Với cách làm khoa học, sáng tạo, hướng về cơ sở, trong những năm qua, phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” trên địa bàn tỉnh ngày càng lan tỏa sâu rộng, nhận được sự hưởng ứng tích cực của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, góp phần thiết thực thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi và đô thị, phát huy cao độ tinh thần đồng thuận, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân thực hiện các nhiệm vụ phát triển KT-XH tại mỗi địa phương, không ngừng xây dựng nếp sống ngày càng văn minh, tiến bộ, đoàn kết trong cộng đồng dân cư.

Nhân lên
những điểm sáng

Hưởng ứng phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh”, từ đầu năm 2020, các địa phương trong tỉnh đều quan tâm lãnh đạo, tổ chức phát động và triển khai sâu rộng phong trào gắn với cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Vì người nghèo - không để ai bị bỏ lại phía sau”... đã thu hút đông đảo cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân tham gia. Toàn bộ 177 xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã đề ra các chỉ tiêu phấn đấu để đạt 10 tiêu chí thi đua của phong trào, gắn với nhiệm vụ trọng tâm của địa phương. Qua đó, phát huy cao độ tinh thần đồng thuận, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân tham gia xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở, vượt qua khó khăn của dịch bệnh, thi đua lao động sản xuất, phát triển KT-XH.

Vòng xuyến ngã sáu xanh, sạch, đẹp mang dáng dấp đô thị hiện đại tại phường Đức Chính (TX Đông Triều). Ảnh: Mạnh Trường

Vòng xuyến ngã sáu xanh, sạch, đẹp mang dáng dấp đô thị hiện đại tại phường Đức Chính (TX Đông Triều). Ảnh: Mạnh Trường

Thời gian qua, các nội dung của phong trào xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” trên địa bàn phường Đức Chính (TX Đông Triều) đã không ngừng được đổi mới về cả hình thức lẫn nội dung, góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo đô thị, nâng cao đời sống nhân dân trên địa bàn phường. Tiêu biểu trong đó là việc phường đã thực hiện tốt công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực để tăng đầu tư xây dựng, hoàn thiện cơ sở hạ tầng đồng bộ, hiện đại. Giai đoạn 2020-2022, toàn phường đã hoàn thiện 14 công trình, nâng cấp, cải tạo 6 nhà văn hóa, các tuyến đường khu dân cư với tổng mức đầu tư trên 22,6 tỷ đồng từ nguồn ngân sách và nguồn xã hội hóa. Song song với đó, công tác đảm bảo trật tự đô thị tiếp tục được đẩy mạnh. Theo đó, hơn 450m2 mái tôn, mái che, mái vẩy, 22m2 tường rào... đã được người dân tự nguyện tháo dỡ, giúp bộ mặt đô thị ngày càng khang trang, an toàn giao thông được đảm bảo.

Mô hình trồng dong riềng và sản xuất miến dong trên địa bàn xã Húc Động (huyện Bình Liêu) mang lại thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Mô hình trồng dong riềng và sản xuất miến dong trên địa bàn xã Húc Động (huyện Bình Liêu) mang lại thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân.

Ở xã Húc Động (huyện Bình Liêu), các nội dung của phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” được tuyên truyền sâu rộng, tạo sự thống nhất ý chí, hành động cho cán bộ, đảng viên và nhân dân tham gia thực hiện. Ông Lục Văn Thìn, Phó Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Húc Động, cho biết: Phong trào xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” được xã thực hiện gắn với mục tiêu đưa Húc Động đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao vào năm 2022. Từ đây, tạo nên phong trào thi đua sôi nổi trong nhân dân. Người dân đã hiến trên 10.000m² đất, đóng góp gần 1.800 ngày công để làm đường giao thông nông thôn, xây dựng công trình công cộng; xây dựng 31 nhà ở cho hộ nghèo, 100% các hộ dân đã có nhà tiêu hợp vệ sinh... Thông qua phong trào thi đua, nhiều mô hình phát triển liên kết sản xuất trên địa bàn xã Húc Động được triển khai hiệu quả, như: Tiêu thụ miến dong, nuôi cá tầm, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng... góp phần mang lại việc làm, thu nhập ổn định cho người dân.

