Mạnh dạn, dám nghĩ, dám làm, đó là những điều chúng tôi cảm nhận được về bà Nguyễn Thị Chúc, nông dân sản xuất kinh doanh giỏi tại khu Xuân Cầm, phường Xuân Sơn, TX Đông Triều. Bà Chúc sinh năm 1965, bà được biết đến không chỉ là người nỗ lực vươn lên phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng ngay trên mảnh đất quê hương, mà còn có những đóng góp cho công tác xã hội, từ thiện trên địa bàn.
Trò chuyện với chúng tôi, với gương mặt tự tin, vóc dáng nhanh nhẹn, bà Chúc kể, năm 2015, gia đình bà xây dựng trang trại tổng hợp trồng trọt, chăn nuôi, kết hợp kinh doanh nuôi khai thác thủy sinh nhằm khai thác nguồn lợi tự nhiên sẵn có là rươi, cáy và các loại cá từ sông Cầm. Năm đầu do chưa có kinh nghiệm nên hiệu quả và chất lượng sản phẩm đầu ra không cao.
Sau quá trình canh tác, đúc rút kinh nghiệm, gia đình bà đầu tư thuê nhân công lao động, cải tạo bờ chia ô nhỏ để cấy lúa, sử dụng phân bón hữu cơ để làm xốp đất, hạn chế tối đa việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật. Nhờ đó, rươi, cáy ngày càng phát triển thuận lợi. Đồng thời, nhận thấy nhu cầu thị trường ngày càng lớn, bà đã mạnh dạn đầu tư, mở rộng thêm dịch vụ nhà hàng ăn uống với các sản phẩm đặc sản đồng quê, chủ yếu là rươi và mắm cáy. Đến nay, với diện tích canh tác hơn 6ha khoanh nuôi khai thác thủy sinh (rươi, cáy) và nhà hàng đặc sản “Lẩu rươi cầu Cầm”, lợi nhuận bình quân hàng năm, sau khi trừ chi phí, gia đình bà thu hơn 1,8 tỷ đồng. Sản phẩm mắm cáy và rươi đã trở thành sản phẩm chủ lực của mô hình và là một trong những sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP của tỉnh. Hiện nay, mô hình đã góp phần tạo việc làm thường xuyên cho 15 lao động với mức thu nhập ổn định bình quân đạt 6 - 8 triệu đồng/người/tháng, tạo việc làm theo mùa vụ cho khoảng 20 người.
Ngoài ra, bà còn tham gia hỗ trợ, đóng góp cho các hoạt động xây dựng nông thôn mới, xây dựng đô thị văn minh của địa phương, hỗ trợ trẻ em khuyết tật có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo với tổng kinh phí hàng trăm triệu đồng. Với những nỗ lực vươn lên trong lao động sản xuất, kinh doanh cùng những đóng góp cho công tác xã hội, từ thiện, bà đã được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen cho nông dân có thành tích xuất sắc trong sản xuất, kinh doanh; góp phần vào sự nghiệp xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc giai đoạn 2017 - 2022.
Khắc ghi lời dạy của Bác, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân phường Phương Nam (TP Uông Bí) luôn xác định học và làm theo Bác từ những việc làm cụ thể, từ đó, góp phần xây dựng hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, không ngừng nâng cao đời sống, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Đồng chí Nguyễn Quang Nghĩa, Bí thư Đảng uỷ phường Phương Nam, TP Uông Bí cho biết: Để việc học tập và làm theo Bác thực sự lan tỏa, những năm qua, phường luôn chú trọng và quan tâm đến việc xây dựng kế hoạch các mô hình mới, cách làm hay, sáng kiến kinh nghiệm. Từ đó, phường đã lựa chọn được những sáng kiến, kinh nghiệm hay vận dụng vào thực tiễn trong quá trình giải quyết công việc. Cụ thể từ năm 2016 đến năm 2022 có trên 30 mô hình, sáng kiến được áp dụng có hiệu quả tại phường được Hội đồng Sáng kiến thành phố công nhận như: Mô hình “Tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ kinh tế, chính trị, xã hội, quốc phòng, an ninh” của Đảng bộ phường Phương Nam, kết quả nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch thành phố giao như: Thu NSNN đạt 381%; thu ngân sách địa phương đạt 252%; thu cấp quyền sử dụng đất đạt 522%...
