Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 03:59 (GMT +7)
Hệ lụy của cách làm ăn thiếu tính khoa học và chuyên nghiệp
Thứ 4, 03/06/2015 | 04:55:08 [GMT +7] A A
Ngày 1-6, UBND tỉnh đã chính thức công bố dịch bệnh tôm nuôi trên địa bàn TP Móng Cái. Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn, từ ngày 11-5, cơ quan chuyên môn đã phát hiện ổ dịch đầu tiên tại 2 hộ nuôi tôm thẻ chân trắng ở phường Hải Hòa (Móng Cái), với diện tích ao nuôi bị nhiễm bệnh là 3,16ha.
Và chỉ trong một thời gian ngắn dịch đã lan rộng ra nhiều diện tích nuôi tôm khác. Tính đến ngày 31-5, trên địa bàn Móng Cái đã có hơn 225ha ao đầm nuôi tôm của 313 hộ nuôi thuộc 11 xã, phường bị nhiễm bệnh, trung bình mỗi ngày dịch bệnh lây lan hơn 10ha. Ở những ao đầm bị nhiễm bệnh tôm chết hàng loạt và chưa có dấu hiệu dừng lại. Kết quả xét nghiệm của cơ quan chức năng khẳng định tôm chết là do bị bệnh hoại tử gan tụy cấp tính và bệnh đốm trắng…
Mặc dù ngay sau khi phát hiện ổ dịch, ngành chức năng đã chỉ đạo công tác khoanh vùng dập dịch; tiêu hủy tôm bệnh và tuyên truyền, hướng dẫn các hộ nuôi chưa có tôm bị chết cách phòng tránh, nhưng tốc độ lây lan của dịch bệnh vẫn không kiểm soát được. Có thể nói, đây là vụ dịch bệnh trên tôm nuôi có diễn biến lây lan nhanh và trên phạm vi rộng nhất từ trước đến nay ở địa bàn TP Móng Cái. Thiệt hại về mặt kinh tế của vụ dịch này chắc chắn là không nhỏ, nhiều hộ nuôi sẽ rơi vào tình cảnh khốn khó, lao đao, nợ nần; không những thế nó còn ảnh hưởng đến các vụ nuôi tiếp theo…
Qua phân tích của các sở, ngành liên quan và đơn vị chuyên môn, nguyên nhân dẫn đến dịch bệnh một phần là do thời tiết nắng nóng kéo dài, độ mặn của nước tăng cao, nhưng phần khác còn do ý thức phòng chống của người nuôi chưa cao, vẫn còn tình trạng giấu dịch. Bên cạnh đó cũng còn do cách khắc phục của các hộ nuôi không khoa học, thiếu tính chuyên nghiệp khi xả nước chưa qua xử lý ra môi trường, làm cho dịch bệnh lây lan nhanh. Còn một nguyên nhân nữa là do việc quy hoạch vùng nuôi của địa phương có nhiều bất cập, công tác chỉ đạo dập dịch lúng túng…
Thực tế cho thấy, tình trạng tôm mắc dịch bệnh đã từng xảy ra ở một số địa phương trên địa bàn tỉnh trong những năm qua, trong đó có Móng Cái và loại bệnh trên tôm cũng không phải là mới xuất hiện. Dịch bệnh cũng đã để lại những hậu quả nặng nề cho người nuôi. Thế nhưng dường như ý thức phòng tránh của nhiều hộ nuôi vẫn chưa được nâng cao; không ít hộ vẫn chủ quan, lơ là; trong khi tiền vốn, công sức bỏ ra cho mỗi vụ nuôi không phải là nhỏ. Thực ra nguyên nhân dẫn đến tôm bị bệnh do thời tiết chỉ là một phần, mà nguyên nhân cơ bản vẫn là do người nuôi thiếu kiến thức khoa học, việc tổ chức thả nuôi chưa chuyên nghiệp. Minh chứng cụ thể là trong cùng thời điểm này, ở các địa phương, vùng nuôi khác trên địa bàn tỉnh tôm vẫn sống khỏe, không bị bệnh…
Từ vụ dịch này, không chỉ người nuôi tôm ở địa bàn TP Móng Cái, mà ở cả các địa phương khác trong tỉnh cần rút ra những bài học, kinh nghiệm sâu sắc trong tổ chức thả nuôi, phòng chống dịch bệnh, để quá trình nuôi được bền vững, mang lại hiệu quả cao, tránh những thiệt hại, rủi ro. Cùng với đó các ngành chức năng, cơ quan chuyên môn, chính quyền địa phương cũng phải đồng hành, chủ động sát cánh với người nuôi, từ công tác quy hoạch vùng nuôi thả, tư vấn mùa vụ, kỹ thuật chăm sóc đến cảnh báo, hướng dẫn cách thức phòng chống dịch bệnh v.v.. Đừng để đến khi dịch bệnh xảy ra mới “xắn tay” vào cuộc thì e rằng đã muộn…
Thanh Tùng[links()]
Liên kết website
Ý kiến ()