
Trong suốt chặng đường lịch sử 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành, cùng với lực lượng An ninh kinh tế Công an toàn quốc, lực lượng An ninh kinh tế Công an Quảng Ninh đã vượt qua khó khăn, thường xuyên trau dồi bản lĩnh chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, tích cực, đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật trên lĩnh vực kinh tế, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, vì sự phát triển bền vững của tỉnh.

Được thành lập ngày 13/5/1953 với tiền thân là Phòng Bảo vệ mỏ thuộc Công an khu Hồng Quảng, cho đến tháng 5/1955, căn cứ quyết định của Bộ Công an, Phòng Bảo vệ mỏ được đổi tên thành Phòng Bảo vệ kinh tế. Trong 10 năm đầu thành lập, bằng các biện pháp nghiệp vụ sắc bén, Phòng Bảo vệ kinh tế, Công an khu Hồng Quảng, đã ngăn chặn hiệu quả các hoạt động phá hoại, trực tiếp phát hiện, tổ chức đấu tranh 13 chuyên án gián điệp do Pháp cài lại và các chuyên án phá hoại kinh tế, bắt xử lý 69 tên. Nhờ đó, đã kịp thời ngăn chặn, làm thất bại các hoạt động phá hoại của địch và phần tử xấu, góp phần quan trọng ổn định đời sống, phát triển sản xuất kinh tế ở Vùng mỏ.
Tháng 8/1964, đế quốc Mỹ leo thang ném bom bắn phá miền Bắc, trong đó có Quảng Ninh. Mục tiêu của chúng là những bến cảng, nhà máy, kho tàng, bến bãi. Đây cũng chính là những địa bàn trọng điểm của lực lượng An ninh kinh tế, trải suốt chiều dài của tỉnh.

Lực lượng Công an bảo vệ các cơ sở kinh tế trọng điểm. Ảnh tư liệu
Lực lượng Công an bảo vệ các cơ sở kinh tế trọng điểm. Ảnh tư liệu
Trong căn nhà nhỏ giữa một khu dân cư đông đúc ở trung tâm TP Cẩm Phả, chúng tôi được nghe kể về không khí hào hùng ngày nào từ một cựu trinh sát an ninh kinh tế - Thượng tá Trương Phúc Lâm, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh. Đối với ông, đó là những ký ức không thể nào quên, mỗi khi nhắc lại, xen lẫn trong niềm tự hào khôn xiết, là một phút nhói lòng, nhớ thương đồng đội.“Vì địa bàn xa, phương tiện chủ yếu của chúng tôi là xe đạp, thậm chí có người còn đi bộ. Trong điều kiện ác liệt của chiến tranh, đời sống của cán bộ, chiến sĩ cũng vô vàn gian khổ, nhưng anh em vẫn tăng cường bám địa bàn, bám cơ sở, đẩy mạnh đấu tranh chống gián điệp, biệt kích để bảo vệ tính mạng và tài sản của nhà nước, nhân dân” – Thượng tá Trương Phúc Lâm chia sẻ.

Thượng tá Trương Phúc Lâm, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh, kể lại những câu chuyện xưa với lãnh đạo và cán bộ trẻ Phòng An ninh kinh tế.
Thượng tá Trương Phúc Lâm, nguyên Trưởng phòng Bảo vệ kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh, kể lại những câu chuyện xưa với lãnh đạo và cán bộ trẻ Phòng An ninh kinh tế.
Trong cuộc trò chuyện, có những lúc giọng nói của người cựu binh già như lạc đi, đôi bàn tay gân guốc liên tục lau những giọt nước mắt khi nhắc đến những đồng đội đã hy sinh. Chiến tranh đã cướp đi của ông những người đồng chí, đồng đội, họ đã vĩnh viễn nằm lại chiến trường xưa. 34 cán bộ, chiến sĩ Phòng Bảo vệ kinh tế Công an Quảng Ninh đã hăng hái xung phong lên đường chi viện cho chiến trường miền Nam, chỉ có 22 đồng chí trở về...
“Lúc ấy, đất cát vùi lấp hết, anh em chúng tôi phải đào bới, tìm và chôn cất đồng đội của mình, trong khi bên trên, máy bay vẫn lượn lờ. Thế nhưng, không vì thế mà chúng tôi chùn bước, ngược lại, còn là động lực thôi thúc mỗi CBCS thực hiện trách nhiệm trước Đảng, trước dân” - Thượng tá Trương Phúc Lâm bùi ngùi.

