Hòn Gai là cái tên xưa cũ của thành phố Hạ Long bây giờ. Đối với những người đã sinh ra và lớn lên hoặc có gần như cả cuộc đời gắn bó với mảnh đất này, Hòn Gai như là máu thịt, là một phần không thể thiếu. Trải qua thời gian, trải qua thăng trầm, đã có biết bao nhiêu đổi thay, nhưng với họ, Hòn Gai xưa - Hạ Long nay vẫn luôn thân quen như là hơi thở…
Tôi sinh ra và lớn lên ở Chợ Cũ, phố trung tâm của Hòn Gai xưa. Kinh tế Hòn Gai khi ấy chưa có du lịch dịch vụ, chủ yếu dựa vào than nên thị xã đa phần là công nhân mỏ. Chính vì vậy những phố chợ, những hàng buôn bán nhỏ cũng chủ yếu phục vụ cho thợ mỏ với đủ các thứ gắn liền với đời sống như rau, gạo, thịt, muối… Hình ảnh những người công nhân đi lại, mua bán, dạo chơi trên phố đối với tôi khá gần gũi, thân quen, gắn bó.
Hồi nhỏ tôi rất mê văn nghệ. Nhà tôi gần rạp cải lương Lúa Vàng nên thường xuyên được xem những pano quảng cáo vở diễn. Trong phố cũng có vài nhà có điều kiện mua được đàn ghi ta, accordion. Âm nhạc, nghệ thuật có lẽ ngấm vào tôi từ khi còn nhỏ bởi hồi đó đã say mê và thích mua sách về tự học. Nhưng mãi đến tận khi đi làm, tôi mới có tác phẩm âm nhạc đầu tay. Đó là ca khúc viết về ngành Bưu Điện - nơi tôi công tác.
Từ tác phẩm đầu tiên đến nay, tôi đã sáng tác rất nhiều. “Tình yêu tôi hai nửa cuộc đời/ Bên là Than, một bên là Biển”. Than và biển là tình yêu, là đề tài, nguồn cảm hứng vô tận cho tôi sáng tác. Đã có những tác phẩm tôi rất tâm đắc, như “Tình yêu Biển và Than”, “Hạ Long - Một tình yêu”, “Đêm trăng Hạ Long”, “Giai điệu Hạ Long”, “Nghe lời biển hát”, “Quảng Ninh quê mình”, “Quảng Ninh đất lành”, “Từ Hạ Long mơ về Thăng Long”…
Cuộc sống luôn vận động và phát triển không ngừng. Ngã ba trung tâm sôi động nhất Hòn Gai xưa nay đã trở thành ngã 5, ngã 6. Hạ Long nay thay đổi, biến hoá, lột xác không ngừng. Hòn Gai xưa có lẽ chỉ còn trong ký ức của lớp người U50, trở ra.
Gần đây, tôi có lập nhóm mang tên Hòn Gai trong nỗi nhớ, là nơi để người Quảng Ninh, đặc biệt là người Hòn Gai nhắc nhớ lại những kỷ niệm xưa. Tôi nghĩ rằng, khi hiểu được giá trị cội nguồn, các thế hệ người Hòn Gai sẽ nâng niu giữ gìn những giá trị lịch sử văn hoá của vùng đất này và thêm yêu Hòn Gai xưa, Hạ Long nay. Yêu và hiểu thêm để rồi thêm yêu hơn nữa. Tình yêu đó tiếp tục là nguồn cảm hứng để không chỉ riêng tôi, mà còn cho nhiều người sáng tác. Những sáng tác không chỉ có nhạc, mà còn là thơ, là ký, là hoạ. Bởi biển, than, bởi thanh âm, nhịp điệu cuộc sống ở Hòn Gai, Hạ Long luôn đa dạng, sắc màu, sôi động…
Một sáng, tôi đang ngồi với anh Đoàn Mạnh Mai tại Ban Tuyên giáo Thị ủy Hồng Gai thì anh Nguyễn Tất Dũng, Bí thư Thị ủy sang, để hỏi về việc triển khai các chương trình tuyên truyền phục vụ những ngày lễ lớn. Thấy có tôi ở đấy, anh Dũng bỗng nói: “Này, ta có nhiều phim chuyển từ tiểu thuyết, sao lại không có phim chuyển từ thơ nhỉ? Ta thử làm một cái để phục vụ nhiệm vụ chính trị có được không? Cứ lấy thơ Trần Nhuận Minh ra mà làm. Thử xem thế nào?”. Nghe anh nói vậy, tôi rất cảm động.
