
Một trong những lĩnh vực đóng vai trò quan trọng trong phát triển nông nghiệp của TX Đông Triều là sản xuất cây ăn quả. Hiện nay, na là cây trồng có diện tích lớn nhất và cũng là cây chủ lực, mang giá trị kinh tế cao cho hàng nghìn hộ dân trên địa bàn thị xã. Tuy nhiên, các vườn na của Đông Triều đang đối mặt với nguy cơ suy thoái do già cỗi, sâu bệnh...
Nhiều vườn cây già cỗi, năng suất giảm sâu

Trong 2.400ha cây ăn quả thì TX Đông Triều có 900ha trồng na (chiếm trên 40% diện tích). Với vai trò là cây chủ lực, đến nay 14/21 xã, phường của Đông Triều trồng na, tập trung tại 2 vùng chính: Vùng 1 gồm các xã Bình Dương, Việt Dân, Tân Việt và An Sinh; vùng 2 gồm các xã Tràng An, Bình Khê và Tràng Lương. Trong đó, vùng 1 có diện tích lớn nhất với trên 600ha, còn lại cây na được trồng rải rác ở các xã, phường khác với diện tích nhỏ lẻ.
Tuy nhiên, những năm gần đây diện tích cây na đang bị giảm dần. Theo số liệu của Chi cục Thống kê TX Đông Triều, năm 2016 trên địa bàn thị xã có 990ha trồng na, năng suất 124,2 tạ/ha, sản lượng đạt 11.801 tấn. Đến năm 2021, do một số diện tích trồng ở chân đất thấp, mực nước ngầm cao không thoát nước, hoặc cây trong tình trạng già cỗi, bị suy thoái, nên người dân đã loại bỏ. Bên cạnh đó, một số diện tích kém hiệu quả được thay thế bằng những loại cây ăn quả khác, nên hiện diện tích na giảm xuống còn 889ha, năng suất 124,6 tạ/ha, sản lượng đạt 10.670 tấn.

Trong số 872ha trồng na ở các vùng sản xuất na tập trung của TX Đông Triều, diện tích na có độ tuổi 10 năm trở xuống chỉ chiếm 33%.
Trong số 872ha trồng na ở các vùng sản xuất na tập trung của TX Đông Triều, diện tích na có độ tuổi 10 năm trở xuống chỉ chiếm 33%.
Điều đáng nói, bên cạnh bị thu hẹp diện tích, các vườn na dai hiện nay đa phần có chiều hướng suy thoái, năng suất, chất lượng giảm dần, dẫn đến hiệu quả sản xuất cũng ngày một suy giảm. Giai đoạn năm 2016 trở về trước, khi cây na sinh trưởng và phát triển ổn định, năng suất dao động 40-50kg/cây. Nếu tính 500 cây/ha thì sản lượng đạt 20-25 tấn quả/ha. Tuy nhiên, những năm gần đây năng suất na suy giảm nhiều so với trước. Do quả nhỏ nên mỗi vụ chỉ thu hoạch dao động 20-25kg/cây, sản lượng đạt khoảng 10-12,5 tấn quả/ha. Rất ít vườn đạt năng suất 15 tấn/ha trở lên.
Chị Hà Thị Thu (thôn Tân Thành, xã Việt Dân) chia sẻ:
Do quả bé, nhiều quả bị hỏng, nên sản lượng thu hoạch na của gia đình 3 năm gần đây thấp hơn nhiều so với những năm trước đó. Mẫu mã quả không đẹp, giá bán cũng không được cao, thương lái chỉ thu mua với giá 15.000-18.000 đồng/kg tại vườn. Trong khi đó, nếu như quả to, vỏ mỏng, bóng, sáng màu, giá bán có thể lên tới 30.000-45.000 đồng/kg.

