Những ngày giáp Tết, ở vùng đất biên cương, ở tuyến đường vành đai biên giới của tỉnh, những người lính Biên phòng vẫn cần mẫn trên đường tuần tra, những chiến sĩ Công an vẫn miệt bài bám cơ sở, địa bàn. Cùng với cư dân biên giới, họ có chung lý tưởng, chung mục đích giữ gìn, bảo vệ từng đường biên, cột mốc, vì những mùa xuân an toàn, ấm áp.

Chúng tôi đến Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô vào một ngày cuối năm trong tiết trời rét ngọt, đúng lúc lãnh đạo Đồn đang chuẩn bị đến từng trạm, chốt trên biên giới kiểm tra, thăm hỏi, động viên, chia sẻ với cán bộ, chiến sĩ (CBCS), nhất là đối với những đồng chí lần đầu tiên xa nhà thực hiện nhiệm vụ trực Tết trên biên giới. Đồng thời làm tốt công tác giáo dục chính trị, tư tưởng để CBCS yên tâm công tác, xác định rõ vai trò, trách nhiệm, xây dựng ý chí quyết tâm cao nhất, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

CBCS Đồn BP Hoành Mô thực hiện nhiệm vụ tại khu vực chốt số 2.

CBCS Đồn BP Hoành Mô thực hiện nhiệm vụ tại khu vực chốt số 2.

Theo chân lãnh đạo đơn vị, chúng tôi đến thăm CBCS đang làm nhiệm vụ ở chốt số 2 thuộc Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô. Chốt số 2 có nhiệm vụ quản lý 17,2km đường biên giới với 10 cột mốc chính, trong đó cột mốc 1305 ở vị trí cao nhất - hơn 1.000m so với mực nước biển.

Tháng 12, hoa sở nở trắng muốt điểm giữa khoảng xanh thẫm của những cánh rừng thông mã vĩ. Chưa lên tới chốt mà tai chúng tôi đã bị ù đặc do áp suất không khí. Chốt trưởng – Thiếu tá Nguyễn Văn Diện đón chúng tôi vào "đại bản doanh" chính của chốt số 2, là căn nhà tôn được xây dựng bán kiên cố nằm bên một hẻm vực. Thiếu tá Diện nói, anh em được ở trong căn nhà tôn này là tốt lắm rồi, bởi trước đây chỉ ở trong những mái lều dựng tạm. Mùa đông nhiệt độ xuống tới 3-4 độ C, còn mùa hè thì nóng như thiêu đốt.

Công an xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) phối hợp với Đồn Biên phòng Bắc Sơn tuần tra kiểm soát đường biên, cột mốc.

Công an xã Bắc Sơn (TP Móng Cái) phối hợp với Đồn Biên phòng Bắc Sơn tuần tra kiểm soát đường biên, cột mốc.

Các chiến sĩ chốt số 2 kể rằng, có những chuyến tuần tra biên giới không kịp về đến lán, không có chỗ ngủ, anh em phải chui vào trong cống hộp, loại cống được lắp đặt để thoát nước qua đường, để ngủ. "Chuyện đó có đâu xa, mới chỉ hơn 2 năm về trước. Bây giờ thì có chốt cố định rồi, nên anh em không phải ngủ trong cống hộp nữa" – Thiếu tá Diện nói.

Với những người Bộ đội Biên phòng, việc leo qua "sống lưng khủng long", đến mốc 1305 là nhiệm vụ thường ngày.

Với những người Bộ đội Biên phòng, việc leo qua "sống lưng khủng long", đến mốc 1305 là nhiệm vụ thường ngày.

Thế nhưng, ở nơi trùng điệp núi rừng này, những người lính Biên phòng đâu chỉ có lo chuyện ngủ. Bão gió, nhỡ bữa đã có cá khô, cháo trắng hay mì tôm nấu với rau bớp (một loại rau rừng ở Bình Liêu), việc hết nước ngọt mới là điều đáng sợ! Mùa khô ở Bình Liêu kéo dài tới 6 tháng. Tuy là ở vùng núi, nhưng những ngọn núi trên chốt số 2 chủ yếu là núi trọc, khô cằn. Mùa mưa đã ít nước, mùa khô lại càng khan hiếm hơn. Có nước để tắm vào mùa đông là một điều xa xỉ với các chiến sĩ BĐBP ở chốt. Nguồn nước duy nhất được lấy từ khe nhỏ cách chốt số 2 hơn 1km. Mọi thứ có thể dùng đựng nước đều được mang ra tận dụng, ưu tiên cho ăn, uống, đánh răng, rửa mặt.

