Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 23/11/2024 19:54 (GMT +7)
Khi lòng dân chưa thuận
Thứ 3, 10/07/2007 | 05:58:09 [GMT +7] A A
Việc hai thành phố lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh có chủ trương tăng học phí ở các trường phổ thông công lập (Hà Nội tăng học phí ở một số trường mầm non bán công), ngay lập tức đã vấp phải sự không đồng tình của các bậc phụ huynh nói riêng và dư luận nói chung. Theo đề án của các thành phố này mức tăng học phí có thể lên tới 4, 5 lần so với hiện nay. Mục đích là để nâng cao chất lượng dạy và học, nâng cấp cơ sở vật chất...
Tuy nhiên, theo phân tích của nhiều người trong đó có cả những người có trách nhiệm thì việc tăng học phí vào thời điểm giá cả đang leo thang như hiện nay là chưa thích hợp, hơn nữa nó càng tạo khoảng cách giữa người giàu và người nghèo, điều này đồng nghĩa với việc nhiều trẻ em nghèo sẽ không có cơ hội đến trường. Thậm chí có ý kiến còn cho rằng ngành Giáo dục vẫn có thể giảm học phí nếu việc quản lý nguồn kinh phí ngân sách cấp được tốt và tiết kiệm...
Do còn nhiều luồng ý kiến trái ngược nhau nên tại kỳ họp vừa qua của HĐND TP Hồ Chí Minh đã quyết định gác lại tờ trình về tăng học phí để có thời gian nghiên cứu, phản biện, lắng nghe ý kiến xã hội.
Về phía Bộ GD-ĐT cũng cho biết, hiện Bộ đang hoàn thiện dự thảo đề án học phí mới và sau khi hoàn thành sẽ công bố rộng rãi để lấy ý kiến nhân dân, sau đó sẽ hoàn chỉnh và trình Chính phủ trong quý III-2007. Chính vì vậy, Bộ chưa có chủ trương chỉ đạo các tỉnh, thành phố trong cả nước điều chỉnh học phí.
Tăng học phí là vấn đề nhạy cảm, tác động đến hầu hết các gia đình. Vì vậy nó cần được tính toán, cân nhắc kỹ và có sự bàn bạc, đóng góp ý kiến rộng rãi của người dân. Vấn đề gì cũng vậy, một khi đã được người dân đồng lòng ủng hộ thì sẽ có tác động tốt, mang lại hiệu quả cao. Ngược lại khi lòng dân chưa thuận thì dù có áp đặt, dùng mệnh lệnh cũng không mang lại kết quả. Bài học, kinh nghiệm này không chỉ dành riêng cho vấn đề tăng học phí...
Liên kết website
Ý kiến ()