Do chất lượng, năng suất giảm, nên 3 năm gần đây na của gia đình chị Hà Thị Thu (thôn Tân Thành, xã Việt Dân) thường bị thuơng lái ép giá.
Do chất lượng, năng suất giảm, nên 3 năm gần đây na của gia đình chị Hà Thị Thu (thôn Tân Thành, xã Việt Dân) thường bị thuơng lái ép giá.
Nguyên nhân này là do nhiều vườn cây có độ tuổi khoảng 20 năm, thậm chí 25-30 năm. Qua công tác rà soát của Đông Triều, trong 872ha ở các vùng sản xuất na tập trung của thị xã, diện tích na có độ tuổi 10 năm trở xuống chỉ chiếm 33%; còn lại có đến 36% diện tích từ 11-15 năm tuổi; 31% diện tích có độ tuổi trên 16 năm trở lên, trong đó 22% diện tích từ 16-20 năm tuổi, 9% diện tích cây trên 20 năm tuổi.
Hiện tại, những cây già cỗi mặc dù cho năng suất, chất lượng quả kém, nhưng nhiều hộ dân vẫn để tận thu. Việc thay thế không thực hiện bằng cách chặt bỏ, mà trồng dặm, trồng xen cây mới dưới tán cây. Do vậy, cây mới trồng sinh trưởng kém, tốc độ thay thế cây già khá chậm.

Đối với những diện tich na già cỗi, nhiều người không chặt bỏ mà thay thế dần bằng cách trồng dặm, trồng xen cây mới dưới tán cây, dẫn đến cây mới trồng sinh trưởng kém, tốc độ thay thế cây già chậm.
Đối với những diện tich na già cỗi, nhiều người không chặt bỏ mà thay thế dần bằng cách trồng dặm, trồng xen cây mới dưới tán cây, dẫn đến cây mới trồng sinh trưởng kém, tốc độ thay thế cây già chậm.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích na đang trồng ở những vị trí không thuận lợi. Những năm trước đây, cây na được mở rộng diện tích cả ở những vùng đất trũng, thấp như diện tích chuyển đổi từ đất lúa, chân vàn thấp. Những diện tích này có mực nước ngầm cao, thoát nước kém hoặc thường bị ngập do mưa lũ. Điển hình là xã Bình Dương, trước đây chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng na. Việc này ảnh hưởng lớn đến sự phát triển của bộ rễ cây na. Một số lại được trồng trên đồi cao, không chủ động được nước tưới...
Cây na ở các điều kiện này thường sinh trưởng kém, dễ nhiễm các loại sâu bệnh, đặc biệt là bệnh thối rễ trên các vị trí đất trũng, không thoát nước. Từ đó, năng suất thấp và tuổi thọ cây không cao. Nhiều diện tích cây 7-8 năm tuổi đã có hiện tượng suy thoái. Do vậy, cây na cho hiệu quả không như mong muốn.

Lãnh đạo Phòng Kinh tế TX Đông Triều kiểm tra chất lượng quả na trái vụ.
Lãnh đạo Phòng Kinh tế TX Đông Triều kiểm tra chất lượng quả na trái vụ.
Ông Phạm Duy Duẩn, Trưởng phòng Kỹ thuật, Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật (Sở NN&PTNT) cho biết:
Việc tác động các biện pháp kỹ thuật làm tăng năng suất như trồng với mật độ cao, làm na trái vụ... đang gây tác động tiêu cực đến cây na. Với đặc điểm sinh trưởng, ra hoa, đậu quả của cây na, sau vụ thu hoạch chính, cây cần có thời gian phục hồi sinh trưởng và nghỉ đông mới có khả năng cho một vụ quả bội thu vào năm sau. Tuy nhiên, với các kỹ thuật hiện có, nhất là kỹ thuật sản xuất na trái vụ, rải vụ thu hoạch, đa phần các hộ khai thác hết công suất của cây na. Thời vụ thu hoạch chính của na từ giữa tháng 7 đến hết tháng 8, nhưng trong thời gian na đang mang quả, bà con tiếp tục cắt tỉa, thụ phấn để làm na trái vụ, thu hoạch vào tháng 10 đến tháng 11, thậm chí muộn hơn. Những năm đầu, do cây na còn khỏe, na trái vụ tăng hiệu quả rõ rệt, giá thành na trái vụ cũng cao.

