Với vai trò là một cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc, tỉnh Quảng Ninh đã đặt ra những mục tiêu bứt phá, từng bước hiện thực hóa khát vọng phát triển cùng đất nước trong kỷ nguyên mới. Để hiện thực hóa mục tiêu này, các chuyên gia, nhà khoa học trong nước ở nhiều lĩnh vực đã đưa ra tham vấn, ý kiến để Quảng Ninh xác định được định hướng chiến lược trong những ngành, lĩnh vực trọng tâm, địa bàn trọng điểm thực sự đúng và trúng. Từ đó, giúp khơi thông, kết nối nguồn lực toàn xã hội, giải phóng toàn bộ tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của tỉnh để tạo đột phá phát triển nhanh, bền vững.

Tiến sĩ Bùi Trường Giang, Phó Chủ tịch chuyên trách Tổng thư ký hội đồng lý luận Trung ương:

Nhìn ra tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như yếu điểm để khắc phục

Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 25/NQ-CP về mục tiêu tăng trưởng các ngành, lĩnh vực và địa phương bảo đảm mục tiêu tăng trưởng cả nước năm 2025 đạt 8% trở lên. Đây là lần đầu tiên Chính phủ ban hành một nghị quyết giao chỉ tiêu tăng trưởng riêng cho 12 ngành, lĩnh vực và 63 địa phương. Điều này cho thấy quyết tâm cao nhất của Chính phủ nhằm phấn đấu đạt tăng trưởng GDP 8% trở lên trong năm 2025, hướng đến tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn tiếp theo. Trong đó, Chính phủ giao Quảng Ninh tăng trưởng GRDP đạt 12%, song, Quảng Ninh phấn đấu tăng trưởng kinh tế GRDP năm 2025 đạt 14%, cao hơn mức Chính phủ giao. Điều này cho thấy sự quyết tâm của tỉnh trong việc đóng góp quan trọng trong quá trình tăng trưởng kinh tế chung của cả nước. Đây là tiền đề quan trọng để đưa nền kinh tế tăng trưởng và phát triển sâu rộng, bền vững, lâu dài. Để làm được điều này, tỉnh Quảng Ninh lĩnh hội, tiếp thu đầy đủ chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về cắt giảm đi đôi với cải cách sâu rộng quản trị nhà nước, trao quyền chủ động nhiều hơn cho các cấp chính quyền, loại bỏ cơ chế xin – cho và tư duy bao cấp, phát triển nhanh nhưng phải bền vững dựa trên khoa học công nghệ… Trên cơ sở đó, bản thân lãnh đạo tỉnh Quảng Ninh sẽ phải nhìn ra tiềm năng, thế mạnh của địa phương cũng như yếu điểm để khắc phục, tư duy sáng tạo, hành động quyết liệt.

PGS. TS Bùi Văn Huyền, Viện trưởng viện Kinh tế - xã hội và môi trường, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh:

Cần quyết liệt ngay từ đầu năm để tháo gỡ điểm nghẽn trong phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động

Trong những năm qua, Quảng Ninh đã khẳng định là địa phương tiên phong trong tư duy phát triển từ quy hoạch, hạ tầng, thể chế, môi trường đầu tư, năng lực cạnh tranh. Tuy nhiên, trong năm 2025 này, cũng giống như nhiều địa phương, Quảng Ninh sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức chủ quan và khách quan. Về chủ quan, Quảng Ninh hiện là địa phương có độ mở thương mại thấp với việc thông thương, giao lưu, trao đổi hàng hóa còn thấp, chưa phát huy được vai trò là điểm kết nối của vùng, thu hút đầu tư vào lĩnh vực chế biến chế tạo còn hạn chế; phát triển chưa đồng đều giữa kinh tế và xã hội, chênh lệch giữa các khu vực địa lý còn lớn, thu hút nhân lực chất lượng cao nhiều khó khăn. Năm 2025 là năm có ý nghĩa quan trọng đối với Quảng Ninh và đất nước. Đây là tiền đề không chỉ Quảng Ninh hoàn thành mục tiêu nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2020-2025, mà còn có ý nghĩa quyết định trong việc bước vào kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình. Do đó, Quảng Ninh cần có các giải pháp quyết liệt ngay từ đầu năm để tháo gỡ điểm nghẽn, nhất là phát triển nguồn nhân lực, nâng cao chất lượng lao động, kết nối đồng bộ vào các tuyến, hành lang phát triển, chuỗi giá trị, chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng hiện đại, thu hút nguồn lực xã hội.

