Nghị quyết số 57-NQ/TW ngày 22/12/2024 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học, công nghệ (KHCN), đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia nhấn mạnh: Phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số đang là yếu tố quyết định phát triển của các quốc gia; là điều kiện tiên quyết, thời cơ tốt nhất để nước ta phát triển giàu mạnh, hùng cường trong kỷ nguyên mới - kỷ nguyên vươn mình của Dân tộc. Cùng với tinh thần đó, nhiều năm qua, đón bắt cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0, tỉnh Quảng Ninh đã và đang tập trung trí tuệ, nguồn lực để đưa KHCN hiện diện rõ nét trên tất cả các lĩnh vực, trở thành kim chỉ nam, dẫn đường cho sự phát triển bền vững.

Tại Quảng Ninh, KHCN và đổi mới sáng tạo đã thể hiện rõ sự đóng góp quan trọng trong kết quả nổi bật của mỗi giai đoạn phát triển. Điều đó được thể hiện qua những năm gần đây. Năm 2020, tỷ trọng giá trị sản phẩm công nghệ cao và sản phẩm ứng dụng công nghệ cao của Quảng Ninh đạt 45,24% tổng giá trị sản xuất công nghiệp, vượt 13,1% so với mục tiêu Nghị quyết 20-NQ/TW. Tỷ lệ đóng góp chỉ số năng suất các nhân tố tổng hợp vào GRDP của Quảng Ninh tăng từ 43,48% năm 2021 lên 50,01% năm 2023, năm 2024 tiếp tục duy trì trên 50%. 2 năm liền, chỉ số đổi mới sáng tạo cấp địa phương (PII) của Quảng Ninh đều đứng trong top 10 tỉnh, thành có điểm số cao nhất. Đặc biệt, năm 2024, Quảng Ninh đứng thứ 6 với 47,82 điểm, vượt 3 bậc so với năm 2023. 

Dưới sự tham gia của KHCN, nhiều thương hiệu nông sản của tỉnh Quảng Ninh được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Dưới sự tham gia của KHCN, nhiều thương hiệu nông sản của tỉnh Quảng Ninh được bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ.

Đáng chú ý, giai đoạn 2020-2024 đã có 108 nhiệm vụ KH&CN nghệ cấp tỉnh được triển khai. Các nhiệm vụ được ưu tiên lựa chọn để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về KHCN theo yêu cầu các Nghị quyết chuyên đề của BCH Đảng bộ tỉnh, các Đề án, Chương trình, Kế hoạch của UBND tỉnh. Qua đó đã góp phần tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả lao động, quản lý nhà nước, giải quyết nhiều vấn đề mới về môi trường, biến đổi khí hậu, cũng như bảo tồn, phát huy những giá trị văn hóa, con người. Nhiều thương hiệu, đặc sản vùng miền được bảo hộ xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu tập thể, nâng cao được sức cạnh tranh... Kết quả triển khai các nhiệm vụ đã được bàn giao, ứng dụng lên tới gần 90%, tiết kiệm ngân sách trên 9% (tương đương khoảng 28 tỷ đồng).

Sản xuất các thiết bị điện tử tại KCN Đông Mai. Ảnh: Phạm Tăng

Sản xuất các thiết bị điện tử tại KCN Đông Mai. Ảnh: Phạm Tăng

Trong sản xuất nông nghiệp, KHCN cũng đã mở ra nhiều cơ hội cho các chủ thể sản xuất tiết kiệm chi phí, nâng cao hiệu suất canh tác, góp phần làm thay đổi nhận thức của người dân từ sản xuất manh mún, nhỏ lẻ sang sản xuất theo hướng tập trung, nâng cao chất lượng, giá trị sản phẩm. Các nông sản tiếp tục được hỗ trợ xây dựng, phát triển thương hiệu gắn với truy xuất nguồn gốc đã giúp tăng giá bán bình quân 15-20%; bảo đảm điều kiện phân phối trong các siêu thị lớn (GoViet, Winmart) và trên các chợ thương mại điện tử. Hiện đã có 249/394 sản phẩm OCOP đã đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, đạt 63,2%. Tỉnh cũng đã hình thành 2 khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao tại Đông Triều và Đầm Hà. 

Sử dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Việt Dân (TPĐông Triều).

Sử dụng thiết bị bay không người lái trong phun thuốc bảo vệ thực vật tại xã Việt Dân (TPĐông Triều).

