Có lẽ, không có cái nôi nào lại sản sinh và nuôi dưỡng được các thế hệ văn nghệ sĩ như ngành than. Và cũng không có mảng sáng tác nào lại thu hút được sự quan tâm của văn nghệ sĩ như mảng đề tài về ngành than, về người thợ mỏ. Người thợ mỏ đã đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ… từ chính cuộc sống cần lao của mình, từ sự thăng hoa về cảm xúc của các văn nghệ sĩ, mà trong số đó không ít người vốn sống với than và đi lên từ than…
Mạch nguồn sáng tác không vơi cạn…
Tôi may mắn sớm được tiếp cận với những người thợ sáng tạo, nhân ái và bất khuất kiên cường.Nhà văn Võ Khắc Nghiêm
Tôi may mắn sớm được tiếp cận với nền công nghiệp hiện đại, sống với những người thợ giàu sáng tạo, giàu nhân ái và bất khuất kiên cường. Năm 1961, tôi may mắn được NXB Thanh Niên và Khu đoàn Đặc khu Hồng Quảng tin cậy giao cho viết tập hồi ký “Đất Mỏ Anh hùng” nhân kỷ niệm 25 năm cuộc Tổng đình công của hơn ba vạn thợ mỏ ngày 12/11/1936. Tôi vui mừng vì có điều kiện tiếp xúc nhiều tư liệu, gặp gỡ nhiều nhân vật quan trọng để không chỉ hoàn thành tập hồi ký mà còn tích lũy vốn sống cho quá trình làm báo, viết văn lâu dài ở vùng Than. Ở Vùng mỏ, ra ngõ gặp than, ra ngõ gặp chuyện, gặp người thợ, tức là ra ngõ là gặp nhân vật của tiểu thuyết. Bởi vậy, theo tôi, tìm nguyên mẫu để viết thì không khó nhưng viết thế nào cho hay rất khó, không thể sống lơi khơi, “cỡi ngựa xem hoa”.
Tôi học được từ người thợ lò cách thể hiện “đi thẳng” vào truyện chân thực, không sa đà vào mây gió trăng sao, không miên man, rối rắm mà tập trung chi tiết xây dựng nổi bật tính cách nhân vật đa chiều qua những sự kiện bình thường mà độc đáo”. Điều mà tôi tâm đắc nhất là đã tiếp nhận được ở Quảng Ninh sự trăn trở tìm tòi sáng tạo, chân thực, bao dung khi viết văn, viết báo. Ngay cả cách thể hiện cũng phải mới mẻ, phù hợp với nội dung để tạo nên sức hấp dẫn trong từng chi tiết, từng câu đối thoại, không chỉ phù hợp với tính cách nhân vật mà còn phải có trí tuệ, gắn với sự khái quát hoàn cảnh xã hội.
Tôi đã chọn cho mình cách viết “tốc độ”, dồn nén, áp dụng phương pháp cắt lớp của điện ảnh, tạo ra những xung đột tính cách của sân khấu và cả cách lướt qua sự kiện kiểu của báo chí để cho người đọc tiếp nhận nhanh thông tin và gợi mở cho họ sức tưởng tượng sống cùng nhân vật, chỉ tập trung khoét sâu vào những sự kiện chính. Điều này giống như trong khai thác than người ta phải chọn phương hướng mở lò, cắt tầng đi thẳng vào vỉa than sao cho ngắn nhất, hiệu quả nhất. Tôi học được từ người thợ lò cách thể hiện “đi thẳng” vào truyện chân thực, không sa đà vào mây gió trăng sao, không miên man, rối rắm mà tập trung chi tiết xây dựng nổi bật tính cách nhân vật đa chiều qua những sự kiện bình thường mà độc đáo. Bởi vậy, nhân vật trong sáng tác của tôi chủ yếu được khắc hoạ số phận với những xung đột căng thẳng đầy hấp dẫn.
Huệ trong tiểu thuyết “Mảnh đời của Huệ” có một cuộc đời bị xé ra thành nhiều mảnh đau khổ, đoạn trường: Từ một cô gái thôn quê xinh đẹp, bị lừa, bị hãm hiếp, dạt ra mỏ, dạt sang Hồng Kông. Cuối cùng quay lại mỏ và Huệ đã tìm được hạnh phúc của cuộc đời mình. Sau hai cuộc tình đau khổ với phó giám đốc Hải và lái xe Phúc, Huệ gặp được Long, người đàn ông mang lại hạnh phúc cả đời cho chị. Tôi không miêu tả trực diện người thợ mỏ mà tôi dựng một đường viền để soi sáng nhân vật. Từ đó, tôi mở rộng biên độ của đề tài từ chuyện sản xuất và chiến đấu sang các mối quan hệ riêng tư để tạo không gian nghệ thuật rộng cho nhân vật hoạt động. Nhân vật của tôi không chỉ được đặt trong quan hệ sản xuất ở trên mỏ, mà còn được đặt trong quan hệ muôn mặt đời thường.
