Tết Nguyên đán là dịp lễ quan trọng nhất trong văn hóa của người Việt. Trong ngày Tết cổ truyền này có những phong tục tập quán đã được lưu truyền từ xa xưa cho đến tận ngày nay. Một trong những phong tục tốt đẹp đó là nghi lễ cúng ông Công ông Táo vào dịp 23 tháng Chạp hàng năm. Tại Quảng Ninh, tín ngưỡng dân gian này cũng đang được duy trì một cách thành kính và trang nhã nhất.
Theo quan niệm của người Việt, tiễn ông Công ông Táo về chầu Ngọc Hoàng là để báo cáo tình hình trong năm của gia chủ. Phong tục truyền thống tốt đẹp này của dân tộc đã và đang được người Quảng Ninh lưu giữ và truyền lại cho thế hệ sau.
Không ai biết chính xác tục cúng ông Công ông Táo có từ bao giờ, chỉ biết rằng nó tồn tại từ rất lâu, đi vào tiềm thức của người dân Việt Nam nhiều thế hệ. Trong kho tàng truyền thuyết dân gian Việt Nam, câu chuyện về nguồn gốc Táo Quân được kể một cách rất nhân văn với nhiều tích khác nhau, nhưng chung quy lại thì đều liên quan đến chuyện "2 ông 1 bà" trọng tình, trọng nghĩa. Chuyện kể rằng, ngày xưa có 2 vợ chồng Thị Nhi và Trọng Cao, không có con nên thường cãi nhau. Một hôm, Trọng Cao đánh vợ, Thị Nhi bỏ nhà đi rồi gặp Phạm Lang và nên duyên vợ chồng. Khi hết giận, Trọng Cao đi khắp nơi tìm vợ để xin lỗi nhưng tìm mãi không thấy, hết tiền, Trọng Cao phải hành khất qua ngày.
Một hôm, có một hành khất vào xin ăn, Thị Nhi nhận ra chồng cũ, động lòng thương đem gạo ra cho. Thấy Phạm Lang trở về, sợ chồng bắt gặp Trọng Cao thì khó giải thích nên Thị Nhi bảo Trọng Cao ẩn trong đống rơm ngoài vườn. Không may, Phạm Lang về nhà liền ra đốt đống rơm lấy tro bón ruộng. Lúc này, Trọng Cao vì sợ không dám chui ra nên bị chết thiêu. Thị Nhi trong nhà chạy ra thấy Trọng Cao đã chết bởi sự sắp đặt của chính mình nên đã nhào vào đống rơm để chết theo. Gặp phải tình cảnh bất ngờ này, Phạm Lang không biết tính sao, liền nhảy vào đống rơm đang cháy để chết theo vợ.
Cả ba linh hồn được đưa lên Thượng Đế. Thượng Đế thấy cả ba đều là người có nghĩa, có tình nên sắc phong làm Táo quân, gọi chung là Định Phúc Táo quân.
Xuất phát từ truyền thuyết này mà ca dao Việt Nam có câu: “Thế gian một vợ một chồng/ Chẳng như vua bếp hai ông một bà”. Trong làng quê dân gian xưa, khi đời sống kinh tế hạn chế, nhà nào cũng có thờ ông Công ông Táo bằng cách đắp ba ụ đất sét chắc chắn để kê nồi gọi là 3 ông đầu rau. Bà tôi, mẹ tôi cẩn trọng dặn chúng tôi nấu bếp bằng củi rơm phải kê nồi cho chắc chắn không được làm các ông đầu rau sứt mẻ.
Lễ cúng ông Công, ông Táo được thực hiện vào dịp 23 tháng Chạp âm lịch, chỉ cách Tết Nguyên đán một tuần, được coi là lễ quan trọng kết thúc một năm cũ mở ra năm mới nhiều niềm vui và hạnh phúc. Theo truyền thuyết, vào ngày này, phương tiện để ông Công ông Táo cưỡi lên trời để báo cáo với Ngọc Hoàng Thượng đế về những chuyện đã xảy ra trong năm qua của gia chủ để luận công thưởng, phạt sẽ là cá chép.
Người dân xã Cẩm La, thị xã Quảng Yên, sắm đồ mã cúng ông Công ông Táo.
Cũng có quan niệm cho rằng, cá chép vàng là loài cá tiên xưa sống trên Thiên đình, vì phạm lỗi nên bị đày xuống trần gian, giờ sắm cá chép lên chầu trời để cá có dịp trở lại thiên đình cùng ông Táo. Cúng cá chép sống cũng thể hiện tín ngưỡng dân gian hoà hợp với đời sống sinh hoạt của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước và đánh bắt cá của cha ông ta xưa.
Trong quan niệm của người Việt, ba vị thần Táo (còn gọi là thần bếp, 3 ông đầu rau, hay vua Bếp) sẽ định đoạt cát hung, phước đức cho gia đình. Với mong muốn Thần Bếp sẽ phù hộ nên các gia đình thường dọn dẹp nhà cửa, bếp núc thật sạch sẽ và làm một mâm cơm tiễn ông Công, ông Táo lên chầu trời một cách trang trọng. Có nhà có bàn thờ ở dưới bếp, có những gia đình sẽ cúng chung với bàn thờ gia tiên.
