
Với tinh thần vượt khó, phát huy truyền thống "Kỷ luật và Đồng tâm" của công nhân Vùng mỏ, Quảng Ninh mạnh mẽ vươn lên, trở thành tỉnh tiêu biểu, đi đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực, nổi bật đã phát huy nội lực và huy động các nguồn lực đầu tư hạ tầng giao thông đồng bộ, kết nối các vùng, miền. Được sống và thụ hưởng những thành quả ấy là niềm vui, sự tự hào của nhân dân Quảng Ninh. Đi cùng những thành công vang dội ấy là bao cố gắng, tâm huyết của cả hệ thống chính trị, nhân dân và người lao động trong tỉnh.

Ở vào thời điểm năm 2010, Quảng Ninh có nhiều thuận lợi nhưng cũng đứng trước không ít khó khăn, thử thách. Tốc độ tăng trưởng kinh tế chưa vững chắc, sự chênh lệch giữa các vùng, miền lớn; tiềm năng thế mạnh chưa được phát huy hết hiệu quả. Từ bối cảnh đó, Đại hội XIII của Đảng bộ tỉnh xác định phương hướng, nhiệm vụ phát triển KT-XH giai đoạn 2010- 2015 và đến năm 2020 là: Đẩy mạnh toàn diện công cuộc đổi mới; tạo bước phát triển đột phá về hạ tầng giao thông, đô thị và phát triển nông thôn, thu hẹp khoảng cách giàu nghèo… Đồng thời, đặt yêu cầu xây dựng tuyến cao tốc kết nối Hà Nội - Quảng Ninh theo đúng tinh thần Nghị quyết 54-NQ/TW của Bộ Chính trị khóa IX năm 2005 về phát triển KT-XH và bảo đảm QP-AN, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020.
Hồi tưởng lại giai đoạn đó, nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thông chia sẻ: Anh em làm giao thông thời kỳ đó như ngồi trên đống lửa khi từ Hà Nội các tuyến đường cao tốc được đầu tư đến Lào Cai, rồi xuống Hải Dương, Hải Phòng. Mặc dù Nghị quyết 54 đã định hướng đầu tư cao tốc Nội Bài - Hạ Long, Hạ Long - Móng Cái đi qua huyện Vân Đồn, song vẫn chưa thấy có tín hiệu thực hiện. Ngày thăm công trường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tuyến cao tốc 6 làn xe hiện đại, đồng bộ nhất Việt Nam trước thời điểm khánh thành, chúng tôi không khỏi bồi hồi. Nhẩm tính, chỉ còn 25km nữa là người dân Quảng Ninh đi đến Thủ đô bằng con đường cao tốc này. Tuy nhiên, nguồn lực để triển khai là trở ngại lớn, nhất là trong bối cảnh nguồn ngân sách trung ương dành ưu tiên cho nhiều công trình giao thông chiến lược khác…

Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nhìn từ trên cao.
Cao tốc Hạ Long - Hải Phòng nhìn từ trên cao.
Đứng trước những khó khăn, với khát vọng đánh thức tiềm năng, lợi thế của một vùng đất lớn, khi đó chúng tôi đã tính toán 25km này nếu được đầu tư thì sau khi hoàn thành, đưa vào sử dụng sẽ giảm cự ly và rút ngắn thời gian từ Quảng Ninh đi Hà Nội từ 180km còn 130km, thời gian còn 1,5 giờ so với trước đây 3,5 giờ; từ Quảng Ninh đi cảng Hải Phòng, từ 75km xuống còn 25km. Quan trọng hơn cả, từ đây sẽ nâng cao năng lực cạnh tranh trong thu hút đầu tư, gỡ được điểm nghẽn lớn, tạo đà tăng trưởng mới của tỉnh.

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thông kiểm tra dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Đỗ Thông kiểm tra dự án đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng.
Cuộc họp Thường vụ Tỉnh ủy ngay sau chuyến thăm công trường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng khi ấy, ý tưởng 25km đường kết nối Quảng Ninh đã được đề xuất. Sự kế thừa và đổi mới tư duy trong phát triển không ngừng lớn mạnh. Nghĩ những việc chưa ai nghĩ, làm những việc chưa ai làm tất cả vì một Quảng Ninh giàu đẹp, tập thể Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã thống nhất, mạnh dạn, chủ động báo cáo Chính phủ để tự huy động nguồn lực đầu tư cao tốc và đã được chấp thuận. Năm 2015, Quảng Ninh bắt tay làm cao tốc Hạ Long - Hải Phòng kết nối với tuyến cao tốc Hải Phòng - Hà Nội dài 25,2km, khởi đầu cho những đột phá về phát triển hạ tầng giao thông sau này của Quảng Ninh và cũng là điển hình về đổi mới, hướng đi phát triển hạ tầng giao thông của ngành GT-VT.


