nữa chất lượng cuộc sống.

Giao thông có vị trí quan trọng trong thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội ở các vùng miền. Không chỉ với Kỳ Thượng mà từ khi Hoành Bồ sáp nhập vào TP Hạ Long, tỉnh, thành phố đã chủ động dành nguồn lực không nhỏ đầu tư hạ tầng giao thông kết nối Hạ Long với các huyện, thị, thành phố trong và ngoài tỉnh; đồng thời kết nối các xã, phường, thôn, bản trên địa bàn, từ đó phát huy thế mạnh khác biệt của hai vùng đất.
Tháng 2/2023, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 72/QĐ-TTg phê duyệt quy hoạch chung thành phố Hạ Long đến năm 2040 với mục tiêu: Xây dựng, phát triển TP Hạ Long trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch quốc gia mang tầm quốc tế với hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội hiện đại và đồng bộ… Phát triển thành phố theo hướng phát triển bền vững, phù hợp với yêu cầu tăng trưởng xanh và thích ứng với biến đổi khí hậu, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối, theo hướng đa cực, hài hòa với Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long và các vùng núi phía Bắc thành phố.
Đôi bờ Cửa Lục. Ảnh Đỗ Phương
Đôi bờ Cửa Lục. Ảnh Đỗ Phương
Trước đó, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ TP Hạ Long lần thứ XXV, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra định hướng phát triển của thành phố, trong đó xác định đẩy mạnh thực hiện 3 đột phá chiến lược dựa trên lợi thế phát triển từ các dự án kết cấu hạ tầng động lực. Trong đó, TP Hạ Long luôn xác định giao thông có vai trò quan trọng, góp phần thúc đẩy sự phát triển nhanh, ổn định và bền vững kinh tế - xã hội; rút ngắn khoảng cách chênh lệch giữa vùng trung tâm thành phố với các xã vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Bởi vậy, thành phố đã ưu tiên nguồn lực ngân sách nhà nước để đồng hành cùng tỉnh thực hiện các dự án hạ tầng giao thông kết nối trên địa bàn thành phố.
Mạng lưới đường đô thị ở Hạ Long hình thành trên ba khu vực chính: Khu vực phía Tây thành phố, khu vực Hòn Gai nằm ở phía Đông và khu vực Bắc vịnh Cửa Lục. Các khu vực liên kết với nhau thông qua các tuyến đường chính đô thị, như: Quốc lộ 18; các đường tuyến đường vành đai. Trên Quốc lộ 18, đoạn Đại Yên đến nút giao Minh Khai đã được cải tạo với quy mô 27,5-33,5m; đoạn nút giao Minh Khai đến cầu Bãi Cháy được nâng cấp từ 6-10 làn xe, quy mô 29-57m. Đoạn khu vực Hòn Gai quy mô 30-45m, trong đó một số đoạn có đường gom. Sắp tới đấu nối tỉnh lộ 342 đoạn từ Kỳ Thượng đến Lạng Sơn.
Cuối tháng 4/2023, Quảng Ninh đưa vào khai thác đồng bộ hạ tầng, cảnh quan đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả với 6 làn xe.
Cuối tháng 4/2023, Quảng Ninh đưa vào khai thác đồng bộ hạ tầng, cảnh quan đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả với 6 làn xe.
Không chỉ có vậy, tỉnh, thành phố còn đầu tư các tuyến kết nối Hạ Long với các huyện, thị, thành phố trong tỉnh như tuyến đường bao biển kết nối khu vực Hòn Gai đi Cẩm Phả được mở rộng 6 làn xe, quy mô từ 33-46m; đường 10 làn đấu nối Quốc lộ 279 và tỉnh lộ 342…
Những công trình giao thông trọng điểm trên địa bàn được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển từ các trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước đến thành phố, tạo ra động lực mới trong thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, du lịch.