Ban đầu tôi định viết tiểu thuyết “Huyết thống” với độ dài trên 1.000 trang, song từ khảo sát nhu cầu bạn đọc thời cơ chế thị trường, bùng nổ thông tin, quỹ thời gian dành cho đọc sách của mọi người ngày càng hạn hẹp, tôi đã viết với 268 trang (in khổ 13x19cm) với lối kể chuyện chân thực, cắt lớp, gợi mở mà vẫn thấy chuyển tải được toàn bộ câu chuyện và những sự kiện quan trọng suốt một thời kỳ dài của Vùng than. Tôi không có ý định miêu tả lại lịch sử, nhưng phải cố gắng khái quát được sự hình thành những tính cách thợ mỏ, những đặc trưng của các gia đình thợ mỏ trên con đường công nghiệp hoá đầy gian truân, khốc liệt mà các số phận đan xen vào nhau, dựa vào nhau, tôn cao nhau để sống và cống hiến. Vì muốn tri ân những người thợ mỏ đã cưu mang tôi, nâng đỡ tôi nên cuốn tiểu thuyết không có những nhân vật mà người ta hay gọi là phản diện, tiêu cực. Chỉ có những xung đột tính cách, nội tâm và những hoàn cảnh xô đẩy thân phận con người. Ngay cả những quan niệm bảo thủ, cực đoan của ai đó, xét cho cùng chỉ là sản phẩm của một thời, nhưng từ đó lại bật ra những điểm sáng mới trong các nhân vật, nâng vẻ đẹp cao sang. Có những xung đột những sự kiện của thời đổi mới, thời than lậu, tôi đã phải tước bỏ phần cuối, để dành cho cuốn tiểu thuyết tiếp theo tôi đang thực hiện “Chiều sâu ngược sáng”. Bạn đọc sẽ gặp lại các nhân vật trong “Mảnh đời” của Huệ và “Huyết thống” cùng những gì khốc liệt nhất ở Vùng than hôm nay.
Những câu chuyện, những nhân vật tôi đã khắc hoạ trong các tác phẩm của mình chỉ phản ánh được một phần nhỏ cuộc sống phong phú, đa dạng của thợ mỏ. Không chỉ có có thợ mỏ, nhân vật của tôi còn công tác ở nhiều ngành quan trọng ở các địa phương trong tỉnh như: Uông Bí, Vân Đồn, Hạ Long, Bái Tử Long.
Nhà văn Võ Khắc Nghiêm sinh năm 1942, thuộc thế hệ nhà văn đầu tiên của ngành Than và tỉnh Quảng Ninh. Sau khi tốt nghiệp Khoa Cơ điện mỏ đầu tiên của Trường Trung cấp Kỹ thuật Mỏ, ông về gắn bó với Vùng than, trải qua nhiều công việc khác nhau như: Trưởng Đài phát thanh mỏ rồi Phó Giám đốc Trung tâm truyền hình Công nghiệp mỏ, Phó Tổng Biên tập Tạp chí Than Việt Nam. Ông đã xuất bản 20 tập tiểu thuyết, đa phần viết về Vùng mỏ như: “Nhân danh công lý”, “Mười sáu tấn vàng”, “Cướp ngày”, “Sự huyền diệu của tình yêu”, “Đại dương trong mắt em”, “Người tình 15 năm”, “Phúc hoạ đời người”, “Trăng lạnh Hạ Long” v.v.. Vừa làm báo vừa sáng tác, Võ Khắc Nghiêm đã cho ra đời hàng trăm truyện ngắn, bút ký, phóng sự, hàng chục tiểu thuyết, kịch bản sân khấu, kịch bản điện ảnh. Ông là hội viên Hội Nhà văn Việt Nam, Hội Nghệ sĩ Sân khấu Việt Nam, Hội Điện ảnh Việt Nam, Hội Nhà báo Việt Nam. Nhà văn Võ Khắc Nghiêm được trao Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam và Hội Nhà văn Việt Nam trao giải nhất giải thưởng Văn học công nhân lần thứ VII (1995 – 2005); giải A văn học công nhân (1990 – 1995), Giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017, Giải thưởng Văn học ASEAN giai đoạn 2019-2020.
Trong tôi, niềm tin về người thợ mỏ không thay đổi.Nhà văn Trần Tâm
Có thể nói, gia đình tôi là điển hình của lớp công nhân mỏ đầu tiên ở vùng than và gắn bó với Quảng Ninh cho tới hôm nay. Và một thế hệ người vùng than như thế, tôi đã viết trong tiểu thuyết Đất bỏng 4 tập đã xuất bản của mình, kể về vùng mỏ trong suốt hơn một thế kỷ, sau khi người Pháp bắt đầu khai mỏ… Nhà tôi đến giờ là 5 đời làm thợ mỏ ở vùng than Cẩm Phả này. Gốc cụ nội tôi là người Nam Định, ra vùng mỏ từ năm 1890, giai đoạn đầu tiên của công cuộc khai mỏ. Cụ ra đây làm cửu vạn, đến mùa gặt hái thì lại về quê giúp gia đình, rồi lại kéo thêm người ra, cứ như thế và tính đến năm 1987 thôi đã sinh sôi con đàn cháu đống có họ gần, xa với nhau lên tới hơn 600 người rồi, cả cái làng như thế.
