
Trong những năm tháng kháng chiến chống Mỹ cứu nước, khi miền Nam đang chìm trong khói lửa chiến tranh, hàng triệu thanh niên miền Bắc đã xung phong lên đường, cống hiến tuổi xuân cho sự nghiệp giải phóng dân tộc. Những chàng trai, cô gái tuổi đôi mươi đã rời xa gia đình, quê hương, mang theo lòng yêu nước nồng nàn và khát vọng hòa bình, dấn thân vào cuộc chiến cam go, đầy hiểm nguy.

Trong những trang sử hào hùng của dân tộc, hình ảnh những người lính từng cầm súng chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mãi là biểu tượng sáng ngời của lòng dũng cảm, ý chí kiên cường. Một trong những anh hùng ấy là cựu chiến binh Đặng Triệu Khải (SN 1939, xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà).
Vừa tròn 20 tuổi, chàng thanh niên Đặng Triệu Khải lên đường nhập ngũ, đóng quân huấn luyện tại Móng Cái, Hải Hà. Đến năm 1965, khi cuộc chiến bước vào giai đoạn cam go, ông cùng đồng đội được huấn luyện gấp rút để trở thành bộ đội chủ lực tiến vào chiến trường miền Nam. Trong lòng người lính trẻ khi ấy chỉ có một ý nghĩ duy nhất là dốc hết sức mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc.
Dũng sĩ diệt Mỹ Đặng Triệu Khải (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà).
Dũng sĩ diệt Mỹ Đặng Triệu Khải (xã Đầm Hà, huyện Đầm Hà).
Bước chân vào chiến trường khốc liệt, Đặng Triệu Khải được biên chế vào Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 1, Sư đoàn 324, Quân đoàn 2 (nay thuộc Quân khu 4). Những tháng ngày hành quân xuyên rừng Trường Sơn, đối mặt với muôn vàn gian khổ, ông cùng đồng đội đã làm nên những chiến công hiển hách. Ông trực tiếp tham gia nhiều trận đánh lớn: Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh, chiến dịch Tết Mậu Thân 1968, đến chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào, chiến dịch Trị Thiên-Huế, chiến dịch Hồ Chí Minh...
Đặc biệt, trong chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào năm 1971, ông được giao chỉ huy một trung đoàn chiến đấu tại điểm cao 550 – nơi diễn ra trận quyết chiến với Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến Việt Nam Cộng hoà. Suốt 5 ngày đêm, địch dùng mọi loại vũ khí đánh phá dữ dội, biến rừng xanh thành vùng đất đỏ trơ trụi. Giữa vòng vây quân thù, ông và đồng đội vẫn kiên cường bám trụ. Trong lúc giằng co ác liệt, ông bị máy bay địch bao vây, giăng lưới hòng bắt sống. Không chút nao núng, bằng sự mưu trí và lòng quả cảm, ông đã một mình chiến đấu, bắn rơi một máy bay Mỹ ngay trên trận địa. Tại trận chiến điểm cao 550, quân ta bắn rơi 5 máy bay lên thẳng và 1 đại đội địch.
Nhớ lại những giây phút ấy, ông Khải chia sẻ: "Giữa lằn ranh sống chết, điều duy nhất tôi nghĩ đến là không thể để bị đánh bại, không thể để quân thù giẫm lên mảnh đất thiêng liêng của Tổ quốc. Chúng tôi đã chiến đấu đến giây phút cuối cùng với niềm tin tất thắng".
Đêm 22/3/1971, sau 5 ngày vây hãm, quân ta tổng tiến công dữ dội, đánh thiệt hại nặng Lữ đoàn 147 thủy quân lục chiến của địch. Sau hơn 50 ngày đêm (từ ngày 30/1–23/3/1971), chiến dịch phản công Đường 9 - Nam Lào của quân và dân ta giành toàn thắng, giáng một đòn chí mạng vào lực lượng dự bị chiến lược của địch, tiêu diệt gọn nhiều đơn vị tinh nhuệ.
