Trên quan điểm mỗi người dân Quảng Ninh đều được hưởng thành quả tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau, những năm gần đây, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành hàng chục chính sách riêng có về an sinh xã hội, phúc lợi xã hội và ưu tiên bố trí nguồn lực lớn cho các vùng đặc biệt khó khăn, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách, yếu thế, từng bước thu hẹp khoảng cách phát triển giữa các địa phương, vùng miền.

Ưu tiên nguồn lực phát triển vùng khó

Trong suốt quá trình xây dựng và phát triển, tỉnh Quảng Ninh luôn dành sự quan tâm rất lớn cho công tác giảm nghèo, nhất là ở khu vực đồng bào DTTS. Đặc biệt, khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 1722/QĐ-TTg (ngày 2/9/2016) phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 và Quyết định số 1258/QĐ-TTg (ngày 21/8/2017) về việc ban hành Kế hoạch tổ chức thực hiện phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, tỉnh Quảng Ninh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo thực hiện các mục tiêu giảm nghèo theo từng giai đoạn, bảo đảm đồng bộ, thiết thực, khơi dậy ý chí vươn lên của người nghèo, huy động sự tham gia của cả cộng đồng giúp đỡ các hộ thoát nghèo bền vững.

Xã Bắc Sơn - một xã vùng cao biên giới của TP Móng Cái với gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021. 

Xã Bắc Sơn - một xã vùng cao biên giới của TP Móng Cái với gần 90% dân số là đồng bào dân tộc thiểu số đã được công nhận đạt chuẩn NTM kiểu mẫu năm 2021. 

Điểm nhấn trong các chính sách nổi bật của Quảng Ninh thời gian gần đây là Nghị quyết số 06-NQ/TU (ngày 17/5/2021) về phát triển bền vững kinh tế - xã hội gắn với bảo đảm vững chắc quốc phòng - an ninh ở các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030. Đây là nghị quyết của "Ý Đảng - Lòng dân", thể hiện sự quan tâm của Đảng đối với lợi ích phát triển chung của tỉnh và nhu cầu hưởng thụ của nhân dân. Nghị quyết phù hợp với bối cảnh hiện tại, khi Quảng Ninh đang bước vào giai đoạn phát triển mới theo định hướng là tỉnh dịch vụ, công nghiệp hiện đại, động lực tăng trưởng kinh tế bền vững của khu vực phía Bắc.

Nghị quyết đặt mục tiêu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo của tỉnh tăng tối thiểu 2 lần so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm trung bình 3%/năm; không còn nhà tạm, nhà ở dột nát; cơ bản giải quyết dứt điểm nhu cầu cấp thiết về nhà ở, đất ở, đất sản xuất, nước sinh hoạt cho đồng bào DTTS nghèo, gia cảnh khó khăn...

Bắt tay thực hiện, cả hệ thống chính trị của Quảng Ninh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo cụ thể hóa các giải pháp, chương trình hành động gắn với các chương trình mục tiêu quốc gia đang triển khai trên địa bàn. Từ đó, xuất hiện nhiều cách làm mới, mô hình tiêu biểu phù hợp với từng vùng, địa bàn cụ thể. Đến nay, tinh thần Nghị quyết 06 đã thể hiện sâu sắc tầm nhìn chiến lược, sự phù hợp với đặc thù, yêu cầu, tình hình thực tiễn của tỉnh, đem lại hiệu quả rất rõ nét.

Tỉnh đã hoàn thành và vượt hầu hết các mục tiêu, chỉ tiêu quan trọng, cốt lõi trong nghị quyết; hoàn thành các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2021-2025, như: Xây dựng NTM ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã; giảm nghèo bền vững theo tiêu chí quốc gia của giai đoạn 2021-2025, về đích trước 2 năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của tỉnh được đầu tư lớn, cơ bản đồng bộ, hiện đại, kết nối liên thông tổng thể, tạo ra động lực và các điều kiện mới, thuận lợi cho phát triển của vùng khó.

