
Qua 60 năm xây dựng và phát triển tỉnh, ngành Điện Quảng Ninh luôn đồng hành, đóng góp vai trò quan trọng trong việc duy trì, đảm bảo nguồn cung cấp điện ổn định, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của nền kinh tế và đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững QP-AN trên địa bàn.
Giai đoạn 1920-1926, thực dân Pháp tiến hành xây dựng Nhà máy điện Cột 5 để phục vụ cho quá trình khai thác than của chủ nghĩa thực dân, đánh dấu cho sự hình thành và phát triển của ngành Điện Quảng Ninh ngày nay. Đội ngũ công nhân Nhà máy điện Cột 5 lúc bấy giờ có khoảng 150 người với đa số làm lao động nặng nhọc như đẩy xỉ, xúc than đốt lò.
Giai đoạn 1954-1965, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của dân tộc ta đã đi đến thắng lợi cuối cùng bằng chiến thắng Điện Biên Phủ. Hòa bình được lập lại tại miền Bắc, từ người công nhân bị áp bức nô lệ dưới ách thực dân, đế quốc, những người công nhân Nhà máy điện Cột 5 đem hết sức mình đóng góp vào việc ổn định và phát triển nguồn điện phục vụ cho việc khai thác than phục vụ phát triển đất nước.

Lễ khánh thành và đóng điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, ngày 16/10/2013.
Lễ khánh thành và đóng điện lưới quốc gia ra huyện đảo Cô Tô, ngày 16/10/2013.
Trong công cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, với khẩu hiệu “Địch đến ta đánh, địch đi ta lại sản xuất”, mặc cho mưa bom, bão đạn của kẻ thù, tập thể CBCNLĐ Nhà máy điện Cột 5 vẫn vững vàng bám máy, bám lò, giữ vững dòng điện thân yêu tỏa sáng trên các bến cảng, hầm mỏ Quảng Ninh.
Để phù hợp với tình hình thực tiễn, ngày 11/8/1973, Bộ trưởng Bộ Điện và Than ký quyết định thành lập Sở Quản lý phân phối điện khu vực 5 (Quảng Ninh), tiền thân của Công ty Điện lực Quảng Ninh ngày nay. Sở Quản lý phân phối điện Quảng Ninh có 3 chi nhánh, 2 trạm biến áp 110kV, 1 phân xưởng, 3 đội sản xuất và 11 phòng ban nghiệp vụ với số lượng CBCNLĐ trên 400 người.
Có thể nói, giai đoạn này được coi là khó khăn, gian khổ nhất đối với ngành Điện Quảng Ninh, bởi hầu hết lưới điện được xây dựng từ thời Pháp thuộc, lại cộng thêm việc đế quốc Mỹ leo thang, đánh phá miền Bắc ác liệt đã phá hủy đi nhiều nhà cửa, công trình phúc lợi. Trong đó, lưới điện trên địa bàn Quảng Ninh là một trong những trọng tâm bắn phá của bom đạn Mỹ.
Nhưng với khẩu hiệu “Trái tim người thợ điện còn đập, dòng điện không thể tắt”, tập thể CBCNLĐ Sở Quản lý phân phối điện Quảng Ninh đã quyết tâm bảo vệ lưới điện thông suốt, cung cấp điện kịp thời cho quân và nhân dân chiến đấu, sản xuất, học tập, cũng như phục vụ tưới tiêu và sản xuất công, nông nghiệp.
Sau năm 1975, khi miền Nam đã hoàn toàn được giải phóng, non sông thống nhất một nhà, để thực hiện các nhiệm vụ chính trị của ngành và địa phương, ngành Điện Quảng Ninh đã tập trung củng cố công tác tổ chức, bộ máy, nâng cao năng lực cán bộ quản lý, trình độ chuyên môn cho CBCNLĐ, nhất là công nhân kỹ thuật để quản lý, vận hành lưới điện, nhằm phục vụ tốt chiến lược phát triển KT-XH địa phương.
