Khơi dậy khát vọng phát triển

Nghị quyết số 30-NQ/TW ngày 23/11/2022 của Bộ Chính trị về phát triển KT-XH, đảm bảo quốc phòng an ninh Vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2030, tầm nhìn 2050 xác định: Tỉnh Quảng Ninh là trung tâm du lịch kết nối với khu vực và thế giới; Quảng Ninh - Hải Phòng là trung tâm kinh tế biển hiện đại, mang tầm quốc tế, hàng đầu ở Đông Nam Á, là cửa ngõ, động lực phát triển của vùng, tam giác động lực tăng trưởng Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh. Chủ trương này tiếp tục thể hiện quan điểm nhất quán, xuyên suốt của Đảng, Nhà nước ta nhiều năm qua trong xác định vị trí tỉnh Quảng Ninh phải là trung tâm kinh tế của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và vùng đồng bằng sông Hồng, là cửa ngõ quan trọng của hành lang kinh tế Nam Ninh - Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.

Khi quy hoạch dẫn đường

Năm 2011 khi triển khai thực hiện Nghị quyết Đại hội XI của Đảng, Cương lĩnh phát triển đất nước (bổ sung và phát triển 2011), Quảng Ninh nhận thấy trong những mâu thuẫn đặt ra thì mâu thuẫn giữa giải phóng tiềm năng thế mạnh và không gian phát triển rộng lớn với cơ chế chính sách còn hạn hẹp; mâu thuẫn giữa khai thác than, góp phần bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, phát triển công nghiệp nặng với phát triển du lịch, dịch vụ trên cùng một địa bàn có phần nguyên nhân rất quan trọng đó là tỉnh thiếu hẳn quy hoạch chỉ dẫn cho sự phát triển đồng bộ của lĩnh vực đó trên cùng địa bàn. Cùng với đó, sự thiếu vắng các nhà đầu tư chiến lược sẵn sàng bỏ hàng trăm, hàng tỷ đô la vào địa bàn cũng chính từ chưa xây dựng được niềm tin thực sự cho nhà đầu tư về một môi trường đầu tư ổn định, phát triển.

Đặc biệt, xuất phát từ bài toán quy hoạch để xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án Phát triển KT-XH nhanh, bền vững, bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh theo tinh thần Kết luận 47, Thông báo 108 và Đề án Xây dựng khu dịch vụ du lịch phức hợp cao cấp có casino theo Thông báo 138 của Bộ Chính trị, tỉnh đã lựa chọn khâu đi trước mở đường là xây dựng quy hoạch tổng thể, có chất lượng, có định hướng chiến lược, tầm nhìn khoa học với sự tham gia của các nhà tư vấn hàng đầu thế giới; quản lý, công khai, giám sát thực hiện đúng tiến độ, đảm bảo tính ổn định, tạo tiền đề hấp dẫn và đột phá trong thu hút các nguồn lực đầu tư được Quảng Ninh xác định là nhiệm vụ ưu tiên trọng điểm hàng đầu ngay khi bắt tay vào thực hiện nhiệm vụ giai đoạn phát triển 10 năm (2011-2020). Tỉnh xác định đây là công cụ quan trọng của quản lý nhà nước; là khung pháp lý cho việc đầu tư phát triển các lĩnh vực; là cơ sở để lập kế hoạch, dự án phát triển KT-XH; là điều kiện để có thể giải phóng được tiềm năng, thế mạnh và thu hút các nguồn lực đầu tư.

Năm 2012, 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh được lập dưới sự tư vấn của các đơn vị tư vấn hàng đầu quốc tế. Năm 2014 các quy hoạch hoàn thành gồm: Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Tập đoàn MC Kinsey (Mỹ) tư vấn; Quy hoạch xây dựng vùng tỉnh Quảng Ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và ngoài 2050 do Công ty Nikken Sekkei Civil Engineering - NSC (Nhật Bản) tư vấn; Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do  Tập đoàn BCG (Mỹ) tư vấn; Quy hoạch môi trường tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 do Công ty TNHH NIPPON KOEI (Nhật Bản) tư vấn; Quy hoạch phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 203 do Tập đoàn BCG (Mỹ) tư vấn; Quy hoạch phát triển khoa học công nghệ tỉnh Quảng Ninh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Quy hoạch sử dụng đất đến năm 2020 và kế hoạch sử dụng đất 5 năm đầu (2011-2015) tỉnh Quảng Ninh.