Sau 5 năm đưa vào khai thác và vận hành, được ví như “cánh cửa” mở ra kết nối trục cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh với khu vực, cầu Bạch Đằng đã đi vào lịch sử của ngành GT-VT Việt Nam. Các kỹ sư cầu đường thường gọi đây là cây cầu đặc biệt, bởi cây cầu có nhiều yếu tố kỹ thuật phức tạp, từ độ cao trụ tháp thấp do ảnh hưởng của phễu bay Cảng hàng không quốc tế Cát Bi đến việc áp dụng công nghệ xe đúc cốt đỡ dưới, cầu dây văng nhiều nhịp thứ 6 thế giới và lần đầu tiên ở Việt Nam…
Nhớ lại hơn 3 năm bám trụ trên công trường thi công cầu Bạch Đằng với những cải tiến đột phá từ thiết kế, tổ chức thi công và thành quả viên mãn, ông Nguyễn Tiến Oánh, Trưởng Ban Điều hành dự án cầu Bạch Đằng, kể: Thi công cầu Bạch Đằng, anh em gặp khó khăn ngay từ những mũi khoan đầu tiên. Trụ tháp giữa ngã ba sông Bạch Đằng và sông Cấm, nước chảy xiết, luồng hàng hải đến các cảng Hải Phòng đông tàu, thuyền qua lại. Trong khi đường kính mỗi trụ cọc khoan nhồi là D2.000, khoan sâu xuống lòng đất đến 70m.

Hoạt động thi công cầu Bạch Đằng.
Hoạt động thi công cầu Bạch Đằng.
Với quyết tâm cao, lần lượt các giải pháp đã được đưa ra, nhưng xử lý được phần âm, lên trụ tháp và đúc hẫng dầm cầu khó khăn lại thêm bội phần. Cầu có kết cấu bê tông cốt thép nhiều nhịp, chiều cao tháp thấp bởi bị khống chế phễu bay của Cảng hàng không quốc tế Cát Bi. Vì thế, dẫn đến góc nghiêng của dây văng nhỏ (đạt 19 độ, khuyến cáo cầu dây văng lớn hơn 22 độ), lực tác dụng ngang vào xe đúc lớn, trọng lượng khối đúc lên đến 450 tấn/khối. Các khối đúc này là một trong những công nghệ mới lần đầu triển khai ở Việt Nam. Trong quá trình thi công, từ khâu thiết kế xe đúc, vận hành đảm bảo an toàn, chất lượng, kiểm soát độ vồng khi thi công tháp và dầm dây văng đòi hỏi kỹ thuật cao... những yếu tố kỹ thuật phức tạp này đã khiến các nhà thầu chịu áp lực lớn về chất lượng, thời gian.
Không để niềm tin với nhân dân bị ảnh hưởng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đã thống nhất đề nghị Bộ GT-VT giúp Quảng Ninh tháo gỡ khó khăn thông qua việc thành lập tổ cố vấn quy tụ các chuyên gia đầu ngành về cầu trên cả nước. Tỉnh cũng đã chấp nhận bổ sung gói thầu tư vấn công nghệ riêng cho cầu chính gồm các chuyên gia của nước ngoài, có mặt thường xuyên để kiểm tra, tư vấn, giám sát công trình. Chủ đầu tư và các nhà thầu vừa làm, vừa nghiên cứu, ứng dụng theo những đóng góp của các chuyên gia.

Từ đó, liên tục các giải pháp thi công được điều chỉnh, kinh nghiệm thi công ngày một hoàn thiện. Điển hình: Khi đúc hẫng đốt đúc dầm cầu đầu tiên kéo dài đến 24 ngày/đốt do phải di chuyển xe đúc cốt đỡ dưới, tính toán lực căn kéo cáp, độ vồng của dầm... khi đến các đốt tiếp theo, thời gian ngày một rút ngắn do cán bộ, công nhân đã có kinh nghiệm tổ chức thi công. Tại những đốt đúc cuối cùng thời gian chỉ bằng một nửa so với đốt đúc đầu tiên.
“Hơn 30 năm tham gia thi công cầu đường ở Việt Nam, song có lẽ đây sẽ là công trình ấn tượng mãi trong tôi. Riêng tôi, cảm thấy rất tự hào được là người chỉ huy công trình từ đầu đến khi đưa vào khai thác năm 2018” - ông Nguyễn Tiến Oánh, Trưởng Ban Điều hành dự án cầu Bạch Đằng, tâm sự.


