Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc là một cảnh quan văn hóa dạng chuỗi liên hoàn, tiến triển hữu cơ tại vùng Đông Bắc Việt Nam. Khu di sản chủ yếu là vùng miền núi nhưng cũng trải rộng xuống vùng ven biển, là nơi khai sinh Phật giáo Trúc Lâm độc đáo của Việt Nam, đồng thời là quê hương của họ Trần - dòng họ đã tạo dựng nên một trong những triều đại quân chủ rực rỡ nhất ở Đại Việt vào thế kỷ 13-14. Bằng sự kết hợp nhuần nhuyễn và chặt chẽ giữa tư tưởng tôn giáo và quyền lực nhà nước, các lãnh tụ của Phật giáo Trúc Lâm và các vua Trần đã làm thay đổi đời sống tinh thần, xã hội, kinh tế, chính trị và quân sự của đất nước, tạo nên một quốc gia Đại Việt vững mạnh và có chủ quyền.

Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều là một quần thể di tích gồm 14 điểm di tích trải rộng trên địa bàn 4 xã, phường: An Sinh, Thủy An, Tràng An, Bình Khê. Trong đó có 7 lăng mộ (Tư Phúc lăng, Thái lăng, Mục lăng, Ngải Sơn lăng, Phụ Sơn lăng, Nguyên lăng và Đồng Hỷ lăng); 2 đền, miếu (đền An Sinh, Thái miếu nhà Trần); 5 chùa (chùa Quỳnh Lâm, chùa Trung Tiết, chùa Ngoạ Vân, chùa Hồ Thiên, chùa - quán Ngọc Thanh).

Quần thể di tích này đã tạo ra vùng thánh địa mang đậm yếu tố lịch sử, văn hóa đặc sắc của vương triều nhà Trần. Đền An Sinh và các di tích trong quần thể Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần mang nhiều giá trị văn hóa, lịch sử to lớn, được xếp hạng di tích cấp quốc gia ngay từ đợt đầu năm 1962. Ngày 09/12/2013, Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều đã được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng là di tích quốc gia đặc biệt tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg với diện tích quy hoạch khoảng 2.206 ha.

Chùa Quỳnh Lâm, TX Đông Triều.

Chùa Quỳnh Lâm, TX Đông Triều.

Theo các tài liệu lịch sử đã ghi chép và nghiên cứu của các nhà khoa học những năm gần đây cho thấy, Đông Triều không chỉ là quê gốc, là đất "thang mộc" của nhà Trần mà còn là một trung tâm văn hoá tâm linh tiêu biểu, nơi xây dựng lăng mộ của các vị hoàng đế. Đồng thời còn có hệ thống kiến trúc tôn giáo (am, chùa, tháp) liên quan đến lịch sử của Thiền phái Trúc Lâm do Đức vua - Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập vào đầu thế kỷ XIV. Mỗi di tích nói riêng và quần thể di tích nói chung đều mang trong mình nhiều giá trị lịch sử, văn hoá quan trọng; tạo nên vùng thánh địa mang đậm yếu tố lịch sử, văn hóa của triều Trần, một trong những triều đại phát triển rực rỡ bậc nhất trong lịch sử.

Tiến sĩ Nguyễn Văn Anh (Trường Đại học KHXH&NV, Đại học Quốc gia Hà Nội),  người đã dành nhiều năm nghiên cứu về Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều chia sẻ: Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều là một quần thể gồm hệ thống đền, miếu, lăng tẩm, chùa tháp và phủ đệ được xây dựng và gắn với vương triều Trần, một trong những vương triều có đóng góp đặc biệt cho sự phát triển của lịch sử dân tộc. Giá trị lịch sử, văn hóa đặc sắc của các di tích này đã minh chứng Đông Triều là quê gốc của nhà Trần. Đây là điều đặc biệt quan trọng, bởi lâu nay mọi người thường nghĩ Long Hưng, Tức Mặc (khu vực Thái Bình, Nam Định hiện nay) là quê gốc của nhà Trần. Tuy nhiên không phải như vậy. An Sinh xưa, Đông Triều ngày nay mới là quê gốc của nhà Trần. Việc nhà Trần cho xây dựng hệ thống đền miếu và lăng tẩm tại An Sinh là minh chứng sống động cho điều đó. Bên cạnh đó, Đông Triều cũng chính là trung tâm của Phật giáo Trúc Lâm. Điều này thể hiện rất rõ bởi Đông Triều là nơi tập trung các chùa tháp lớn và đóng vai trò quan trọng của Phật giáo Trúc Lâm. Có thể kể ra một số ngôi chùa tiêu biểu như: Ngọa Vân, nơi Tổ thứ nhất, người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm tu hành, hóa Phật, thánh địa của Phật giáo Trúc Lâm; Hồ Thiên, nơi tu hành của các vị cao tăng; Quỳnh Lâm - tự viện, trung tâm đào tạo tăng tài lớn nhất và quan trọng nhất của Thiền phái Trúc Lâm.

Thái Miếu

Thái Miếu: Thôn Trại Lốc, xã An Sinh, TX Đông Triều, nằm trên đồi Đình có mặt bằng gần giống hình số 8 chạy dài theo hướng Đông Bắc - Tây Nam, bên bờ phải suối Phủ Am Trà, Thái Miếu cách đền An Sinh khoảng 3km, cách Ngải Sơn lăng khoảng 200m về phía Đông, cách Đồng Thái lăng và Đồng Mục lăng khoảng 600m về phía Tây Nam. Nguyên đây là chùa Tư Phúc của họ Trần, vào nửa đầu thế kỷ XIII được An Sinh Vương Trần Liễu xây thành Tiên Miếu để thờ tổ tiên nhà Trần và cụ thân sinh Trần Thừa. Sau đó, bài vị các vua Trần cùng được đưa về đây thờ cúng và Tiên Miếu được đổi thành Thái Miếu. Đây là nơi thờ tổ tiên và các vị vua nhà Trần sau khi băng hà.

Đền là một công trình kiến trúc hình chữ Vương quy mô rất lớn (tới 2,1ha) với hai lớp kiến trúc thời Trần và Nguyễn. Lớp kiến trúc thời Trần được chia làm 3 giai đoạn, trong đó giai đoạn đầu có dấu tích của 20 công trình kiến trúc liên hoàn được chia thành 3 khu Tiền đường, Trung đường và Hậu đường. Các giai đoạn sau cơ bản giữ nguyên kiến trúc chính, chỉ bổ sung thêm một số kiến trúc phụ như hành lang, liên kết phía trong các gian nhà... Các di vật tìm được cũng rất đặc biệt, với các tảng kê chân cột chạm cánh sen, các viên ngói sen và ngói lá kích cỡ lớn và mang phong cách mỹ thuật thời Lý, chậu gốm hoa nâu có trang trí rồng thời Trần, một số đồ gốm men thời Lê Trung Hưng, đồ gốm Trung Quốc thời Nguyên và Thanh.

