4
18
/
1100295
Máu thịt của Quảng Ninh
longform
Máu thịt của Quảng Ninh

V

ăn hóa Quảng Ninh là gì? Câu trả lời ngay lập tức được bật ra, đó là văn hoá công nhân mỏ gắn bó chặt chẽ, cùng song hành tồn tại với văn hóa biển tạo nên đặc trưng văn hoá, con người Quảng Ninh – “Kỷ luật và đồng tâm”. Ở vùng đất vàng đen của Tổ quốc, có một mối quan hệ gắn bó máu thịt với nhau giữa ngành kinh tế và hệ thống chính trị, là “Than với Quảng Ninh, Quảng Ninh với Than”. Lớp lớp thế hệ những người thợ mỏ là máu thịt của nhân dân Quảng Ninh!

T

rải qua thăng trầm của lịch sử, vùng đất Bộ Lục Hải, Hải Đông, An Bang, Quảng Yên, Hải Ninh xưa và Quảng Ninh ngày nay đã chứng kiến những chiến thắng oai hùng của dân tộc ta đi vào sử sách như những mốc son chói lọi, lưu danh muôn thuở. Đó là, Bạch Đằng Giang lịch sử đã 3 lần quân và dân Đại Việt nhấn chìm mộng xâm lăng vào các năm 938, 981 mà đỉnh cao là trận đại thắng quân xâm lược Nguyên Mông, đế quốc được coi là bất khả chiến bại, của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn năm 1288 đã đúc lên một chân lý “lấy ít địch nhiều, lấy yếu thắng mạnh” trong nghệ thuật quân sự Việt Nam.


Đặc biệt trên chặng đường vinh quang của Đảng Cộng sản Việt Nam thấy rằng, ngay từ khi phong trào cách mạng mới bắt đầu hình thành, vùng mỏ Quảng Ninh đã trở thành cái nôi của giai cấp công nhân Việt Nam, trở thành trường rèn luyện cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và giác ngộ ý thức giai cấp cho giai cấp công nhân Việt Nam - một giai cấp duy nhất trong thời đại mới có thể tập hợp được lực lượng của toàn thể dân tộc, có thể phát huy được truyền thống bất khuất hàng ngàn năm của cha ông, đứng lên đấu tranh chống đế quốc, phát xít xâm lược và đủ loại tay chân của chúng cho đến thắng lợi cuối cùng.


Đó là dấu ấn của cuộc Tổng bãi công long trời lở đất của hơn 3 vạn thợ mỏ vùng Hòn Gai, Cẩm Phả, Đông Triều tháng 11/1936, giành thắng lợi vẻ vang đã trở thành một trong những sự kiện lịch sử tiêu biểu nhất của phong trào cách mạng Việt Nam nói chung, của giai cấp công nhân Việt Nam nói riêng trong thời kỳ đấu tranh đòi quyền dân sinh dân chủ (1936 - 1939) làm tỏa sáng tinh thần “Kỷ luật và Đồng tâm”.


Quang cảnh và những hoạt động diễn ra trong cuộc mít tinh mừng Vùng mỏ được giải phóng tổ chức tại Hòn Gai. (Ảnh tư liệu của Bảo tàng Quảng Ninh)

Trong chặng đường đấu tranh cách mạng của Đảng ta, vùng mỏ Quảng Ninh là trường học thực tiễn, tôi luyện ý chí kiên cường của các chiến sỹ cộng sản. Những người con ưu tú của cách mạng như cố Tổng Bí thư Nguyễn Văn Cừ, chiến sỹ cách mạng Đào Phúc Lộc, Vũ Văn Hiếu, Đặng Châu Tuệ… những người khai sinh, phát triển phong trào vô sản, phong trào cách mạng ở Vùng mỏ trở thành những biểu tượng “sống vì Đảng, chết cũng không rời Đảng”, là ngọn lửa cách mạng soi rọi trong lòng cán bộ, đảng viên, nhân dân các dân tộc vùng Mỏ Quảng Ninh.


Truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” đã cùng với giai cấp công nhân mỏ, với nhân dân tỉnh Quảng Ninh đi suốt chiều dài lịch sử từ phong trào đấu tranh cách mạng giành độc lập rồi đến công cuộc đổi mới xây dựng đất nước. Truyền thống đó đã trở thành sức mạnh vật chất làm nên những thắng lợi vẻ vang của tỉnh Quảng Ninh. Như trong cuộc kháng chiến chống Pháp xâm lược lần thứ hai, truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” một lần nữa được khơi dậy phát huy để có đóng góp tích cực vào nhiệm vụ bảo vệ nhà máy, hầm lò, xí nghiệp, bảo vệ quê hương đất nước. Đặc biệt cuộc đấu tranh bền bỉ và anh dũng chống thực dân Pháp của quân và dân Quảng Ninh để giải phóng khu mỏ ngày 25/4/1955.