Công an Quảng Ninh giúp đỡ lực lượng an ninh cơ sở xây dựng phương án bảo vệ an ninh, trật tự. Ảnh: Tư liệu
Công an Quảng Ninh giúp đỡ lực lượng an ninh cơ sở xây dựng phương án bảo vệ an ninh, trật tự. Ảnh: Tư liệu
Cũng trong thời kỳ này, lực lượng Bảo vệ kinh tế đã phát hiện, đấu tranh, vô hiệu hóa nhiều vụ gián điệp, phản động, góp phần bảo vệ an ninh nội bộ các đơn vị kinh tế trên địa bàn, như: liên tiếp phát hiện 3 vụ án phản động vào năm 1965; đập tan vụ kích động bạo loạn tại Xí nghiệp sứ Móng Cái năm 1967 và năm 1970 bắt tên Lý Hán - đặc vụ Tưởng.
Sau năm 1975, trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, các thế lực thù địch vẫn tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động chiến tranh gián điệp, phá hoại kinh tế; nạn trộm cướp, buôn lậu cũng hoạt động mạnh. Trong bối cảnh đó, lực lượng An ninh kinh tế đã tập trung lực lượng, áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ, góp phần đánh thắng quân xâm lược ở biên giới phía Bắc năm 1979, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.



Bước vào thời kỳ đổi mới, với chiến lược “diễn biến hoà bình” và tác động từ mặt trái của cơ chế thị trường, đặt ra nhiều thách thức mới đối với công tác công an nói chung, nhiệm vụ bảo vệ an ninh kinh tế nói riêng, nhất là tại địa bàn biên giới, cửa khẩu, tình hình ANTT trọng điểm, phức tạp như tỉnh Quảng Ninh. Những khó khăn, thử thách ấy cũng chính là cơ hội để lực lượng An ninh kinh tế thể hiện bản lĩnh vững vàng, tiếp tục khẳng định phẩm chất và năng lực.
Để phục vụ tốt chính sách mở cửa, hội nhập kinh tế quốc tế của Đảng và Nhà nước, đơn vị đã đổi mới toàn diện các mặt công tác. Các biện pháp nghiệp vụ được thực hiện theo hướng chuyên sâu, tập trung vào các chuyên đề, lĩnh vực, mục tiêu, địa bàn trọng điểm. Trong đó, xây dựng và triển khai nhiều phương án, kế hoạch, không để bị động, bất ngờ, phát sinh phức tạp. Đồng thời, phối hợp với công an các địa phương phát hiện và tổ chức đấu tranh bóc gỡ nhiều vụ tham nhũng, đường dây tội phạm công nghệ cao liên quan đến người nước ngoài.
Để rồi, năm 1995, một lần nữa, lực lượng An ninh kinh tế, Công an tỉnh Quảng Ninh đã làm nên lịch sử, khi là đơn vị cấp phòng đầu tiên của lực lượng An ninh kinh tế toàn quốc được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới.




Lực lượng An ninh kinh tế nắm bắt tình hình đảm bảo ANTT tại Công ty than Hòn Gai.
Lực lượng An ninh kinh tế nắm bắt tình hình đảm bảo ANTT tại Công ty than Hòn Gai.

