“Ba lần tiễn con đi, hai lần khóc thầm lặng lẽ... Các anh không về... mình Mẹ lặng im”... Những ca từ xúc động ấy như những giọt nước mắt lặng lẽ rơi, khắc họa nỗi đau sâu thẳm và sự hy sinh vô bờ bến của các Mẹ Việt Nam Anh hùng. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những mất mát, những hy sinh thầm lặng và vĩ đại của các Mẹ cho đất nước mãi mãi được khắc ghi trong lịch sử, trở thành huyền thoại bất diệt. Vượt lên trên nỗi đau, các mẹ vẫn tiếp tục sống kiên cường, vững chãi giữa cuộc đời, giữ “ngọn lửa” yêu nước nồng nàn để tiếp tục đóng góp, cống hiến cho sự phát triển của quê hương, đất nước như một biểu tượng vĩnh hằng của sức mạnh dân tộc Việt Nam.

Sự hy sinh cao cả của các Mẹ Việt Nam Anh hùng không chỉ là câu chuyện của cá nhân mà còn là những mảnh ghép xúc động trong trang sử hào hùng của cả dân tộc. Dù tuổi cao, có chuyện nhớ, chuyện quên, nhưng những ký ức về chồng, con, về cách mạng vẫn in sâu trong tâm trí các mẹ. 

Mẹ Hoàng Thị Nghi năm nay tròn 100 tuổi, là người dân tộc Tày, quê ở huyện Đình Lập (tỉnh Quảng Ninh nay thuộc tỉnh Lạng Sơn). Mẹ có chồng và con trai là liệt sĩ đã hy sinh trong kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Chồng mẹ là liệt sĩ Nông Quang Minh, tham gia kháng chiến chống Pháp từ năm 1945, giữ chức Tiểu đội phó. Ông hy sinh tháng 8/1952 trong một đợt quân ta tấn công tiêu diệt địch tại Lạng Sơn. Chồng hy sinh, nén đau thương, một mình mẹ vừa tham gia cách mạng tại địa phương vừa nuôi 3 con nhỏ.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Nghi vẫn xúc động khi nhìn những tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng và con trai.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Nghi vẫn xúc động khi nhìn những tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng và con trai.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Nghi vẫn xúc động khi nhìn những tấm bằng Tổ quốc ghi công của chồng và con trai.

Nỗi đau của mẹ chẳng thể đong đếm, hơn 20 năm sau ngày chồng mất thì năm 1974 mẹ lại hay tin con trai thứ hai Nông Viết Tinh (SN 1952) đã hy sinh anh dũng tại mặt trận phía Nam. Năm 1972, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng thanh niên Nông Viết Tinh lên đường nhập ngũ, tạm biệt mẹ, anh em, quê hương để vào chiến trường. Nhắc đến người con trai hy sinh khi mới ngoài đôi mươi, đôi mắt mờ nhòe của mẹ vẫn ánh lên nỗi đau sâu thẳm: “Những lá thư từ tiền tuyến Tinh gửi về đều là lời động viên mẹ giữ gìn sức khỏe, dặn dò các em chăm ngoan và hứa hẹn ngày chiến thắng trở về. Nhưng một ngày tháng 10/1974, giấy báo tử gửi về, Tinh đã hy sinh trong một trận đánh ác liệt. Cứ mỗi lần nhìn thấy bộ quân phục, kỷ vật của con mà đồng đội gửi về tôi lại không cầm được nước mắt”.

Vì cuộc sống mưu sinh, tháng 5/1991, nghe theo tiếng gọi của Đảng, mẹ đã xung phong đi xây dựng vùng kinh tế mới tại phường Thanh Sơn, TX Uông Bí (nay là TP Uông Bí). Từ khi về Uông Bí sinh sống, mẹ cùng các con, cháu luôn gương mẫu thực hiện đầy đủ mọi chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Hằng năm gia đình đều đạt danh hiệu “Gia đình cách mạng gương mẫu”. Ngày 12/3/2014, mẹ Hoàng Thị Nghi vinh dự được Chủ tịch nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam phong tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Nghi.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Nghi.

