4
18
/
1100294
Khi chúng tôi vào lò...
longform
Khi chúng tôi vào lò...


Nghề mỏ - một nghề đặc thù, ở bất cứ thời kỳ nào cũng được coi là công việc nặng nhọc, vất vả, đòi hỏi thể lực, sức chịu đựng tốt. Dưới những hầm lò sâu, những người thợ mỏ phải lao động trong môi trường chật hẹp, thiếu dưỡng khí, thiếu ánh sáng, thậm chí luôn phải đối diện với hiểm nguy. Bởi vậy, có lẽ nghề mỏ không dành cho ai thiếu ý chí, sự quyết tâm. Bởi muốn gắn bó với nghề lâu dài, cần sự kiên nhẫn, bền bỉ và một tình yêu, sự say mê rất lớn.

Mỗi thợ mỏ khi vào ca, họ trở thành những chiến sĩ thực thụ trong hầm lò, gánh vác trọng trách lớn mà Tổ quốc giao phó, đó là không ngừng lao động, sản xuất để đánh thức nguồn tài nguyên đang “ngủ sâu” dưới lòng đất, biến than thành “vàng đen” phục vụ cho công cuộc phát triển.

Trải qua bao thăng trầm, ngành Than hôm nay đã lớn mạnh, trở thành một trong những trọng điểm kinh tế của quốc gia. Đóng góp vào đó là công sức của biết bao thế hệ thợ mỏ, những người chiến sĩ thầm lặng dưới những hầm lò sâu. Họ lao động bằng sự cần cù, tinh thần kỷ luật và đồng tâm cao nhất. Khó khăn, gian khổ bao nhiêu cũng không làm chậm nhịp của những bước chân vững chắc tiến quân vào lò.

Nhân kỷ niệm 85 ngày Truyền thống vùng Mỏ 12/11 (1936-2021), chúng tôi có cơ hội được gặp và ghi lại cảm nghĩ của nhiều thợ mỏ trong Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam. Họ là những thợ mỏ tiêu biểu, có nhiều thành tích xuất sắc, nổi trội, trong các phong trào thi đua lao động, sản xuất, được Đảng, Nhà nước, các Bộ, ngành, địa phương, TKV và đơn vị, ghi nhận bằng những danh hiệu cao quý, phần thưởng xứng đáng.

18 tuổi, tôi rời quê đến vùng mỏ Quảng Ninh kiếm sống. Công việc đầu tiên là đội than thuê. Nhưng đây là nghề nghiệp bấp bênh về thu nhập, thậm chí nguy hiểm đến tính mạng vì điều kiện làm việc rất thiếu an toàn.

Đã quyết lập nghiệp ở Quảng Ninh, tôi nghĩ, mình vẫn nên gắn bó với hòn than, nhưng phải là một cách bền vững hơn. Vì vậy, năm 1992 tôi đăng ký tham gia học nghề tại Trường Công nhân mỏ Hữu Nghị Việt Xô. Ra trường, tôi về công tác tại Công ty CP Than Hà Lầm và gắn bó cho đến bây giờ. Lần đầu xuống lò, tôi đã vô cùng bỡ ngỡ. Đó là những đường lò rất dài, nhỏ, sâu hun hút, nhiều ngóc ngách hơn so với những tưởng tượng của tôi. Thế nhưng nó lại an toàn hơn rất nhiều so với những lò chợ trước đây tôi đã từng làm. Tôi còn nhớ, khi ấy, chúng tôi khai thác than chủ yếu là thủ công, chỉ có một vài thiết bị máy móc thô sơ, đơn giản từ thời Pháp để lại như xe gòong, tàu điện.

27 năm trôi qua, tôi đã chứng kiến biết bao sự đổi thay, thăng trầm của ngành Than, nhưng khát vọng chinh phục những tầng than sâu lúc nào cũng hiện hữu, cháy bỏng, khích lệ lớp lớp thế hệ thợ mỏ chúng tôi vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để tiến lên.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trao quà lưu niệm cho anh Nguyễn Trọng Thái tại chương trình “Vinh quang Việt Nam - Dấu ấn 30 năm đổi mới” năm 2017. (Ảnh: Nhân vật cung cấp).