KH&CN đã tạo đột phá vượt bậc trong khâu ứng dụng giải pháp mới, đồng bộ vào hoạt động của các cơ quan nhà nước, góp phần thúc đẩy cải cách hành chính, nâng cao chất lượng hoạt động công vụ, tiết kiệm thời gian, chi phí trong hoạt động quản lý, giám sát và điều hành cơ quan, cải thiện chỉ số xếp hạng của tỉnh. Nhiều năm liền Quảng Ninh đạt mức tăng trưởng 2 con số, giữ vị trí quán quân về các Chỉ số PCI, Par Index. 

Việc ứng dụng KHCN vào các khâu của hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp cũng được đẩy mạnh. Tính đến cuối năm 2024, Quảng Ninh đã có 28 doanh nghiệp KHCN, nằm trong nhóm các tỉnh, thành có nhiều doanh nghiệp KHCN trong toàn quốc. Các doanh nghiệp đã chủ động tích cực đầu tư đổi mới công nghệ theo hướng tiết kiệm năng lượng, tài nguyên, bảo vệ môi trường và tăng năng suất lao động. Các đơn vị ngành than đã và đang từng bước làm chủ nhiều công nghệ mới, tiên tiến, tập trung đẩy mạnh ứng dụng cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa vào sản xuất và quản lý nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh gắn với phát triển xanh, bền vững. Đặc biệt, một số đơn vị đã chủ động thiết kế, chế tạo công nghệ, thiết bị để tránh lệ thuộc vào nước ngoài, tăng tỷ lệ nội địa hóa, giảm được 30% so với chi phí thuê ngoài, giá thành sản phẩm chỉ bằng 2/3 so với nhập khẩu.

Ứng dụng khoa học trong nâng cao chất lượng y tế tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả.

Ứng dụng khoa học trong nâng cao chất lượng y tế tại Bệnh viện Đa khoa Cẩm Phả.

Trong y học, những thiết bị hiện đại, chuyên sâu đã được đầu tư đã từng bước đáp ứng nhu cầu khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Giáo dục thông minh hiện diện trong hầu hết các trường, lớp học giúp nâng cao chất lượng dạy và học toàn tỉnh. Ngoài ra, các lĩnh vực du lịch, kinh tế biển cũng đều được ứng dụng KHCN, nhanh chóng nắm bắt xu thế mới để phát triển nhanh và bền vững…

Đáng chú ý, sự có mặt của chuyển đổi số đã và đang làm thay đổi căn bản, toàn diện hoạt động chỉ đạo, điều hành, quản lý của cấp ủy, chính quyền các cấp, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, phương thức sống, làm việc của người dân trên địa bàn tỉnh theo chiều hướng tích cực, đem lại cuộc sống hiện đại, thông minh, tiện ích hơn.

Công ty Bavabi (Vân Đồn) đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng chế biến sản phẩm.

Công ty Bavabi (Vân Đồn) đầu tư máy móc hiện đại để nâng cao chất lượng chế biến sản phẩm.

Nhìn lại chặng đường đã qua, có thể thấy, vai trò của KHCN, đổi mới sáng tạo đã đóng góp tích cực vào sự phát triển toàn diện về KT-XH của tỉnh Quảng Ninh. KHCN đã hiện diện rõ nét trong đời sống KT-XH trên hầu hết các lĩnh vực nông nghiệp, y dược, kỹ thuật và công nghệ, thương mại điện tử, quản lý nhà nước, du lịch.v.v…

Với quan điểm xuyên suốt coi KH&CN là quốc sách hàng đầu, Quảng Ninh luôn ưu tiên dành nguồn lực cho hoạt động KH&CN. Đáng chú ý, giai đoạn 1996-2000, thực hiện sự nghiệp CNH - HĐH, tỉnh đã bố trí trên 10 tỷ đồng cho các hoạt động thông tin khoa học, hợp tác quốc tế về KH&CN, hỗ trợ lần đầu các kỹ thuật tiến bộ vào sản xuất đời sống... Đây là nguồn lực quan trọng thúc đẩy nghiên cứu, triển khai, ứng dụng đề tài, sáng kiến, chương trình khoa học vào thực tiễn. 

Cán bộ, nhân viên Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh theo dõi vận hành các trạm cung cấp nước trên toàn tỉnh trên hệ thống camera quan sát.

Cán bộ, nhân viên Công ty CP Nước sạch Quảng Ninh theo dõi vận hành các trạm cung cấp nước trên toàn tỉnh trên hệ thống camera quan sát.

