
Với vai trò là trung tâm chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, thành phố thủ phủ, thành phố đối ngoại của quốc gia và của tỉnh, TP Hạ Long đã triển khai nhiều cách làm tiên phong, dẫn dắt và đột phá đi đầu trong hành trình phát triển chung của tỉnh. Khép lại năm 2024 với nhiều khó khăn, thử thách, Hạ Long tiếp tục khẳng định vị thế của một thành phố đáng sống, có những bước chuyển mình mạnh mẽ, xứng đáng là động lực của tỉnh cũng như vùng Đông Bắc và xa hơn là Vùng Đồng bằng sông Hồng và cả nước.

Cuối tháng 12/2019, sau khi sáp nhập toàn bộ huyện Hoành Bồ, TP Hạ Long trở thành đô thị trực thuộc tỉnh lớn nhất nước về diện tích, quy mô dân số. Không chỉ mở rộng không gian phát triển, Hạ Long còn sở hữu nhiều lợi thế nổi trội, riêng có, như: Nằm trên hành lang kinh tế quan trọng, có tài nguyên độc đáo là Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long; có nhiều tài nguyên khoáng sản, cảnh quan sinh thái hấp dẫn; là trọng tâm trong chiến lược “một tâm, 2 tuyến” của tỉnh; có vị trí kết nối thuận lợi với quốc tế thông qua Cửa khẩu quốc tế Móng Cái, Sân bay Vân Đồn, Sân bay Cát Bi (TP Hải Phòng); có hệ thống đường biển và kết nối sang các địa phương lân cận thông qua hệ thống hạ tầng được đầu tư mạnh mẽ thời gian qua…
Lễ hội khinh khí cầu “Thành phố Di sản - Sắc màu Hạ Long” năm 2024.
Lễ hội khinh khí cầu “Thành phố Di sản - Sắc màu Hạ Long” năm 2024.
Dựa trên những lợi thế sẵn có, Hạ Long đã nâng cấp, làm mới lại các trụ cột kinh tế truyền thống, phát triển nền kinh tế với cơ cấu đa dạng, toàn diện hơn để trở thành trung tâm dịch vụ tổng hợp chất lượng cao của vùng, thu hút sự quan tâm đầu tư của quốc tế và các nhà đầu tư chiến lược lớn của đất nước.
Công ty Đóng tàu Hạ Long tổ chức lễ hạ thủy tàu dịch vụ điện gió CSOV 8720-YN552205, ngày 12/10/2024.
Công ty Đóng tàu Hạ Long tổ chức lễ hạ thủy tàu dịch vụ điện gió CSOV 8720-YN552205, ngày 12/10/2024.
Thực tế thời gian qua, thành phố chủ động đẩy mạnh hợp tác phát triển kinh tế - xã hội, kết nối giao thông liên vùng với các địa phương. Đồng thời quyết liệt chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xây dựng các công trình hạ tầng trọng điểm để phát triển đô thị; đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp, nâng cao thu nhập cho người dân các xã theo tinh thần Nghị quyết số 78-NQ/TU ngày 2/1/2024 của Ban Thường vụ Thành ủy về ưu tiên nguồn lực, khai thác tiềm năng, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; tăng cường công tác bảo vệ di sản, xây dựng các sản phẩm du lịch mới. Nhờ đó, mặc dù chịu nhiều ảnh hưởng của bão số 3 (Yagi) nhưng năm 2024 kinh tế của thành phố tiếp tục tăng trưởng cao, ước đạt 16,5%; thu hút đầu tư ngoài ngân sách trên 12.000 tỷ đồng; tổng chi an sinh xã hội 266 tỷ đồng (tăng 52,2 tỷ đồng so với năm 2023); giải quyết việc làm cho gần 8.000 lao động. Thành phố không còn hộ nghèo, hộ cận nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều nâng cao của tỉnh.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là điểm đến của nhiều hãng tàu lớn trên thế giới.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là điểm đến của nhiều hãng tàu lớn trên thế giới.
Thành phố đạt mức tỷ lệ đô thị hóa cao 87% (gấp 2 lần bình quân chung của cả nước). Thành phố đón khoảng 10,6 triệu lượt khách (tăng 22% so với năm 2023), trong đó khách quốc tế đạt 2,7 triệu lượt (tăng 93%); doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 23.320 tỷ (tăng 21%). Thành phố đặt mục tiêu phấn đấu năm 2025 đón trên 17 triệu lượt du khách, trong đó khách quốc tế trên 7,5 triệu lượt; doanh thu từ hoạt động du lịch trên 35.000 tỷ đồng. Nhờ việc đón hàng triệu lượt khách tham quan đã góp phần thay đổi cơ cấu kinh tế của tỉnh, mang tới cho cộng đồng và địa phương những lợi ích thiết thực và bền vững.
Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, khẳng định: Nhìn từ quy mô và vị thế kinh tế cho thấy TP Hạ Long thực sự là một cực tăng trưởng lớn của tỉnh và có vai trò nhất định đối với Vùng Đồng bằng sông Hồng.

Với vị thế cực tăng trưởng nhờ các trụ cột kinh tế độc đáo là du lịch biển, đảo và khai thác than, nhưng trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và cạnh tranh khu vực, Hạ Long cũng đang đối mặt với hàng loạt thách thức lớn, như: Biến đổi khí hậu và nguy cơ cạn kiệt tài nguyên thiên nhiên; nguồn thu ngân sách giảm, nhất là các nguồn thu từ đất, gây khó khăn cho việc đầu tư phát triển; mâu thuẫn giữa phát triển kinh tế và bảo vệ di sản, đặc biệt là cân bằng giữa công nghiệp hóa và bảo tồn giá trị Vịnh Hạ Long; tốc độ đô thị hóa nhanh, làm gia tăng nguy cơ ngập lụt và phá vỡ cảnh quan tự nhiên…
TP Hạ Long phối hợp với Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học: “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản thành phố Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ngày 26/12/2024.
TP Hạ Long phối hợp với Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học: “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản thành phố Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”, ngày 26/12/2024.
Những thách thức này đòi hỏi Hạ Long phải có những chiến lược đột phá để tận dụng lợi thế và chuyển đổi những khó khăn thành cơ hội. Nhất là khi Hạ Long có thế mạnh về di sản thiên nhiên, đóng vai trò là thành phố đối ngoại của cả nước, nhưng nhiều năm qua Hạ Long cũng không ít lần đối diện với những khó khăn, sức ép từ dư luận trong vấn đề điều chỉnh không gian quy hoạch Di sản thiên nhiên thế giới Vịnh Hạ Long. Thực tiễn cho thấy nếu không có những quyết sách đột phá về phát triển hạ tầng thì không thể có những công trình mới, hiện đại và đáp ứng nhu cầu hiện đại hóa, đô thị hóa.
Theo TS Hà Huy Ngọc, Viện Kinh tế Việt Nam: Trong giai đoạn mới, TP Hạ Long phải là địa phương đi đầu trong chuyển đổi xanh toàn diện, thịnh vượng, an toàn, bền vững, là hình mẫu tiêu biểu về chuyển đổi xanh của quốc gia và toàn cầu. Chính quyền cần kiến tạo cơ chế, chính sách tốt nhất, nguồn lực tốt nhất để doanh nghiệp và người dân thực hiện các dự án, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Từ đó đưa các dự án tiên phong, quy mô lớn đóng vai trò dẫn dắt như ngọn hải đăng góp phần hiện thực hoá chiến lược, kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn tăng trưởng xanh ở cấp địa phương, như hydrogen, thu hồi khí thải các bon, dự án điện gió, điện rác, xử lý rác thải tập trung quy mô liên tỉnh theo hướng tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái…
Phối cảnh Trung tâm thương mại Aeon Mall Hạ Long (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long).
Phối cảnh Trung tâm thương mại Aeon Mall Hạ Long (phường Bãi Cháy, TP Hạ Long).
Không chỉ phát triển kinh tế xanh, theo nhiều chuyên gia, nhà khoa học hàng đầu cả nước cho rằng, để tạo lập nền tảng cho tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững, TP Hạ Long phải coi chuyển đổi "kép" là con đường tất yếu và trụ cột xuyên suốt trong việc định hình các chiến lược, kế hoạch, chính sách, phát triển ngắn hạn, trung hạn và dài hạn. tức là phải đẩy mạnh cả kinh tế số và kinh tế di sản.
GS.TS Trần Thọ Đạt, nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế quốc dân, khẳng định: Hạ Long có nhiều tiềm năng và cơ hội để trở thành một thành phố du lịch thông minh, hình mẫu về phát triển kinh tế số và chuyển đổi xanh tại Việt Nam, dẫn đầu trong xu hướng phát triển bền vững tại Việt Nam. Vì vậy thành phố cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ, gia tăng giá trị kinh tế xanh của di sản, phát triển công nghiệp văn hóa theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại, sáng tạo, xanh và có tính cạnh tranh cao, lấy bảo tồn các giá trị của di sản làm nền tảng, làm động lực phát triển, lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.