Ông tôi là đã sinh ra tại mỏ này. Khi miền mỏ giải phóng, mẹ tôi là đời thứ 3 vào công nhân được ưu ái lắm, từ người cu ly trở thành người công nhân nó khác lắm, niềm vui lớn lắm, không biết tả thế nào… Đến tôi làm công nhân vẫn thấy cuộc đời đẹp lắm, tôi hãnh diện lắm, làm việc, cống hiến hết mình tất cả cho sự nghiệp làm than của đất nước. Khi ấy, chúng tôi vào mỏ rồi là không phải lo gì cả, ăn uống có tiêu chuẩn, tiêu chuẩn bảo hộ, tiêu chuẩn lương thực, thực phẩm… bảo đảm cho cuộc sống của người ta đến lúc chết rồi. Dù vậy, sản xuất than thời ấy năng suất không cao như bây giờ, đời sống thợ mỏ có nhiều khó khăn lắm, sản xuất không đủ ăn, ăn thế cũng không đủ sức mà làm, rồi phát sinh nhiều tệ nạn… Vùng mỏ gian nan, thăng trầm với than qua những giai đoạn người ta nói nhiều rồi, tôi là người thợ mỏ, rồi chuyển sang viết văn, làm thơ về mỏ, những băn khoăn về mỏ trong tôi bao giờ cũng có nhưng tôi cũng biết, ở mỏ vẫn có nhiều cái tốt lắm. Người công nhân chân thật lắm, họ biết nhau, nhìn thấy nhau rõ lắm, những cái xấu không có cơ hội để chen vào đời sống người thợ. Họ ứng xử chân thật với nhau, sẵn sàng giành phần khó về mình, nhường sự thuận lợi cho bạn bè, đồng nghiệp, cái đấy nhiều và ở tất cả mọi chỗ. Người vào trước nâng đỡ cho người vào sau, người ca trước tạo thuận lợi cho người ca sau tăng năng suất, người thợ mỏ sống với nhau chan hoà. Những thứ như thế nhiều và khiến cho cuộc sống tốt đẹp lên… Nghề mỏ và nhất là người thợ mỏ thì công việc lúc nào cũng nặng nhọc. Thợ lò cắm mũi khoan vào vỉa không cần học nhiều lắm, công việc lao động của người thợ gần như đã thành nếp, cần nhiều hơn những thói quen, kinh nghiệm. Nhưng người thợ đồng cảm với nhau. Thời của tôi đi làm có thể sà vào bất cứ một tổ công nhân nào để trò chuyện, cười ha hả với nhau, thậm chí còn mắng mỏ nhau cũng bình thường…
Công nhân mỏ bây giờ có nhiều thứ khác trước. Nhiều người ở cách xa khai trường sản xuất tới cả trăm cây số. Buổi sáng, họ đi xe phân khối lớn đến nơi làm việc, xong họ lại quay trở về, họ không gắn bó với mỏ nữa. Có những người quê Điện Biên, Lai Châu cũng xuống đây làm công nhân. Thời chúng tôi rất khác, công nhân gắn bó với mỏ như xương thịt của mình, mặc dù khó khăn, cực khổ lắm, nhưng thà rằng sống lay lắt còn hơn xa mỏ. Giờ họ không thế, họ vào làm công nhân để biết mỏ thế nào, kiếm tiền rồi trở về quê cũ, chứ không ở đây. Tôi không hiểu tại sao công nhân ở đây sung sướng thế mà họ không muốn gắn bó với vùng than nữa?
Cuộc sống, nghề mỏ và người công nhân mỏ hôm nay có nhiều cái khác thời của tôi nhưng dù thế nào thì lòng tin của tôi bao giờ cũng thế, vẫn chắc như thế. Sản xuất than giờ có mục tiêu, tính toán rõ ràng hơn, người thợ mỏ mong muốn làm việc và được trả công xứng đứng, đảm bảo cho đời sống cá nhân và tương lai lâu dài hơn. Nếp nghĩ khác đi, động cơ thúc đẩy nếp nghĩ ấy cũng khác đi. Mỗi thời mỗi khác cũng là điều tất yếu thôi, nhưng dù vậy tôi nghĩ người thợ mỏ vẫn có sự chất phác riêng không bị mất đi, vì họ không phải toan tính quá nhiều, không phải chèn ép lẫn nhau, có thể không làm việc này thì làm việc khác được…
Sáng tác của tôi về người thợ mỏ toàn là những câu chuyện có thật ở xung quanh ngày tôi còn làm mỏ. Cả gia tài sáng tác của tôi có hơn 20 đầu sách với 7 tập thơ, 7 cuốn tiểu thuyết và 5 tập truyện ngắn, 1 tập tản văn thì hầu như là viết về người công nhân mỏ thời của tôi, vào giai đoạn đất nước bắt đầu đổi mới. Tôi có nhiều băn khoăn, trăn trở về mỏ, về người công nhân nhưng tôi vẫn viết về họ, vì trách nhiệm với những người đã mất ở trong mỏ, trong công việc, vì nhiều lý do khác nhau, mà tôi đã được nghe, được chứng kiến. Vì vậy mà tôi cũng từng đề xuất, mong muốn dựng một cái bia ghi tên tất cả những người đã chết vì sự nghiệp sản xuất than ở Đèo Nai, nơi tôi đã từng làm thợ mỏ. Tất cả những điều đã thấy trong mỏ, tôi muốn trải lòng để viết hết nên những trang giấy, cho con cháu đời sau biết thế hệ trước đã sống, làm việc ở mỏ như thế nào, mặc dù sức viết của tôi có thể cũng chưa tới hết được tận cùng sự thật đời sống người công nhân mỏ, chỉ nói được một phần cái gian khổ, khắc nghiệt của mỏ thôi.