Đặc biệt, từ đầu năm 2023 đến nay, Quảng Ninh triển khai mạnh mẽ các chính sách hỗ trợ giáo dục vùng cao, vùng khó. Hơn 2.100 lượt học sinh đã được hỗ trợ học phí (tổng kinh phí trên 10 tỷ đồng); 3.171 lượt trẻ mầm non được hỗ trợ tiền ăn 2 buổi/ngày (gần 3 tỷ đồng)…

Được giao đất, giao rừng, bà con vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Được giao đất, giao rừng, bà con vùng dân tộc thiểu số, miền núi đã yên tâm phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo.

Ông Lý Tài Thông (nguời có uy tín tiêu biểu xã Tân Dân, TP Hạ Long), chia sẻ: Những nguồn lực đầu tư, hỗ trợ đúng cách của tỉnh trong những năm gần đây, từ Chương trình 135, Đề án 196, xây dựng NTM, đặc biệt phải kể đến Nghị quyết 06-NQ/TU đã khẳng định tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, lo lắng trước những khó khăn của người dân vùng đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo. Các chủ trương, nghị quyết đi vào cuộc sống đã đáp ứng mong mỏi, kỳ vọng của toàn Đảng, toàn dân, là động lực khuyến khích đồng bào DTTS vươn lên chung tay thi đua phát triển sản xuất, không còn trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước như trước kia. Bà con ngày càng tin tưởng, kỳ vọng vào những quyết sách của Đảng, của chính quyền và quyết tâm chung tay, đồng lòng thực hiện.

Quảng Ninh đã hiện thực hóa mục tiêu thu hẹp chênh lệch giàu nghèo và chênh lệch vùng miền khi thu nhập bình quân đầu người tại các xã, thị trấn vùng khó đạt trên 73 triệu đồng/năm, cao hơn khoảng 1,23 lần so với thu nhập bình quân đầu người trong cả nước. 100% hộ dân các xã thuộc khu vực vùng khó được dùng điện lưới quốc gia; 100% hộ đã có nhà ở kiên cố; 100% hộ đồng bào được xem truyền hình, được nghe đài phát thanh...

Những kết quả nổi bật trên là minh chứng khách quan, sinh động cho việc cụ thể hóa các mục tiêu, quan điểm, khâu đột phá tại Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, nhất là phương châm lấy người dân làm trung tâm, mọi người dân đều được thụ hưởng thành quả phát triển, tăng trưởng bao trùm, không để ai bị bỏ lại phía sau. Điều này, đã tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, quan trọng về diện mạo ở vùng khó; tạo nền tảng, cơ sở vững chắc để tỉnh tiếp tục lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai, tổ chức thực hiện và hoàn thành thắng lợi toàn bộ các mục tiêu, nhiệm vụ đề ra trong cả giai đoạn.

Khơi dậy ý chí tự lực, tự cường

Hơn 10 năm kiên trì giảm nghèo vùng đồng bào DTTS, miền núi, hải đảo, tỉnh Quảng Ninh đã huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức cho người dân về tinh thần phát huy nội lực, tự lực, tự cường, khắc phục khó khăn, từng bước xóa bỏ tư tưởng trông chờ, ỷ lại vào Nhà nước.

Đặc biệt, tỉnh đã chỉ đạo triển khai những giải pháp hữu hiệu trên các phương diện, tạo động lực cho nhân dân vùng khó vươn lên thoát nghèo, như: Hỗ trợ nhà ở; tạo sinh kế thông qua các mô hình kinh tế hiệu quả, nhất là các mô hình phát triển kinh tế lâm nghiệp, phát triển sản phẩm OCOP, du lịch cộng đồng từ bản sắc văn hóa của địa phương; vốn vay tín dụng ưu đãi...

Với số vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách, gia đình anh Hàn Văn Toàn đã đầu tư trồng rừng, nuôi dê cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm.

