Lợi ích kép từ kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông
Cuối tháng 7 vừa qua, 4 địa phương có cao tốc Hà Nội - Móng Cái đi qua là Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương và Hưng Yên đã ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông. Đây là liên kết để hình thành ra vùng kinh tế có hạ tầng giao thông tốt nhất cả nước, vành đai kinh tế phía Đông, khai thác được giá trị nổi trội của từng địa phương, hướng tới phát triển kinh tế nhanh, bền vững.


LIÊN KẾT VÙNG ĐỂ CỘNG HƯỞNG LỢI THẾ
Kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông là sáng kiến của 4 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên và VCCI trong thực hiện chủ trương, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm (2021-2030) của Việt Nam với định hướng "tăng cường tính liên kết nội vùng và liên vùng để tham gia vào các chuỗi giá trị toàn cầu, tạo không gian phát triển mới”. Liên kết hình thành dựa trên cơ sở trục đường cao tốc Hà Nội - Móng Cái dài gần 300km đi qua các tỉnh, thành, được xác định là hạ tầng giao thông liên kết tốt nhất phía Bắc hiện nay. Trong đó Quảng Ninh đóng góp 2/3 chiều dài tuyến với hệ thống cao tốc dọc tỉnh gần 200km, nối thủ đô Hà Nội và các tỉnh phía Bắc với thị trường Trung Quốc.

Lãnh đạo VCCI và 4 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, ngày 28/7/2022.
Lãnh đạo VCCI và 4 tỉnh, thành phố Quảng Ninh, Hải Phòng, Hải Dương, Hưng Yên ký kết thỏa thuận hợp tác kết nối kinh tế trục cao tốc phía Đông, ngày 28/7/2022.

Nút giao Bình Dân, đoạn qua huyện Vân Đồn, cao tốc Hà Nội - Móng Cái.
Nút giao Bình Dân, đoạn qua huyện Vân Đồn, cao tốc Hà Nội - Móng Cái.
Trục cao tốc này còn kết nối hàng loạt khu công nghiệp, các đô thị…, nối liền 3 sân bay quốc tế (Nội Bài, Cát Bi, Vân Đồn) và hệ thống các cảng biển quốc tế, tạo ra một vùng có tổng diện tích tự nhiên gấp 3 lần Thủ đô Hà Nội, 5 lần TP Hồ Chí Minh và 8 lần so với TP Đà Nẵng. Liên kết kinh tế sẽ khai thác được thế mạnh riêng của từng tỉnh, thành phố như: Tài nguyên du lịch, dịch vụ, chuỗi sản xuất - thương mại gắn với thị trường Trung Quốc của Quảng Ninh; lợi thế đặc biệt về hệ thống cảng biển và logistics của Hải Phòng; nguồn nhân lực, quỹ đất và vị trí trung tâm vùng, thế mạnh về công nghiệp cơ khí, chế tạo của Hải Dương và vị trí tiếp giáp Thủ đô Hà Nội, tiềm năng lớn trong phát triển công nghiệp cũng như nông nghiệp công nghệ cao, đang có tốc độ đô thị hoá rất nhanh của Hưng Yên.
Từ đó, hình thành mô hình liên kết kinh tế tiểu vùng, chuỗi kinh tế hỗ trợ để cùng phát triển; hình thành cộng đồng doanh nghiệp mạnh, tạo không gian phát triển mới… Liên kết này cũng sẽ thiết lập cơ chế điều phối và triển khai hiệu quả để khơi thông, kết nối các nguồn lực, bổ sung lợi thế cho nhau, tối ưu hóa việc khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn lực của nền kinh tế, trở thành cực tăng trưởng khu vực phía Bắc. Điều này phù hợp với bối cảnh khi nước ta đang hội nhập sâu rộng, nền công nghiệp thế giới được xây dựng từ việc kết nối giữa các nhà máy, các KCN với cảng biển, sân bay để hình thành chuỗi giá trị sản xuất toàn cầu.

Cầu Bạch Đằng nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 103km với chuỗi cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh dài gần 200km.
Cầu Bạch Đằng nối cao tốc Hà Nội - Hải Phòng dài 103km với chuỗi cao tốc dọc tỉnh Quảng Ninh dài gần 200km.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng Ban Pháp chế VCCI, cho biết: Cả 4 địa phương đều cho thấy sự năng động trong phát triển kinh tế và môi trường kinh doanh được đánh giá là thuận lợi hàng đầu Việt Nam. Quảng Ninh và Hải Phòng dẫn đầu bảng xếp hạng PCI trong nhiều năm liền, trong khi Hải Dương và Hưng Yên là những địa phương có xếp hạng cao và tiến bộ mạnh mẽ nhất cả nước. Bộ máy chính quyền của 4 địa phương đều được cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về sự thân thiện, hỗ trợ doanh nghiệp. Việc hình thành liên kết kinh tế sẽ tạo hiệu ứng lan tỏa tốt hơn, khơi thông, dòng chảy thương mại đầu tư, hoạt động xúc tiến đầu tư sẽ có chất lượng, đẳng cấp hơn. Nhà đầu tư tại một địa phương có thể dễ dàng tiếp cận các nguyên vật liệu, nhân lực từ các địa phương lân cận, phát huy hiệu suất tối đa nếu có sự kết nối.

Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Cảng biển Hải Hà.
Hệ thống xử lý nước thải tập trung tại KCN Cảng biển Hải Hà.
Việc hình thành liên kết vùng sẽ cộng hưởng nhiều lợi thế, bù đắp những thiếu hụt mà mỗi địa phương đang tìm kiếm như cửa khẩu của Quảng Ninh, cảng biển của Hải Phòng, nguồn nhân lực của Hải Dương và mặt bằng của Hưng Yên. Các địa phương sẽ cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, thiết kế các chương trình cải thiện môi trường kinh doanh chung, khai thác hiệu quả hạ tầng giao thông và logistics đồng bộ, tạo ra sự lưu thông thuận lợi, hỗ trợ tốt cho hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và đời sống người dân. Để từ đó, các KCN trong vùng có thể kết nối nhanh nhất tới cảng biển, cửa khẩu, nguồn nhân lực, tạo ra chuỗi cung ứng sản xuất, đáp ứng nhiều sản phẩm kết hợp. Đây chính là điểm cộng, động lực quan trọng hấp dẫn các nhà đầu tư, để hình thành chuỗi sản phẩm kinh tế có chất lượng cao.

CHIA SẺ LỢI ÍCH, KIẾN TẠO HÀNH LANG PHÁT TRIỂN MỚI
Sau quá trình nghiên cứu kỹ lưỡng, năm 2014 Quảng Ninh đã công bố 7 quy hoạch chiến lược của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Từ đây, tỉnh đã xác định rõ không gian phát triển theo hướng: Một tâm, hai tuyến đa chiều, 2 mũi đột phá, 3 vùng động lực và kiên trì thực hiện. Mục tiêu là đẩy mạnh liên kết vùng nhằm bảo đảm các tiềm năng, thế mạnh, lợi thế so sánh, lợi thế cạnh tranh của tỉnh phát triển bền vững.

Tỉnh Quảng Ninh phối hợp TP Hải Phòng khởi công cầu Bến Rừng, ngày 13/5/2022.
Tỉnh Quảng Ninh phối hợp TP Hải Phòng khởi công cầu Bến Rừng, ngày 13/5/2022.
Vì thế, từ rất sớm, tỉnh đã đề xuất với Chính phủ tự phát triển hạ tầng giao thông bằng việc đổi mới phương thức huy động, khơi thông, kết nối nguồn lực, tiết kiệm chi thường xuyên, tăng chi đầu tư phát triển, gắn với tái cơ cấu đầu tư công hằng năm và kiên trì thực hiện có hiệu quả đầu tư theo hình thức đối tác công - tư, trung bình cứ 1 đồng ngân sách bỏ ra huy động được 8-9 đồng vốn ngoài ngân sách tham gia đầu tư vào Quảng Ninh.

Cao tốc Vân Đôn - Tiên Yên, nằm trong chuỗi cao tốc Hà Nội - Móng Cái đang chuẩn bị đưa vào khai thác.
Cao tốc Vân Đôn - Tiên Yên, nằm trong chuỗi cao tốc Hà Nội - Móng Cái đang chuẩn bị đưa vào khai thác.
Nhờ đó, chỉ tính giai đoạn 2014-2020, tỉnh đã huy động được trên 123.000 tỷ đồng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, tạo sự bứt phá về hạ tầng giao thông, đô thị, du lịch, dịch vụ... Quảng Ninh đã có sân bay, đường cao tốc, cảng biển quốc tế, sở hữu 15 KCN, có 4 thành phố, 2 thị xã, tỷ lệ đô thị hóa đạt 67%, chỉ đứng sau các thành phố trực thuộc trung ương. Hệ thống kết cấu hạ tầng được ưu tiên đẩy nhanh xây dựng, hiện đại hóa đã thúc đẩy liên kết vùng, hợp tác hóa lãnh thổ, tạo nên những hành lang, không gian phát triển mới, được tính toán, cân nhắc với kiến tạo cảnh quan - kiến trúc công trình mang dấu ấn bản sắc địa phương để phục vụ cho phát triển du lịch và tăng cường năng lực đối trọng xuyên biên giới.
Để chia sẻ lợi ích từ các hạ tầng giao thông nổi bật, thuận lợi, Quảng Ninh đã chủ động, tích cực, phối hợp chặt chẽ cùng các tỉnh, thành phố lân cận (Hải Phòng, Hải Dương, Bắc Giang, Lạng Sơn) tìm cách kết nối chia sẻ nguồn lực chung, tập trung đầu tư hoàn thiện các công trình hạ tầng giao thông chiến lược, kiến tạo các hành lang phát triển mới. Việc đẩy mạnh các công trình liên kết vùng đã tạo ra sự tương hỗ lẫn nhau, nâng cao hiệu quả đầu tư, khai thác hiệu quả lợi thế từng địa phương để tránh đầu tư trùng lặp, lãng phí, dàn trải và sự cạnh tranh không lành mạnh. Quảng Ninh đã đưa biển đến gần hơn với Lạng Sơn để giao lưu du lịch; đưa cửa khẩu quốc tế gần hơn với Bắc Giang, Bắc Ninh và Hải Dương để phát triển các ngành công nghiệp và trở thành vùng hậu cần logistics bền vững cho công nghiệp cảng biển Hải Phòng vốn đang rất chật hẹp.

Một phần diện tích của KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư.
Một phần diện tích của KCN Đông Mai (TX Quảng Yên), do Tổng Công ty Viglacera làm chủ đầu tư.
Những công trình liên kết vùng của Quảng Ninh đang rất phù hợp, trở thành yếu tố quan trọng trong việc thúc đẩy liên kết giữa các vùng kinh tế trong bối cảnh hiện nay. Điều này, đang đúng với xu hướng toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế sâu, rộng, góp phần tháo gỡ rào cản cho các địa phương trong khu vực cùng phát triển. Để từ đó, tạo sự thống nhất và sức mạnh tổng hợp về kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh cho cho mỗi địa phương, cho toàn vùng và cả nước.
Đỗ Phương
Trình bày: Tất Đạt