Người thợ mỏ trong sáng tác của tôi chủ yếu là về thời của tôi, từ những trải nghiệm của chính tôi và bạn bè, những người thợ quanh tôi. Tôi viết với khao khát lớn nhất là trải lòng mình để bù đắp cho những người đã giúp đỡ, cưu mang tôi và kể cả những người đã gây khó khăn cho tôi, tôi cám ơn tất để tạo cho mình thành hôm nay. Vì con người ta nếu thuận lợi quá cũng không tốt đâu, có những đoạn gập ghềnh như thế mới khiến cuộc sống màu sắc hơn, chi tiết cuộc sống đậm đà hơn. Thành tựu về văn chương không quan trọng bằng việc tôi viết để trải lòng mình ra, để giữ lại ký ức một thời cho lớp thế hệ sau này khi đọc có thể biết có một giai đoạn vùng than như thế, người thợ mỏ như thế. Có những người không nói được ra như mình, mà mình đã từng được nghe họ kể như là gửi gắm cho mình, rồi tôi nhớ lại tất cả những bạn thợ ngày trước ở trong mỏ với vô số cơ hội gặp gỡ, biết về bao con người, số phận khác nhau, những điều ấy luôn thôi thúc tôi viết tiếp…
Từ lao động, khơi lên niềm tự hào của người thợ mỏ…Nhạc sĩ Đỗ Hòa An
Sau khi tốt nghiệp Nhạc viện Hà Nội rồi về Quảng Ninh công tác, tôi đã đi nhiều nơi, làm ở nhiều ngành, có nhiều trải nghiệm về vùng than nhưng khi quay về Hạ Long rồi thì việc tiếp xúc đầu tiên là với người thợ mỏ. Thời ấy, nói về người thợ là liên quan đến những vấn đề của cuộc sống thường ngày rất lớn, ngành than là ngành kinh tế trọng điểm của cả nước trong cả một giai đoạn dài như thế nên mọi người đều cuốn vào đó.
Một nhạc sĩ, một nhạc công như tôi thì việc đầu tiên là phải bám vào nhịp sống của vùng đất mình đến để sống, để sáng tác thôi. Tôi đặc biệt có quãng thời gian gắn bó lâu dài cùng với mỏ than Hà Lầm, đi về gần gũi, thân thiết như người nhà vậy. Mà vùng đất này có chất riêng, rất nhiều ca sĩ trưởng thành lên từ Hà Lầm, như: Thanh Việt, Phương Điệp, Thu Hường... Hồi ấy, cứ 1-2 năm, tôi lại có một ca khúc mới viết riêng cho Hà Lầm, như ca khúc “Đảng là mùa xuân người thợ” tôi viết theo “tông” một giọng nữ của Hà Lầm. Lại có những ca khúc tôi viết cho Hà Lầm nhưng không chỉ “sống” với thợ mỏ Hà Lầm mà lại lan truyền, trở thành ca khúc chung cho cả vùng mỏ như “Thơ thợ lò”. Thợ mỏ nơi đây yêu văn nghệ, không khí sôi nổi, ngấm trong mỗi cán bộ, thợ mỏ là men say với người nghệ sĩ hơn bất cứ thứ gì.
Tôi nhớ con đường vào Hà Lầm khi ấy chưa to đẹp như bây giờ, đường lên các khai trường còn lầy lội nhưng mỗi người hát, mỗi người thợ đều nhiệt tình. Tôi đi với thợ mỏ Hà Lầm, nghe họ kể chuyện về đời sống, vào lò cùng họ, mức khai thác khi ấy mới là -50 độ sâu thôi, giờ đã là -400 rồi. Rồi giai điệu của ca khúc “Thơ thợ lò” ra đời: “Âm năm mươi độ sâu, chúng tôi đi vào trong lòng đất. Âm năm mươi độ sâu, những bước đi chuyển rung núi đồi. Nắng hay gió, suối hay khe đều ở cả trên đầu. Càng xuống thấp càng nhiều gian khó thử thách lòng chúng ta…”. Sau này, không chỉ thợ mỏ Hà Lầm mà nhiều mỏ khác từ Vàng Danh, Nam Mẫu, Quang Hanh vẫn hát ca khúc này, rồi tự biến lời ca khúc theo độ sâu mà họ khai phá, chinh phục…
Cái gốc ở Hà Lầm, tôi đi mỏ Hà Lầm nhiều, nhưng để có vốn cho sáng tác của mình, tôi đã đi hầu hết vùng than, từ xuống lò nghiêng ở than Đông Bắc, đi Vàng Danh, vào mỏ ở than Quang Hanh, thăm lòng moong Cọc Sáu, các mỏ lộ thiên ở Cao Sơn, Đèo Nai… lấy cảm xúc của mỗi vùng đất, mỗi mỏ than để tạo nét riêng cho ca khúc của mình. Sức đi, sức viết ở mỗi giai đoạn cũng khác nhau, ngày trước còn trẻ đi nhiều, giờ đi ít hơn. Cách đây 30 năm, tôi từng chui xuống lò giếng đứng Mông Dương, khoảng chục năm trước thì xuống được tới lưng chừng thôi, và vừa rồi không đủ lực xuống sâu hơn nữa để viết cho thợ lò thì dừng ở lưng chừng thăm nhà đèn, rồi viết ca khúc về nhà đèn. Sáng tác của tôi nhiều nhưng tỷ lệ viết về than vẫn lớn nhất, mang nhiều màu sắc khác nhau.
