Trong bối cảnh ngân sách hạn hẹp, với quan điểm đẩy mạnh huy động xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực để phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, du lịch, dịch vụ, từ đầu năm 2013 trong khi khung pháp lý về đầu tư theo hình thức đối tác công - tư (PPP) chưa đầy đủ và đồng bộ, tỉnh Quảng Ninh đã mạnh dạn nghiên cứu một số mô hình đầu tư, nhằm kết hợp và huy động nguồn lực từ khối tư nhân. Sự sáng tạo và đột phá này đã đưa Quảng Ninh trở thành nơi hội tụ nguồn lực phát triển, trở thành hình mẫu trong việc khai thác và phát huy tối đa năng lực, kinh nghiệm, trách nhiệm của doanh nghiệp tư nhân.

Nhằm tái cơ cấu đầu tư, thực hiện có hiệu quả 3 đột phá chiến lược, đổi mới mô hình tăng trưởng, 3 phương thức được Quảng Ninh triển khai theo hình thức đối tác công - tư là: “Lãnh đạo công - Quản trị tư”, “Đầu tư công - Quản lý tư”, “Đầu tư tư - Sử dụng công”. Trên cơ sở thống nhất chung trên toàn tỉnh, ngày 5/12/2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy lãnh đạo thí điểm áp dụng hình thức đầu tư công - tư với các mô hình "đầu tư công - quản lý tư" và "đầu tư tư - sử dụng công". Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh cũng ban hành Kết luận số 58-KL/TU (ngày 31/7/2014) về triển khai thí điểm đầu tư và quản lý theo hình thức đối tác công - tư trên địa bàn tỉnh.

Sân bay Vân Đồn được đầu tư theo hình thức PPP đầu tiên ở Việt Nam.

Sân bay Vân Đồn được đầu tư theo hình thức PPP đầu tiên ở Việt Nam.

UBND tỉnh đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện thí điểm các mô hình đầu tư theo hình thức đối tác công - tư từ tỉnh đến các địa phương; ban hành danh mục các công trình áp dụng thí điểm triển khai mô hình đối tác công - tư và giao nhiệm vụ đầu mối thực hiện cho các sở, ban, ngành, địa phương. Tỉnh mạnh dạn lựa chọn hình thức đầu tư, quản trị phù hợp với đặc điểm, tính chất của từng dự án với thực tiễn của địa phương.

Tính từ năm 2014 đến năm 2022, tổng nguồn vốn đầu tư của các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công - tư trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh đạt trên 46.200 tỷ đồng với tổng số 29 dự án. Cụ thể: 7 dự án thuộc lĩnh vực giao thông, 6 dự án lĩnh vực dân dụng, 11 dự án văn hoá giáo dục, 3 dự án lĩnh vực hạ tầng kỹ thuật, 2 dự án lĩnh vực khác. Trong đó, vốn Nhà nước tham gia vào dự án công - tư chỉ gần 5.200 tỷ đồng (chủ yếu tập trung cho công tác GPMB, chiếm 11%).

Hành khách đi Cần Thơ làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Hành khách đi Cần Thơ làm thủ tục tại Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Cơ bản các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công - tư trên địa bàn Quảng Ninh đã hoàn thành, đưa vào sử dụng và bước đầu đã phát huy hiệu quả đầu tư. Nổi bật là dự án Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn do Tập đoàn Sun Group đầu tư. Đây là sân bay tư nhân đầu tiên trong cả nước, đánh dấu sự đổi mới, sáng tạo của tỉnh; là dự án sân bay có thời gian thi công nhanh nhất, đột phá nhất, thí điểm mô hình tư nhân đầu tư sân bay, mở đầu cho giai đoạn phát triển sân bay mới trong cả nước.

Từ khi đi vào hoạt động đến nay, Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đã đón 5.150 chuyến bay cất, hạ cánh. Trong đó có 549 chuyến bay quốc tế, 4.601 chuyến bay trong nước. Số hành khách đến và đi qua Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn đạt trên 617.000 lượt khách, tổng lượng hàng hóa thông qua cảng đạt gần 2.500 tấn.

Ông Kim Heon Joong, Giám đốc điều hành của Sun Travel (Hàn Quốc), chủ đầu tư Dự án thành lập phố K-Street tại TP Hạ Long, cho biết: Một trong những lý do tôi lựa chọn đầu tư tại Quảng Ninh là địa phương có hạ tầng giao thông, du lịch thực sự tốt. Nhất là với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, trong tương lai tôi tin chắc đây là lợi thế lớn để hút khách quốc tế đến với Quảng Ninh.

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: Đỗ Phương

Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái. Ảnh: Đỗ Phương

Khi doanh nghiệp tư nhân bỏ tiền ra sẽ phải hướng tới lợi ích cả trong ngắn hạn và dài hạn, thế nên từ đầu tư Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn, Tập đoàn Sun Group đã quyết định đầu tư một số dự án cao tốc trên địa bàn tỉnh. Trong đó, dự án cao tốc Tiên Yên - Móng Cái hoàn thành đưa vào sử dụng từ ngày 1/9/2022, là "mảnh ghép" cuối cùng của tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái dài 176km, đưa Quảng Ninh trở thành tỉnh có tuyến cao tốc dài nhất cả nước hiện nay.

Hiện tuyến cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái là tuyến giao thông huyết mạch chạy dọc tỉnh kết nối 3 khu kinh tế trọng điểm: Quảng Yên, Vân Đồn, Móng Cái và hơn 20 KCN, liên thông với Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn và các cảng biển của Quảng Ninh. Tuyến đường rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Móng Cái đến Thủ đô Hà Nội còn khoảng 3 giờ (trước đây thời gian di chuyển trên chặng này theo tuyến QL18 khoảng 8 giờ 30 phút).