Với những chiến công vang dội, ông Đặng Triệu Khải được phong tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt máy bay" và “Dũng sĩ diệt Mỹ”, cùng nhiều huân chương cao quý.
Với những chiến công vang dội, ông Đặng Triệu Khải được phong tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt máy bay" và “Dũng sĩ diệt Mỹ”, cùng nhiều huân chương cao quý.
Sau đó, ông tiếp tục cùng đồng đội chiến đấu trên chiến trường Trị Thiên-Huế, với chiến dịch Xuân - Hè 1972 tại Quảng Trị là một trong những trận đánh ác liệt nhất. Những thắng lợi ấy đã mở ra cục diện mới, buộc Mỹ và chính quyền Sài Gòn ký Hiệp định Pa-ri, chấm dứt chiến tranh ở Việt Nam. Đến mùa xuân 1975, đơn vị ông tham gia giải phóng Huế - Đà Nẵng. Ngày 30/4/1975, ông và đồng đội tiến vào Sài Gòn nhưng bị bom ngạt của địch cản trở. 2 ngày sau, đơn vị ông vào được thành phố, sau đó lên Tây Nguyên để truy quét tàn dư chống phá cách mạng. Đến năm 1976, ông xuất ngũ trở về quê hương.
Với những chiến công và thành tích lập được, ông Đặng Triệu Khải được phong tặng danh hiệu "Dũng sĩ diệt máy bay" và “Dũng sĩ diệt Mỹ” trong chiến dịch Đường 9 - Nam Lào năm 1971. Đồng thời, ông cùng được trao nhiều huân chương cao quý, như: Huân chương Chiến sĩ Giải phóng hạng 3 (1974) và hạng 2 (1975), Huân chương Chiến công Giải phóng hạng 3 (1975) và Huân chương Kháng chiến hạng Nhất do Chủ tịch nước trao tặng năm 1999.
Hơn nửa thế kỷ đã trôi qua, nhưng những ký ức về một thời máu lửa vẫn in đậm trong tâm trí người cựu chiến binh. Nhắc lại những ngày tháng oai hùng ấy, đôi mắt ông ánh lên niềm tự hào. "Dù thời gian có trôi qua, nhưng với tôi, tinh thần chiến đấu, lòng yêu nước vẫn vẹn nguyên như thuở nào”, ông Đặng Triệu Khải xúc động nói.

Những năm tháng đất nước còn chia cắt, khi tiếng gọi của Tổ quốc vang lên, những chàng trai trẻ không ngần ngại lên đường chiến đấu vì độc lập, tự do. Trong đoàn quân xung phong ấy, cựu chiến binh Đào Hồng Ngọc (trú tại khu 5, phường Trần Hưng Đạo, TP Hạ Long) là một trong những người lính dũng cảm đã đi qua những trận chiến khốc liệt.
Sinh năm 1949 tại Hải Dương, ông Đào Hồng Ngọc lớn lên giữa thời kỳ đất nước đang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1967, vừa tròn 18 tuổi, ông gia nhập quân đội, trở thành chiến sĩ của Đại đội 1, Tiểu đoàn 7, Trung đoàn 3, Quân khu 7. Không chút do dự khi được gọi tên, ông cùng đồng đội lên đường vào Nam, mang theo nhiệt huyết và ý chí kiên cường.
Cựu chiến binh Đào Hồng Ngọc xem lại tấm ảnh chụp cùng đồng đội đã được ông phục dựng.
Cựu chiến binh Đào Hồng Ngọc xem lại tấm ảnh chụp cùng đồng đội đã được ông phục dựng.