Năm 2011, tôi là người đầu tiên được lựa chọn đặt bước chân đầu tiên ở mốc lò sâu -300. Thời điểm đó, Công ty CP Than Hà Lầm là đơn vị đầu tiên trong TKV khai thác được độ sâu này, đánh dấu bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của ngành Than Việt Nam, khẳng định quyết tâm cơ giới hoá, hiện đại hoá trong sản xuất của TKV. Càng về sau, các lò trong Công ty càng được đầu tư, nâng cấp hơn nữa. Như năm 2015, Công ty đã vận hành lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 600.000 tấn than/năm; năm 2016, Công ty tiếp tục đưa lò chợ cơ giới hóa đồng bộ công suất 1,2 triệu tấn than/năm. Đây là 2 lò chợ cơ giới hóa đầu tiên và có công suất cao nhất trong TKV tính đến thời điểm này. Từ năm 2020, Than Hà Lầm đã chấm dứt hẳn diện sản xuất vỉa than lộ thiên, tập trung nhân lực, nguồn lực phát triển khai thác than hầm lò. Tính đến nay, Công ty đang có 5 lò chợ gồm 2 lò cơ giới hóa; 3 lò khác là công nghệ giá xích. Môi trường mỏ bây giờ cũng được đầu tư lớn, với những khai trường xanh, bãi thải xanh, phân xưởng xanh, giảm thiểu ô nhiễm môi trường đáng kể.

Đi qua năm tháng, tôi càng yêu hơn những đường lò, những vỉa than đen lấp lấp dưới hầm sâu. Nghề mỏ đã chứng minh cho tôi thấy rằng, chỉ cần đam mê, nhiệt huyết, phấn đấu và cống hiến hết sức mình thì có thể vượt qua mọi khó khăn, để đi đến thành công. Nghề cũng đã cho tôi một mái ấm gia đình hạnh phúc, những đồng nghiệp, anh em tốt, cùng kề vai, sát cánh sẵn sàng làm việc hết mình, để chinh phục những nhiệm vụ khó khăn, để tiến đến những tầng than sâu hơn. Nhờ có sự đóng góp to lớn của họ, cùng với nỗ lực của bản thân, tôi đã được Đảng, Nhà nước, Tập đoàn và Công ty ghi nhận bằng những danh hiệu cao quý, phần thưởng xứng đáng. Năm 2020, tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, tôi đã được tặng thưởng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Rất nhiều CB,CN-LĐ ngành Than không phải là người Quảng Ninh, điều này hẳn ai cũng biết. Tôi nghĩ, một phần là do ngành Than là một ngành đặc thù, đòi hỏi số lượng lao động rất lớn mới có thể vận hành được. Nhưng phần quan trọng hơn, đó là ngành này ngày càng có sức hấp dẫn hơn đối với mọi người và cũng đã “giữ chân” được rất nhiều người. Bởi vậy, ở Quảng Ninh không hiếm những gia đình mấy thế hệ gắn bó với Than, với nghề mỏ trong sự tự hào, trân trọng.

Tôi cũng vậy, quê gốc ở Hà Nam, nhưng lập nghiệp ở Quảng Ninh bằng nghề mỏ. Những ngày tháng tuổi trẻ của mình, tôi đã cống hiến trọn vẹn cho nghề mỏ. So với nhiều đồng nghiệp, tuổi nghề của tôi chưa hẳn đã nhiều, nhưng những nhọc nhằn, vất vả của nghề khai thác mỏ tôi cũng đã trải qua. Những ngày đầu tiên “ăn cơm dương gian, làm việc âm phủ”, với tôi là những kỷ niệm không thể nào quên. Đó là sự bỡ ngỡ, có chút háo hức, lo lắng, rồi có lúc thấy mệt mỏi, có mồ hôi rơi, có nước mắt, có nụ cười… Nói chung đủ cả, mà hẳn là anh thợ lò mới nào cũng sẽ trải qua từng ấy cung bậc cảm xúc. Đây cũng là giai đoạn gian nan, dễ làm lòng người nản chí, nhưng nếu đã kiên cường vượt qua, thì mỗi người thợ đều sẽ cảm nhận được tình yêu và gắn bó với nghề.