Hơn hai thập kỷ vừa qua, nguồn lực đầu tư cho KH&CN tiếp tục được tăng mạnh. Từ năm 2006 tỉnh đã hình thành nguồn vốn riêng cho đầu tư phát triển KH&CN với gần 13,5 tỷ đồng mỗi năm. Giai đoạn 2012-2024, Quảng Ninh chi hơn 2.500 tỷ đồng cho hoạt động KHCN, bình quân hằng năm đạt 2,73% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh, trong đó cao nhất là các năm 2015, 2018, 2019 đạt trên 4% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh. Riêng năm 2024 chi đầu tư KHCN và đổi mới sáng tạo là 126,7 tỷ đồng, bằng 1,78% tổng chi thường xuyên ngân sách tỉnh. 

Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (TP Uông Bí) làm bài tập trên bảng thông minh.

Học sinh Trường THCS Nguyễn Trãi (TP Uông Bí) làm bài tập trên bảng thông minh.

Nhiều địa phương cấp huyện cũng đã chủ động bố trí kinh phí cho hoạt động ứng dụng KHCN và đổi mới sáng tạo. Tiêu biểu như: Cô Tô, Cẩm Phả, Ba Chẽ, Bình Liêu, Hải Hà, Tiên Yên, Đông Triều, Uông Bí, Quảng Yên, Hạ Long với tổng kinh phí gần 11,057 tỷ đồng. Điều này cho thấy KHCN và đổi mới sáng tạo luôn được tỉnh quan tâm, chú trọng.  

Quảng Ninh cũng xác định KHCN là động lực quan trọng thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế. Do vậy, trong thời gian qua, tỉnh đã xây dựng, ban hành nhiều văn bản quan trọng nhằm tạo hành lang pháp lý thúc đẩy phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo, đóng góp vào quá trình phát triển KT-XH của tỉnh.

Các thiết bị hiện đại được ứng dụng nhằm tiết kiệm nhân lực và gia tăng hiệu suất lao động tại Công ty NHH May mặc Hoa Lợi Đạt.

Các thiết bị hiện đại được ứng dụng nhằm tiết kiệm nhân lực và gia tăng hiệu suất lao động tại Công ty NHH May mặc Hoa Lợi Đạt.

Cụ thể như Nghị quyết số 04-NQ/TU (ngày 5/5/2012) và Nghị quyết số 07-NQ/TU (ngày 13/3/2017) về phát triển KHCN; Nghị quyết số 13-NQ/TU (ngày 28/4/2023) về phát triển KHCN và đổi mới sáng tạo đến năm 2030; Nghị quyết số 43/2016/NQ-HĐND (ngày 7/12/2016) và Nghị quyết số 313/2020/NQ-HĐND (ngày 9/12/2020) về một số cơ chế tài chính khuyến khích, hỗ trợ các tổ chức, cá nhân trong hoạt động KHCN trên địa bàn tỉnh; Nghị quyết số 39/2024/NQ-HĐND (ngày 10/7/202 quy định định mức lập dự toán và mức chi kinh phí ngân sách nhà nước thực hiện nhiệm vụ KHCN trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh…

Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh giới thiệu các công nghệ mới phục vụ đời sống.

Trường Cao đẳng Việt - Hàn Quảng Ninh giới thiệu các công nghệ mới phục vụ đời sống.

Bên cạnh đầu tư về nguồn lực, tỉnh quan tâm phát triển nguồn nhân lực KH&CN đáp ứng yêu cầu của thực tiễn phát triển. Các hoạt động khuyến khích nghiên cứu, sáng tạo KHKT trong các sở, ngành, đơn vị, nhà trường, doanh nghiệp được ưu tiên tiếp sức, khích lệ… Đến nay Quảng Ninh có khoảng hơn 8.000  trí thức KH&CN, đạt 13 cán bộ nghiên cứu khoa học/vạn dân. Tỉnh dành nhiều ưu tiên cho phát triển hạ tầng KH&CN với hệ thống hạ tầng CNTT hiện đại, liên thông từ tỉnh đến cấp xã; đầu tư nâng cấp các phòng thí nghiệm, hệ thống chuẩn đo lường đạt tiêu chuẩn LAS, VILAS; xây dựng các khu nông nghiệp công nghệ cao… 

Nghiên cứu khoa học tại Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc.

Nghiên cứu khoa học tại Công ty TNHH Nuôi trồng, sản xuất và chế biến dược liệu Đông Bắc.