Chủ tịch Hồ Chí Minh

Bước vào giai đoạn chống chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, Quảng Ninh là một trong những địa phương đầu tiên của miền Bắc, bị giặc Mỹ đánh phá đầu tiên (ngày 5/8/1964), các cơ sở sản xuất của ngành Than Quảng Ninh là trọng điểm bắn phá hủy diệt của quân thù. Không chỉ kiên cường trong chiến đấu, công nhân, nông dân cùng các tầng lớp lao động trong tỉnh vẫn giữ vững nhịp độ sản xuất, đẩy mạnh các phong trào thi đua lao động học làm theo lời dạy của Bác “Ngành sản xuất than cũng như quân đội đánh giặc”. Trong năm 1964, Quảng Ninh hoàn thành vượt mức khai thác 1 triệu tấn than đề ra, đưa tỉnh trở thành đầu tàu trong ngành công nghiệp khai thác than của cả nước.


Có thể thấy sức mạnh truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” trở thành phương châm hành động thời chiến vừa sản xuất, vừa chiến đấu, phục vụ chiến đấu đã giành được thắng lợi ở hầu hết các công trường, xưởng máy, hầm lò, tầng than. Hàng nghìn công nhân thợ mỏ đã có mặt nơi tuyến đầu tham gia chiến đấu và phục vụ sản xuất. Công nhân ngành Than, nhân dân tỉnh Quảng Ninh đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ để khai thác hàng triệu tấn than làm giàu cho Tổ quốc.


Lớn lên cùng những mùa than rồi trở thành công nhân mỏ với nữ công nhân Trần Thị Cậy (83 tuổi) Tổ trưởng sản xuất máng ngoài - Phân xưởng Tuyển than 1, Xí nghiệp Bến Cửa Ông (nay là Công ty Tuyển than Cửa Ông - TKV), người vinh dự cùng đoàn đại biểu công nhân cán bộ ngành Than được gặp Bác Hồ tại Phủ Chủ tịch năm 1968 xúc động nhớ lại: Làm theo lời Bác “Người người thi đua, ngành ngành thi đua”, với các chiến dịch sản xuất than: “Điện Biên Phủ”, “Đắc Tô”, “Vì Miền Nam ruột thịt”... chúng tôi đã đoàn kết, khắc phục khó khăn, thi đua lao động sản xuất để Xí nghiệp hoàn thành kế hoạch 5 năm lần thứ nhất (1960 - 1964) và được Bác Hồ gửi thư khen đồng thời được ghi tên trên Cờ thưởng luân lưu của Bác.


Bà Trần Thị Cậy (83 tuổi) Tổ trưởng sản xuất máng ngoài - Phân xưởng Tuyển than 1, Xí nghiệp Bến Cửa Ông

“Thời đó, chúng tôi làm công nhân nhà sàng vất vả lắm, trang thiết bị còn thô sơ. Thế nhưng với truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” mọi người đã đoàn kết cùng nhau sản xuất ra nhiều tấn than phục vụ tổ quốc. Tuy đã nghỉ hưu, nhưng tôi vẫn luôn dõi theo các hoạt động, thông tin về ngành Than. Mỗi lần nhắc đến truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” tôi coi đó là 4 chữ thiêng liêng, tự hào, bất hủ của công nhân vùng Mỏ. Truyền thống đó, khẩu hiệu đó đã, đang nhắc nhở các thế hệ vùng Mỏ viết tiếp những trang sử hào hùng mà lớp lớp cha ông phải hy sinh cả xương máu giành độc lập vùng Mỏ. Các thế hệ thợ mỏ cần coi truyền thống “Kỷ luật và Đồng tâm” là biểu tượng sức mạnh đoàn kết, tinh thần “thép”, tiếp tục hăng hái thi đua xây dựng ngành Than phát triển bền vững, vùng Mỏ ngày càng giàu đẹp hơn”- bà Cậy nói.


Trong các giai đoạn (1987-1989, 1997-1999, 2009-2003, 2017-2019) ngành Than liên tục rơi vào tình trạng khó khăn, sản xuất bị đình trệ, sản lượng than tồn kho cao, hàng trăm thợ mỏ bị mất việc, giảm giờ làm… Thế nhưng minh chứng cho thấy dù gặp bất cứ thách thức nào khẩu hiệu “Kỷ luật và đồng tâm, chúng ta nhất định thắng!” lại được phát huy đúng chỗ. Hàng vạn công nhân cùng lãnh đạo ngành Than đã chủ động đối mặt với khó khăn, tháo gỡ dần từng nút thắt, tìm ra được giải pháp hợp lý trong điều hành sản xuất, kinh doanh, khắc phục khó khăn nhanh chóng ổn định sản xuất than phục vụ Tổ quốc.