Tạo động lực
cho sự phát triển

Giai đoạn 2020-2022, ghi nhận những khó khăn, thách thức chưa từng có trong lịch sử với sự xuất hiện của dịch Covid-19 trên toàn cầu tác động tiêu cực, trực tiếp, sâu sắc tới mọi mặt của đời sống xã hội. Song giữa những khó khăn của đại dịch, phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” đã góp phần thúc đẩy tinh thần thi đua, tạo mục tiêu phấn đấu để cấp ủy, chính quyền, MTTQ và các đoàn thể nhân dân 177 xã, phường, thị trấn thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, phát triển KT-XH của địa phương, đơn vị, đóng góp vào thành tựu chung của tỉnh.

Từ tính thiết thực của phong trào đã cổ vũ nhân dân nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, thực hiện thành công “mục tiêp kép”, vừa phòng, chống dịch, vừa khôi phục sản xuất kinh doanh phục hồi phát triển KT-XH. Nổi bật, nhiều xã, phường, thị trấn thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra, tiêu biểu như: Phường Hồng Hà (TP Hạ Long) vượt 26% so với kế hoạch thành phố giao; phường Yên Giang (TX Quảng Yên) vượt 65,6% kế hoạch thị xã giao; phường Yên Thanh (TP Uông Bí) vượt 69,92% kế hoạch thành phố giao... 

Phố đi bộ Tiên Yên với nhiều hoạt động vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc trở thành điểm hẹn văn hóa cuối tuần lành mạnh cho người dân trên địa bàn.

Phố đi bộ Tiên Yên với nhiều hoạt động vui chơi, giao lưu văn hóa, văn nghệ đặc sắc trở thành điểm hẹn văn hóa cuối tuần lành mạnh cho người dân trên địa bàn.

Đến hết năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới với 98/98 xã đạt chuẩn nông thôn mới; 13/13 địa phương cấp huyện đạt chuẩn các chỉ tiêu, tiêu chí nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Quảng Ninh là tỉnh thứ 6 trong cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới, bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh gắn với đô thị hoá. Toàn tỉnh thành lập 1.473 tổ công nghệ số cộng đồng bao phủ trên 177 xã, phường, thị trấn và 1.452 thôn, bản, khu phố, với sự tham gia của 11.255 thành viên... bước đầu hình thành nền tảng xây dựng công dân số và đô thị thông minh.

Mô hình trồng hoa hướng dương mang lại năng suất, thu nhập cao cho các hộ dân tại xã Lê Lợi (TP Hạ Long).

Mô hình trồng hoa hướng dương mang lại năng suất, thu nhập cao cho các hộ dân tại xã Lê Lợi (TP Hạ Long).

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh luôn quan tâm, chú trọng tới chính sách đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân. Nhiều xã vùng nông thôn, biên giới, hải đảo trên địa bàn tỉnh đã thay đổi diện mạo; hàng chục nghìn hộ dân nghèo đã thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Quảng Ninh cũng đã hoàn thành trước 3 năm Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, chuyển sang thực hiện theo chuẩn nghèo đa chiều mới của tỉnh cao hơn mức chuẩn nghèo chung của Trung ương quy định, thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2022 tại các xã vùng nông thôn là 54,4 triệu đồng/người/năm.

Hết năm 2022, toàn tỉnh hiện có 338.234/355.805 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” (đạt 95%); 1.389/1.452 làng, khu phố văn hoá (đạt 96%); 54/79 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn văn minh đô thị (đạt 68,4%); 1.172/1.652 cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp đạt danh hiệu “Cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp văn hóa” (đạt 70,9%).

ĐVTN TP Hạ Long tham gia vẽ tủ điện làm đẹp cảnh quan đô thị. Ảnh: Fanpage Thanh niên Hạ Long

ĐVTN TP Hạ Long tham gia vẽ tủ điện làm đẹp cảnh quan đô thị. Ảnh: Fanpage Thanh niên Hạ Long

Phong trào xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” ngày càng đi vào thực chất, chất lượng, đã và đang tiếp tục cổ vũ, tạo động lực để cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong tỉnh hăng hái thi đua xây dựng Quảng Ninh trở thành tỉnh kiểu mẫu, ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.

Yên Giang xây dựng đô thị văn minh

Nằm ở vị trí địa lý thuận lợi, phường Yên Giang đã và dần khẳng định vị thế là trung tâm kinh tế, du lịch và xây dựng đô thị văn minh, là hạt nhân thúc đẩy quá trình phát triển của TX Quảng Yên.