Công việc của người thợ mỏ thì vất vả, nặng nhọc, độc hại, nhưng họ làm việc rất khoa học, bản chất của họ là chịu khó, xốc vác… Để có được những sáng tác văn học nghệ thuật về người thợ thì từ hội hoạ, âm nhạc hay thơ văn đều cần có cảm xúc, tài năng và cái duyên, tình yêu của mình gắn bó với vùng đất này thì mới hay được, mới cuốn hút được người nghe. “Thành phố trong lòng đất/ Bạn có nghe tên bao giờ/ Thành phố nghe lạ thế/ Mà thiết tha trong đời…” đây là viết về mỏ than Mông Dương, rồi còn nhiều mỏ khác nữa. Không phải là nghĩ về người thợ mỏ nữa mà là cả cuộc đời sống với vùng than, tôi viết về biển và than là dày nhất. Tôi lấy sự to lớn, hùng vĩ của những tầng than, lao động của những người thợ mỏ làm nguồn, trong đó có vui buồn, có những vất vả và cả niềm hạnh phúc của người thợ, dù là lúc sản xuất thuận lợi hay ở vào những giai đoạn khó khăn thì người công nhân vẫn mang niềm tự hào về sức mạnh cũng như sức sáng tạo, sự đồng tâm của người thợ mỏ. Sáng tác về ngành than, về người thợ mỏ lúc nào cũng là nguồn đề tài không vơi cạn trong sáng tác của các văn nghệ sĩ, trong đó có giới nhạc sĩ chúng tôi.
Bây giờ, ngành than phải đối mặt với nhiều vấn đề, có nhiều khó khăn, Quảng Ninh chuyển hướng từ “nâu” sang “xanh” thì vai trò của nhiệt lượng, của khai thác than giảm dần đi, không còn khí thế sản xuất như xưa nữa, và người làm than cũng có những nỗi niềm, những nỗi buồn phảng phất nào đó không nói ra. Đó là sự thật thôi nhưng tôi tin ở trong người thợ, người công nhân có một truyền thống, sức mạnh từ kinh nghiệm sản xuất than bao nhiêu năm qua. Sản xuất than trước kia giống như mạch máu của tổ quốc, người thợ, người dân vùng mỏ được hưởng lợi rất lớn từ than, tạo nên sức mạnh của vùng than, cũng từ than, từ sức phấn đấu của người thợ mỏ mà làm ra được bao nhiêu công trình lớn, nhỏ cho Quảng Ninh, cho đất nước. Đó là sức mạnh, là niềm tự hào không bao giờ mất đi.
Sức mạnh ấy được thể hiện ra qua những trang viết. Ví như nhiều người thích bài hát “Tâm sự với hòn than” của tôi, phổ nhạc nhẹ rất âm thầm, kiểu âm thầm của người thợ mỏ ấy, chỉ là tâm sự với hòn than thôi, chứ không phải với tầng than đâu. Không cao xa mà rất chi tiết, gần gũi với người thợ. Hay như tôi viết “Âm 50 độ sâu, chúng tôi đi vào trong lòng đất…” đã nói ở trên, khởi đầu tôi viết từ Hà Lầm, cho Hà Lầm, sau cho đến giờ người ta xuống âm 300, 400 và có thể còn sâu hơn nữa, nhưng người thợ lò đều phải lấy than như thế, phải chui xuống sâu như thế, dù ở tầng nào, đi nghiêng, đi ngang thì đều là việc của người thợ lò. Chính vì thế, bài hát được phổ cập rất rộng rãi trong các mỏ, có khi nhiều nơi còn hát hay hơn ở nơi mà nó sinh ra. Đấy là tình yêu của mình dành cho họ, từ công việc bình thường để khơi lên niềm tự hào của những người thợ mỏ…
Văn hóa thợ mỏ là nền tảng cảm xúc cho sáng tác về vùng mỏ.Nhà thơ Trần Đình Nhân
Những ai có mặt ở Quảng Ninh từ những năm 2000 trở về trước thì hiểu rất rõ vai trò của khoáng sản (than) và người thợ mỏ như thế nào đối với đất nước. Công việc khai sơn, phá thạch và quá trình công nghiệp hóa – hiện đại hóa để tìm nguồn lợi khoáng sản trong lòng đất của họ có tầm ảnh hưởng tới đời sống vật chất và tinh thần của cư dân ở vùng Đông Bắc tổ quốc này. Người thợ mỏ làm than được ví như “Quân đội đánh giặc”, có vai trò trọng yếu về phát triển kinh tế suốt cả tháng năm dài lập nước, chống giặc ngoại xâm của dân tộc nên tầm ảnh hưởng của người thợ mỏ làm than giống như mạnh nguồn cảm xúc, có tác động rất lớn trong sáng tạo VHNT với nhiều thế hệ tác giả trưởng thành ở Quảng Ninh.
Tôi là người viết xuất thân trên tầng mỏ, có lẽ bạn đọc phần nào sẽ cho tôi quá yêu những gì của mình, nhưng tôi dám bảo đảm không phải thế mà là vì than và người thợ mỏ, hay nói chính xác hơn là văn hóa thợ mỏ đã ngấm vào mạch máu. Và rất tự nhiên, nó thành hơi thở trong những tác phẩm văn học của tôi mỗi khi cầm bút viết về vùng đất, con người ở đây.
