Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 22:43 (GMT +7)
Hải đảo tiến kịp đất liền
Thứ 3, 06/01/2015 | 06:33:22 [GMT +7] A A
Vậy là qua bao thế hệ, bao đời mong đợi của người dân, giờ đây cái điều tưởng như không tưởng đã trở thành hiện thực khi toàn bộ các xã đảo của huyện Vân Đồn đã có điện lưới quốc gia. Dấu mốc này được khắc ghi vào lúc 18 giờ 30 phút ngày 3-1-2015, khi Công ty Điện lực Quảng Ninh đóng điện thành công công trình cấp điện cho xã đảo Ngọc Vừng - xã cuối cùng trong số các xã đảo của Vân Đồn được đóng điện lưới quốc gia.
Như vậy, cùng với Cô Tô - huyện đảo tiền tiêu xa nhất của Quảng Ninh được đóng điện lưới quốc gia vào dịp cuối năm 2013, nhân dịp kỷ niệm 50 năm thành lập tỉnh, dòng điện lưới quốc gia lại mang niềm vui, hạnh phúc, sự kỳ vọng cho bước phát triển đột phá của huyện đảo Vân Đồn - một đặc khu kinh tế trong nay mai…
Dự án đưa điện lưới ra huyện đảo Cô Tô bằng cáp ngầm xuyên biển, lần đầu tiên được triển khai tại Việt Nam với tổng kinh phí hơn 1.000 tỷ đồng. Và ngay sau đó được tiếp nối bằng dự án đưa điện lưới ra 5 xã đảo của huyện Vân Đồn với tổng mức đầu tư hơn 300 tỷ đồng, được huy động từ nhiều nguồn lực, trong đó có một phần đóng góp không nhỏ từ ngân sách tỉnh, đã cho thấy quyết tâm chính trị, tinh thần dám nghĩ, dám làm và sự năng động, sáng tạo của lãnh đạo tỉnh trong thực hiện dự án. Với thành công này, khát vọng thu hẹp khoảng cách chênh lệch về đời sống giữa các vùng miền đã được hiện thực hoá, hải đảo giờ đây đã đuổi kịp đất liền về sử dụng nguồn điện năng quốc gia. Có điện ắt có điện khí hoá, cơ giới hoá, tự động hoá. Đây là những cơ sở, tiền đề quan trọng để các xã đảo, huyện đảo tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thiếu thốn làm bàn đạp để phát triển toàn diện hơn, mạnh mẽ hơn trong tương lai gần…
Tương lai, cơ hội phát triển đã rõ, nhưng làm thế nào để khai thác, sử dụng nguồn điện năng cho thật hiệu quả thì cần phải có sự chủ động, sáng tạo, quyết tâm cao của các cấp uỷ Đảng, chính quyền địa phương trong việc lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, hoạch định các chiến lược, kế hoạch phát triển và sự nỗ lực của từng hộ dân, người dân. Chắc hẳn ai cũng hiểu việc đưa dòng điện lưới quốc gia ra đảo với tổng kinh phí lớn không phải chỉ để phục vụ cho việc thắp sáng, mà cao hơn, ý nghĩa hơn là nó phải góp phần đắc lực vào việc đánh thức, khơi dậy các tiềm năng, lợi thế của vùng biển đảo rộng lớn, giầu tài nguyên vốn lâu nay vẫn ngủ yên mang lại những giá trị gia tăng cao, làm ra nhiều của cải vật chất, tiền bạc cho xã hội…
Cũng như Cô Tô, sau hơn một năm có điện lưới quốc gia, đã có những bước phát triển đầy ấn tượng với một diện mạo mới, nhất là trong lĩnh vực sản xuất, chế biến thuỷ sản, dịch vụ du lịch, hậu cần nghề cá… Hy vọng sau khi có điện lưới, các xã đảo của Vân Đồn cũng có những đổi thay, chuyển động nhanh chóng như thế và hơn thế…
Thanh Tùng
Liên kết website
Ý kiến ()