Tổ trưởng Trần Mạnh Tiến (bên phải) hướng dẫn kỹ thuật khoan cho thợ lò trẻ.

Không biết từ bao giờ, từng đường lò, từng tầng than của Vàng Danh đã gắn bó với tôi, trở thành người bạn tốt của tôi, đủ để khiến tôi đi xa thì nhớ, lại muốn quay về. Trở thành thợ lò Vàng Danh, tôi thấy mình may mắn vì được sống và làm việc trong môi trường công nghiệp hiện đại, kỷ luật, đoàn kết. Trong môi trường khắc nghiệt dưới lò sâu, những người thợ luôn phải thể hiện bản lĩnh, ý chí quyết tâm vượt qua mọi khó khăn, thử thách để tập trung hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi luôn ghi nhớ, yếu tố an toàn phải được đặt lên hàng đầu trong hầm lò, bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể dẫn đến những tai nạn nghiêm trọng về người, thiệt hại hàng tỷ đồng của nhà nước.

Tôi luôn ý thức rèn luyện về thể lực để vượt lên chính mình mỗi ngày. Cùng với đó, mỗi năm, tôi đều có ít nhất một sáng kiến cải tiến kỹ thuật, phục vụ cho sản xuất. Mừng nhất là tổ sản xuất do tôi làm tổ trưởng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của lãnh đạo đơn vị giao. Nhờ được đầu tư máy móc thiết bị mới, ứng dụng công nghệ tiên tiến cũng như liên tục áp dụng những sáng kiến cải tiến kỹ thuật ngay trong thực tiễn sản xuất, 4 năm gần đây, sản lượng khai thác than nguyên khai của tổ đã đạt gần 123 nghìn tấn, đảm bảo an toàn tuyệt đối; thu nhập bình quân của công nhân trong tổ đạt 15,6 triệu đồng/người/tháng, vượt 5% so với thu nhập bình quân của đơn vị. Bản thân tôi cũng nằm trong tốp thợ lò có thu nhập cao của Công ty.

Nghề mỏ đã cho thu nhập tốt, cuộc sống ổn định, kinh tế vững vàng và niềm vui, niềm hạnh phúc trong lao động. Quá trình công tác của mình, tôi đã được Công ty, Tập đoàn và tỉnh nhiều lần ghi nhận và khen thưởng. Đặc biệt, tôi được Tỉnh uỷ tặng Bằng khen vì những thành tích xuất sắc đạt được trong thực hiện Chỉ thị 05 ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2016-2021.

Tôi là người dân tộc Dao, sinh ra và lớn lên ở mảnh đất Đầm Hà thân thuộc, chỉ biết đến với nghề làm ruộng và đi biển. Từ bé, được cha mẹ cho đi học, qua những trang sách học tại nhà trường, tôi biết đến một nghề giàu truyền thống, cái nôi của giai cấp công nhân ở quê hương Vùng mỏ anh hùng, đó là ngành khai thác, chế biến than. Từ đó khiến tôi ấp ủ, ước mơ, lớn lên sẽ làm người thợ mỏ, để khai thác, sản xuất ra những tấn vàng đen cho Tổ quốc.

