Biển Vân Đồn tấp nập ngư dân đóng cọc, giăng dây, treo hàu, thả cá. Cánh đồng khoai tây Mầm Dẻ của TP Đông Triều đông vui các cô, các chị đi thăm lần cuối trước khi thu hoạch. Khoảnh rừng 13, xã Tân Dân, TP Hạ Long sạch tinh thực bì, sẵn sàng cho việc trồng cây ngay sau khi có những cơn mưa xuân đầu tiên... Bức tranh sản xuất nông nghiệp Quảng Ninh thời khắc chuyển giao năm cũ - năm mới khẩn trương, chộn rộn bao cảm xúc. Qua bão tố, trên mỗi đồng ruộng, ao chuồng, trên rừng dưới biển của Quảng Ninh, lúa lại lên xanh, rừng lại thắm, cá tôm sinh sôi phát triển. Ký ức về sự tàn phá, thiệt hại nặng nề do thiên tai gây ra với nông nghiệp Quảng Ninh đã được xoá mờ, nhường chỗ cho những cơ hội mới, cho giai đoạn phát triển mới.

Xã viên HTX Phát triển thuỷ sản Đông Bắc (huyện Bình Liêu) phấn khởi với thành quả sau vụ sản xuất.

Xã viên HTX Phát triển thuỷ sản Đông Bắc (huyện Bình Liêu) phấn khởi với thành quả sau vụ sản xuất.

Phẩm chất, năng lực tuyệt vời

Nếu nói về dấu ấn của nông nghiệp Quảng Ninh năm 2024, hẳn nhiều người sẽ cho đó là những “cơn bão” và tinh thần “vượt bão”. Trong một năm, liên tục, nông nghiệp Quảng Ninh đối mặt với dịch bệnh, mưa lũ và khủng khiếp nhất là bị cơn bão số 3 (Yagi) tàn phá. Cơn bão lớn nhất trên biển trong vòng 30 năm, lớn nhất trên đất liền trong vòng 70 năm ấy đã đổ bộ vào Quảng Ninh ngày 7/9, khiến 117.000ha rừng bị đổ gãy, trên 3.100 cơ sở NTTS bị phá vỡ, cuốn theo hơn 32.000 tấn hải sản nuôi, trên 5.900ha lúa màu bị ngập úng, trên 1.900 con gia súc và 260.000 con gia cầm bị chết trôi. Giá trị thiệt hại về kinh tế nông nghiệp do bão Yagi lớn ở mức chưa từng có, riêng thiệt hại về lâm nghiệp là trên 6.400 tỷ đồng, thiệt hại về thuỷ sản là trên 3.700 tỷ đồng. Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, rất lâu Quảng Ninh chưa đồng thời hứng chịu nhiều thử thách và thử thách lớn đến như vậy.

Miền quê trù phú Đông Triều. Ảnh Lê Đại (CTV)

Miền quê trù phú Đông Triều. Ảnh Lê Đại (CTV)

Nhưng chính trong khó khăn đã cho thấy phẩm chất tuyệt vời của người nông dân với tinh thần vượt lên hoàn cảnh, cho thấy năng lực sản xuất mạnh mẽ của nền sản xuất nông nghiệp và cho thấy cả những cơ hội về một nền nông nghiệp Quảng Ninh bền vững, hiện đại sau đổ vỡ…

Ông Đỗ Ngọc Nam, Chủ tịch Hội Nông dân Quảng Ninh, chia sẻ: Nhớ lại thời điểm tháng 9/2024, nông nghiệp, nông dân, nông thôn Quảng Ninh trong bối cảnh hết sức khó khăn, tưởng rằng sẽ tê liệt. Vậy nhưng, rất nhanh, Quảng Ninh đã sốc lại tinh thần, triển khai ngay những giải pháp phục hồi sản xuất… Báo cáo đánh giá của Sở NN&PTNT thời điểm đầu tháng 10/2024 phân tích, 10 ngày sau bão, chính quyền và người dân NTTS trên các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên đã triển khai giao - nhận khu vực biển, đã bắt tay trục vớt tàu bè, phao, lồng, đã gọi vốn, đã  tìm giống, tìm thợ, tìm phương tiện… để tái vụ, quyết tâm tạo dựng lại vùng nuôi biển trù phú và trù phú hơn như đã từng có. Ở lĩnh vực lâm nghiệp, gần 1 tháng sau bão, toàn tỉnh bước vào đợt cao điểm dọn vệ sinh rừng, thu dọn cây rừng đổ gãy để tạo diện trồng rừng mới. Riêng nông dân các vùng chuyên vụ Đông xác định lấy vụ Đông để “gỡ gạc”, tạo sản lượng, giá trị, bù đắp cho những thứ đã bị bão cuốn đi. Mục tiêu Quảng Ninh đặt ra cho vụ Đông là đạt diện tích canh tác 8.000ha, đạt sản lượng lương thực 4.400 tấn, rau 80.000 tấn, khoai tây 6.000 tấn, đạt giá trị trên 1.500 tỷ đồng.

