“Quảng Ninh hội tụ và lan tỏa” - hội tụ trí tuệ và lan tỏa lợi ích đã, đang và sẽ tiếp tục được người Quảng Ninh tôn vinh như một “báu vật” để thu hút mọi nguồn lực vào vùng đất địa đầu Đông Bắc, để Quảng Ninh mãi mãi là vùng đất có một không hai trên thế giới về cảnh quan tự nhiên, có kinh tế - xã hội phát triển vượt trội và đẳng cấp!

Bài 1: “Ngọc càng mài càng sáng”

Cảng quốc tế Ao Tiên (Vân Đồn)

Cảng quốc tế Ao Tiên (Vân Đồn)

Ngày 6/4/2022, trong chuyến thăm và làm việc tại tỉnh Quảng Ninh, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu:

Tôi đã có một số lần về thăm và làm việc với Quảng Ninh; lần nào cũng để lại trong tôi những cảm xúc và ấn tượng rất sâu sắc, xúc động, tốt đẹp. Từ xa xưa Quảng Ninh đã nổi tiếng là một vùng "địa linh, nhân kiệt", bởi có Vịnh Hạ Long - một kỳ quan thiên nhiên thế giới; là cửa ngõ, phên giậu của Tổ quốc ở phía Đông Bắc; có hơn 500 di tích lịch sử và danh thắng đặc sắc gắn liền với sự nghiệp dựng nước và giữ nước hào hùng của Dân tộc; có Yên Tử - nơi khởi nguồn của thiền phái Trúc Lâm.

Trên sông Bạch Đằng vẫn còn ghi đậm dấu ấn những chiến công hiển hách của ông cha ta chống quân xâm lược vào các thế kỷ thứ X và thế kỷ XIII, viết nên bản hùng ca bất hủ, khẳng định nền độc lập dân tộc và vị thế quốc gia. Trúc Lâm - Yên Tử nâng tầm giá trị nhân văn, tính độc đáo của bản sắc văn hóa Việt Nam gắn liền với vị vua - nhà chính trị lỗi lạc, nhà văn hóa lớn Trần Nhân Tông đã 2 lần lãnh đạo quân dân Đại Việt đánh thắng quân Nguyên - Mông, đội quân hùng mạnh nhất thời bấy giờ, để lại tiếng thơm muôn thuở của một bậc minh quân thống nhất giữa Đời và Đạo, không màng danh lợi, vinh hoa phú quý, hết lòng vì nước, vì dân.

Quảng Ninh cũng là nơi có thương cảng Vân Đồn, một trong những thương cảng sầm uất nhất Việt Nam trong nhiều thế kỷ, đã khẳng định Việt Nam từ sớm là một quốc gia biển, vươn ra biển, phát triển kinh tế biển.

Trong giai đoạn cách mạng hiện đại ngày nay, Quảng Ninh còn là cái nôi của giai cấp công nhân và phong trào công nhân Việt Nam, là quê hương của phong trào "vô sản hóa", nơi đào luyện nên nhiều nhà cách mạng tiền bối tiêu biểu, góp phần thúc đẩy phong trào cách mạng trên cả nước, làm nên khí phách, bản lĩnh, tinh thần "Kỷ luật và Đồng tâm" của Đảng, của giai cấp công nhân và của cả dân tộc Việt Nam.

Trên dải đất hình chữ S, hiếm có địa bàn nào có được vị trí địa kinh tế, địa chính trị quan trọng với lợi thế nổi trội như tỉnh Quảng Ninh. Là địa phương duy nhất của cả nước có cả đường biên giới trên bộ và trên biển với Trung Quốc, trong đó có 3 cửa khẩu  – là nền tảng để thúc đẩy phát triển thương mại biên mậu, trao đổi hàng hóa và dịch vụ với quốc gia đông dân nhất thế giới. Quảng Ninh cũng là nơi giao thoa, kết nối giữa vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây cũng là địa phương có diện tích lớn nhất của vùng ĐBSH, nhiều hòn đảo nhất cả nước (trong đó có cả đảo đất, đảo đá), có bờ biển dài nhất của Vùng ĐSH. Điều đó đã góp phần tạo Quảng Ninh trở thành một trong ba cực phát triển quan trọng nhất của toàn vùng ĐBSH.