Và niềm mơ ước đó với tôi đã thành hiện thực, chỉ sau 2 năm tham gia học tập, rèn luyện tại Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam, năm 2008 tôi chính thức trở thành công nhân ngành Than. Công việc chính của tôi là thợ đào lò, trực tiếp lao động, sản xuất trong hầm lò trong khoảng thời gian 8 tiếng/ngày. Với những người chưa từng vào hầm lò, ai cũng nghĩ rằng, đây là một công việc có điều kiện làm việc khó khăn, vất vả với nhiều hiểm nguy luôn tiềm ẩn. Nhưng với tôi, đây là cái nghề khiến tôi trân quý, mỗi ngày vào lò với tôi đó là một ngày vui. Niềm vui ấy luôn được vun đắp, làm động lực cho tôi cùng các anh em trong đội sản xuất vượt qua những gian nan, vất vả khi phải làm việc, lao động dưới hầm lò sâu đến mức -300m so với mực nước biển.

Anh Phùn A Nhì được lãnh đạo Công ty tranh danh hiệu Người thợ mỏ - Người chiến sĩ, quý I/2021.

Tôi nhớ trước đây, khi nghe các bậc cha anh đi trước từng kể, để khai thác được một tấn than nguyên khai trong hầm lò là cả một quá trình vất vả của rất đông công nhân lao động. Còn hiện nay, ở Công ty CP Than Núi Béo nói riêng và các công ty trong Tập đoàn nói chung đã khác nhiều lắm rồi. Các đơn vị đều đầu tư thiết bị, máy móc hiện đại hỗ trợ tối đa cho người lao động. Công ty cũng đã thay đổi sản xuất từ khai thác lộ thiên sang khai thác hầm lò. Các đường lò được đầu tư mở rộng, với đầy đủ ánh sáng đèn điện, không khí thoáng mát, kết hợp với thiết bị vận tải hầm lò giúp công nhân thợ lò như chúng tôi xuống tận các điểm sâu khai thác dễ dàng, thuận tiện hơn mà không phải tốn nhiều công sức, người thợ chúng tôi chỉ cần vài người đảm nhiệm ở từng bộ phận cụ thể là có thể điều khiển, vận hành cả một dây chuyền khai thác than dưới hầm lò sâu, cho ra lò cả nghìn tấn than trong một ca lao động. Đặc biệt, với kinh nghiệm lâu năm của mình, tôi đã đề xuất lãnh đạo giải pháp lắp đặt máng cào SGB420 thay thế cho băng tải B800 số 2 để vận hành than qua ngã tư lò dọc vỉa vận tải lò chợ 11102. Điều này đã tạo điều kiện thuận lợi cho công nhân trong quá trình vận chuyển than, vật tư và thiết bị phục vụ sản xuất.

Mỗi một đường lò, thiết bị bảo hộ, thiết bị khai thác với tôi giờ đây đều trở nên thân thuộc, như chính ngôi nhà và người thân trong gia đình, giúp tôi luôn tin yêu và vững tin trong từng ca lao động, sản xuất.

Tôi không phải người quê hương Quảng Ninh, nhưng với tôi đây là quê hương thứ 2 của mình, bởi đã níu giữ, đùm bọc, tiếp lửa cho tôi để tôi có được công việc, cuộc sống như ngày hôm nay. Tôi xuất thân từ vùng quê Ninh Giang (Hải Dương), cuộc sống thời bấy giờ luôn lam lũ, vất vả, quanh năm chỉ lo vào đồng ruộng, được anh trai cho ra Quảng Ninh và như một cái duyên, tôi đã tham gia theo học tại Trường Cao đẳng nghề Than - Khoáng sản Việt Nam.

Tôi rất đỗi và tự hào khi được tham gia công tác, lao động tại Công ty CP Than Đèo Nai, đơn vị ngành Than có mỏ than duy nhất được Bác Hồ về thăm vào ngày 30/3/1959. Bác đã dành nhiều thời gian nói chuyện với cán bộ, công nhân công trường khai thác than Đèo Nai và động viên, khích lệ mọi người đoàn kết, nỗ lực sản xuất than nhiều hơn. Điều đó đã tạo động lực cho lớp lớp thế hệ công nhân ngành Than nói chung và Công ty CP Than Đèo Nai nói riêng luôn đoàn kết, hăng say lao động sản xuất trong bất kỳ mọi hoàn cảnh nào.