Không chỉ tạo kết nối với các tỉnh, thành phố trong và ngoài tỉnh, Hạ Long còn ưu tiên nguồn lực cùng với tỉnh đầu tư hạ tầng kết nối giữa khu vực trung tâm thành phố với các xã miền núi thuộc khu vực Hoành Bồ cũ với hàng nghìn tỷ đồng đầu tư các tuyến giao thông huyết mạch cho vùng cao. Năm 2022, TP Hạ Long đã triển khai thực hiện 2 dự án với tổng kinh phí trên 1.200 tỷ đồng, gồm: Dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng đoạn từ nút giao cầu vượt đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn thuộc thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm; Dự án nâng cấp, cải tạo, mở rộng tuyến đường liên xã, đoạn đường từ Mỏ Đông, xã Sơn Dương đến trung tâm xã Đồng Sơn.
Cầu Bình Minh nối khu vực trung tâm của TP Hạ Long với các xã miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cầu Bình Minh nối khu vực trung tâm của TP Hạ Long với các xã miền núi, vùng cao, vùng dân tộc thiểu số trên địa bàn.
Cầu Tình Yêu, cầu Bình Minh kết nối khu vực trung tâm của thành phố với các xã, phường thuộc khu vực Hoành Bồ cũ đã đưa vào khai thác, sử dụng, tạo thuận tiện cho người dân.
Cùng với đó, thành phố cũng đã đầu tư xây dựng hoàn thiện các tuyến đường chính đô thị kết nối các khu vực, như: Đường Đại Yên - Hà Khẩu quy mô tuyến 40-60m; đường Hà Trung - Hà Lầm - Hà Khánh kết nối đi Hoành Bồ, quy mô tuyến 33-46m; đường Yết Kiêu - Cao Xanh, tuyến giáp vịnh Cửa Lục bên Hòn Gai, quy mô tuyến 33-46m; đường kết nối Giếng Đáy - Lê Lợi - vùng núi phía Bắc, quy mô 50-60m, đường 10 làn đấu nối Quốc lộ 279 và tỉnh lộ 342… Còn các tuyến đường vành đai thành phố, kết nối Hòn Gai - Hoành Bồ - Bãi Cháy đi qua các khu vực Hà Tu, Thống Nhất, Lê Lợi, Giếng Đáy cũng tiếp tục được nâng cấp mở rộng.
Đây là những tuyến đường giao thông huyết mạch, là trục giao thông chính nối vịnh Cửa Lục với các xã thuộc khu vực Hoành Bồ trước đây. Từ đó, không chỉ tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân vùng cao đến khu vực trung tâm TP Hạ Long mà còn tạo thêm hành lang đường bộ liên hoàn, hình thành chuỗi kết nối kinh tế, mở rộng tổ chức không gian phát triển khu vực phía Bắc thành phố.
TP Hạ Long nâng cấp cải tạo lòng đường, vỉa hè tại khu 4, phường Hồng Hà, TP Hạ Long vào tháng 7/2023.
TP Hạ Long nâng cấp cải tạo lòng đường, vỉa hè tại khu 4, phường Hồng Hà, TP Hạ Long vào tháng 7/2023.
Hệ thống giao thông liên thôn, liên khu, đường nội đồng... ở các xã, phường của Hạ Long cũng cơ bản được bê tông hóa, rút ngắn dần khoảng cách giữa khu vực đô thị và nông thôn trên địa bàn.