Mặt khác, ngành Điện Quảng Ninh cũng đã tranh thủ sự giúp đỡ của Công ty Điện lực I (nay là Tổng Công ty Điện lực miền Bắc) để xây dựng thêm hàng trăm trạm biến áp và nhiều tuyến đường dây, qua đó đã tạo tiền đề quan trọng cho việc phát triển lưới điện trên địa bàn tỉnh. Cũng chính bởi vậy, sản lượng điện thương phẩm của toàn tỉnh trong giai đoạn này năm sau luôn cao hơn năm trước (sản lượng điện thương phẩm năm 1973 là xấp xỉ 100 triệu kWh và đã tăng lên 150 triệu kWh vào năm 1985). Trong đó, điện phục vụ công nghiệp tăng trưởng không ngừng và điện dành cho ánh sáng sinh hoạt của người dân luôn được đảm bảo với chất lượng tốt, đồng thời tăng cường khả năng quốc phòng trên toàn tuyến biên giới Việt - Trung.

Các đại biểu thực hiện nghi lễ “Mừng phát điện thương mại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1”, ngày 16/1/2016.
Các đại biểu thực hiện nghi lễ “Mừng phát điện thương mại Nhà máy Nhiệt điện Mông Dương 1”, ngày 16/1/2016.
Trong giai đoạn 1986-2010, ngành Điện Quảng Ninh có nhiều đổi mới về cơ chế quản lý, trong đó trọng tâm là đẩy mạnh điện khí hóa nông thôn, đưa điện về vùng sâu, vùng xa, miền núi, hải đảo. Cuối năm 2009, ngành Điện Quảng Ninh hoàn thành việc tiếp nhận toàn bộ lưới điện hạ áp nông thôn trên địa bàn tỉnh với tổng số 101 xã thực hiện bàn giao, với 427 trạm biến áp, 71,326km đường trung thế; đường dây hạ thế tiếp nhận 1.579,13km và 107.737 công tơ, nâng tổng số km đường dây trung thế thuộc quản lý của ngành Điện lên 2.720km và trên 15.190km đường dây hạ thế, 1.939 trạm biến áp. Nhờ vậy, đến hết năm 2010, lưới điện quốc gia phủ kín toàn tỉnh, các hộ ở các thôn, bản, vùng sâu xa nhất của tỉnh Quảng Ninh đều được sử dụng nguồn điện lưới quốc gia.
Ngày 16/10/2013, đánh dấu sự phát triển, trưởng thành mạnh mẽ của ngành Điện Quảng Ninh khi được tỉnh quan tâm đầu tư, khánh thành, đóng điện hệ thống cấp điện lưới quốc gia cho huyện đảo Cô Tô và các xã đảo của huyện Vân Đồn. Tiếp nối thành công, tỉnh Quảng Ninh và ngành Điện tiếp tục đầu tư, hoàn thiện hệ thống cấp điện và chính thức đóng điện cho xã đảo Cái Chiên (ngày 28/4/2016) và đảo Trần ngày (2/9/2020).
Việc hoàn thành dự án cấp điện lưới quốc gia ra đảo Trần đã đánh dấu mốc lịch sử quan trọng, tỉnh Quảng Ninh đã hoàn thành tiêu chí cấp điện lưới 100% đến các hộ dân trên đất liền và hải đảo - đảo xa bờ cuối cùng có dân, có điện của tỉnh; phù hợp với chủ trương của Đảng và Chính phủ về ưu tiên đầu tư phát triển cho những vùng biên giới hải đảo, góp phần đảm bảo QP-AN khu vực Đông Bắc Bộ của Tổ quốc.

Thi công cáp ngầm xuyên biển đưa điện lưới ra đảo Trần (Cô Tô).
Thi công cáp ngầm xuyên biển đưa điện lưới ra đảo Trần (Cô Tô).
Ông Nguyễn Thanh Sửu, nguyên Bí thư Huyện ủy Cô Tô, cho biết: Việc đưa điện lưới quốc gia ra Cô Tô, Vân Đồn, Hải Hà, Móng Cái, không chỉ có ý nghĩa về mặt KT-XH, mà còn có ý nghĩa rất lớn để bảo đảm phát triển nhanh, bền vững vùng biển đảo gắn với bảo đảm vững chắc QP-AN, đặc biệt là củng cố thế trận lòng dân, thế trận an ninh nhân dân cũng như việc xóa chênh lệch vùng miền và từng bước thực hiện mục tiêu thu hẹp khoảng cách giàu nghèo.