Thái Miếu còn giữ được bộ sắc phong và thần tích thời Nguyễn (Khải Định, 1924) ghi ngày giỗ của 8 vị hoàng đế nhà Trần và dân làng vẫn tiến hành giỗ lễ hằng năm. Hội đền Thái Miếu được tổ chức vào ngày 18-20 tháng Giêng Âm lịch nhân dịp giỗ tổ Trần Thừa.

Đền An Sinh

Đền An Sinh: Thôn Trại Lốc 1, xã An Sinh, TX Đông Triều, tỉnh Quảng Ninh, tọa lạc trên một đồi đất thấp, khá bằng, đền An Sinh có vị trí rất quan trọng, vừa là cửa ngõ phía Tây Nam, vừa là trung tâm của toàn bộ khu lăng tẩm các vị vua triều Trần. Đền được khởi dựng dưới thời Trần, trùng tu, tôn tạo dưới các thời Lê, Nguyễn, là nơi thờ 8 vị vua nhà Trần có lăng mộ tại An Sinh (Đông Triều) gồm Thái Tông hoàng đế, Thánh Tông hoàng đế, Anh Tông hoàng đế, Minh Tông hoàng đế, Hiến Tông hoàng đế, Dụ Tông hoàng đế, Nghệ Tông hoàng đế, Giản Định đế; thờ Trần Hưng Đạo, Công đồng, Sơn thần, Thổ địa.

Từ năm 2017 đến nay, trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Hà Nội và UBND TX. Đông Triều đã triển khai khảo sát, khai quật khảo cổ học, phát hiện khá đầy đủ dấu tích kiến trúc và vật liệu xây dựng của 25 công trình thời Trần. Mặt bằng tổng thể đền An Sinh thời Trần tương tự như Thái Miếu giai đoạn 2, cho thấy Thái Miếu có trước và đền An Sinh mô phỏng lại. Khác biệt lớn nhất giữa hai di tích là ở đền An Sinh có nền trang trí hoa chanh kích thước lớn, ngói lá, đồ trang trí hình rồng gần với trang trí cung điện Thăng Long và chùa tháp thời Trần. Vật liệu xây dựng, kết cấu, trang trí hoa chanh ở đền An Sinh tương tự như ở phủ đệ Đồng Sinh của An Sinh Vương Trần Liễu, chứng tỏ mối liên hệ chặt chẽ giữa đền An Sinh và phủ đệ Đồng Sinh.

Lễ hội truyền thống đền An Sinh năm 2023.

Lễ hội truyền thống đền An Sinh năm 2023.

Dấu tích phủ đệ của An Sinh Vương Trần Liễu được khảo cổ học phát hiện năm 2022 tại cánh đồng Sinh, nơi có địa hình bằng phẳng, đẹp và thuận tiện giao thông thủy bộ nhất của vùng Đông Triều xưa và nay. Đợt khai quật ban đầu (230m2) phát hiện 4 đơn nguyên kiến trúc với móng nền, 38 móng cột, cọc gỗ và 2 sân nền có cấu trúc trang trí kiểu hoa chanh tương tự như kiến trúc đền Sinh, ở kinh đô Thăng Long, hành đô Thiên Trường, lăng mộ Tam Đường..., kết cấu liên hoàn với nhau tạo thành một nhóm kiến trúc. Phía Đông Nam cánh đồng Sinh còn phát hiện nhiều vị trí khác có dấu tích kiến trúc, như gò đất xếp đá cuội, hồ bán nguyệt... Lăng mộ của An Sinh Vương cũng được xây tại đây với quy mô 65 mẫu. Hàng năm, từ ngày 8 tháng Giêng Âm lịch, tại đền An Sinh vẫn tổ chức lễ hội truyền thống kỷ niệm và tri ân công ơn dựng nước của triều Trần và An Sinh Vương Trần Liễu.

Thái lăng

Thái lăng: Xã An Sinh, TX Đông Triều, là Lăng vua Trần Anh Tông - vị vua thứ 4 của nhà Trần và phụ táng vợ Ngài là Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Thái hậu, là lăng hoàn đẹp nhất trong số các lăng ở đây.Từ đó các vua Trần đều chọn An Sinh là nơi xây dựng lăng tẩm của mình, vừa để tránh nạn phá hoại của giặc ngoại xâm, vừa thể hiện tư tưởng “lá rụng về cội”, về nơi chôn rau cắt rốn của mình.

Kết quả nghiên cứu khảo cổ học năm 2007-2008 đã làm xuất lộ toàn bộ mặt bằng kiến trúc Thái lăng rộng 3.267m2 trên 3 cấp nền với 24 công trình kiến trúc cùng nền móng, bó nền, chân cột, nền móng tường bao, sân, đường đi..., cho thấy mặt bằng tổng thể của Thái lăng hướng về phía Tây Nam và mô phỏng cấu trúc Mandala, thể hiện vũ trụ quan của Phật giáo. Ngoài các thành phần kiến trúc chính kể trên, ở Thái lăng còn có Thần đạo xây bằng cuội, tháp Phật giáo tráng men xanh dành cho Hoàng hậu Bảo Từ, lối đi lại trong lăng và nhiều vật liệu xây dựng (gạch ngói) và đồ sinh hoạt (đồ sứ, đồ sành...) có cùng niên đại.

Kết quả khai quật khảo cổ học cho thấy Thái lăng được xây dựng, tu sửa qua ba giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 như Thần đạo, sân hành lễ, chính tẩm và hành lang, 2 kiến trúc phụ ở hai phía Đông Tây, Hậu điện và tường vây. Giai đoạn 2 khu vực Hậu điện thay bằng tháp Phật giáo tráng men xanh, kiến trúc phụ hai bên thu lại. Giai đoạn 3 không xây tháp mà xây một kiến trúc nối liền với chính tẩm, bỏ 2 kiến trúc phụ, chỉ để lại một kiến trúc phụ phía Tây. Khu lăng mộ sau thế kỷ 14 bị hủy hoại dần nhưng các thời sau không xây dựng ở đây nữa mà chỉ thờ cúng tưởng niệm. Đến thời Nguyễn (thời vua Minh Mạng) lập bia đá. Hệ thống di vật ở di tích Thái lăng phong phú về loại hình và kiểu dáng, số lượng rất lớn, chất lượng cao, đặc biệt là các di vật thời Trần.