Hành trình vào chiến trường gian khổ và kéo dài suốt 6 tháng, băng qua dãy Trường Sơn đầy hiểm nguy. Khi đặt chân tới Sài Gòn, chiến sự diễn biến căng thẳng, quân Mỹ tăng cường lực lượng kiểm soát, buộc đơn vị của ông phải lui về miền Đông Nam Bộ củng cố lực lượng. Từ đây, ông Ngọc cùng đồng đội tiến vào Tây Ninh, chuẩn bị cho chiến dịch Mậu Thân 1968 – một trong những trận đánh khốc liệt nhất của Sư đoàn 9. “Sau chiến dịch Mậu Thân, Đại đội 1 của chúng tôi từ 100 người chỉ còn lại 36. Mất mát quá lớn, nhưng chúng tôi vẫn kiên cường chiến đấu đến cùng” - ông Ngọc xúc động nhớ lại.
Sau chiến dịch Mậu Thân, ông Ngọc cùng đồng đội tham gia đánh địch ở mặt trận miền Tây Nam Bộ. Trong đó, trận chiến tại Chi khu Bến Sỏi (Tây Ninh) là một ký ức không thể quên. Đây là vị trí chiến lược quan trọng, nơi địch tập trung lực lượng mạnh để bảo vệ tuyến đường huyết mạch từ Campuchia vào miền Nam nước ta.
Những chiến lợi phẩm thu được của địch ngày 30/4/1975 được ông Ngọc lưu giữ.
Những chiến lợi phẩm thu được của địch ngày 30/4/1975 được ông Ngọc lưu giữ.
Chi khu Bến Sỏi có khoảng 5 đại đội ngụy quân với hệ thống phòng thủ kiên cố. Địch lập nhiều hàng rào dây thép gai, bố trí lô cốt, hầm ngầm và kiểm soát chặt chẽ khu vực. Đại đội 1 của ông Ngọc được giao nhiệm vụ nhử địch ra khỏi vị trí để quân chủ lực tấn công. Ngày 10/3/1969, quân ta mở các trận đánh liên tiếp, tiêu diệt 3 đại đội địch, nhưng cũng chịu tổn thất nặng nề. Ông Ngọc bị thương nặng ở lưng và ngực, được đưa đi điều trị rồi tiếp tục trở lại chiến trường.
Ông Ngọc chia sẻ: “Trận đánh tại Chi khu Bến Sỏi là một cuộc chiến không cân sức. Ban đầu, Đại đội 1 của tôi có 100 chiến sĩ tinh nhuệ, nhưng sau trận chiến dữ dội, chỉ còn lại 7 người trụ vững. Dù hiểm nguy, nhưng chúng tôi đã chiến đấu đến cùng, không ai chùn bước. Những người ngã xuống hôm đó là những người anh hùng mà tôi mãi mãi ghi nhớ”.
Những kỷ niệm chương của cựu chiến binh Đào Hồng Ngọc.
Những kỷ niệm chương của cựu chiến binh Đào Hồng Ngọc.
Từ năm 1971, ông Ngọc được cử đi học y tá, dược sĩ để chăm sóc thương bệnh binh. Trong thời gian này, ông Ngọc đã nhanh chóng nắm được kỹ thuật dùng nước dừa làm dịch truyền cho thương binh trong các ca phẫu thuật. Theo ông Ngọc, việc chọn được các quả dừa tốt, không già, không non quá, có cùi dừa mềm thường phải là người có kinh nghiệm tốt. Nhờ kỹ thuật này, ông Ngọc đã góp phần cứu sống nhiều đồng đội trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Bởi thời điểm này đang trong các cuộc chiến đấu ác liệt ở miền Nam, thương binh nhiều, khó khăn mọi bề, nhất là về thuốc, vật tư y tế, dịch truyền, vì địch kiểm soát nghiêm ngặt.
Cuối tháng 4/1975, ông Ngọc thuộc Đại đội 6, Tiểu đoàn 8, Trung đoàn 2, Quân khu 9, cùng đơn vị nhận nhiệm vụ giải phóng TP Cần Thơ, nơi được xem là trung tâm trọng yếu của Vùng 4 chiến thuật. Cựu chiến binh Đào Hồng Ngọc kể: “Lực lượng địch ở Cần Thơ còn khá mạnh, chưa chịu tổn thất nhiều. Khi chúng tôi trinh sát, phát hiện địch đã rút phần lớn, nhưng vẫn cài mìn và mai phục nhằm tiêu diệt quân giải phóng. Bằng sự mưu trí, chúng tôi lần lượt phá hủy các bẫy mìn, vô hiệu hóa lực lượng địch. Đến trưa ngày 30/4/1975, nhận được tin Sài Gòn giải phóng, chúng tôi tiếp quản Đài Phát thanh Cần Thơ và chính thức giải phóng thành phố lúc 18h30 cùng ngày. Khoảnh khắc đất nước thống nhất, chúng tôi vỡ òa trong niềm vui sướng. Đó là giây phút không thể nào quên trong cuộc đời”.