Người dân xã Bình Khê thu hoạch na trái vụ.
Người dân xã Bình Khê thu hoạch na trái vụ.
Tuy nhiên, việc khai thác tối đa tiềm năng để tăng năng suất của cây na, nhưng các kỹ thuật chăm bón cho cây không có thay đổi nhiều so với quy trình cũ, quả để quá nhiều trong một lứa dẫn đến cây na không còn có thời gian để khôi phục sức sinh trưởng sau khi thu hoạch, theo đó bị suy kiệt dần, quả nhỏ, chất lượng suy giảm. Sau một thời gian, cây na bắt đầu già cỗi, suy thoái, thậm chí cây mới được trên dưới 10 năm tuổi đã rơi vào tình trạng này.
Giải pháp nâng giá trị cây chủ lực của địa phương

Trung bình mỗi năm, sản lượng na toàn TX Đông Triều đạt khoảng 6.500-7.000 tấn, quả na mang lại khoảng 200-220 tỷ đồng doanh thu cho các hộ dân.
Ông Nguyễn Văn Được (thôn Tân Thành, xã Việt Dân) có kinh nghiệm 25 năm trồng na, cho biết:
Na dai Việt Dân cho chất lượng tốt, sản lượng cao là nhờ điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng ở đây rất thích hợp, thêm vào đó là sự cần cù, chịu khó của người dân. Thế nên, từ cây xóa đói giảm nghèo, na trở thành cây làm giàu của người dân địa phương. Đến nay, hầu hết các hộ trồng na trong xã xây được nhà ở khang trang, kinh tế ổn định. Thậm chí, với nhiều gia đình, vườn na còn là của hồi môn cho con khi xây dựng gia đình.

Cây na trở thành cây làm giàu của người dân địa phương.
Cây na trở thành cây làm giàu của người dân địa phương.
Không chỉ ông Được, mà với hàng nghìn hộ dân khác của Đông Triều cũng xác định cây na vẫn là cây trồng chính. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, năng suất cây na, cần có rất những giải pháp mạnh mẽ và sự hỗ trợ của cả chính quyền địa phương.
Bởi theo kết quả nghiên cứu xây dựng dữ liệu bản đồ nông hóa thổ nhưỡng phục vụ phát triển sản xuất nông nghiệp TX Đông Triều đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, trong loại đất trồng cây lâu năm của Đông Triều đa phần là đất chua đến rất chua, nghèo mùn và các chất dinh dưỡng. Cụ thể: Diện tích đất có mức độ chua chiếm tới 85% và diện tích ở mức độ rất chua chiếm 11%; diện tích đất giàu hàm lượng chất hữu cơ chỉ đạt tỷ lệ 5%, trong khi diện tích nghèo chất hữu cơ là 41%, diện tích đất có hàm lượng chất hữu cơ trung bình chỉ ở mức 54%... Theo đó, việc canh tác cây ăn quả, trong đó có cây na cần có sự điều chỉnh linh hoạt trong quy trình chăm sóc.