Cán bộ phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) nắm tình hình tại Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng - Uông Bí.
Cán bộ phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh) nắm tình hình tại Chi nhánh Công ty TNHH Sao Vàng - Uông Bí.
Thiếu tướng Nguyễn Hữu Tước, nguyên Giám đốc Công an tỉnh, khẳng định: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang thời kỳ đổi mới là phần thưởng cao quý xứng đáng cho sự đóng góp của lực lượng trên lĩnh vực đảm bảo an ninh kinh tế. Chúng tôi luôn đánh giá cao sự tâm huyết, chỉ đạo sâu sắc của các đồng chí lãnh đạo, chỉ huy trong công tác nghiệp vụ cơ bản. Chính điều này đã quyết định đến chất lượng công tác trong việc phát hiện, đánh giá, nắm tình hình, tham mưu, giải quyết nhiều vụ án trọng điểm; phòng ngừa, đấu tranh để bảo vệ an ninh kinh tế trên tất cả các lĩnh vực và địa bàn. Đặc biệt, mặc dù phải đối mặt với vô vàn cám dỗ cả về quyền lực và kinh tế, nhưng các đồng chí đã luôn giữ được lực lượng trong sạch trong suốt 70 năm xây dựng, chiến đấu và trưởng thành.
Không chỉ thực hiện tốt công tác nghiệp vụ, từ khi thành lập đến nay, lực lượng An ninh kinh tế còn chủ động tham mưu, đề xuất hướng dẫn các cơ quan, doanh nghiệp xây dựng, củng cố phong trào, mô hình tự quản, đặc biệt là ở các địa bàn trọng điểm. Cùng với quy chế phối hợp với các ngành kinh tế trọng điểm được ký kết và thực hiện ngày càng có chiều sâu, công tác phòng ngừa, bảo vệ an ninh nội bộ, đẩy mạnh phong trào bảo vệ ANTQ trong cơ quan doanh nghiệp ngày càng phát huy hiệu quả tích cực trong bảo vệ an ninh kinh tế.
Phát huy truyền thống anh hùng, lực lượng An ninh kinh tế Công an tỉnh Quảng Ninh tiếp tục thực hiện tốt vai trò nòng cốt, tích cực tham mưu cấp uỷ, chính quyền các cấp tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo các mặt công tác nghiệp vụ theo lĩnh vực, địa bàn được phân công. Cùng với đó, chủ động phối hợp với các ban, ngành liên quan tham mưu cho tỉnh giải quyết nhiều vấn đề phát sinh trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Đánh giá cao vai trò tham mưu của lực lượng An ninh kinh tế, đồng chí Cao Tường Huy, Quyền Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, khẳng định: Các đồng chí đã chủ động triển khai các biện pháp nghiệp vụ nhằm làm rõ tư cách pháp nhân, năng lực tài chính, mục đích hợp tác của một số tổ chức cá nhân trong và ngoài nước để kịp thời tham mưu cho tỉnh cấp phép các dự án vừa đảm bảo yêu cầu phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tăng cường đối ngoại, vừa vẫn kịp thời phát hiện, khắc phục những sơ hở, thiếu sót trong quá trình thực hiện các chính sách phát triển kinh tế xã hội nhằm hạn chế đến mức thấp nhất việc phát sinh tội phạm và vi phạm pháp luật xảy ra.


Cuộc họp giao ban phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh)
Cuộc họp giao ban phòng An ninh kinh tế (Công an tỉnh)

Công tác tham mưu, báo cáo được thực hiện kịp thời, trách nhiệm.
Công tác tham mưu, báo cáo được thực hiện kịp thời, trách nhiệm.

“Từ những ngày đầu thành lập đến nay, lực lượng An ninh kinh tế đã kề vai sát cánh cùng công an toàn tỉnh vượt mọi khó khăn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao. Các nội dung tham mưu đúng, trúng. Công tác đấu tranh phòng chống tội phạm đạt nhiều kết quả nổi bật. Nhiều chuyên án, vụ án phức tạp về quản lý kinh tế, công nghệ cao đã được phát hiện, xử lý triệt để, được dư luận đồng tình, ủng hộ, góp phần củng cố niềm tin của nhân dân Công an Quảng Ninh” – Thượng tá Mai Thế Quang, Phó Giám đốc Công an tỉnh, khẳng định.

