4
18
/
1100577
Làm theo Bác để người dân ấm no, hạnh phúc - Bài 2: Nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân
longform
Làm theo Bác để người dân ấm no, hạnh phúc - Bài 2: Nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh kính yêu đã căn dặn: "Nếu nước độc lập mà dân không hưởng hạnh phúc tự do, thì độc lập cũng chẳng có nghĩa lý gì”. Tư tưởng đó đã được Đảng ta khẳng định và chứng minh bằng những thành quả to lớn của đất nước nhờ tích cực đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đã mang lại hạnh phúc, ấm no cho nhân dân hôm nay. Cùng với các địa phương trong cả nước thực hiện học tập và làm theo lời dạy của Bác, Quảng Ninh đã xây dựng và thực hiện nhiều chính sách, giải pháp đồng bộ, hiệu quả nhằm nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân, nỗ lực vì sự phát triển của tỉnh, vì hạnh phúc của nhân dân.

Vận dụng sáng tạo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Chủ tịch Hồ Chí Minh vào công tác lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức triển khai, thực hiện nghị quyết của Đảng, tỉnh Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo các cấp ủy, các sở, ban, ngành cụ thể hóa việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW bằng các chủ trương, chương trình, kế hoạch, giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn. Trong quá trình đó, tỉnh đã nghiên cứu, quán triệt, vận dụng quan điểm của Đảng và tư tưởng Hồ Chí Minh để Nhân dân thực sự là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Với quan điểm nhất quán lấy hạnh phúc của nhân dân là mục tiêu phấn đấu cao cả và xuyên suốt, mọi chủ trương, chính sách của tỉnh đều hướng tới hiện thực hóa mục tiêu đó.

Điển hình là trong cuộc chiến chống Covid-19, với tư tưởng chỉ đạo “chống dịch như chống giặc”, vì mục tiêu cao nhất là bảo vệ sức khỏe, an toàn của nhân dân, nhiệm vụ cấp bách, quan trọng hàng đầu luôn được tỉnh Quảng Ninh ưu tiên là tập trung trí tuệ, nguồn lực, chủ động, linh hoạt, sáng tạo các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Trong 2 năm 2020, 2021 cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh bằng nỗ lực đã giữ được địa bàn an toàn trước các làn sóng bùng phát của dịch Covid-19. Đặc biệt là trong đợt bùng phát lần thứ 4, với sự lây lan nhanh, nguy hiểm của biến chủng Delta, dù đã xuất hiện hàng chục ca nhiễm trong cộng đồng và ca bệnh xâm nhập, nhưng nhờ chiến lược thần tốc xét nghiệm, truy vết, sử dụng tối đa công nghệ thông tin hỗ trợ, tỉnh đã chặn đứng mọi nguồn lây, “khóa chặt ca bệnh”, nhanh chóng “làm sạch địa bàn’’, tuyệt đối không để ca bệnh chuyển hóa thành ổ dịch. Cuộc sống của người dân vẫn được diễn ra bình thường, học sinh được đến trường trong một môi trường an toàn.

Tiêm vắc-xin phòng Covid-19 cho học sinh lớp 5, lớp 6 trên địa bàn phường Phương Nam (TP Uông Bí). Ảnh Nguyễn Hoa

Đặc biệt, với sự thành công của chiến lược vắc-xin, đầu năm 2022, khi dịch Covid-19 lan trong toàn quốc, Quảng Ninh đã bảo vệ được sức khỏe nhân dân khi tỷ lệ nhiễm bệnh cao nhưng tỷ lệ ca nguy hiểm rất thấp do đã tạo được miễn dịch cộng đồng. Cùng với đó trong điều kiện khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, tỉnh cũng chú trọng chăm lo công tác an sinh xã hội với việc triển khai thực hiện nhiều chính sách, giải pháp hiệu quả. Tỉnh đã ban hành nhiều nghị quyết quan trọng như: Nghị quyết số 245/2020/NQ-HĐND “Về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm an sinh xã hội và ổn định tình hình kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”; Nghị quyết số 326/NQ-HĐND ngày 8/2/2021 quyết định dành tối thiểu 500 tỷ đồng cùng với các nguồn lực hợp pháp để sẵn sàng cho việc mua vắc xin phòng ngừa Covid-19 và triển khai tiêm phòng cho toàn dân trên địa bàn tỉnh…