Từ khoảng 20 tháng Chạp và muộn nhất là vào trưa 23 tháng Chạp, người Việt sẽ cúng ông Công ông Táo. Dân gian quan niệm rằng sau 12 giờ trưa ngày 23 là các Táo lên chầu trời nên không còn ở dương gian để nhận lễ được. Lễ vật cúng ông Công ông Táo thường gồm ba bộ mã, trong đó 2 bộ là dành cho hai Táo ông, 1 bộ dành cho Táo bà. Mũ của Táo ông thì có hai cánh chuồn, mũ của Táo bà không có cánh chuồn. Ngoài ra, còn có các loại vàng mã khác cùng hương, hoa, oản, quả, cau, trầu, xôi, gà, giò, chả, canh măng, nem v.v..
Cán bộ công nhân Công ty CP Gốm Đất Việt, TX Đông Triều tát ao sắm lễ cúng ông Công ông Táo.
Những đồ vàng mã sẽ được hóa sau lễ cúng. Các gia đình có thể cúng cá chép sống hoặc cá chép giấy với số lượng khác nhau nhưng thường là số lẻ. Nếu cúng cá chép sống thì cho vào chậu đặt cạnh mâm lễ vật, sau khi lễ xong thì thả phóng sinh ở ao hồ, sông suối gần nhà với ý nghĩa cá chép hoá rồng, làm phương tiện đưa các Táo trở về thiên đình còn mang ý nghĩa của sự thăng hoa, biểu tượng của tinh thần vượt khó, sự kiên trì, bền chí chinh phục tri thức để đi tới thành công, biểu trưng cho nhân cách thanh cao tiềm ẩn hoặc hướng đến một kết quả tốt đẹp. Bên cạnh đó, việc phóng sinh cá chép vào ngày này còn thể hiện đức hiếu sinh, yêu thiên nhiên của người Việt.
Sau khi phóng sinh cá chép, gia chủ sẽ lau dọn lại lư hương, rút bớt chân hương rồi ngừng thắp hương đến ngày 30 hoặc 29 tháng Chạp (nếu tháng thiếu), sẽ đón ông bà về ăn Tết thì đón luôn ông Táo về cùng. Như vậy, theo dân gian, ông Táo sẽ lên trời độ chừng một tuần. Ông Nguyễn Quang Vinh, Chủ tịch Hội Văn nghệ dân gian Quảng Ninh, nhận định: Phong tục cúng ông Công ông Táo ở Quảng Ninh có từ lâu đời, có lẽ xuất hiện cùng với sự có mặt của những người Việt cổ trên mảnh đất Quảng Ninh xưa. Phong tục dân gian này đã và đang được người Quảng Ninh thực hành, gìn giữ và phát triển phù hợp với nhịp sống công nghiệp sôi động ở Vùng mỏ hiện nay.
Theo quan niệm dân gian thì ông Táo sẽ lên chầu trời vào trưa ngày 23 tháng Chạp. Nghi lễ cúng ông Công ông Táo có thể được làm trước từ 1 ngày cho tới 1 tuần, tốt nhất là từ 20 tới 23 tháng Chạp. Do vậy, nhiều gia đình thường chọn ngày nghỉ gần nhất làm lễ cúng, để không ảnh hưởng tới công việc trong tuần. Tuy nhiên, 20 tới 23 tháng Chạp năm nay đều rơi vào ngày làm việc nên nhiều gia đình đã chọn làm rải rác vào các ngày trong tuần. Thị trường Tết ông Công ông Táo có lẽ vì vậy khá ổn định, không có sự biến động lớn.
Bộ đồ mã ông Công ông Táo được các tiểu thương đặt sớm phục vụ cho dịp lễ năm nay.
Dạo quanh một số chợ trên địa bàn TP Hạ Long từ trước Tết ông Công ông Táo gần 1 tuần, chúng tôi nhận thấy, nhiều tiểu thương đã nhập đồ mã sớm phục vụ cho dịp này. Mặc dù cũng là thời điểm đã có thể làm lễ cúng ông Công ông Táo, nhưng đa số các gia đình không lựa chọn tổ chức sớm vào dịp cuối tuần vừa qua. Các gian hàng bán đồ mã ông Công ông Táo, thứ không thể thiếu trong nghi lễ cúng ngày 23 tháng Chạp, gần như đều vắng hoe, hiếm lắm mới có gia đình mua một bộ mã nhưng cũng là mua sớm để cận ngày hoặc đúng ngày mới làm lễ cúng.
Chị Thanh Vân, tiểu thương bán hàng mã, đồ thờ cúng lâu năm tại chợ Hạ Long 1, cho hay, hàng mã thì nhập tới đâu bán tới đấy, ngày nào cũng có thể nhập thêm khi khách có nhu cầu. Tuy nhiên, từ cách thời điểm 23 tháng Chạp khoảng 1 tuần thì chị đã nhập hàng về với số lượng khoảng 200 bộ mã ông Táo to, nhỏ với nhiều chất liệu khác nhau. Chị thiên về lấy hàng làm bằng chất liệu đẹp, dầy dặn từ vùng Bắc Ninh. Giá cả hàng mã năm nay vẫn ổn định, thậm chí còn rẻ hơn năm trước một chút nhưng khách mua chậm, ít hơn năm trước, thời điểm này như năm ngoái thì không khí mua bán đã rất nhộn nhịp rồi…
Anh Lê Thanh Bình (phường Hồng Hải, TP Hạ Long) sắm đồ mã để cúng ông Công ông Táo sớm vào ngày 22 tháng Chạp.