Điển hình là vụ án khai thác trái phép than với quy mô lớn, gây thất thoát khối lượng lớn khoáng sản, trị giá trên 154,2 tỷ đồng, gây rúng động dư luận hồi đầu năm 2021, xảy ra tại Công ty than Hạ Long – TKV, với 14 bị can bị khởi tố, truy tố, trong đó có 5 đảng viên.
Trước đó, tháng 10/2020, qua công tác nắm tình hình, Phòng An ninh kinh tế đã phát hiện tình trạng khai thác than lộ thiên trên địa bàn thuộc Công ty than Hạ Long quản lý, dù dự án đã hết hạn khai thác từ tháng 12/2019 và đang làm thủ tục đóng cửa mỏ. Tuy nhiên, các đối tượng đã tổ chức đưa người, phương tiện vào khai thác, chiếm đoạt than trái phép.
Trực tiếp tham gia và chỉ đạo các mũi trinh sát, Trung tá Tạ Thanh Hải, Đội trưởng Đội An ninh Năng lượng, Tài nguyên môi trường, chia sẻ: Quá trình trinh sát thực tế tại hiện trường gặp rất nhiều khó khăn do chỉ có một con đường độc đạo, người ngoài rất khó tiếp cận. Khu vực này lại được che khuất bởi đồi núi nên việc phát hiện hoạt động khai thác than trái phép cũng vô cùng gian nan. Thời điểm đó trời rất rét kèm mưa phùn, đường đồi núi, căn bản không có đường đi, một số khu vực còn sụt lún vì là bãi thải. Để theo dõi được hoạt động của các đối tượng, anh em trinh sát phải tự vẽ đường đi thông qua vệ tinh rồi băng vài kilomet đường rừng để đến điểm quan sát. Công tác trinh sát kéo dài vài tháng trời, xuyên Tết, với quyết tâm theo dõi mọi di biến động, không để lọt hoạt động, đối tượng.
Xác định đây là vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng, có dấu hiệu câu kết “trong - ngoài”, Phòng An ninh kinh tế đã tham mưu Giám đốc Công an tỉnh xác lập chuyên án để tập trung lực lượng, biện pháp, phương tiện của nhiều đơn vị nghiệp vụ mở rộng xác minh và đấu tranh làm rõ hành vi của các đối tượng có liên quan. Vụ việc đã được Công an tỉnh báo cáo đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cho ý kiến chỉ đạo. Và đến sáng ngày 23/02/2021, Ban Chuyên án quyết định phá án.

Chuyên án TTP1 là một trong 10 chuyên án lớn mà lực lượng An ninh kinh tế đã xác lập, đấu tranh trong 10 năm qua.
Chuyên án TTP1 là một trong 10 chuyên án lớn mà lực lượng An ninh kinh tế đã xác lập, đấu tranh trong 10 năm qua.
Chuyên án TTP1 thành công có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong đảm bảo an ninh năng lượng quốc gia; góp phần thực hiện nghiêm các chỉ thị, nghị quyết của Chính phủ và BCH Đảng bộ tỉnh về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác quản lý tài nguyên, khoáng sản trên địa bàn tỉnh; tạo sự đồng thuận, ủng hộ cao trong dư luận xã hội, góp phần củng cố thêm niềm tin của cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân với công tác phòng, chống tội phạm của lực lượng Công an nhân dân.
Đây là một trong 10 chuyên án lớn mà lực lượng An ninh kinh tế đã xác lập, đấu tranh trong 10 năm qua (từ 2013 - 2022). Cùng với đó, đã xác minh làm rõ 268 vụ việc liên quan đến an ninh kinh tế, bàn giao Cơ quan điều tra các cấp 84 vụ, khởi tố 125 bị can.

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, lực lượng An ninh kinh tế đã khẳng định được vai trò, vị thế của mình trong tham mưu và trực tiếp tổ chức công tác phòng ngừa, phát hiện, đấu tranh với các hoạt động chống phá chủ trương, đường lối, chính sách trên lĩnh vực kinh tế.