Người dân xã Quảng Thành (huyện Hải Hà) nhận tiền hỗ trợ của Nhà nước do bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19. Ảnh: Hữu Việt

Trong chiến lược phát triển của tỉnh, Quảng Ninh luôn nhất quán chủ trương phát triển kinh tế đi đôi với bảo đảm an sinh, phúc lợi và tiến bộ, công bằng xã hội. Cùng với chăm lo cho y tế, tỉnh dành sự quan tâm đặc biệt đối với ngành Giáo dục và Đào tạo như: Ưu tiên nguồn lực từ ngân sách đầu tư, nâng cấp cơ sở vật chất hệ thống các cơ sở giáo dục - đào tạo theo hướng đạt chuẩn, đồng bộ, hiện đại, từng bước phát triển mô hình giáo dục thông minh; thúc đẩy xã hội hóa, huy động nguồn lực ngoài ngân sách đầu tư một số cơ sở giáo dục ở những nơi có điều kiện thuận lợi như: Trường mầm non Hoa Hồng, Ka Long, Hải Yên (TP Móng Cái); Vinschool, Kinder World… Toàn tỉnh hiện có 556/631 trường đạt chuẩn quốc gia (đạt 88,11%). Công tác phổ cập giáo dục, xóa mù chữ được duy trì, nâng cao chất lượng, 100% đơn vị cấp xã đạt chuẩn mức độ 3. Giáo dục mũi nhọn chuyển biến tích cực, nhiều học sinh đạt huy chương tại các cuộc thi cấp khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, hiện thực hóa mục tiêu “không để ai bị bỏ lại phía sau”, thời gian qua, tỉnh đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách chăm lo bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội. Giai đoạn 2016-2020, tỉnh đã ban hành 19 chính sách riêng có của tỉnh về an sinh, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn (ĐBKK), đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS), các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền. Đến hết năm 2019, 100% các xã, thôn ĐBKK trên địa bàn tỉnh (23 xã, 56 thôn) đã được công nhận, đạt tiêu chí hoàn thành Chương trình 135, ra khỏi diện ĐBKK (hoàn thành trước 1 năm so với lộ trình Đề án 196).

Người dân thôn Ngàn Pạt, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu phấn khởi đi trên con đường mới. Ảnh Cao Quỳnh

Đồng chí Vũ Kiên Cường, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Quảng Ninh cho biết, các quyết sách cụ thể, đồng bộ, kịp thời của tỉnh Quảng Ninh là nền tảng quan trọng để bố trí, triển khai, huy động các nguồn lực hỗ trợ đồng bào DTTS nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống, hoàn thiện cơ sở hạ tầng… Từ đó khơi dậy tinh thần tự lực và ý chí chủ động vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng của đồng bào, từng bước đưa mức sống của người dân vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo tiếp cận gần hơn với mức sống của nông thôn, thành thị.

Phát triển từ tư tưởng Hồ Chí Minh, Đại hội XIII của Đảng đề cao khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc, đặc biệt coi trọng chỉ số hạnh phúc của người dân để đánh giá về sự tiến bộ, ưu việt của quốc gia. Các yếu tố “dân hạnh phúc”, “chỉ số hạnh phúc”, “dân giám sát”, “dân thụ hưởng” là những điểm mới quan trọng trong Văn kiện Đại hội XIII của Đảng. Và đây cũng chính là các “chỉ số”, những mục tiêu quan trọng mà Quảng Ninh hướng tới trong mọi chủ trương, chính sách và trong hành động.