Cũng ở tuổi bách niên, Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lại (phường Hoành Bồ, TP Hạ Long) suốt bao năm qua vẫn sống trong niềm thương nhớ khôn nguôi, tự hào nhưng cũng thấm đẫm xót xa. Hơn 80 năm trước, mẹ nên duyên với chàng trai cùng quê Dương Trọng Ổn (trước là xã Lê Lợi, huyện Hoành Bồ) với biết bao hy vọng về một mái ấm hạnh phúc. Thế nhưng, niềm hạnh phúc ngắn ngủi ấy chẳng kéo dài được bao lâu. Là một cán bộ xã kiên trung, ông Dương Trọng Ổn hăng hái tham gia cách mạng, ngày đêm cống hiến cho kháng chiến. Để rồi, khi vừa tròn 22 tuổi, ông hy sinh, mãi mãi nằm xuống trên mảnh đất quê hương, để lại người vợ tuổi 18 bơ vơ trong cảnh góa bụa với đứa con thơ khi vừa tròn một tuổi.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lại

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lại bên di ảnh người con trai liệt sĩ Phạm Ngọc Ban.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lại bên di ảnh người con trai liệt sĩ Phạm Ngọc Ban.

Cứ thế, bao nỗi đau thương, vất vả chất chồng lên đôi vai gầy của người vợ trẻ. Ba năm sau, mẹ nên duyên cùng người chồng thứ hai - một người đàn ông cũng mang nỗi đau riêng khi gà trống nuôi hai con thơ. Sau này, ông bà có thêm bốn người con chung và liệt sĩ Phạm Ngọc Ban, khi ấy hơn 4 tuổi, là con riêng của chồng trở thành người con trai cả trong gia đình. Mẹ Lại chẳng quản vất vả, tần tảo sớm hôm, chăm bẵm, yêu thương các con như máu mủ ruột rà, vun đắp một mái ấm hạnh phúc.

Dẫu từng trải qua nỗi đau mất chồng vì chiến tranh, nhưng khi con trai trưởng thành, bày tỏ quyết tâm xung phong ra trận, mẹ Lại vẫn nghẹn lòng gật đầu. Sau bốn năm nhập ngũ, liệt sĩ Phạm Ngọc Ban hy sinh anh dũng ở tuổi 23, trong chiến dịch Mậu Thân năm 1968 tại chiến trường Quảng Trị.

Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Hạ Long trao thiếp mừng thọ 100 tuổi của Chủ tịch nước Lương Cường đến Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lại nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Đồng chí Vũ Quyết Tiến, Phó Bí thư Tỉnh ủy, nguyên Bí thư Thành ủy Hạ Long trao thiếp mừng thọ 100 tuổi của Chủ tịch nước Lương Cường đến Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lại nhân dịp tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025.

Mẹ Lại nghẹn ngào nhớ lại: “Ban là người con hiếu thảo, luôn nhường nhịn, chăm sóc các em. Ngày con lên đường, tôi cố dành dụm mua tặng con một chiếc đồng hồ đeo tay làm kỷ niệm. Con còn cười bảo: “Mẹ dành tiền để lo cho các em, con trai ra trận cần gì nhiều đâu”. Tôi vẫn nhất quyết đưa, chỉ mong con có thứ gì đó làm hành trang, nhắc nhở con về gia đình để vượt qua những khó khăn nơi trận mặc. Thế rồi lời hứa sẽ trở về của con chẳng bao giờ thành hiện thực”.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lại ở tuổi xưa nay hiếm.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lại ở tuổi xưa nay hiếm.

Trong ngôi nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phưởng (SN 1936, ở phường Đức Chính, TP Đông Triều), những tấm bằng Tổ quốc ghi công, những huân chương, huy chương kháng chiến của chồng, các con và của chính mẹ là minh chứng cho những hy sinh, đóng góp to lớn của gia đình mẹ cho nền độc lập, tự do của Tổ quốc. Mẹ có chồng là liệt sĩ, hy sinh năm 1953 trong kháng chiến chống Pháp ngay tại quê nhà Đông Triều. Nỗi đau chưa kịp nguôi ngoai, năm 1979, mẹ lại tiễn biệt người con trai của mình, khi anh ngã xuống trong cuộc chiến đấu bảo vệ biên giới phía Bắc của Tổ quốc tại Lạng Sơn.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phưởng

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phưởng.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phưởng.