Am-chùa Ngọa Vân

Am-chùa Ngọa Vân: xã Bình Khê, TX Đông Triều. Di tích am-chùa Ngoạ Vân gồm một cụm di tích chùa tháp của nhiều thời kỳ khác nhau được xây dựng từ thời Phật Hoàng Trần Nhân Tông trên núi Bảo Đài (hay núi Vân Phong, núi Vây Rồng) được bắt đầu từ khu Tân Long qua phủ Am Trà - Đô Kiệu - Thông Đàn - Ngoạ Vân. Nằm trên sườn Nam núi Ngọa Vân, một bộ phận của núi Bảo Đài, lẫn trong rừng nguyên sinh quanh năm mây phủ, am Ngọa Vân là nơi tu hành, đắc đạo, nhập Niết-bàn của Phật Hoàng Trần Nhân Tông. Xá lị Phật Hoàng được để trong nhiều mộ tháp ở nhiều nơi trong đó có mộ tháp Ngoạ Vân. Các thế hệ nối tiếp đã xây thêm ở đây nhiều công trình Phật giáo phục vụ cho việc hành đạo, từ đó gọi là chùa Ngọa Vân.

1-chua-co-mot-quan-the-kien-truc-chua-thap-tren-day-yen-tu-vo-cung-uy-nghi.jpg

Trải suốt hơn 700 năm di tích am-chùa Ngoạ Vân hiện nay còn dấu tích của 2 khu: chùa Ngoạ Vân và am Ngoạ Vân. Khu vực nền chùa Ngoạ Vân nằm ở độ cao 590-600m. Chùa thời Trần đã bị huỷ hoại và được 106 xây dựng lớn vào thời Lê Trung Hưng . Cách chùa Ngoạ Vân 200m là am Ngoạ Vân, đáng chú ý nhất ở đây có đá Niết-bàn và Phật Hoàng tháp. Kết quả khai quật khảo cổ học đã phát hiện dấu tích am Ngoạ Vân thời Trần quy mô nhỏ được lợp bằng ngói mũi lá và một hộp xá lị bằng kim loại có thể là hộp xá lị của Phật Hoàng. Đá Niết-bàn là di tích độc đáo nhất, đánh dấu việc Việt hoá thành công Phật giáo Trúc Lâm được dân gian truyền tụng và được ghi vào sử sách cổ.

Chùa Hồ Thiên

Chùa Hồ Thiên: Xã Bình Khê, TX Đông Triều, là ngôi chùa do Đệ nhị Tổ Pháp Loa xây dựng, tiêu biểu cho thời kỳ hoằng dương của Phật giáo Trúc Lâm thời Trần. Đến thế kỷ 17-18, chùa được nhà nước Lê Trịnh mở rộng quy mô rất lớn. Đáng chú ý có cấu trúc và di tích tịnh thất với việc sử dụng cái mái đá tự nhiên làm nơi tu tập, minh chứng sống động cho phương pháp tu học của Phật giáo Trúc Lâm, đồng thời giúp giải mã hoặc làm sáng tỏ những di tích tương tự tại Yên Tử. Có thể nói tiền thân của các chùa một mái ở Yên Tử chính là những mái đá được sử dụng làm tịnh thất vốn là nơi tu thiền của các Thiền sư, sau đó biến đổi thành nơi thờ tự như thấy hiện nay. Việc chuyển đổi từ tịnh thất (nơi tu thiền) thành nơi thờ tự (có hành lễ) dẫn đến nhu cầu không gian mở rộng hơn. Để đáp ứng yêu cầu này người ta nới rộng nền và lợp thêm mái, từ đó xuất hiện kiểu chùa một mái. Đó là thí dụ điển hình cho việc khai thác và thích ứng với điều kiện tự nhiên trong xây dựng của Phật giáo Trúc Lâm.

Phế tích
chùa Đá Chồng

Phế tích chùa Đá Chồng: Xã Bình Khê, TX Đông Triều, ở khoảng giữa am-chùa Ngọa Vân và Hồ Thiên, cách am-chùa Ngoạ Vân khoảng 2km về phía Đông Nam, cách di tích chùa Hồ Thiên 4km về phía Tây. Đá Chồng một trong bốn trung tâm hình thành nên quần thể di tích Ngọa Vân (gồm am Mộc Cảo, Cửa Phủ (Phủ Am Trà), Đô Kiệu, Thông Đàn; Am chùa Ngọa Vân; Đá Chồng; Ba Bậc), nằm trong một hệ thống các di tích chùa, tháp và các công trình kiến trúc Phật giáo nối liền từ Am chùa Ngọa Vân đến chùa Hồ Thiên và Khu di tích danh thắng Yên Tử.  Di tích Đá Chồng được xây dựng thời Lê Trung Hưng (thế kỷ 17-18), tồn tại đến khoảng thế kỷ 19-20. Các di vật thời Trần tuy ít nhưng cho thấy chùa có thể đã hoạt động từ thời Trần. Kết quả khai quật khảo cổ năm 2017 đã làm xuất lộ cấu trúc tổng thể di tích, gồm khu vực chùa chính, tịnh thất, vườn tháp, lò nung gạch ngói cùng hàng ngàn hiện vật (với 34.017 mảnh ngói, 35 mảnh gạch. Đáng chú ý có 158 chân tượng đá, trong đó có 34 chân tượng hoàn toàn là các viên đá tự nhiên, 18 chân tượng sử dụng đá tại chỗ gia công), cho thấy chùa Đá Chồng gần như được làm hoàn toàn tại chỗ, phù hợp với cảnh quan tự nhiên…

Chùa - Am Ngọa Vân là một di tích quan trọng nằm trong vùng địa linh của Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử. Bởi nơi đây chính là điểm dừng chân cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Với những ý nghĩa lịch sử linh thiêng cùng vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ đã góp phần làm nên tầm vóc và giá trị trường tồn của Chùa – Am Ngọa Vân.

Những giá trị
vượt thời gian

Quần thể di tích Chùa - Am Ngọa Vân nằm trên núi cao “Bảo Đài sơn” ở phía Tây dãy núi Yên Tử - cánh cung Đông Triều, ngày nay thuộc thôn Tây Sơn, xã Bình Khê, TX Đông Triều. Chùa - Am Ngọa Vân là Thánh địa linh thiêng của Phật giáo Trúc Lâm - nơi Đức vua, Phật hoàng Trần Nhân Tông tu hành, hóa Phật. Ngọa Vân là một trong 14 điểm di tích quan trọng thuộc Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều được Thủ tướng Chính phủ xếp hạng di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt (tại Quyết định số 2383/QĐ-TTg ngày 09/12/2013). Đặc biệt nơi đây giữ được nhiều di vật từ thời Trần như hộp hoa sen bằng vàng mới được tìm thấy trong năm 2019 và được công nhận là bảo vật Quốc gia.

