Tất cả chuyên mục

Trong xu thế phát triển nói chung, việc các doanh nghiệp nông nghiệp đầu tư, áp dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất đã khẳng định mang lại nhiều tác dụng. Không ít doanh nghiệp nông nghiệp ở Quảng Ninh thời gian qua đã gặt hái thành công thông qua việc đổi mới công nghệ.
Tháng 1 vừa qua, một tin vui đến với nông sản Quảng Ninh, đó là sản phẩm trà hoa vàng Ba Chẽ của Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh đã được trung ương chứng nhận là sản phẩm OCOP 5 sao quốc gia. Trà hoa vàng Ba Chẽ được biết đến là thức trà mang tinh chất đặc biệt tốt cho sức khoẻ con người. Hiện nay, bông trà được Công ty Đạp Thanh sấy thăng hoa, công nghệ sấy nông sản hiện đại nhất hiện nay, khiến cho chất lượng, thương hiệu trà hoa vàng Ba Chẽ càng được khẳng định. Ông Nịnh Văn Trắng, Giám đốc Công ty CP Kinh doanh lâm sản Đạp Thanh, cho biết: Với công nghệ sấy thăng hoa, bông trà khô trông không khác bông trà còn tươi nguyên trên cây lá, trong khi đó giữ được 97% về màu sắc, hình dáng và giữ được 99% về tinh chất tự nhiên, hoàn toàn khắc phục được những nhược điểm của sấy thủ công trước đây là bông hoa bị gãy vụn, đổi màu, dễ mốc…
Cùng sử dụng công nghệ sấy thăng hoa để nâng cao chất lượng nông sản còn có Công ty TNHH Phương Thuỳ có trụ sở ở phường Bắc Sơn (TP Uông Bí). Tham gia vào lĩnh vực sản xuất và chế biến sản phẩm nấm đông trùng hạ thảo khá muộn so với mặt bằng chung của tỉnh, Phương Thuỳ xác định lấy khoa học công nghệ để tăng tốc, nhằm rút ngắn khoảng cách đối với những đơn vị đi trước. Bà Nguyễn Thị Mai Phương, Giám đốc Công ty TNHH Phương Thuỳ, bày tỏ: Những bước đi trong lộ trình ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất của Phương Thùy là nhận chuyển giao công nghệ phôi nấm của Bộ NN&MT để về ương dưỡng thay vì tự mình nuôi cấy phôi nấm; sử dụng công nghệ nhà lạnh để trồng, chăm sóc cây nấm, qua đó làm chủ được các yếu tố nhiệt độ, độ ẩm, ánh sáng và mầm bệnh. Hiện nay, đơn vị sử dụng công nghệ sấy thăng hoa để cây nấm sau sấy vẫn tươi ngon, giàu tinh chất nhất. Nhờ khoa học công nghệ, hiện Phương Thuỳ có gần 20 loại sản phẩm đông trùng hạ thảo tinh chế, được thị trường chấp nhận, tiêu dùng với số lượng lớn, giúp doanh nghiệp phát triển.
Trên địa bàn Quảng Ninh, nghề làm nước mắm truyền thống đã phát triển từ nhiều năm qua nhờ vào lợi thế nguồn thuỷ hải sản khai thác dồi dào. Tiếp tục đầu tư sâu cho nước mắm truyền thống, Công ty TNHH Sản xuất thương mại Dáng Phương (phường Trà Cổ, TP Móng Cái) là đơn vị tiên phong chuyển đổi từ công nghệ ủ chượp trong chum và để ở ngoài trời, sang công nghệ ủ chượp trong thùng sồi và để trong nhà. Ông Nguyễn Văn Phương, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại Dáng Phương, cho biết: Mỗi thùng sồi có thể chứa 15 tấn cá. Trải qua quá trình nén, lọc và phơi mắm liên tục khoảng 18-24 tháng, Dáng Phương thu khoảng 4.000 lít nước mắm thành phẩm…
Được biết, ưu thế của công nghệ sản xuất nước mắm thùng sồi là việc giữ nhiệt độ ổn định trong cả mùa đông và mùa hè, kích thích quá trình lên men vi sinh và quá trình phân giải hoá học, vốn là điều kiện tiên quyết để hình thành loại nước mắm đạt chuẩn mang màu cánh rán và thơm vị truyền thống. Bên cạnh đó, công nghệ sản xuất nước mắm thùng sồi còn giữ được môi trường sản xuất hoàn toàn sạch sẽ, không phát sinh mùi, không phát sinh côn trùng như quy trình sản xuất nước mắm theo công nghệ thủ công thông thường.
Ở Công ty F-ONE Global Foods có trụ sở đặt tại phường An Sinh (TP Đông Triều), với mục tiêu khai thác tối đa và đạt hiệu quả cao nhất nguồn nông sản bản địa, ngay từ ban đầu, Công ty F-ONE Global Foods đã trang bị cho mình hệ thống nhà xưởng đồng bộ, thiết bị máy móc hiện đại và công nghệ chế biến khép kín, tự động hoá. Hiện các thiết bị hiện đại của F-ONE như hệ thống bếp chiên, rán công nghiệp tự động, công nghệ làm đông và làm mát nhanh, công nghệ trộn nhúng thành phẩm định hình, công nghệ soi lỗi, dò dị vật của châu Âu...
Ông Yang Jin Han, Giám đốc kỹ thuật Công ty F-ONE Global Foods, cho biết: Hiện F-ONE Global Foods đang có khoảng 50 loại bánh được chế biến từ ớt, khoai lang, rau củ, mè, kim chi, hẹ, khoai tây, bí đỏ… Tới đây, đơn vị còn đầu tư thêm một nhà xưởng sản xuất với diện tích sử dụng trên 10.000m2, cùng với đó trang bị hệ thống thiết bị, công nghệ sản xuất phù hợp, tiên tiến, nhằm gia tăng sản lượng, chủng loại sản phẩm, đáp ứng nhu cầu thị trường.
Theo báo cáo của Sở NN&MT, hiện toàn tỉnh có trên dưới 1.000 doanh nghiệp, tổ chức sản xuất nông nghiệp, chế biến hoặc tiêu thụ nông sản có quy mô vừa và lớn. Phần lớn doanh nghiệp đều đã và đang tích cực đổi mới công nghệ, đầu tư thiết bị hiện đại vào sản xuất. Tính riêng ở lĩnh vực chế biến nông sản, có 22 doanh nghiệp đã đầu tư ứng dụng công nghệ tự động hoá, công nghệ đóng gói tự động, công nghệ quản lý chất lượng VSATTP… Một số doanh nghiệp có quy mô nhỏ hơn thì đi sâu vào ứng dụng công nghệ bán tự động. Riêng 9 doanh nghiệp nông nghiệp của Quảng Ninh được công nhận là doanh nghiệp khoa học công nghệ hiện đã có mối quan hệ làm ăn với nhiều nước trên toàn cầu. Việc doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, góp phần định vị giá trị kinh tế nông nghiệp Quảng Ninh trong cơ cấu kinh tế chung toàn tỉnh, định vị thương hiệu nông sản Quảng Ninh trên thị trường nông sản trong và ngoài nước.
Ý kiến ()