Khi được dự lễ khánh thành các công trình trọng điểm của tỉnh như đường cao tốc, đường ven biển, đường nối 104 thôn, bản ở các xã khó khăn huyện miền núi biên giới, điện lưới đến các xã đảo, được lắng nghe niềm tự hào, niềm vui của nhân dân về những thành tựu mà tỉnh đạt được trong 3 năm qua, tôi luôn tự hỏi, điều gì đã giúp Quảng Ninh vững vàng có được những thành quả đó? Trước biết bao tác động bất lợi từ dịch bệnh, tâm lý e ngại, sợ sai sau những sai phạm, tồn đọng được chỉ ra từ kết luận các cuộc thanh tra, kiểm tra, tâm lý sợ lại sai khi nhìn lên trên, nhìn sang bên nhiều cán bộ từ cấp trung ương, đến cơ sở bị xử lý kỷ luật, vướng vòng lao lý, người cầm lái con thuyền Quảng Ninh phải rất bản lĩnh, biết quy tụ lòng người, sự đoàn kết đến như thế nào để tạo thành một bó đũa làm nên kỳ tích trong giai đoạn mới.

Có một điều các nhà đầu tư, doanh nghiệp khi làm việc với tỉnh Quảng Ninh đều cảm nhận rất rõ ràng, là tinh thần đổi mới được trao truyền, kế thừa từ thế hệ lãnh đạo trước cho thế hệ lãnh đạo sau, phá vỡ hoàn toàn tư duy điều hành nhiệm kỳ ở cấp địa phương. Chắc hẳn rằng ít có địa phương cấp tỉnh nào như Quảng Ninh có được tính thống nhất trong tư duy, tầm nhìn điều hành của bộ máy lãnh đạo tỉnh tuân theo nghiên cứu rất khoa học, thực tiễn từ quy hoạch tổng thể tỉnh và các quy hoạch ngành được các đơn vị tư vấn quốc tế tư vấn xây dựng, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sẽ có ít địa phương nào tổ chức bộ máy được sắp xếp tinh gọn gắn với khát vọng sáng tạo, văn hoá “kỷ luật và đồng tâm” và đặc biệt là cốt cách hào sảng như người Vùng mỏ - vùng đất hội tụ của nền văn minh sông Hồng…

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng xem phối cảnh thiết kế thi công cầu Cửa Lục 1.

Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng xem phối cảnh thiết kế thi công cầu Cửa Lục 1.

3 năm (2020, 2021, 2022) và 6 tháng đầu năm 2023 trong bối cảnh, tình hình có nhiều khó khăn, thách thức mới xuất hiện và phức tạp, nặng nề hơn so với dự báo, cũng như so với cùng kỳ của một số nhiệm kỳ gần đây tác động trực tiếp tới sự ổn định và phát triển, song bằng những quyết sách khoa học, kịp thời, đúng đắn, hiệu quả, BCH, BTV Tỉnh uỷ đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, cụ thể hóa sáng tạo Nghị quyết Đại hội XV một cách đầy đủ, toàn diện 4 quan điểm, 5 nhiệm vụ trọng tâm, 3 nhiệm vụ, giải pháp thường xuyên, 3 khâu đột phá chiến lược, 15 đề án gắn với thực hiện Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng nhằm thực hiện mục tiêu đến năm 2025 “Xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, là một trong những trung tâm phát triển năng động, toàn diện của phía Bắc. Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) bình quân giai đoạn 2021 - 2025 đạt khoảng 10%/năm. GRDP đạt trên 10.000 USD”.

Cùng cả nước trải qua cuộc chiến đầy cam go với đại dịch Covid-19, Quảng Ninh đặt ưu tiên cao nhất trong công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh là bảo vệ sức khoẻ, tính mạng nhân dân nhưng không vì thế mà làm ngưng trệ đà thực hiện các nhiệm vụ khác, thậm chí tốc độ tiến quân vào các lĩnh vực như phát triển công nghiệp chế biến chế tạo, đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các khâu đột phá chiến lược còn “thần tốc” hơn. Có những thời kỳ không khí ảm đạm do dịch bệnh Covid-19 bao trùm lên hầu hết các địa phương trong cả nước, sản xuất bị ngưng trệ nhưng tại Quảng Ninh khí thế thi công trên các dự án, công trình hạ tầng động lực, trọng điểm vẫn diễn ra hết sức khẩn trương, tiến độ. “Thời điểm tháng 4/2020 tôi làm Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh, sau khi báo cáo BTV, Thường trực Tỉnh uỷ quyết định cùng với đẩy mạnh tiến độ thi công các dự án đang thực hiện thì khởi công dự án xây dựng cầu Cửa Lục 1 (sau được đặt tên là cầu Tình Yêu) nối đôi bờ vịnh Cửa Lục của TP Hạ Long. Hơn 2.100 tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách tỉnh được tung ra thời điểm đó là sự kích hoạt, là vốn mồi của đầu tư công cứu cánh cho các ngành nghề, doanh nghiệp phụ trợ cho lĩnh vực xây dựng cơ bản trong thời điểm nguy cơ đóng băng rất có thể sẽ xảy ra do sự chững lại của ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19”. – Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thắng cho biết.