Anh Bùi Hữu Trạm bên cạnh máy khoan DML - một trong những thiết bị tiên tiến, hiện đại trong khai thác than lộ thiên.

Qua hơn 30 năm công tác, đến nay đã bước sang tuổi 54 nhưng tôi vẫn luôn đam mê với công việc mà mình đã lựa chọn. Hiện tại tôi đang đảm nhận Tổ trưởng Tổ máy khoan DML và trực tiếp vận hành khoan xoay cầu, một trong những thiết bị có công nghệ hiện đại, tiên tiến trong khai thác than lộ thiên. Trước đây, khi chưa có hệ thống máy khoan này, công việc khoan, đào thăm dò, khai thác than của đơn vị cực kỳ vất vả, tốn nhiều thời gian. Nhưng nay với việc làm chủ các công nghệ, thiết bị tiên tiến, hiện đại, Công ty CP Than Đèo Nai đã từng bước khẳng định là đơn vị dẫn đầu ngành Than về sản lượng khai thác than hàng năm.

Tổ máy khoan DML của chúng tôi hiện nay có 8 người, trực tiếp tham gia công việc khoan theo hộ chiếu thiết kế kỹ thuật của công ty. Công việc này tuy không vất vả như những người lao động trực tiếp trong hầm lò sâu nhưng cần phải có kinh nghiệm và thông minh xử lý những mũi khoan khi đã được cắm sâu trong lòng đất. Thường thì các mũi khoan có đường kính 230mm, được khoan sâu vào lòng đất từ 5-7m, thậm chí có mũi sâu tận đến 22m. Do mũi khoan nằm sâu trong lòng đất nên chúng ta không thể quan sát thấy mũi khoan đang khoan vào tầng địa chất nào nên rất cần những người thợ có nhiều kinh nghiệm để đưa ra biện pháp xử lý phù hợp nhằm tiết kiệm thời gian lao động, chi phí cho công ty.

Ngày 30/3/1959, Bác Hồ thăm Công trường khai thác than mỏ Đèo Nai (TP Cẩm Phả). Ảnh tư liệu.

Qua quá trình công tác tại Công ty CP Than Đèo Nai, tôi luôn nhận được sự quan tâm, dìu dắt, hỗ trợ của những người đi trước và các đồng chí lãnh đạo công ty, từ đó đã giúp tôi làm chủ công nghệ, thiết bị khi vận hành, khai thác một cách hiệu quả. Năm nào tôi cũng được Công ty khen thưởng và nhiều năm liền được nhận bằng, giấy khen của Tập đoàn. Đặc biệt năm 2021, tôi được đơn vị đề nghị nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ vì những thành tích đóng góp xuất sắc trong khai thác than.

Năm 2007, Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam về xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên tuyển lao động. Khi ấy, tôi là chàng trai dân tộc Sán Chỉ vừa tròn 20. Sau nhiều năm vất vả làm đủ nghề phụ giúp gia đình, tôi quyết định đăng ký học đào tạo nghề thợ lò. Lúc đó, tôi chỉ nghĩ giản đơn là có cơ hội nghề nghiệp cho bản thân, sao mình không thử. Nhưng càng về sau thì thấy, thật may mắn vì mình đã chọn lựa đúng đắn.

Năm 2012, tôi về làm việc tại Phân xưởng Đào lò 1, Công ty Than Thống Nhất rồi gắn bó cho đến nay. Trước yêu cầu phát triển, qua mỗi năm, diện khai thác của Công ty lại xuống sâu hơn. Đến nay, các đường lò đã ở mức -140. Bởi vậy mà CBCN-LĐ trong đơn vị cũng phải không ngừng học hỏi, nâng cao tay nghề, chứ không thể mãi “dậm chân tại chỗ được”.

Thợ lò Nịnh A Sềnh.