Những ngày thiếu nước trầm trọng, anh em lại phải chờ những chuyến xe nước chi viện từ Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô lên, ngót 20km đường đèo hiểm trở. "Cái khó ló cái khôn! Từ ngày được Bộ Tư lệnh BĐBP đầu tư dựng chốt kiên cố, anh em chúng tôi làm luôn một cái "đập thủy lợi", dẫn nước từ đập này về chốt số 2. Thế là vấn đề "an ninh nước ngọt" được giải quyết ổn thỏa" – Thiếu tá Diện kể.

Từ đại bản doanh chính của chốt số 2, chúng tôi tiếp tục đi xe máy 17km đường đèo đến điểm dừng chân trên "Sống lưng khủng long". Từ đây, chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình leo bộ gần 2km, với 1.600 bậc dốc, có đoạn dốc dựng đứng tưởng như chỉ một cơn gió mạnh có thể cuốn bay người về phía sau.

Con đường lên mốc 1305 những ngày cuối năm trở nên khó khăn hơn khi những lớp sương mù dày đặc cùng với những hạt mưa lất phất làm hạn chế tầm nhìn của người đi đường. Đây là cột mốc cao nhất không chỉ ở Bình Liêu mà còn cả tỉnh Quảng Ninh, thực sự là thử thách sức khỏe và sự kiên trì, bền bỉ của con người. Nhưng với những người lính biên phòng, việc thay phiên nhau lên mốc 1305 để thực hiện nhiệm vụ tuần tra, kiểm soát các mốc biên giới; kiểm soát người và phương tiện… chính là việc làm hàng ngày. "Với những người lính trẻ khỏe, chỉ cần mất tầm 1 tiếng là có thể chạm mốc 1305. Nhưng với lính già như tôi cũng phải mất tầm 1 tiếng 30 phút, tuy nhiên cũng phải cố gắng, không để anh em phải đợi" - Thiếu tá Diện cười hiền.

Tới 9h sáng, sương mù vẫn còn phủ nhẹ trên “Sống lưng khủng long”. Mốc 1305 hiện lên trước mắt chúng tôi như một bức tường thành lừng lững giữa trời. Dù đã đến mốc 1305 nhiều lần, nhưng Trung tá Tẩy Văn Thái vẫn thấy lòng bồi hồi xúc động. Anh ào tới, cúi gập bên cạnh cột mốc thở dốc, rồi cứ thế mân mê cột đá, như thể gặp người bạn chí cốt đã cách xa quá lâu rồi.

Tạm biệt CBCS Đồn Biên phòng cửa khẩu Hoành Mô, chúng tôi đến với Đồn Biên phòng Bắc Sơn khi những ngày cuối năm đã cận kề. Với CBCS nơi đây, mặc dù xa gia đình nhưng các anh vẫn cố gắng để đồng chí, đồng đội và bản thân mình có được một cái Tết đủ đầy, ấm cúng nhất. Để chuẩn bị đón Tết, các anh tự mổ lợn của đơn vị tăng gia. Những đôi bàn tay quen cầm chắc tay súng nay lại khéo léo cắt lá dong, gói bánh chưng. Trong không khí vui xuân mới, đón Tết cổ truyền nhưng thời gian biểu, lịch trực vẫn được CBCS của Đồn tuân thủ nghiêm túc.

Cán bộ Đội công tác biên phòng Km4 (Đồn BP Bắc Sơn) thực hiện nghi thức chào cột mốc tại cột mốc 1365.

Cán bộ Đội công tác biên phòng Km4 (Đồn BP Bắc Sơn) thực hiện nghi thức chào cột mốc tại cột mốc 1365.

Đồn Biên phòng Bắc Sơn được giao quản lý hơn 26km đường biên giới qua địa bàn 7 xã, phường thuộc TP Móng Cái, trong đó có 16 cột mốc, từ Cột mốc 1352(2) đến Cột mốc 1367(2).

Mốc 1365 do Đội công tác biên phòng Km4 quản lý, là nơi có địa hình khó khăn hiểm trở nhất. Thiếu tá Lê Thành Công, Đội trưởng Đội công tác biên phòng Km4, chia sẻ: Khu vực Mốc 1365 thực sự là một mặt trận mà Đội thường xuyên phải chiến đấu với các đối tượng dẫn người xuất, nhập cảnh trái phép. Lợi dụng đồi núi rậm rạp, lại sát bờ sông biên giới, các đối tượng này thường cắt cử người theo dõi, đi trước dò đường, thám thính. Nếu vắng mặt chiến sĩ biên phòng, chúng liền dẫn người vượt biên trái phép từ dưới sông đi lên đồi, vượt qua đám lau lách bụi rậm, xuyên 2km đường rừng về tới dốc U bò rồi từ đây lẩn trốn vào nội địa.