Tưởng là nói qua chơi, hóa ra anh Đoàn Mạnh Mai làm thật. Anh mời anh Thanh Đạm và tôi lên Ban Tuyên giáo bàn. Tôi cung cấp các bài thơ về thị xã Hồng Gai, khoảng hơn 40 bài đã in trong 2 tập thơ: Đấy là tình yêu và Âm điệu một vùng đất. Anh Đạm và anh Mai căn cứ vào đó làm kịch bản, thông qua anh Dũng và anh Đạm nhận làm đạo diễn. Thị xã mời 2 nghệ sĩ Trung ương nổi tiếng là Cường Việt và Như Quỳnh vào vai “anh” và “em”. Về đạo diễn, Cường Việt phụ thêm với anh Đạm.
Trong phim có các cảnh quay tuyệt đẹp của thị xã, núi và biển Vịnh Hạ Long,...
Toàn phim là tình yêu của đôi bạn trong các cảnh quan tuyệt đẹp của thị xã, núi và biển Vịnh Hạ Long, các ngõ phố, hàng cây xanh, các công trình mới xây dựng, các đồng chí và gia đình có công với cách mạng, các nhân vật tiên tiến trong sản xuất, chiến đấu… Nghĩa là hiện thực của đời sống thị xã Hồng Gai làm than, đánh giặc, đánh cá biển, sản xuất bánh kẹo… đều được phản ảnh sinh động, quay tự nhiên, trên nền thơ minh họa thay lời bình. Trong phim Cường Việt đọc các đoạn trích thơ của tôi. Riêng Trường ca Đá Cháy là giọng đọc của Nghệ sĩ Vùng mỏ Biên Hòa.
Tôi không nhớ phim bao nhiêu phút, nhưng khá dài, chiếu trên VTV. Xem và nghe rất thú vị, vì nó có vẻ riêng. Tôi rất nhớ các đoạn phim quay về cảnh chiến đấu chống máy bay Mĩ với dáng đứng trầm ngâm rất đẹp của Cường Việt, vang lên các câu thơ của tôi: “Khi viên đạn vút lên máy bay thù giận dữ/ Tôi hiểu đời tôi đã định đoạt rồi/ Tôi sẽ sống và tôi sẽ chết/ Cho Hồng Gai, Hồng Gai ơi!”. Rồi các bức ảnh chiến tranh hủy diệt năm 1972 của nhà báo Công Vượng, nhất là của Trương Thái:“Ai gọi tôi những năm chiến tranh/ Bóng tường vênh âm âm đêm phòng thủ/ Tôi có một phần đời trong mọi gian nhà đổ/ Mọi cuộc chia li, người mất người còn…”. Rồi phố mỏ Hà Lầm, với hàng cây ngô đồng cao, râm mát, Như Quỳnh đứng tựa vào đó: “Em vẫn đứng chờ tôi dưới rặng ngô đồng/ Bên đứng goòng tẽ ba ngoặt vào xóm thợ/ Ôi kỉ niệm những ngày ở mỏ/ Như vết than hằn sâu trong da…”.
Những hình ảnh dung dị của người dân thị xã Hồng Gai được khắc họa trong phim.
Rồi cảnh quan khu Ba Đèo, phố Nhà thờ, đường lên Dốc học, cổng trường Phan Thị Khương, khu đền Trần Quốc Nghiễn, đường Bến Đoan… trong bước chân đi rất dịu dàng của Như Quỳnh, mái tóc đen buông mềm mại… hiện lên trong sinh hoạt bình thường của người dân thị xã Hồng Gai.