Đến nay nhìn lại từ thời điểm khởi đầu phải xây dựng được các quy hoạch quan trọng để làm bản lề cho việc sắp xếp, phân bố không gian, tạo ra động lực phát triển mới, không gian phát triển mới, giá trị mới và dự án đầu tư mới của địa phương, Quảng Ninh đã đạt được những mục tiêu mong đợi. Chính quyền tỉnh có công cụ quản lý của Nhà nước, nhân dân có phương tiện giám sát, nhà đầu tư có niềm tin lựa chọn đầu tư. Từ năm năm 2015 đến nay, tỉnh đã tập trung nguồn lực rất lớn, cả về trí tuệ và đầu tư để định hình không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều và hai mũi đột phá” theo đúng quy hoạch.

Nguồn: TTXVN

Nguồn: TTXVN

Với tâm là TP Hạ Long, đã ưu tiên nguồn lực đầu tư đồng bộ, theo hướng đô thị hiện đại, văn minh, gắn với mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”. Nhiều công trình giao thông trọng điểm được đầu tư, hoàn thành, đưa vào sử dụng, rút ngắn thời gian di chuyển từ các trung tâm kinh tế, chính trị của cả nước đến địa bàn, tạo động lực mới thu hút đầu tư, phát triển dịch vụ, du lịch. Đặc biệt, sau khi được mở rộng địa giới, không gian phát triển sau khi nhập huyện Hoành Bồ tạo ra dư địa mới và nguồn lực mới với tầm nhìn dài hạn, đồng thời tạo cơ hội thúc đẩy phát triển KT-XH các xã còn nhiều khó khăn. Giờ đây, TP Hạ Long hiện mang một tầm vóc mới, mở ra vận hội, thời cơ mới để thu hút tối đa mọi nguồn lực, phát triển đột phá, nhanh chóng, bền vững và nâng tầm vị thế trong giai đoạn mới. Qua đó, tạo được không gian cho sự phát triển của thành phố xứng tầm đô thị du lịch biển đẳng cấp của cả nước và là mũi nhọn, cực tăng trưởng về kinh tế, bước đột phá mới của tỉnh Quảng Ninh.

Cùng với tâm Hạ Long, 2 tuyến Đông - Tây của tỉnh được định hình sự phát triển khá rõ nét. TP Móng Cái giữ vai trò hạt nhân, nòng cốt của KKT cửa khẩu Móng Cái, đã triển khai thực hiện có hiệu quả 2 quy hoạch chiến lược KKT cửa khẩu Móng Cái. TP Cẩm Phả đang được xây dựng theo hướng phát triển công nghiệp, dịch vụ hiện đại, đồng bộ, bền vững, điển hình về chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh”. TP Uông Bí và TX Đông Triều đang dần trở thành trung tâm du lịch tâm linh, nghỉ dưỡng, động lực trong chuỗi đô thị - công nghiệp xanh phía Tây của tỉnh. KKT Vân Đồn thực hiện theo Quy hoạch tổng thể phát triển KT-XH và Quy hoạch chung xây dựng. Nhờ đó huy động hiệu quả các nguồn lực xã hội để đầu tư tạo bước đột phá về kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, hiện đại của KKT như sân bay, đường cao tốc, tạo động lực thúc đẩy phát triển hạ tầng dịch vụ, du lịch…, tạo điều kiện thuận lợi kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn đầu tư các dự án du lịch, dịch vụ đẳng cấp, từng bước xây dựng KKT Vân Đồn trở thành đô thị biển đảo xanh, hiện đại, thông minh, là một trong những mũi đột phá của tỉnh. Tỉnh đã đề xuất và được Chính phủ đồng ý cho thành lập KKT ven biển Quảng Yên với các cơ chế, chính sách tương đương KKT Đình Vũ - Cát Hải (Hải Phòng). Sau khi hoàn thành tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng và cầu Bạch Đằng, cao tốc Hạ Long - Vân Đồn, cao tốc Vân Đồn - Móng Cái cùng với việc đang triển khai tuyến đường ven sông tốc độ cao Quảng Yên - Uông Bí - Đông Triều đã đánh thức tiềm năng, lợi thế to lớn của Quảng Yên, giữ vai trò động lực, hạt nhân mới thúc đẩy tăng trưởng của tuyến phía Tây của tỉnh.

