4
18
/
846463
Khẳng định một Quảng Ninh đổi mới, năng động, sáng tạo
longform
Khẳng định một Quảng Ninh đổi mới, năng động, sáng tạo

 

 

 

 


Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2018 của Quảng Ninh ước tăng 11,1% (kế hoạch là 10,2%; cùng kỳ 2017 đạt 10,2%), đây là mức tăng cao nhất so với cùng kỳ 6 năm gần đây, cao hơn kịch bản tăng trưởng tỉnh đã báo cáo Thủ tướng Chính phủ (tăng 10,3%). Trong đó, khu vực dịch vụ có bước tăng trưởng mạnh. Giá trị tăng thêm của các khu vực kinh tế: Dịch vụ tăng 14,2%; công nghiệp - xây dựng tăng 9,8%; nông - lâm - thủy sản tăng 3,5%; thuế sản phẩm tăng 11,8%. Về cơ cấu kinh tế năm 2018 của tỉnh: Dịch vụ chiếm 43,8% (năm 2017: 42,4%); Công nghiệp - xây dựng chiếm tỷ trọng 50,3% (năm 2017: 51,3%); khu vực nông, lâm, thủy sản chiếm tỷ trọng 5,9% (năm 2017: 6,3%).

Với mức tăng trưởng 14,2% trong năm 2018, khu vực dịch vụ đã thực sự là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 2018. Ứơc tính, tổng số khách du lịch đến Quảng Ninh năm 2018 đạt 12,2 triệu lượt, tăng 24% so cùng kỳ, tổng doanh thu du lịch đạt 23.600 tỷ đồng, tăng 28,1% so cùng kỳ. Tổng mức bán lẻ hàng hoá và doanh thu dịch vụ đạt 87.498 tỷ đồng, tăng 19,7% so cùng kỳ. Tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu ước đạt 1,962 tỷ USD, tăng 11,03% so cùng kỳ; kim ngạch nhập khẩu ước đạt 1,793 tỷ USD, tăng 4,24% so cùng kỳ. Tuy nhiên, để có mức tăng trưởng GRDP cao nhất trong vòng 6 năm trở lại đây thì đóng góp quan trọng nhất vẫn thuộc khu vực sản xuất công nghiệp, xây dựng. Với tỷ trọng chiếm 50,3% trong nền kinh tế và mức tăng trưởng khá cao (9,8%), công nghiệp - xây dựng tiếp tục đóng góp quan trọng vào tăng trưởng kinh tế. Trong đó, tăng cao nhất là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 12,7%; ngành công nghiệp khai khoáng tăng 6,7%. Chỉ số phát triển sản xuất toàn ngành công nghiệp ước tăng 9,1% (cùng kỳ tăng 8,4%)...

Công tác giải phóng mặt bằng, tiến độ thi công dự án, công trình trọng điểm cũng được tỉnh tập trung chỉ đạo (các dự án hạ tầng giao thông, hạ tầng du lịch, các dự án tại các khu kinh tế, khu công nghiệp). Đặc biệt, tháng 9/2018 dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng chính thức đưa vào khai thác. Ngày 22/11, Cục Hàng hải Việt Nam đã có văn bản số 4606/CHHVN-CTHH chỉ đạo Cảng vụ Hàng hải Quảng Ninh thống nhất với các đơn vị liên quan đưa tàu vào khai thác tại Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long - cảng khách quốc tế đầu tiên ở Việt Nam. 2 dự án lớn của Quảng Ninh là cao tốc Hạ Long - Vân Đồn và Cảng hàng không quốc tế Vân Đồn cũng đang khẩn trương hoàn thành các hạng mục cuối cùng, dự kiến sẽ khánh thành và đưa vào sử dụng trong tháng 12/2018.

Cùng với tăng trưởng kinh tế, thu ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh cũng có nhiều cố gắng, đảm bảo tiến độ dự toán; kỷ luật, kỷ cương tài chính - ngân sách được tăng cường. Đáng chú ý là thu ngân sách nhà nước cả năm 2018 ước đạt 40.500 tỷ đồng, tăng 11% cùng kỳ, bằng 97% dự toán phấn đấu (41.834 tỷ đồng). Trong đó: Thu nội địa 30.500 tỷ đồng, chiếm 75% tổng thu NSNN trên địa bàn, tăng 0,5% dự toán giao đầu năm; thu xuất nhập khẩu 10.000 tỷ đồng, tăng 67% dự toán giao đầu năm.