Bây giờ, có lẽ không còn ai nhớ đến những thước phim này. Cũng dễ hiểu. Bao nhiêu năm rồi. Phim lại không có chuyện, không có xung đột. Rất tiếc là lúc ấy không ai nghĩ đến việc lưu lại. Một lần về dự cuộc giao lưu ghi hình Khách mời của VTV3, tôi có nhờ mấy em nhà đài cố gắng tìm hộ, thì được biết trong kho tư liệu mênh mông, không thể biết nó ở đâu…
Nhà thơ Trần Nhuận Minh
Tôi sinh ra và lớn lên ở Ngọc Vừng, Vân Đồn, nhưng từ năm 1960 đã ở Hòn Gai và gắn bó với vùng đất này đến tận bây giờ. Chứng kiến sự thay đổi mạnh mẽ của thị xã Hồng Gai nhỏ bé trở thành thành phố Hạ Long rộng lớn, đến giờ tôi vẫn thấy ngỡ ngàng, xúc động. Tôi tự hào vì Hạ Long có những con đường, những dãy phố, những toà nhà, những cây cầu, rồi đến những công trình biểu tượng hoành tráng, quy mô.
Về người Quảng Ninh nói chung, người Hạ Long nói riêng, tôi thấy có nét đặc trưng, đó là lòng yêu nước, sáng tạo, nhân ái và thân thiện. Núi Bài Thơ vững chãi giữa trung tâm thành phố với lá cờ Tổ quốc tung bay là biểu tượng của lòng yêu nước.
Núi Bài Thơ vững chãi giữa trung tâm thành phố với lá cờ Tổ quốc tung bay là biểu tượng của lòng yêu nước. Bài thơ vua Lê Thánh Tông cho mài đá khắc vào vách núi Truyền Đăng năm 1468 có câu thơ nổi tiếng: “Thiên Nam vạn cổ hà sơn tại – Trời Nam muôn thuở núi sông vững bền”.
Sự kiện cắm cờ Đảng đầu tiên trên núi Bài Thơ sáng 1/5/1930 vô cùng ý nghĩa, đã thúc giục công nhân và lao động khu mỏ bước lên trường tranh đấu, đạp đổ ách thống trị tàn bạo của chủ nghĩa thực dân. Thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, núi Bài Thơ là vọng gác phòng không canh giữ biển trời Vùng mỏ, là hang cứu thương, phục vụ chiến đấu và là nơi đặt trung tâm điện tín của Bưu điện tỉnh Quảng Ninh… Và bây giờ ngọn cờ Tổ quốc vẫn tung bay phất phới trên ngọn núi Bài Thơ, là biểu tượng của thành phố Hạ Long, biểu hiện của lòng yêu nước của người dân Vùng mỏ.
Người Hạ Long rất sáng tạo, năng động. Từ một thị xã nhỏ bé, nghèo nàn, bị tàn phá bởi chiến tranh, người Hạ Long, Quảng Ninh, đã bắt tay vào kiến thiết, xây dựng thị xã trở thành thành phố xinh đẹp, năng động, hiện đại. Tôi tự hào mỗi khi đi qua cây cầu Bãi Cháy nối đôi bờ thành phố; tự hào đi dạo trên con đường bao biển để ngắm Vịnh Hạ Long; tự hào đứng trước những công trình nghìn tỷ - biểu tượng của Hạ Long hiện đại. Sắp tới đây, Hạ Long sẽ có cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 3, có những khu đô thị hiện đại, sầm uất, có những dự án đang được khởi công hứa hẹn sự phát triển hơn nữa. Tất cả đều là kết quả của sự đoàn kết, sức sáng tạo cũng những con người sống và làm việc, gắn bó với nơi đây.
Ở Hạ Long, tôi cảm nhận được sự thân thiện, nhân ái, hào sảng của những người xung quanh. Là thủ phủ của tỉnh cũng là trung tâm du lịch lớn, có Di sản Vịnh Hạ Long… nhiều năm nay, Hạ Long đã quen với việc đón hàng triệu du khách tới. Mở cửa, hội nhập, Hạ Long chào đón bạn bè gần xa không chỉ tới tham quan, nghỉ dưỡng, mà còn tới đầu tư, phát triển, cùng chia sẻ lợi ích. Đó chính là sự hội tụ, là lan toả những giá trị chỉ có ở Hạ Long.
Về đặc trưng văn hoá, đặc trưng con người Hạ Long đến nay gần như chưa có ai, chưa có công trình nghiên cứu công bố cụ thể. Tôi nghĩ rất cần có những nhà nghiên cứu văn hoá chuyên sâu, những cuộc hội thảo tầm cỡ để xác định, định hình rõ văn hoá con người Hạ Long, Quảng Ninh.