Tròn 85 năm cuộc Tổng bãi công của công nhân vùng Mỏ đã đi qua cũng từ đó năm truyền thống công nhân vùng Mỏ - truyền thống ngành Than đã làm nên những thành tích vẻ vang trong cuộc đấu tranh giành độc lập, xây dựng đất nước. Ngày nay, truyền thống đó vẫn vẹn nguyên giá trị, thể hiện qua những thành tích vượt bậc của ngành Than.

T

hực hiện lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh “xây dựng ngành Than trở thành ngành kinh tế gương mẫu cho các ngành kinh tế khác và tỉnh Quảng Ninh trở thành một tỉnh giàu đẹp”, Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang, công nhân lao động và nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh đã luôn đoàn kết, thống nhất, phát huy truyền thống yêu nước cách mạng; không ngừng chăm lo xây dựng, chỉnh đốn Đảng, chính quyền. Vượt lên muôn vàn khó khăn, thử thách, triển khai thực hiện nghiêm túc, sáng tạo các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Đưa Quảng Ninh từ một địa phương nằm trong tình trạng yếu kém phải dựa vào sự hỗ trợ của Trung ương vươn lên trở thành một trong những địa phương đi đầu trên nhiều lĩnh vực, một trong những cực tăng trưởng phía Bắc, động lực phát triển của vùng đồng bằng sông Hồng, một trong các trụ cột quan trọng của tam giác phát triển Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh.


Công nhân Công ty Than Khe Chàm sửa chữa thiết bị, dây chuyền trong lò chợ cơ giới hoá.

Mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa tỉnh Quảng Ninh và ngành Than được thể hiện toàn diện trên tất cả các mặt, phát triển kinh tế - xã hội, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự, xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Đóng góp của ngành Than vẫn giữ vị trí, vai trò rất quan trọng trong tăng trưởng chung của tỉnh Quảng Ninh, tạo việc làm thường xuyên cho trên 8 vạn lao động, tác động trực tiếp đến gần 1/4 dân số và gắn bó sâu sắc đến mọi mặt đời sống xã hội của tỉnh.


Với sự nỗ lực không ngừng của cán bộ, công nhân ngành Than và nhân dân vùng Mỏ, phát huy truyền thống “kỷ luật và đồng tâm”, đổi mới, sáng tạo, áp dụng thành công nhiều kỹ thuật, công nghệ tiên tiến, ngành Than đã luôn khẳng định vị trí chiến lược trong phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tổng sản lượng than nguyên khai sản xuất giai đoạn 2016 - 2020 ước đạt 188 triệu tấn, than thương phẩm đạt 186 triệu tấn. Nộp ngân sách trên địa bàn tỉnh đạt trên 69.000 tỷ đồng, chiếm hơn 40% ngân sách thu nội địa của tỉnh; tổng vốn đầu tư của ngành than ước đạt 76,7 ngàn tỷ đồng; đời sống vật chất, tinh thần của cán bộ, đảng viên, công nhân và người lao động ngày càng được nâng lên; thu nhập bình quân người lao động đạt 11,8 triệu đồng/người/tháng, tăng bình quân 6,5%/năm.


Đặc biệt, trước diễn biến phức tạp, khó lường chưa từng có của đại dịch COVID-19, ngành Than đã phát huy tốt vai trò tiên phong trong thực hiện "mục tiêu kép", vừa làm tốt công tác phòng chống dịch, đảm bảo tuyệt đối an toàn sức khỏe cho công nhân; vừa đảm bảo mục tiêu phát triển sản xuất, kinh doanh, đóng góp quan trọng cho sự phát triển chung của tỉnh và của đất nước, được Thủ tướng Chính phủ ghi nhận, đánh giá cao.

Công nhân Công ty Than Hạ Long quét mã QR trước ca làm việc.

Ông Đặng Thanh Hải, Tổng Giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam khẳng định, hòa mình trong dòng chảy của lịch sử vùng Mỏ, lớp lớp thế hệ thợ mỏ đã lao động, chiến đấu, sản xuất bảo vệ vùng mỏ, xây dựng ngành Than, xây dựng tỉnh Quảng Ninh giàu đẹp. Mỗi tấn than được sản xuất ra sẽ góp phần rất quan trọng vào sự tăng trưởng, ổn định phát triển của tỉnh Quảng Ninh. 85 năm qua, từ cuộc Tổng bãi công long trời lở đất 1936 của hơn 3 vạn thợ mỏ đến nay truyền thống “kỷ luật và đồng tâm” là mạch nguồn chảy mãi để cán bộ, công nhân lao động ngành Than hôm nay tự hào hòa mình vào nhịp đập vùng Than, nhịp đập Quảng Ninh!