Trong vùng Đồng bằng sông Hồng, Quảng Ninh là địa phương có diện tích lớn nhất với rừng và đồi núi chiếm 80%; có vùng biển và hải đảo rộng 6.100 km2 với số  hòn đảo đa đạng và lớn nhất cả nước với phong cảnh thiên nhiên tuyệt đẹp; có bờ biển dài 250 km với vùng biển rộng lớn cung cấp nguồn tài nguyên biển phong phú, đa dạng, độc đáo với  nguồn lợi thủy sản dồi dào, có vịnh Hạ Long đã 2 lần vinh danh là di sản thiên nhiên thế giới, có cảng quốc tế nước sâu (Hòn Gai – Cái Lân), có trữ lượng điện gió ngoài khơi thuộc loại lớn nhất cả nước. Quảng Ninh là nơi có nhiều nguồn tài nguyên dưới lòng đất đa dạng, trữ lượng lớn, có thể khai thác thương mại, nhất là than, khoáng sản sản xuất vật liệu xây dựng... đã và đang là nguồn lực quan trọng duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế Quảng Ninh.

Như viên ngọc được mài rũa để càng toả sáng, từ nhiều năm trước, Quảng Ninh đã tự nhận diện ra những mâu thuẫn, thách thức và từng bước thực hiện hoá giải để tự tin bước khi bước vào kỷ nguyên phát triển mới, hoà cùng dòng chảy của thế giới. Tỉnh lựa chọn khâu đi trước mở đường là xây dựng quy hoạch tổng thể, có chất lượng, có định hướng chiến lược, tầm nhìn khoa học với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới; quản lý, công khai, giám sát thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo tính ổn định, tạo tiền đề hấp dẫn và đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư. Bám sát 7 quy hoạch chiến lược, kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Với tâm là Thành phố Hạ Long được mở rộng địa giới, không gian phát triển sau khi nhập huyện Hoành Bồ tạo ra dư địa mới và nguồn lực mới với tầm nhìn dài hạn, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội các xã còn nhiều khó khăn; hai mũi đột phá là Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái; Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tỉnh và tuyến phía Tây.

Bám sát Cương lĩnh phát triển đất nước, ưu tiên triển khai đột phá chiến lược về đầu tư hệ thống kết cấu hạ tầng, đặc biệt là phát triển hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại, đảm bảo liên thông tổng thể, thúc đẩy kết nối vùng, liên vùng bằng việc huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Với quan điểm “đường đi trước một bước”, “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, tỉnh đã tập trung tiết kiệm nguồn chi, chủ động ứng vốn, đề xuất thực hiện chủ đầu tư hệ thống công trình hạ tầng giao thông vượt trội, đẳng cấp. Đến nay Quảng Ninh có sân bay quốc tế Vân Đồn thuộc loại hiện đại nhất trong cả nước, có Cảng tàu khách quốc tế Hòn Gai, có đường cao tốc Vân Đồn–Móng Cái kết nối Quảng Ninh với Hải Phòng, Hà Nội; kết nối Hạ Long, Vân Đồn  với Móng Cái; có các đường quốc lộ 4 làn xe với vận tốc 80km/h kết nối với Bắc Giang (Quốc lộ 279), với Lạng Sơn (Quốc lộ 4B), và với Hải Dương (Quốc lộ 18). Quảng Ninh hiện cũng là địa phương có số km cao tốc dài nhất Việt Nam, với khoảng 200 km, bằng 10% độ dài cao tốc của cả nước. Chính hệ thống hạ tầng giao thông hiện đại, đồng bộ và đang phát triển vượt trội nói trên đang và sẽ tiếp tục mở rộng không gian phát triển của Quảng Ninh, tạo ra cơ hội đầu tư phát triển vô cùng lớn trong không gian phát triển “Một tâm, hai trục đa chiều, hai đột phá với ba vùng động lực tăng trưởng” đang ngày càng hiện rõ. Đó cũng là những lợi thế cạnh tranh mới được tạo ra bởi quy hoạch phát triển đột phá và đầy sáng tạo giai đoạn 2011-2020.

Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột.

Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột.

Quảng Ninh có nhiều lợi thế để phát triển bền vững dựa trên 3 trụ cột.

Khi đánh giá các điểm mạnh, điểm yếu của Quảng Ninh, đơn vị tư vấn hàng đầu quốc tế về lập quy hoạch tổng thể phát triển – Tập đoàn Mc Kensey cho rằng, Quảng Ninh đang có năng lực cạnh tranh đứng đầu cả nước nhờ những đột phá trong cải cách hành chính, liên tục đứng đầu về chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải cách hành chính (PAR) trong 4 năm liên tiếp (2017–2020). Tỉnh cũng đứng đầu cả nước về Chỉ số hài lòng về dịch vụ hành chính công (SIPAS) và đứng thứ ba về Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI). Điều đặc biệt là trong hơn 10 năm qua, tỉnh kiên trì thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững gắn với đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” dựa vào ba trụ cột: thiên nhiên, con người, văn hóa, kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư theo hướng: Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng, trọng điểm là ngành Than góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. Phát triển kinh tế biển và nông nghiệp công nghệ cao, tái cơ cấu nông nghiệp với phương châm lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, lấy công nghiệp, dịch vụ thúc đẩy nông nghiệp phát triển bền vững. Phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu của tỉnh, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế. Kết quả đến thời điểm này cơ cấu kinh tế của tỉnh bước đầu chuyển dịch theo theo hướng phù hợp với xu thế thời đại. Trước hết là đã chuyển dịch thành công từ “nâu” sang “xanh” ( dần giảm phụ thuộc vào khai khoáng, nhiệt điện, sản xuất vật liệu xây dựng), từ du lịch “bình dân” sang du lịch nghĩ dưỡng, tham quan, du lịch sinh thái rừng núi, biển đảo chất lượng cao; công nghiệp chế biến chế tạo và dịch vụ tăng trưởng nhanh và đóng góp ngày càng tăng vào nền kinh tế tỉnh. Cơ cấu kinh tế năng động theo xu thế thời đại nói trên đang và sẽ tao thêm năng lượng nội sinh để tận dụng được thời cơ bứt phá  tốc độ và chất lượng tăng trưởng kinh tế.

Với con đường phải đi là “Kinh tế phát triển, văn hoá đậm đà bản sắc, xã hội an toàn, nhân dân hạnh phúc”, trong hơn 1 thập kỷ qua, tỉnh luôn kết hợp chặt chẽ, hiệu quả giữa phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo vệ môi trường với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh, đặc biệt tại khu vực biên giới trên bộ, trên biển; triển khai có hiệu quả chủ trương xây dựng, phát triển tỉnh Quảng Ninh thành khu vực phòng thủ vững chắc về quốc phòng, an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế. Thực hiện hiệu quả nhiều cơ chế, chính sách phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực biên giới, biển đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Quy hoạch lại và xây dựng các điểm dân cư tập trung, bố trí việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số khu vực biên giới, bảo vệ và phát triển rừng vành đai. Dành nguồn lực lớn bằng nội lực của tỉnh hoàn thành cơ bản việc nâng cấp tương đối đồng bộ các tuyến tỉnh lộ kết hợp với đường tuần tra biên giới trên toàn tuyến biên giới trên bộ, bảo đảm giao thông thuận tiện và sức cơ động nhanh. Đầu tư xây dựng hệ thống dịch vụ hậu cần nghề cá, hệ thống cảng biển và cảng lưỡng dụng trên các tuyến đảo, góp phần phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ bảo đảm quốc phòng, an ninh. Đời sống nhân dân không ngừng được cải thiện; mở rộng cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế, giáo dục chất lượng cao và bảo đảm chất lượng chăm sóc sức khỏe của nhân dân, nhất là trong phòng, chống dịch vừa qua. Các tiềm năng về lịch sử, văn hóa, con người Quảng Ninh được khơi dậy, phát huy; nhiều di tích văn hóa được đầu tư bảo tồn, tôn tạo; có cơ chế thích hợp để chuyển hóa thành nguồn lực phục vụ trực tiếp cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội.