Mấy chục năm trước, thị xã Hồng Gai nhỏ bé, ảm đạm. Sau chiến tranh những bức tường đổ xuống, sắt thép nhô ra trơ trọi, gạch ngói đổ vỡ chưa được dọn đi. Cả thị xã nhuộm màu xám xịt, buồn tẻ.
Thời ấy còn bao cấp, cái gì cũng phải phân phối. Từ mảnh vải, cuộn chun, lốp xe, xích líp đến cái kim, sợi chỉ… Tôi nhớ sự vui mừng của đồng nghiệp khi được nhận phần phân phối thứ mình cần. Ngay cạnh đó là gương mặt bần thần của anh bạn được nhận về vài ba cái đũa xe đạp. Chiều cuối tuần, những người có xe đạp mang ra lau chùi, bơm vá. Rồi họ nghiêng xe, quay vài vòng pê đan cho lốp quay vòng vòng, để xích líp phát ra tiếng tí tách vui tai. Ngày ấy niềm vui của mỗi người nhỏ bé, giản đơn như vậy.
Con đường sầm uất nhất Hòn Gai có lẽ là từ Bến phà cũ đến Cột đồng hồ. Buổi sáng, người ta đạp xe qua ngã ba Cột đồng hồ để đến chỗ làm việc. Buổi chiều, người ta lại hớt hải đi ngược lại để về nhà. Ngã ba buồn thảm chứng kiến đời sống nghèo khổ, thiếu thốn, đến chiếc lốp xe, săm xe bị thủng không có cái mới mà thay, phải độn, phải nối khiến nó phình ra không giống bình thường, mỗi vòng quay lại đầy xóc nảy…
Hồi ấy, trong những báo cáo ở một địa phương hay của tỉnh, trong phần cơ cấu kinh tế bao giờ nông nghiệp cũng là ngành được nhắc tới đầu tiên. Năm đó, quý đó sản xuất được bao nhiêu tấn lương thực; vụ Mùa, vụ Đông thu hoạch được bao nhiêu lúa, ngô… Sự khó khăn, thiếu thốn khiến toàn tỉnh quan tâm, đặt vấn đề đảm bảo lương thực, thực phẩm lên hàng đầu.
Rồi đến một ngày, người Hòn Gai xôn xao khi những tuyến đường tàu để chở than quanh thị xã được lật lên. Nhà sàng tuyển than cách Cột đồng hồ vài trăm mét cũng được di dời ra xa trung tâm thị xã. Dường như đây chỉ là một sự khởi đầu báo hiệu những sự thay đổi lớn của thị xã nhỏ bé này. Và gần 30 năm qua, Hòn Gai đã thay đổi thực sự, trở thành một Hạ Long rộng lớn, năng động, hiện đại.
Giờ đây trong các báo cáo hàng năm của tỉnh, kết quả sản xuất nông nghiệp đã xếp cuối cùng, nhường chỗ cho công nghiệp, dịch vụ, du lịch, xuất nhập khẩu, cảng biển… Ngã ba Cột đồng hồ khi xưa giờ đã trở thành ngã 5, ngã 6. Cột đồng hồ đã quy mô, hiện đại, rực rỡ hơn. Những chuyến phà cập bến đôi bờ Hòn Gai-Bãi Cháy đã chỉ còn trong ký ức mỗi người, thay vào đó là cây cầu Bãi Cháy lấp lánh ánh đèn. Sắp tới, từ bên này Hòn Gai sang bên kia Bãi Cháy, Hoành Bồ còn có cầu Cửa Lục 1, Cửa Lục 3. Hòn Gai xưa - Hạ Long nay không còn bé nhỏ man mác buồn với màu xám xịt của khó khăn mà thay đổi vượt bậc, vươn mình trở thành thành phố du lịch sầm uất, hiện đại.