Giá trị của Ngọa Vân là tổng hòa của ba giá trị cốt lõi, nổi bật: tâm linh, thiên nhiên, văn hóa – lịch sử. Hơn 700 năm trước, Ngọa Vân, Hồ Thiên, Quỳnh Lâm là cả một quần thể kiến trúc chùa chiền huy hoàng gắn liền với thái ấp nhà Trần trải dài dưới chân núi, uy danh sánh ngang phật giáo Ấn Độ. Thời đó, nếu Thăng Long là kinh đô chính trị, thì Ngọa Vân được xem là kinh đô tư tưởng của nhà Trần. Bởi vì đạo Phật đã trở thành quốc đạo và đây cũng lại là nơi tu hành hóa Phật của vị hoàng đế anh minh, người từng đưa dân tộc hai lần dẹp tan binh lửa để bước tới một thời kỳ hưng thịnh nhất. Tên gọi Đông Triều, tức “Triều đình phía đông” – chỉ vùng đất cửa ngõ phía tây Quảng Ninh có lẽ cũng ra đời vào giai đoạn lịch sử này. Sự tích còn truyền, sử sách lưu danh.

Thượng tọa Thích Đạo Hiển, Phó trưởng Ban Trị sự,  Chánh thư ký Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh cho biết: “Ngọa Vân có giá trị đặc biệt, không nơi nào có. Đó là nơi được Phật hoàng Trần Nhân Tông về tu hành và chọn nơi đây là nơi hóa Phật vì đây chính là quê hương của nhà Trần”. Ngọa Vân, nơi ông vua hiển Phật. Đức Điều Ngự Giác Hoàng Trần Nhân Tông (1258 – 1308) làm vua ở tuổi 20. Và hai lần (1285 và 1288) đánh thắng giặc Nguyên Mông – đội quân hùng mạnh nhất thời ấy, Ngài thực hiện thành công các cuộc hòa giải, xây dựng đất nước Đại Việt thịnh vượng. Từ bỏ ngôi vua ở tuổi 35, Ngài về hành cung Vũ Lâm rồi lên Yên Tử tu khổ hạnh. Đến tháng 5/1307 Ngài chọn Am Ngọa Vân là nơi tĩnh thiền và hóa Phật. Từ chức vị cao sang của nhà vua, vua Trần trở về ngôi tôn quý của Nhà Phật.

Giáo sư, Tiến sĩ khoa học Vũ Minh Giang, Chủ tịch Hội đồng Chức danh Giáo sư liên ngành Lịch sử - Khảo cổ - Dân tộc học, Phó Chủ tịch Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia đánh giá: Trước đó đã có rất nhiều phái thiền hình thành, nhưng chịu ảnh hưởng của nhiều tông phái khác nhau. Nhưng đến Phật hoàng Trần Nhân Tông ông đã thống nhất đạo phật hình thành Phật giáo Trúc Lâm. Và đưa vào đó nhiều giá trị của văn hóa Việt và biến nó thành bệ đỡ tư tưởng và còn nhiều triết lý nhân sinh, hòa quang đồng Trần và đấy người ta gọi là Phật giáo nhập thế. Phật ở trong người và đánh thức lương tri chúng ta. Sau hơn 7 thế kỷ, tư tưởng của Phật Hoàng Trần Nhân Tông vẫn vẹn nguyên tính nhân văn và phù hợp với xu thế phát triển của đất nước hôm nay.

Phật Hoàng tháp và Đoan Nghiêm tháp.

Phật Hoàng tháp và Đoan Nghiêm tháp.

Di tích Ngọa Vân ngày nay là một quần thể chùa tháp lớn được bố trí thành 3 lớp trên núi Bảo Đài. Lớp thấp nhất là 15 di tích dưới chân núi như: Phủ Am Trà, Đô Kiệu, Thông Đàn, Đá Chồng, Ba Bậc… Những di tích này được kết nối với nhau bằng một con đường uốn lượn chạy dần lên đỉnh núi. Lớp thứ 2 của khu di tích là chùa Ngọa Vân Trung nằm ở sườn phía Nam của núi Bảo Đài. Lớp thứ 3, cũng là lớp cao nhất của di tích Ngọa Vân, là nơi được người xưa ca tụng: "Vạn cổ anh linh tự/ Tứ thời cảnh sắc tân" (Dịch thơ: "Muôn thuở chùa linh ứng/ Bốn mùa cảnh sắc tươi"). Đỉnh núi huyền ảo, quanh năm mây phủ này chính là nơi còn lưu giữ được nhiều dấu tích thiêng liêng liên quan đến những ngày tháng cuối cùng trong cuộc đời tu hành của Phật hoàng Trần Nhân Tông. Chùa Ngọa Vân Thượng, Am Ngọa Vân - nơi mà theo truyền thuyết, Phật hoàng Trần Nhân Tông đã nhập cõi niết bàn trên một tảng đá lớn trong dáng nằm sư tử. Phật hoàng Tháp - nơi lưu giữ một phần xá lị của Phật hoàng và Bàn Cờ tiên nằm trên đỉnh cao nhất, nhìn ra xung quanh là một vùng núi non sơn thủy hữu tình.

Không chỉ lưu giữ những dấu tích thiêng liêng về Phật hoàng Trần Nhân Tông, khu di tích Ngọa Vân còn là một nơi có khung cảnh thiên nhiên nguyên sơ và tuyệt đẹp. Tên gọi Ngọa Vân vốn là tên một đỉnh núi trên núi Bảo Đài quanh năm mây phủ. Ngọa Vân nghĩa là mây nằm. Do nằm trên vòng cung Đông Triều, phía Bắc được che chắn bởi dãy núi cao (Vây Rồng) nên khi hơi ẩm từ biển thổi vào bị núi Vây Rồng chặn lại ngưng tụ thành mây, khiến cho sườn núi phía Nam của núi Vây Rồng, trong đó có đỉnh Ngọa Vân quanh năm mây phủ, tạo nên khung cảnh mờ ảo, pha chút huyền bí. Vì vậy, nơi đây được gọi là Ngọa Vân. Am Ngọa Vân có nghĩa là am nằm trên mây. Đỉnh Ngọa Vân được đọc và viết theo âm Hán Việt là Vân Phong nên chùa Ngọa Vân, am Ngọa Vân còn được gọi là chùa Vân Phong, am Vân Phong.

Am Ngọa Vân.

Am Ngọa Vân.