CBCS Đội công tác biên phòng Km4 (Đồn BP Bắc Sơn) mật phục tại khu vực cột mốc 1365.

CBCS Đội công tác biên phòng Km4 (Đồn BP Bắc Sơn) mật phục tại khu vực cột mốc 1365.

Mỗi chiến sĩ khi nhận nhiệm vụ trực tuần tra tại khu vực Mốc 1365 thì cả đội xác định, đây là ngày vất vả nhất của chiến sĩ đó. Không ít lần các anh giáp mặt, chiến đấu trực tiếp với những đối tượng manh động. Như Trung uý Bùi Xuân Bách, trong một lần truy bắt đối tượng dẫn người nhập cảnh trái phép, đã bị trượt chân ngã xuống sườn đồi, gãy xương sườn và xây xát mặt mũi.

Vào dịp cuối năm, các đối tượng xấu thường lợi dụng vận chuyển hàng lậu, hàng cấm và xâm nhập biên giới trái phép. Do vậy, Đồn Biên phòng Bắc Sơn đã sớm xây dựng kế hoạch và phân công rõ nhiệm vụ tuần tra bảo vệ đường biên, cột mốc biên giới cho từng tập thể, cá nhân, bảo đảm trực 24 giờ/ngày. Đồng thời tăng cường phối hợp với các lực lượng Công an, Quân sự, chính quyền địa phương tuần tra, kiểm soát, bảo vệ an ninh, trật tự, cột mốc biên giới.

CBCS Đội công tác biên phòng Km4 (Đồn BP Bắc Sơn) thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cột mốc 1365.

CBCS Đội công tác biên phòng Km4 (Đồn BP Bắc Sơn) thực hiện nhiệm vụ tại khu vực cột mốc 1365.

Thực hiện chỉ đạo của cấp uỷ, Ban Chỉ huy Đồn với phương châm “Vui xuân mới không quên nhiệm vụ” các tổ, đội, CBCS của Đồn BP Bắc Sơn luôn xác định rõ trách nhiệm của mình trong dịp Tết là phải tăng cường tuần tra đường biên hơn nữa để bảo vệ vững chắc chủ quyền, an ninh biên giới quốc gia trước, trong và sau Tết, đảm bảo cho người dân đón một cái Tết thật an toàn, đầm ấm.

Trên đường tuần tra, Thiếu tá Lê Công Minh, Đội trưởng Đội vận động quần chúng, chia sẻ: “Niềm vui của chúng tôi là được chứng kiến nhân dân biên giới ăn Tết vui tươi, an toàn, lành mạnh”.

Một mùa xuân mới sắp đến, những người lính Biên phòng nơi địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc vẫn chắc tay súng, giữ vững biên cương. Những cột mốc biên giới mà các anh đi qua đều được truyền lại hơi ấm từ những đôi bàn tay xoa vào mặt đá. Với các anh, cột mốc luôn có tâm hồn!

Ở vùng đất biên cương, nơi không vướng khói bụi thành phố, không nhộn nhịp, ồn ào, người ta sống với nhau bằng sự chân tình, quân với dân một lòng, như cá với nước. Vì nhiệm vụ bảo vệ quốc phòng - an ninh, những người lính Biên phòng nắm chắc tay súng giữ từng tấc đất biên cương, ở phòng tuyến phía trong, các CBCS mang trên mình sắc phục Công an nhân dân nỗ lực ngày đêm bảo vệ trị an, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

Cách thị trấn Quảng Hà (trung tâm huyện Hải Hà) hơn 20km đường đồi núi, xã biên giới Quảng Đức vốn là một trong những địa bàn trọng điểm về ANTT, có đến hơn 95% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số.

Trong cái nắng hanh hao của những ngày giáp Tết, theo chân cán bộ Công an xã đến thăm và nắm tình hình ANTT bản Vắn Tốc (cách trung tâm xã Quảng Đức gần 10km), chúng tôi được chứng kiến tình cảm gần gũi của quân và dân nơi đây, bởi những lời chào hỏi thân quen, những cái bắt tay thật chặt. Cột mốc 1343 nằm ở bản Vắn Tốc chỉ cách bên kia biên giới một con sông, vào mùa lũ, nước chảy xiết, nhưng mùa nước cạn, những mỏm đá nhô lên khỏi mặt nước, chỉ vài bước chân lội qua sông đã là xuất, nhập cảnh trái phép.