Đây cũng là nhận xét của chị Thu Hoài đã có hơn 20 năm bán hàng mã ở khu vực Cột 5, phường Hồng Hà, TP Hạ Long. Tuy nhiên, chị chủ yếu bán cho khách quen, ước số lượng khách nên năm nay, chị đã nhập 300 bộ đồ mã ông Táo về từ trước ngày 23 tháng Chạp một tuần. Chị bảo, khách quen nên bán cũng nhanh hơn, thị trường có năm khan hàng, tăng giá nhưng chị đã bán hết rồi, hơn nữa vì toàn khách quen nên nếu là hàng sẵn, còn hàng mà thị trường tăng giá thì chị cũng không tăng…
Khảo sát của chúng tôi cho thấy, đa phần các tiểu thương ở Hạ Long nhập hàng mã từ Bắc Ninh. Một bộ mã cúng ông Táo gồm mũ cánh chuồn, quần áo, hia, cá chép mỗi loại 3 món, dao động từ 40 tới 75 nghìn đồng tuỳ thuộc vào bộ to, nhỏ cũng như chất liệu khác nhau. Năm ngoái “cháy hàng” vào cuối ngày, giá tăng lên tới 100 nghìn đồng/bộ mà nhiều điểm vẫn không có đủ bán. Tuy nhiên, năm nay thị trường tương đối chậm, cận ngày 23 tháng Chạp, các gian hàng mã mới bắt đầu có đông khách mua hơn.
Khác với hàng mã, các tiểu thương bán thực phẩm phục vụ cho mâm cỗ cúng ông Công ông Táo thời điểm cận ngày 23 dồn lực nhập hàng về với nhiều chủng loại phong phú, chủ yếu là hàng to, tươi sống. Mực lá to tới cả cân/con, trong suốt còn đang bơi trong chậu. Cá ngừ, cá chim, cá song cả chậu lớn, những rổ cua biển to chắc nịch. Thậm chí, các loại tôm hùm, tôm tre tươi rói cũng được tiểu thương nhập về phục vụ nhu cầu khách. Không chỉ những khu chợ lớn của TP Hạ Long mà các chợ nhỏ cũng ăm ắp cá, mực, tôm…
Hải sản to ngon, tươi sống được bán trong dịp Tết ông Công ông Táo tại chợ Hạ Long 3 (TP Hạ Long).
Chị Đinh Thị Điệp có hơn 20 năm làm nghề kinh doanh hải sản tươi sống, hiện đang có quầy hàng lớn tại chợ Hạ Long 3 (phường Hồng Hải), chia sẻ: Dịp Tết ông Công ông Táo này và chuẩn bị cho Tết Nguyên đán tới đây, chúng tôi lựa nhiều hàng to, ngon, tươi sống để người dân có thể mua sử dụng trong gia đình hoặc làm quà biếu người thân, bạn bè… Ở đây chủ yếu bán hải sản tự nhiên là hàng câu, đánh lưới được ở vùng biển Quảng Ninh. Tuy nhiên, những món đặc sản của vùng miền khác, thậm chí cua Hoàng đế nếu có khách đặt, chúng tôi cũng có thể nhập về bán, đảm bảo uy tín với khách…
Nhiều đặc sản có giá thành cao như cua biển, tôm hùm... được chị Điệp nhập về trong dịp này.
Sức mua của người dân hiện chưa tăng cao, tuy nhiên theo chị Điệp cho hay thì giá hải sản bắt đầu tăng nhẹ, mỗi ngày một giá tuỳ thuộc vào điều kiện đánh bắt nhiều hay ít. Hiện nay, hàng tươi sống tự nhiên đã đắt lên tầm 5 đến 7 chục nghìn một cân, hàng nuôi thì có loại giữ nguyên giá, có loại tăng nhẹ. Ngày 22 tháng Chạp, chị bán cua gạch Quảng Yên loại 1 giá dao động từ 700 nghìn tới 900 nghìn/kg. Cá ngừ từ hơn 1kg/con trở lên là 350 nghìn/kg, tầm 3 kg/con là 500 nghìn/kg. Mực lá loại 1 to ngon (từ 4 lạng/con trở lên), còn sống bơi là 580 nghìn/kg. Tôm hùm loại 1 từ 7-8 lạng/con là 1,2 triệu/kg…
Hải sản vẫn là loại thực phẩm VIP, đắt đỏ trong mâm cỗ cúng ông Táo của người dân Quảng Ninh. Bên cạnh đó, các loại thực phẩm khác như gà, giò, thịt lợn, rau xanh qua khảo sát của chúng tôi cũng cho thấy có sự tăng nhẹ về giá cả. Các loại thực phẩm chế biến sẵn như chả mực, xôi, bánh chưng… không chỉ có nguồn cung lớn mà cơ bản vẫn giữ giá như ngày thường.
