Năm 1959, khi thăm các đảo khu vực Đông Bắc là Cát Bà và Tuần Châu, Bác Hồ căn dặn bà con ngư dân:“Biển bạc của ta do nhân dân ta làm chủ”. Thực hiện lời dạy của Người, Quảng Ninh đã tạo mọi điều kiện thuận lợi phát triển kinh tế biển, giúp ngư dân vươn ra biển lớn làm chủ, giữ gìn và khai thác bền vững nguồn lợi thủy sản, tài nguyên nước và thềm lục địa dưới biển để làm giàu từ biển.
Sau ngày Khu mỏ được giải phóng, những làng cá của Quảng Ninh từ sau chiến tranh đều tiêu điều, thuyền lưới cũ nát, người nghèo không có tiền sửa chữa. Ngư dân thiếu thuyền thiếu lưới để sản xuất. Trước tình hình này, ngày 28/2/1963 Ban thường vụ Khu ủy họp hội nghị bàn xây dựng đoàn tàu đánh cá. Ngành thủy sản đã đóng thuyền mới, chỉ đạo đẩy mạnh, tăng cường cải tiến nghề lộng, phát triển nghề khơi. Tỉnh chỉ đạo ngân hàng cho ngư dân vay vốn sản xuất nên đánh bắt cá tăng nhanh, đồng thời tỉnh thành lập đội đánh cá quốc doanh đánh bắt bằng phương tiện bán cơ giới với đội thuyền 60 tấn 180 mã lực. Năm 1967, ngành Thủy sản Quảng Ninh là lá cờ đầu toàn miền Bắc.
Trong giai đoạn từ năm 1971-1975, toàn ngành Thuỷ sản quán triệt tinh thần vừa sản xuất vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, sẵn sàng chi viện cho tiền tuyến lớn, góp phần giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Các đơn vị hải đội, hải đoàn nghề cá sẵn sàng tham gia chiến đấu, ứng phó kịp thời với mọi tình huống xảy ra. Ngư dân trong tỉnh đẩy mạnh sản xuất, làm ra của cải ngày càng nhiều với những mùa khoai sắn đầy sân, đầy bếp, cá nặng khoang đầy thuyền, cuộc sống mới đang đi lên.
Đặc biệt, sau ngày giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, ngành Thuỷ sản Quảng Ninh tiếp tục tổ chức lại sản xuất nghề cá và thực hiện cơ giới hóa nghề cá, bước vào giai đoạn phát triển toàn diện cả về khai thác, nuôi trồng, hậu cần dịch vụ, chế biến và xuất khẩu, đẩy mạnh nghiên cứu và ứng dụng tiến bộ KHCN vào sản xuất, bước đầu tham gia hội nhập với nghề cá thế giới.
Thời kỳ đổi mới, từ năm 1986 ngành Thuỷ sản tích cực triển khai sản xuất nhiều hàng thuỷ sản tươi sống, phục vụ khu mỏ và tăng cường xuất khẩu. Ngành thực hiện đẩy mạnh khoán và cải tiến ngư cụ cho thích hợp với ngư trường để tăng năng suất và sản lượng, tạo điều kiện thúc đẩy phát triển cả ba thành phần kinh tế; ngoài khai thác thủy sản nuôi trồng thủy sản ngày càng được trú trọng. Đến năm 1994 có 3.531 phương tiện đánh bắt, trong đó có 2.924 thuyền gắn máy, tổng công suất 3.200 mã lực. Toàn tỉnh có 5.346 hộ thủy sản chiếm 5,3% số hộ nông thôn. Giá trị SX thủy sản năm 1995: Đạt 110.799 triệu đồng;Tổng sản lượng thủy sản đạt 14.830 nghìn tấn.