Công an xã Quảng Đức động viên và vận động bà con bảo vệ đường biên, cột mốc.

Công an xã Quảng Đức động viên và vận động bà con bảo vệ đường biên, cột mốc.

Thế nhưng, theo bà Phạm Thị Dự, một người dân sinh sống trên địa bàn đã hơn 20 năm, bà con trong bản đều ý thức rất tốt về nghĩa vụ của cư dân biên giới và những hậu quả nếu xuất, nhập cảnh trái phép hoặc là tiếp tay cho hoạt động tổ chức đưa người khác xuất, nhập cảnh trái phép. Bởi thế, dù cuộc sống đôi lúc khó khăn và cũng không ít lần nghe những lời dụ dỗ hấp dẫn, thế nhưng, nhiều năm nay, dân bản Vắn Tốc thực hiện rất tốt quy định này.

Đó là kết quả của cả một quá trình tích cực vận động, tuyên truyền, kiểm soát và xử lý nghiêm các vi phạm mà các lực lượng chức năng và chính quyền sở tại đã thực hiện rất có hiệu quả trong thời gian vừa qua. Đã từ lâu rồi, người dân nơi đây quen với cảnh bỗng nhiên gặp các đồng chí công an ở bản lúc chiều tối, rồi vào nhà người này, hỏi thăm người kia. Ngày trước thì ngạc nhiên đấy, nhưng dần dần, thấy các cán bộ nói chuyện gần gũi, tay bắt mặt mừng, hỏi thăm sức khỏe, đời sống của bà con, đôi lúc quan tâm như con cháu trong nhà, bà con cảm thấy yên tâm, sẵn sàng lắng nghe, sẵn sàng chia sẻ.

“Chẳng những thế, những dịp Tết như thế này, các cán bộ thường mua đồng quà, tấm bánh đến chơi nhà. Trong câu chuyện là sự thăm hỏi, động viên cuộc sống thường ngày, lồng ghép cả lời nhắc nhở đồng bào không tiếp tay cho các hành vi vi phạm pháp luật. Cán bộ rất quan tâm đến cuộc sống của bà con; hiểu và nói chuyện được với bà con bằng tiếng dân tộc, dần dần cảm thấy khoảng cách được xóa mờ” – bà Dự vui vẻ nói.

Thiếu tá Nông Tiến Mạnh, Trưởng Công an xã Quảng Đức, cho biết: Khó khăn nhất trong việc quản lý địa bàn chính là các lối mở tự phát trên dọc tuyến biên giới. Địa bàn rộng, đường biên dài, các đối tượng từ nơi khác đến thường lợi dụng địa hình để thực hiện hành vi phạm tội, nhất là vận chuyển hàng lậu vào dịp giáp Tết. Trong khi đó, Công an xã lực lượng mỏng. Đây cũng là khó khăn chung của các xã vùng biên giới chứ không riêng gì Quảng Đức. Vì thế, chúng tôi thường phải phối hợp với các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn, với các già làng, trưởng bản, để vận động, giải thích cho bà con hiểu những quy định mới của pháp luật, chung tay bảo vệ đường biên, cột mốc.

Công an huyện Hải Hà tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.

Công an huyện Hải Hà tuyên truyền pháp luật cho nhân dân.

Sự phối hợp chặt chẽ ấy đã tạo nên thế kiềng ba chân vững chắc, giữ an toàn “điểm nóng” vùng biên khỏi tình trạng xuất, nhập cảnh trái phép hoặc thẩm lậu hàng hóa qua biên giới, vấn nạn làm đau đầu các nhà quản lý, các lực lượng chức năng, nhất là vào dịp cuối năm, khi nhu cầu tìm việc làm và tiêu thụ hàng hóa tăng cao.

Nằm giữa Quảng Đức (huyện Hải Hà) và Bắc Sơn (TP Móng Cái) trên tuyến đường vành đai biên giới là xã Hải Sơn (TP Móng Cái), nơi có nghĩa trang liệt sĩ Pò Hèn và câu chuyện về những anh hùng đã ngã xuống để bảo vệ từng tấc đất quê hương trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới năm xưa. Mùa xuân năm 1979 đã trở thành bản hùng ca bất diệt về những chàng trai, cô gái mãi bất tử trong trái tim của những người yêu nước.