Phường Yên Giang nằm ở phía Tây và Tây Nam của TX Quảng Yên, tiếp giáp với phà Rừng sang TP Hải Phòng, có hệ thống giao thông thuận lợi. Yên Giang là đơn vị hành chính đô thị, là một trong 19 phường, xã của TX Quảng Yên. Phường có 5 khu phố, là một trong những phường trung tâm của Quảng Yên.

 Yên Giang là địa phương giàu truyền thống cách mạng. Năm xưa, nhân dân Yên Giang vừa kiên cường chiến đấu chống cuộc chiến leo thang phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ, vừa tham gia lao động sản xuất, chi viện cho chiến trường lớn miền Nam và đã vinh dự được phong tặng danh hiệu Anh hùng LLVTND. Đô thị Yên Giang có nhiều di tích liên quan đến Khu di tích quốc gia đặc biệt Bạch Đằng đã được các cấp quan tâm đầu tư tôn tạo khang trang, góp phần bảo tồn và phát huy giá trị di tích, thu hút khách du lịch.

Đô thị Yên Giang hôm nay.

Đô thị Yên Giang hôm nay.

Phong trào xây dựng đô thị văn minh đã giúp Yên Giang phát huy nội lực, vượt qua khó khăn do dịch bệnh Covid-19, vận động nhân dân thi đua lao động sản xuất, chủ động khai thác tiềm năng thế mạnh, nắm bắt cơ hội, đổi mới sáng tạo, cải tiến phương thức làm việc phù hợp với tình hình mới, phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và thúc đẩy sự phát triển của TX Quảng Yên. Nhờ vậy, Yên Giang nhiều năm đạt số thu ngân sách vượt kế hoạch đề ra. Năm 2020, đạt 115% kế hoạch thị xã giao, bằng 199,6% so với cùng kỳ. Năm 2021 và năm 2022 lần lượt đạt 165% và 165,6% kế hoạch thị xã giao.

Huy động tốt nguồn xã hội hóa, phường Yên Giang đã vận động nhân dân trên địa bàn đóng góp trên 300 triệu đồng để thực hiện 2 công trình: Công trình cải tạo nâng cấp vỉa hè Trường THCS Lê Quý Đôn và công trình điện chiếu sáng đường khu phố 1, phường Yên Giang. Từ đó đã hoàn thành đường giao thông, vỉa hè, kênh mương nội đồng, từng bước đáp ứng nhu cầu sinh hoạt và phục vụ sản xuất của nhân dân, góp phần thực hiện mục tiêu đưa phường Yên Giang đạt đô thị loại IV.

Yên Giang xây dựng văn minh lễ hội tại những di tích liên quan đến Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Yên Giang xây dựng văn minh lễ hội tại những di tích liên quan đến Chiến thắng Bạch Đằng năm 1288.

Để tạo cảnh quan mới cho bộ mặt đô thị, hướng tới xây dựng TP Quảng Yên, thời gian qua, nhiều tuyến phố khu vực nội thị đã được đầu tư chỉnh trang, nâng cấp.

Xác định việc hoàn thiện hạ tầng giao thông nông thôn chính là yếu tố quan trọng góp phần phát triển kinh tế, văn hoá, xã hội, Yên Giang đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền, vận động người dân cùng vào cuộc. Các tuyến đường trục chính từ Phà Rừng đi qua địa bàn được mở rộng, đường Trần Nhân Tông được nâng cấp chính là góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người dân.

Hưởng ứng phong trào thi đua “Nhân dân tham gia đóng góp nâng cấp, mở rộng đường giao thông theo hướng hiện đại, văn minh”, Yên Giang đã tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân tự nguyện hiến đất, góp sức mở rộng một số tuyến đường. Trong quá trình thi công, nhiều hộ gia đình ở Yên Giang đã góp sức, góp của, hiến đất “vàng”... để mở mang lòng đường, vỉa hè, thi công hệ thống kỹ thuật, rãnh thoát nước... Phong trào này đang được lan tỏa rộng khắp, góp phần hiện thực hóa mục tiêu xây dựng TX Quảng Yên trở thành thành phố vào năm 2025. 