Cần nói đôi điều về văn hóa thợ mỏ. Có lẽ chỉ nên dùng hai chữ ngắn gọn đó là “Cần lao”. Sinh thời, nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Cha trốn lính ra Hòn Gai cuốc mỏ”. Nhưng tôi nghĩ “trốn lính” chỉ là một thành phần trong hằng hà sa số các số phận, chủ yếu vẫn là cuộc sống cần mưu sinh. Tôi đã biết có những gia đình có đến bốn, năm đời làm thợ mỏ, họ ở các miền quê đổ về. Có những thành phần, ban đầu họ làm theo mùa vụ lúc nông nhàn, sau đó cảnh cơ hàn gặp nhau họ nên vợ, nên chồng rồi sinh con đẻ cái rồi thành cư dân của vùng Mỏ lúc nào không hay. Đấy là chuyện trước ngày giải phóng khu Mỏ. Chuyện làm than theo mùa vụ lặp lại một lần nữa khi nền kinh tế nước nhà được mở cửa, khi vấn nạn than thổ phỉ lên ngôi. Nhìn chung, văn hóa vùng than – văn hóa thợ mỏ là văn hóa hội tụ, được kết tinh và xây dưng trên cơ sở nguồn gốc ở mọi miền quê mà thành. Vì sao tôi dám nói như vậy. Đất nước ta trải qua hai cuộc chiến tranh, nhất là thời gian chống Mỹ, thanh niên, nhân sỹ, trí thức ở các tỉnh miền Nam tập kết ra Bắc rất nhiều, không ít người đã thành thợ mỏ, họ đã cống hiến công sức và trí tuệ, góp sức không nhỏ để làm nên diện mạo văn hóa – vật chất một vùng đất. Hồi năm 1998, tôi có tới cái dải đất cuối cùng của tổ quốc ở Cà Mau, ở đây tôi có gặp một phụ nữ cao tuổi, vợ chồng bà từng là thợ mỏ Mạo Khê, sau miền Nam giải phóng, bà đã đưa các con theo chồng về quê chồng sinh sống. Trong câu chuyện, bà kể với tôi, có cả chiếc bánh nắp hầm bồi dưỡng ăn giữa ca của người thợ mỏ, vợ chồng bà đã đem về lót tay cho con mỗi chiều tan ca. Văn hóa thợ mỏ được kiến tạo trên cơ sở “Cần lao” nên họ dễ cảm thông và chia sẻ với nhau hơn bất kì cư dân ở một miền quê nào khác. Họ ồn ào, thậm chí là xô bồ, ăn to, nói lớn nhưng họ lại rất bao dung và rộng lượng với nhau, với tình làng nghĩa xóm, sẵn sàng chia sẻ cay đắng, ngọt bùi, lá lành đùm lá rách, lá rách ít đùm bóc lá rách nhiều. Chính hai từ “Cần lao” đã tạo thành sức mạnh “Kỷ luật – Đồng tâm” của họ trong cuộc bãi công lịch sử tháng 11/1936, làm nên một ban mai của riêng họ. Và nếu không sống, không từng trải ở miền đất này, khó có thể định danh được tên gọi ấy. Điều này, tôi đã khẳng định trong trường ca "Cuối trời mây trắng":
Người đến đây, đến từ tứ xứ
Hầm mỏ - moong sâu
tình yêu cháy khát
bụi than nồng hoen trong phổi
để thương nhau
Tôi nghĩ, viết bất kì cái gì, người sáng tạo cần thiết bậc nhất phải bám được vào tầm văn hóa của nó. Nếu thiếu tầm văn hóa thì không sinh non cũng chết yểu. Tôi trân trọng và cảm ơn hòn than và những người thợ mỏ đã cho tôi cái tầm văn hóa của họ, đấy là hồn cốt của nghệ thuật sáng tạo. Nó là tâm trạng của con người bằng xương, bằng thịt… người đọc có thể cảm nhận được bằng mắt, bằng tai và rung động của trái tim - đó là nỗi lo toan, yêu thương, nhung nhớ, chờ đợi và cả giận hờn chứ không chỉ là tiếng lục cục, lào cào của sỏi đá, của sắt thép bê tông và những tiếng động cơ gầm rú khô cứng đến tẻ ngắt:
Cũng chông chênh bão sớm trưa mặt người
Cũng trong đục cũng khóc cười
Cũng yêu ghét cũng chơi vơi với trời
Cũng thương nhớ cũng xa xôi
Cũng chờ cũng đợi đứng ngồi với than
Mùa than sậm cả gió ngàn
Còn trông sóng cả biển gần sông xa
Chung chiêng lối gió trăng tà
Gom câu lục bát để mà yêu nhau
Tôi là tác giả thơ nhưng cũng duyên nợ với văn xuôi. Những trang viết về người thợ mỏ trong văn xuôi, tôi mới dừng lại ở thể tài truyện ngắn, tôi đã bám được vào sự hình thành, kiến tạo dân cư ở vùng mỏ cũng như sự dũng cảm, đôi khi đến bất chấp cả nguy hiểm của họ trong công việc và ý thức xây dựng một miền đất đã nuôi dưỡng họ từ trong cơ hàn. Chưa có thời gian thử sức với thể tài dài hơi như tiểu thuyết nhưng tôi nghĩ bất kì tác giả nào muốn thành công đều phải hội tụ được ba yếu tố cơ bản: văn hóa – ngôn ngữ và thời đại.
Lý thuyết thì vậy, nhưng trong nghệ thuật sáng tạo, không phải ai cũng đủ can đảm để đi, đón và dám nhận cái duyên, cái phận giống như cái nghiệp như trời đày này. Nhất là văn chương, thơ phú, càng nghe càng mơ hồ. Trước khi được tạo điều kiện để chuyên tâm sáng tác, tôi đã có tới 25 năm lao động trực tiếp trên tầng mỏ. Đây là một hành trình đến với văn chương không dễ dàng gì, công việc thì nặng nhọc, mọi giá trị lao đồng đều quy bằng sản phẩm của sức người, thi ca thường chỉ được xem như trò vui.