Trở lại nơi chiến trường xưa, giờ đây đã là một vùng quê yên bình với cộng đồng cư dân nhiều dân tộc khác nhau cùng chung sống. Những khoảnh vườn đã từng khô cằn, nay xanh mướt những luống rau. Những ngôi nhà khoác lên mình bức tranh bích họa sống động, đa màu. Màu của sự sống, của sự sinh sôi nảy nở đã bao phủ cả vùng biên viễn, nơi sương mù quấn quanh đỉnh Pò Hèn, nơi càng về chiều càng cảm nhận được cái lạnh thấu xương của sương muối, dù ban ngày, nắng vẫn còn hanh.  

Công an xã Hải Sơn thăm hỏi gia đình có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán.

Công an xã Hải Sơn thăm hỏi gia đình có hoàn cảnh khó khăn dịp Tết Nguyên đán.

Những ngày giáp Tết, công việc của các CBCS Công an xã Hải Sơn nhiều hơn thường ngày, trong guồng quay của đợt cao điểm tấn công trấn áp tội phạm bảo vệ Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán và các ngày lễ hội đầu xuân. Chỉ 1 tháng trước thôi, mọi thứ còn vô cùng bộn bề, áp lực bởi cao điểm “90 ngày đêm” thực hiện các chỉ tiêu phục vụ triển khai Luật Cư trú 2020 và Đề án 06; cao điểm “60 ngày đêm” tổng kiểm tra, rà soát an toàn PCCC&CNCH. Tết năm nay, bà con phấn khởi đón một năm mới không bị giãn cách, hạn chế di chuyển vì Covid-19, thế nhưng, bởi chính sách “zero Covid” của nước bạn cũng ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của cư dân biên giới.

Công an xã Hải Sơn vận động nhân dân không đốt pháo trong dịp Tết.

Công an xã Hải Sơn vận động nhân dân không đốt pháo trong dịp Tết.

Đại úy Phùn Duy Hiển, Phó trưởng Công an xã Hải Sơn, cho biết: Là xã biên giới, vùng cao, Hải Sơn có hơn 90% dân cư là đồng bào dân tộc thiểu số, do tập tục truyền thống, vào dịp Tết thường xảy ra tình trạng lạm dụng rượu bia, tiềm ẩn phát sinh các mâu thuẫn trong cộng đồng. Với hơn 12km đường biên giới giáp ranh với nước bạn, Hải Sơn cũng là địa bàn trọng yếu, chiến lược về quốc phòng - an ninh. Dịp giáp Tết Nguyên đán, nhiều thời điểm nhiệt độ ngoài trời chỉ khoảng 6 độ C, có ngày nhiệt kế chỉ khoảng 0-2 độ, kèm mưa phùn và gió buốt, mặc bao nhiêu lớp áo cũng vẫn cảm thấy lạnh cóng. Dù vậy, hằng ngày CBCS của Công an xã vẫn ứng trực, đồng thời phối hợp chặt chẽ với Đồn Biên phòng Pò Hèn tăng cường tuần tra đường biên, cột mốc, đặc biệt là trong khung giờ từ 22h hôm trước đến 6h sáng hôm sau để chủ động đấu tranh phòng ngừa buôn bán vận chuyển hàng hoá trái phép, pháo, đưa dẫn người xuất, nhập cảnh trái phép. 

Công an xã Bắc Sơn phối hợp với Bộ đội biên phòng và chính quyền cơ sở tuần tra bảo đảm ANTT địa bàn dịp Tết.

Công an xã Bắc Sơn phối hợp với Bộ đội biên phòng và chính quyền cơ sở tuần tra bảo đảm ANTT địa bàn dịp Tết.

Thời điểm trước, trong và sau Tết Nguyên đán thường dễ phát sinh các hoạt động vi phạm pháp luật như vận chuyển hàng hoá trái phép, xuất nhập cảnh trái phép. Thực hiện chỉ đạo của Giám đốc Công an tỉnh, Công an các đơn vị, địa phương đã xây dựng kế hoạch, huy động tối đa nhân lực, trang thiết bị, phân công CBCS các đội nghiệp vụ, lực lượng Công an phường, xã, tăng cường nắm tình hình, phối hợp hiệu quả với lực lượng Biên phòng, cấp ủy, chính quyền các xã giữ vững địa bàn, xử lý nghiêm các vi phạm; góp phần bảo vệ chủ quyền an ninh biên giới quốc gia, đảm bảo ANTT; mục đích cuối cùng chính là đem lại sự bình yên, hạnh phúc cho nhân dân vui Xuân, đón Tết.

Ngày xuất bản: 20/1/2023

Nội dung: Hằng Ngần - Nguyễn Chiến

Trình bày: Vũ Đức