Tất cả chuyên mục

Sau thiệt hại nặng nề bởi cơn bão số 3 (Yagi), mùa trồng rừng năm 2025 được coi là mùa trồng rừng của khát vọng xanh lại những cánh rừng, khát vọng phục hồi kinh tế rừng.
Vượt khó để có rừng
Trước khi cơn bão số 3 đổ bộ vào Quảng Ninh (đầu tháng 9/2024), không ai có thể hình dung gần 130.000ha rừng sẽ bị tàn phá, trong đó 90.000ha rừng có tỷ lệ gãy đổ trên 90%, cần phải sớm trồng mới hoàn toàn. Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Vũ Duy Văn cho rằng, khối lượng công việc cần phải làm để có thể trồng lại rừng là rất lớn, bao gồm việc dọn dẹp rừng sau bão, khai thác tận thu cây rừng gãy đổ, chuẩn bị về vốn, giống, phân bón, nhân lực, vật lực trồng rừng… Đó là thách thức đối với các chủ rừng ở Quảng Ninh.
Theo báo cáo từ các chủ rừng, suất đầu tư trồng mới ở vụ trồng rừng này cao hơn đến 30% so với những vụ trồng rừng trước đó. Trung bình là 30-35 triệu đồng/ha. Đa phần các chủ rừng phải trồng lại rừng đều gặp khó khăn về kinh phí, trong đó khối doanh nghiệp lâm nghiệp gặp khó khăn nhiều hơn. Ông Nguyễn Bá Trượng, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ cho biết: Cái khó đầu tiên của chúng tôi là diện tích rừng bị thiệt hại rất lớn, đồng nghĩa với việc cần trồng lại rừng trên diện tích rộng, lượng vốn, giống cần huy động lớn. Có những đơn vị đã không đủ lực để trồng đủ diện tích rừng cần thiết. Điều khó khăn hơn nữa chính là tinh thần, tâm lý đã có phần mệt mỏi của người lao động sau biến cố thiên tai. Bởi diện tích rừng của chính họ cũng bị thiệt hại cần phải phục hồi, tốn kém chi phí và sức lực.
Mùa trồng rừng năm 2025 Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ đặt mục tiêu trồng 1.000ha rừng sản xuất và 400ha rừng phòng hộ, bằng 1/3 diện tích đơn vị bị thiệt hại do cơn bão số 3. Chỉ tính chi phí trồng rừng sản xuất đã mất khoảng 27 tỷ đồng. Giám đốc Nguyễn Bá Trượng phân tích: Nguồn của khoản chi này là từ vốn tận thu gỗ rừng sau bão (khoảng 10 tỷ đồng), vốn đóng góp của cán bộ, công nhân viên và vốn ứng từ một số khách hàng của công ty. Trước đó, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ gửi “tâm thư” động viên và kêu gọi người lao động trong đơn vị vượt khó, quyết tâm trồng lại rừng.
Để chủ động bước vào vụ trồng rừng năm 2025, Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ đã ươm 1 triệu cây giống keo hạt tại các vườn giống của đơn vị và đặt hàng 1,3 triệu giống cây keo hom tại Trung tâm Khoa học và sản xuất lâm, nông nghiệp Quảng Ninh. Công ty cũng dự trữ đủ cơ số phân bón lót, bón thúc cho cây để phục vụ trong vụ trồng rừng năm nay.
Kể từ sau đợt mưa bão tháng 9/2024 đến nay, thời tiết Quảng Ninh khá khô nóng, gần như không có mưa. Thời điểm hiện nay cũng chưa xuất hiện những cơn mưa xuân như thường lệ, gây bất lợi cho công tác trồng rừng. Rất nhiều chủ rừng đã phải lùi lại lịch xuống cây giống. Ông Hà Huy Lợi, chủ rừng tại xã Tân Dân (TP Hạ Long) cho biết: Mùa trồng rừng kéo dài trong khoảng 7 tháng của năm, tuy nhiên trồng ở những tháng đầu năm khi tiết trời còn mát, mưa ẩm sẽ tốt cho cây hơn cả. Hiện trạng thời tiết khô hanh như năm nay khiến chúng tôi khá sốt ruột, mặc dù vậy chúng tôi vẫn chuẩn bị sẵn sàng tư liệu sản xuất, chỉ chờ có mưa là lên rừng đặt cây, chính thức bước vào vụ trồng rừng mới.