Tỉnh tập trung chỉ đạo các sở, ban, ngành, cấp uỷ cơ sở gắn việc thực hiện Chỉ thị số 05-CT/TW với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của địa phương, đơn vị. Chỉ đạo củng cố, nâng cao năng lực lãnh đạo toàn diện của các cấp ủy, nhất là nâng cao chất lượng công tác dự báo, ban hành các chỉ thị, nghị quyết, kết luận của Đảng. Kịp thời, sáng tạo cụ thể hóa, thể chế hóa chủ trương, đường lối và triển khai thực hiện quyết liệt, hiệu quả chính sách, pháp luật; hằng năm đều xác định chủ đề trọng tâm để tập trung lãnh đạo, chỉ đạo. Nêu cao vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ chủ chốt các cấp, tăng cường giám sát kiểm tra, xử lý vi phạm. Thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tập trung dân chủ, gắn với tăng cường kỷ luật, kỷ cương; cải cách mạnh mẽ lề lối, tác phong làm việc; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành; thường xuyên rà soát kiểm điểm đánh giá, đôn đốc thực hiện.

Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước đề xuất và triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện khuyến khích (sáp nhập huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long)

Quảng Ninh tiếp tục sắp xếp, kiện toàn, tinh giản tổ chức bộ máy theo hướng giảm những tổ chức, đơn vị có sự trùng lặp về chức năng, nhiệm vụ, ít hiệu quả hoặc chưa phù hợp về mô hình quản lý, cơ cấu tổ chức; bảo đảm phù hợp với thực tiễn, nhiệm vụ của từng cơ quan, đơn vị. Đồng thời, thành lập mới, chuyển đổi mô hình quản lý đối với những cơ quan, đơn vị cần thiết cho sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, địa phương. Đặc biệt, Quảng Ninh là địa phương duy nhất trong cả nước đề xuất và triển khai sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện thuộc diện khuyến khích (sáp nhập huyện Hoành Bồ và thành phố Hạ Long). Là tỉnh tiên phong trong cả nước thực hiện mở rộng các hình thức dân chủ trực tiếp để cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia xây dựng Đảng, chính quyền như: Tập trung rà soát, thực hiện sáp nhập 180 thôn, bản, khu phố thuộc 10 huyện, thị xã, thành phố trên địa bàn tỉnh thành 90 thôn, bản, khu phố; triển khai Chỉ thị số 24-CT/TU ngày 18/02/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về tổ chức đại hội chi bộ trực thuộc đảng bộ cơ sở và bầu trưởng thôn, bản, khu phố nhiệm kỳ 2022 – 2025; 100% bí thư chi bộ là trưởng thôn, bản, khu phố, trên cơ sở quy trình “Dân tin - Đảng cử”…

Đồng thời, tỉnh tiên phong trong việc đầu tư ngân sách của tỉnh (hoặc ứng vốn cho Trung ương) tập trung vào các dự án, công trình động lực có tính lan toả cao; quyết liệt đi đầu thực hiện các dự án lớn theo hình thức đối tác công - tư. Huy động nguồn lực từ các thành phần kinh tế, các nhà đầu tư trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng theo hướng công khai, minh bạch, đảm bảo hài hòa lợi ích của nhà nước, nhà đầu tư và xã hội, được coi là giải pháp đột phá để thực hiện các mục tiêu phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ.

Phụ nữ dân tộc Dao ở xã Đồng Văn, huyện Bình Liêu, thêu trang phục truyền thống. Ảnh: Nguyên Ngọc.

Bước sang giai đoạn chiến lược mới, Quảng Ninh tiếp tục coi bảo đảm an sinh xã hội và phúc lợi xã hội là một nhiệm vụ chủ yếu thường xuyên. Tỉnh quyết tâm hoàn thành cao các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội bởi đây chính là cơ sở quan trọng để bảo đảm tốt hơn công tác an sinh xã hội. Theo thống kê, giai đoạn 2016-2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế duy trì ở mức cao so với bình quân chung của cả nước, bình quân 5 năm tăng 10,7% GRDP bình quân đầu người. Tổng chi cho an sinh xã hội đạt 8.981 tỷ đồng, bình quân tăng 14,9%/năm, gấp 1,8 lần giai đoạn 2011 - 2015. Tỷ lệ hộ nghèo theo tiêu chí đa chiều giảm từ 4,56% năm 2015 xuống còn 0,36% năm 2020.