Trước những mục tiêu phát triển bền vững của tỉnh ngày nay, ngành Điện Quảng Ninh đã tập trung rà soát lại các quy hoạch phát triển công nghiệp và những khu vực có nhiều tiềm năng để có kế hoạch, phương án phát triển lưới điện đồng bộ theo đúng phương châm “điện đi trước một bước”. Mặt khác, ngành Điện cũng chủ động nâng cấp lưới điện hiện có nhằm hạn chế sự cố, giảm tổn thất điện năng. Trong đó, quyết liệt xử lý với các hành vi trộm cắp điện nhằm cung cấp điện an toàn, liên tục và ổn định, phục vụ các nhiệm vụ chính trị, văn hóa, phát triển KT-XH của địa phương và hoàn thành toàn diện các chỉ tiêu sản xuất kinh doanh.

Công nhân kỹ thuật Công ty Điện lực Quảng Ninh sửa chữa, bảo dưỡng vận hành lưới điện, phục vụ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Công nhân kỹ thuật Công ty Điện lực Quảng Ninh sửa chữa, bảo dưỡng vận hành lưới điện, phục vụ nhu cầu sử dụng điện của khách hàng.
Ông Nguyễn Thanh Tĩnh, Giám đốc Công ty Điện lực Quảng Ninh, cho biết: Đơn vị đang quản lý, khai thác, vận hành hiệu quả 11 điện lực trực thuộc và 1 đội quản lý vận hành lưới điện 110kV, đang quản lý vận hành 19 trạm biến áp 110kV, với tổng công suất đạt 1.578MVA; 865,63km đường dây 110kV; 3.265,2km đường dây trung thế; 10.404km đường dây hạ thế và 2.996 trạm biến áp phân phối có công suất 1.054MVA, đảm bảo cung cấp đầy đủ điện năng phục vụ khách hàng. Đặc biệt, đơn vị đã ứng dụng KHCN, vận hành không người trực đối với các trạm biến áp 110kV; phát triển đồng bộ các xuất tuyến trung áp; ứng dụng đa chia - đa nối lưới điện; bổ sung các thiết bị bảo vệ, phân đoạn, tự động hóa mạch vòng trung áp, giám sát điều khiển xa các điểm recloser/LBS; thi công sửa chữa, đấu nối công trình bằng phương pháp hotline đến cấp điện áp 22kV không làm mất điện phụ tải.
Chính bởi tập trung đầu tư, phát triển mạnh mẽ lưới điện nên những năm qua, trên địa bàn tỉnh đã cơ bản khắc phục được tình trạng quá tải. Ngoài ra, tỷ lệ tổn thất điện năng đã giảm mạnh và giảm từ 7,59% (năm 2010) xuống chỉ còn 2,59% (năm 2022); tổng sản lượng điện thương phẩm của ngành Điện Quảng Ninh tăng từ 1,7 tỷ kWh (năm 2010) lên mức 5,4 tỷ kWh (năm 2022); doanh thu tiền điện năm 2022 đạt trên 10.000 tỷ đồng, tăng 5,5 lần so với năm 2010.

Trạm biến áp Amata 1 KCN Sông Khoai. Ảnh: Mạnh Trường
Trạm biến áp Amata 1 KCN Sông Khoai. Ảnh: Mạnh Trường
Hiện nay, ngành Điện Quảng Ninh và Sở Công Thương đang bám sát vào Quy hoạch Điện 8 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 500/QĐ-TTg ngày 15/5/2023 và Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11/2/2023 để triển khai đầu tư, phát triển hệ thống cấp và truyền tải điện. Trong đó sẽ duy trì ổn định và có lộ trình ngừng hoạt động đối với 7 nhà máy nhiệt điện (Nhiệt điện Mạo Khê, Nhiệt điện Uông Bí, Nhiệt điện Quảng Ninh, Nhiệt điện Thăng Long, Nhiệt điện Cẩm Phả, Nhiệt điện Mông Dương 1, Nhiệt điện Mông Dương 2, Nhiệt điện Đồng Phát Hải Hà) để chuyển dịch sang nguồn năng lượng xanh, cụ thể là phát triển điện gió tại Cô Tô, Hải Hà, Hạ Long, Vân Đồn, Móng Cái, Bình Liêu... và nguồn điện năng lượng mặt trời.