Đoàn khách du lịch Tập đoàn dược Sun Pharmaceuticals Industries Limited của một tỷ phú Ấn Độ tham quan Vịnh Hạ Long, ngày 29/8/2024.
Đoàn khách du lịch Tập đoàn dược Sun Pharmaceuticals Industries Limited của một tỷ phú Ấn Độ tham quan Vịnh Hạ Long, ngày 29/8/2024.
Từ lợi thế và những điểm nghẽn hiện có, để có thể khẳng định được vị trí là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, trung tâm phát triển năng động, toàn diện, trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước, thì việc phải đẩy mạnh phát triển kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản được xem là một hướng đi đúng, góp phần khẳng định và nâng cao giá trị thương hiệu địa phương, giúp Hạ Long chuẩn bị tâm thế vững vàng, tự tin để bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ông Vũ Quyết Tiến, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Hạ Long, chia sẻ: Ngày 26/12/2024 thành phố phối hợp với Viện Kinh tế (Viện Hàn lâm KHXH Việt Nam) tổ chức Hội thảo khoa học: “Thúc đẩy kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế di sản TP Hạ Long trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc”. Thành phố đã tổng kết những vấn đề trọng tâm để bổ sung vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, đặc biệt là tiếp thu, bổ sung đưa vào mục tiêu và định hướng quan trọng trong Văn kiện Đại hội Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2025-2030 và các đề án, kế hoạch, chương trình hành động trọng tâm của thành phố để ưu tiên triển khai thực hiện, tạo ra sự phát triển đột phá dựa trên các động lực, phương thức sản xuất mới là kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế di sản.
Theo đó, kinh tế xanh, trong năm 2025 thành phố đặt mục tiêu xây dựng Hạ Long thành thành phố du lịch xanh đầu tiên của Việt Nam. Đồng thời thành phố đề xuất trung ương và tỉnh cho phép Hạ Long thí điểm thực hiện cơ chế “địa phương tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm” để thúc đẩy và phát huy sức mạnh tự chủ, sáng tạo trong khuôn khổ Quy hoạch chung đã được phê duyệt. Trong kinh tế số, thành phố sẽ quản lý môi trường thông minh nhờ ứng dụng công nghệ AI vào tất cả các lĩnh vực, nhất là chuyển đổi số trong quản lý giao thông và tàu thuyền; tích hợp công nghệ số vào quản lý tiêu thụ năng lượng trong các khu vực đô thị và du lịch, có kế hoạch ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo; ứng dụng các hệ thống hỗ trợ ra quyết định và quản lý thông minh trong việc cấp phép, giám sát các dự án để đảm bảo tuân thủ quy định bảo vệ môi trường.
TP Hạ Long tổ chức khởi công dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi Đình Làng Bang sử dụng 100% nguồn kinh phí xã hội hóa
TP Hạ Long tổ chức khởi công dự án tu bổ, tôn tạo và phục hồi Đình Làng Bang sử dụng 100% nguồn kinh phí xã hội hóa
Về kinh tế di sản, thành phố sẽ luôn quán triệt chủ trương coi Vịnh Hạ Long là Kỳ quan thiên nhiên, Di sản Vịnh Hạ Long là tài sản của nhân loại. Từ đó xác định Hạ Long là tọa độ phát triển ưu tiên tầm quốc gia, đẳng cấp quốc tế để biến giá trị cốt lõi của Di sản thành giá trị gia tăng thông qua việc phát triển hệ thống dịch vụ trên cơ sở Di sản sẵn có bằng cách bảo tồn, khai thác, phát huy giá trị Di sản.
Cùng các địa phương khác trong tỉnh, Hạ Long đang bước vào một mùa xuân mới với tinh thần tràn đầy quyết tâm và khát vọng bứt phá. Thành phố sẽ tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, tạo thành sức mạnh tổng hợp để vượt qua mọi khó khăn, thử thách, vững vàng trên bước đường đi đến mục tiêu đã định để xây dựng Hạ Long trở thành một thành phố “kiểu mẫu, giàu - đẹp, văn minh, nghĩa tình”; trở thành đô thị dịch vụ, du lịch văn minh, thân thiện, trung tâm dịch vụ - du lịch đẳng cấp quốc tế; thành phố Di sản, thành phố của hoa và lễ hội; vững bước cùng đất nước tiến bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên vươn mình của dân tộc.
Ngày đăng: 1/1/2025
Thực hiện: HOÀNG NGA
Trình bày: ĐỖ QUANG