Phòng An ninh kinh tế là một trong các đơn vị được Đại tá Đinh Văn Nơi, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an tỉnh trao danh hiệu "Đơn vị quyết thắng" năm 2022. Nguồn ảnh: Công an tỉnh
Phòng An ninh kinh tế là một trong các đơn vị được Đại tá Đinh Văn Nơi, Bí thư Đảng uỷ, Giám đốc Công an tỉnh trao danh hiệu "Đơn vị quyết thắng" năm 2022. Nguồn ảnh: Công an tỉnh
Không chỉ được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVT, những năm gần đây, lực lượng An ninh kinh tế đã được tặng thưởng 3 Huân chương Chiến công hạng Ba và 3 năm liên tiếp (2019-2022) được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Những phần thưởng cao quý ấy là minh chứng cụ thể, sinh động cho những những nỗ lực, cố gắng của các thế hệ cán bộ, chiến sĩ của lực lượng An ninh kinh tế trong suốt 70 năm qua.
Trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế khu vực và thế giới có nhiều thay đổi, những vấn đề an ninh phi truyền thống trở thành thách thức toàn cầu, tác động sâu sắc đến kinh tế - xã hội, quốc phòng - an ninh của tỉnh. Bên cạnh thời cơ, thuận lợi, Quảng Ninh tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh nói chung, an ninh kinh tế nói riêng. Công tác đảm bảo an ninh kinh tế vì thế luôn đặt ra nhiều thách thức đối với cán bộ, chiến sĩ đơn vị, với yêu cầu, áp lực công tác chuyên môn ngày càng cao.

Lực lượng An ninh kinh tế nắm tình hình địa bàn tại Cảng container quốc tế CICT, KCN Cái Lân, TP Hạ Long.
Lực lượng An ninh kinh tế nắm tình hình địa bàn tại Cảng container quốc tế CICT, KCN Cái Lân, TP Hạ Long.
Thượng tá Nguyễn Ngọc Hòa, Trưởng phòng An ninh kinh tế, khẳng định: Nhận thức rõ vị trí, vai trò và trách nhiệm ngày càng nặng nề của mình, thời gian tới, chúng tôi sẽ tiếp tục chủ động nắm, đánh giá và dự báo đúng tình hình từ sớm, từ xa, để kịp thời tham mưu; thẩm định, đánh giá tác động về an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội đối với các chủ trương, chính sách và việc thực hiện các đề án, dự án phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn. Đồng thời, kịp thời phát hiện, phòng ngừa, đấu tranh, ngăn chặn các hoạt động gây phương hại đến an ninh quốc gia, thông qua hoạt động kinh tế. Qua việc xác minh, xử lý các vụ án liên quan đến an ninh kinh tế, chúng tôi cũng sẽ phát hiện các sơ hở, thiếu sót về pháp lý để tham mưu hoàn thiện thể chế, tăng cường công tác quản lý nhà nước, phòng ngừa sai phạm.
“Câu chuyện, lời nhắn gửi nghĩa tình của những lãnh đạo, cán bộ đi trước đã truyền cảm hứng, là động lực để những cán bộ chiến sĩ trẻ của Phòng An ninh kinh tế như chúng tôi quyết tâm phấn đấu, rèn luyện, tiếp bước thế hệ cha anh đi trước. Quyết tâm học hỏi, nâng cao năng lực, chúng tôi luôn sẵn sàng đảm nhận những phần việc mới, việc khó, xung phong nhận những địa bàn phức tạp, trọng điểm, miền núi, hải đảo, nhằm phát huy tinh thần xung kích của tuổi trẻ, xứng đáng với truyền thống hào hùng của đơn vị” – Thượng úy Nguyễn Sơn Tùng, Bí thư Chi đoàn Phòng An ninh kinh tế, chia sẻ.

Nhận thức đúng đắn và những quyết tâm của thế hệ trẻ hôm nay được hun đúc từ sự hướng dẫn, quan tâm, sát sao của lãnh đạo đơn vị qua các thời kỳ trong công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, mỗi cán bộ, chiến sĩ An ninh kinh tế hôm nay tiếp tục phấn đấu, rèn luyện, hoàn thiện bản thân, cùng với tập thể phát huy tinh thần đoàn kết, sáng tạo, lấy 6 điều Bác Hồ dạy Công an nhân dân là kim chỉ nam để viết tiếp hành trình xây dựng lực lượng An ninh kinh tế trong sạch, liêm chính, vững mạnh toàn diện, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, theo tinh thần Nghị quyết số 12-NQ/TW, ngày 16/3/2022 của Bộ Chính trị.



Ngày đăng: 20/4/2023
Thực hiện: Hằng Ngần
Trình bày: Hùng Sơn