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Hạ Long phối hợp với chính quyền các xã khảo sát khu vực xây dựng dự án cấp nước tập trung. Ảnh: Đỗ Phương
Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Hạ Long phối hợp với chính quyền các xã khảo sát khu vực xây dựng dự án cấp nước tập trung. Ảnh: Đỗ Phương
Bà Triệu Thị Thu, thôn Đồng Bé, xã Sơn Dương, TP Hạ Long, cho biết: Người dân trong xã vô cùng phấn khởi trước sự đổi thay từ hạ tầng giao thông. Được sở hữu những con đường to đẹp, thênh thang không khác những tuyến đường ở đô thị lớn nên chúng tôi cũng đầy ắp những ý tưởng làm giàu như cải tạo lại đồng ruộng để làm mô hình du lịch sinh thái, đưa những giống mới chất lượng cao vào sản xuất…
Tuyến đường từ thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm (TP Hạ Long) được cải tạo, nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân vùng cao, góp phần hình thành chuỗi kết nối kinh tế, mở rộng tổ chức không gian phát triển khu vực phía Bắc thành phố.
Tuyến đường từ thôn Trại Me, xã Sơn Dương đến thôn Đồng Trà, xã Đồng Lâm (TP Hạ Long) được cải tạo, nâng cấp, mở rộng tạo điều kiện đi lại thuận lợi cho nhân dân vùng cao, góp phần hình thành chuỗi kết nối kinh tế, mở rộng tổ chức không gian phát triển khu vực phía Bắc thành phố.
Để thu hút đầu tư vào các khu công nghiệp trên địa bàn, Hạ Long còn hoàn thiện đường nối Khu công nghiệp Việt Hưng - Cái Lân (điểm đầu giao với cao tốc Hạ Long - Vân Đồn bằng nút giao khác mức tại KCN Việt Hưng, đi qua KCN Việt Hưng, khu cảng Cái Lân và đấu nối vào tuyến đường Hạ Long, đường Hoàng Quốc Việt) với quy mô tuyến 34-45m.
Với nỗ lực đẩy mạnh kết nối liên vùng từ hạ tầng giao thông, trong đó tập trung mạnh vào giao thông kết nối các xã vùng cao, vùng dân tộc thiểu số với khu vực trung tâm đô thị hiện đại của Hạ Long đã và đang góp phần tạo một diện mạo mới cho thành phố thủ phủ của tỉnh Quảng Ninh theo hướng hiện đại, đồng bộ, tạo sự tin tưởng, đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân. Đồng thời mở ra những không gian phát triển mới, đời sống của người dân đã có những bước đổi thay ngoạn mục theo đúng tiêu chí "hạnh phúc".


Ngày 17/12/2019, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết số 837/NQ-UBTVQH14 về việc sắp xếp các đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã thuộc tỉnh Quảng Ninh (có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1/1/2020). Theo đó, tỉnh Quảng Ninh đã sáp nhập toàn bộ diện tích tự nhiên và dân số huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long. TP Hạ Long mới trở thành đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, đơn vị hành chính trực thuộc và sự đa dạng độc đáo “có một, không hai” về cảnh quan, địa hình, tài nguyên thiên nhiên. Sau gần 5 năm, Hạ Long đã phát huy được lợi thế phát triển toàn diện các lĩnh vực.
Lễ Công bố Quyết định thành lập Đảng bộ TP Hạ Long mới, tháng 1/2020. Ảnh: Đỗ Giang
Lễ Công bố Quyết định thành lập Đảng bộ TP Hạ Long mới, tháng 1/2020. Ảnh: Đỗ Giang
Lãnh đạo Thành ủy Hạ Long trò chuyện cùng người dân xã Bằng Cả về việc đầu tư các công trình trên địa bàn. Ảnh: Mai Hương
Lãnh đạo Thành ủy Hạ Long trò chuyện cùng người dân xã Bằng Cả về việc đầu tư các công trình trên địa bàn. Ảnh: Mai Hương
Giới thiệu Phiên chợ ổi trong mô hình du lịch cộng đồng của người dân xã Sơn Dương. Ảnh: Hà Phong
Giới thiệu Phiên chợ ổi trong mô hình du lịch cộng đồng của người dân xã Sơn Dương. Ảnh: Hà Phong
Người dân xã Tân Dân tìm hiểu thông tin về công trình xây dựng bổ sung nhà học bộ môn, nhà đa năng và các hạng mục phụ trợ Trường Tiểu học và THCS Tân Dân.