Cố Thủ tướng Phạm Văn Đồng đã từng ví Quảng Ninh giống như “Một Việt Nam thu nhỏ”, đó không chỉ là vị trí địa chiến lược đặc biệt quan trọng cả về chính trị, kinh tế, quốc phòng, an ninh và đối ngoại mà đó chính là truyền thống cách mạng, là tinh thần “kỷ luật và đồng tâm” của vùng mỏ anh hùng, bất khuất. Trong chiến tranh những người thợ mỏ là những chiến sỹ sản xuất than phục vụ cho công cuộc tái thiết miền Bắc XHCN, trong thời kỳ đổi mới ngành Than là ngành kinh tế chủ lực đóng góp cho sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh. Trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh Covid-19 suốt 2 năm qua, người thợ mỏ - người chiến sỹ là lực lượng tuyến đầu vừa chống dịch vừa sản xuất góp phần quan trọng giữ đà tăng trưởng ổn định của tỉnh Quảng Ninh, giữ ổn định đời sống xã hội trên địa bàn.

“Sức mạnh nội sinh để tỉnh Quảng Ninh ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại, đó chính là truyền thống “Kỷ luật và đồng tâm” của người thợ mỏ để hun đúc tạo nên nét văn hóa của Quảng Ninh, máu thịt của miền Mỏ bất khuất! Chúng ta tự hào vững bước vượt qua mọi khó khăn, thử thách từ truyền thống quý báu của vùng than. Tự hào về truyền thống cách mạng của vùng mỏ anh hùng, Đảng bộ, chính quyền, nhân dân các dân tộc tỉnh Quảng Ninh càng ý thức hơn về trách nhiệm to lớn trước yêu cầu, nhiệm vụ trong giai đoạn mới, trước mong muốn, đòi hỏi của nhân dân và trách nhiệm của địa phương đối với sự phát triển của đất nước. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Đảng bộ, chính quyền, quân và dân Quảng Ninh quyết tâm nêu cao tinh thần, phát huy cao độ truyền thống yêu nước và cách mạng, đoàn kết, trách nhiệm, nỗ lực phấn đấu vượt qua mọi khó khăn, thử thách, để xây dựng đất nước ngày càng hưng thịnh, xây dựng vùng đất địa đầu Đông Bắc của Tổ quốc ngày càng giàu đẹp như mong muốn của Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại”. – Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Nguyễn Xuân Ký khẳng định.


Thực hiện: Ngọc Lan - Phạm Tăng
Kỹ thuật đồ họa: Tất Đạt


   
"Tiếng than rơi là nhịp đập trái tim tôi"
85 năm qua, truyền thống "Kỷ luật và đồng tâm" đã được lớp lớp thợ mỏ tiếp tục phát huy, kết hợp sức mạnh thời đại để vượt qua mọi khó khăn, đưa ngành than phát triển mạnh mẽ, đóng góp quan trọng vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
   
Người thợ mỏ -Người chiến sĩ
Từ những chiến sĩ Binh đoàn Than năm xưa, đến những người thợ mỏ ngày nay, dù ở tầng than cao hay dưới đường lò sâu, ở mặt trận nào, họ đều mang “tinh thần thép” của người thợ mỏ - người chiến sĩ, luôn đoàn kết, kiên trung, tràn đầy tình đồng đội, tình yêu Tổ quốc  
   
Khi chúng tôi vào lò...
Mỗi thợ mỏ khi vào ca, họ trở thành những chiến sĩ thực thụ trong hầm lò, gánh vác trọng trách lớn mà Tổ quốc giao phó, đó là không ngừng lao động, sản xuất để đánh thức nguồn tài nguyên đang “ngủ sâu” dưới lòng đất, biến than thành “vàng đen” phục vụ cho công cuộc phát triển.  
   
Mạch nguồn sáng tác không vơi cạn…
Người thợ mỏ đã đi vào thơ, ca, nhạc, hoạ… từ chính cuộc sống cần lao của mình, từ sự thăng hoa về cảm xúc của các văn nghệ sĩ, mà trong số đó không ít người vốn sống với than và đi lên từ than…   
   
Nơi dấu chân cha in những đường lò
Ở Quảng Ninh, nghề thợ mỏ vẫn được nói vui là nghề ''cha truyền con nối''. Và dẫu vẫn biết đây là nghề còn nhiều lắm những nhọc nhằn, gian nan nhưng con vẫn theo bước cha để lên tầng cao và xuống dưới hầm sâu, khơi thông dòng suối than cho Tổ quốc đẹp giàu…