Tôi nghĩ, để làm tốt nhiệm vụ, một thợ đào lò không chỉ có sức khỏe tốt, mà phải luôn được tôi rèn về tay nghề, trí tuệ và tinh thần trong môi trường lao động khắc nghiệt nhất. Họ cũng là người luôn nhạy bén tìm ra phương pháp thi công hợp lý nhằm giảm chi phí đầu tư, đẩy nhanh tốc độ đào lò, góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất cho đơn vị.

Nhiều người hỏi tôi rằng, thợ mỏ có vất vả không? Tôi thường trả lời rằng: Nghề nào cũng có những vất vả, phải yêu nghề thì nghề mới yêu lại mình. Ít có ngành nghề nào mà người lao động được chăm sóc toàn diện như thợ mỏ: Từ nơi ăn, chốn ở đến đời sống tinh thần. Không chỉ được thưởng thức những bữa ăn tự chọn với thực đơn phong phú trên 10 món ăn, đảm bảo dưỡng chất và an toàn vệ sinh thực phẩm, giờ đây thợ mỏ còn được sống trong những chung cư cao tầng hiện đại nhiều tiện ích được lắp đặt điều hòa 2 chiều, phòng massage, câu lạc bộ thợ mỏ; được chăm chút từ bộ quần áo bảo hộ…

CBCN-LĐ Phân xưởng Khai thác 7, Công ty Than Thống Nhất trao đổi phương án sản xuất đầu ca.

Không riêng thợ mỏ, mà cả gia đình công nhân mỏ cũng luôn được các cấp quan tâm bằng những hoạt động cụ thể: Tổ chức nghỉ dưỡng cho gia đình, gặp mặt vợ thợ lò tiêu biểu, tuyên dương gia đình thợ mỏ tiêu biểu, khen thưởng cho con thợ mỏ có thành tích xuất sắc trong học tập, bố trí xe đưa công nhân về quê ăn Tết...

Và chính từ nghề thợ mỏ này đã cho tôi cuộc sống ổn định nhiều người mơ ước. Với mức thu nhập bình quân từ 25 triệu đồng/tháng, tôi đã mua được căn nhà riêng là mái ấm cho vợ và hai con tại khu Hải Sơn 2, phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả. Đây là nguồn động viên rất lớn cho tôi và những người thợ lò tiếp tục vượt qua khó khăn, hăng say lao động, cống hiến cho ngành Than.

Gọi thợ mỏ là nghề đặc biệt bởi gắn bó rồi mới thấy phải đủ bản lĩnh, quyết tâm, tâm huyết để theo đuổi bởi môi trường làm việc hầm lò không dành cho những ai ngại khó, ngại khổ, ngại gian nan. Để có thể làm việc trong môi trường sản xuất hầm lò, thợ mỏ đã phải vượt lên chính mình.

Đã 15 năm gắn bó với lò chợ, tôi chứng kiến bao sự đổi thay của mỏ. Chỉ cách đây vài năm, thợ lò đều phải sản xuất trong điều kiện lò có khí nổ cao, đường lò hẹp, diện khai thác ngày càng xuống sâu. Việc áp dụng công nghệ còn hạn chế nên để khai thác được 1 tấn than đòi hỏi tốn kém về nhân công, vật tư, vật liệu. Thế nhưng, bây giờ toàn bộ các lò chợ chống gỗ nay đã được thay thế bằng lò chợ chống giữa bằng giá thủy lực di động ZHF/1600/16/24 giúp tiết kiệm thời gian, thuận lợi trong vận chuyển giá khung (giá xích), an toàn lao động. Vấn đề thông gió trong hầm lò là một trong những ưu tiên hàng đầu, những năm qua, Công ty đã sử dụng các trạm quạt gió chính +120, +45, +69 để thông gió trong hầm lò. Rất nhiều hệ thống tự động khác được áp dụng như: Hệ thống monoray vận chuyển vật tư trong lò; trạm bơm nước bể 3.000m3, bơm nước sinh hoạt, bơm nước môi trường và tự động hóa các trạm nén khí; máy đánh đáy xe goòng; hệ thống quan trắc khí mỏ và trạm quan trắc tự động…

Công nhân Công ty Than Mạo Khê khai thác than trong lò chợ.