Tựu lại quá trình mài giũa viên ngọc quý giá trong nhiều năm qua đó là sáng mãi một Quảng Ninh đoàn kết nhất trí, dám nghĩ, dám làm, mạnh dạn đột phá, năng động, sáng tạo để phát triển mạnh mẽ hơn nữa, toàn diện hơn nữa, trở thành một tỉnh tiêu biểu của cả nước về các mặt.  


Bài 2: Vàng càng luyện càng trong

Trong 3 năm (2020-2022), trước cơn bão Covid-19 càn quét, cả nước căng mình phòng chống và khắc phục những hậu quả vô vùng nghiêm trọng do dịch bệnh gây ra. Là một địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế, địa bàn chiến lược về đối ngoại hợp tác, cạnh tranh quốc tế, Quảng Ninh đã trải qua 3 năm Covid với tâm thế chủ động ứng phó, giữ vững đà tăng trưởng, cùng cả nước trải qua những mất mát, đau thương, tổn thất do dịch bệnh, kiên cường giữ được tỉnh an toàn, hoàn thành mục tiêu kép. Và càng trong khó khăn, bản lĩnh vững vàng càng tỏ rõ, tinh thần “Kỷ luật - đồng tâm”, tư duy phát triển đột phá càng được phát huy, giúp Quảng Ninh ứng phó kịp thời, hiệu quả với đại dịch, tận dụng cơ hội, đổi mới phương thức làm việc, thích ứng với tình hình để biến “nguy” thành “cơ”, tận dụng tốt cơ hội từ địa bàn an toàn để tăng tốc phát triển.

Vượt đại dịch

3 năm đương đầu với đại dịch Covid-19 được coi là thách thức lớn, chưa từng có không chỉ của mỗi địa phương mà còn là ở quy mô quốc gia, quốc tế. Trong bối cảnh đương đầu với khó khăn, thách thức, Quảng Ninh đã tiếp tục khẳng định được ý chí vững vàng, quyết tâm phát triển và tư duy đổi mới không ngừng. Các đối sách với đại dịch của tỉnh luôn chủ động, đi trước, đón đầu, thể hiện qua phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; dự phòng, tích cực, chủ động, từ xa, từ sớm, từ cơ sở. Mục tiêu cao nhất là chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho nhân dân; song song với đó là ổn định KT-XH, phục hồi các ngành sản xuất, giữ đà tăng trưởng trong trạng thái bình thường mới.

Vừa quyết liệt phòng chống dịch bệnh Covid-19, Quảng Ninh chủ động, linh hoạt trong tìm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh.  Trong điều kiện ngành du lịch, dich vụ - ngành kinh tế mũi nhọn, chủ đạo của tỉnh kiệt quệ trong 2 năm 2020-2021 khi dịch Covid-19 hoành hành trong nước và thế giới, tỉnh đã nhanh chóng nhận diện, kịp thời ban hành, quyết liệt triển khai hiệu quả các chủ trương sát, đúng, trúng nhằm đẩy mạnh cơ cấu lại, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ, khả năng thích ứng, sức cạnh tranh của nền kinh tế

Hàng loạt các giải pháp được triển khai thực hiện hiệu quả như: Đẩy mạnh cơ cấu lại khu vực công nghiệp, giữ vững sự ổn định, phát triển bền vững hơn của ngành than theo quy hoạch, tạo đột phá trong thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) thế hệ mới, tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao vào GRDP và thu ngân sách; chú trọng phát triển kinh tế biển và chủ động thúc đẩy liên kết vùng với vai trò là một cực tăng trưởng.