Ban Thường vụ Thị ủy Đông Triều nghe và cho ý kiến về đề án Phát triển cây ăn quả tập trung TX Đông Triều giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Ban Thường vụ Thị ủy Đông Triều nghe và cho ý kiến về đề án Phát triển cây ăn quả tập trung TX Đông Triều giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030.
Để vườn cây luôn trẻ, khỏe, tạo tiền đề cho năng suất cao, chất lượng tốt, theo các chuyên gia, cây na cần phải phục tráng giống, thay thế khi bị suy thoái bằng cây giống chất lượng tốt. Đồng thời, phải được hoàn thiện các kỹ thuật sản xuất từ khâu cải tạo đất, mật độ, cắt tỉa, bón phân; tăng cường công tác tuyên truyền, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật và đào tạo tập huấn.
Cuối năm 2022, Ban Thường vụ Thị ủy Đông Triều đã yêu cầu UBND thị xã triển khai xây dựng đề án Phát triển cây ăn quả tập trung TX Đông Triều giai đoạn 2022-2025, định hướng đến năm 2030. Trong đó, yêu cầu các đơn vị chuyên môn tham gia xây dựng đề án phải phối hợp chặt chẽ với Viện Nghiên cứu rau quả (Viện Khoa học nông nghiệp Việt Nam) đánh giá kỹ tính chất phù hợp, điều kiện thổ nhưỡng, thị trường, xác định loại cây trồng chủ lực, có giá trị kinh tế theo hướng chất lượng cao, phục vụ cho người dân ở khu vực đô thị, rà soát các diện tích phù hợp với quy hoạch, cải tạo lại những giống cây hiện có, đặc biệt là cây na.
Với quyết tâm nâng cao giá trị cây chủ lực của địa phương, ông Nguyễn Quang Đán, Phó Chủ tịch UBND TX Đông Triều, cho biết:
Việc sản xuất cây ăn quả, trong đó có cây na theo hướng hàng hóa tập trung sẽ đáp ứng theo xu thế của thị trường tiêu thụ, giúp mở rộng thị trường sản phẩm, nâng giá trị đóng góp vào GDP của ngành nông nghiệp trong cơ cấu nền kinh tế, góp phần thực hiện thành công tái cơ cấu ngành nông nghiệp của tỉnh. Trước mắt, thị xã tăng cường thâm canh, trẻ hóa các vườn cây già cỗi, suy thoái; cơ cấu lại các giống na, bổ sung giống mới; cấp lại chứng nhận sản phẩm đạt tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, tiến hành phục tráng các giống na đang được trồng tại địa phương (na dai và na bở) đảm bảo năng suất của giống được phục tráng đạt trên 150 tạ/ha, từ đó tiến hành thay thế khoảng 120ha diện tích na ở độ tuổi từ 16 trở lên trong tình trạng suy thoái bằng các giống đã được phục tráng. Mục tiêu đưa diện tích na lên đến 990ha, trong đó nâng diện tích giống na bở lên 140ha (chiếm 14% tổng diện tích na của thị xã).

Dự kiến từ nay đến năm 2025, TX Đông Triều tiến hành thay thế khoảng 120ha na trồng ở độ tuổi từ 16 trở lên đang trong tình trạng suy thoái bằng các giống đã được phục tráng.
Dự kiến từ nay đến năm 2025, TX Đông Triều tiến hành thay thế khoảng 120ha na trồng ở độ tuổi từ 16 trở lên đang trong tình trạng suy thoái bằng các giống đã được phục tráng.
Để có bước đi cụ thể cho các địa phương, Đông Triều cũng xây dựng kế hoạch thay thế giống qua các năm. Cụ thể, giai đoạn 2024-2025 thay thế 125ha na xuống cấp, giai đoạn 2026-2027 thay thế 155ha. Diện tích thay thế tập trung ở các xã: Bình Dương, Việt Dân, Tân Việt, An Sinh, Tràng An và Tràng Lương. Riêng xã Tràng Lương và xã Bình Khê sẽ bố trí trồng mới toàn bộ bằng giống na bở. Còn lại các xã khác thay thế bằng giống na dai.