Chả mực được bán nhiều tại chợ Hạ Long 1, có giá ổn định so với ngày thường.
Qua khảo sát ở nhiều khu chợ, thị trường cá chép cúng ông Táo năm nay không rầm rộ, số lượng không lớn nhưng giá cả khá dễ chịu. Phổ biến nhất ở Hạ Long là cá chép vàng, đỏ đẹp mắt, được nhập từ nhiều vùng khác nhau về. Người bán tuỳ thuộc vào độ đều màu của cá, độ sống khoẻ và kể cả kích cỡ cá mà định giá khác nhau, phổ biến dao động từ 20 tới 70 nghìn/con.
Các điểm chuyên bán cá cảnh là một sự lựa chọn trong dịp cúng ông Công ông Táo năm nay.
Bên cạnh những tiểu thương bán cá chép theo mùa vụ, dịp này nhiều người lại chọn mua cá chép cúng từ những người bán cá cảnh quanh năm. Ông Bùi Văn Luận chuyên bán cá cảnh ở khu vực cột 5, phường Hồng Hà, TP Hạ Long, cho hay, cá được ông lấy từ quê nhà Nam Định theo xe chở ra. Cá chép cũng có nhiều loại, cá đỏ đậm thường được người dân mua cúng dịp ông Táo thích hơn. Tuy nhiên, cá có đuôi, vây dài thướt tha đẹp hơn thì giá cao hơn, người mua còn có thể thả vào bể cá nuôi làm cá cảnh…
Ở những điểm bán cá cảnh này, người mua dường như có nhiều lựa chọn hơn. Anh Trần Văn Công, phường Cao Xanh (TP Hạ Long), đã mua 3 chú cá chép có 3 màu khác nhau. Anh bảo: Cúng ông Táo nhưng thực chất là 2 ông, 1 bà nên tôi mua cho mỗi Táo một màu khác biệt chứ không nhất thiết chỉ là màu đỏ nữa…
Hôm nay là đúng 23 tháng Chạp, chắc chắn thị trường sẽ sôi động hơn vì số lượng gia đình cúng lễ tập trung hơn, nhất là vào buổi sáng. Với sự chuẩn bị nguồn hàng hoá phong phú, đa dạng về chủng loại, giá cả, người mua sẽ có nhiều lựa chọn cho mâm cỗ cúng đầy đủ, sung túc trong dịp Tết ông Công ông Táo năm nay.
Anh Trần Văn Công khá hài lòng với lựa chọn 3 chú cá chép có màu sắc khác nhau.
Mỗi năm, cứ vào ngày 23 tháng Chạp, các gia đình Việt Nam lại soạn sửa để sắp lễ tiễn ông Công ông Táo chầu trời. Đây là thời khắc rất thiêng liêng, ý nghĩa trong năm cũng là thời điểm không khí tết bắt đầu rộn ràng khắp nơi. Song tùy theo phong tục tập quán mà mỗi nơi có một cách chuẩn bị và lễ cúng khác nhau. Tại Việt Nam, ngày lễ này có những tương đồng song cũng có sự khác biệt giữa 3 miền Bắc - Trung - Nam và tại Quảng Ninh, có sự khác nhau giữa các dân tộc, giữa các vùng, miền trong tỉnh.
Việc chuẩn bị đồ lễ cúng ông Công ông Táo được người dân ở xã Cẩm La (TX Quảng Yên) chuẩn bị từ nhiều ngày trước 23 tháng Chạp.
Tại miền Bắc, người dân thường làm lễ cúng ông Công ông Táo từ khá sớm, không nhất thiết phải đúng vào ngày 23 tháng Chạp mà có thể sớm hơn, nhưng muộn nhất là 12h trưa ngày 23 để các Táo thần nhận lễ vật lên chầu trời đúng hẹn. Thông thường, mâm cỗ cúng ngày lễ ông Công ông Táo có đủ các món ăn truyền thống, như: Xôi, gà, giò, chả, canh măng, nem rán... Nét đặc trưng văn hóa khác biệt nhất với hai miền Trung và Nam trong lễ cúng ông Công ông Táo ở miền Bắc chính là việc dùng cá chép làm đồ cúng lễ. Cá chép ở đây có thể là cá chép sống, cũng có thể là cá chép giấy, tùy theo từng gia đình. Sau khi thắp hương, khấn bái hoàn tất, gia chủ sẽ hóa vàng cá giấy hoặc phóng sinh cá chép sống ra ao, hồ, sông gần nhà, vừa để Táo quân có phương tiện chầu trời, vừa có ý nghĩa phóng sinh, tích đức hành thiện. Phong tục truyền thống là vậy, song ở mỗi địa phương, vùng miền trong tỉnh, ngày lễ ông Công ông Táo cũng có những khác biệt nhất định, phù hợp với quan niệm, tập quán sinh hoạt, lao động của người dân ở mỗi nơi.
