Lựa chọn không đánh đổi môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần, nhiều năm qua, tỉnh Quảng Ninh đang kiên trì với phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” để phát triển bền vững. Ưu tiên cho mục tiêu này, tỉnh đang khuyến khích và có những giải pháp quyết liệt để tạo nền tảng, thay đổi tư duy của doanh nghiệp, người dân, coi trọng phát triển kinh tế “xanh”, kinh tế tuần hoàn, tập trung vào những quy trình sản xuất và tiêu dùng các sản phẩm, dịch vụ thân thiện với môi trường. Hướng tới nền kinh tế "xanh" được coi là một trong những phương thức góp phần xóa đói, giảm nghèo và cải thiện tổng thể chất lượng cuộc sống.

Gần 3 năm nay, trên 20 hộ dân sản xuất nông nghiệp khu 6B, phường Hà Phong, TP Hạ Long, vẫn duy trì thói quen sử dụng phân hữu cơ vi sinh tự ủ để chăm sóc cho rau màu. Với mô hình này, những rác thải hữu cơ, nhất là những phụ phẩm trong quá trình thu hoạch rau xanh được người dân tận dụng triệt để để thực hiện ủ phân Compost. Chỉ sau hơn một tháng, những đống rác thải hữu cơ sẽ trở thành phân sinh học, được người dân tái sử dụng để bón cho cây trồng. Mô hình này đã hạn chế được lượng rác thải gây ô nhiễm môi trường, đồng thời, tạo ra được lượng phân bón hữu cơ an toàn cho đất, cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất trong nông nghiệp. 

Chị Đinh Thị Luyến, một trong những hộ dân tiên phong áp dụng mô hình ủ phân Compost cho biết:

"Quy trình này giúp chúng tôi tận dụng được các phụ phẩm nông nghiệp để tạo thành nguồn phân hữu cơ an toàn, một mặt vừa đảm bảo môi trường, mặt khác, lại tiết kiệm chi phí đầu tư và cho hiệu quả kinh tế cao. Sử dụng phân bón này, rau màu sinh trưởng tốt hơn, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm nên được người mua tin tưởng, thị trường tiêu thụ tốt hơn."

Hộ dân trồng rau phường Hà Phong, TP Hạ Long, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng để bảo vệ môi trường.

Hộ dân trồng rau phường Hà Phong, TP Hạ Long, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng để bảo vệ môi trường.

Hộ dân trồng rau phường Hà Phong, TP Hạ Long, sử dụng phân hữu cơ vi sinh để bón cho cây trồng để bảo vệ môi trường.

Những mô hình nông nghiệp sạch, thân thiện môi trường như các hộ trồng rau phường Hà Phong, TP Hạ Long, đang ngày càng được nhân rộng tại các địa phương khác trên địa bàn tỉnh. Tiêu biểu như vùng trồng na VietGAP Đông Triều, vùng trồng rau sạch Quảng Yên hay vùng chè hữu cơ Hải Hà, vùng trồng quế hữu cơ Đầm Hà…

Đặc biệt, việc khai thác lợi thế từ nông nghiệp, thiên nhiên, con người để phát triển du lịch cũng đang được nhiều nơi áp dụng. Qua đó, không chỉ góp phần làm phong phú, đa dạng sản phẩm du lịch, gia tăng doanh thu từ ngành này mà còn thúc đẩy nền kinh tế "xanh" phát triển.

Du lịch tham quan, trải nghiệm hái cam tại vùng cam Vạn Yên (Vân Đồn).

Du lịch tham quan, trải nghiệm hái cam tại vùng cam Vạn Yên (Vân Đồn).

Du lịch tham quan, trải nghiệm hái cam tại vùng cam Vạn Yên (Vân Đồn).

Với lợi thế là vùng trồng cam lâu năm trên địa bàn huyện Vân Đồn, ngoài việc đưa quả cam đến thị trường thông qua các kênh tiêu thụ truyền thống, nhiều chủ vườn cam xã Vạn Yên cũng tranh thủ tận dụng trang trại để phát triển du lịch trải nghiệm. Mỗi năm vào dịp tháng 11, tháng 12, vùng cam Vạn Yên lại đông như trảy hội bởi lượng người đến tham quan, ngắm cảnh, dã ngoại.

Người đi đầu mô hình du lịch nông nghiệp này tại Vạn Yên phải kể đến anh Trần Văn Hậu, Giám đốc HTX Nông trang Vạn Yên. Anh Hậu cho biết:

"Vườn cam từ lâu đã mang lại nguồn thu nhập chính của gia đình. Những năm gần đây, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, gia đình tôi bắt đầu tìm kiếm hướng tiêu thụ mới, thay vì bán cam thông thường, chúng tôi đã mở cửa đón du khách đến tham quan. Mỗi ngày vườn nhà tôi đón gần 1.000 khách tới tham quan, chụp ảnh và mua cam mang về, đem lại thu nhập hàng chục triệu đồng."

