Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 14/12/2024 20:26 (GMT +7)
Huy động nguồn lực xã hội hoá: Kinh nghiệm của Tiên Yên
Thứ 6, 18/12/2015 | 10:01:16 [GMT +7] A A
Dù nằm tại vị trí trung tâm các huyện miền Đông của tỉnh, tuy nhiên Tiên Yên được biết đến là huyện miền núi với nhiều khó khăn, có xuất phát điểm thấp. Huyện có trên 50% người dân là đồng bào dân tộc, dân trí phát triển không đồng đều; có 4/11 xã thuộc vùng 135; trên 80% dân số lao động nông nghiệp... Trong khi nhà nước chưa có điều kiện đầu tư mở đường, nên không ít thôn, bản trên địa bàn huyện chỉ có con đường mòn dốc đứng, lầy lội, trơn trượt.
Người dân thôn Là Phen, xã Yên Than, huyện Tiên Yên hiến đất, góp công làm đường bê tông vào thôn. |
Trước yêu cầu cần phải đổi mới, quyết tâm cải thiện hạ tầng, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, giảm nghèo bền vững, Tiên Yên đã thực hiện kiện toàn lại bộ máy tổ chức từ các phòng ban cấp huyện đến cấp chính quyền xã; thực hiện nhất thể hoá 5 chức danh phòng, ban cấp huyện, 6 bí thư đồng thời là chủ tịch UBND ở 6 xã… Bên cạnh đó, là yêu cầu tổ chức rà soát, định vị lại những giá trị vượt trội, lập kế hoạch và lộ trình phát triển sát với thực tế của từng địa phương.
Vấn đề đặt ra là sau khi xây dựng được kế hoạch phát triển cụ thể, để triển khai cần phải có kinh phí, trong khi ngân sách địa phương có hạn. Vậy làm thế nào để có những con đường mới, những công trình thuỷ lợi đáp ứng yêu cầu phát triển. Câu trả lời đó là chỉ có huy động nguồn lực xã hội hoá, huy động nhân dân cùng đồng thuận để hiện thực hoá các ý tưởng phát triển. Một lần nữa, vai trò của người đứng đầu, của các đảng viên đã được phát huy. Công tác vận động, tuyên truyền được triển khai tích cực. Trực tiếp lãnh đạo huyện đã xuống xã, xã lại xuống thôn, bản và đến với các hộ dân để nêu rõ quan điểm, lợi ích người thụ hưởng khi triển khai công trình mục tiêu. Cán bộ, đảng viên phải là người tiên phong, đi đầu, làm gương cho quần chúng. Song song với đó là huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp trên địa bàn. Kết quả, hàng loạt công trình, dự án trên địa bàn đã được thực hiện phần lớn từ nguồn xã hội hoá. Điển hình như thực hiện Dự án đường nội thị khu vực xã Tiên Lãng; Dự án đường Điền Xá - Yên Than; Dự án đường Khe Và - Pạc Sủi…
Đáng chú ý nhất trong số các công trình được thực hiện bằng nguồn lực xã hội hoá đó là công tác giải phóng mặt bằng để triển khai xây dựng hồ chứa nước Khe Cát. Đây là công trình được Bộ NN&PTNT quyết định đầu tư từ năm 2009. Tuy nhiên, do chưa bố trí được vốn, nên gần 6 năm đã không triển khai được. Năm 2015, tỉnh Quảng Ninh đề nghị được đầu tư xây dựng. Để triển khai dự án, cần phải giải phóng mặt bằng 65ha, ảnh hưởng đến 54 hộ dân và 3 tổ chức. Trước nhu cầu cấp thiết, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sản xuất của người dân địa phương, huyện Tiên Yên đã chủ động cam kết với tỉnh chịu trách nhiệm huy động nguồn lực xã hội hoá kinh phí đền bù, giải phóng mặt bằng. Chỉ trong thời gian ngắn, huyện đã vận động được các hộ dân đồng tình, ủng hộ, dỡ nhà, hiến đất thực hiện dự án. Đặc biệt có 13 hộ không nằm trong phạm vi giải phóng mặt bằng đã tình nguyện hiến gần 50ha đất sản xuất để bố trí tái định cư cho các hộ dân trong diện phải giải toả. Cán bộ, công chức tại huyện cũng đã tình nguyện ủng hộ 3 ngày lương để hỗ trợ người dân dựng lại nhà, nhanh chóng ổn định cuộc sống. Từ những cách làm mới như vậy, sức lan toả của các công trình, phần việc bằng nguồn lực xã hội hoá tại Tiên Yên rất mạnh mẽ. Nhiều thôn xóm có đường mới rộng rãi, nhiều công trình dân sinh được hoàn thành.
Ông Hoàng Cao Khải, Bí thư Đảng uỷ xã Yên Than, huyện Tiên Yên cho biết: Việc huy động nguồn lực xã hội hoá để triển khai các công trình hạ tầng đã trở thành phong trào lan toả toàn huyện Tiên Yên. Không chỉ làm đường cho thôn mình, các thôn còn sang giúp nhau bê tông hoá đường thôn bạn. Cán bộ, viên chức xã, thôn vào các ngày nghỉ như thứ bảy, chủ nhật cũng “xắn quần, bỏ dép” có mặt trên các công trình cùng người dân. Khi làm, người dân tự kẻ vẽ, nắn tuyến, đường đi đến đâu hiến đất, dịch tường đến đó sao cho tuyến đường, tuyến kênh được thẳng và đẹp nhất.
Không chỉ có các công trình ở xã, thôn, cách huy động nguồn lực xã hội hoá tại Tiên Yên còn khiến tổng mức đầu tư tại các công trình trọng điểm của huyện đều giảm so với dự toán ban đầu. Cụ thể như: Dự án cải tạo, nâng cấp 3 tuyến đường thị trấn Tiên Yên có tổng dự toán ban đầu là 174 tỷ đồng. Đến nay, sau khi hoàn thành 2 tuyến, quyết toán mới có gần 25 tỷ đồng, tuyến còn lại đi qua phố Long Thành đang triển khai dự toán chưa đầy 2 tỷ đồng; Đường Quế Sơn, xã Đông Ngũ dự toán ban đầu hơn 10 tỷ đồng, nay đã hoàn thành ngân sách nhà nước chỉ phải trả 5 tỷ đồng... Như vậy, 3 tuyến đường thị trấn Tiên Yên sau khi huy động xã hội hoá đã tiết kiệm cho ngân sách hơn 140 tỷ đồng. Có được kết quả này là do người dân tham gia trực tiếp vào thực hiện các công trình, các chi phí trung gian giảm đi nhiều; các khâu chuẩn bị đầu tư, thiết kế, dự toán cũng được tính sát với nhu cầu thực tế, khâu giải phóng mặt bằng đã giảm bớt khi người dân tình nguyện hiến đất và tài sản.
Việc huy động nguồn lực xã hội hoá của Tiên Yên đã thật sự phát huy hiệu quả, không chỉ giúp huyện cải thiện hạ tầng thiết yếu, nâng cao đời sống người dân mà còn xây dựng được tinh thần toàn dân đoàn kết, xây dựng niềm tin với nhân dân, hiện thực hoá các ý tưởng phát triển, là kinh nghiệm quý cần được nhân rộng.
Đỗ Phương
Liên kết website
Ý kiến ()