Đến nay, thảm thực vật nơi đây gần như còn nguyên vẹn với rất nhiều loài thực vật và động vật quý hiếm. Hành hương lên đỉnh Ngọa Vân, người ta có dịp được chiêm ngưỡng những cây thông trăm tuổi, những rừng trúc bạt ngàn. Thắp một nén nhang chiêm bái Phật hoàng rồi bước ra sân tiền đường, cả một vùng núi non tuyệt đẹp nằm xen lẫn trong mây trắng mở ra trước mắt như một bức tranh thủy mặc. Đó là lúc con người ta như được trở về với tất cả những gì đẹp đẽ, nguyên sơ nhất trong tâm hồn. Cũng là món quà mà đất Phật Ngọa Vân ban tặng cho mỗi người.

"Đánh thức"
một vùng di sản

Từ chủ trương bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa tâm linh phục vụ phát triển du lịch bền vững của tỉnh, các di sản văn hóa triều Trần nói chung và Chùa – Am Ngọa Vân từng bước được đầu tư bài bản. Ngoại trừ Thái lăng được trùng tu từ nguồn kinh phí ngân sách nhà nước, còn lại hàng loạt các di tích tiếp theo như 2 ngôi tháp cổ tại khu vực Thông đàn, chùa Ngọa Vân, Thái miếu, chùa Trung Tiết, chùa Quỳnh Lâm, chùa Hồ Thiên… đều được TX Đông Triều phối hợp huy động nguồn lực xã hội hóa từ doanh nghiệp, các tổ chức, cá nhân để đầu tư xây dựng lên tới cả nghìn tỷ đồng. Trong đó, lớn nhất là Quỹ Thiện Tâm - Tập đoàn Vingroup công đức 500 tỷ đồng đầu tư trùng tu, tôn tạo các di tích nhà Trần, giai đoạn 2018-2020. Đến nay, nhiều di tích đã hoàn thành, đưa vào phục vụ nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh và trở thành các điểm du lịch của địa phương, như chùa Ngọa Vân, Thái Miếu, chùa Trung Tiết…

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hoá Phật tại am Ngoạ Vân (TX Đông Triều).

Tượng Phật hoàng Trần Nhân Tông hoá Phật tại am Ngoạ Vân (TX Đông Triều).

Năm 2014, sau khi được trùng tu xây dựng trên nền chùa cũ, Ngọa Vân Trung ngày nay là một ngôi chùa khang trang với lối kiến trúc kiểu chữ Nhị (mô phỏng kiến trúc của chùa Ngọa Vân được xây dựng từ thời Lê Trung Hưng) và được tạo thành bởi hai tòa chính: Tiền đường và Hậu đường. Chùa Ngọa Vân Trung cũng được xem là khu vực trung tâm của lễ hội xuân Ngọa Vân (diễn ra từ mùng 9 tháng Giêng đến hết tháng 3 Âm lịch hàng năm). Những nghi lễ quan trọng của lễ hội như lễ hội khai xuân, lễ cầu quốc thái dân an… đều được tổ chức tại chùa Ngọa Vân Trung.

Chùa – Am Ngọa Vân cũng là nơi nằm trong khu vực có trữ lượng khoáng sản lớn chủ yếu là than và nguồn vật liệu xây dựng. Nhiều điểm di tích trong các chuỗi di sản nằm rất gần các điểm khai thác than, gây ảnh hưởng đến cảnh quan môi trường cũng như gây ảnh hưởng gián tiếp tới di sản (trượt lở, xói mòn do mất lớp thực vật). Từ năm 2015, UBND tỉnh Quảng Ninh đã ra Quyết định số 4339/QĐ-UBND ngày 31/12/2015 về việc phê duyệt khu vực cấm hoạt động khoáng sản, khu vực tạm thời cấm hoạt động khoáng sản trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh, trong đó cấm toàn bộ các hoạt động khai khoáng tại khu vực bảo vệ chùa Ngọa Vân và một số khu vực lân cận.

Ông Phạm Xuân Hoàn, Trưởng ban quản lý khu di tích Quốc gia nhà Trần, TX Đông Triều cho biết: Trước đây, để lên với Ngọa Vân, cách duy nhất là men theo con đường mòn chỉ vừa một người đi, 1 bên là rừng trúc, mai, 1 bên là vực thẳm. Chặng đường gian nan để đến với các điểm di tích còn bị chia cắt bởi những con suối sâu, kéo dài. Tại hai khu di tích đặc biệt Quốc gia nhà Trần và khu di tích Yên Tử, UBND tỉnh Quảng Ninh đã đầu tư một tuyến đường men theo con đường hành hương của các vua Trần xưa. Giai đoạn 1, xây dựng tuyến đường 20km, kết nối từ Thượng Yên Công, Yên Tử sang đến ngã ba Dộc Lùn của Đông Triều. Đến giai đoạn 2 toàn tuyến trong khu du tích Ngọa Vân. Và hiện nay tuyến đường này đã hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân và du khách đến với 2 khu di tích này.

Đến nay, du khách hành hương về đây được chào đón ngay từ đường quốc lộ với Cổng khu di tích nhà Trần được thiết kế khang trang, to đẹp, trang trí tinh xảo. Con đường dẫn vào các di tích đều được trải bê tông rộng thênh thang, phẳng lỳ với những hàng cây xanh tốt trồng hai bên đường.

Chùa Ngọa Vân Thượng

Để tạo điều kiện tối đa cho người dân đến chiêm bái, hệ thống cáp treo cũng đã được đầu tư, giúp tiết kiệm thời gian và sức lực rất lớn cho du khách. Việc sử dụng hệ thống vận chuyển khách đã làm giảm thời gian khách đi lên núi, giảm ùn tắc giao thông khu vực trên núi. Việc xây dựng các tuyến cáp treo đã được các cơ quan chuyên môn thẩm định, hạn chế tối đa các tác động tới cảnh quan di sản đề cử. Các ga được bố trí cách xa khu vực chùa chính, có kiến trúc hài hòa. Việc đầu tư hệ thống dịch vụ này nhằm tạo ra một tổng thể dự án văn hóa tâm linh đẹp, với mục tiêu phát triển các di tích lên một tầm cao mới. Thêm nữa, tuyến đường Ngọa Vân - Hồ Thiên - Yên Tử đã thông tuyến, giúp việc kết nối giữa các di tích càng thêm thuận lợi.

Cùng với trùng tu di tích, mở rộng đường giao thông, đầu tư hệ thống dịch vụ, Đông Triều còn khôi phục một số lễ hội gắn với các di tích, vừa đáp ứng nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh vừa tạo thành sản phẩm du lịch thu hút du khách.

Hàng nghìn người dân và du khách gần xa về tham dự Khai hội xuân Ngọa Vân 2024.

Hàng nghìn người dân và du khách gần xa về tham dự Khai hội xuân Ngọa Vân 2024.