Để có được đánh giá sau 2,5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh “hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ được đầu tư đồng bộ, bảo đảm liên thông, tổng thể với việc hoàn thành, đưa vào khai thác đường bao biển Hạ Long – Cẩm Phả, cầu Cửa Lục 1, cao tốc Vân Đồn – Móng Cái đưa Quảng Ninh trở thành địa phương có số km đường cao tốc lớn nhất cả nước hiện nay…” thì rõ trọng tâm, trọng điểm được BTV, Thường trực Tỉnh uỷ xác định là khâu đột phá để đẩy mạnh thực hiện đồng bộ các đột phá chiến lược, nhất là hạ tầng giao thông. Gắn với đó là sự kiên định thực hiện mô hình tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến, đa chiều, hai mũi đột phá, ba vùng động lực”, kiến tạo hành lang giao thông gắn với các hành lang kinh tế, đô thị, gắn với quy hoạch, kế hoạch quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy liên kết vùng, nội vùng và hợp tác lãnh thổ… Phát triển đi cùng với triết lý đề cao tính nhân văn, lẽ công bằng, định hướng giá trị cho tăng trưởng và phát triển, bảo đảm gắn kết chặt chẽ, hài hoà giữa tăng trưởng kinh tế với phát triển văn hóa, tiến bộ và công bằng xã hội, bảo vệ môi trường sinh thái, bảo đảm an sinh xã hội, chăm lo nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi, biên giới, hải đảo, từng bước định hình hệ giá trị địa phương Quảng Ninh với các đặc trưng “Thiên nhiên tươi đẹp - Văn hóa đặc sắc - Xã hội văn minh - Hành chính minh bạch - Kinh tế phát triển - Nhân dân hạnh phúc”...  

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành Cầu Tình Yêu.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cắt băng khánh thành Cầu Tình Yêu.

“Sự kiên định, nhất quán, vững vàng, trăn trở tìm tòi, sáng tạo, chủ động, linh hoạt thích ứng với tình hình thay đổi trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện của BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy mà hạt nhân là Thường trực Tỉnh ủy, người đứng đầu, tạo hiệu ứng lan tỏa đến các cấp uỷ, tổ chức đảng trong việc chỉ đạo căn cơ, bài bản, khoa học triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XV của Đảng bộ tỉnh, các chủ trương, Nghị quyết của Tỉnh ủy; nhạy bén xử lý kịp thời, có hiệu quả nhiều vấn đề mới nảy sinh trong thực tiễn; sự quản lý, điều hành nhạy bén, quyết liệt, có hiệu quả của chính quyền các cấp; sự nỗ lực đổi mới đồng bộ, có hiệu quả nội dung, phương thức hoạt động của Hội đồng nhân dân các cấp; sự đoàn kết, thống nhất, phối hợp đồng bộ, nhịp nhàng của cả hệ thống chính trị toàn tỉnh; phát huy dân chủ, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố vững chắc lòng tin của Nhân dân, cán bộ, đảng viên, nâng cao vai trò của MTTQ và các tổ chức chính trị- xã hội; sự nỗ lực của đội ngũ cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc trong tỉnh, cán bộ, chiến sĩ các lực lượng vũ trang Quảng Ninh, đồng bào Quảng Ninh ở các tỉnh, thành phố trong nước và ở nước ngoài đã phát huy cao độ truyền thống yêu nước, văn hóa và cách mạng, sự năng động, tự lực, tự cường và khát vọng đổi mới sáng tạo, khơi dậy niềm tự hào về quê hương, đất nước, sức mạnh của Vùng mỏ anh hùng “kỷ luật và đồng tâm”. – đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ Nguyễn Xuân Ký nhấn mạnh tại Hội nghị BCH kiểm điểm 2 năm rưỡi thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV.