Tỉnh cũng có nhiều quyết sách chỉ đạo chặt chẽ điều hành thu - chi ngân sách, bảo đảm cân đối ngân sách, cắt giảm các khoản chi chưa thực sự cần và thực hiện tiết kiệm 10% chi thường xuyên, tăng dự phòng ngân sách cho công tác phòng, chống dịch và phân bổ vốn cho các dự án phù hợp với khả năng giải ngân. Đồng thời, cơ cấu lại sản xuất nông nghiệp, đẩy mạnh sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản, nhất là nghề nuôi biển bền vững theo quy hoạch; thực thi một số chính sách đặc thù để khuyến khích phát triển lâm nghiệp bền vững, trong đó khuyến khích trồng rừng gỗ lớn, cây địa phương có giá trị; chuyển đổi diện tích rừng sản xuất sang rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng cảnh quan. Đồng thời, tháo gỡ các vướng mắc phát sinh trong hoạt động xuất, nhập khẩu tại các cửa khẩu, lối mở biên giới để kịp thời có các giải pháp đảm bảo thông quan thuận lợi, an toàn…

Khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của cả nước có những quyết sách đúng đắn, kịp thời, nhanh chóng, đúng thời điểm để phục hồi mạnh mẽ, vững chắc ngành du lịch; có nhiều giải pháp thúc đẩy liên kết vùng, tái cơ cấu, nâng cao chất lượng sản phẩm dịch vụ, cho ra mắt nhiều sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn thu hút du khách; khởi động các hoạt động du lịch sau đại dịch Covid-19 với những bước đi đúng đắn, hợp lý, phù hợp.

Tỉnh tiếp tục quan tâm đầu tư cho các công trình động lực chiến lược để nhân dân được hưởng lợi và phục vụ cho phát triển KT-XH; chú trọng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; lãnh đạo, chỉ đạo triển khai Nghị quyết số 06 ngày 17/5/2021 của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh gắn với xây dựng nông thôn mới gắn với. Tỉnh cũng ưu tiên bố trí nguồn lực cho lĩnh vực văn hóa, xã hội, phát triển con người, giáo dục, y tế, nhất là đầu tư phát triển giáo dục đào tạo ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

Bên cạnh các quyết sách kịp thời, sát với tình hình thực tế, các ngành, địa phương cũng tích cực và linh hoạt triển khai các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp gặp khó khăn do Covid-19 đã được Trung ương và địa phương ban hành, như: Gia hạn thời gian nộp thuế và tiền thuê đất; gia hạn thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân, thuế giá trị gia tăng; chính sách về tín dụng, bảo hiểm xã hội; chính sách hỗ trợ người lao động tạm hoãn hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương; vay vốn để trả lương ngừng việc đối với người lao động...

Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.

Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.

Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.

Đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả.

Cầu Tình Yêu (Cầu Cửa Lục I)

Cầu Tình Yêu (Cầu Cửa Lục I)

Cầu Tình Yêu (Cầu Cửa Lục I)

Lập nên những kỳ tích phát triển mới

Sự chung sức, đồng lòng, kiên trì nỗ lực vượt qua mọi khó khăn, thử thách đã giúp Quảng Ninh giữ vững địa bàn an toàn, linh hoạt, thích ứng, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19; giữ vững sự ổn định chính trị - kinh tế - xã hội, sự đoàn kết, thống nhất trong nội bộ; giữ vững tinh thần đổi mới, sáng tạo, đột phá, ý chí tự lực, tự cường, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, vì lợi ích nhân dân; giữ vững khối đại đoàn kết các dân tộc và niềm tin của người dân, doanh nghiệp, cán bộ, đảng viên; giữ vững biên giới hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác, phát triển, trở thành 1 trong những địa phương đứng đầu cả nước trên nhiều lĩnh vực.

