Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 01:40 (GMT +7)
Giải bài toán thiếu sân chơi cho thiếu nhi?
Thứ 3, 22/06/2021 | 06:23:00 [GMT +7] A A
Sân chơi cho trẻ em là câu chuyện được bàn thảo rất nhiều từ gia đình đến xã hội, bởi nó ảnh hưởng rất nhiều đến sự phát triển của trẻ. Thiếu sân chơi còn khiến các bậc phụ huynh gặp khó khăn trong việc quản lý trẻ, nguy cơ trẻ sa đà vào các tệ nạn xã hội, mất an toàn...
Thiếu sân chơi ở vùng sâu, vùng xa
Khác với trẻ em thành phố có nhiều điều kiện để tham gia các hoạt động vui chơi giải trí ngày hè, trẻ em nông thôn, nhất là tại các huyện miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc, sân chơi với các thiết bị phù hợp lứa tuổi, đảm bảo an toàn cho trẻ vẫn chỉ là ước mơ.
Là một trong những thôn cách xa trung tâm xã, thôn Làng Cổng (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) từ bao năm nay vẫn chưa có điểm vui chơi cho trẻ em. Vào những ngày hè, nếu không ở nhà thì trẻ cũng chỉ biết lang thang đến các bãi cỏ, góc đường chơi thả diều... Tuổi thơ của các em không có công viên, cầu trượt, không có nhà bóng, bể bơi. Trước kia, mỗi chiều tan học, các em có thể qua điểm trường mầm non để chơi con thú nhún, chơi cầu trượt…, nhưng sau nhiều năm, trải qua mưa nắng, số thiết bị này đã xuống cấp, hầu như không thể sử dụng.
Nhà văn hóa thôn nằm ở cuối một con dốc nhỏ, địa thế trũng, nên thường xuyên ẩm thấp, dột, nứt, các vật dụng được trang bị cũng theo thời gian bị hỏng. Người lớn mỗi khi cần hội họp còn cảm thấy hoang mang vì nguy cơ mất an toàn, nên không phải là nơi trẻ em có thể vui chơi, tham gia sinh hoạt hè.
Anh Đặng A Đồng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Làng Cổng, cho biết: Trẻ em thị trấn còn có thể đến các khu vui chơi trẻ em do tư nhân đầu tư, còn trẻ em các thôn, bản thì đành chịu. Thôn không còn quỹ đất công cộng, mà có thì xã cũng không có kinh phí, nên việc đầu tư xây dựng khu vui chơi trẻ em thời điểm này là không thể.
Làng Cổng không phải thôn duy nhất gặp phải tình trạng này. Rất nhiều địa phương cũng đang loay hoay giải bài toán tạo sân chơi cho trẻ em, nhất là trong những ngày hè. Tuy nhiên, ở vùng sâu, vùng xa, bài toán này dường như mãi chưa có lời giải. Đó là lý do tại sao trẻ em ở những nơi này thường tìm đến các ao hồ, sông suối, ngầm tràn tắm vào buổi chiều, để rồi nguy hiểm luôn rình rập. Trên cả nước đã có biết bao vụ trẻ em đuối nước thương tâm vì tắm sông, tắm suối; có biết bao gia đình, chỉ trong phút chốc mất đi cùng lúc 2 đứa con…
Còn đó những khó khăn
Mặc dù các cấp quản lý đều nắm bắt được thực trạng này, nhưng giải quyết bài toán lại không hề dễ dàng, không phải chuyện một sớm, một chiều.
Về vấn đề này, bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Do còn khó khăn, huyện chưa có đủ nguồn lực để đầu tư xây dựng các điểm vui chơi cho trẻ em. Việc xã hội hóa cũng khó thực hiện, vì mức sống của người dân còn thấp, trên địa bàn lại không có các doanh nghiệp lớn, chủ yếu là vừa và nhỏ.