Cụ thể, lễ hội xuân Ngọa Vân mở hội lần đầu tiên gắn liền với việc khánh thành tu bổ, tôn tạo chùa Ngọa Vân vào năm 2016. Lễ hội Thái Miếu được tổ chức lần đầu vào mùa xuân năm 2019, sau khi công trình tu bổ, tôn tạo di tích khánh thành giai đoạn 1 vào đầu năm 2018. Các lễ hội này được tổ chức thường niên (trừ những trường hợp đặc biệt) với nhiều nghi lễ đặc sắc, độc đáo và phong phú về phần hội.

Trong thời gian tới, Ban Quản lý khu di tích Quốc gia nhà Trần sẽ tập trung bảo vệ tối đa các nhân tốc gốc của di tích, cũng như, tính xác thực tính toàn vẹn và an toàn của các phế tích khảo cổ học đã được phát hiện, tiến tới tổ chức các trưng bày tại chỗ. Bên cạnh đó, duy trì tình trạng của các công trình kiến trúc phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của người dân; bảo tồn tổng thể bố cục, kết cấu và đặc điểm cảnh quan ý nghĩa văn hóa của công trình được phát triển qua các thời kỳ khác nhau.

Đông Triều là vùng đất địa linh nhân kiệt, quê gốc của nhà Trần - một trong những triều đại phong kiến vang danh bậc nhất trong lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam. Nơi đây lưu lại cho thế hệ hôm nay nhiều di sản văn hóa đặc sắc, nhất là Khu di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần với kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng. Dù đã tồn tại qua nhiều thế kỷ, song những di sản văn hóa sống động này đã, đang và ngày càng được khẳng định giá trị, trở thành một phần quan trọng trong hồ sơ Quần thể di tích - danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc đang đề cử UNESCO công nhận là Di sản thế giới.

Tự hào vùng
“địa linh, nhân kiệt”

Thị xã Đông Triều là vùng đất có bề dày lịch sử và truyền thống cách mạng, vùng đất địa linh nhân kiệt. Với 128 di tích lịch sử văn hóa, cách mạng và danh thắng, đền chùa, nghè, miếu,… trong đó, có 1 khu di tích quốc gia đặc biệt, 7 di tích quốc gia và 22 di tích cấp tỉnh, 98 di tích kiểm kê… Đây là những di sản vô giá mà đất và người Đông Triều qua nhiều thế hệ đã bảo tồn và gìn giữ, tiêu biểu có thể kể đến như Am - Chùa Ngọa Vân - nơi vua Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành và nhập niết bàn, hóa Phật; đền An Sinh và lăng mộ các vua Trần đã được Nhà nước xếp hạng di tích cấp quốc gia từ năm 1962; các khu lăng mộ thờ 8 vị vua Trần được tọa lạc, an vị trên vùng đất thiêng của vòng cung Đông Triều; chùa Trung Tiết (hay còn gọi là chùa Tuyết), nơi thờ 2 vị tướng kiên trung tiết nghĩa của vua Trần Anh Tông; chùa Quỳnh Lâm được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của triều đại phong kiến thời nhà Trần, nổi tiếng với bức tượng Phật Di Lặc - là một trong “An Nam tứ đại khí”; đền Thái - nơi thờ tổ tiên của nhà Trần và còn nhiều những điểm di tích, thuộc quần thể di tích nhà Trần ở Đông Triều mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa, kiến trúc, tâm linh đặc sắc của một triều đại có 175 năm trị vì.

Gần 36.000 lượt du khách đến với Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần.

Gần 36.000 lượt du khách đến với Khu di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần.

Sau khi Thủ tướng Chính phủ ký quyết định quy hoạch tổng thể Khu di tích nhà Trần (tháng 2/2013) và quyết định công nhận là Khu di tích quốc gia đặc biệt (tháng 12/2013), các điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều đều được khoanh vùng, cắm mốc giới bảo vệ di tích.

Ông Phạm Xuân Hoàn, Trưởng BQL Khu di tích nhà Trần, cho biết: Đến nay 14 điểm di tích thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều đã được kiểm kê, phân loại thành hệ thống với tổng cộng hàng ngàn hiện vật, cổ vật với đa dạng các chất liệu từ đất nung, sành, gốm men, đá, kim loại, có niên đại trải dài từ thời Lý, Trần đến các thời kỳ sau được sưu tầm, thu thập trong quá trình khảo sát và khai quật khảo cổ học tại các di tích. Các hiện vật kể trên được trưng bày tại Nhà Trưng bày Di sản văn hóa nhà Trần và các Khu vực trưng bày hiện vật ngoài trời tại các di tích. Đặc biệt có 1 chậu gốm men hoa nâu trang trí 8 con rồng, là một trong những chậu gốm men lớn nhất được tìm thấy trên toàn quốc, được trưng bày tại Nhà trưng bày Di sản văn hóa nhà Trần (di tích đền An Sinh); 2 hiện vật được công nhận là Bảo vật quốc gia gồm hộp vàng Ngọa Vân - Yên Tử (được lập hồ sơ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2018) và thống gốm hoa nâu An Sinh (được lập hồ sơ công nhận là Bảo vật quốc gia năm 2021) đã được bàn giao và trưng bày tại Bảo tàng Quảng Ninh.

Thái Miếu - nơi thờ hoàng tộc nhà Trần, khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2018, có giá trị đầu tư 75 tỷ đồng. Ảnh chụp nội thất thờ tự tại Thái Miếu

Thái Miếu - nơi thờ hoàng tộc nhà Trần, khánh thành và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2018, có giá trị đầu tư 75 tỷ đồng. Ảnh chụp nội thất thờ tự tại Thái Miếu

Đông Triều vinh dự, tự hào khi Khu di tích Quốc gia đặc biệt Nhà Trần có 6 di tích gồm: Thái miếu nhà Trần, đền An Sinh, Am - chùa Ngọa Vân, di tích Đá Chồng, chùa Hồ Thiên và Thái lăng hiện đang đứng trước cơ hội được Tổ chức Khoa học, Giáo dục và Văn hoá của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận là Di sản thế giới liên tỉnh đầu tiên ở Việt Nam. Các di tích này nằm trong Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc thuộc địa bàn ba tỉnh: Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương.

Với những giá trị lịch sử đặc biệt, có thể khẳng định thị xã Đông Triều là miền “trầm tích” văn hóa với đa dạng, phong phú các công trình nhân sinh. Hệ thống di tích văn hóa đặc sắc nơi đây được lưu giữ, góp phần tái hiện một cách sinh động, rõ nét nhiều khía cạnh cuộc sống như tâm linh, tín ngưỡng, giao lưu văn hóa, giao thương... của nền văn hiến Đại Việt xưa.