Sau Hiệp định Pa-ri được ký kết (27/1/1973), cách mạng Việt Nam bước vào giai đoạn mới. Miền Bắc tiến hành hàn gắn vết thương do chiến tranh phá hoại lần thứ hai của đế quốc Mỹ để lại và thực hiện khôi phục, phát triển kinh tế trong 3 năm 1973-1975; miền Nam tiếp tục đấu tranh buộc địch thi hành Hiệp định. Từ tình hình thực tiễn cách mạng miền Nam, Đảng ta khẳng định: Nếu địch không thi hành Hiệp định Pa-ri, tiếp tục chính sách thực dân mới thì ta không có con đường nào khác là phải tiến hành chiến tranh cách mạng, dùng bạo lực vũ trang để giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Yêu cầu cấp thiết đặt ra cho miền Nam lúc này là phải tăng cường sức mạnh mọi mặt, mà trước hết là nhanh chóng bổ sung và tăng cường lực lượng quân sự. Thực tế đó đòi hỏi miền Bắc phải dốc sức chi viện cho miền Nam.
Thanh niên công ty cơ khí Cẩm Phả hăng hái đăng ký lên đường nhập ngũ. Ảnh tư liệu
Thanh niên công ty cơ khí Cẩm Phả hăng hái đăng ký lên đường nhập ngũ. Ảnh tư liệu
Nhờ sự nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh và phát triển kinh tế - xã hội của nhân dân nên kinh tế miền Bắc nhanh chóng khôi phục và phát triển, đời sống nhân dân miền Bắc được cải thiện và có điều kiện bảo đảm yêu cầu chi viện cho miền Nam để kết thúc cuộc kháng chiến chống Mỹ. Trong 3 năm (1973-1975), gần 50 vạn thanh niên miền Bắc nhập ngũ lên đường ra mặt trận. Sự tăng viện này có ý nghĩa rất lớn cho việc củng cố, phát triển khối quân chủ lực ở miền Nam.
Trong đoàn quân chi viện cho miền Nam vào tháng 1/1973 có ông Nguyễn Văn Dẫn (SN 1952, phường Đức Chính, TP Đông Triều). Trước đó 3 tháng, ông Dẫn đã trải qua khóa huấn luyện tại Trung đoàn 5, Quân khu 3 (Uông Bí). Trên chặng đường kéo dài 6 tháng, ông cùng 500 đồng đội- người Quảng Ninh, Hải Phòng vừa hành quân bộ, vừa mở đường, đối mặt với bom đạn và chất độc hóa học dioxin của kẻ thù.
Khi đến Tây Ninh, ông được biên chế vào Trung đoàn 220, đơn vị công binh, làm nhiệm vụ mở đường chống lầy cho xe quân sự từ miền Bắc tiến vào huyện Lộc Ninh (Bình Phước) nơi được coi là “Thủ đô kháng chiến” (vùng được quân ta giải phóng đầu tiên ngày 7/4/1972). Ngoài ra, ông và đồng đội còn tham gia vận chuyển tiếp tế đạn dược, xăng dầu vào vùng giải phóng, đảm bảo hậu cần cho chiến trường.