Tuyến cao tốc này cùng với cao tốc Hải Phòng - Hà Nội - Lào Cai hình thành tuyến cao tốc dài 600km kết nối các trung tâm kinh tế khu vực phía Bắc của Việt Nam gồm: Lào Cai, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng với Quảng Ninh, trực tiếp là Cửa khẩu quốc tế Móng Cái. Đây là tuyến cao tốc có ý nghĩa chiến lược, mở ra cửa ngõ giao thương của Việt Nam, Đông Á - Đông Nam Á, ASEAN - Trung Quốc, khu vực hợp tác “Hai hành lang một vành đai kinh tế” Việt - Trung; thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng, phát triển KT-XH, bảo đảm QP-AN giữa vùng núi, biên giới Đông - Tây Bắc với duyên hải và đồng bằng sông Hồng...

Đồng thời kết nối đồng bộ, hợp tác hóa lãnh thổ, liên thông giữa các vùng kinh tế trọng điểm, các cực tăng trưởng kinh tế, tam giác, tứ giác phát triển; nâng cao hiệu quả khai thác các hệ thống giao thông vận tải cảng biển, cảng hàng không và các tuyến cao tốc phía Bắc.

Trạm thu phí cầu Bạch Đằng. Ảnh: Đỗ Phương

Trạm thu phí cầu Bạch Đằng. Ảnh: Đỗ Phương

Hay như dự án cầu Bạch Đằng, sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng đã góp phần rút ngắn thời gian di chuyển từ TP Hạ Long đến Thủ đô Hà Nội chỉ còn 1 giờ 45 phút (trước đây thời gian di chuyển theo QL18 khoảng 3 giờ 45 phút), số km trên chặng này cũng rút gắn từ 160km xuống còn 110km. Việc đưa công trình vào sử dụng đã góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư và cải thiện điều kiện giao thông.

Dự án do tỉnh Quảng Ninh và liên doanh nhà đầu tư CIENCO 1 - Phúc Lộc - Cường Thịnh Thi - Cái Mép - Công Thành - Phương Thành - Trung Nam Group - Tập đoàn SE (Nhật Bản) phối hợp thực hiện. Đây cũng là dự án tiêu biểu cho sự thành công của Quảng Ninh trong việc kêu gọi vốn tư nhân kết hợp với nguồn vốn ngân sách trong GPMB.

Không chỉ thành công trong thu hút doanh nghiệp đầu tư hạ tầng giao thông, du lịch, Quảng Ninh cũng rất thành công trong kêu gọi doanh nghiệp đầu tư trong lĩnh vực dân dụng. Việc đầu tư xây dựng và đưa vào hoạt động trụ sở Liên cơ quan số 3, số 4 đã góp phần hoàn thiện diện mạo quy hoạch khu hành chính tỉnh, tạo không gian kiến trúc hiện đại, văn minh. Đồng thời, tạo điều kiện thuận lợi cho cá nhân, tập thể đến liên hệ làm việc, tiết kiệm được thời gian và chi phí đi lại giữa các sở, ngành, nhất là giảm gánh nặng cho ngân sách, giảm thất thoát trong quá trình đầu tư và tỉnh cũng không phải thành lập bộ máy để quản lý, bảo dưỡng, sửa chữa.

Trả lời phỏng vấn với báo chí về cách làm của Quảng Ninh trong huy động nguồn lực của kinh tế tư nhân, TS Lê Đình Nhân, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã nhận định: Quảng Ninh có bước phát triển mạnh mẽ nhờ đổi mới mô hình tăng trưởng, cải cách hành chính và thúc đẩy kinh tế tư nhân phát triển. Chính các nhà đầu tư chiến lược của tỉnh như Sun Group, Vingroup... với những dự án táo bạo, góp phần thay đổi diện mạo du lịch và hạ tầng Quảng Ninh một cách mạnh mẽ. Chúng tôi đánh giá rất cao sự sáng tạo và đột phá của Quảng Ninh khi đã mạnh dạn dùng vốn Nhà nước để cùng doanh nghiệp tư nhân tạo ra mức độ lan toả lớn, hài hòa lợi ích chung giữa Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và người dân. Xóa bỏ tư duy đầu tư dàn trải, manh mún bằng đầu tư có trọng tâm, trọng điểm, dứt điểm và hiệu quả.


Phối cảnh khu phố K-Street tại phố đi bộ Bãi Cháy.

Phối cảnh khu phố K-Street tại phố đi bộ Bãi Cháy.

Cầu Bạch Đằng - biểu tượng xây dựng cầu đường của ngành GTVT Việt Nam, là 1 trong số 6 cầu dây văng nhiều nhịp trên thế giới do chính người Việt thiết kế, đầu tư và tổ chức thi công. Công trình có 3 trụ cầu là 3 chữ "H", tượng trưng cho kết nối tam giác kinh tế phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long.

Cầu Bạch Đằng - biểu tượng xây dựng cầu đường của ngành GTVT Việt Nam, là 1 trong số 6 cầu dây văng nhiều nhịp trên thế giới do chính người Việt thiết kế, đầu tư và tổ chức thi công. Công trình có 3 trụ cầu là 3 chữ "H", tượng trưng cho kết nối tam giác kinh tế phía Bắc gồm Hà Nội - Hải Phòng - Hạ Long.

Ngày xuất bản: 18/9/2023
Thực hiện: Hoàng Nga
Trình bày: Vũ Đức