Thế kỷ 21 được gọi là “Thế kỷ của biển và đại dương”. Khai thác biển đã trở thành vấn đề quan trọng mang tính chiến lược của hầu hết các quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Nằm trong địa bàn động lực của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, cùng với Hà Nội và Hải Phòng, tỉnh Quảng Ninh đóng vai trò là một trong những đầu tàu phát triển kinh tế xã hội và tạo ra sức lan tỏa trong quá trình phát triển của cả vùng. Cùng với đó, Quảng Ninh có cơ hội hợp tác sâu rộng kinh tế, khoa học kỹ thuật, trong đó có kinh tế thuỷ sản với Trung Quốc (nước có sản lượng thuỷ sản lớn nhất thế giới). Đồng thời, Quảng Ninh trở thành địa bàn có vị trí chiến lược về phát triển kinh tế kết hợp với an ninh Quốc phòng, đặc biệt đối với nghề Khai thác thủy sản xa bờ.
60 năm qua, với sự nỗ lực phấn đấu của các thế hệ, ngành Thủy sản đã có những bước phát triển nhanh và ổn định, trở thành ngành kinh tế - kỹ thuật quan trọng trong nền kinh tế của tỉnh. Sự hiện diện thường xuyên của bà con ngư dân và những đội tàu thuyền trực tiếp khai thác hải sản trên biển, là những cột mốc sống, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn an ninh, bảo vệ chủ quyền vùng biển, đảo của Tổ quốc.
Đặc biệt, ngành thủy sản Quảng Ninh trong những năm qua đã có bước phát triển nhanh và bền vững, khẳng định thế mạnh và tạo bước đột phá trên tất cả các lĩnh vực khai thác, nuôi trồng, chế biến và dịch vụ hậu cần thủy sản. Từ một nghề cá nhân dân thủ công, quy mô nhỏ lẻ, khai thác gần bờ, hoạt động theo kiểu tự cung tự cấp, nay đã chuyển dịch theo hướng sang Nghề cá hiện đại, hội nhập có trách nhiệm nâng cao giá trị gia tăng và phát triển theo hướng bền vững. Tốc độ tăng trưởng ngành thủy sản hàng năm đạt trung bình từ 6-8%/năm, năm 2018 giá trị ngành thủy sản chiếm 53.5% trong cả ngành nông, lâm ngư nghiệp. Đội tàu khai thác thủy sản xa bờ tăng 2,6 lần so với năm 2014, giảm trên 30% tàu cá công suất nhỏ gần bờ. Hệ thống kết cấu hạ tầng cho ngành thủy sản được quan tâm triển khai đầu tư. Đời sống ngư dân ngành càng cải thiện, nhiều người dân giàu lên từ nghề thủy sản.
Song song với đó, công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản được tỉnh quan tâm, chú trọng. Tỉnh đã ban hành các nghị quyết, chỉ thị, kế hoạch, quy định riêng của tỉnh nhằm bảo vệ nguồn lợi thủy sản và huy động các cấp, ngành, lực lượng chức năng quyết tâm ngăn chặn các hành vi xâm hại nguồn lợi thủy sản, đặc biệt các hình thức khai thác thủy sản bằng các hình thức tận thu, tận diệt nguồn lợi thủy sản.
Trong đó, hoạt động “Thả bổ sung hàng năm vào một số thủy vực tự nhiên có điều kiện một số loài thủy sản bản địa, quý hiếm, loài có giá trị kinh tế và nghiên cứu khoa học” có ý nghĩa to lớn cả về thực tiễn “tái tạo nguồn lợi” lẫn ý nghĩa giáo dục sâu sắc trong công tác bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản tự nhiên.
Năm 2018 quy mô thả giống thủy sản đã được triển khai đồng bộ trên toàn tỉnh; chủng loại giống thả đa dạng hơn (nhiều giống thả là các loài bản địa, loài có giá trị kinh tế cao, nguồn lợi đang bị suy giảm); địa điểm thả giống đồng thời cả khu vực ven biển và các thủy vực nội địa nước ngọt; số lượng giống thả gấp 4-5 lần so với những năm 2015 trở về trước.