Người dân xã Tân Dân tìm hiểu thông tin về công trình xây dựng bổ sung nhà học bộ môn, nhà đa năng và các hạng mục phụ trợ Trường Tiểu học và THCS Tân Dân.
Việc sáp nhập huyện Hoành Bồ vào TP Hạ Long đã tạo ra những lợi ích to lớn, đó là hình thành một đô thị loại I thuộc tỉnh lớn nhất cả nước về diện tích tự nhiên, mở ra không gian phát triển mới rộng lớn với tầm nhìn dài hạn trong một đơn vị hành chính thống nhất, có sự đa dạng độc đáo “có một, không hai” về cảnh quan, địa hình, tài nguyên thiên nhiên.... Điều này sẽ trở thành hạt nhân thúc đẩy tỉnh Quảng Ninh trở thành thành phố trực thuộc Trung ương trong tương lai gần. Tất cả những lợi ích này, không chỉ tạo sức bật cho thành phố Hạ Long, mà sẽ lan tỏa cả tỉnh và cả vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng duyên hải Bắc Bộ.
Với sự nhất trí, đồng lòng của cán bộ, đảng viên, nhân dân; Hạ Long tiếp tục đột phá về chất lượng cải cách hành chính. Hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư, hoàn thiện, tạo chuyển biến trong phát triển văn hóa - xã hội, con người, bảo đảm an sinh, phúc lợi xã hội, phát triển giáo dục và đào tạo, bảo vệ sức khỏe nhân dân; thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp cải thiện, thay đổi nâng cao chất lượng đời sống nhân dân, nhất là khu vực các xã để từ đó, mỗi người dân đều được thụ hưởng những thành quả phát triển của thành phố.
Một góc đô thị Hạ Long. Ảnh: Đỗ Giang
Một góc đô thị Hạ Long. Ảnh: Đỗ Giang
Kết cấu hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư; tập trung hoàn thiện hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đa dụng, ưu tiên phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, có tính động lực kết nối; đồng bộ với phát triển hạ tầng số, công nghệ, viễn thông, khu công nghiệp, hạ tầng cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng du lịch, dịch vụ, thương mại, nông nghiệp, nông thôn, văn hóa, giáo dục, y tế…
Địa phương cũng đặc biệt quan tâm và có phương án sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, triển khai các dự án, công trình, đảm bảo an sinh xã hội, thu hẹp khoảng cách giữa các vùng. Thực hiện Nghị quyết 06-NQ/TU ngày 17/5/2021 của Tỉnh ủy, Hạ Long tiếp tục bố trí trên 956 tỷ đồng để đầu tư 118 công trình hạ tầng kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS.
Các đại biểu tham dự Lễ khởi công công trình đầu tư cải tạo hạ tầng khu vực trung tâm xã Bằng Cả, mở rộng khuôn viên, xây dựng bổ sung phòng học Trường Mầm non Bằng Cả. Ảnh: Mai Hương
Các đại biểu tham dự Lễ khởi công công trình đầu tư cải tạo hạ tầng khu vực trung tâm xã Bằng Cả, mở rộng khuôn viên, xây dựng bổ sung phòng học Trường Mầm non Bằng Cả. Ảnh: Mai Hương
Đặc biệt, nhằm hiện thực hóa Nghị quyết số 78-NQ/TU ngày 2/1/2024 của BTV Thành ủy về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, TP Hạ Long đã dành nguồn lực trên 70 tỷ đồng để đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng ở các xã vùng cao của thành phố nhằm nâng cao chất lượng cuộc sống người dân.