Người đứng đầu tỉnh Quảng Ninh đã từng rất trăn trở với câu chuyện xây dựng niềm tin, ông cho rằng “Không có niềm tin sẽ dẫn tới hoài nghi lẫn nhau, lòng người phân tâm, xã hội rối ren, tổ chức suy yếu. Khi người dân đã có niềm tin vào sự lãnh đạo của Đảng, quản lý của chính quyền thì tự nó có giá trị như một loại “vắc-xin” để phòng ngừa, đẩy lùi với những luận điệu xuyên tạc, kích động hay lợi dụng dân chủ gây nhiễu loạn, đi ngược lại lợi ích chung”. Sự kiên định của người đứng đầu, của tập thể Thường trực, BTV Tỉnh uỷ, BCH Đảng bộ tỉnh trong quá trình xây dựng niềm tin của nhân dân vào các chủ trương, quyết định của Đảng bộ, của chính quyền, cả hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh được thể hiện rất rõ ràng trong 8 quy chế, quy định, 11 nghị quyết, chỉ thị, 13 chương trình hành động, 140 kế hoạch, trên 950 kết luận, thông báo… trong hơn 2 năm qua.

Tất cả đều quy lại mệnh đề chung nhất là đặt lợi ích nhân dân lên trên hết, trước hết, vì sự phát triển của tỉnh nhà, từ người đứng đầu tỉnh đến đội ngũ cán bộ, nhất là người đứng đầu cấp ủy, tổ chức, cơ quan, đơn vị đã thực sự nêu gương nói đi đôi với làm, bằng kết quả thật để người dân nhìn thấy được, kiểm chứng được. Trong chống dịch là hình ảnh người đứng đầu tỉnh đi vào tâm dịch trong những ngày nóng bỏng nhất để không chỉ là kiểm tra việc thực hiện mà hơn cả là sự khẳng định dám đứng đầu trận chiến, sát cánh cùng nhân dân, hiệu triệu những người dân đang sống giữa tâm dịch bình tĩnh, yên tâm, tin tưởng vào các giải pháp ứng phó của tỉnh nên chỉ trong 14 ngày dập tắt được ổ dịch. Trong phát triển kinh tế - xã hội là chủ động, sáng tạo, quyết liệt thực hiện tái cơ cấu và chuyển dịch cơ cấu kinh tế một cách tích cực, bền vững, đúng hướng, vượt qua các khó khăn thách thức chưa từng có; đưa kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển nhanh, bền vững, tạo được những thành tựu bứt phá ấn tượng trong và sau đại dịch. Còn nhớ 2021- năm dịch bệnh cam go nhất, cũng là năm mà hình ảnh người đứng đầu tỉnh xuất hiện nhiều nhất trên các dự án, công trường xây dựng các công trình trọng điểm của tỉnh, các hầm lò khai thác than. Có lẽ hình ảnh rất quen thuộc đó với những người công nhân là niềm tin, là sức mạnh để họ miệt mài ngày đêm trên công trường, 2 cái Tết không về quê để vừa giữ an toàn dịch bệnh vừa đảm bảo tiến độ thi công của các dự án, năng suất, hiệu quả của các ngành kinh tế.

Cũng trong thời kỳ nóng bỏng của dịch bệnh, thì cán bộ chủ chốt của tỉnh liên tục luân chuyển, thay đổi theo điều động của trung ương nhưng tinh thần chung sức, đồng lòng, đoàn kết, cấp dưới tin tưởng vào chỉ đạo của cấp trên, cấp trên tin tưởng vào cấp dưới khi đã phân cấp, phân quyền, giao nhiệm vụ chưa bao giờ bị gián đoạn. Tập thể lãnh đạo giữ vững khát vọng đổi mới, sáng tạo, nỗ lực lớn, quyết tâm cao, hành động quyết liệt, hiệu quả và xây dựng được năng lực thích ứng với sự thay đổi, quản trị sự thay đổi, quản trị rủi ro, quy tụ sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị toàn tỉnh, khối đại đoàn kết toàn dân, huy động mọi nguồn lực phòng, chống đại dịch COVID-19 và thực hiện “mục tiêu kép”; đoàn kết tạo nên sức mạnh để vượt qua những thách thức nảy sinh trong quá trình phát triển.

“Kiên định và dám tin, là chìa khoá để chúng ta mở các cánh cửa phẩm chất, năng lực và uy tín của cán bộ trong tình hình mới; mở được bản lĩnh chính trị, trí tuệ, gương mẫu, dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách, quyết liệt trong hành động vì lợi ích chung, vì tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại của người đứng đầu” đồng chí Bí thư Tỉnh uỷ, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định.

