Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 14/12/2024 18:22 (GMT +7)
Phát huy truyền thống cách mạng, tạo bước phát triển đột phá cho quê hương Quảng Yên anh hùng
Thứ 5, 16/07/2015 | 09:13:57 [GMT +7] A A
Cách đây đúng 70 năm, ngày 20-7-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng, quân dân Quảng Yên cùng với lực lượng vũ trang của chiến khu Trần Hưng Đạo đã tiến công địch, giải phóng tỉnh lỵ Quảng Yên. Thắng lợi này đã phát huy và làm rạng rỡ truyền thống kiên cường, anh dũng của nhân dân Quảng Yên và tỉnh Quảng Ninh dưới sự lãnh đạo của Đảng, thể hiện tinh thần tiên phong, đi trước, dám nghĩ, dám làm của đảng viên và tổ chức cơ sở Đảng trên mảnh đất Bạch Đằng giàu truyền thống cách mạng.
Thi công sửa chữa, nâng cấp tuyến đê biển Hà Nam. |
Tự hào vùng đất giàu truyền thống cách mạng
Trước Cách mạng Tháng Tám, tỉnh lỵ Quảng Yên có vị trí kinh tế, chính trị, chiến lược quan trọng. Vì vậy, thực dân Pháp và sau này là Phát xít Nhật đã bố trí tại đây một hệ thống đồn bốt dày đặc để ngăn ngừa và đàn áp các cuộc nổi dậy của nhân dân ta, tạo vành đai bố phòng để trấn giữ cả vùng Đông Bắc Việt Nam. Mặc dù bị kìm kẹp nhưng ngọn lửa đấu tranh cách mạng của phong trào yêu nước vẫn bùng lên mạnh mẽ ở tỉnh lỵ Quảng Yên. Từ tháng 3-1940, Chi bộ Đảng Cộng sản ở nhà máy kẽm và một số chi bộ nông thôn được thành lập đã thúc đẩy phong trào cách mạng ở địa phương phát triển. Từ năm 1942, phong trào Việt Minh bắt đầu phát triển ở tỉnh lỵ Quảng Yên và huyện Yên Hưng. Đầu năm 1943, các đoàn thể Việt Minh ở tỉnh lỵ và các xã Yên Trì, Quỳnh Lâu, Nam Hoà, Phong Cốc, Trung Bản được thành lập và hoạt động sôi nổi. Đến năm 1944, phong trào luyện tập quân sự, quyên góp tiền mua sắm vũ khí, chuẩn bị xây dựng lực lượng vũ trang cách mạng sôi động khắp vùng. Quần chúng công khai hội họp, mít tinh, tổ chức đấu tranh chống sưu thuế, khống chế địa chủ, cường hào, ủng hộ Việt Minh.
Ngày 10-7-1945, Hội nghị liên tịch của Ban lãnh đạo Việt Minh Quảng Yên và Ban chỉ huy Chiến khu Trần Hưng Đạo tổ chức tại tỉnh lỵ Quảng Yên bàn kế hoạch phát động khởi nghĩa. Hội nghị quyết định: Ngày 23-7-1945, lực lượng vũ trang chiến khu Trần Hưng Đạo sẽ cùng với lực lượng Việt Minh ở huyện Yên Hưng và tỉnh lỵ Quảng Yên nổi dậy giành chính quyền trong toàn tỉnh. Ngày 20-7-1945, lợi dụng chính quyền địa phương bất lực, bọn phản động Đại Việt từ Hải Phòng kéo về ép Tỉnh trưởng Quảng Yên và Huyện trưởng Yên Hưng bàn giao chính quyền cho chúng. Trước tình thế khẩn trương, cấp bách, chính quyền có thể bị rơi vào tay bọn phản động, Ban chỉ huy Chiến khu Trần Hưng Đạo đã đưa ra một quyết định táo bạo, kịp thời, đó là khởi nghĩa đánh chiếm tỉnh lỵ sớm hơn dự kiến 3 ngày, tức ngày 20-7-1945.
Thực hiện quyết định trên, chỉ với lực lượng gồm 2 trung đội, 3 tiểu đội tăng cường từ Chiến khu Trần Hưng Đạo phối hợp với du kích tại địa phương, đã đánh chiếm dinh Tỉnh trưởng, khống chế và bắt tên Tỉnh trưởng chấp hành mọi mệnh lệnh của Việt Minh. Đặc biệt, đến 21 giờ ngày 20-7-1945, nhờ quá trình binh vận, tuyên truyền từ trước, trại Bảo an binh có 600 lính, vũ khí đầy đủ nhưng đã đầu hàng cách mạng vô điều kiện. Đến hết ngày 20-7, khởi nghĩa giành chính quyền tại tỉnh lỵ Quảng Yên thắng lợi. Ngày 20-7-1945 đã trở thành một mốc son chói lọi trong sự nghiệp cách mạng của Đảng bộ, các lực lượng vũ trang cùng nhân dân Quảng Yên và sau nay là tỉnh Quảng Ninh. Đồng thời, cuộc khởi nghĩa lịch sử này là một trong những phát súng khởi đầu cho cao trào tiền khởi nghĩa năm 1945 ở tỉnh Quảng Yên và cả nước.