Từ sự ưu tiên nguồn lực đầu tư phát triển đã góp phần thay đổi, khơi dậy ý chí tự lực, tự cường, khát vọng đổi mới phát triển của nhân dân các xã vùng cao, tạo sức bật, nguồn lực nội sinh cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố mới. Tiềm năng, thế mạnh của vùng đất dần được đánh thức. Đời sống của người dân không ngừng được nâng lên, "rút ngắn" khoảng cách với khu vực trung tâm thành phố.
Phường Hoành Bồ, TP Hạ Long. Ảnh: Đỗ Giang
Phường Hoành Bồ, TP Hạ Long. Ảnh: Đỗ Giang
Đơn cử như xã Đồng Sơn, nếu như trước đây, do giao thông cách trở, cuộc sống của các hộ dân gặp nhiều khó khăn. Với sự quan tâm của tỉnh, thành phố, sự nỗ lực của đảng bộ, chính quyền và nhân dân xã, sau 2 năm sáp nhập, năm 2021 Đồng Sơn đã đạt chuẩn nông thôn mới, phấn đấu đến năm 2026 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Thu nhập bình quân đầu người năm 2024 ước đạt 76,6 triệu đồng, đạt 211% so với năm 2020 (năm 2020 đạt 36 triệu đồng).
Ông Bàn Ban Lâm, trú tại đội 1, thôn Phủ Liễn, xã Đồng Sơn, chia sẻ: Hạ tầng giao thông nông thôn, công tác chăm sóc sức khỏe, giáo dục và nhiều chính sách an sinh xã hội được thành phố, địa phương quan tâm, thực hiện tốt. Nhiều chương trình, chính sách, dự án hỗ trợ được triển khai thực hiện khá quyết liệt, đồng bộ và hiệu quả; qua đó, đã tháo gỡ kịp thời những yêu cầu cấp thiết về điều kiện sống, điều kiện sinh hoạt. Người dân chủ động vươn lên phát triển kinh tế. Nhân dân rất phấn khởi, tin tưởng vào Đảng, nhà nước.
Mô hình chăn nuôi gà của anh Phùng Văn Tùng (thôn Đồng Giữa, xã Sơn Dương) cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.
Mô hình chăn nuôi gà của anh Phùng Văn Tùng (thôn Đồng Giữa, xã Sơn Dương) cho thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.
Còn tại xã Sơn Dương, đến nay, địa phương đã cơ bản đạt xã nông thôn mới kiểu mẫu với lĩnh vực nổi trội về phát triển sản xuất với vùng trồng cây ăn quả trên 100 ha ổi, được cấp mã vùng trồng 10,9ha; cho thu nhập trung bình khoảng 300 triệu đồng/ha/năm. Xã có 04 sản phẩm OCOP và có sản phẩm du lịch cộng đồng thôn Đồng Đặng. Công trình hạ tầng nông thôn được đầu tư, nâng cấp tạo điều kiện cho người dân trong sinh hoạt, phát triển kinh tế.
Ông Hoàng Đức Bình, thôn Vườn Cau, xã Sơn Dương, chia sẻ: Từ vùng đất khó, khắc nghiệt, sau nhiều năm xây dựng và phát triển, Sơn Dương đang đổi mới từng ngày. Đặc biệt, sau khi huyện Hoành Bồ cũ sáp nhập vào TP Hạ Long, Sơn Dương được ưu tiên các nguồn lực đầu tư phát triển hạ tầng, kinh tế, cùng với sự vào cuộc của nhà nước, nhân dân cũng tích cực vươn lên, chủ động, liên kết với các đơn vị làm mô hình sản xuất hiệu quả, nâng cao mọi mặt đời sống.