1. Quan điểm, định hướng phát triển giai đoạn 2020-2025

Một là, phát triển dựa vào nguồn lực bên trong là quyết định, chiến lược, cơ bản, lâu dài và nguồn lực bên ngoài là quan trọng, đột phá; lấy phát triển con người, bảo đảm và cải thiện dân sinh làm mục đích; lấy đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế xanh, nhu cầu thị trường, các ngành mới nổi và tăng năng suất lao động làm định hướng; lấy phát triển hạ tầng, cải cách hành chính đồng bộ, hiện đại làm nền tảng; lấy giáo dục đào tạo, thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao, sáng tạo và ứng dụng khoa học công nghệ làm động lực; lấy phát triển văn hóa, xây dựng văn minh sinh thái, tiết kiệm tài nguyên và bảo vệ môi trường làm trọng điểm.

Hai là, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững dựa vào ba trụ cột (thiên nhiên, con người, văn hóa), kết hợp với xu thế hòa bình, hợp tác, hội nhập và cơ hội của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư; trên cơ sở đó, đổi mới hệ thống chính trị và xây dựng nền hành chính hiện đại; phát triển công nghiệp dịch vụ, công nghiệp văn hóa, công nghiệp giải trí dựa trên nền tảng công nghiệp sáng tạo được tổ chức sản xuất ở trình độ cao.

Ba là, kiên trì thực hiện tổ chức không gian phát triển “một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” nhằm bảo đảm mục tiêu liên kết, đồng bộ để phát huy thế mạnh của từng địa phương trong tỉnh cũng như thế mạnh của Tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Hồng và Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ. Tâm là thành phố Hạ Long, trung tâm chính trị - hành chính - kinh tế - văn hóa của Tỉnh; phát triển đô thị theo mô hình đa cực, lấy vịnh Cửa Lục làm trung tâm kết nối. Tuyến hành lang phía Tây xuất phát từ Hạ Long đến Đông Triều hướng tới đồng bằng sông Hồng và Thủ đô Hà Nội, phát triển chuỗi đô thị - công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao và du lịch văn hóa, lịch sử, tâm linh, trong đó Khu kinh tế ven biển Quảng Yên là hạt nhân, động lực tăng trưởng mới của tuyến phía Tây và của tỉnh, phát triển theo mô hình “Thành phố thông minh” với các khu đô thị - công nghiệp - dịch vụ - cảng biển thông minh, hiện đại. Tuyến hành lang phía Đông xuất phát từ Hạ Long đến Móng Cái và hướng tới Đông Bắc Á, phát triển chuỗi đô thị sinh thái - dịch vụ, thương mại, du lịch tổng hợp cao cấp, nông nghiệp sạch - công nghệ cao và kinh tế biển, lấy phát triển công nghiệp để dẫn dắt nông nghiệp. Phát triển Khu kinh tế Vân Đồn và Khu kinh tế Cửa khẩu Móng Cái là hai mũi đột phá.

Bốn là, tiếp tục đổi mới tổ chức và hoạt động của hệ thống chính trị; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên; hiệu lực, hiệu quả quản lý của các cấp chính quyền. Giữ gìn sự đoàn kết, thống nhất trong Đảng từ tỉnh đến cơ sở; tăng cường mối quan hệ mật thiết giữa Đảng và Nhân dân, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với chế độ và với Đảng; phát huy dân chủ, kỷ cương và sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, truyền thống cách mạng, văn hóa, sự năng động và khát vọng đổi mới, sáng tạo, ý chí tự lực, tự cường, vượt lên mạnh mẽ và bền vững.

2. Nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu

2.1. Các nhiệm vụ trọng tâm  

Một là, xây dựng, chỉnh đốn Đảng, hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của các cấp ủy, tổ chức đảng và đội ngũ cán bộ, đảng viên. Xây dựng chính quyền liêm chính, phục vụ thực sự “của dân, do dân, vì dân”,  hoạt động hiệu lực, hiệu quả. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong tình hình mới. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, lãng phí. Phát huy dân chủ, sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân, củng cố lòng tin của Nhân dân với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa.

Hai là, đẩy mạnh thực hiện ba đột phá chiến lược: (1) Đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại bảo đảm liên thông, tổng thể, trọng tâm ưu tiên là phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, công nghệ thông tin, viễn thông, cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng các khu công nghiệp, khu kinh tế. (2) Phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao và lao động có kỹ năng gắn với nhanh chóng tăng quy mô và nâng cao chất lượng dân số đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của Tỉnh là khâu đột phá, cấp bách; gắn chặt với nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, cán bộ quản lý, công chức, viên chức trong hệ thống chính trị là nhân tố quyết định sự thành công trước mắt và chiến lược. (3) Nâng cao chất lượng cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, chất lượng thực thi chính sách, pháp luật; giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI.