Với số vốn vay 50 triệu đồng từ Ngân hàng chính sách, gia đình anh Hàn Văn Toàn đã đầu tư trồng rừng, nuôi dê cho thu nhập 200-300 triệu đồng/năm.

Để đảm bảo công tác giảm nghèo bền vững, Quảng Ninh luôn kiên trì với phương châm chuyển từ “cho không” sang “cho vay”, vừa tạo nguồn lực cho người dân phát triển sản xuất, vừa nâng cao ý thức trách nhiệm của nhân dân trong việc sử dụng vốn. Giai đoạn 2021-2023, tỉnh bố trí 240 tỷ đồng từ ngân sách ủy thác qua Ngân hàng CSXH thực hiện cho vay tại 65 xã, thị trấn vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo. Toàn tỉnh đã có 3.475 lượt người dân tại các xã, thôn, bản vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo vay vốn với số tiền 258,5 tỷ đồng để phát triển sản xuất, kinh doanh. Tổng nguồn ủy thác tại địa phương đến nay đạt 1.025 tỷ đồng, đưa Quảng Ninh trở thành địa phương top đầu cả nước về nguồn vốn ủy thác.

Tỉnh cũng chỉ đạo Sở NN&PTNT thực hiện các mục tiêu về phát triển sản xuất, kinh doanh, nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư; tổ chức lại sản xuất vùng DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo, gia tăng giá trị sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, phát triển nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ gắn với phát triển du lịch cộng đồng, du lịch sinh thái, du lịch văn hóa...

Từ đây, nỗ lực thoát nghèo không chỉ là ý chí của các cấp ủy đảng, chính quyền địa phương, mà đã trở thành suy nghĩ của từng hộ nghèo trên địa bàn tỉnh. Tại các địa phương trong toàn tỉnh hiện nay không khó để tìm thấy những mô hình phát triển kinh tế hiệu quả của đồng bào DTTS. Họ không thụ động trông chờ, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà năng động, sáng tạo, chủ động tìm sinh kế mới phù hợp với điều kiện khí hậu, thổ nhưỡng của địa phương vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Mô hình nuôi dúi của anh Triệu Kim Vày (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng năm. Ảnh: Cao Quỳnh

Mô hình nuôi dúi của anh Triệu Kim Vày (xã Đồn Đạc, huyện Ba Chẽ) cho thu nhập từ 200 - 300 triệu đồng năm. Ảnh: Cao Quỳnh

Từng là một trong những địa phương khó khăn của huyện Ba Chẽ, xã Đồn Đạc nay đã mang diện mạo mới. Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Đồn Đạc Lưu Minh Thắng cho biết: Được sự quan tâm, hỗ trợ của Trung ương, của tỉnh về thực hiện giảm nghèo bền vững, Đồn Đạc đã rà soát, huy động để hỗ trợ nhân dân, nhất là các hộ nghèo chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế, tập trung phát triển mô hình trồng cây gỗ lớn, cây dược liệu để tạo ra sinh kế bền vững. Nhiều người dân đã mạnh dạn vay vốn, phát triển mô hình lâm nghiệp, vươn lên thoát nghèo. Đến nay, Đồn Đạc không còn hộ nghèo theo tiêu chí của Trung ương, thu nhập bình quân đầu người năm 2023 đạt trên 64 triệu đồng, tăng 18 triệu đồng so với năm 2020.

Gia đình anh Đặng A Năm (thôn Tàu Tiên, xã Đồn Đạc) hơn chục năm trước là hộ nghèo trên địa bàn, đời sống vô cùng khó khăn, chỉ lo cơm gạo từng ngày, nhưng nay không chỉ thoát nghèo, anh Năm còn vươn lên làm giàu từ mô hình trồng cây gỗ lớn. Vạt đồi trồng giổi hơn 1ha xanh mướt tầm mắt của gia đình anh Năm đã chứng minh cho tinh thần vươn lên mạnh mẽ của người dân nơi đây.