Đến thăm gia đình nhà văn Dương Phượng Toại (xã Cẩm La, TX Quảng Yên) vào ngày 20 tháng Chạp khi gia đình ông chuẩn bị làm lễ cúng ông Công ông Táo, chúng tôi được nghe ông chia sẻ về những nét văn hóa truyền thống trong phong tục cúng ông Táo của Việt Nam nói chung và của người dân vùng đảo Hà Nam (Quảng Yên) nói riêng. Theo nhà văn Dương Phượng Toại, từ sự tích Táo Quân, ba vị thần Táo được coi là ba vị thần định đoạt phước đức cho gia đình. Phước đức này sẽ do việc làm đúng đạo lý của gia chủ và những người trong nhà. Bài vị thờ vua Bếp thường sẽ được ghi vắn tắt là “Định Phúc Táo Quân” nghĩa là thần định mọi hạnh phúc. Vì vậy, trong quan niệm của người dân Việt Nam, việc thờ cúng ông Công ông Táo rất quan trọng, mang ý nghĩa cầu mong sự yên bình, ấm no, đủ đầy trong năm mới, sau đó là ý nghĩa thờ “thần Bếp” cai quản việc bếp núc trong gia đình.
Ông Dương Phượng Toại làm lễ cúng ông Công ông Táo với mâm lễ được đặt ở dưới bếp.
Nhà văn Dương Phượng Toại chia sẻ: Cũng xuất phát từ sự tích ba vị thần Bếp mà từ xa xưa, khi chưa có bếp ga, bếp điện hiện đại, việc nấu nướng trong các gia đình nông thôn đều dùng những chiếc bếp có hình dáng kiềng 3 chân biểu tượng cho 3 vị Táo quân. Vùng đảo Hà Nam là vùng đất giao thoa văn hóa của những người gốc kinh thành Thăng Long đi mở đất với văn hóa miền cửa biển Bạch Đằng, vì vậy mang theo những nét văn hoá đặc trưng của nền văn minh lúa nước vùng đồng bằng sông Hồng. Theo đó, tập quán sinh hoạt, lao động của người dân phụ thuộc rất nhiều vào nước và lửa. Nước để trồng trọt ra lúa gạo, lửa để nấu nướng phục vụ cuộc sống. Đó cũng là lý do mà thần Bếp luôn được coi trọng trong quan niệm văn hóa, tâm linh của người dân.
Hiện nay, ở nhiều nơi hầu hết mọi người thường cúng cá chép vàng song ở vùng đảo Hà Nam chỉ cúng cá chép đen, thường lựa chọn những con to bằng khoảng cổ tay người lớn. Số cá chép được dâng cúng phổ biến nhất là ba con cho ba vị thần. Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo của người dân đảo Hà Nam ngoài những món truyền thống như xôi, gà, bánh chưng, canh rau, hoa quả, rượu, chè thì không thể thiếu được món bánh gio và bánh dày gấc dẻo thơm được giã tay hoàn toàn cùng các món hải sản tươi sống của vùng biển Quảng Yên như tôm, cá, ngán… và mâm lễ sẽ được đặt ở dưới bếp trong suốt thời gian làm lễ.
Sau khi thắp hương, khấn bái hoàn tất, gia chủ phóng sinh cá chép sống ra ao, hồ, sông gần nhà.
Đối với người Tày ở Ba Chẽ nói riêng hay cộng đồng dân tộc Tày ở Quảng Ninh nói chung, người dân không tổ chức lễ cúng ông Công ông Táo vào 23 tháng Chạp mà để đến ngày 30 mới cùng nhau chuẩn bị mọi việc để đón Tết, từ dọn dẹp nhà cửa, làm cơm cúng tất niên và cúng thần Bếp. Khác với người Kinh, việc dọn bàn thờ có thể tiến hành ngay trong ngày 23 tháng Chạp hoặc vài ngày sau đó, miễn là trước lễ Giao thừa, còn theo phong tục của người Tày bao đời nay, đúng ngày 30 tháng Chạp, từ sáng sớm các gia đình mới dựng cây nêu, quét dọn nhà cửa, trong bếp, dọn bàn thờ và dán giấy đỏ tại một số vị trí trong ngôi nhà, như: Bàn thờ, cửa chính, cửa bếp, chuồng trại, vật dụng, cây cối với mong muốn đón những điều may mắn, tài lộc trong năm mới, sau đó mới tất bật sửa soạn mâm cơm cúng. Mọi công việc đều được làm nhanh chóng cho lễ cúng tiễn đưa năm cũ, đón năm mới và mời tổ tiên về cùng ăn Tết. Khi nghi lễ cúng được hoàn tất, các thành viên trong gia đình quây quần thưởng thức bữa cơm tất niên.
Gia đình bà Bùi Thị Hồng cùng nhau gói bánh chưng, bánh coóc mò từ ngày 23 tháng Chạp trở ra.
Những ngày này, gia đình bà Bùi Thị Hồng, thôn Làng Dạ, xã Thanh Lâm (huyện Ba Chẽ) lúc nào cũng rộn ràng tiếng nói cười, con cháu nhiều người đi làm ăn xa cũng đã trở về quây quần cùng nhau gói bánh, mua hoa đào, hoa cúc về chơi Tết.