Phát huy bền vững, hiệu quả giá trị di sản

Trong thời gian qua, công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa đối với Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều luôn được các cấp ủy, chính quyền và các ban, ngành, đoàn thể từ thị xã đến các xã, phường quan tâm triển khai thực hiện hiệu quả. Đặc biệt là trong việc triển khai thực hiện các quy hoạch, đề án, dự án tu bổ, tôn tạo, phát huy giá trị các di tích thuộc Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tại Đông Triều.

Những năm qua, TX Đông Triều đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và nhân dân huy động nguồn lực phát tâm để tu bổ tôn tạo Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần. 10/14 điểm di tích đã hoàn thiện công tác đầu tư tu bổ, tôn tạo với tổng số kinh phí gần 500 tỷ đồng từ nguồn xã hội hóa. Bên cạnh đó, hệ thống hạ tầng giao thông tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần được đầu tư tu bổ, như: Tuyến đường công vụ vận chuyển vật liệu lên chùa Hồ Thiên (25,32 tỷ đồng); Tuyến đường từ Đông Triều vào lăng mộ vua Trần (103,8 tỷ đồng); Tuyến đường hành hương từ khu vực chùa Hồ Thiên sang chùa Ngọa Vân (315,6 tỷ đồng)... Cùng với đó hệ thống điện chiếu sáng tại các khu di tích đã được đầu tư song song với việc hình thành các tuyến đường, tạo diện mạo mới cho khu di tích.

Tuyến đường từ ngã tư Đông Triều vào khu di tích lăng mộ các vua Trần được đầu tư xây dựng với chiều dài 15km, tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng.

Tuyến đường từ ngã tư Đông Triều vào khu di tích lăng mộ các vua Trần được đầu tư xây dựng với chiều dài 15km, tổng mức đầu tư 90 tỷ đồng.

Việc bảo tồn và phát huy các di sản văn hoá từ lễ hội truyền thống tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần cũng được thực hiện đúng định hướng. Các hoạt động trong lễ hội phong phú, lành mạnh, thực hành tín ngưỡng một cách văn minh, trang trọng, sinh động, đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng, tâm linh của người dân, đồng thời tạo nên những giá trị cố kết cộng đồng, hun đúc thuần phong mỹ tục, tạo ra lối sống, lối ứng xử hòa nhã, tình người.

Ông Nguyễn Ngọc Bằng, Phó Bí thư Thị ủy Đông Triều, khẳng định: Khi Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới sẽ là cơ hội để cộng đồng địa phương, người dân sống trong khu vực di sản sẽ có cơ hội để chuyển đổi cơ cấu kinh tế, sang lĩnh vực dịch vụ du lịch phục vụ du khách như bán hàng, dịch vụ ăn nghỉ, trông giữ phương tiện, vận chuyển đồ cho khách, bảo vệ... tăng nguồn thu nhập cho người dân, đồng thời nâng cao nhận thức trong cộng đồng về việc bảo tồn và phát huy Di sản bền vững. Nhận thức rõ niềm vinh dự, tự hào, gắn trách nhiệm với 6 Di tích của Đông Triều trong Quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi còn nhiều khó khăn, thách thức lớn, mỗi cán bộ, đảng viên, nhân dân Đông Triều đã, đang và sẽ nỗ lực hơn nữa trong việc bảo tồn, gìn giữ cũng như quảng bá cho 6 di tích trên địa bàn nói riêng và Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử đến với bạn bè trong và ngoài nước, thu hút các nhà đầu tư đến đầu tư phát huy giá trị của Di sản thế giới trong tương lai.

fa

Cáp treo Ngọa Vân và nhiều công trình được quan tâm đầu tư tạo thuận lợi cho du khách tham quan, khám phá giá trị Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. (nguồn: ngoavanyentu.vn)

Cáp treo Ngọa Vân và nhiều công trình được quan tâm đầu tư tạo thuận lợi cho du khách tham quan, khám phá giá trị Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều. (nguồn: ngoavanyentu.vn)

Để phục vụ cho công tác xây dựng, hoàn thiện Hồ sơ đề cử quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (Khu di tích nhà Trần có 6 điểm di tích được lựa chọn đề cử đưa vào hồ sơ), TX Đông Triều đã tích cực phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan cung cấp các tài liệu để xây dựng hồ sơ và chỉnh trang, tuyên truyền, giới thiệu các điểm di tích nhà Trần ở Đông Triều. BQL Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần tiến hành đẩy mạnh công tác chỉnh lý, số hóa hiện vật, cổ vật thành hệ thống tư liệu ảnh và các tư liệu văn bản khác; sưu tập sử liệu địa phương khu vực An Sinh thời Trần và các thời kỳ sau để phối hợp với công tác trưng bày hiện vật; tiến hành chỉnh trang Nhà trưng bày Di sản văn hóa nhà Trần tại di tích đền An Sinh, đưa vào trưng bày bổ sung tại Nhà trưng bày các hiện vật, cổ vật có chất liệu kim loại được tìm thấy tại các di tích nhà Trần (Phiên bản Hộp vàng Ngọa Vân-Yên Tử, phù điêu rồng trang trí trên chuông và mảnh chuông đồng, tiền xu các thời kỳ…); tiến hành quy hoạch, chỉnh trang Khu trưng bày hiện vật ngoài trời tại Thái miếu nhà Trần; tiến hành thay thế, lắp đặt bổ sung hàng trăm biển, bảng, pano có nội dung giới thiệu bằng 2 thứ tiếng (tiếng Việt, tiếng Anh) về các điểm di tích nhà Trần, về nền móng kiến trúc cổ, về di vật, cổ vật thời Trần và các thời kỳ sau, lắp đặt tại các di tích.

ff

Phát triển du lịch là cách làm được TX Đông Triều triển khai để quảng bá, phát huy giá trị Khu di tích nhà Trần. 

Phát triển du lịch là cách làm được TX Đông Triều triển khai để quảng bá, phát huy giá trị Khu di tích nhà Trần. 

Bên cạnh đó, BQL Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần thị xã đã tiến hành phối hợp với Bảo tàng tỉnh, Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn nghiên cứu, xây dựng phương án bảo quản, sắp xếp lại khu trưng bày hiện vật ngoài trời tại chùa Quỳnh Lâm, Thái miếu, chùa Hồ Thiên và các lăng mộ vua Trần. Ngoài ra, BQL Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần đã tích cực tham mưu, tăng cường công tác tuyên truyền vận động các tổ chức, cá nhân tham gia vào công tác quản lý, bảo tồn và phát huy giá trị các di tích thuộc Khu di tích nhà Trần.