Sau sáp nhập, thành phố luôn duy trì, phát huy sự đoàn kết, thống nhất, quyết tâm, chủ động, sáng tạo để thực hiện có hiệu quả các mục tiêu đặt ra, nhất là thực hiện sắp xếp đội ngũ cán bộ các cấp, thực hiện thắng lợi “mục tiêu kép” vừa phòng, chống dịch bệnh, giữ vững địa bàn an toàn và đà phát triển kinh tế-xã hội bền vững, gắn kết chặt chẽ với bảo vệ môi trường. Công tác an sinh xã hội, lao động, giải quyết việc làm, hỗ trợ hoàn cảnh khó khăn đặc biệt là trẻ em, giáo dục và đào tạo, y tế, văn hóa, thể thao tiếp tục được quan tâm; đời sống nhân dân tiếp tục được chăm lo, cải thiện.
Với phương châm “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc và thực hiện tốt công tác xã hội hóa, đặc biệt chương trình hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn. Giai đoạn 2020-2022, thành phố đã hỗ trợ xây mới, sửa chữa nhà ở cho 137 hộ nghèo, hộ cận nghèo với số tiền trên 6,5 tỷ đồng. Năm 2023, tiếp tục triển khai hỗ trợ xây dựng nhà ở cho 109 hộ với tổng số tiền trên 6,6 tỷ đồng. 9 tháng năm 2024, triển khai xây mới, sửa chữa 29 nhà ở cho hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn với kinh phí trên 1,2 tỷ đồng.
Với 1.000 cây trà hoa vàng sắp cho thu hoạch, ông Triệu Quý Minh (bên trái) ở thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) đang phát huy lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.
Với 1.000 cây trà hoa vàng sắp cho thu hoạch, ông Triệu Quý Minh (bên trái) ở thôn Khe Phương, xã Kỳ Thượng (TP Hạ Long) đang phát huy lợi thế của địa phương để phát triển kinh tế vươn lên làm giàu.
Cùng với đó, thành phố cũng thực hiện đầy đủ, kịp thời, công khai, minh bạch các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công, đối tượng bảo trợ xã hội. Duy trì đỡ đầu thường xuyên 135 trẻ em có hoàn cảnh khó khăn đến lúc 18 tuổi. Bình quân mỗi năm giải quyết việc làm cho gần 7.000 lao động…
Thời điểm mới sáp nhập, Hạ Long có 686 hộ nghèo, 1.344 hộ cận nghèo. Đến cuối năm 2021, thành phố đã giảm toàn bộ số hộ nghèo và cuối năm 2022 giảm toàn bộ số hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025 của trung ương và chuẩn nghèo đa chiều theo tiêu chí nâng cao của tỉnh giai đoạn 2023-2025.
Phối cảnh quy hoạch phân khu, khu vực phía Bắc TP Hạ Long.
Phối cảnh quy hoạch phân khu, khu vực phía Bắc TP Hạ Long.
Thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới năm 2021. Tỷ lệ đô thị hóa đạt trên 87%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của thành phố luôn duy trì ở mức hai con số (năm 2021 tăng 15,6%, năm 2022 tăng 15,9%, năm 2023 tăng 16,2%).
Sau gần 5 năm sáp nhập, diện mạo đô thị và nông thôn TP Hạ Long ngày càng đổi mới, khang trang; đời sống văn hóa, tinh thần của người dân được quan tâm, khoảng cách chênh lệch về kết cấu hạ tầng và mức sống giữa khu vực trung tâm thành phố với các xã vùng cao từng bước được thu hẹp; niềm tin của nhân dân với Đảng, chính quyền các cấp không ngừng được củng cố.
Phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long mang vẻ đẹp của đô thị hiện đại.
Phường Hồng Hải, thành phố Hạ Long mang vẻ đẹp của đô thị hiện đại.
Người Dao Thanh Y xã Bằng Cả tiếp cận công nghệ thông tin. Ảnh Dương Phượng Đại CTV
Người Dao Thanh Y xã Bằng Cả tiếp cận công nghệ thông tin. Ảnh Dương Phượng Đại CTV
Thực hiện:Thu Nguyệt - Thanh Hoa - Thanh Hà - Quang Huy
Trình bày: Vũ Đức
Xuất bản: 24/10/2024