Tất cả chuyên mục
Chủ Nhật, 24/11/2024 06:50 (GMT +7)
Lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt
Thứ 2, 07/01/2008 | 06:17:31 [GMT +7] A A
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn đường bộ, đường sắt. Đây có thể coi là một trong những giải pháp quan trọng nhằm giảm thiểu, kiềm chế tai nạn giao thông trên các tuyến đường.
Kế hoạch trên được thực hiện theo 3 giai đoạn. Cụ thể, giai đoạn I từ nay đến hết quý II năm 2008 (đối với đường sắt là hết năm 2008), các cơ quan chức năng phải tổng hợp kinh phí hỗ trợ giải toả hành lang an toàn đường bộ đã được đền bù từ 5-7m trên tất cả các tuyến quốc lộ. Thực hiện giải toả các vi phạm hành lang an toàn trên quốc lộ 1. Đến 30-6, thực hiện cưỡng chế, giải toả dứt điểm các đoạn Hà Nội - Ninh Bình, Vinh - Huế, Đà Nẵng - Nha Trang, Ninh Thuận - TP Hồ Chí Minh... Giai đoạn II từ quý III năm 2008 đến năm 2010 (đối với đường sắt từ 2009 đến hết năm 2010), UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoàn thành việc lập quy hoạch tổng thể các vị trí đấu nối vào quốc lộ, hệ thống đường gom trên tuyến đường bộ; lập quy hoạch tổng thể các vị trí giao cắt giữa đường bộ và đường sắt, hệ thống đường gom trên tuyến đường sắt. Đến 31-3-2009, các cơ quan hữu quan phải thực hiện giải toả các vi phạm hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi 5-7m đã được đền bù xử lý trên tất cả các tuyến quốc lộ và hoàn thành cơ bản việc xoá bỏ các đường đấu nối trái phép vào quốc lộ... Giai đoạn III từ năm 2010 đến 2020 (đối với đường sắt từ 2011 đến 2020), sẽ đền bù, giải toả xong hành lang an toàn đường bộ, các công trình ảnh hưởng đến an toàn đường bộ trên toàn quốc. Hoàn thành việc cắm đầy đủ mốc lộ giới trên tất cả các tuyến quốc lộ và bàn giao cho địa phương quản lý. Từ năm 2011-2015, tập trung xây dựng cầu vượt giao cắt lập thể tại những điểm giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ...
Trên địa bàn Quảng Ninh có một số tuyến quốc lộ và đường sắt chạy qua như quốc lộ 18A, quốc lộ 10, đường sắt Yên Viên - Hạ Long và đường sắt của ngànhThan. Trong nhiều năm qua do công tác quản lý còn nhiều bất cập và yếu kém nên hành lang an toàn trên các tuyến đường này luôn bị vi phạm, lấn chiếm. Tình trạng này diễn ra phổ biến, tràn lan ở nhiều địa phương. Đây chính là một trong những nguyên nhân gây ra nhiều vụ TNGT và hạn chế tầm nhìn của người tham gia giao thông. Việc đấu nối giữa đường ngang với các tuyến quốc lộ cũng hết sức tuỳ tiện, thoải mái; các tuyến đường gom hầu như không có; hệ thống tường rào hộ lan, hàng rào bảo vệ hành lang, làm cầu vượt, hầm chui chưa được chú trọng đầu tư. Tất cả những điều này làm cho bức tranh giao thông hết sức lộn xộn, nguy hiểm.
Để thực hiện kế hoạch lập lại trật tự hành lang an toàn giao thông các ngành hữu quan và địa phương ngay từ bây giờ phải tiến hành điều tra, rà soát các tuyến hành lang, trên cơ sở đó lập quy hoạch tổng thể và chi tiết cho vấn đề này. Đồng thời đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để người dân và các cơ quan, đơn vị tự tháo dỡ các công trình vi phạm, lấn chiếm trả lại nguyên trạng cho các tuyến hành lang an toàn. Chỉ có như vậy mới hy vọng kiềm chế và đẩy lùi TNGT trong trước mắt cũng như lâu dài; tạo môi trường thuận lợi cho KT-XH phát triển.
Liên kết website
Ý kiến ()