Thông qua chương trình hành động “3 hóa” (cơ giới hóa, tự động hóa, tin học hóa), điều kiện làm việc của thợ lò đã được cải thiện rất nhiều. Giờ đây, mỏ Mạo Khê đang dần mang dáng hình “mỏ xanh, mỏ hiện đại, mỏ ít người”. Trước sự thay đổi không ngừng của mỏ khiến mỗi người thợ như tôi cũng không ngừng thích ứng, đổi mới, sáng tạo đưa ra những sáng kiến cải tiến kỹ thuật. Tôi cũng đã đề xuất một số sáng kiến như: Tách nước lò chợ, đẩy vật tư bằng motoray, bảo dưỡng chi tiết giá bị hỏng ngay tại lò chợ khai thác... Những đóng góp của tôi cũng đã được ghi nhận. Trong đó, tôi đã vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng Ba. Đó là phần thưởng cao quý nhắc nhớ tôi rằng, dù là nghề nào nếu mình biết cố gắng, nỗ lực phấn đấu thì đều có thể kết trái ngọt.

Dù trước đây hay bây giờ thì nghề mỏ luôn đòi hỏi những người thợ có kỷ luật, trách nhiệm, đoàn kết cao bởi chỉ một sơ suất nhỏ cũng có thể gây ra nguy cơ mất an toàn. Có lẽ vì thế mà từ xưa tới nay tinh thần “Kỷ luật và đồng tâm” của người thợ mỏ vẫn luôn được hun đúc, tiếp nối và phát huy. Nhờ đó, người thợ mỏ vẫn luôn kiên định trước mọi khó khăn, vất vả và cả sự nguy hiểm. Tôi mong rằng những người thợ mỏ sẽ tiếp tục được quan tâm hơn nữa, nhất là sau khi về nghỉ hưu theo chế độ.

Mặc dù không có bố mẹ làm ở ngành Than song nhà tôi ở xã Thượng Yên Công, TP Uông Bí lại nằm gần Công ty Than Nam Mẫu. Hình ảnh người thợ lò, đường lò, xe than... đã ăn sâu vào trong ký ức trong suốt những năm tháng tuổi thơ của tôi. Có lẽ vì thế, sau khi học xong cấp III, tôi đã đăng ký học tại trường Cao đẳng Nghề mỏ hữu nghị Việt Xô rồi trở thành thợ lò của Than Nam Mẫu từ năm 2011.

Thợ lò Trần Văn Tiến, Phân xưởng Khai thác 11, Công ty Than Nam Mẫu.

Trong những năm qua, Than Nam Mẫu là mỏ tiên phong nghiên cứu, ứng dụng và đưa vào ứng dụng máy xúc lò chợ đã mở ra một hướng cơ giới hóa mới cho công tác bốc xúc vận tải than. Việc đưa các thiết bị trên vào sản xuất đã tăng tốc độ đào lò so với công nghệ khoan, xúc thủ công truyền thống; tăng năng suất lao động, cải thiện điều kiện làm việc và mức độ an toàn cho sản xuất cho người lao động, giảm chi phí đào lò. Từ công nghệ khai thác lò chợ dây diều chống gỗ năng suất thấp, đến nay, các diện sản xuất của Nam Mẫu đã được thay thế bằng 100% công nghệ giá khung năng suất lao động cao. Sản lượng khai thác than cũng tăng hơn 10 lần. Không chỉ tiên phong trong ứng dụng công nghệ vào sản xuất, Nam Mẫu còn tích cực cải tiến máy móc cho phù hợp với điều kiện thực tế như: Máy khoan xúc đa năng CMZY2 -100/10 kết hợp cầu truyền tải cải tiến, tầu điện và goòng; xe khoan ME-01-DE; xe khoan thử nghiệm ZCY; máy xúc ML-01-0,3... Mục tiêu của mỏ là cơ giới hóa tối đa các khâu của dây chuyền sản xuất, hướng tới xây dựng mỏ hầm lò thông minh.

