Tất cả chuyên mục

Ngày 9/4, tại TP Hạ Long, Viện Chiến lược và chính sách y tế phối hợp với tổ chức HealthBridge tổ chức hội thảo khoa học chuyên đề về thuế tiêu thụ đặc biệt đối với các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Tham dự hội thảo có đồng chí Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh; đại diện một số đoàn ĐBQH; lãnh đạo các viện, vụ thuộc Bộ Y tế; chuyên gia của Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam WHO và các chuyên gia kinh tế.
Hội thảo nhằm chia sẻ thông tin, cung cấp bằng chứng về một số vấn đề liên quan đến Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi đối với những sản phẩm có hại cho sức khỏe và khuyến nghị lựa chọn phương pháp áp thuế tiêu thụ đặc biệt tối ưu cho sức khỏe.
Tại hội thảo, nhiều ý kiến chỉ ra những hành vi nguy cơ chính làm gia tăng nhanh bệnh không lây nhiễm cùng số ca tử vong trên thế giới bao gồm: Hút thuốc lá, lạm dụng rượu bia, dinh dưỡng không hợp lý như dung nạp nhiều đồ uống có đường, ăn thừa muối và thiếu hoạt động thể chất… Tại Việt Nam, hiện có khoảng 15 triệu người hút thuốc lá, việc này đang gây ra gánh nặng bệnh tật dẫn tới tử vong sớm. Ước tính có hơn 100.000 ca tử vong mỗi năm do hút thuốc lá chủ động và do tiếp xúc với khói thuốc lá thụ động.
Các ý kiến tại hội thảo cho rằng, việc áp thuế tiêu thụ đặc biệt là giải pháp can thiệp có hiệu quả cao và chi phí thấp trong kiểm soát các yếu tố hành vi nguy cơ sử dụng các sản phẩm có hại cho sức khỏe.
Theo nghiên cứu của WHO, việc áp thuế là để tăng giá bán lẻ nhằm giảm mức tiêu thụ của người dân. Đặc biệt hiện nay tại Việt Nam, giá thuốc lá ở mức rẻ nhất trên thế giới, nếu không tăng thuế thuốc lá, Việt Nam sẽ khó đạt mục tiêu quốc gia và mục tiêu phát triển bền vững về giảm sử dụng thuốc lá.
Đại diện Viện Chiến lược và chính sách y tế, Bộ Y tế cho biết, để đạt được mục tiêu giảm tỷ lệ hút thuốc lá như đã đặt ra trong Chiến lược Quốc gia về Phòng chống tác hại thuốc lá đến năm 2030 và đạt được tỷ trọng thuế theo khuyến cáo của WHO, mức thuế tuyệt đối cần tăng khởi điểm 5.000 đồng/bao và đạt 15.000 đồng/bao 20 điếu vào năm 2030 bên cạnh thuế tỷ lệ 75% như khuyến cáo của WHO. Phương án này sẽ giúp đạt tỷ trọng thuế 65% giá bán lẻ, gần đạt được mức khuyến cáo của WHO và giúp giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá ở nam giới về 36% vào năm 2030.
Các đại biểu Quốc hội cũng nêu ý kiến và tiếp thu đầy đủ các ý kiến tại hội thảo, tổng hợp để báo cáo tại kỳ họp quốc hội sắp tới.
Ý kiến ()