GS.TS Lê Anh Tuấn, Chủ tịch Hội đồng Trường Đại học Bách Khoa:

Thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Quảng Ninh là một trong số ít địa phương đã có nhiều đổi mới, sáng tạo, tiên phong trong việc cải thiện môi trường đầu tư, hỗ trợ doanh nghiệp, nâng cao năng lực cạnh tranh. Trong đó, Quảng Ninh là một trong số ít địa phương khánh thành và đưa vào hoạt động Trung tâm Khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số vào 31/5/2024. Trung tâm có mục tiêu hỗ trợ cộng đồng, doanh nghiệp nói chung và doanh nghiệp khởi nghiệp nói riêng; tiếp nhận và phát triển các sáng kiến và các thử nghiệm thực tế, tổ chức các cuộc thi ý tưởng, sáng kiến phục vụ cộng đồng; nâng cao năng lực khoa học công nghệ cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, liên kết với các vườn ươm trong và ngoài tỉnh để thực hiện ươm tạo dự án khởi nghiệp. Quảng Ninh cần khẩn trương nghiên cứu cơ chế để sớm đưa trung tâm vào hoạt động để phát huy hiệu quả mô hình này. Đồng thời, kết nối với Trung tâm đổi mới sáng tạo quốc gia, đề xuất các chính sách đặc thù thu hút hàm lượng sáng tạo. Đây sẽ là một trong những giải pháp then chốt để cùng với các giải pháp khác như: Giải phóng mặt bằng, chuẩn bị sẵn sàng quỹ đất, đơn giản hóa thủ tục hành chính… để thu hút các dự án đầu tư mới, nhất là đón đầu xu hướng chuyển dịch đầu tư trong khu vực đang diễn ra rất mạnh mẽ hiện nay; thu hút các dự án đầu tư trong lĩnh vực năng lượng sạch, năng lượng tái tạo; tiếp tục gặt hái đạt được nhiều thành tựu trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trở thành mảnh đất vàng trong thu hút đầu tư với sự tham gia của nhiều tập đoàn lớn, uy tín, có thương hiệu trong và ngoài nước … 

Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên, thành viên Tổ tư vấn kinh tế của Thủ tướng Chính phủ, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương:

Định hướng kinh tế xanh, kinh tế di sản là xu thế tất yếu.

Hiện nay, kinh tế xanh, kinh tế di sản đang trở thành xu thế tất yếu, khách quan và là mục tiêu hướng tới của nhiều quốc gia, địa phương trên thế giới nhằm phát triển thịnh vượng về kinh tế, bền vững về môi trường và bảo đảm an toàn công bằng về xã hội.

Sự phát triển của Quảng Ninh trong hiện tại và tương lai, đang diễn ra trong bối cảnh quốc tế, khu vực có nhiều thay đổi mau lẹ, có nhiều yếu tố mang tính thời đại và nếu tận dụng được thì tỉnh sẽ tiếp tục bứt phá phát triển rất nhanh, bền vững. Để tận dụng được điều kiện đặc biệt này, tỉnh nên ưu tiên các trục: Phát triển xanh; Đô thị hiện đại – thông minh; Du lịch khác biệt – đẳng cấp; Mở cửa, hội nhập – cạnh tranh quốc tế tầm cao.

Trong đó, chính quyền cần kiến tạo cơ chế, chính sách tốt nhất, nguồn lực tốt nhất để doanh nghiệp và người dân thực hiện các dự án, mô hình kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn trong sản xuất, kinh doanh, dịch vụ. Từ đó đưa các dự án tiên phong, quy mô lớn đóng vai trò dẫn dắt như ngọn hải đăng góp phần hiện thực hoá chiến lược, kế hoạch hành động kinh tế tuần hoàn tăng trưởng xanh ở cấp địa phương. Có thể kể đến kế hoạch ưu tiên các nguồn năng lượng tái tạo như: thu hồi khí thải các-bon, xây dựng dự án điện gió, điện rác, xử lý rác thải tập trung quy mô liên tỉnh theo hướng tuần hoàn, khu công nghiệp sinh thái… Đồng thời, ứng dụng các hệ thống hỗ trợ ra quyết định và quản lý thông minh trong việc cấp phép, giám sát các dự án để đảm bảo tuân thủ quy định bảo vệ môi trường.

PGS.TS Phạm Trung Lương, Nguyên Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu du lịch:

Hướng đến các thị trường khách chất lượng cao để tăng nguồn thu cho du lịch.

Trong những năm qua, ngành Du lịch Quảng Ninh đã có sự chuyển mình mạnh mẽ với hạ tầng du lịch được đầu tư đồng bộ, bài bản, chuyên nghiệp, hướng đến chất lượng, đẳng cấp. Đặc biệt, lượng khách qua từng năm đều tăng cao, khẳng định vị thế trung tâm du lịch của miền Bắc và trong khu vực.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, doanh thu từ du lịch chưa bứt phá xứng tầm với tiềm năng và nguồn lực du lịch dồi dào của tỉnh. Đặc biệt, trong bối cảnh ngành Du lịch đang dần trở thành mũi nhọn kinh tế của Quảng Ninh, tôi nghĩ, ngay trong năm 2025, Quảng Ninh cần tập trung nghiên cứu sâu để đưa ra các chính sách kích cầu đột phá, thực sự là cú huých để đưa mức tăng trưởng ngành tăng lên vượt trội. Trong đó, cần tập trung vào việc khai thác, phát triển các thị trường khách chất lượng cao như các tỷ phú hay dòng khách du lịch MICE.

