Tất cả chuyên mục
Thứ Sáu, 29/11/2024 21:37 (GMT +7)
Lượng hoá kết quả công tác
Thứ 3, 16/12/2014 | 06:23:48 [GMT +7] A A
Hôm qua, lần đầu tiên tỉnh Quảng Ninh công bố Chỉ số cải cách hành chính (PAR Index) năm 2013 của các sở, ban, ngành, địa phương của tỉnh.
Thông qua tự đánh giá, kiểm tra thực tế, thẩm định và các công cụ theo dõi, đánh giá khác phù hợp với từng tiêu chí, kết quả xếp hạng và đánh giá PAR Index năm 2013 của các sở, ban, ngành, địa phương phù hợp với kết quả chung của tỉnh được đánh giá.
Quảng Ninh địa phương đi đầu trong cả nước triển khai các biện pháp cải cách hành chính, nhất là cải cách thủ tục hành chính, song kết quả ở một số lĩnh vực vẫn chưa đạt được như mong muốn. Năm 2013, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) của Quảng Ninh đạt cao, xếp thứ 4/63 tỉnh, thành phố (tăng 16 bậc so với năm 2012), nhưng PAR Index của Quảng Ninh đã tụt 4 bậc so với năm 2012, chỉ còn xếp thứ 23/63 tỉnh, thành phố với 79,59/100 điểm, xếp hạng Khá.
Kết quả PAR Index năm 2013 của toàn bộ 20 sở, ban, ngành và 14 UBND địa phương của tỉnh Quảng Ninh đều đạt điểm số thấp hơn điểm số PAR Index 2013 của Quảng Ninh. Kết quả này chứng tỏ việc đánh giá đã được thực hiện nghiêm túc ngay từ tự đánh giá của từng đơn vị.
Cụ thể, đối với 20 sở, ban, ngành, bình quân số điểm đạt được là 72,13 điểm. Trong đó đơn vị đạt điểm cao nhất 79,33 điểm là Sở Kế hoạch và Đầu tư; đơn vị thấp nhất đạt 64,34 điểm là Ban Dân tộc tỉnh. Tại nhóm này, có 9 đơn vị được xếp loại Khá, còn 11 đơn vị xếp loại Trung bình.
Đối với UBND 14 địa phương của tỉnh, bình quân số điểm đạt được là 70,15 điểm. Trong đó đơn vị đạt điểm cao nhất là 78,41 điểm là UBND TP Cẩm Phả; đơn vị thấp nhất đạt 63,08 điểm UBND huyện Đầm Hà. Chênh lệch giữa điểm cao nhất và thấp nhất là 15,33 điểm. Tại nhóm này, có 8 đơn vị xếp loại Khá, 6 đơn vị xếp loại Trung bình.
Nhìn chung, các nội dung liên quan đến cải cách thể chế, cải cách tổ chức bộ máy, cải cách tài chính công, hiện đại hoá hành chính của hầu hết các đơn vị đều đạt được điểm tối đa.
Thông qua việc xác định PAR Index sẽ là cơ sở để Quảng Ninh theo dõi, đánh giá thực chất tình hình thực hiện cải cách hành chính của các cơ quan, đơn vị, địa phương của tỉnh. Căn cứ vào kết quả của mình, các đơn vị của tỉnh sẽ có cơ sở để đề ra biện pháp khắc phục những hạn chế, đồng thời nỗ lực vươn lên trong công tác cải cách hành chính. Đó cũng là nỗ lực để tỉnh Quảng Ninh chủ động nâng cao PAR Index của chính mình.
Cùng với PAR Index, Quảng Ninh còn đang tiến hành khảo sát Chỉ số hài lòng về phục vụ hành chính (SIPAS) ở 6 dịch vụ hành chính công: Cấp Chứng minh nhân dân, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; cấp Giấy phép xây dựng nhà ở; Chứng thực; cấp Giấy khai sinh; cấp Giấy đăng ký kết hôn. Theo kế hoạch, từ 2 đến 3 năm Quảng Ninh sẽ tổ chức thực hiện và công bố chỉ số SIPAS một lần.
Các chỉ số đánh giá vừa là công cụ quản lý, đồng thời nó đã khách quan lượng hoá, đo lường kết quả hoạt động của các lĩnh vực. Bằng các công cụ quản lý như trên, chúng ta có thêm cơ sở cụ thể cho việc đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ của các đơn vị.
Kết quả các chỉ số được công bố đã tác động không nhỏ đến hình ảnh, thương hiệu của các đơn vị. Ở góc độ nào đó, việc công bố các chỉ số như PAR Index sẽ tạo ra động lực thi đua giữa các đơn vị trong tỉnh.
Nguyên Đan
Liên kết website
Ý kiến ()