Từ đầu tháng 10, Quảng Ninh bước vào đợt cao điểm vệ sinh rừng, sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới.

Từ đầu tháng 10/2024, Quảng Ninh bước vào đợt cao điểm vệ sinh rừng, sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới.

Từ đầu tháng 10/2024, Quảng Ninh bước vào đợt cao điểm vệ sinh rừng, sẵn sàng cho vụ trồng rừng mới.

Nông nghiệp Quảng Ninh trong kỷ nguyên vươn mình của dân tộc

Chuyển động của nông nghiệp Quảng Ninh sau biến động thiên tai có thể nói là rất nhanh chóng. Để hôm nay, trên 1.200 hộ NTTS Vân Đồn đã gia cố hoặc đóng mới giàn bè, đã thả mới và thả bổ sung con giống, trong đó 100% số cơ sở nuôi hàu đã đang ổn định sản xuất, khoảng 15% số cơ sở nuôi cá biển đã tiếp tục xuống giống cỡ lớn (từ 0,8-1,2kg/con giống). Diện tích người dân Vân Đồn NTTS hiện nay còn cao hơn so với diện tích NTTS thời điểm trước bão số 3, với tổng trên 8.600ha. Cả vùng biển xanh ngắt Vân Đồn cũng như các vùng biển Móng Cái, Hải Hà, Đầm Hà, Tiên Yên, Cẩm Phả, Quảng Yên đã hiện hữu trở lại những khu NTTS tập trung vững chãi, hiện đại, có phao nổi hợp quy, có ô lồng được sắp xếp đúng vị trí, có sự kết nối tạo nên những tổ đội sản xuất trên biển.

Sau bão số 3, những người NTTS Vân Đồn không quản sớm tối, tập trung cao độ nhân lực, vật lực để có thể thả giống lại, tái sản xuất.

Sau bão số 3, những người NTTS Vân Đồn không quản sớm tối, tập trung cao độ nhân lực, vật lực để có thể thả giống lại, tái sản xuất.

Ở lĩnh vực trồng trọt, sự đổi thay là rõ nét từng ngày. Trên những vườn ruộng bị ngập lụt, đổ gãy do bão, giờ tươi xanh mơn mởn những ngô, khoai, rau xanh, hoa, cây cảnh, cây ăn quả… Vụ khoai tây năm nay trên toàn tỉnh đạt trên 300ha, đều phát triển tốt bởi nguồn giống đạt chuẩn. Ngay sau Tết Nguyên đán, những cánh đồng khoai tây này sẽ được thu hoạch, ước đạt giá trị trên dưới 400 triệu đồng/ha. Các vùng trồng ngô Đông cũng đang vào giai đoạn chắc hạt, chờ thu hoạch, sản lượng ước đạt cao hơn vụ ngô Đông 2023 trên 1.000 tấn. Trong đó phần lớn diện tích ngô Đông là giống ngô nếp HN88 mà tỉnh cấp phát cho người dân kịp thời khắc phục sau bão số 3. Vùng hoa, cây cảnh ở Bình Khê (Đông Triều) và các làng hoa ở Hạ Long, theo đánh giá của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật, năm nay được mùa, được giá, nhất là đối với những loại cây chịu lạnh. Các vùng chuyên rau của Quảng Yên, chuyên ngô, khoai, hoa, cây cảnh của Đông Triều, chuyên gà thả vườn của Tiên Yên, Đầm Hà, chuyên lợn hơi của Móng Cái, chuyên tôm nuôi nhà kính Tiên Yên… đã và đang vào vụ thu hoạch, mang lại sản lượng, giá trị rất lớn cho nông nghiệp Quảng Ninh, khiến cho cái Tết này của nông dân vui tươi, đủ đầy hơn.

Vụ Đông này người dân Quảng Yên được mùa rau xanh.

Vụ Đông này người dân Quảng Yên được mùa rau xanh.

Ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, kết quả của nông nghiệp Quảng Ninh 2024 không đạt như mong muốn, nhưng gắn với điều kiện cụ thể sau thiên tai, đó đã là những kết quả tốt nhất. Cùng quan điểm trên, trong một đánh giá của Bộ NN&PTNT làm việc với Quảng Ninh cho rằng, Quảng Ninh trong thiệt hại đã không bi quan, mà lấy đó làm cơ hội để điều chỉnh các mặt quản lý và hoạt động sản xuất cụ thể của người dân. Cái hay của Quảng Ninh là sự sâu sát trong triển khai kế hoạch chương trình, chỉ tiêu giao đầu năm; tính linh hoạt trong việc ban hành và điều chỉnh kế hoạch sản xuất, chỉ tiêu, nhiệm vụ theo phương châm bám mục tiêu cốt lõi và linh động trong cái cụ thể, rõ nét trong dự báo, phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hiệu quả thiên tai…

Nông dân Quảng Yên đóng mới lồng bè nuôi hàu hà.

Nông dân Quảng Yên đóng mới lồng bè nuôi hàu hà.

Có thể thấy từ kết quả đạt được trong năm 2024 đã minh chứng khu vực nông nghiệp là nơi thể hiện tập trung cao độ nhất vai trò của cấp uỷ, chính quyền, cơ quan chức năng, các lực lượng vũ trang trong việc hỗ trợ và làm chỗ dựa cho nhân dân vượt qua những khó khăn, thiệt hại lớn chưa từng có. Trong quá trình tái thiết sản xuất, Quảng Ninh đã điều tiết cách thức sử dụng các nguồn lực kịp thời, trong đó có chuyển vốn hỗ trợ sản xuất kinh doanh sang hình thức vốn vay uỷ thác qua Ngân hàng Chính sách xã hội; đã đưa sản xuất thuỷ sản vào quy củ, đúng quy hoạch và hướng tới hiện đại; đã đẩy nhanh tái cơ cấu nông nghiệp gắn với tái vụ trồng rừng, chuẩn bị cho phát triển kinh tế rừng bền rừng. Theo ông Nguyễn Minh Sơn, Giám đốc Sở NN&PTNT, đây là yếu tố cốt lõi để Quảng Ninh có sản xuất nông nghiệp bền vững, rộng hơn là nền sản xuất có sự chuẩn bị để vượt qua những thử thách lớn hơn trong tương lai, đáp ứng yêu cầu phát triển.

Nông dân xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) tiếp nhận giống khoai tây Atlantic do Viện Sinh học nông nghiệp cung ứng.

Nông dân xã Đông Hải (huyện Tiên Yên) tiếp nhận giống khoai tây Atlantic do Viện Sinh học nông nghiệp cung ứng.

Năm 2025 đang tới, từ những nghị quyết của Chính phủ, công điện, văn bản chỉ đạo của Trung ương đến kết luận của Tỉnh uỷ, kế hoạch của UBND tỉnh cho thấy đây là năm sẽ đề ra những yêu cầu rất cao, là năm chuyển đổi quyết liệt để bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc. Ông Nghiêm Xuân Cường, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, khẳng định: Trong dòng chảy đó, nông nghiệp phải là nơi thể hiện quyết tâm cao nhất để về đích nghị quyết đại hội Đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2020-2025, phải là nhân tố tích cực trong các khu vực kinh tế, phải tham gia sâu sắc vào chuỗi cung ứng tầm quốc gia, quốc tế.

Người nông dân Trần Văn Chương (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) ký vọng vào vụ cá thu hoạch dịp năm mới này.

Nông dân Trần Văn Chương (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) kỳ vọng vào vụ cá thu hoạch dịp năm mới này.

Nông dân Trần Văn Chương (phường Cẩm Đông, TP Cẩm Phả) kỳ vọng vào vụ cá thu hoạch dịp năm mới này.

Muốn vậy, không cách gì khác người nông dân, doanh nghiệp nông nghiệp Quảng Ninh phải chuyển biến nhận thức, có sự tiếp thu và triển khai một cách chủ động những khuynh hướng không thể đảo ngược trong thời đại mới, đó là khuynh hướng chuyển đổi số, phát triển xanh, phát triển bền vững, chuyển đổi năng lượng, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật… để vào thị trường lớn. Trước mắt, Quảng Ninh đã và đang tập trung thực hiện tốt đề án tái thiết KT-XH sau bão số 3, trọng tâm lĩnh vực nông lâm, thuỷ sản, lấy đây là khung để tập trung nguồn lực, tập trung lãnh chỉ đạo, huy động sự vào cuộc đồng bộ của các cấp ngành, đơn vị, địa phương. Mục tiêu đưa nông nghiệp Quảng Ninh không những trở về trạng thái trước thiên tai đồng thời tiến lên trạng thái mới cao hơn, tích cực hơn, đồng bộ, bền vững, hiệu quả hơn, đó là trạng thái bước vào kỷ nguyên vươn mình của dân tộc, như lời của Tổng Bí thư Tô Lâm nhắn nhủ.

Ngày xuất bản: 28/1/2025
Nội dung: VIỆT HOA
Trình bày: MẠNH HÀ