Cũng như huyện Ba Chẽ, giải quyết nhu cầu vui chơi của trẻ trong dịp hè là một trong những khó khăn của huyện Vân Đồn. Theo lãnh đạo Phòng LĐ-TB&XH huyện Vân Đồn: Đến nay, một số diện tích đất dành cho các điểm vui chơi đều đã chuyển đổi sang mục đích sử dụng khác, như đầu tư xây dựng các trường mầm non, trở thành các điểm vui chơi của trường, không mang tính cộng đồng.
Ông Nguyễn Hồng Minh, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Vạn Yên, cho biết: Diện tích của xã hầu như vướng vào quy hoạch; ngay cả trụ sở UBND xã, trường mầm non, tiểu học, THCS, muốn đầu tư cũng rất khó.
Trên địa bàn huyện Vân Đồn hiện có một khu vui chơi công cộng tại Khu đô thị Phương Đông (xã Đông Xá). Đây là nơi trẻ em có thể tham gia chơi một số trò phù hợp. Trẻ cũng có thể chơi ở các điểm vui chơi do tư nhân đầu tư, với giá dịch vụ vài chục ngàn đồng/buổi chơi, nhưng không phải gia đình nào cũng có điều kiện để cho con em mình tham gia chơi ở đây.
Chung tay khắc phục
Rất nhiều bậc phụ huynh lo lắng khi trẻ nghỉ hè ở nhà sẽ dành quá nhiều thời gian xem ti vi, chơi Ipad, điện thoại thông minh, dẫn đến nguy cơ tiếp xúc với những nội dung xấu độc. Trẻ cũng rất dễ nảy sinh tâm lý chán nản, ức chế vì không được vui chơi thoải mái trong những ngày hè.
Để đáp ứng phần nào nguyện vọng của phụ huynh, học sinh, các cơ sở đoàn trong tỉnh đã lên kế hoạch, triển khai các hoạt động vui chơi cho trẻ em trong điều kiện đảm bảo an toàn phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới.
Anh Lê Tuấn Vũ, Bí thư Thành Đoàn Hạ Long, cho biết: Thành Đoàn đã chỉ đạo các cơ sở đoàn tổ chức các hoạt động thu hút thiếu nhi tham gia vào các diễn đàn, tọa đàm, sinh hoạt tập thể, phong trào, mô hình câu lạc bộ, tổ, đội, nhóm để được nói lên tiếng nói của chính mình trong hoạt động đoàn, đội ở cơ sở. Đồng thời, tổ chức các hoạt động vui chơi, giáo dục kỹ năng sống cho các em, như mở các lớp năng khiếu hè, lớp bơi, kỹ năng phòng chống tai nạn đuối nước, tai nạn thương tích, phòng chống xâm hại bạo lực cho thanh thiếu nhi…
Bà Đinh Thị Vỹ, Phó Chủ tịch UBND huyện Ba Chẽ, cho biết: Chúng tôi khắc phục bằng cách chỉ đạo các ngành GD&ĐT, LĐ-TB&XH khai thác, lắp đặt các bể bơi thông minh trong trường học. Đồng thời, chỉ đạo các xã, thị trấn lắp đặt các biển cảnh báo nguy cơ, nguy hiểm tại các điểm ao hồ, sông suối trên địa bàn.
Đây cũng là giải pháp tạm thời được nhiều địa phương thực hiện khi chưa có đủ điều kiện đầu tư xây dựng các khu vui chơi giải trí công cộng, đủ tiêu chuẩn cho trẻ em.
Do đó, bên cạnh sự nỗ lực của các cấp, ngành, địa phương trong công tác chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em, quản lý, giáo dục thanh thiếu nhi, học sinh dịp hè, thì vai trò và sự đồng hành của các bậc phụ huynh là vô cùng quan trọng. Hướng dẫn con kỹ năng an toàn khi ở nhà, giúp các con lập thời gian biểu hằng ngày hợp lý là giúp con có một mùa hè bổ ích, lý thú và an toàn.
Khánh Hằng - Thái Cảnh
Liên kết website
Ý kiến ()