Sinh ra và lớn lên trong một gia đình có truyền thống cách mạng, từ cha, chú, anh, chị đến chính bản thân mẹ cũng dấn thân cho kháng chiến, mẹ Phưởng thấu hiểu hơn ai hết cái giá của hòa bình. Những mất mát không làm mẹ chùn bước mà càng hun đúc thêm lòng yêu nước, ý chí kiên cường trong mẹ. Sau những đau thương chồng chất, mẹ lựa chọn gắn bó cuộc đời mình với một người đồng chí, cũng là người thương binh mà mẹ đã tận tình chăm sóc khi ông được điều chuyển từ chiến trường Quảng Nam ra Bắc để điều trị vết thương. Đó không chỉ là sự gắn kết của tình yêu, sự đồng cảm của hai tâm hồn cùng chung một lý tưởng mà còn là sự tiếp nối của truyền thống cách mạng trong gia đình.

Và đó cũng chính là câu chuyện đặc biệt của gia đình mẹ Phưởng khi người vợ trước của người chồng sau của mẹ là Liệt sĩ Nguyễn Thị Thời, cùng hai con trai là Liệt sĩ Phạm Sáu và Phạm Bảy, đều đã hy sinh anh dũng trong chiến dịch Mậu Thân 1968 tại chiến trường Quảng Nam. Giờ đây, hai con trai của mẹ Phưởng vẫn tiếp tục thờ cúng Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Thời và hai người anh liệt sĩ, như một sự tri ân và tiếp nối truyền thống hiếu nghĩa của gia đình.

Cuộc đời của mỗi Mẹ Việt Nam Anh hùng mà chúng tôi đã gặp, cũng như bao người Mẹ Việt Nam Anh hùng khác trên khắp dải đất hình chữ S này, đều là những bản hùng ca bi tráng, những câu chuyện thấm đẫm nước mắt, hy sinh và mất mát. Nhưng hơn tất thảy, đó chính là những huyền thoại về lòng kiên trung, về tình yêu thương vô bờ bến, mà thế hệ mai sau luôn khắc ghi, trân trọng và tự hào.

Giữa những năm tháng chiến tranh khốc liệt ròng rã từ kháng chiến chống Pháp đến chống Mỹ, các mẹ đã trải qua những tháng ngày với biết bao gian truân, nghèo đói. Khi hạt thóc, củ khoai còn thiếu thốn, bữa cơm chưa tròn, giấc ngủ chưa yên thì các con của mẹ đã khoác ba lô lên đường. Bao lần tiễn chồng, đưa con đi là ngần ấy lần vời vợi chồng con biền biệt không về. Vẫn biết sự khốc liệt của chiến tranh, ngày đi không biết ngày về, nhưng các mẹ vẫn nuốt nước mắt vào lòng để tiễn con lên đường vào nơi bom đạn. Bởi lớn hơn tình yêu gia đình còn là tình yêu đất nước, nỗi khát khao độc lập tự do cho dân tộc. 

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ninh trao thiệp mừng thọ của Chủ tịch nước cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Nghi tháng 1/2025. Ảnh: Nguyễn Thanh

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trao thiệp mừng thọ của Chủ tịch nước cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Nghi tháng 1/2025. Ảnh: Nguyễn Thanh

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương trao thiệp mừng thọ của Chủ tịch nước cho Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Nghi tháng 1/2025. Ảnh: Nguyễn Thanh

Dù vẫn còn mang nặng những vết thương lòng do chiến tranh gây ra nhưng các mẹ luôn tự hào vì sự hy sinh của gia đình cho độc lập, tự do và sự bình yên của Tổ quốc. Tiếp nối truyền thống tốt đẹp của gia đình, học tập và làm theo gương sáng của mẹ, của cha, anh, những người con còn lại của các mẹ cũng luôn phấn đấu học tập, tích cực lao động, sản xuất để phát triển kinh tế, xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc, không ngừng đóng góp vào sự phát triển của quê hương trong thời bình.