Đã có người hỏi tôi là tại sao viết nhiều sự về lam lũ, gian lao ở mỏ? Bởi văn chương của thợ mỏ viết về mỏ giống như người lính viết về chiến tranh mà thôi. Tác phẩm về mỏ mà bạn đọc không cảm nhận được đâu là cái lo toan, lam lũ, gian nan đến bợt bạt mặt người của người thợ sản xuất than thì chẳng khác gì tác phẩm của người lính viết về chiến tranh không thấy sự tàn khốc của trận mạc. Tôi đến với văn chương trước tiên là do nhu cầu giải tỏa tâm trạng. Là hình thức trải lòng mình và đồng đội trên từng trang viết. Mong sao bạn đọc cùng cộng đồng thấu hiểu để chia sẻ gánh nặng, trách nhiệm và đánh giá đúng hơn về giá trị vật chất lẫn tinh thần của người thợ mỏ.
Vùng Than là tình yêu của tôi!Nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm
Người ta bảo chúng tôi làm quản lý thì viết nhạc làm sao? Nó như 2 mảng đối lập. Nhưng thực tế, với chúng tôi, sự gắn bó với than gần 40 năm đó chính là nguồn chất liệu quý giá, cảm hứng để chúng tôi cho ra đời những tác phẩm được công chúng ghi nhận. Ví như việc kỷ niệm đón chào tấn than thứ một triệu của Than Hòn Gai với dòng cảm xúc tuôn trào, tôi lúc đó đang là Giám đốc viết ngay tại chỗ ca khúc “Tuổi trẻ Than Hòn Gai”. Đến nay, những lời ca ấy vẫn vang mãi trên công trường Than Hòn Gai mỗi dịp hội diễn, kỷ niệm Công ty.
Có lần sau khi đi lò, tôi thấy anh em Than Hòn Gai ra nhọ nhem, không thể nhận ra nhau. Lên đến mặt đất, chân tay mặt mũi phủ đen bởi bụi than. Mồ hôi nhễ nhại ướt áo. Những tưởng cái lam lũ, mệt nhọc ấy đã nhấn chìm tinh thần nghệ thuật của những người thợ. Nhưng thật bất ngờ. Ngay tối hôm ấy, họ - những anh thợ, chị thợ bết bát mồ hôi lúc sáng đã biến thành những vũ công điêu luyện tập trên sàn nhảy. Người ta trở nên say sưa, có khiếu không kém những nghệ sỹ chuyên nghiệp. Không ai nghĩ rằng sau công việc vất vả là thế mà họ còn có thể nhảy múa điêu luyện đến vậy. Nét sinh hoạt văn hóa đó đã gây ấn tượng cho tôi viết nên ca khúc được lớp lớp thợ mỏ yêu thích: “Cha cha cha thợ mỏ”.
Làm than tôi thấy rằng, đời sống tinh thần vốn đã quan trọng với con người. Nhưng với thợ mỏ, nó lại càng cần thiết hơn nữa. Dòng than và tiếng hát, hai niềm hạnh phúc song hành ấy đã được dung hòa và tuôn chảy trong trái tim tôi. Vào những năm 2000 ngành Than rất khó khăn, tình hình hoạt động của Công ty Than Hòn Gai lúc đó có thể ví như là “khúc bi mang điệu thức thứ”. Chúng tôi luôn trăn trở rằng phải làm gì để Than Hòn Gai có bước phát triển nhảy vọt giống như “khúc biến tấu mang điệu thức trưởng”. Nghệ thuật và kinh tế là hai việc khác nhau thậm chí là trái ngược nhau nhưng phải làm thế nào để dung hòa được cả hai. May thay tạo hóa đã tặng cho tôi cả hai. Hai niềm đam mê ấy luôn cháy bỏng trong trái tim tôi. Bởi vậy tôi may mắn được hưởng cả hai niềm hạnh phúc: Với âm nhạc và với than. Và tất nhiên, tôi không thể làm gì khác ngoài việc chung tình với cả hai.
Nhạc sĩ Lê Nguyên Thêm bút danh Lê Thêm sinh năm 1949 tại Hạ Long. Năm 1972, ông tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất, lên đường nhập ngũ chiến đấu ở mặt trận Bình - Trị - Thiên. Giữa chiến trường, ông ra mắt những tác phẩm âm nhạc đầu tay như: Ca khúc “Cây dương khô”, đạt giải A, bản hòa tấu “Tiếng hò Cửa Việt” và “Xe pháo hành quân” đạt giải B toàn quân. Năm 1975, Lê Nguyên Thêm xuất ngũ, về vùng than làm thợ. Ông phấn đấu lên Phó phòng, Trưởng phòng Kế hoạch, Giám đốc Xí nghiệp Than Cao Thắng, Phó Giám đốc Công ty Than Hà Lầm rồi Giám đốc Công ty Than Hòn Gai. Làm than nhưng Lê Nguyên Thêm vẫn có thú vui sáng tác âm nhạc như hồi cầm súng. Ông có nhiều ca khúc đáng chú ý như: “Khi anh bay qua vùng Than”, “Nỗi nhớ dòng sông”, “Tự nhủ”, “Khúc ngẫu hứng người thợ lò” v.v. Nhiều tác phẩm của ông đạt giải cao trong Hội diễn văn nghệ quần chúng người lao động toàn quốc, ngành Than và giải thưởng Văn nghệ Hạ Long như các tác phẩm: “Cây đàn Hạ Long”, “Tuổi trẻ ra khơi”, “Thu sang”, v.v. Ông là Hội viên Hội VHNT tỉnh Quảng Ninh; Hội viên Hội Nhạc sĩ Việt Nam; được UBND tỉnh trao tặng danh hiệu Nghệ sĩ Vùng mỏ năm 2005. Ông được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba.