Khơi nguồn lực mới cho sự thịnh vượng

12 năm trước thực hiện Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội 2011-2020, tỉnh Quảng Ninh đã chọn một trong những việc đầu tiên là phải làm, đó là định vị địa phương trong không gian phát triển “Một tâm, hai tuyến đa chiều, các mũi đột phá, ba vùng động lực”. Không gian phát triển tâm - tuyến đó phải được xây dựng từ các quy hoạch chiến lược với sự tư vấn của các đơn vị tư vấn quốc tế, để thống nhất nhận thức và hoạch định các chính sách phát triển. Định vị đó bao gồm cả địa chính trị, địa - kinh tế và địa nhân văn, thúc đẩy liên kết nội vùng, liên kết vùng, phân công và hợp tác lãnh thổ, bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh từng địa phương của tỉnh, gắn kết với tam giác động lực phía Bắc, Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, Vùng đồng bằng sông Hồng được phát huy tối đa, bổ sung cho nhau, cùng phát triển bền vững.

Hơn 1 thập kỷ kiên định theo đuổi mục tiêu, có sự kế thừa trong từng giai đoạn, bổ sung nhận thức mới, 7 quy hoạch chiến lược đã tạo ra cơ sở, nền tảng để triển khai thực hiện các mục tiêu phát triển KT-XH, chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ “nâu” sang “xanh”, khơi thông các tiềm năng, khai thác thế mạnh của tỉnh và thu hút tối đa mọi nguồn lực đầu tư, đặc biệt, tạo đột phá trong xây dựng, hoàn thiện kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Trong bối cảnh, tình hình mới, tỉnh Quảng Ninh với tinh thần chủ động, kiến tạo và tiếp tục đổi mới toàn diện, mạnh mẽ tư duy phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, bao trùm đồng bộ về kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, môi trường sinh thái, bảo đảm vững chắc quốc phòng, an ninh và chủ quyền biên giới quốc gia, đã xây dựng và hoàn thành Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050, trên nền tảng kế thừa 7 Quy hoạch thời kỳ 2012-2020 để đảm bảo tăng trưởng bền vững đồng thời kết hợp các đột phá mới.

Bảo đảm sự kết nối, đổi mới liên thông, phục vụ người dân và doanh nghiệp, nâng cao công tác bảo vệ môi trường có trọng điểm; 3 phân vùng với mạng lưới liên thông; sản xuất gia tăng giá trị, công nghệ cao; sản xuất năng lượng bền vững; nền văn hóa mở, xã hội liên thông; ứng dụng công nghệ cao, mũi nhọn là thủy sản; du lịch phong phú.

Có thể hình dung không gian phát triển của tỉnh Quảng Ninh trong giai đoạn tới đó là “một tâm, 2 tuyến, đa chiều, 2 mũi đột phá, 3 vùng động lực”. Trong đó, tâm phát triển là TP Hạ Long, hai tuyến từ Hạ Long về phía tây và phía đông, hai mũi đột phá gồm KKT Vân Đồn và KKT Cửa khẩu Móng Cái, 3 vùng động lực gồm vùng đô thị Hạ Long (trung tâm tổng hợp đa ngành Hạ Long, Quảng Yên, Uông Bí, Đông Triều, Cẩm Phả), vùng đô thị Vân Đồn (trọng tâm phát triển du lịch Vân Đồn, Cô Tô, Tiên Yên, Ba Chẽ), vùng đô thị Móng Cái (trọng tâm phát triển kinh tế cửa khẩu, công nghiệp Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Bình Liêu).

Quy hoạch tỉnh đến năm 2030, tầm nhìn 2050 tiếp tục là chỉ dẫn quan trọng để tỉnh phát huy tối đa, hiệu quả các tiềm năng, lợi thế riêng có, khác biệt, nguồn lực của tỉnh. Bảo đảm tính kế thừa, đổi mới, phát triển của các quy hoạch kỳ trước, phù hợp định hướng phát triển của Đại hội XIII của Đảng và Nghị quyết Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XV. Đặc biệt, đã thể hiện được chiến lược phát triển toàn diện của tỉnh với tổ chức không gian, các mục tiêu và giải pháp cụ thể để định hướng và xây dựng Quảng Ninh đến năm 2030 là tỉnh giàu đẹp, văn minh, hiện đại; là trung tâm du lịch, kinh tế biển, là cửa ngõ Vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ và cả nước; là đô thị phát triển bền vững, tăng trưởng xanh, là khu vực hợp tác và cạnh tranh kinh tế quốc tế, tạo ra những mục tiêu rõ ràng, các tiêu chí ở mức cao hơn, mang tầm quốc gia, quốc tế.

Ngọc Lan
Trình bày: Tất Đạt