Anh Phạm Triều Nam, con trai của Mẹ Việt Nam Anh hùng Nguyễn Thị Phưởng, chia sẻ: Dù khó khăn, vất vả, thiếu thốn trăm bề song mẹ vẫn luôn là điểm tựa vững vàng, che chở và nuôi dạy anh em tôi trưởng thành. Mẹ không chỉ dành cho chúng tôi tình yêu thương vô bờ bến mà còn dạy chúng tôi lòng tự trọng, ý chí vươn lên, không đầu hàng trước khó khăn, sống sao cho xứng đáng với cha, anh. Chúng tôi luôn nguyện tiếp nối truyền thống gia đình, để không phụ công dưỡng dục và những hy sinh lớn lao của mẹ”.

Chiến tranh đã lùi xa nhưng trong giọng nói, ánh mắt của những Mẹ Việt Nam Anh hùng chúng tôi đã gặp vẫn vẹn nguyên ngọn lửa nhiệt tình cách mạng, vẫn trọn vẹn một niềm tin vào lý tưởng mà mình và chồng con đã chọn, cùng bao kỳ vọng vào tương lai tươi sáng của đất nước. Truyền thống đấu tranh giữ nước, giá trị thiêng liêng của hai từ Độc lập - Tự do, được đánh đổi bằng máu xương của các thế hệ cha anh và sự hy sinh to lớn của các Mẹ Việt Nam Anh hùng luôn là bài học quý giá nhắc nhở các thế hệ hôm nay phát huy, trân trọng và tự hào.

Mẹ Việt Nam Anh hùng Hoàng Thị Lại chia sẻ: Ngày giỗ bố, giỗ anh, gia đình tôi luôn quây quần đông đủ con cháu để cùng thắp nén hương thơm tưởng nhớ người thân song cũng là những chiến sĩ đã hy sinh anh dũng vì độc lập dân tộc. Không chỉ là nghi lễ, đó còn là dịp để con cháu cùng nhau ôn lại những kỷ niệm, lắng nghe những câu chuyện về quá khứ, về những năm tháng chiến tranh gian khổ để hiểu rằng mình đang sống trong một đất nước hòa bình nhờ sự hy sinh của biết bao lớp người đi trước. Tôi muốn các con cháu lớn lên với lòng biết ơn, với trách nhiệm, để sống sao cho xứng đáng với những gì cha ông đã dành trọn đời bảo vệ”.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phưởng (88 tuổi) ở khu Yên Lâm 1, phường Đức Chính. Ảnh: Minh Hà

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phưởng ở phường Đức Chính (TP Đông Triều). Ảnh: Minh Hà

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh và Bí thư Tỉnh ủy Vũ Đại Thắng thăm, tặng quà cho Mẹ Việt Nam anh hùng Nguyễn Thị Phưởng ở phường Đức Chính (TP Đông Triều). Ảnh: Minh Hà

Sau những cuộc chiến tranh gian khổ, Quảng Ninh tự hào có 477 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu cao quý “Bà Mẹ Việt Nam Anh hùng”. Đến nay, chỉ còn 8 mẹ còn sống, nhiều mẹ đã đoàn tụ với chồng và những người con liệt sĩ. Dù các mẹ không còn, nhưng tên tuổi, sự cống hiến và hy sinh vĩ đại của các mẹ vẫn mãi khắc sâu trong lịch sử dân tộc, trở thành ngọn lửa sáng ngời, truyền cảm hứng và lòng tự hào cho thế hệ mai sau. Để tri ân và xoa dịu phần nào những mất mát không gì bù đắp được của các mẹ, ngoài việc thực hiện đầy đủ các chế độ chính sách của Nhà nước, trong những năm qua, các cấp, ngành, tổ chức chính trị - xã hội trong tỉnh đã dành trọn tấm lòng yêu thương, kính trọng để chăm sóc, phụng dưỡng các mẹ bằng những việc làm thiết thực, nghĩa tình. Sự quan tâm ấy không chỉ là trách nhiệm, mà còn là sự tri ân sâu sắc của thế hệ hôm nay đối với những người mẹ vĩ đại của dân tộc với mong muốn để các mẹ có thể sống vui, sống khỏe, chứng kiến sự đổi thay và phát triển không ngừng của đất nước - nơi mà máu, nước mắt và tình yêu của các mẹ đã hòa vào để tạo nên hôm nay.

Thực hiện: NGUYỄN DUNG
Trình bày: ĐỖ QUANG