Anh Nguyễn Trung Kiên, một doanh nhân tại TP Hạ Long, đã lựa chọn khởi nghiệp từ kinh doanh du lịch kết hợp trải nghiệm văn hóa làm hướng đi của mình. Năm 2021, anh bắt tay vào xây dựng khu du lịch Am Váp Farm tại xã Kỳ Thượng, TP Hạ Long. Lợi thế cảnh quan thiên nhiên, giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc Dao được anh Kiên khai thác triệt để, biến nơi đây thành địa điểm hút khách du lịch xa gần vào mỗi dịp cuối tuần, ngày lễ, Tết.

Mô hình kinh doanh du lịch dựa trên khai thác giá trị văn hóa bản địa tại Khu du lịch Am Váp Farm Kỳ Thượng, TP Hạ Long.

Mô hình kinh doanh du lịch dựa trên khai thác giá trị văn hóa bản địa tại Khu du lịch Am Váp Farm Kỳ Thượng, TP Hạ Long.

Mô hình kinh doanh du lịch dựa trên khai thác giá trị văn hóa bản địa tại Khu du lịch Am Váp Farm Kỳ Thượng, TP Hạ Long.

Anh Kiên cho biết:

"Việc lựa chọn phát triển kinh tế dựa trên trên những yếu tố văn hóa, con người, thiên nhiên được nhiều bạn trẻ khởi nghiệp như chúng tôi ưu tiên. Ngoài yếu tố về làm giàu còn là những trăn trở về giữ gìn những bản sắc văn hóa, giá trị cảnh quan, môi trường để phát triển bền vững, lâu dài."

Trong lĩnh vực công nghiệp, kinh tế "xanh" cũng đang là hướng đi của nhiều doanh nghiệp. Tiêu biểu phải kể đến Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), trung bình mỗi năm, đơn vị này đã chi hơn 1.000 tỷ đồng cho công tác bảo vệ môi trường. Các công ty trực thuộc TKV cũng đã đầu tư xây dựng 45 trạm xử lý nước thải; cải tạo hệ thống thu gom nước từ các mặt bằng sân công nghiệp, kho đống, bến cảng, khu chế biến than; sử dụng hệ thống ép bùn, lắng lọc và sử dụng tuần hoàn nước… Hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế tuần hoàn, vừa qua, TKV đã chính thức khởi động khai thác, thu hồi đất đá thải mỏ phục vụ san lấp các công trình, dự án trên địa bàn tỉnh. Đây là dự án đầu tiên của TKV được Bộ TN&MT cấp phép nhằm sử dụng hiệu quả các đồi đất tự nhiên làm bãi thải mỏ, hạn chế tối đa những tác động tiêu cực tới cảnh quan, môi trường xung quanh.

Công ty Chế biến Than Quảng Ninh khai thác đất đá thải mỏ tại khu vực bãi thải mỏ Suối Lại phục vụ san lấp mặt bằng cho một số dự án.

Công ty Chế biến Than Quảng Ninh khai thác đất đá thải mỏ tại khu vực bãi thải mỏ Suối Lại phục vụ san lấp mặt bằng cho một số dự án.

Công ty Chế biến Than Quảng Ninh khai thác đất đá thải mỏ tại khu vực bãi thải mỏ Suối Lại phục vụ san lấp mặt bằng cho một số dự án.

Hay như Công ty CP Gạch ngói Kim Sơn, TX Đông Triều đã không ngừng cải tiến công nghệ sản xuất theo hướng kinh tế tuần hoàn để giảm phụ thuộc vào nguồn tài nguyên thiên nhiên và giảm thiểu những tác động xấu tới môi trường. Trong gần 10 năm triển khai sản xuất gạch “không ống khói” với kinh phí đầu tư khoảng 200 tỷ đồng, đến nay, Công ty đã ứng dụng thành công công nghệ sản xuất gạch tận dụng đất đá xít thải, xỉ thải, đất đồi sét vào sản xuất, giúp tiết kiệm tài nguyên và không gây bụi, xả khói ra môi trường.

Công ty CP Gạch ngói Kim Sơn sử dụng rô bốt tự động gắp gạch để đưa vào tạo hình. Ảnh: Hoàng Nga

Công ty CP Gạch ngói Kim Sơn sử dụng rô bốt tự động gắp gạch để đưa vào tạo hình. Ảnh: Hoàng Nga

Công ty CP Gạch ngói Kim Sơn sử dụng rô bốt tự động gắp gạch để đưa vào tạo hình. Ảnh: Hoàng Nga

Để tạo nền tảng cho phát triển từ “nâu” sang “xanh”, kinh tế “xanh” đã được tỉnh Quảng Ninh thực hiện theo lộ trình bài bản. Năm 2013, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh ban hành Nghị quyết số 07-NQ/TU, ngày 24/5/2013, về phát triển du lịch Quảng Ninh giai đoạn 2013-2020, định hướng đến năm 2030. Đến năm 2016, tiếp tục ban hành Nghị quyết số 02-NQ/TU, ngày 5/2/2016, về phát triển dịch vụ, đã tạo những bước tiến lớn trong phát triển dịch vụ, du lịch của tỉnh.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Cảng biển Hải Hà.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Cảng biển Hải Hà.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Cảng biển Hải Hà.