Trung tâm TX Quảng Yên hôm nay. Ảnh: Khánh Giang |
Tạo bước đột phá, nâng tầm phát triển
Tiếp nối truyền thống anh hùng trong chiến đấu chống ngoại xâm, khi nước nhà thống nhất, Đảng bộ và nhân dân Yên Hưng tập trung khắc phục hậu quả của chiến tranh, khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội, tạo ra những bước phát triển toàn diện. Nhiều công trình lớn có ý nghĩa quan trọng đã được đầu tư, góp phần thúc đẩy sản xuất, nâng cao chất lượng cuộc sống nhân dân như: Công trình thuỷ lợi Yên Lập, các công trình cung cấp nước ngọt và điện cho vùng đảo Hà Nam, các công trình kiên cố hoá hệ thống đê Hà Nam, đê Đông Yên Hưng... Đồng thời, đầu tư nâng cấp, xây mới các hệ thống giao thông, trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hoá... Vì vậy, từ một địa phương với kinh tế thuần nông, đời sống nhân dân còn nghèo, Yên Hưng đã dần thay da đổi thịt, các tiềm năng, thế mạnh được khai thác có hiệu quả hơn.
Trong những năm gần đây, tăng trưởng kinh tế của địa phương luôn đạt cao. Giai đoạn 2001-2005, bình quân đạt 12%/năm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2010 cao gấp hơn 3 lần so với năm 2000. Cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2011, huyện đã đạt được cơ cấu kinh tế: công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp. Trong đó, các ngành công nghiệp và dịch vụ chiếm tỷ trọng 75,8%. Các lĩnh vực văn hoá - xã hội phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, nhất là ở những nơi xa trung tâm có nhiều cải thiện. Quốc phòng - an ninh được giữ vững. Hệ thống chính trị được củng cố vững mạnh. Khối đại đoàn kết toàn dân được mở rộng. Niềm tin của nhân dân vào Đảng và Nhà nước ngày càng vững chắc. Hạ tầng đô thị được đầu tư lớn. Diện mạo đô thị mới đã hình thành rõ nét. Những kết quả đó là cơ sở quan trọng để Chính phủ ra nghị quyết công nhận huyện Yên Hưng trở thành thị xã Quảng Yên vào ngày 25-11-2011. Đây là sự kiện lịch sử ghi đậm dấu ấn quá trình xây dựng và trưởng thành của một vùng đất linh thiêng và anh hùng dưới sự lãnh đạo của Đảng quang vinh.
Từ năm 2012 đến nay, trong điều kiện chịu rất nhiều tác động bất lợi của suy giảm kinh tế thế giới và trong nước, tuy nhiên, tính trong cả nhiệm kỳ Đại hội Đảng bộ lần thứ XIX, tăng trưởng kinh tế của thị xã bình quân hàng năm vẫn đạt 11,3%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch tích cực, đúng hướng. Trong đó, các lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ đã chiếm 80,8%. Nhiều sản phẩm của địa phương đã có sức cạnh tranh và chỗ đứng trên thị trường. Tổng thu ngân sách nhà nước từ phát triển kinh tế tăng bình quân 20%/năm. Tổng vốn đầu tư xã hội ước 15.783 tỷ đồng, tăng bình quân 25%/năm. Các quy hoạch chiến lược được xây dựng, phê duyệt và triển khai tích cực là tiền đề để tăng thu hút nguồn lực đầu tư đối với các nhà đầu tư chiến lược trong việc đầu tư xây dựng cảng biển, dịch vụ cảng biển và các đô thị công nghệ cao, để trở thành cực tăng trưởng kinh tế cao của tỉnh trong tương lai gần. Đồng thời, đảm bảo mục tiêu đến năm 2020 trở thành đô thị loại 3, đến năm 2030 trở thành thành phố văn minh, hiện đại, thân thiện với môi trường, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân. Bên cạnh đó, các chính sách an sinh xã hội được các cấp, các ngành và xã hội quan tâm thực hiện. Công tác xây dựng Đảng, chính quyền và hệ thống chính trị được tăng cường. Năng lực, sức chiến đấu của Đảng được nâng lên, tổ chức bộ máy, biên chế từng bước tinh gọn... Những kết quả này đã góp phần đem lại không khí phấn khởi và tạo niềm tin, sự đồng thuận cao trong cán bộ, đảng viên và nhân dân trên địa bàn.
70 năm đã trôi qua nhưng tinh thần chủ động, sáng tạo, bất khuất của những ngày khởi nghĩa vẫn tiếp tục là hành trang cho Quảng Yên hôm nay trong quá trình vận đồng và phát triển. Các cấp, các ngành, toàn thể cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân thị xã đã, đang và sẽ tiếp tục phát huy truyền thống lịch sử, cách mạng của quê hương Quảng Yên anh hùng, của tinh thần khởi nghĩa Quảng Yên bất diệt. Đồng thời, đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước; đoàn kết, chung sức, đồng lòng; khắc phục tồn tại, đẩy lùi khó khăn, vượt qua thách thức; phát huy nội lực, sáng tạo; tranh thủ thời cơ; khai thác tiềm năng, lợi thế; huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Từ đó, tạo bước phát triển đột phá về hạ tầng và kinh tế; phát triển kinh tế bền vững; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân; đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh; củng cố vững chắc khối đại đoàn kết, thống nhất trong hệ thống chính trị và trong toàn xã hội.
Nguyễn Văn Vinh, Chủ tịch UBND TX Quảng Yên
Liên kết website
Ý kiến ()