Tôi có nhiều duyên nợ với đề tài thợ mỏ.Nghệ sĩ nhiếp ảnh Dương Phượng Đại
Tôi đến với nhiếp ảnh năm 1999. Thời kỳ đó, lương thợ lò của tôi không đủ nuôi 3 cái “tàu há mồm” ăn theo. Anh trai tôi bày cách cho tôi sắm máy ảnh và tập viết báo để kiếm thêm. Tôi còn nhớ như in tấm ảnh đầu tiên được đăng trên báo Quảng Ninh chụp cảnh công nhân Xí nghiệp Xây lắp mỏ Cẩm Phả đang nạo vét suối Tây Khe Sim… Hồi ấy tôi nào đã biết mô tê gì về chụp ảnh, thế mà đùng một cái tôi dồn cả mấy tháng lương thợ lò ky cóp mới mua nổi chiếc máy ảnh (máy cơ) hiệu Canon, giá 2,6 triệu đồng. Lần đầu tiên có một chiếc máy ảnh, tôi hồi hộp và ngượng ngập như một chàng trai mới lần đầu ôm hôn một cô gái đẹp vậy!
Với thợ mỏ và ngành Than, tôi có rất nhiều duyên nợ. 19 năm chui lò, tôi đã hiểu sự gian lao vất vả của thợ mỏ. Vì thế mà tôi có rất nhiều ảnh về hầm lò được đăng tải trên các báo. Giờ đã về hưu rồi, nhưng nhớ nghề tôi vẫn đi ca ba với thợ lò, vẫn lên tầng than khi nắng sớm và buổi hoàng hôn, vẫn chụp những cô thợ trên băng tải than chỉ cười duyên bằng mắt…
Mỗi khi trời hửng nắng sau những cơn mưa dài ngày, tôi lại lỉnh kỉnh chân máy, túi tắm lên khai trường săn ảnh. Gần tan tầm, nắng thu vàng sóng sánh như giót mật buổi chiều hôm. Vùng mỏ thật là đẹp, một bên là thành phố biển bên bờ Vịnh Bái Tử Long hùng vĩ, còn một bên nhìn xuống lòng moong rộng lớn, giống như một cái thúng khổng lồ sâu thăm thẳm. Từng đoàn xe chở than, máy xúc, máy khoan, máy gạt cứ dập dìu, cần mẫn trên đường tầng uốn lượn, quanh co như được người họa sĩ tạo nên nét vẽ mềm mại, uyển chuyển. Và tôi lại tha hồ căn nét, thả hồn, trào dâng cảm xúc rung động theo từng khoảnh khắc.
Chuyện đi mỏ sáng tác ảnh nghệ thuật bây giờ không phải trò đùa. Việc đi lại nhất là xuống hầm lò, ngoài thực hiện các biện pháp an toàn – vệ sinh lao động rất nghiêm ngặt, còn phải có sự hỗ trợ đắc lực của thợ lò. Ngay cả đi trong khai trường mỏ lộ thiên cũng phải thành thạo, nếu không dễ xảy ra tai nạn bất ngờ như lở tầng, vấp ngã, hay sụt lún và tai nạn giao thông cũng rất có thể…
Xuống hầm lò các Công ty Than Dương Huy, Mông Dương, Khe Chàm, Núi Béo, Than Hòn Gai… hình như thợ lò nhẵn mặt tôi và họ luôn gần gũi thân thiện tạo điều kiện rất thuận lợi cho tôi bấm máy. Mỗi lần đi sáng tác dưới hầm lò, chúng tôi lại được chứng kiến không khí lao động của thợ lò tuy vất vả, mồ hôi thấm đẫm trên lưng áo, gương mặt đen nhẻm nhưng nụ cười thì tươi nở như tỏa sáng, lấp loáng ánh đèn lò thêm rạo rực. Và tôi lại trào dâng bao cảm xúc để cố gắng săn lùng những khoảnh khắc chân thực trong lao động của người thợ.
Kể từ khi dấn thân vào nghiệp sáng tác nghệ thuật, ảnh của tôi sáng tác về Vùng mỏ, thợ mỏ nhất là thợ lò luôn được trưng bày hay đạt giải thưởng tại nhiều cuộc triển lãm hay được đăng tải trên nhiều tờ báo và tạp chí. Với tôi, sáng tác ảnh nghệ thuật đề tài về Vùng mỏ, thợ mỏ, luôn là niềm đam mê cháy bỏng, dường như đã ngấm sâu vào máu thịt. Mỗi tác phẩm được đăng tải trên báo chí, được công bố triển lãm hay đạt giải thưởng, không chỉ là niềm vui, niềm tự hào cho thành quả lao động nghệ thuật mà coi đấy là những món quà tri ân với Vùng mỏ, thợ mỏ, nơi tôi cất giấu và nuôi nấng bao niềm tin và hy vọng trên hành trình làm nghệ thuật.
Thực hiện: Phan Hằng - Phạm Học
Kỹ thuật đồ họa: Đỗ Quang