 

Quảng Ninh tiếp tục khẳng định vị trí đi đầu trong cải cách hành chính với môi trường đầu tư kinh doanh và các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI), cấp sở, ngành, địa phương (DDCI), hiệu quả quản trị và hành chính công (PAPI), sự hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của cơ quan hành chính (SIPAS) được đẩy mạnh, với nhiều giải pháp, sáng kiến hiệu quả; tạo được niềm tin, thu hút các nhà đầu tư, các tập đoàn kinh tế lớn. Đặc biệt năm 2018, tỉnh Quảng Ninh được Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á - châu Đại Dương (ASOCIO) trao giải thưởng Chính quyền số ASOCIO, là giải thưởng công nghệ thông tin trao cho cơ quan có đóng góp đặc biệt quan trọng cho sự phát triển và ứng dụng CNTT tại 24 nền kinh tế thành viên ASOCIO.

Với thành công trong việc thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, Quảng Ninh đã tạo thêm dư địa để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ bảo đảm an sinh xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập và đời sống của nhân dân, ổn định trật tự, an toàn xã hội. Điển hình là tỷ lệ hộ nghèo giảm 0,97% (kế hoạch là 0,7%); tỷ lệ lao động qua đào tạo 75,2%; số bác sỹ/vạn dân đạt 14,7 (kế hoạch là >14,5); tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế 94,3 (kế hoạch là 93,2%); tỷ lệ che phủ rừng 54,5% (kế hoạch là 54,5%). Chương trình mục tiêu quốc gia về giảm nghèo bền vững, Chương trình nông thôn mới và Đề án 196 đưa các xã, thôn ra khỏi diện đặc biệt khó khăn, thoát khỏi chương trình 135, Đề án OCOP được triển khai tích cực, hoàn thành vượt chỉ tiêu nghị quyết đề ra. Quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo, chủ quyền biên giới, biển đảo được giữ vững, không để xảy ra đột xuất, bất ngờ. Hoạt động đối ngoại tiếp tục được củng cố, mở rộng với những nội dung hợp tác cụ thể.

Để cụ thể hoá các chủ trương, chỉ đạo của Trung ương trong công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị, tháng 2/2018, Tỉnh ủy Quảng Ninh ban hành Chương trình hành động số 21-CTr/TU.  Trong đó xác định nhân rộng những mô hình đã thực hiện thí điểm hiệu quả như: Mô hình điểm hợp nhất cơ quan tham mưu cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp huyện; thành lập cơ quan tham mưu giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội... Đồng thời, tập trung cao trong lãnh đạo, chỉ đạo triển khai các mô hình mới, như: Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt Vân Đồn, thành phố thông minh Hạ Long, chính quyền biển đảo ở Cô Tô, tổ chức lại một số đơn vị hành chính cấp xã. Song song với đó, tiếp tục đẩy mạnh việc sắp xếp các đơn vị sự nghiệp...

 

Để triển khai các giải pháp tại Chương trình hành động số 21-Ctr/TU, tỉnh đã tiến hành rà soát một cách tổng thể và hết sức kỹ lưỡng tổ chức bộ máy của tất cả hệ thống chính trị từ cấp tỉnh, đến cấp huyện, cấp xã, các sở, ngành, cơ quan, đơn vị tổ chức. Đồng thời, đánh giá quá trình hoạt động, triển khai thực hiện chức năng nhiệm vụ; đánh giá hiệu quả đạt được, từ đó, triển khai các giải pháp phù hợp như sáp nhập, hợp nhất, giải thể, chuyển đổi mô hình...Đến nay, tỉnh đã thực hiện thí điểm thành công và mở rộng mô hình hợp nhất cơ quan tham mưu cấp ủy với cơ quan chuyên môn của chính quyền cấp huyện. Cụ thể là hợp nhất cơ quan UBKT cấp ủy với Thanh tra ở 14/14 đơn vị cấp huyện; Ban Tổ chức cấp ủy với Phòng Nội vụ ở 13/14 đơn vị cấp huyện; triển khai Đề án sáp nhập 3 Văn phòng UBND, HĐND và Đoàn ĐBQH tỉnh; sáp nhập Đảng bộ Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy về Đảng bộ Công an tỉnh. Thành lập Đảng bộ Cục Thuế tỉnh trực thuộc Tỉnh ủy để nâng cao vai trò, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách, đóng góp cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Đặc biệt, mô hình cơ quan tham mưu, giúp việc chung khối MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội đã được tỉnh thực hiện liên thông ở cả 3 cấp. Từ đó, đã giảm 650 biên chế công chức (khối Đảng, đoàn thể giảm 161; khối chính quyền giảm 489) và 1.314 người làm việc (biên chế viên chức) so với năm 2015; bảo đảm lộ trình và giảm 2,5% tổng biên chế so với năm 2017.