Bám sát chiến lược phát triển biển Việt Nam đến năm 2020, tỉnh đã tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo phát triển kinh tế biển gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh, môi trường. Đặc biệt, tỉnh xác định các ngành kinh tế làm động lực để phát triển kinh tế biển đó là hàng hải, các loại hình dịch vụ sau cảng; khu công nghiệp ven biển; du lịch, dịch vụ; nuôi trồng, đánh bắt, chế biến thuỷ sản...
Với thế mạnh về kinh tế biển và nằm trong cụm cảng trọng điểm phía Bắc được Thủ tướng Chính phủ xác định là một trong 5 khu vực cảng biển lớn của cả nước, tỉnh đã rà soát, quy hoạch, có định hướng "dài hơi" cho hoàn thiện hệ thống cảng biển. Trong đó, trọng tâm là phát triển cảng biển Quảng Ninh là cảng tổng hợp quốc gia, đầu mối khu vực gồm 4 khu bến (Cái Lân, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hải Hà), 6 cảng (Hòn Gai, Vạn Gia, Mũi Chùa, Vân Đồn, Vạn Hoa, Cô Tô), các bến phao, khu neo đậu chuyển tải với hệ thống dịch vụ hậu cần cảng biển đồng bộ...
Tỉnh cũng không ngừng thu hút, kêu gọi và đầu tư cơ sở vật chất phục vụ du lịch. Đến nay, khu vực ven biển có gần 1.200 cơ sở lưu trú, cung ứng trên 19.000 buồng, phòng; nhiều công trình, cơ sở, hạ tầng kỹ thuật vùng ven biển đã và đang được hoàn thiện, tạo sức hút lớn với du khách trong và ngoài nước. Trong tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh có khoảng hơn 70% khách du lịch đã tham gia các tour tuyến biển, đảo.
Đặc biệt, Quảng Ninh hiện đang nỗ lực thực hiện mục tiêu đến năm 2020, ngành thủy sản có tổng sản lượng đạt 130.000 tấn (khai thác đạt 60.000 tấn, nuôi trồng đạt 70.000 tấn); kinh tế thủy sản phấn đấu chiếm trên 3% tổng sản phẩm (GRDP) của tỉnh, đóng góp từ 60-65% GRDP trong khối nông, lâm, ngư nghiệp; giá trị sản xuất thủy sản đạt khoảng 6.200 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu thủy sản đạt trên 100 triệu USD, tạo việc làm cho trên 62.000 lao động. Trong đó, tỉnh chú trọng hình thành các khu nuôi tập trung, nhân rộng các đối tượng nuôi mới có hiệu quả theo hướng thâm canh, bán thâm canh theo quy mô công nghiệp và chủ động áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật. Toàn tỉnh hiện có 18 cơ sở sản xuất giống và đã hình thành 2 trung tâm giống thủy sản tại Đầm Hà, Vân Đồn; 3 nhà máy chế biến xuất khẩu thủy sản với giá trị chế biến xuất khẩu ước đạt 20 triệu USD/năm; 14 cơ sở chế biến thuỷ sản tiêu thụ nội địa..; chủ động sản xuất được giống đối tượng nuôi chủ lực.
Cùng với đó, tỉnh và các địa phương đều tăng cường tuyên truyền, nâng cao ý thức khai thác và bảo vệ tài nguyên môi trường biển góp phần thực hiện thắng lợi chiến lược phát triển kinh tế thủy sản đến năm 2020, tầm nhìn 2030. Từ đó, giúp cải thiện và nâng cao hơn nữa đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội của bà con ngư dân. Đồng thời, góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên biển và các địa bàn ven biển, hải đảo ngày càng vững chắc; góp phần đưa nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, giàu từ biển.
Hà Chi
Trình bày: Tất Đạt
Ý kiến ()