Ông Nguyễn Văn Quang, người dân khu 4, phường Yên Giang, cho biết: "Xuất phát từ truyền thống cách mạng của gia đình và khi được tuyên truyền, vận động mở rộng tuyến đường phục vụ đi lại, gia đình chúng tôi đã họp bàn, tự nguyện hiến gần 20m2 đất và phá bỏ tường rào... để mở rộng tuyến phố với mong muốn góp sức cùng địa phương có con đường to đẹp, văn minh. Chúng tôi cảm thấy rất mừng, rất phấn khởi khi thấy con đường mới đẹp đẽ, khang trang hơn...".

Nhằm phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện trong thực hiện phong trào tuổi trẻ chung tay xây dựng đô thị văn minh, Đoàn Thanh niên phường đã xây dựng mô hình “Sân vui chơi cho Thanh thiếu nhi” và tặng ghế đá cho nhà văn hóa khu phố 1. Đồng thời, Đoàn Thanh niên và Hội LHPN phường cũng vận động doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn tích cực hưởng ứng việc xã hội hóa đầu tư lắp đặt thùng rác dọc tuyến đường Vua Bà và một số điểm công cộng, chung tay giữ gìn vệ sinh môi trường, thu gom rác thải, thu dọn các vật liệu và phát quang đường, triển khai cuộc vận động “Tuyến đường, khu phố không rác thải”, góp phần xây dựng phường Yên Giang "Xanh - sạch - đẹp - văn minh”, tuyên truyền nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về an toàn giao thông, hỗ trợ nhân dân cài đặt các ứng dụng thực hiện chuyển đổi số hiệu quả. 

Ý kiến người trong cuộc

“Cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu, làm trước”
Ông Hoàng Văn Pẩu, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch Uỷ ban MTTQ xã Nam Sơn, huyện Ba Chẽ

Thời gian qua, cấp ủy, chính quyền xã đã tích cực tổ chức thực hiện phong trào xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” gắn với các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Gia đình văn hóa”, “Khu dân cư văn hóa”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”... nhằm tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, sâu rộng đến các tầng lớp nhân dân. Cùng với đó, bám sát bộ tiêu chí của phong trào, xác định rõ những nội dung còn yếu, còn thiếu để tập trung nguồn lực thực hiện, tạo sự chuyển biến đồng bộ.

Để phong trào đi vào thực chất, đội ngũ cán bộ, đảng viên đã nêu cao tinh thần gương mẫu, đi đầu, làm đầu để nhân dân noi theo. Cùng với đó, công tác khen thưởng những cán bộ, đảng viên, nhân rộng các gương cá nhân, gia đình tham gia thực hiện tốt phong trào được chú trọng. Qua đó, tạo sự hứng khởi, cổ vũ tinh thần hăng hái thi đua trong cộng đồng dân cư.

“Tiếp tục hỗ trợ phát triển sản xuất để người dân vươn lên thoát nghèo bền vững”
Bà Lý Thị Hoàng, Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Bản Cáu, xã Lục Hồn, huyện Bình Liêu

Theo chuẩn nghèo đa chiều giai đoạn 2021-2025, hết năm 2022, nhiều hộ dân trong thôn, xã đã thoát nghèo. Song năm nay, khi rà soát theo quy định chuẩn nghèo đa chiều áp dụng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2023-2025, một số hộ vẫn thuộc diện hộ nghèo, cận nghèo. Chính vì vậy, tôi mong muốn, tỉnh, các cấp, ngành, địa phương tiếp tục có chính sách, chương trình hỗ trợ người dân giảm nghèo bền vững, nhất là hỗ trợ về phát triển sản xuất, định hướng mô hình, cách làm hiệu quả trong phát triển nông, lâm nghiệp, trồng trọt, chăn nuôi để nâng cao năng suất, thu nhập cho người dân.

Khi có thu nhập, đời sống ổn định, kinh tế phát triển sẽ cổ vũ tinh thần, tạo động lực cho người dân hăng hái tham gia các phong trào thi đua yêu nước, đóng góp cho sự phát triển của địa phương, xây dựng nếp sống văn minh, tiến bộ.

“Tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân”
Bà Nông Thị Hảo, thôn Tềnh Pò, xã Phong Dụ, huyện Tiên Yên

Đời sống ngày càng phát triển thì việc chăm lo, tạo dựng môi trường văn hóa lành mạnh cho nhân dân càng cần được quan tâm đẩy mạnh. Là xã miền núi, phần lớn là đồng bào dân tộc thiểu số, song trong những năm qua, từ chính sự quan tâm của địa phương trong phục hồi các hoạt động lễ hội văn hóa truyền thống, bà con nhân dân trong xã càng có ý thức gìn giữ, bảo tồn văn hóa. Các câu lạc bộ văn nghệ, thể thao trong xã được mọi người hưởng ứng, duy trì tập luyện đều đặn tạo sân chơi văn hóa lành mạnh, giúp mọi người tránh sa vào các tệ nạn xã hội.

Đặc biệt, mỗi dịp cuối tuần, các xã trong huyện còn tập trung về phố đi bộ thị trấn Tiên Yên để vui chơi, biểu diễn giao lưu văn nghệ rất vui. Người dân ai cũng phấn khởi khi có một điểm hẹn văn hóa cuối tuần sôi nổi, góp phần xây dựng nếp sống ngày càng văn minh, tiến bộ, thúc đẩy phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” ngày càng lan tỏa sâu rộng.

“Góp sức làm tốt công tác vệ sinh môi trường, làm đẹp cảnh quan đô thị, khu dân cư”
Ông Lê Tuấn Vũ, Bí thư Thành Đoàn Hạ Long:

Phát huy tinh thần xung kích, tình nguyện của thanh niên, thời gian qua, các cấp bộ đoàn thành phố đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, huy động sự vào cuộc tích cực của ĐVTN, nhân dân trong tham gia phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh”. Theo đó, các cấp bộ Đoàn đã phát động ĐVTN xung kích, sôi nổi tham gia các hoạt động bảo vệ môi trường, giữ vệ sinh, làm đẹp cảnh quan đô thị, khu dân cư. Nổi bật có thể kể đến hoạt động dọn vệ sinh trong Ngày chủ nhật xanh, trồng cây xanh tại các nhà văn hóa, dọn vệ sinh bãi biển, vẽ tranh tường, vẽ tủ điện dọc các tuyến phố hạn chế tình trạng dán, vẽ biển quảng cáo gây mất mỹ quan...

Vừa qua, Thành Đoàn ra quân thực hiện công trình “Bốt điện nở hoa” vẽ tranh trên các tủ điện trên trục đường QL18 khu vực từ Công an TP Hạ Long đến khu Cầu Trắng và trên địa bàn 33 xã, phường, nhằm thiết thực chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh và tạo cảnh quan môi trường TP Hạ Long “xanh, sạch, kiểu mẫu”.

Hiệu quả từ một phong trào

Những năm qua, phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” trên địa bàn Quảng Ninh đã góp phần thiết thực thay đổi diện mạo nông thôn, miền núi và đô thị, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở, phát huy cao độ tinh thần đồng thuận, khơi dậy sức sáng tạo của nhân dân. Đó chính là nền tảng vững chắc thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội của tỉnh.

Ngày 3/2/2021, Uỷ ban Nhân dân tỉnh đã ban hành Quyết định số 12/2021/QĐ-UBND ban hành quy định khen thưởng phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh. Đáng chú ý, 10 chỉ tiêu khen thưởng có nội dung bao trùm lên nhiều lĩnh vực của đời sống kinh tế xã hội các xã, phường, thị trấn, gắn kết chặt chẽ với chương trình xây dựng nông thôn mới cũng như các phong trào khác. Các chỉ tiêu đối với “xã văn minh” có thấp hơn một chút so với “phường, thị trấn văn minh” nhưng nhìn chung đều là mục tiêu, là động lực để các xã, phường, thị trấn thi đua phát triển kinh tế xã hội, xây dựng đời sống văn hoá mới.