Nhiều mô hình phát triển kinh tế được áp dụng và đem lại hiệu quả kinh tế cao, như: Mô hình “Vận động nhân dân chăm sóc cây vải theo quy trình VietGAP” của Hội Nông dân phường, đến nay đã có 8/8 khu trồng vải với tổng diện tích 372ha, doanh thu 1.000 tỷ đồng/năm; mô hình nuôi trồng thủy sản, phát triển đàn gia súc gia cầm, đạt 186 tỷ đồng/năm... Cùng với đó, triển khai Mô hình “GPMB, làm đường giao thông khu dân cư và đường nội đồng” của cán bộ và nhân dân khu Hiệp Thanh, kết quả đã xây dựng được tuyến đường giao thông bê tông ngõ xóm với chiều dài trên 300m và làm đường phục vụ sản xuất, tiêu thụ vải cho nhân dân với chiều dài trên 800m, tổng trị giá gần 300 triệu đồng. Đồng thời, vận động hàng trăm hộ dân hiến trả đất để thi công các tuyến đường từ Đường đôi đến đường HCR, dự án đường Liên huyện Uông Bí - Đông Triều, Dự án đường ven sông kết nối từ cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều... Từ năm 2016 đến nay, phường Phương Nam đã nhiều lần được khen thưởng Đảng bộ trong sạch vững mạnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, tập thể lao động xuất sắc, cờ thi đua dẫn đầu khối xã, phường.
Bằng nhiều giải pháp, trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 05 các cấp ủy, cơ quan, đơn vị trong chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, những gương người tốt - việc tốt, tạo sự lan tỏa sâu rộng.
Nổi bật như Đảng bộ huyện Tiên Yên xây dựng và nhân rộng mô hình “Dân vận khéo thắp sáng đường quê” của Hội Cựu chiến binh huyện; mô hình “Tập thể CBGVNV và học sinh nhà trường đoàn kết tích cực tham gia các hoạt động tập thể nhằm giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa các dân tộc thiểu số của địa phương” của Chi bộ Trường PTDT nội trú THCS&THPT Tiên Yên; mô hình “Thực hiện kỷ luật, kỷ cương, văn hóa công sở” của Công đoàn Cơ quan Huyện ủy; mô hình “Tiết kiệm làm theo gương Bác” của Đoàn Thanh niên huyện. Đảng bộ huyện Bình Liêu đã xây dựng và duy trì tốt các mô hình mua, treo, đặt ảnh Bác Hồ ở 80% hộ gia đình và 100% trụ sở cơ quan, đơn vị, trường học; duy trì Quỹ tiết kiệm Bác Hồ, Quỹ hỗ trợ phụ nữ, thanh niên thoát nghèo. Ngoài ra, các Đảng bộ như Đảng bộ TP Hạ Long nuôi dưỡng và duy trì với 156 mô hình tập thể, cá nhân; Hải Hà với 175 mô hình tập thể, 215 mô hình cá nhân; Quân sự tỉnh với 103 mô hình tập thể...
Từ các mô hình, phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tập thể, cá nhân điển hình, tạo sức lan tỏa sâu rộng, nhân rộng hàng nghìn người tốt - việc tốt.
Là một trong nhiều tập thể được tỉnh tuyên dương điển hình xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, giai đoạn 2020-2021, Đảng bộ phường Ka Long (TP Móng Cái) đã có nhiều cách làm sáng tạo, đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện. Mỗi cán bộ, đảng viên của phường luôn tích cực, gương mẫu đi đầu trong các phong trào hành động cách mạng ở địa phương, luôn gần dân, sát dân, tận tụy, nhiệt tình trong công việc, được nhân dân tin yêu, quý trọng. Đặc biệt, trong hơn 2 năm qua, trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, phường đã huy động cả hệ thống chính trị, các cấp, ngành, cùng sự đồng hành, chung tay, góp sức của toàn thể nhân dân, với tinh thần “chống dịch như chống giặc” theo phương châm “3 trước, 4 tại chỗ”; đẩy mạnh tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận của nhân dân thực hiện tiêm vắc-xin phòng Covid-19. Ka Long cũng là địa phương đầu tiên của Móng Cái phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết chống dịch Covid-19; phát hiện, tố giác tội phạm, người nhập cảnh trái phép, người trốn, người không chấp hành nghiêm cách ly”. Ngoài ra, nhiều phong trào đã được các chi bộ trong Đảng bộ phường thực hiện hiệu quả như phong trào “Làm hết việc, chứ không phải làm hết giờ”, “Mỗi ngày làm một việc tốt vì nhân dân; phong trào “Mỗi tuần 60 phút vì khu phố văn minh, sạch đẹp”.