“Tuy không làm lễ vào ngày 23 song từ 20 tháng Chạp trở ra, nhiều gia đình người Tày đã tổ chức gói bánh chưng dài, bánh coóc mò để có không khí đón Tết sớm. Vào ngày 30, cùng với mâm cơm cúng trên bàn thờ gia tiên, người Tày còn sắp mâm cúng thần Bếp ở dưới bếp với những món ăn, như: Thịt lợn luộc hoặc thịt gà, bánh chưng, rượu… Tương tự như người Kinh, trong quan niệm của người Tày, thần Bếp mang ý nghĩa linh thiêng. Thần Bếp trú ngụ ở nơi bếp đun nấu của mọi nhà, chứng kiến mọi sinh hoạt của từng thành viên, là nơi gắn kết các thế hệ trong gia đình. Cuối năm, vị thần này sẽ tổng hợp các việc làm trong cả năm của từng gia đình để báo lên Ngọc Hoàng. Căn cứ vào báo cáo của thần Bếp mà Ngọc Hoàng phán xét công trạng hay tội lỗi của từng người, từng gia đình. Người nào ăn ở tốt, đối xử với cha mẹ, anh chị em trong nhà hòa nhã, kính trên nhường dưới sẽ được Ngọc Hoàng ban cho phúc lộc, sức khỏe dồi dào, làm ăn may mắn, người nào ăn ở chưa tốt Ngọc Hoàng sẽ phái Thiên Lôi xuống trị tội. Vì vậy, không chỉ Tết đến mà hằng ngày bếp luôn là nơi phải được quét dọn sạch sẽ, gọn gàng, việc cúng thần Bếp còn được thực hiện vào ngày mùng một, ngày rằm hàng tháng để thần Bếp sẽ luôn giữ ấm ngọn lửa may mắn cho gia đình, dòng tộc” - bà Hồng cho biết.
Người già, trẻ con cùng nhau trang trí nhà cửa để có không khí Tết sớm.
Ở khu 8, phường Hà Phong (TP Hạ Long), hiện có 354 hộ dân với trên 1.000 nhân khẩu. Sau 10 năm thực hiện tái định cư theo chủ trương của tỉnh, đời sống nhân dân ngày càng ổn định hơn. Nhiều hộ đã chủ động chuyển đổi ngành nghề sang kinh doanh, làm du lịch song vẫn còn trên 100 hộ vẫn bám biển, giữ nghề truyền thống của cha ông. Và những người dân gắn bó với nghề đi biển cũng có phong tục cúng ông Công ông Táo riêng phù hợp với công việc mưu sinh quanh năm bám biển của mình.
Trước kia, cuộc sống sinh hoạt từ nấu nướng, ăn uống của người dân chài hoàn toàn ở trên thuyền, vì vậy, việc cúng ông Công ông Táo cũng được thực hiện ngay ở trên thuyền. Nếu như ở trên bờ, mọi người sẽ chuẩn bị mâm cơm cúng đủ đầy theo truyền thống thì ở trên thuyền, do điều kiện không cho phép, các gia đình có thể thắp hương chuẩn bị chút lễ nhỏ vừa là cúng ông Công ông Táo vừa là cúng ông sông, bà biển, báo cáo kết quả một năm làm việc, mọi sự trong gia đình, mong cầu sang năm mới làm ăn phát đạt, gia đình mạnh khỏe.
Gia đình ông Nguyễn Đức Thính (khu 8, phường Hà Phong, TP Hạ Long) chuẩn bị mâm lễ cúng ông Công ông Táo.
Ông Nguyễn Đức Thính chia sẻ: Trước đây, khi các hộ dân hầu hết làm nghề đi biển khá vất vả, bận rộn, thường ngày 23 tháng Chạp chúng tôi chỉ thắp hương với mâm lễ nhỏ trên thuyền, sau đó đến ngày 30, sau khi đã kết thúc hết mọi công việc mới làm lễ chung để cúng tất niên. Còn từ khi ổn định cuộc sống trên bờ, mỗi người một ngành, một nghề khác nhau thì các hộ dân cũng hòa theo nhịp sống mới, tổ chức cúng ông Công ông Táo vào ngày 23 nhiều hơn. Vì là người dân biển nên chúng tôi không thực hiện cúng và thả cá chép sống mà chỉ cúng cá chép giấy.
Anh Vũ Văn Được, khu 8, phường Hà Phong, phấn khởi: Bình thường, khoảng ngày 27-28 Tết gia đình tôi mới về song năm nay cũng đã đi khá nhiều chuyến nên quyết định về trước ngày 23 để cúng ông Công công Táo và dọn dẹp nhà cửa đón Tết sớm. Cả năm lao động vất vả, cuối năm tâm lý nhà nào cũng mong làm mâm cơm cúng tươm tất để tiễn ông Táo chầu trời, báo cáo tổ tiên phù hộ để năm mới làm ăn thuận lợi hơn, no đủ hơn. Cả nhà tôi cùng nhau đi chợ sớm thấy không khí bà con chuẩn bị đồ cúng, mua sắm Tết nhộn nhịp lắm rồi.
Ông Nguyễn Đức Thính cũng chuẩn bị một chút lễ nhỏ cúng trên thuyền vào ngày 23 tháng Chạp, để giữ phong tục truyền thống của người dân làm nghề biển.