Tính đến thời điểm này gần như tất cả các đơn vị, địa phương trong tỉnh đều đã ra quân phát động Tết trồng cây "Đời đời nhớ ơn Bác Hồ". Quảng Ninh đã 2 lần phát động Tết trồng cây cấp tỉnh (vào ngày 3 và 7/2) với sự chủ trì của lãnh đạo Trung ương, lãnh đạo tỉnh. Khí thế ấy làm lan toả tinh thần quyết tâm trồng cây gây rừng trong các đơn vị chuyên môn, cũng như các tầng lớp nhân dân trên địa bàn. Trong 2 tuần qua, toàn tỉnh đã trồng được hơn 600.000 cây, tương đương với 600ha rừng.
Quyết không để nghẽn ở vốn rừng nhà nước
Trong mùa trồng rừng năm nay, Quảng Ninh đặt mục tiêu trồng 2.724ha rừng phòng hộ, bằng khoảng 50% số rừng phòng hộ bị bão Yagi làm gãy đổ hoàn toàn (tỷ lệ gãy đổ trên 70%) và bằng 25% diện tích rừng phòng hộ bị bão Yagi làm ảnh hưởng (tỷ lệ cây gãy đổ 30% trở lên). Tuy nhiên tính đến thời điểm này, chưa có ha rừng phòng hộ nào bị gãy đổ do bão Yagi được trồng mới. Theo ông Nguyễn Đình Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên, việc thanh lý vốn rừng bị hư hại là cơ sở để trồng rừng, song hiện đang rất vướng mắc, có những điểm vướng khó tháo gỡ.
Theo quy định, hồ sơ thanh lý rừng trồng bằng vốn NSNN cần phải được chứng minh về nguồn gốc đất, có các biên bản nghiệm thu, bàn giao, thiết kế, đơn giá, giá trị trồng rừng, có đánh giá trữ lượng... Khi hoàn thành hồ sơ thanh lý, Hội đồng thẩm định sẽ thẩm định lại, lên phương án thanh lý và ra quyết định thanh lý. Sau khâu này mới đến khâu định giá, đấu thầu và trồng rừng.
Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên Nguyễn Đình Tuấn cho rằng: Cái khó nằm ở chỗ phần lớn diện tích rừng trồng bằng vốn nhà nước cần trồng lại thời điểm này đều đã được trồng từ 15-30 năm trước. Rất nhiều lô, khoảnh, chủ rừng không còn giữ được những biên bản cần thiết, như biên bản nghiệm thu, biên bản bàn giao, hồ sơ thiết kế, đơn giá, giấy tờ xác nhận giá trị trồng rừng… hoặc là một số thời điểm trồng rừng trước kia không quy định những giấy tờ nêu trên. Cùng với đó, thời gian thực hiện thủ tục hành chính về thanh lý rừng và trồng lại rừng vốn nhà nước phải theo quy định hiện hành, không thể nhanh được, trong khi đó trồng rừng có thời vụ, dẫn đến có thể phải kéo lùi sang vụ trồng rừng của những năm sau.
"Để hoàn thiện 1 hồ sơ thanh lý rừng và được Hội đồng thẩm định ra quyết định thanh lý rừng đã mất nhiều thời gian. Sau đó, khâu định giá, đấu thầu tiếp theo cũng mất đến 2 tháng, nguy cơ lỡ mất một vụ trồng rừng là rất cao" - Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên cho biết thêm.