Na hiện là giống cây ăn quả chủ lực của người dân TX Đông Triều. (Ảnh: Thu hoạch na ở xã Việt Dân)
Na hiện là giống cây ăn quả chủ lực của người dân TX Đông Triều. (Ảnh: Thu hoạch na ở xã Việt Dân)
Thị xã cũng quyết tâm xây dựng các mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, kết hợp ứng dụng kỹ thuật tiến bộ; liên kết trong sản xuất gắn với thị trường tiêu thụ, kết cấu hạ tầng, gắn kết với du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm; ứng dụng phần mềm ghi chép nhật ký điện tử để minh bạch hóa quá trình sản xuất, giúp người dân trao đổi kinh nghiệm sản xuất, cũng như tham gia vào các sàn giao dịch điện tử thông qua ứng dụng trên điện thoại, tạo tiền đề cho việc phát triển sản xuất cây ăn quả chủ lực của Đông Triều.
Cụ thể, xây dựng 8 mô hình na tại 8 xã, phường trồng tập trung (3 mô hình ứng dụng kỹ thuật tiến bộ cải tạo đất và phục tráng giống na; 3 mô hình ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm; 2 mô hình sản xuất theo tiêu chuẩn hữu cơ); lập hồ sơ đề nghị để được công nhận đặc cách 2 giống na dai và na bở của Đông Triều; xây dựng các mô hình thử nghiệm một số giống na mới (na Đài Loan, na Thái Lan và một số giống lai khác) có triển vọng phát triển trong tương lai. Đồng thời, thúc đẩy hình thành, phát triển các HTX sản xuất cây ăn quả theo chuỗi giá trị, liên kết với các doanh nghiệp chế biến, tiêu thụ xuất khẩu; phấn đấu thực hiện tiêu thụ thông qua hợp đồng khoảng 25-30% vào năm 2025 và đạt 70-80% vào năm 2030 tại các vùng sản xuất tập trung.

Na QN-D1 có nguồn gốc từ giống na dứa Đài Loan đang được Trung tâm Khuyến nông tỉnh nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc để chuyển giao kỹ thuật đến nông dân.
Na QN-D1 có nguồn gốc từ giống na dứa Đài Loan đang được Trung tâm Khuyến nông tỉnh nghiên cứu kỹ thuật nhân giống, hoàn thiện quy trình trồng, chăm sóc để chuyển giao kỹ thuật đến nông dân.
Thị xã tiếp tục quan tâm triển khai có hiệu quả cơ chế, chính sách hiện có, như: Cơ chế, chính sách hỗ trợ sản xuất theo các tiêu chuẩn GAP, hữu cơ, chứng nhận hữu cơ; chính sách hỗ trợ đào tạo, tập huấn, hỗ trợ tuyên truyền quảng bá, xúc tiến thương mại đối với các sản phẩm đạt chuẩn; hỗ trợ vay vốn tín dụng, chính sách tích tụ đất đai, chính sách sản xuất áp dụng công nghệ cao, chính sách hỗ trợ cơ sở sản xuất, liên kết sản xuất - tiêu thụ sản phẩm, bảo quản, chế biến, kinh doanh... Dự kiến, trong chuyển giao khoa học công nghệ và đào tạo tập huấn, thị xã hỗ trợ 100% kinh phí đào tạo, tập huấn; hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật.
Liên quan đến việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, Đông Triều sẽ hỗ trợ 100% chứng nhận lần đầu và 50% chứng nhận lại lần 2, đối với sản xuất tiêu chuẩn hữu cơ sẽ hỗ trợ 100% kinh phí chứng nhận lần đầu. Các loại vật tư khác, công lao động phổ thông và phần còn lại ngoài hỗ trợ của nhà nước do doanh nghiệp, HTX và các hộ dân tham gia đối ứng. Mục tiêu đến 2030, toàn thị xã có 1.150ha trồng na, năng suất bình quân cao hơn 15-25% hiện tại, đưa lãi thuần từ cây na đạt khoảng 260 tỷ đồng/năm.
Ngày xuất bản: 3/3/2023
Nội dung: HOÀNG NGA
Trình bày: MẠNH HÀ