Ba là, phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững, đổi mới mạnh mẽ mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”; giải quyết đồng bộ và có hiệu quả các mâu thuẫn, thách thức nhằm đẩy nhanh tốc độ công nghiệp hóa - hiện đại hóa - đô thị hóa; kết hợp chặt chẽ công nghiệp, dịch vụ, nông nghiệp theo hướng: (1) Phát triển dịch vụ tổng hợp hiện đại ngày càng giữ vai trò chủ đạo; du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. (2) Phát triển công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghệ cao, công nghệ thông minh, thân thiện với môi trường. Tăng nhanh tỷ trọng đóng góp của công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, công nghệ thông minh; phát triển hợp lý, bền vững ngành công nghiệp khai khoáng góp phần bảo đảm an ninh năng lượng theo quy hoạch. (3) Phát triển kinh tế biển và nông nghiệp công nghệ cao. (4) Phát triển doanh nghiệp và phát triển mạnh khu vực kinh tế tư nhân, khởi nghiệp sáng tạo, phát triển sản phẩm chủ lực và xây dựng thương hiệu của Tỉnh, tạo sự liên kết giữa các thành phần kinh tế. (5) Đẩy mạnh chuyển giao, ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ; huy động, phân bổ, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đầu tư phát triển; sử dụng tiết kiệm, hiệu quả tài nguyên thiên nhiên.

Bốn là, kết hợp chặt chẽ giữa phát triển kinh tế nhanh, bền vững với phát triển văn hóa, con người, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh; giữa đẩy nhanh tốc độ đô thị hóa gắn với nâng cao hiệu quả kinh tế đô thị, xây dựng nông thôn mới, nhanh chóng thu hẹp khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền, bảo đảm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, nâng cao chất lượng sống mọi mặt của Nhân dân; bảo vệ môi trường sinh thái, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.

Năm là, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh; giữ vững ổn định chính trị, trật tự, an toàn xã hội, chủ quyền biên giới quốc gia; mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động đối ngoại và hội nhập quốc tế. Xây dựng biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển. Xây dựng xã hội trật tự, kỷ cương, an ninh, an toàn, văn minh.

2.2. Các khâu đột phá

Một là, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với tăng nhanh quy mô và nâng cao chất lượng dân số.

Hai là, đẩy nhanh tốc độ phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, hiện đại, bảo đảm liên thông tổng thể.

Ba là, xây dựng nền văn hóa giàu bản sắc Quảng Ninh gắn với thu hẹp nhanh khoảng cách giàu nghèo và chênh lệch vùng miền trong tỉnh.

2.3. Một số đề án và chương trình trọng điểm

(1) Đề án Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh Quảng Ninh theo hướng tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả; xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, ngang tầm nhiệm vụ giai đoạn 2021-2025.

(2) Đề án Phát triển giáo dục, đào tạo, nguồn nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

(3) Đề án Phát triển và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

(4) Đề án Chuyển đổi số toàn diện tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

(5) Đề án Cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, năng lực cạnh tranh cấp tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

(6) Quy hoạch tỉnh Quảng Ninh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

(7) Đề án Xây dựng, phát triển Khu kinh tế Vân Đồn, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái, Khu kinh tế ven biển Quảng Yên và các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đến năm 2030, định hướng đến năm 2040.

(8) Đề án Phát triển doanh nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo và phát triển sản phẩm chủ lực, xây dựng thương hiệu của Tỉnh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

(9) Đề án Bảo vệ môi trường, sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

(10) Đề án Đảm bảo an ninh nguồn nước giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

(11) Đề án Phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

(12) Chương trình Phát triển nhà ở trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

(13) Chương trình Phát triển đô thị tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030.

(14) Đề án Nâng cao năng lực hệ thống y tế dự phòng và y tế điều trị; chất lượng chăm sóc bảo vệ sức khoẻ nhân dân giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030.

(15) Đề án Đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh, giữ vững chủ quyền biên giới quốc gia phục vụ phát triển kinh tế - xã hội nhanh, bền vững.

Ngày đăng: 10/7/2023
Thực hiện: Ngọc Lan – Thu Chung
Trình bày: Tất Đạt