Cùng với những nội dung trên, Quảng Ninh đã xây dựng, triển khai chiến lược “Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức bộ máy và xây dựng đội ngũ cán bộ đến năm 2020 và các năm tiếp theo”; quy trình bổ nhiệm cán bộ thông qua việc thi tuyển chức danh lãnh đạo, quản lý được đổi mới, bảo đảm khách quan, công khai, minh bạch; tăng cường luân chuyển, điều động cán bộ để thực hiện đào tạo, bồi dưỡng, đồng thời khắc phục tình trạng trì trệ, thụ động của một bộ phận cán bộ...

Trong công tác xây dựng, phát triển tổ chức Đảng, đảng viên, Thường trực Tỉnh uỷ đã quan tâm, chỉ đạo chú trọng phát triển ở những nơi khó khăn, miền núi, biên giới, hải đảo, vùng dân tộc, trong đội ngũ trưởng thôn, bản, khu phố; phát triển tổ chức đảng, đảng viên, các đoàn thể quần chúng trong các doanh nghiệp tư nhân, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Công tác kiểm tra, giám sát trong Đảng được Đảng bộ tỉnh tập trung thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, đúng đối tượng, bám sát với tình hình thực tế tại từng địa phương, đơn vị...

 

Theo đánh giá của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ, năm 2018 cũng là năm cấp uỷ các cấp có nhiều đổi mới trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo theo hướng rõ việc, thiết thực và hiệu quả. Song song với việc giảm họp, nâng cao chất lượng các hội nghị thì đi cơ sở, tiếp xúc với cán bộ, đảng viên và nhân dân đã trở thành một phần không thể thiếu trong chương trình công tác thường xuyên của lãnh đạo tỉnh. Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, không chỉ có các cuộc làm việc với lãnh đạo các địa phương, sở ngành, riêng đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ cũng đã dành nhiều thời gian đi khảo sát trực tiếp việc thực hiện các mô hình mới ở một số thôn bản, khu phố hay kiểm tra các dự án trọng điểm liên quan trực tiếp đến đời sống của nhân dân. Các đồng chí trong Thường trực Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy dẫn đầu các đoàn kiểm tra làm việc với cấp ủy cơ sở vừa nắm bắt tình hình, vừa định hướng, chỉ đạo, hỗ trợ tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Tính chung từ đầu nhiệm kỳ 2015-2020 đến nay, Tỉnh uỷ đã tổ chức hàng chục đoàn giám sát, kiểm tra đối với các ban thường vụ cấp ủy trực thuộc; qua đó đã tăng cường trách nhiệm, nâng cao hiệu quả các mặt công tác trọng tâm.

Cùng với các nội dung trên, trong năm 2018, trong công tác lãnh đạo điều hành, cấp uỷ các cấp cũng đã tích cực mở rộng hoạt động chất vấn, tăng cường đối thoại giữa người đứng đầu cấp uỷ với đại diện của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp thông qua các cuộc tiếp xúc chuyên đề với đại diện thanh niên, phụ nữ, công nhân và định kỳ hàng quý tổ chức hội nghị tiếp xúc doanh nghiệp, doanh nhân, nhằm kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc. Cùng với đó, cấp uỷ các cấp duy trì thường xuyên tổ chức giao ban giữa cấp uỷ cấp trên với các thôn, khe, bản để nắm bắt, xử lý kịp thời kiến nghị của nhân dân.

Đặc biệt, đội ngũ lãnh đạo các cấp ủy của tỉnh mạnh dạn đổi mới tư duy, nâng cao tầm nhìn, không né tránh các vấn đề mới, khó, phức tạp; mạnh dạn đề xuất những vấn đề chưa có tiền lệ để tập trung nghiên cứu, thực hiện; kiên trì, bền bỉ, quyết liệt trong chỉ đạo và thực hiện các nhiệm vụ, góp phần vào thành công chung của tỉnh, củng cố, nâng cao vai trò, hiệu quả hoạt động của cả hệ thống chính trị.

Qua đó, khẳng định rõ hơn vai trò, vị thế mới về một Quảng Ninh đổi mới, năng động, sáng tạo; tạo thế và lực mới cho sự phát triển của tỉnh nói riêng, vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và của cả nước nói chung trong những năm tiếp theo.

Bài: Bảo Bình - Hoài Anh

Trình bày: Tất Đạt

Ý kiến ()

0 / 500 ký tự
Guest
Đang tải dữ liệu