Cuối tháng 5/2024, tỉnh đã tổ chức khai trương Trung tâm khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và hỗ trợ chuyển đổi số tỉnh. Trung tâm có chức năng tiếp nhận và phát triển các sáng kiến và các thử nghiệm thực tế, tổ chức các cuộc thi ý tưởng, sáng kiến phục vụ cộng đồng; nâng cao năng lực KHCN cho doanh nghiệp nhỏ và vừa; tổ chức các hoạt động thúc đẩy phát triển hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo; hỗ trợ phát triển các ý tưởng, dự án khởi nghiệp, liên kết với các vườn ươm trong và ngoài tỉnh để thực hiện ươm tạo dự án khởi nghiệp… Việc đưa vào vận hành Trung tâm góp phần thúc đẩy các ý tưởng sáng tạo KHCN mới để ứng dụng vào sản xuất, tăng số lượng và chất lượng các doanh nghiệp đổi mới sáng tạo, doanh nghiệp KHCN, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế địa phương theo chiều sâu trên cơ sở ứng dựng KHCN. 

Nghị quyết số 13-NQ/TU ban hành ngày 28/4/2023 của BCH Đảng bộ tỉnh đã đặt ra mục tiêu: Đến năm 2030 Quảng Ninh thuộc nhóm các địa phương đi đầu cả nước về ứng dụng, chuyển giao KHCN và đổi mới sáng tạo, với tiềm lực, trình độ KHCN và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở một số lĩnh vực quan trọng; trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp và ở một số ngành, lĩnh vực đạt trình độ khu vực, quốc gia, quốc tế; KHCN và đổi mới sáng tạo phát triển vững chắc, thực sự trở thành động lực tăng trưởng kinh tế, góp phần xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, giàu đẹp, văn minh, hiện đại, phát triển kinh tế nhanh, bền vững gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh.

Việc đưa vào vận hành máy đào lò EBH-45 giúp Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí.

Việc đưa vào vận hành máy đào lò EBH-45 giúp Công ty CP Than Vàng Danh - Vinacomin nâng cao năng suất lao động, tiết kiệm chi phí.

Để góp phần thực hiện thành công mục tiêu đề ra, tỉnh đang tập trung huy động mọi nguồn lực, nâng cao tiềm lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo; tăng cường nghiên cứu, ứng dụng KHCN, thúc đẩy đổi mới sáng tạo có trọng tâm, trọng điểm, phục vụ phát triển KT-XH nhanh, bền vững.

Trước mắt, tập trung tháo gỡ nút thắt về chính sách, phát triển hạ tầng KHCN và đổi mới sáng tạo đồng bộ, hiện đại. Mở rộng và đẩy nhanh tốc độ ứng dụng những thành tựu của KHCN và đổi mới sáng tạo, nhất là thành tựu của cuộc cách mạng 4.0, công nghệ vật liệu mới, công nghệ sinh học, công nghệ bán dẫn, công nghệ xanh. Từng bước làm chủ một số công nghệ chiến lược như: Trí tuệ nhân tạo, Internet vạn vật (IoT), dữ liệu lớn, điện toán đám mây, chuỗi khối, bán dẫn... Trọng tâm vào các lĩnh vực: công nghiệp chế biến chế tạo, sản xuất điện, khai khoáng, du lịch, thương mại, logistics, tài chính, nông nghiệp, kinh tế biển, cảng biển; trong các hoạt động hành chính của các cơ quan quản lý nhà nước,.v.v... để tạo động lực chính cho tăng trưởng kinh tế.

Trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực truyến tại Công an tỉnh Quảng Ninh.

Trợ lý ảo hỗ trợ thực hiện dịch vụ công trực truyến tại Công an tỉnh Quảng Ninh.

Theo ông Nguyễn Mạnh Cường, Giám đốc Sở KHCN tỉnh: Quảng Ninh cũng tiếp tục tăng cường thu hút đa dạng các nguồn lực cho KHCN và đổi mới sáng tạo nhất là khối tư nhân, doanh nghiệp FDI. Thúc đẩy hội nhập sâu rộng, mở rộng hợp tác quốc tế, nhất là với các đối tác chiến lược có thế mạnh về KHCN phù hợp với lĩnh vực tỉnh đang ưu tiên tập trung, các hoạt động hợp tác nghiên cứu, đào tạo, tư vấn với tổ chức, cá nhân nước ngoài, tổ chức quốc tế để tiếp cận, chuyển giao, ứng dụng KHCN tiên tiến, các chuẩn mực quốc tế.

Ngoài ra, tỉnh cũng sẽ tăng cường đầu tư, đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển KHCN, đổi mới sáng tạo. 

Thực hiện: Nguyên Ngọc
Trình bày: Vũ Đức