Đặc biệt, ngày 26/9/2022, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết số 10-NQ/TU về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với quản lý tài nguyên, bảo vệ môi trường, phòng tránh và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh nguồn nước giai đoạn 2022-2030. Nghị quyết này đặt ra nhiều mục tiêu, trong đó, có ưu tiên phát triển kinh tế “xanh”, kinh tế tuần hoàn; tiếp tục kiên trì chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” theo hướng bền vững, dựa vào ba trụ cột là thiên nhiên - con người - văn hóa. 

Trên cơ sở đó, nhiều giải pháp cũng đã và đang được tỉnh quyết tâm triển khai thực hiện như: ưu tiên phát triển các ngành du lịch, dịch vụ; vận động, khuyến khích, hỗ trợ người dân phát triển lâm nghiệp bền vững thông qua chủ trương trồng rừng gỗ lớn; bảo vệ môi trường, đa dạng sinh học các nguồn tài nguyên thiên nhiên; nhân rộng các mô hình kinh tế tuần hoàn; sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn…

Phục hồi rừng ngập mặn tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên.

Phục hồi rừng ngập mặn tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên.

Phục hồi rừng ngập mặn tại xã Đồng Rui, huyện Tiên Yên.

Đơn cử trong lĩnh vực du lịch, thời gian qua, ngành này đã và đang tập trung phát triển du lịch đi đôi với bảo vệ và phát huy tối đa các lợi thế tự nhiên, giữ gìn và phát huy bản sắc dân tộc, các giá trị văn hóa, gìn giữ cảnh quan và bảo vệ môi trường. Qua đó, vừa bắt nhịp với xu hướng, thị hiếu của người dân, du khách vừa phát triển du lịch bền vững.

Hay như ngành nông nghiệp cũng đang khuyến khích, hỗ trợ, hướng dẫn người dân, chủ các cơ sở sản xuất, kinh doanh áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp sạch, an toàn theo hướng VietGAP, GlobalGAP, hữu cơ.

Mô hình sản xuất rong sụn tại huyện Vân Đồn.

Mô hình sản xuất rong sụn tại huyện Vân Đồn.

Mô hình sản xuất rong sụn tại huyện Vân Đồn.

Trong kinh tế biển, khai thác, chế biến hải sản bảo đảm an toàn, văn minh, chống đánh bắt tận diệt, đánh bắt trái phép gắn với bảo vệ ngư trường, môi trường biển đến phát triển các ngành logistics có giá trị bổ sung cho giá trị tăng trưởng “xanh”. Về công nghiệp, trong chủ trương thu hút đầu tư, tỉnh Quảng Ninh cũng đang dành nhiều ưu ái hơn cho những doanh nghiệp sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, thân thiện với môi trường, áp dụng KH&CN trong quá trình sản xuất kinh doanh; xây dựng lộ trình đóng cửa, hoàn thổ các mỏ gắn với trả lại môi trường “xanh”.

Công ty CP Than Cao Sơn - TKV đầu tư xe tưới đường, dập bụi chuyên dụng để bảo vệ môi trường.

Công ty CP Than Cao Sơn - TKV đầu tư xe tưới đường, dập bụi chuyên dụng để bảo vệ môi trường.

Công ty CP Than Cao Sơn - TKV đầu tư xe tưới đường, dập bụi chuyên dụng để bảo vệ môi trường.

Để phát triển kinh tế “xanh” sẽ phải vượt qua không ít thách thức như: Thói quen sản xuất, tiêu dùng ít thân thiện môi trường; sự thiếu thốn, lạc hậu của hạ tầng kỹ thuật, công nghệ hiện có mà việc thay thế không thể thực hiện một sớm một chiều; bất cập trong công tác quản lý nhà nước như năng lực bộ máy còn hạn chế, sự thiếu đồng bộ, chất lượng chưa cao trong công tác quy hoạch; ý thức của doanh nghiệp, người dân chưa đáp ứng…, đòi hỏi sự đồng bộ trong tất cả các lĩnh vực, sự chung tay của tất cả các ngành, các cấp, chính quyền địa phương, các tổ chức, doanh nghiệp và người dân.

Ngày xuất bản: 5/1/2023
Nội dung: YẾN VY
Trình bày: MẠNH HÀ