Kinh tế liên tục tăng trưởng cao và ổn định; tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) của tỉnh đạt mức tăng trưởng 2 con số trong 7 năm liên tiếp (2016 - 2022). Trong đó có 3 năm 2020, 2021, 2022 bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi dịch bệnh COVID-19 nhưng tăng trưởng vẫn đạt trên mức kỳ vọng. Năm 2020 đạt 10,05%, năm 2021 và năm 2022 đều đạt 10,28%, lập nên kỳ tích trong công cuộc đổi mới.

Quy mô nền kinh tế tăng nhanh, hết năm 2022 ước đạt 269.000 tỷ đồng (tính theo giá hiện hành và chỉ đứng sau Hà Nội, Hải Phòng); GRDP bình quân đầu người năm 2022 đạt trên 8.200 USD (cao nhất ở khu vực phía Bắc). Tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 3 năm (2020, 2021, 2022) đạt 156.263 tỷ đồng (trong đó thu nội địa đạt 117.807 tỷ đồng, chiếm 75,4%), tăng bình quân khoảng 10%/năm và luôn nằm trong nhóm dẫn đầu cả nước.  Ngành công nghiệp chế biến chế tạo tăng trưởng cao, đóng góp tăng trưởng lớn nhất trong GRDP và góp phần quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, giải quyết việc làm cho lao động khu vực du lịch, dịch vụ bị ảnh hưởng do dịch COVID-19. Ngành than tích cực chuyển dịch cơ cấu khai thác theo đúng định hướng chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh” (cơ cấu hầm lò 70%, lộ thiên 30%), phát triển sản xuất - kinh doanh, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả đóng góp quan trọng vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tỉnh tiếp tục giữ vững vị trí đứng đầu về Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 5 năm liên tiếp (2017 - 2021), Chỉ số đo lường sự hài lòng của người dân về sự phục vụ của cơ quan hành chính nhà nước (SIPAS) 3 năm liên tiếp (2019 - 2021), lần đầu tiên Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI) vươn lên vị trí dẫn đầu trong năm 2021, phản ánh kết quả, hiệu quả của công tác cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; tạo được niềm tin và sự hài lòng của doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư.

Quảng Ninh đã hoàn thành, đưa vào khai thác đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, đường bao biển Hạ Long - Cẩm Phả, Cầu Cửa Lục I, Đường nối Khu công nghiệp Cái Lân qua Khu công nghiệp Việt Hưng đến đường cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, Tuyến đường từ Cảng hàng không Quảng Ninh đến Khu phức hợp nghỉ dưỡng giải trí cao cấp Vân Đồn, Hệ thống các công trình đường giao thông kết nối 104 thôn, bản thuộc huyện Bình Liêu, Cụm công trình Trung tâm hành chính tỉnh, Trường Đại học Hạ Long giai đoạn I, Bệnh viện Lão khoa- Phục hồi chức năng, trường THPT Hòn Gai… đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số Km đường cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay (176/1.046 km), tạo bước đột phá mới của nhiệm kỳ 2020 - 2025 về phát triển kết cấu hạ tầng giao thông chiến lược, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác hội nhập quốc tế, mở ra cơ hội và không gian phát triển mới, tạo ra nguồn lực mới rất to lớn gắn định hình rõ nét các hành lang kinh tế và hành lang đô thị trọng điểm của tỉnh phát triển theo mô hình “Một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực”.




Bài 3: Bản lĩnh mới, dũng khí mới, tư duy mới, tầm nhìn mới, sức sáng tạo mới

Thực tiễn cho thấy khi mâu thuẫn, thách thức này được giải quyết thì mâu thuẫn, thách thức khác lại xuất hiện với tính phức tạp hơn, khó giải quyết hơn đòi hỏi bản lĩnh mới, dũng khí mới, tư duy mới, tầm nhìn mới và sức sáng tạo mới của người đứng đầu, của cả bộ máy hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh.