Đồng thời với đó, sẽ khảo sát, đầu tư xây dựng mới các trạm biến áp nhằm đảm bảo cung cấp điện ổn định, lâu dài cho các vùng động lực, trọng điểm về phát triển công nghiệp, dịch vụ trên địa bàn tỉnh, nhất là tại các vùng đô thị, KCN, CCN của tỉnh để duy trì hoạt động sản xuất của các nhà máy, xí nghiệp, tạo ra doanh thu, đóng góp nguồn thu cho NSNN và giải quyết công ăn việc làm cho lao động tại các nhà máy này.
Cụ thể, sẽ khảo sát đầu tư xây dựng mới trạm biến áp 500kV Quảng Ninh với quy mô công suất 1.200MVA; xây dựng mới trạm biến áp 500kV Hải Hà với quy mô công suất 1x900MVA; nâng công suất trạm biến áp 500kV Quảng Ninh từ 1.200MW lên thành 1.800MVA; xây dựng mới trạm biến áp Quảng Ninh 2 với quy mô công suất 1x900MVA; xây dựng mới tuyến đường dây 500kV Quảng Ninh 2 - Rẽ Quảng Ninh Phố Nối (4 mạch, dài 6km); nâng công suất trạm 220kV Hải Hà; nâng công suất trạm 220kV Cẩm Phả; nâng công suất trạm Quảng Ninh 500kV nối cấp; nâng công suất trạm 220kV Hoành Bồ, 220kV Nhiệt điện Uông Bí; xây mới trạm 220kV Yên Hưng công suất 3x250MVA-220/110kV; xây dựng mới trạm 220kV Khe Thần công suất 2x63MVA-220/110kV; xây dựng mới trạm 220kV Cộng Hòa công suất 2x250MVA-220/110kV...

Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và ngành Điện chứng kiến lễ đóng điện lưới quốc gia ra đảo Trần (huyện Cô Tô), ngày 2/9/2020.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh và ngành Điện chứng kiến lễ đóng điện lưới quốc gia ra đảo Trần (huyện Cô Tô), ngày 2/9/2020.
Bà Nguyễn Thị Hiền, Giám đốc Sở Công Thương, cho biết: Ngành điện Quảng Ninh phấn đấu đến năm 2025 sẽ đạt sản lượng điện thương phẩm bình quân tăng trên 10%/năm và ước đạt khoảng 6,170 tỷ kWh vào năm 2025; tỷ lệ tổn thất điện năng ≤ 2,87%; thời gian ngừng cấp điện trung bình của lưới điện (SAIDI) ≤ 342 phút. Mặt khác, sẽ tiếp tục hoàn thiện hạ tầng, hiện đại hóa lưới điện; phát triển lưới điện trung áp vừa đảm bảo khả năng dự phòng truyền tải, cũng như khả năng liên kết theo tiêu chí N-1; nâng cấp lưới trung áp có độ tin cậy và chất lượng điện năng cao tại các khu vực phụ tải quan trọng, phụ tải ưu tiên, các khu CCN, khu vực dân cư tập trung và khu du lịch; đẩy mạnh ứng dụng các thành tựu khoa học kỹ thuật, công nghệ mới, đặc biệt là chuyển đổi số trong quản lý lưới điện, kinh doanh, dịch vụ khách hàng nhằm nâng cao năng suất lao động, tạo bước đột phá trong công tác quản trị của ngành điện.
Ngày đăng: 14/9/2023
Thực hiện: HOÀI ANH
Trình bày: ĐỖ QUANG