Trong quá trình xây dựng Hồ sơ Yên Tử trình UNESCO công nhận là di sản thế giới (Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần có 6 điểm được đưa vào Hồ sơ Yên tử), TX Đông Triều đã chỉ đạo tổ chức rà soát, kiểm tra hệ thống pano, bảng biển tuyên truyền, biển chỉ dẫn, nội quy tham quan di tích, biển cảnh báo… theo khuyến cáo của chuyên gia UNESCO và hướng dẫn của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh. Đồng thời, thay thế, lắp đặt bổ sung hệ thống biển bảng song ngữ tại các điểm di tích được đưa vào Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc (bao gồm: đền An Sinh, Thái miếu, Thái lăng, Am-chùa Ngọa Vân, Đá Chồng, chùa Hồ Thiên), với tổng số 155 biển, bảng các loại theo hình thức thống nhất chung toàn Khu di tích. Ngoài ra tại các điểm di tích nhà Trần khác cũng được thay thế, lắp đặt bổ sung hệ thống pano tuyên truyền, hệ thống ticket hiện vật song ngữ (tiếng Việt, tiếng Anh) tại Nhà trưng bày di sản văn hóa nhà Trần…

f

Nhiều điểm di tích nhà Trần ở Đông Triều đã được tu bổ, tôn tạo trong những năm qua.

Nhiều điểm di tích nhà Trần ở Đông Triều đã được tu bổ, tôn tạo trong những năm qua.

Cùng với đó, công tác thông tin, tuyên truyền giới thiệu về giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của 6 điểm di tích nhà Trần tại Đông Triều được đưa vào Hồ sơ đề cử Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Vĩnh Nghiêm - Côn Sơn, Kiếp Bạc trình UNESCO công nhận là Di sản thế giới và việc 3 tỉnh Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương đang được TX Đông Triều tiếp tục đẩy mạnh triển khai qua nhiều hình thức như: Truyền thông qua mạng xã hội zalo, facebook, fanpage Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt nhà Trần ở Đông Triều; fanpage truyền hình thị xã Đông Triều; Website Di sản văn hóa nhà Trần ở Đông Triều… Song song với đó, tổ chức phát hành, đẩy mạnh truyền thông các ấn phẩm, tài liệu khoa học phục vụ công tác thông tin, quảng bá khu di tích lịch sử nhà Trần như: In 3.000 cuốn sách song ngữ (Tiếng Việt - Tiếng Anh) về khu di tích lịch sử nhà Trần; In 27.000 tờ gấp tuyên truyền về Khu Di tích nhà Trần;  xây dựng và phát hành 2.000 cuốn Bộ Tài liệu thuyết minh về Khu di tích nhà Trần tại Đông Triều; phát hành cuốn "Kỷ yếu Hội thảo khoa học Đông Triều với lịch sử nhà Trần", "Lý lịch Khu di tích nhà Trần ở Đông Triều", cuốn "Hồ sơ khoa học Khu di tích lịch sử cấp quốc gia đặc biệt".

Xã An Sinh, huyện Đông Triều tổ chức sinh hoạt chính trị, tư tưởng với chủ đề:"Tự hào và trách nhiệm khi các Di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần cùng quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới". Ảnh: Trung tâm Truyền thông và văn hóa - Thị xã Đông Triều

Xã An Sinh, huyện Đông Triều tổ chức sinh hoạt chính trị, tư tưởng với chủ đề:"Tự hào và trách nhiệm khi các Di tích quốc gia đặc biệt nhà Trần cùng quần thể di tích và danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới". Ảnh: Trung tâm Truyền thông và văn hóa - Thị xã Đông Triều

Đặc biệt, tháng 7 vừa qua, Thị ủy Đông Triều đã xây dựng kế hoạch, triển khai đợt sinh hoạt chính trị, tư tưởng với chủ đề: "Tự hào và trách nhiệm khi các di tích Quốc gia đặc biệt nhà Trần cùng quần thể Di tích và Danh thắng Yên Tử trở thành Di sản thế giới". Qua đây, góp phần khơi dậy niềm vinh dự, tự hào của nhân dân trong và ngoài thị xã về giá trị di tích, cũng như nâng cao ý thức, trách nhiệm chung của cộng đồng cùng chung tay gìn giữ, bảo tồn, phát huy, khai thác hiệu quả, bền vững các giá trị văn hóa, lịch sử 6 di tích của TX Đông Triều khi được công nhận là Di sản thế giới.

Các di sản nhà Trần sau quãng dài bị chôn vùi, che lấp bởi thời gian đã và đang được "hồi sinh", góp phần bảo tồn và khai thác các giá trị nội tại, lan tỏa những giá trị lịch sử của di tích đến với đông đảo du khách, theo đúng định hướng, tinh thần Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng là “Thúc đẩy chuyển các giá trị văn hóa thành giá trị phát triển, khai thác tối đa giá trị phát triển của các sản phẩm văn hóa trong bối cảnh nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế…”.

Đông Triều là vùng đất địa linh nhân kiệt, là quê gốc của nhà Trần, một trong những triều đại vang danh bậc nhất trong lịch sử dân tộc Việt Nam. Với nhà Trần - Đông Triều không chỉ là quê gốc mà còn là “Trung tâm văn hóa tâm linh tiêu biểu và đặc sắc”, với quần thể di tích kiến trúc tôn giáo, tín ngưỡng linh thiêng, kỳ bí, chứa đựng trong mình những giá trị tinh thần bất diệt. Tiêu biểu như: Am - Chùa Ngọa Vân - nơi Đức Phật Hoàng Trần Nhân Tông tu hành và nhập Niết Bàn - Hóa Phật; Đền An Sinh và lăng mộ các Vua Trần; Chùa Quỳnh Lâm - được coi là trường đại học Phật giáo đầu tiên của cả nước thời nhà Trần, nổi tiếng với bức tượng Phật Di Lặc - là một trong “An Nam tứ đại khí”; Đền Thái - nơi thờ tổ tiên của Nhà Trần...

Dù thời gian có thể làm mờ đi sự tinh xảo của những di tích kiến trúc thời Trần ở Đông Triều, nhưng trải qua hàng trăm năm, không gian linh thiêng ấy vẫn tỏa đầy sức sống, kể lại những câu chuyện lịch sử rực rỡ của một thời đại huy hoàng. Những di sản ấy đã trở thành một trong những biểu tượng của sự bền vững và vẻ đẹp kỳ diệu, tinh tế của văn hoá, lịch sử Việt Nam.

Ngày đăng: 19/8/2024
Chỉ đạo thực hiện: BÙI HƯƠNG
Tổ chức sản xuất: BẢO BÌNH
Thực hiện: HÀ CHI - LƯU LINH - HOÀNG QUỲNH - HÙNG SƠN
Trình bày: ĐỖ QUANG