Thách thức đặt ra với Quảng Ninh trong thời gian tới, đó là sự cạnh tranh của các tỉnh xung quanh (Hải Phòng, Bắc Giang, Hải Dương, Lạng Sơn và cả Thái Nguyên, Bắc Ninh) trong thu hút nguồn lực. Đây là những địa phương có hạ tầng phát triển và có sự kết nối giao thông với Hà Nội thuận tiện, có nhiều KCN và cũng có thu hút được nguồn nhân lực trẻ. Do đó, cạnh tranh về thu hút vốn và công nghệ đầu tư của các doanh nghiệp trong và ngoài nước sẽ trở nên gay gắt. Với vị trí địa lý đặc biệt và khu vực ven biển rộng lớn, tỉnh Quảng Ninh phải đối mặt với rất nhiều thách thức đến từ BĐKH. Thứ nhất, hàng năm tỉnh Quảng Ninh phải liên tục hứng chịu nhiều cơn bão và lũ lụt. Thứ hai, sạt lở đất cũng là một nguy cơ lớn, thường xuyên diễn ra do quá trình địa động lực hiện đại. Thứ ba, rủi ro về địa chất do các hoạt động khai thác khoáng sản cũng là một nguy cơ lớn, đặc biệt là nếu kết hợp với các thiên tai khác như bão, lũ, sạt lở đất. Trong bối cảnh khí hậu đang biến đổi thì rủi ro bất ổn và thiên tai cũng không ngừng gia tăng và có thể ảnh hưởng tiêu cực đến các ngành như nuôi trồng thủy sản, lâm nghiệp và nông nghiệp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Ninh cắt băng khánh thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, ngày 1/9/2022.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cùng lãnh đạo Trung ương, tỉnh Quảng Ninh cắt băng khánh thành đường cao tốc Vân Đồn - Móng Cái, ngày 1/9/2022.

Tốc độ tăng trưởng kinh tế tuy đạt ở mức cao trên hai con số trong 7 năm liên tiếp, song vẫn chưa khai thác hết tiềm năng, lợi thế. Mâu thuẫn giữa mục tiêu xây dựng Quảng Ninh sớm trở thành trung tâm du lịch quốc tế kết nối với các trung tâm du lịch lớn của khu vực và thế giới với việc các dự án trọng điểm về phát triển du lịch, dịch vụ bị ngưng trệ từ khi xuất hiện dịch COVID-19 khởi động lại rất chậm; giữa phát triển Hải Phòng - Quảng Ninh trở thành trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng với phát triển kinh tế biển và dịch vụ cảng biển chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế; chưa thu hút được nhà đầu tư hạ tầng logistics thực sự có tiềm lực, thương hiệu, uy tín, khả năng kết nối trong nước và quốc tế; giữa gắn kết chặt chẽ giữa các mục tiêu tăng trưởng kinh tế với phát triển con người, xây dựng văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; đảm bảo an sinh, phúc lợi, tiến bộ và công bằng xã hội, hài hòa giữa đời sống vật chất và đời sống văn hóa tinh thần theo các tiêu chí  “hạnh phúc” với trình độ và tốc độ phát triển khu vực miền núi, biên giới, hải đảo còn chậm; một số chỉ tiêu giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới đã đạt chuẩn nhưng mức độ còn thấp, chưa bền vững, thu hút đầu tư vào khu vực này còn gặp nhiều khó khăn; giữa giữ vững tốc độ tăng trưởng kinh tế cao trên hai con số liên tục trong nhiều năm với nguồn lực đầu tư còn hạn hẹp, quy mô doanh nghiệp còn nhỏ so với quy mô nền kinh tế trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn ngày càng gay gắt; biến động chính trị - an ninh thế giới (Nga - Ukraine), bất ổn của kinh tế vĩ mô toàn cầu (lạm phát, giá cả tăng cao, thắt chặt tín dụng, an ninh năng lượng, an ninh lương thực…); nguồn lực đầu tư từ ngân sách nhà nước (giảm tỷ lệ điều tiết ngân sách địa phương) và đầu tư ngoài ngân sách ngày càng khó khăn do các doanh nghiệp phải thu hẹp sản xuất kinh doanh, thiếu đơn hàng, chi phí đầu vào tăng…