Học và làm theo Bác bằng những việc làm thiết thực, hiệu quả đã giúp Đảng bộ phường Ka Long củng cố vững chắc nền tảng tinh thần trong cán bộ, đảng viên và nhân dân, tạo động lực cho phường đổi mới, phát triển, trở thành điểm sáng của Móng Cái với tư duy đột phá trong công tác xây dựng Đảng, chính quyền, phát triển kinh tế - xã hội. Ka Long cũng là đơn vị đi đầu khối xã, phường của TP Móng Cái đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hướng tới chuyển đổi số toàn diện mà bước đầu là thực hiện cuộc họp của Đảng ủy, Kỳ họp của HĐND và các cuộc họp của UBND phường “không giấy tờ”.
Cùng với những tập thể điển hình, phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh ở tỉnh Quảng Ninh còn ghi nhận nhiều cá nhân tiêu biểu. Nổi bật là CCB Lương Văn Thuần (thị trấn Tiên Yên, huyện Tiên Yên) không chỉ nỗ lực vươn lên phát triển sản xuất, chiến thắng cái nghèo, mang đến cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho gia đình mà còn nhiệt tình hỗ trợ đồng chí, đồng đội, tạo công ăn việc làm ổn định cho các hộ dân trên địa bàn. Với vai trò là Giám đốc HTX Đoàn Kết, ông Thuần không ngừng học hỏi, trau dồi kinh nghiệm trong quá trình vận hành bộ máy, tìm kiếm thị trường cung cấp và tiêu thụ ổn định nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, thu nhập cho các xã viên.
Từ 1 tỷ đồng tiền vốn, 38 xã viên ban đầu, đến nay, HTX Đoàn Kết đã phát triển thành 42 xã viên, vài tỷ đồng vốn. Đặc biệt, nông sản thu mua của HTX, ban đầu chỉ cung cấp ở một số chợ dân sinh, sản lượng nhỏ; đến nay đã cung cấp đến 26 bếp ăn bán trú cho các trường học trên địa bàn huyện Tiên Yên, giá trị đạt trên 1 tỷ đồng/tháng. Từ việc định hướng, tổ chức phát triển sản xuất kinh doanh, ông Thuần đã giải quyết việc làm ổn định cho 42 hộ xã viên với mức thu nhập từ 30-50 triệu đồng/hộ/tháng, đồng thời tạo việc làm thường xuyên cho nhiều hộ nông dân khác trên địa bàn.
Chỉ tính trong giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh đã xây dựng được trên 1.000 mô hình tập thể và cá nhân tiêu biểu trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; vinh danh 87 tập thể và 107 cá nhân có thành tích tiêu biểu, nổi bật trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Trong giai đoạn 2021 - 2022, Quảng Ninh có 16 mô hình tập thể và 19 mô hình cá nhân tiêu biểu xuất sắc về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.
Bằng những phương pháp mới, những cách làm hay, thiết thực, hiệu quả, Quảng Ninh đã và đang tiếp tục đưa việc học và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh thấm sâu vào đời sống xã hội; trở thành hoạt động tự giác, thường xuyên của các cấp, các ngành, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh. Qua đó, tạo ra phong trào hành động cách mạng sâu rộng, nâng cao năng lực, ý thức trách nhiệm, thường xuyên trau dồi, rèn luyện bản thân và thái độ phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức... Đặc biệt việc xây dựng, nhân rộng và biểu dương kịp thời các tập thể, cá nhân tiêu biểu đã tạo sức lan tỏa trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và mọi tầng lớp nhân dân trong việc tích cực lao động, học tập, nghiên cứu khoa học, phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện các phong trào thi đua yêu nước của Trung ương và địa phương.
Học và làm theo Bác không ở đâu xa, mà từ những công việc rất đỗi đời thường, nhưng mang ý nghĩa sâu sắc về ý thức tự giác và tinh thần trách nhiệm của mỗi người. Bằng những hành động, việc làm cụ thể, mỗi cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã góp phần làm cho vườn hoa của Bác ngày càng rực rỡ và tỏa ngát hương thơm.