Để thu hút dòng khách đặc thù này, tỉnh Quảng Ninh cần tăng cường thu hút đầu tư của các doanh nghiệp, tập đoàn lớn để hình thành các khu tổ hợp vui chơi giải trí, các sản phẩm du lịch mới đẳng cấp, có sức hút lớn với khách du lịch. Bên cạnh chất lượng hạ tầng và dịch vụ, dòng khách này cũng đòi hỏi các yêu cầu về không gian riêng tư, hành trình riêng biệt, nên tỉnh Quảng Ninh cũng cần lưu ý vấn đề này. Hiện, một số bãi cát trên Vịnh Hạ Long hay tour tuyến thiết kế riêng trên Vịnh Bái Tử Long đang được một số dòng khách cao cấp trải nghiệm và có phản hồi tốt. Vì vậy, ngành du lịch Quảng Ninh cần tiếp tục phát huy tốt lợi thế này. Ngoài ra, một số hoạt động về trải nghiệm văn hóa bản địa cũng là một giải pháp kéo dài thời gian lưu trú, tăng khả năng chi trả của du khách.

Một điểm đáng lưu ý là trong những năm gần đây, Quảng Ninh đang là điểm đến của các sự kiện, hoạt động lớn trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, các sự kiện, lễ hội cần được chọn lọc để đầu tư bài bản cả về nội dung, quy mô, thời gian tổ chức và kết nối với các điểm đến khác để hình thành các tour du lịch hoàn chỉnh. Điều quan trọng là phải làm tốt công tác quảng bá; nắm bắt xu hướng và nhu cầu của du khách để xúc tiến phù hợp. Từ đó, không chỉ thu hút đông du khách mà còn là thông điệp quảng bá du lịch Quảng Ninh, xây dựng thương hiệu của du lịch Quảng Ninh nói riêng và Việt Nam nói chung trong mắt nhân dân và bạn bè quốc tế.

Ông Trần Phong Lãm, Giám đốc Khối Chính phủ của FPT IS:

Chuyển đổi số là cơ hội để vươn lên mạnh mẽ và bứt phá. 

Trong kỷ nguyên mới của dân tộc, cách mạng công nghệ 4.0 và chuyển đổi số chính là cơ hội mới, hiện thực hóa khát vọng mạnh mẽ để sánh vai cường quốc năm châu.

Tại Quảng Ninh, chuyển đổi số là cơ hội để vươn lên mạnh mẽ và bứt phá. Đây cũng là xu thế tất yếu mà Quảng Ninh không thể đứng ngoài; là nền tảng, động lực tạo đột phá cho sự phát triển, tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế, giữ vững và phát huy vai trò của một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc; tạo ra những giá trị mới cho đời sống xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân.

Đặc biệt, để chuyển đổi số trở thành xung lực thúc đẩy việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 14% trong năm 2025, tỉnh cần tập trung hoàn thiện thể chế để kêu gọi nguồn lực đầu tư khoa học công nghệ, từ đó hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Quan trọng nhất vẫn là phải xây dựng được các cơ chế, chính sách thực sự đột phá, thực sự đổi mới.

Bên cạnh đó, để bắt kịp xu hướng này, cán bộ trên địa bàn tỉnh cần có kỹ năng số, tư duy số, lãnh đạo, quản lý số. Lãnh đạo phải trực tiếp chỉ đạo, trực tiếp làm chuyển đổi số, thành thạo sử dụng công nghệ số. Đặc biệt, cần chuyển đổi số trong các hoạt động của Đảng. Cấp ủy, lãnh đạo các cấp phải có tỉ lệ cán bộ có chuyên môn, kinh nghiệm về chuyển đổi số. Kỹ năng số cho mọi người dân, nhân lực số cho ngành công nghiệp số và nhân tài số để làm chủ chuyển đổi số. Thu hút nhân tài số, đây được coi là nguồn lực chiến lược trong thời đại chuyển đổi số.

Trong kỷ nguyên số, tỉnh cũng cần chú trọng đẩy mạnh chuyển đổi số gắn với bảo đảm an ninh, an toàn. Tập trung xây dựng xã hội số, số hóa toàn diện hoạt động quản lý nhà nước, ứng dụng khoa học, công nghệ trong hoạt động các cơ quan trong hệ thống chính trị; cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ cao. Kết nối đồng bộ các cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đất đai, doanh nghiệp, tạo nền tảng tinh gọn bộ máy, cải cách thủ tục hành chính thực chất. Phát triển kinh tế số, xây dựng công dân số; khuyến khích phong trào “bình dân học vụ số” để phổ cập xã hội số trong toàn dân. Đồng thời, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp; tăng cường hợp tác quốc tế…

Chỉ đạo tổ chức sản xuất: Lan Hương
Thực hiện: Hoàng Quỳnh - Cao Quỳnh
Trình bày: Hùng Sơn