Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 17:35 (GMT +7)
"Khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba"
Thứ 5, 07/05/2020 | 05:38:39 [GMT +7] A A
Tại phiên họp thường kỳ Chính phủ ngày 5/5, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Với trách nhiệm trước Đảng, trước dân, chúng ta không thể chấp nhận tăng trưởng kinh tế ở mức 2,7% như Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) dự báo mà phải tăng trưởng gấp đôi mức này. Khó khăn gấp đôi thì phải cố gắng gấp ba, chung sức đồng lòng trên mặt trận sản xuất kinh doanh và phòng ngừa dịch bệnh. Một tinh thần quyết tâm vượt khó khăn trên mặt trận kinh tế - xã hội, trọng tâm là phục hồi ngay sản xuất kinh doanh, khẩn trương chuẩn bị các điều kiện cần thiết, thúc đẩy nền kinh tế bật dậy, phát triển mạnh sau dịch. Đây là thời điểm “vàng” để chúng ta phát triển các ngành kinh tế dịch vụ của đất nước.
Gần 4 tháng chiến đấu với dịch Covid-19, kinh nghiệm rút ra là chúng ta đã chọn được những thời điểm “vàng” để có các đấu pháp chiến thắng dịch bệnh trong từng giai đoạn. Đối mặt với dịch bệnh là như vậy, giờ là đối mặt với những khó khăn, thách thức để khôi phục, làm bật dậy nền kinh tế sau dịch cũng đang cần những đối sách chiến lược. Như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, nhiệm vụ cấp bách hiện nay là, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, đặc biệt là thúc đẩy các dự án lớn, trong đó có 37.000 tỷ đồng vốn đầu tư công của Bộ Giao thông - Vận tải, tạo lực cầu lớn cho nền kinh tế. Thúc đẩy thu hút FDI và đầu tư tư nhân, đẩy mạnh xuất khẩu, giải ngân vốn đầu tư công, thúc đẩy tiêu dùng nội địa… Trong đó vai trò của người dân và doanh nghiệp làm nền tảng để thúc đẩy sự phát triển.
Khó khăn do dịch bệnh tác động khiến nhiều ngành bị trễ nhịp tăng trưởng, nhất là các ngành du lịch, dịch vụ và theo dự báo của các chuyên gia thì trong thời gian tới các ngành này vẫn còn tiếp tục gặp nhiều khó khăn, khả năng hồi phục sẽ rất chậm nếu như các giải pháp kích cầu không được triển khai thực hiện một cách đồng bộ, quyết liệt. Thời gian này các địa phương, các ngành kinh tế đều đã khởi động các giải pháp để kích cầu nền kinh tế sau dịch, trong đó tại Quảng Ninh ưu tiên hàng đầu thời gian này là hỗ trợ cho ngành du lịch, dịch vụ hồi phục.
Theo đó, kịch bản kích cầu du lịch đã được kích hoạt, hàng loạt các hoạt động đã sẵn sàng chào đón mùa du lịch hè 2020, các doanh nghiệp lữ hành được hỗ trợ để khởi động lại các tour, tuyến du lịch, trọng tâm khai thác tour, tuyến phục vụ khách trong nước; các hoạt động quảng bá, đưa các sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn vào hoạt động được chỉ đạo thực hiện đồng bộ trong toàn hệ thống chính trị. Để kích cầu nền kinh tế hiệu quả, tỉnh sẽ đẩy nhanh việc giải quyết thủ tục hành chính cho doanh nghiệp; tăng cường vào cuộc tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ lập các quy hoạch xây dựng, quy hoạch phân khu, tạo điều kiện thuận lợi thu hút nhà đầu tư phát triển các dự án; đôn đốc các nhà đầu tư triển khai các dự án trên địa bàn tỉnh, nhất là tại Vân Đồn và Móng Cái; chuẩn bị cho xúc tiến đầu tư các doanh nghiệp Nhật Bản, Hàn Quốc; đẩy nhanh tiến độ các dự án về KCN, KKT như dự án Amata tại Quảng Yên, công nghệ chế biến, chế tạo, lắp ráp tại KCN Việt Hưng…
Kéo lại nhịp sản xuất, đà tăng trưởng của các ngành kinh tế sau 4 tháng chững lại do dịch bệnh chắc chắn sẽ rất khó khăn, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh vẫn còn rất phức tạp ở các quốc gia, thì với một đất nước có độ mở nền kinh tế như nước ta sẽ không thể tránh khỏi tác động nặng nề của dịch Covid-19. “Khó khăn gấp đôi phải nỗ lực gấp ba” đó là mệnh lệnh của người đứng đầu Chính phủ yêu cầu người đứng đầu các ngành, địa phương phải xác định nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu lúc này là tập trung tháo gỡ các vướng mắc, có biện pháp cụ thể hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp; sâu sát hơn giải quyết các vướng mắc của người dân, đề cao hơn nữa trách nhiệm của người đứng đầu, kiên quyết không để cơ quan hành chính, thủ tục hành chính, cán bộ hành chính... cản trở việc phát triển. Tất cả các cơ quan phải thực hiện nghiêm tinh thần nêu gương của cán bộ, đảng viên, đặc biệt là người đứng đầu Bộ, ngành, địa phương...
Ngọc Lan
Liên kết website
Ý kiến ()