Liên hoan Tiếng hát khu dân cư xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu). Ảnh: Hoàng Gái (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Liên hoan Tiếng hát khu dân cư xã Đồng Tâm (huyện Bình Liêu). Ảnh: Hoàng Gái (Trung tâm TT-VH Bình Liêu)

Theo đánh giá của Ban Thường trực Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh, với sự tập trung lãnh đạo của các cấp uỷ, điều hành của chính quyền, sự vào cuộc của mặt trận tổ quốc và các đoàn thể nhân dân, trong mấy năm qua, 177 xã, phường, thị trấn trong tỉnh Quảng Ninh đã vận động nhân dân nêu cao tinh thần đoàn kết, ý chí tự lực, tự cường, chủ động khai thác tiềm năng thế mạnh, sáng tạo, phát động thi đua lao động sản xuất, tạo việc làm, thu nhập nâng cao đời sống nhân dân. Các xã, phường vùng nông nghiệp, vùng núi, vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã chủ động chuyển đổi sản xuất nông nghiệp theo hướng từ lượng sang chất, gắn với chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Các địa phương đã tích cực vào cuộc tuyên truyền, vận động nhân dân đoàn kết, giúp nhau giảm nghèo bền vững gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới.

Người dân TX Quảng Yên tham gia thi đấu giao lưu môn bóng chuyền hơi.

Người dân TX Quảng Yên tham gia thi đấu giao lưu môn bóng chuyền hơi.

Từ phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” gắn với việc thực hiện các phong trào thi đua, các cuộc vận động đã góp phần quan trọng vào đảm bảo an sinh xã hội, nâng cao chất lượng đời sống nhân dân. Nhiều nhà văn hóa các thôn, khu phố đã được quan tâm sửa chữa, nâng cấp các thiết chế văn hóa phục vụ nhân dân sinh hoạt văn hóa, văn nghệ, vui chơi, giải trí. Năm 2022, toàn tỉnh có 338.234 hộ gia đình đạt danh hiệu “Gia đình văn hóa” đạt tỷ lệ 95%; 1.389 làng, khu phố văn hoá, đạt tỷ lệ 96%. Đến hết năm 2022, Quảng Ninh đã hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, là tỉnh thứ 6 trong cả nước hoàn thành xây dựng nông thôn mới, bước vào giai đoạn xây dựng nông thôn mới nâng cao và nông thôn mới kiểu mẫu hiện đại, văn minh gắn với đô thị hoá.

Người dân xã Kỳ Thượng và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố Hạ Long trồng hoa, cây cảnh các tuyến đường nông thôn mới. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Người dân xã Kỳ Thượng và các tổ chức chính trị - xã hội trên địa bàn thành phố Hạ Long trồng hoa, cây cảnh các tuyến đường nông thôn mới. Ảnh: Hoàng Quỳnh

Bên cạnh việc đẩy mạnh phát triển kinh tế, tỉnh Quảng Ninh luôn quan tâm, chú trọng tới chính sách đảm bảo an sinh xã hội, Nhiều xã vùng nông thôn, biên giới, hải đảo đã thay đổi diện mạo; hàng chục nghìn hộ dân nghèo đã thoát nghèo, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Cho đến nay tỉnh Quảng Ninh cũng đã hoàn thành trước 03 năm Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025, không còn thôn, xã thuộc diện đặc biệt khó khăn; thu nhập bình quân đầu người đến hết năm 2022 tại các xã vùng nông thôn là 54,4 triệu đồng/năm; tỷ lệ hộ nghèo năm 2020 từ 0,23% đến cuối năm 2022 giảm còn 0,067%.

Từ nguồn xã hội hóa, khu phố 3, phường Cẩm Thạch (TP Cẩm Phả) lắp đặt hệ thống camera an ninh tại tuyến đường trục chính, góp phần giảm thiểu vi phạm pháp luật trong khu dân cư. Ảnh: Trần Thanh

Từ nguồn xã hội hóa, khu phố 3, phường Cẩm Thạch (TP Cẩm Phả) lắp đặt hệ thống camera an ninh tại tuyến đường trục chính, góp phần giảm thiểu vi phạm pháp luật trong khu dân cư. Ảnh: Trần Thanh

Giai đoạn 2023-2025 có ý nghĩa, vai trò quan trọng hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV và Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2020 - 2025 và nhất là tới đây là kỷ niệm 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh, 30/10 (1963 - 2023). Đây là những yếu tố, là dịp để từng đơn vị xã, phường, thị trấn cụ thể hoá hơn nữa mục tiêu phấn đấu đưa phong trào thi đua xây dựng “Xã, phường, thị trấn văn minh” giai đoạn 2023-2025 giành những kết quả tích cực hơn nữa.

Ngày đăng: 9/7/2023
Thực hiện: NGUYỄN DUNG – PHẠM HỌC – DUY KHOA – ĐẠI DƯƠNG
Trình bày: ĐỖ QUANG