Xây dựng, phát triển Quảng Ninh là một tỉnh tiêu biểu của cả nước về mọi mặt; tỉnh kiểu mẫu giàu đẹp, văn minh, hiện đại, nâng cao đời sống mọi mặt của nhân dân; cực tăng trưởng của khu vực phía Bắc; một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện; trung tâm du lịch quốc tế, trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; đô thị phát triển bền vững theo mô hình tăng trưởng xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng; là khu vực phòng thủ tỉnh vững chắc về quốc phòng - an ninh và phòng tuyến hợp tác, cạnh tranh kinh tế quốc tế.

Hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Ninh, Hải Phòng và 5 tỉnh miền Trung. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Hội nghị hợp tác phát triển du lịch giữa Quảng Ninh, Hải Phòng và 5 tỉnh miền Trung. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Thực hiện tốt 3 đột phá chiến lược của giai đoạn 2020-2025 là: Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, lao động có kỹ năng gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số. Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông, tổng thể. Xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.

Đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế, thu hút có chọn lọc FDI của lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo, trọng điểm là vào địa bàn các khu công nghiệp, khu kinh tế; thu hút mọi nguồn lực đầu tư vào lĩnh vực du lịch, dịch vụ, kinh tế biển, kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế đêm, kinh tế tuần hoàn… là những lĩnh vực mà Quảng Ninh có lợi thế, còn dư địa rất lớn để tạo đột phá phát triển…

Làm tốt hơn nữa công tác giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh phân cấp, phân quyền để giảm tầng nấc, khâu trung gian, đơn giản hóa quy trình, thủ tục hành chính nội bộ trong hệ thống hành chính nhà nước, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính của cơ quan hành chính; ứng dụng hiệu quả công nghệ số, tạo đột phá hơn nữa trong cải cách hành chính, xây dựng một nền hành chính chuyên nghiệp, kỷ luật, kỷ cương, hiện đại, hiệu quả, liêm chính, phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày càng tốt hơn.

Phát triển doanh nghiệp bền vững và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân; đồng hành thực chất, tạo điều kiện tốt nhất tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kéo giảm số doanh nghiệp phải ngừng hoạt động kinh doanh, giải thể, phá sản; hỗ trợ doanh nghiệp thúc đẩy sản xuất kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh trong chuỗi giá trị, coi đó là những giải pháp quan trọng trong thu hút đầu tư.

Không ngừng nâng cao chất lượng sống của Nhân dân theo tiêu chí Hạnh phúc đã nêu trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, làm cho mỗi thành quả tăng trưởng được phân bổ hợp lý cho phúc lợi, phát triển xã hội. Phát huy tối đa nhân tố con người, lấy con người là trung tâm, chủ thể, nguồn lực quan trọng nhất và mục tiêu của sự phát triển; thực hiện quản lý phát triển xã hội có hiệu quả, bền vững; thúc đẩy tiến bộ và công bằng xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người; xây dựng đời sống văn hóa, môi trường văn hóa, đạo đức xã hội lành mạnh, văn minh; chú trọng nâng cao chất lượng dịch vụ y tế, chất lượng dân số, gắn dân số với phát triển; tăng trưởng bền vững, phát triển bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, mọi người dân được hưởng thành quả phát triển của tỉnh và đất nước; quan tâm đến mọi người dân, bảo đảm việc làm, tăng thu nhập cho người dân; tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước cải thiện dân sinh ở khu vực miền núi, biên giới, hải đảo và các đối tượng yếu thế, thu hẹp chênh lệch vùng miền và khoảng cách giàu - nghèo…

Ngày xuất bản: 11/2/2023
Tổ chức thực hiện: LAN HƯƠNG
Nội dung: LAN HƯƠNG - THU CHUNG
Trình bày: MẠNH HÀ - TẤT ĐẠT