Sau bão Yagi, toàn tỉnh có khoảng 10.000ha rừng gãy đổ thuộc loại rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, rừng sản xuất được đầu tư trồng bằng vốn NSNN. Trong đó có khoảng 5.000ha có thể trồng bổ sung, còn 5.000ha rừng không thể tự phục hồi, cần phải được dọn dẹp để trồng mới hoàn toàn. Tính đến thời điểm này, sau gần 6 tháng bị bão tàn phá, toàn bộ số rừng trồng bằng vốn nhà nước chưa được thanh lý, đồng nghĩa với việc chưa thể dọn dẹp và chưa thể trồng mới rừng. Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ Nguyễn Bá Trượng cho rằng hiện trạng này đang dẫn đến hậu quả là thất thoát tài sản của Nhà nước và chưa thể thực hiện mục tiêu phủ xanh rừng.
Ông Nguyễn Bá Trượng phân tích: Lấy ví dụ thông số ở Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Hoành Bồ, với khoảng 1.000ha rừng phòng hộ bị gãy đổ do bão, trong đó hơn 700ha gãy đổ ở mức độ hoàn toàn, khối lượng gãy đổ là trên 50.000m3. Nếu được khai thác tận thu ngay, số cây rừng gãy đổ này có thể bán gỗ xẻ, băm răm, hoặc làm viên nén, mang về số tiền khoảng 30 tỷ đồng. Song trong hơn 5 tháng qua số cây gãy đổ này vẫn nằm trên rừng, đã và đang bị khô nỏ, mối mọt, đã phát sinh cháy ở các tiểu khu 156, 157, 80A, 78 và các vị trí rừng lòng hồ Khe Giữa, Cao Vân… khiến giảm rất nhiều giá trị rừng. Đặc biệt, tới đây vào mùa mưa, số cây gãy đổ này mục ruỗng, cộng với việc khó khăn khi đưa phương tiện, thiết bị vào khai thác sẽ dẫn đến chi phí bị tăng lên. Như vậy, những cánh rừng này gần như mất giá trị, đồng nghĩa với việc Nhà nước có thể thất thoát số tiền lớn.
Còn Giám đốc Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Tiên Yên Nguyễn Đình Tuấn nhận định: Cùng với thất thoát về tiền thì hậu quả không kém nghiêm trọng là việc chưa thể trồng lại rừng ở diện tích rừng vốn Nhà nước bị gãy đổ, đồng nghĩa việc chưa thể được phủ xanh, dẫn đến nguy cơ không nâng tỷ lệ che phủ rừng, ngược lại còn tăng nguy cơ rửa trôi đất, cạn kiệt nước, tăng nguy cơ cháy rừng, tăng nguy cơ lấn chiếm rừng, dẫn đến lộn xộn trong quản lý rừng.
Được biết trước tình trạng nêu trên, nhiều chủ rừng có diện tích rừng trồng bằng vốn Nhà nước bị gãy đổ do bão số 3 đã chủ động hoàn thiện hồ sơ thanh lý rừng, chủ động mời các đơn vị tư vấn độc lập để đánh giá trữ lượng rừng thiệt hại… nhằm đẩy mạnh tiến độ thanh lý rừng. Cùng với đó, Sở NN&PTNT đã thành lập Hội đồng thẩm định thanh lý rừng, đã cùng với các chủ rừng hướng dẫn, đồng bộ hoàn thiện hồ sơ thanh lý rừng, đồng thời chủ động xin ý kiến các bộ, ngành Trung ương giải quyết những vướng mắc cấp địa phương không thể giải quyết được. Đây được cho là những động thái cần thiết để giải bài toàn trồng rừng trên những cánh rừng vốn NSNN hiện nay.
Có thể thấy, bằng nhiều giải pháp, các chủ rừng ở Quảng Ninh đang vượt khó, quyết tâm cao độ trồng rừng, phủ xanh rừng, bù đắp vốn rừng bị thiệt hại do thiên tai, tái thiết và thúc đẩy phát triển kinh tế rừng. Đây là cơ sở, tiền đề để Quảng Ninh đạt mục tiêu trong quý I trồng rừng đạt 15.000ha; cả năm trồng rừng đạt 31.847ha, gồm 2.724ha rừng phòng hộ và 29.123ha rừng sản xuất. Rừng Quảng Ninh cơ bản sẽ trở lại như trước thiên tai trong 3 năm tới đây.
Ý kiến ()