Tôi thường thầm nói rằng: “Mỗi ngày tôi chia tay một người bạn cũ”. Năm tháng phôi pha, dòng đời vẫn chảy. Những con đường nhỏ, những ngõ phố xưa, những công trình cũ… như người bạn của tôi một thời gian dài giờ đã thay đổi hoàn toàn, trở thành những người bạn mới của tôi. Đôi khi chúng ta phải chấp nhận một sự mất mát, một vài hi sinh để nhường chỗ cho sự đổi thay, phát triển. Người các nơi về Quảng Ninh, Hạ Long bây giờ không chỉ làm than, xuống lò, mà làm dịch vụ, du lịch, cảng biển, làm nghề rừng, nghề cá… Người rời Hòn Gai - Hạ Long ra đi nay trở về làm giàu trên mảnh đất quê hương…
Gần 40 năm trong nghề phát thanh viên của Đài PTTH Quảng Ninh, nay là Trung tâm Truyền thông tỉnh Quảng Ninh, tôi được đồng hành với rất nhiều sự kiện lớn nhỏ của tỉnh nói chung, của thị xã Hòn Gai - TP Hạ Long ngày nay.
Tôi còn nhớ trước kia, những phát thanh viên như chúng tôi không nhiều, cả cơ quan chỉ có vài ba người. Mọi người thay nhau lên sóng. Điều rất đỗi bình thường trong nghề nhưng khiến tôi cảm thấy tự hào, đó là mình được tiếp cận những tin tức đầu tiên từ đó truyền tải đến khán thính giả. Trong sự trỗi dậy, vươn mình của thành phố, của tỉnh, mỗi năm, mỗi tháng có hàng bao nhiêu sự kiện về tất cả các lĩnh vực: Chính trị, văn hoá, kinh tế, xã hội… diễn ra thường xuyên. Vì vậy, trước khi lên sóng để đưa thông tin đến khán thính giả, tôi thường đọc to một vài lần bản tin, như thể là động tác khởi động miệng và các dây thanh quản, cũng như chơi thể thao người ta khởi động làm nóng người. Như vậy, nội dung chính của bản tin sẽ được tôi ghi nhớ trong đầu, khi lên sóng chính thức sẽ ít bị vấp váp hơn, giảm thời gian ở phòng thu dưới sức nóng của rất nhiều bóng điện.
Bước vào nghề khi chưa hề qua trường lớp đào tạo bài bản nào, quá trình làm nghề của tôi chính là sự tự học, tự trau dồi, sáng tạo của mình và đúc rút kinh nghiệm của người đi trước. Khi lên sóng, bạn phải đảm bảo đọc tròn vành rõ chữ, có ngắt nghỉ rõ ràng, có kỹ thuật để đạt được tầm cao hơn trong giọng nói. Thêm nữa, người đọc phải có phong cách riêng, luôn sáng tạo, ứng biến với các tính huống, biết biến hoá giọng nói của mình. Ví dụ như dẫn chương trình thời sự thì giọng phải rõ ràng, mạch lạc; giọng đọc cho phóng sự điều tra cần có sự đanh thép; dẫn chương trình ca nhạc thì giọng nói phải nhẹ nhàng, vui tươi; đọc truyện đêm khuya phải thật sâu lắng…
Mỗi nghề có một niềm vui riêng. Đến bây giờ, khi đã nghỉ hưu nhiều năm, niềm vui của tôi là nhiều khi ra ngoài, có người nghe thấy tên tôi là thốt lên: Tôi nghe giọng chị đọc suốt; Tôi “gặp” chị hàng ngày qua radio, tivi; Tôi vẫn nhớ giọng chị… Đó là niềm hạnh phúc tôi may mắn có được nhờ nghề nghiệp, nhờ những con người thân thiện ở “quê hương thứ hai Quảng Ninh” dành tặng…
Quê hương Quảng Ninh chứa đựng cả tuổi thơ rất đẹp của tôi. Quê tôi ở phường Phong Cốc, TX Quảng Yên, nhưng tôi lớn lên ở Hạ Long.
Nhà tôi không có ai đi theo con đường nghệ thuật. Bố tôi làm công nhân ở Hạ Long, lương không đủ sống nên phải làm thêm nghề thợ mộc. Những lúc rảnh rỗi ông còn tranh thủ đi bắt cù kỳ trên Vịnh để kiếm thêm thu nhập nuôi anh em tôi.
Hồi bé, khi mới học lớp 4 Trường Tiểu học Lê Văn Tám, tôi đã được phát hiện có năng khiếu ca hát. Khi Nhạc viện Hà Nội về tuyển, tôi đứng thứ hai trong số 9 đứa trẻ dự tuyển năm ấy. Nhưng oái ăm thay lúc đó tôi không nhận được giấy báo nhập học, đến lúc lên trường thì đã chậm 3 tháng so với bạn cùng lớp. Sau khi lên Hà Nội học, tôi lập ban nhạc Anh Em và có đến 3 người cùng quê Quảng Ninh. Ban nhạc của chúng tôi lần đầu tiên về Hạ Long biểu diễn ở Nhà thi đấu thể thao (phường Hồng Hải) bây giờ.