Ngày nay, dù cuộc sống hiện đại có nhiều sự thay đổi trong quan niệm văn hóa, song tục thờ thần Bếp vẫn được gìn giữ bao đời nay. Tuy có những khác nhau nhất định ở từng vùng, miền thì tín ngưỡng và sinh hoạt coi trọng vị thần Bếp đã tạo nên nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam. Để ngày 23 tháng Chạp hằng năm luôn là ngày cả gia đình cùng sum vầy, quây quầy bên mâm cơm tiễn ông Táo chầu trời, mang theo những ước nguyện về một năm mới nhiều may mắn, an lành, hạnh phúc và cùng nhau đón không khí Tết rộn ràng, vui tươi bắt đầu “gõ cửa”...
Thường lệ, lễ tiễn ông Táo về trời theo phong tục truyền thống được diễn ra vào 23 tháng Chạp. Sau nghi lễ cúng tại gia đình thì người dân sẽ phóng sinh, thả cá chép cúng xuống ao, hồ, sông... với ý nghĩa là phương tiện đưa các Táo quân về trời, thể hiện một nét đẹp văn hóa của người Việt. Tuy nhiên, trong bối cảnh tốc độ đô thị hóa nhanh, một số đô thị ven biển ở Quảng Ninh ít ao, hồ, việc thả cá tiễn ông táo về trời một cách trọn vẹn là vấn đề không đơn giản...
Theo quan niệm của người Việt, ông Công và ba vị thần Táo (hay vua Bếp) là những vị thần định đoạt cát - hung - phúc - đức cho gia đình. Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân làm lễ tiễn ông Công, ông Táo về trời, bẩm báo với Ngọc Hoàng những việc trong gia đình suốt một năm qua.
Cá chép sống khỏe, màu đẹp được bày bán tại Chợ Hạ Long 1 (TP Hạ Long).
Trong lễ cúng của người Việt, các gia đình thường mua cá chép đỏ hoặc cá chép giấy về cúng rồi hóa với ý nghĩa “cá chép hóa rồng” làm phương tiện cho Táo quân lên chầu trời. Các nhà nghiên cứu văn hóa Việt Nam lại cho rằng, nên mua cá chép sống bởi vì ngoài ý nghĩa thờ cúng để dâng các Táo Quân lấy phương tiện đi lại, tục lệ phóng sinh cá chép cũng có một ý nghĩa văn hóa quý báu, thể hiện tinh thần nhân đạo của người Việt.
Tuy nhiên, với một số đô thị lớn ven biển, ít ao hồ ở Quảng Ninh cùng với tốc độ đô thị hóa quá nhanh hiện nay khiến việc thả cá an toàn, trọn vẹn, để cá sống khỏe, đưa ông Táo về trời mang theo những ước nguyện của gia chủ là điều nhiều người quan tâm.
Để thả cá an toàn, sống khỏe, không bị chết... trước tiên phải chọn được cá chép khỏe. Theo các tiểu thương giàu kinh nghiệm trong mua bán cá chép thì những năm gần đây, người dân thường chọn cá chép đỏ hoặc vàng, có sức sống tốt, để thắp hương tiễn ông Táo về trời. Cá không nhất thiết phải to, miễn sao cá khỏe mạnh, không bị trầy xước, mất vảy là được. Về ngoại hình, cá có hình dáng đẹp, vây dài, màu sắc đẹp...
“Để thử độ khỏe của cá, bạn có thể chạm nhẹ vào mặt nước của chậu đựng cá, nếu thấy cá bơi nhanh, quẫy mạnh thì đó là con cá còn khỏe và rất sung sức. Ngoài ra, gia chủ có thể thử độ khỏe mạnh của cá chép bằng cách thả tạm cá vào lu. Khi chạm vào mặt nước, cá bơi nhanh, quẫy mạnh có nghĩa là rất khỏe mạnh" - cô Nguyễn Thị Điệp, tiểu thương chợ Hạ Long 1, người có nhiều năm kinh nghiệm mua bán cá chép cúng ông Táo, chia sẻ.
Cá chép khỏe bơi nhanh, quẫy mạnh khi chạm vào mặt nước hoặc bị bắt lên.
Theo nhiều người có kinh nghiệm thì sau khi mua cá về, gia chủ nên cho cá vào thau nước sạch với ít rong để cá thích nghi. Nguồn nước tốt nhất cho cá chính là nước giếng, nước sông, ao hồ sạch sẽ, không nên sử dụng nước máy bởi loại nước này thường còn dư lượng clo dễ làm cá chết. Gia chủ nên thả thêm một cọng rêu nhỏ nếu cần để cá lâu.
"Trên thực tế, về mặt sinh học, để biết cá chép, cá chép Koi và một số dòng cá cảnh khỏe người ta còn quan sát mang cá. Nếu mang đỏ tươi nghĩa là cá khỏe mạnh, mang cá màu đỏ thẫm chứng tỏ cá yếu, chỉ để một thời gian ngắn có thể chết. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng việc chạm vào cá để kiểm tra sẽ làm chúng yếu thêm” - anh Vũ Tuấn Nam, chủ trang trại cá cảnh Ross Farm (Cao Xanh, TP Hạ Long), chia sẻ.