Anh Năm bộc bạch: Trước đây, vợ chồng tôi không có công việc ổn định, ai thuê gì làm nấy, chủ yếu là trông chờ vào trợ cấp của Nhà nước cho hộ nghèo. Từ sự động viên, hỗ trợ của các cấp chính quyền, cùng với việc thấy nhiều bà con thoát được cái nghèo, chúng tôi nghĩ mình phải thay đổi tư duy, phải tự lực vươn lên. Bởi vậy, khi được xã giao đất để trồng cây gỗ lớn, gia đình tôi đã đăng ký và đến nay đã trồng được hơn 1ha cây giổi kết hợp chăn nuôi nhỏ. Kinh tế gia đình đã ổn định hơn, thu nhập mỗi năm đạt khoảng 60 triệu đồng, gia đình tôi đã thoát được nghèo.

Bà con người Dao Thanh Y tham gia trồng 12.000 cây lim xanh với diện tích 12ha tại thôn Làng Han, xã Đồn Đạc (3-2024). Ảnh: Trung tâm TT-VH Ba Chẽ

Bà con người Dao Thanh Y tham gia trồng 12.000 cây lim xanh với diện tích 12ha tại thôn Làng Han, xã Đồn Đạc (3-2024). Ảnh: Trung tâm TT-VH Ba Chẽ

Cùng với tạo nguồn lực cho người dân phát triển sản xuất, tỉnh cũng quan tâm phát triển giáo dục đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Trong đó, trọng tâm là đào tạo nghề cho lao động trẻ để chuyển đổi cơ cấu lao động, cơ cấu nông thôn gắn với tạo việc làm, tăng thu nhập; xây dựng đội ngũ CBCCVC là người DTTS và người công tác tại vùng đồng bào DTTS, miền núi, biên giới, hải đảo đủ phẩm chất, năng lực, uy tín, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ phát triển KT-XH.

Là cán bộ người DTTS ở xã biên giới, Phó Chủ tịch UBND xã Hải Sơn (TP Móng Cái) Sẻn Thị Hỷ luôn trăn trở làm như thế nào để thay đổi được nhận thức của đồng bào DTTS, giúp bà con thoát được tư tưởng trông chờ, ỷ lại, vươn lên thoát nghèo. Chị Hỷ tâm sự: Thay đổi quá trình nhận thức, tư duy sinh hoạt, phát triển sản xuất của người dân là cả một quá trình dài, đòi hỏi mỗi cán bộ địa phương phải sâu sát, hiểu người dân cần gì, mong muốn gì. Bởi vậy, cấp ủy, chính quyền địa phương đã tập trung nghiên cứu, đưa ra giải pháp chiều sâu, lâu dài, vận động, tuyên truyền, thay đổi tư duy thoát nghèo cho người dân; xác định nhu cầu hỗ trợ của từng hộ để phát triển sản xuất và từng bước thoát nghèo; huy động sự tham gia của hộ nghèo trong việc xây dựng kế hoạch thực hiện các dự án, chính sách giảm nghèo để mỗi chương trình triển khai thật sự ý nghĩa, hiệu quả lâu dài.

Chắc hẳn, những ai khi trở lại thăm địa bàn miền núi, vùng sâu, vùng xa của tỉnh hôm nay sẽ cảm nhận rõ sự thay đổi nhanh chóng về diện mạo cũng như đời sống của người dân nơi đây ngày càng được nâng lên. Những con đường đất năm xưa, nay không còn nữa mà thay vào đó là những tuyến đường liên thôn, liên xã đuọc bê tông rộng đẹp; những ngôi trường mới, những ngôi nhà khang trang hay những mô hình kinh tế trù phú hiện hữu… Những hình ảnh sinh động đó thêm một lần nữa khẳng định những chủ trương đúng đắn, sự quan tâm lớn của Trung ương và của tỉnh bằng những cơ chế, chính sách dành cho đồng bào DTTS, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, vùng khó khăn của tỉnh. 

Hoài Anh-Trúc Linh
Trình bày: Tất Đạt