Tôi cũng đam mê sáng tác từ đó. Một nửa số ca khúc tôi sáng tác lúc đó đều về Hạ Long. Ca khúc đầu tay của tôi được ca sĩ Mỹ Linh thể hiện rất thành công là “Trưa vắng” dành tặng Hạ Long. Bài hát viết về quê hương Hạ Long nơi có những con sóng nhấp nhô hòa cùng gió biển rì rào, những ngọn núi đá xa xa nơi chân trời, mỗi buổi sáng ngóng cha đi bắt cù kỳ về… là những kỷ niệm luôn ở trong tâm trí tôi.
Hạ Long là nơi tôi sinh ra, nơi có cả đại gia đình tôi, nơi tôi gắn bó những ngày thơ ấu. Dù xa Hạ Long từ khi mới 10 tuổi chập chững bước vào thế giới âm nhạc nhưng ký ức về quê hương luôn in đậm trong tâm trí tôi. Rời quê hương từ mấy chục năm nay rồi nhưng dù đi đâu thì tôi cũng luôn tự hào về nguồn gốc và xuất xứ của mình, luôn luôn nói rằng mình là người Vùng mỏ, người con của miền biển. Trở về quê hương tôi cảm nhận được sự phát triển của quê hương nhanh đến nỗi nhiều khi khiến bản thân ngỡ ngàng. Tôi thấy quê hương mình đang đổi mới, chuyển mình thực sự.
Năm 2018, tôi rất tự hào khi được chọn là đạo diễn âm nhạc của chương trình “Rực rỡ Hạ Long”. “Trở về quê thì bạn phải có tí quà”, vậy nên tôi đã viết một bài hát rất trẻ trung, sôi động, mang nhiều tính hội nhập quốc tế dành tặng Hạ Long, cũng là tiết mục cuối của chương trình lễ hội. Bài hát của tôi mang tên “Hạ Long rực rỡ”. Tôi tin là mỗi khi nghe ca khúc này, khán giả sẽ phải nhún nhảy và có thêm những giây phút hạnh phúc bên người mình yêu trên bãi biển và bờ Vịnh Hạ Long, một trong những bãi biển đẹp nhất thế giới này.
Tôi đã từng lên ý tưởng về Festival Âm nhạc Hạ Long như một chuỗi các sự kiện âm nhạc liền nhau. Trước đây, tôi có đọc được thông tin về chương trình Nụ cười Hạ Long trên facebook của một người bạn. Lúc đó, tôi cảm nhận được một không khí cởi mở, gần gũi từ vùng đất Quảng Ninh, nhất là ở cấp lãnh đạo cũng như từ dự án “Nụ cười Hạ Long”. Là một người con của Quảng Ninh, tôi nghĩ mình phải làm gì đó cho quê nhà. Và đó cũng là lúc tôi ấp ủ ý định làm một festival âm nhạc, vì bản thân đã từng đi dự rất nhiều festival âm nhạc trên thế giới.
Festiaval Âm nhạc Hạ Long sẽ là nơi các nghệ sĩ, du khách và người dân được hòa vào không khí âm nhạc lan tỏa khắp nơi chứ không chỉ dừng lại ở các sân khấu biểu diễn, với sự đa dạng các màu sắc, thể loại âm nhạc, từ nhạc rock, dance, hiphop, giao hưởng, DJ, âm nhạc đường phố... Tôi nghĩ rằng, đây sẽ là một chương trình ý nghĩa vì Quảng Ninh đang muốn xây dựng thương hiệu riêng cho mình và trong đó, một thương hiệu về văn hóa là điều cần thiết. Chúng tôi mong muốn được tham gia xây dựng “Nụ cười Hạ Long”, quảng bá thương hiệu của Quảng Ninh và quan trọng nhất là tạo ra một sự kiện văn hóa mang tính thương hiệu gắn liền với du lịch Hạ Long.
Thực hiện: Hoàng Quý - Phạm Học
Kỹ thuật đồ họa: Hùng Sơn