Nghề mỏ là nghề đặc thù nên người thợ lò luôn dành được sự quan tâm hơn cả từ chăm lo đời sống đến thu nhập mà ít ngành nghề nào có được. Trước đây, thu nhập của công nhân lò như tôi chỉ được 5-6 triệu đồng/tháng nay đã ở mức 25-30 triệu đồng/tháng. Thế nhưng, bất cứ nghề nào cũng vậy để gắn bó với nghề vẫn luôn cần sự nỗ lực, tâm huyết, tình yêu.

Công ty Than Nam Mẫu đưa các loại máy khoan xúc đa năng, máy xúc gầu ngược ZWY, máy xúc mini ML-001-0,15 vào đào lò.

Sự thay đổi không ngừng của mỏ khiến mỗi người thợ phải cần cù, chăm chỉ, chịu khó. Môi trường làm việc cùng sự động viên của lãnh đạo phân xưởng và Công ty không chỉ giúp bản thân trưởng thành, mà còn cho tôi những thành tích. Tôi đã trở thành thợ giỏi xuất sắc cấp Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), rồi đạt danh hiệu thợ trẻ lao động giỏi, thu nhập cao khi mới 24 tuổi. Tiếp đến là tài năng trẻ Đoàn Than Quảng Ninh, Chiến sỹ Thi đua Bộ Công Thương,… Những thành công này đã tiếp thêm cho tôi động lực tiếp tục theo học Đại học tại chức chuyên ngành khai thác. Bằng những kiến thức được học, tôi đã tiếp tục phát huy tinh thần lao động sáng tạo, cải tiến hợp lý hóa sản xuất, góp phần cùng phân xưởng hoàn thành mọi chỉ tiêu kế hoạch được giao.

Thực hiện: Hồng Nhung - Mạnh Trường - Cao Quỳnh

Kỹ thuật đồ họa: Hải Anh


Máu thịt của Quảng Ninh
Vùng đất vàng đen của Tổ quốc, có một mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhau giữa ngành kinh tế và hệ thống chính trị, là “Than với Quảng Ninh, Quảng Ninh với Than”. Lớp lớp thế hệ những người thợ mỏ là máu thịt của nhân dân Quảng Ninh!  
   
"Tiếng than rơi là nhịp đập trái tim tôi"
85 năm qua, truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" đã được lớp lớp thợ mỏ tiếp tục phát huy, kết hợp sức mạnh thời đại để vượt qua mọi khó khăn, đưa ngành than phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
   
Người thợ mỏ -Người chiến sĩ
Từ những chiến sĩ Binh đoàn Than năm xưa, đến những người thợ mỏ ngày nay, dù ở tầng than cao hay dưới đường lò sâu, ở mặt trận nào, họ đều mang “tinh thần thép” của người thợ mỏ - người chiến sĩ, luôn đoàn kết, kiên trung, tràn đầy tình đồng đội, tình yêu Tổ quốc  
   
Mạch nguồn sáng tác không vơi cạn…
Người thợ mỏ đã đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ… từ chính cuộc sống cần lao của mình, từ sự thăng hoa về cảm xúc của các văn nghệ sĩ, mà trong số đó không ít người vốn sống với than và đi lên từ than…   
   
Nơi dấu chân cha in những đường lò
Ở Quảng Ninh, nghề thợ mỏ vẫn được nói vui là nghề ''cha truyền con nối''. Và dẫu vẫn biết đây là nghề còn nhiều lắm những nhọc nhằn, gian nan nhưng con vẫn theo bước cha để lên tầng cao và xuống dưới hầm sâu, khơi thông dòng suối than cho Tổ quốc đẹp giàu…