Tháng 6/1973, ông Dẫn được điều sang Đại đội 5, Tiểu đoàn 2, Trung đoàn 88, Quân khu 8, hoạt động tại tỉnh Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang). Thời điểm này, dù Hiệp định Pa-ri đã có hiệu lực thi hành nhưng quân Mỹ vẫn ngang nhiên phá hoại, dốc sức đánh chiếm vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Trong đó, chúng huy động quân đội, triển khai nhiều chiến dịch đánh vào tỉnh Mỹ Tho. Bởi đây là địa bàn chiến lược quan trọng về kinh tế và quân sự, trở thành điểm nóng của những cuộc đụng độ ác liệt giữa ta và địch. Địch tập trung lực lượng lớn, đóng quân tại các chi khu và ấp chiến lược, dồn dân vào kiểm soát. Trước tình hình đó, quân ta kiên quyết giáng trả những cuộc hành quân lấn chiếm của địch và chủ động mở các cuộc tiến công vào những căn cứ quân sự của bọn chúng, bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng.
Ông Dẫn nhớ lại: Mỗi ngày, đơn vị chúng tôi phải đối mặt với nhiều trận đánh, chống càn, xuất kích, tập kích vào các cứ điểm của địch. Cuộc chiến quả thực không cân sức, lúc này hỏa lực của địch rất mạnh, mỗi lần chúng chủ động tấn công thì đều huy động hàng trăm quân, có xe bọc thép, xe lội nước và sự yểm trợ của máy bay. Trong khi đó, đại đội của chúng tôi khi đó chỉ có 40-50 người, hỏa lực hạn chế. Nhưng dù vậy với ý chí kiên cường, chúng tôi vẫn bám trụ đến cùng.
Sau khi xuất ngũ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Dẫn đã thành lập công ty sản xuất nước uống đóng chai và hiện nay đang được giao cho con trai ông quản lý.
Sau khi xuất ngũ, cựu chiến binh Nguyễn Văn Dẫn đã thành lập công ty sản xuất nước uống đóng chai và hiện nay đang được giao cho con trai ông quản lý.
Đặc biệt, ngày 2/2/1974, ông Dẫn tham gia trận chống càn quyết liệt tại xã Mỹ Thiện, huyện Cái Bè, tỉnh Mỹ Tho. Quân địch huy động hàng trăm binh lính, xe bọc thép, xe lội nước, có sự yểm trợ của máy bay, trong khi quân ta chỉ có khoảng 40-50 người với vũ khí hạn chế. Cuộc giao tranh kéo dài cả ngày, khiến quân ta tổn thất nặng nề. Hơn chục chiến sĩ hy sinh hoặc bị thương, bản thân ông Dẫn cũng trúng mảnh đạn M79, mất một mắt, gãy răng và chịu nhiều vết thương trên mặt. Do chiến trường ác liệt, ông chỉ được điều trị sơ cứu dã chiến, liên tục di chuyển để tránh sự truy quét của địch. Đến đầu năm 1975, ông được đưa ra Bắc để dưỡng thương.
Nhớ lại những năm tháng chiến tranh, ông Dẫn trầm ngâm: “Năm 1973, xã tôi có 9 người lên đường, thì 4 người hy sinh, 5 người trở về nhưng đều mang thương tật, có người còn chịu ảnh hưởng của chất độc da cam.
Ngày hôm nay, khi đất nước đã hòa bình, những ký ức chiến tranh vẫn sống mãi trong tâm trí những cựu binh như Đặng Triệu Khải, Đào Hồng Ngọc, Nguyễn Văn Dẫn. Trong ánh mắt họ, niềm xúc động xen lẫn tự hào. Họ đã cống hiến tuổi thanh xuân, sẵn sàng đánh đổi xương máu vì một Việt Nam độc lập, tự do.
Những câu chuyện về sự hy sinh, chiến đấu của thế hệ cha anh sẽ mãi là bài học quý báu, hun đúc tinh thần yêu nước cho thế hệ mai sau. Đó không chỉ là lịch sử, mà còn là niềm tự hào, là động lực để mỗi người Việt Nam hôm nay sống xứng đáng với những gì cha ông đã đánh đổi bằng xương máu.
Thực hiện: NGUYỄN HOA
Trình bày: ĐỖ QUANG