Tất cả chuyên mục
Thứ Bảy, 30/11/2024 05:42 (GMT +7)
Lại nói về bữa cơm gia đình
Chủ nhật, 28/06/2015 | 02:25:25 [GMT +7] A A
Còn nhớ, chủ đề của Ngày Gia đình Việt Nam 28/6 năm 2014 là “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương”. Đến Ngày Gia đình Việt Nam năm nay, 28/6/2015, một lần nữa chủ đề này lại tiếp tục được chọn. Rõ ràng đây hoàn toàn không phải là điều ngẫu nhiên, nó cho thấy “bữa cơm gia đình”, một sinh hoạt thường ngày trong cuộc sống những năm trước đây, nay đang ngày càng thưa vắng. Và điều đó là rất đáng lo ngại! Hay nói cách khác, sự coi nhẹ “bữa cơm gia đình” truyền thống của rất đông người trong xã hội hiện nay, dù là vì lý do gì, chủ quan hay khách quan, thì nó cũng cho thấy đã có sự thay đổi nhiều giá trị văn hoá truyền thống rất đáng suy nghĩ.
Ai cũng biết, bữa cơm gia đình hội tụ trong đó rất nhiều nét văn hoá truyền thống của người Việt. Có những nhân tố tích cực, cần phát huy, nhưng cũng có cả những nhân tố tiêu cực, cần loại bỏ. Bữa cơm gia đình không chỉ là để ăn, để “nạp thêm năng lượng vật chất”, mà còn là nơi các thành viên trong gia đình thể hiện đạo lý cha con, vợ chồng, anh em v.v.. Thậm chí, với người Việt, cái “cách ăn”, “ứng xử với nhau trong khi ăn” nhiều khi còn quan trọng hơn cả đồ ăn. Chẳng thế mà: “Râu tôm nấu với ruột bầu/ Chồng chan, vợ húp gật đầu khen ngon…” đó sao?
Tất nhiên, không thể và không nên đòi hỏi bữa cơm gia đình ngày nay cũng phải giữ đầy đủ mọi phép tắc một cách cầu kỳ như ngày xưa. Và cũng không thể nói gia đình nào thời nay cũng có điều kiện để có những bữa cơm gia đình hàng ngày được. Nó tuỳ thuộc vào điều kiện, hoàn cảnh của mỗi nhà. Vấn đề đáng lo ngại là ở chỗ, trong cuộc sống xô bồ hiện nay, không phải ai cũng nhận thức đầy đủ giá trị nhân văn, sự cần thiết của bữa cơm gia đình đối với tổ ấm của mình. Đây mới là điều quan trọng nhất, bởi một khi thấy nó là cần thì tự bản thân mỗi người, mỗi gia đình sẽ có cách để điều chỉnh cho phù hợp. Tôi rất đồng tình khi đọc trên một trang mạng xã hội ý kiến của Tiến sĩ Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý - Giáo dục thành phố Hà Nội, rằng: “Bữa cơm gia đình là hình ảnh biểu trưng của hơi ấm gia đình, là nơi để chia sẻ chứ không phải đơn thuần là chúng ta ngồi ăn với nhau một bữa cơm. Nếu cứ suốt ngày đi rồi tối ai về phòng nấy thì chỉ là duy trì sự tồn tại của gia đình chứ không phải xây dựng một gia đình theo đúng nghĩa”.
Vậy nên, có lẽ không chỉ vào Ngày Gia đình Việt Nam năm 2014 hay năm 2015, mà cả trong nhiều năm tới, “Bữa cơm gia đình ấm áp yêu thương” vẫn luôn là chủ đề mang tính thời sự, vẫn cần đặt ra…
Trung Luận
Liên kết website
Ý kiến ()