Người dân vẫn quan niệm, cá chép vượt vũ môn, cá chép hóa thân thành rồng bay lên trời. Vào những ngày này, nhà nhà lại đi thả cá chép ra những vùng nước rộng. Nghi thức này đã trở thành ứng xử tập thể mà ở đó, những sinh linh nhỏ bé được trả lại sự sống. Nó mang lại ý nghĩa tâm linh khi sự sống được vun trồng, cũng là hành động góp phần gìn giữ môi trường...
Với người dân đô thị lớn kề biển, lại ít sông hồ như TP Hạ Long, Cẩm Phả...rất quan tâm tới điểm thả cá sau nghi lễ cúng ông Táo.
Để có ngày lễ đẹp, ý nghĩa, đúng thuần phong mỹ tục của dân tộc, việc thả cá chép để cá sống cũng đem lại tâm lý thoải mái, sự yên tâm của gia chủ. Ngoài việc quan trọng là lựa chọn “phương tiện” đi lại của các táo thật khỏe mạnh, đẹp, gia chủ cũng cần quan tâm tới nơi thả, cách thả. Nhiều người cho rằng, đó là hành động đẹp, phóng sinh thì cũng cần làm cho thật cẩn thận tới lúc cuối cùng.
Người dân chọn thả cá ở hồ nước trong Công viên hoa Hạ Long hoặc đi xa để thả cá ở các ao, hồ nước ngọt.
"Sau nghi lễ cúng, cá chép được mang đi thả ở các vùng ao, hồ. Việc thực hiện cúng bái cần nhanh gọn để sớm đưa cá đi thả, tránh để cá chen chúc ngột ngạt, sợ hãi sẽ nhanh chết. Gia chủ cũng cần chọn mua những con cá chép khỏe mạnh để cá có thể sống được ở nơi nước lạ. Trước đây, gia đình tôi thường chọn hồ điều hòa Yết Kiêu, sau này tôi phải đi xa hơn hoặc ra công viên thả. Sau khi thả cá, nên quan sát xem cá đã bơi khuất đi chưa, tránh tình trạng cá mắc kẹt, hoặc chưa kịp định hướng nên bơi ngược, bị xô dạt lại vào bờ" - chị Nguyễn Thị Dung, phường Yết Kiêu, TP Hạ Long chia sẻ kinh nghiệm.
Khi thả cá, nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nylon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Hoặc đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước. Cần thao tác nhẹ nhàng nhưng nhanh gọn. Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm quá cao ném cá xuống hoặc ném cả túi ni lông buộc chặt đựng cá. Những hành động này khiến cá không thể thoát ra được, hoặc bị sốc vì ném từ độ cao, khiến cá khó có thể sống sau khi thả.
Người dân không nên thả cá cúng ông Táo xuống hồ điều hòa Yết Kiêu bởi cá sẽ chết nổi trên mặt hồ chỉ sau đó vài tiếng.
Đặc biệt, người thả không nên thả cá bừa bãi ra những nguồn nước ô nhiễm. Đặc biệt, cá chép là giống cá nước ngọt nên không thả cá ở biển hoặc những môi trường nước nhiễm mặn, cá thay đổi môi trường sống hoàn toàn sẽ không thể sống được.
Với người dân ở các địa phương có nhiều ao hồ, sông suối nước ngọt, như: Đông Triều, Uông Bí, Tiên Yên, Ba Chẽ... việc tìm nguồn nước sạch để thả cá không khó. Tuy nhiên với người dân một số đô thị sát biển, lại ít ao hồ như TP Hạ Long, Cẩm Phả... thì tương đối khó khăn. Bởi phần nhiều các hồ lớn ở trung tâm TP Hạ Long như hồ Cung Văn hóa Thiếu nhi tỉnh, hồ điều hòa Yết Kiêu đã bị nhiễm mặn. Cá thả xuống sẽ chết nổi trên mặt hồ chỉ sau vài tiếng. Người dân quanh hồ cho biết, các hồ này bị ô nhiễm và đều có cửa thông với biển nên thủy triều lên cao, nước mặn tràn vào, cá thả vào sẽ chết vừa phí công sức của người mua cá vừa dễ gây ô nhiễm môi trường...
Ngoài hồ lớn, một số ao cá cảnh, hồ nhỏ ở cơ quan, vườn nhà...là một lựa chọn tốt để thả cá chép.
Vì thế, với người dân Hạ Long có lẽ phải đi xa hơn tới hồ nước ngọt kề Bệnh viện Phổi tỉnh (phường Hà Khánh) hoặc hồ Moong A và B (gần Trạm Y tế Công ty than Hà Lầm - Vinacomin, khu 2, phường Hà Lầm) hoặc một số ao hồ nước ngọt khác.
Thả cá vào ngày cúng ông Táo hàng năm là nét đẹp văn hoá. Gần đây, nhiều câu chuyện về xả rác, vứt túi ni lông ra môi trường, ao hồ gây ô nhiễm sau khi thả cá… khiến hình ảnh một phong tục tập quán đẹp bị ảnh hưởng, lên án không ít. Vì vậy, người dân cũng cần lưu ý nâng cao ý thức, thu gom gọn túi ni lông, tránh xả rác bừa bãi ra môi trường...
Chỉ đạo thực hiện: Phan Hằng
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()