Tháng 9/2022, Quảng Ninh khánh thành cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đoạn tuyến cuối cùng của chuỗi cao tốc dọc tỉnh dài 176km, chính thức hoàn thành cả 3 cửa ngõ giao thông kết nối với khu vực và thế giới sau 8 năm cố gắng. Nhưng ít ai biết, đây lại là dự án khó khăn bậc nhất trong chuỗi cao tốc Quảng Ninh đang sở hữu. Dự án thi công trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp nhất, chuỗi cung ứng đứt gãy, gần 3.000 cán bộ, công nhân buộc phải bám trụ công trường, xuyên Tết “vượt bão Covid”.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, động viên cán bộ thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính thăm, động viên cán bộ thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Anh Phạm Văn Thắng, Chỉ huy công trường thi công cầu Vân Tiên - cầu dài nhất tỉnh Quảng Ninh hiện nay, kể: Cao tốc Vân Đồn - Móng Cái khởi công từ năm 2019 trong tâm thế đầy tự hào, khi Quảng Ninh vừa khánh thành cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn, được Bộ GT-VT và Chính phủ đánh giá là kỳ tích, sự đột phá mới mẻ, là địa phương điển hình về xây dựng hạ tầng giao thông trong toàn quốc. Tuy nhiên, chỉ sau nửa năm, khi công tác chuẩn bị cho tổ chức thi công đang bắt đầu, thì dịch Covid-19 bùng phát mạnh mẽ và lan rộng toàn cầu. Hàng loạt giải pháp ngăn ngừa dịch bệnh được triển khai, trong đó có cả giãn cách xã hội…
Cầu Vân Tiên dài hơn 1,5 km, nối liền hai huyện Vân Đồn và Tiên Yên.
Cầu Vân Tiên dài hơn 1,5 km, nối liền hai huyện Vân Đồn và Tiên Yên.
Đối với công trường xây dựng, chuỗi cung ứng bị gián đoạn, việc huy động lao động, thiết bị và các chuyên gia kỹ thuật gặp khó khăn khi đi lại giữa các khu vực bị ngăn cách. Đặc biệt, giá nguyên vật liệu liên tục tăng. Đã có thời điểm, công trường thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái ở vào thế bế tắc khi phương án tài chính của nhà đầu tư gặp khó; các yếu tố kỹ thuật phức tạp, nhiều vị trí thi công không thể triển khai do thiếu chuyên gia kỹ thuật; tâm lý nhiều công nhân bất an do rất lâu chưa về thăm nhà, phấp phỏng với nhiều nỗi lo gia đình trong bối cảnh dịch bệnh bùng phát.
Trong giai đoạn phức tạp nhất, các đồng chí lãnh đạo cao nhất của tỉnh đã quan tâm, thường xuyên xuống công trường, trực tiếp chỉ đạo công tác phòng, chống bệnh, vận hành cao nhất cơ chế phòng, chống dịch với các kịch bản, quy trình phù hợp tình hình mới như ưu tiên nguồn vắc-xin phòng Covid-19 cho cán bộ, công nhân công trường; chỉ đạo địa phương chuẩn bị khu cách ly, yêu cầu nhà thầu chủ động ứng phó có hiệu quả với các tình huống nảy sinh theo chiến lược thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19… Từ đó, các công trường thi công cao tốc Vân Đồn - Móng Cái được chuyển sang trạng thái khép kín; khó khăn về giá thành nguyên vật liệu dần được giải quyết thông qua việc bổ sung nhà thầu có năng lực, thực hiện điều chuyển khối lượng, hạng mục giữa các gói thầu khác nhau…

Thi công cầu Vân Tiên.
Thi công cầu Vân Tiên.
Những giải của tỉnh Quảng Ninh nhanh chóng phát huy hiệu quả, công trường đã hoạt động liên thông, không ngắt quãng, "đứt gãy" sự phát triển. Riêng cầu Vân Tiên - cây cầu lớn nhất trong tổng số 35 cầu trên toàn tuyến cao tốc Vân Đồn - Móng Cái đã hoàn thành sớm nhất sau gần một năm thi công, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cũng hoàn thành sau gần 1.000 ngày triển khai.
“Đây cũng là quãng thời gian bám trụ công trường lâu nhất của hàng nghìn công nhân, thi công xuyên Tết trong bối cảnh dịch bệnh khiến cá nhân tôi luôn cảm thấy đầy tự hào vì đã đóng góp công cho đoạn tuyến cao tốc cuối cùng của Quảng Ninh, hoàn thiện trục cao tốc dọc tỉnh dài 176km” - anh Phạm Văn Thắng tâm sự.
Ngày đăng: 11/9/2023
Thực hiện: ĐỖ PHƯƠNG
Trình bày: ĐỖ QUANG