Nhận thấy thực tế nhiều vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh, người dân vẫn còn có cuộc sống khó khăn, các tiêu chí phục vụ cuộc sống chưa được đảm bảo, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Nghị quyết số 50, ngày 7/12/2016 về việc “bố trí nguồn lực đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh”. Trên cơ sở đó, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ban hành Quyết định số 196, ngày 17/1/2017 phê duyệt Đề án “Nhiệm vụ và giải pháp đưa các xã, thôn ra khỏi diện ĐBKK, hoàn thành mục tiêu Chương trình 135 giai đoạn 2017 - 2020 trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh” (gọi tắt là Đề án 196). Qua đó, thể hiện bước đi đúng đắn của tỉnh, để toàn thể nhân dân trên địa bàn tỉnh có cuộc sống ngày càng ổn định, sung túc, đủ đầy, hạnh phúc hơn, được hưởng những thành tựu do phát triển kinh tế - xã hội mang lại.

Mô hình trồng cây mía tím của chị em phụ nữ huyện Ba Chẽ. Ảnh Hoài Minh

Anh Đặng Văn Chiến, người dân thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, TP Móng Cái, cho biết: Trước đây do không có kiến thức về kỹ thuật trồng trọt, nên quanh năm làm vườn, rừng vất vả nhưng thu nhập của gia đình tôi vẫn không thu được bao nhiêu, cuộc sống khá bấp bênh. Từ giữa năm 2019, chúng tôi được các cấp, các ngành tập huấn kỹ thuật, tặng giống ổi Hoành Bồ cùng phân bón. Đồng thời, được động viên, hướng dẫn nên gia đình tôi đã mạnh dạn cải tạo mảnh vườn tạp trên 400m2 của gia đình để trồng ổi theo hướng chuyên canh kết hợp chăn nuôi lợn, gà. Chắt chiu những nguồn lực, đến nay, vườn ổi của chúng tôi đang độ cho thu hoạch, cũng xuất chuồng nhiều lứa gia cầm nên thu nhập, đời sống đã khá hơn trước rất nhiều…

Ngày 17/5/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về “Phát triển kinh tế - xã hội gắn với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030". Đây là nghị quyết có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, nhằm thực hiện tăng trưởng bao trùm, hướng tới sự phát triển bền vững. Theo đó, Quảng Ninh đã mở rộng phạm vi, địa bàn thụ hưởng chương trình đến các xã, thôn bản biên giới, hải đảo (67 xã, phường, gồm: 56 xã vùng DTTS, miền núi, biên giới và 11 xã đảo) và gắn nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội với đảm bảo vững chắc quốc phòng - an ninh. Các mục tiêu, chỉ tiêu nhiệm vụ xây dựng phấn đấu đều cao hơn chỉ tiêu Quốc hội và Chương trình mục tiêu quốc gia đặt ra. Nghị quyết xác định mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020. Tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà tạm, nhà dột nát…

Quảng Ninh đặc biệt quan tâm đến việc triển khai các chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển KT-XH vùng dân tộc thiểu số (Trong ảnh: Mô hình trồng ổi của gia đình anh Chìu Quý Sồi, thôn Làng Mô, xã Đồn Đạc cho thu nhập ổn định). Ảnh Cao Quỳnh

Với sự nỗ lực không ngừng, Quảng Ninh đang giảm dần khoảng cách chênh lệch giữa các vùng miền, tạo sự thay đổi rõ rệt cho cuộc sống người dân, đồng thời, khẳng định rõ nét vị thế, vai trò của tỉnh - một trung tâm đổi mới của Vùng Đồng bằng Bắc Bộ, là một cực tăng trưởng toàn diện của phía Bắc. Từ đó củng cố và tăng cường niềm tin trong Nhân dân, tạo sự đồng thuận xã hội, nhân lên niềm tự hào của cán bộ, đảng viên, Nhân dân các dân tộc Quảng Ninh; tạo đà, tạo tiền đề rất cơ bản, động lực mới, khí thế mới cho tỉnh quyết tâm hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ.


Thực hiện: Đặng Dung - Ngọc Huyền

Kỹ thuật đồ họa: Vũ Đức Bát